Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam viết Thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về trách vụ Nhân quyền của một quốc gia thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ

Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam viết Thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về trách vụ Nhân quyền của một quốc gia thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ

Download PDF

PARIS, ngày 26.10.2007 (QUÊ MẸ) – Nhắc đến những cuộc đàn áp dữ dội vừa qua đối với các nhà bất đồng chính kiến và tập thể Dân oan, trong bức Thư ngỏ của hai Tổ chức Nhân quyền Quốc tế ký chung gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bà Souhayr Belhassen, Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, và ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, nhắc nhở Thủ tướng Dũng cần sử dụng những biện pháp cụ thể để làm tròn trách vụ quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền. Thư ngỏ này viết ra sau khi Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Là ứng viên duy nhất tại Châu Á, CHXHCNVN được bầu làm thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ hôm 16.10 tại Đại hồi đồng Thường niên LHQ ở New York. Việt Nam sẽ bắt đầu công tác tại Hội đồng Bảo an LHQ kể từ ngày mồng 1 tháng giêng 2008 và trong thời hạn hai năm.

Nhấn mạnh tới “trách vụ đặc biệt” của các thành viên Hội đồng Bảo an để thực hiện các mục tiêu của Tổ chức LHQ, mà tôn trọng nhân quyền là một trong những điều quan trọng nhất, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam lên tiếng tố cáo qua Thư ngỏ cung cách “xem các hành xử ôn hòa cho mục tiêu nhân quyền là phạm pháp” tại Việt Nam.

Một ví dụ mà Bà Belhassen và ông Ái đưa ra là trường hợp Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN, là Giáo hội lịch sử và độc lập bị ngăn cấm hoạt động), bị giam cầm và quản chế không xét xử từ 26 năm qua. Hòa thượng hiện bị quản chế tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon và đang là nạn nhân của một chiến dịch vu cáo trên các cơ quan truyền thông đại chúng và báo chí. Vì từ trung tuần tháng 7 vừa qua Hòa thượng lên tiếng bênh vực cho tập thể Dân oan đi biểu tình khiếu kiện đòi lại đất đai, tài sản bị cướp do nạn tham nhũng, lạm quyền của Nhà nước.

Đầu tháng 10.2007, trên một trăm tổ chức nhân quyền và dân chủ nổi danh thế giới, cùng các vị dân biểu và nhân vật quốc tế từ 30 quốc gia Á châu, Âu châu, Mỹ châu và Phi châu đã ký tên trong bức Thư Ngỏ gửi các quốc gia thành viên LHQ tại Đại hội đồng LHQ yêu cầu không bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội đồng Bảo An.

Dưới đây là toàn văn Thư Ngỏ của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng :

THƯ NGỎ

về việc Việt Nam làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ

Kính gửi ông Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng CHXHCNVN

Paris, ngày 24.10.2007

Thưa Thủ tướng,

Nhân cơ hội Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và thành viên của Liên Đoàn là Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kêu gọi Thủ tướng có những biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm sự tôn trọng nghiêm chỉnh những điều chính phủ của ông cam kết với quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền.

Hội đồng Bảo an LHQ là một thiết chế lừng danh, một trong những cơ cấu chủ yếu của LHQ. Hiến chương LHQ (Điều 23) và những Qui tắc về Thủ tục Đại hội đồng (Điều 143) định rõ tiêu chuẩn bầu các thành viên vào Hội đồng Bảo an là : “các Thành viên phải đóng góp cho LHQ giữ vững hòa bình và an ninh thế giới cũng như những mục tiêu khác của Tổ chức…” Một trong những nghĩa vụ cơ bản của các quốc gia thành viên LHQ là duy trì những nguyên tắc chứa đựng trong Hiến chương LHQ, và tuân thủ những tiêu chuẩn và định mức nhân quyền quốc tế. Những quốc gia nào mong muốn làm thành viên trong Hội đồng Bảo an LHQ phải có trách nhiệm đặc biệt để hoàn thành các nghĩa vụ này.

Trong khi Việt Nam tham gia ký kết năm 1982 Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về Các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR), nhưng Việt Nam vẫn không tuân thủ các điều khoản trong hai công ước này. Thực tế, là Việt Nam đã ngưng cung cấp phúc trình định kỳ của Công ước quốc tế về Các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa từ năm 1993 (theo lẽ phải phúc trình mỗi 2 năm một lần, Quê Mẹ chú) và nhà cầm quyền bỏ qua các lời thỉnh cầu của các vị Báo cáo viên đặc nhiệm đến thăm Việt Nam kể từ vị Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm tự do tôn giáo và tín ngưỡng năm 1998 đến điều tra tại chỗ và đã phê phán Việt Nam. Thời đó Việt Nam loan báo rằng sẽ không bao giờ “chấp nhận bất cứ cá nhân hay tổ chức nào đến Việt Nam điều tra về tự do tôn giáo hay nhân quyền”, bằng cách đó là đã vi phạm các nghĩa vụ quốc tế.

