Home / Diễn Đàn / Góp ý kiến / Cảm Nghĩ Về Lời Đề Nghị của HT Thích Quảng Độ

Cảm Nghĩ Về Lời Đề Nghị của HT Thích Quảng Độ

Download PDF

Những dư âm ngọt ngào của Tết Ất Dậu đã đi qua, mỗi người trong chúng ta đã phải trở về với công việc thường nhật của mình. Năm Ất Dậu đã mở ra cho chúng ta nhiều hy vọng về một tương lai tốt đẹp. Một trong những sự kiện được cộng đồng người Việt nam khắp nơi chăm chú theo dõi và là một món quà Xuân đầy í nghĩa đó là lời kêu gọi DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN cho Việt nam trong năm 2005, qua lá thư chúc Xuân của một Vị Đại Hòa Thượng, tức Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Hòa Thượng Thích Quảng Độ là một khuôn mặt quen thuộc và gần gũi không những với những người Phật tử mà còn nổi tiếng trong cộng đồng Việt nam trong nước và Hải ngoại, với cả dư luận tiến bộ khắp Thế giới. Hòa Thượng được biết đến và ghi nhận như là một biểu tượng bất khuất trong việc đấu tranh cho Tự do Tôn giáo tại Việt nam. Ngoài ra Hòa thượng còn là người vận động không mệt mỏi cho nền Tự do và Dân chủ tại Quê nhà.

Mặc dù đã biết và nghe tên tuổi của Hòa Thượng đã lâu nhưng qua lá thư Chúc Xuân của Hòa Thượng cũng như hai phần trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do do phóng viên Ỷ Lan thực hiện, tôi thật tình khâm phục và kinh ngạc về kiến thức uyên bác của Hòa Thượng. Gần 30 năm nay, Hòa thượng sống trong cảnh bị quản thúc, theo dõi, nhưng hiểu biết của Ngài về cuộc sống hiện tại của người Dân Việt nam, về chính quyền cộng sản cũng như tình hình Thế giới thật là đầy đủ, khách quan và chính xác.

Lời kêu gọi của Hòa Thượng đã được tất cả những người Việt Nam có lương tâm và yêu nước nồng nhiệt đón mừng. Từ trong nước, hai nhà Dân chủ hàng đầu của Việt nam là Nhà Văn Hoàng Tiến và giáo sư Hoàng Minh Chính đã lên tiếng hoan nghênh và ủng hộ lá thư của Hòa Thượng. Ở Hải ngoại cũng vậy, nhiều nhà trí thức cũng bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình.

Hai mươi năm xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Miền Bắc và 30 năm sau ngày thống nhất Đất nước, đảng cộng sản Việt nam vẫn còn loay hoay với một thứ chủ nghĩa và học thuyết đã bị loài người từ bỏ đã lâu, đó là học thuyết và chủ nghĩa Mác-Lênin, sau này còn ‘chế’ thêm hai món nữa là ‘tư tưởng Hồ chí Minh’‘nền kinh tế thị trường định hướng XHCN’. Rõ ràng, chủ nghĩa cộng sản và học thuyết Mác-Lênin với nền tảng của nó là đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản đã không mang lại hạnh phúc và no ấm cho nhân dân , ngược lại nó chính là nguyên nhân gây ra nhiều khổ đau và nhục nhã cho dân tộc ta, một Dân tộc có lịch sử nghìn năm văn hiến. Con đường duy nhất để phục hưng Đất nước đó là ‘Dân chủ và Đa nguyên’. Ba mươi năm qua, biết bao nhiêu người Việt nam, bao nhiêu là tổ chức Chính trị… ưu tư với vận mệnh của Tổ quốc đã đi tìm cho mình một con đường, con đường đó đã có, đúng như lời của Ngài ‘Chúng tôi suy nghĩ từ bản thân qua hàng chục năm lưu đày, tù ngục và quản chế, thì thấy không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước’. Cho dù giữa các lực lượng dân chủ vẫn còn nhiều khác biệt, nhưng cơ bản đã thống nhất trên một lập trường chung : Dân Chủ Đa Nguyên và đấu tranh bằng con đường Chính nghĩa, Bất bạo động. Ngài khẳng định rằng ‘Xu thế địa cầu ngày nay, khắp năm châu nổi lên ý lực hợp tác, chia sẻ, đối thoại, qua phong trào Toàn cầu hóa Kinh tế và Toàn cầu hóa Dân chủ’. Đó là Chân