Mặc dù những khuyến cáo của Ủy ban Nhân quyền LHQ (2002), của Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm tự do tôn giáo (1998), và của Tổ Hành động chống bắt bớ trái phép của LHQ (1994), Việt Nam vẫn tiếp tục giam giữ những công dân dưới điều luật bất minh gọi là “an ninh quốc gia” trong Bộ luật Hình sự, xem như phạm pháp mọi hành xử ôn hòa cho nhân quyền. Các điểu luật này không phân biệt rõ giữa các hành động có tính khủng bố với những hành xử ôn hòa của tự do ngôn luận. Những tội phạm như “gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo” (điều 87) hay “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” (điều 258) bị phạt tù nặng nề, trong khi đó bảy điều luật xâm phạm “an ninh quốc gia” dẫn tới án tử hình.

Năm 2007, Việt Nam nại cớ các điều khoản “an ninh quốc gia” để bắt giam một số các nhà hoạt động cho nhân quyền, tín đồ tôn giáo, nhà hoạt động dân chủ, nhà ly khai sử dụng Internet, ký giả và các nhà hoạt động công đoàn, chỉ vì họ lưu hành các kiến nghị đòi hỏi dân chủ và kêu gọi tôn trọng nhân quyền. Thông qua một loạt phiên tòa xét xử bất công giữa tháng 3 và tháng 5 năm nay, 2007, hai mươi nhà hoạt động cho dân chủ bị kết án tổng số tám mươi năm tù giam và ba mươi năm quản chế vì những hành động ôn hòa của họ.

Quần chúng nông dân cũng bị công an đàn áp, bắt bớ và giam cầm vì chống đối những viên chức lạm quyền, tham nhũng hoặc việc Nhà nước cướp đất của họ. Được gọi qua danh xưng “Dân Oan”, hàng trăm nghìn người nông dân bị Nhà nước trục xuất khỏi nơi cư trú với số tiền bồi thường chết đói hoặc chẳng bồi thường gì cả, họ đã đi khiếu kiện và tập họp biểu tình bên ngoài các công sở.

Tháng 7.2007, nhà Phật giáo ly khai nổi danh, Hòa thượng Thích Quảng Độ, người lãnh đạo thứ hai Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và được đề cử làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm 2007, đã phát động phong trào cứu trợ Dân Oan, đến thăm và hậu thuẫn họ tại nơi tập họp biểu tình ở thành phố Hồ Chí Minh. Từ biến cố đó, chính phủ của ông đã mở chiến dịch độc hại vu khống Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ trên các cơ quan truyền thông do Nhà nước kiểm soát.

Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam xin kêu gọi Thủ tướng về những vấn đề này nhân dịp Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng Bảo an. Chúng tôi thỉnh cầu Nhà cầm quyền Việt Nam có một lời cam đoan chính thức nhằm cải thiện hồ sơ nhân quyền, đặc biệt thực thi những hành động sau đây :

l Trả tự do tức khắc cho tất cả những ai bị giam giữ vì hành xử ôn hòa các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do lập hội ;

l Chấm dứt đàn áp các thành viên thuộc các cộng đồng tôn giáo chưa được thừa nhận, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, dân tộc người Thượng Tin Lành, tín hữu các Giáo hội Tin lành tại gia và Hòa Hảo ; phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ;

l Thi hành các khuyến cáo của Ủy ban Nhân quyền LHQ (tháng 7.2002) bằng cách sửa lại các điều luật về “an ninh quốc gia” trong Bộ luật Hình sự và hủy bỏ mọi pháp luật kiềm chế các hoạt động nhân quyền ; hủy bỏ tức khắc Pháp lệnh số 44 về quản chế hành chính cho phép công an giam giữ những nhà ly khai đến hai năm mà không thông qua tòa án hoặc cho phép đưa họ vào các bệnh viện tâm thần ;

l Mở rộng lời mời thường trực các cơ cấu nhân quyền đặc biệt của LHQ.

Chúng tôi cám ơn sự lưu tâm của Thủ tướng.
Trân trọng.

Souhayr Belhassen
Chủ tịch
Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền
Võ Văn Ái
Chủ tịch
Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *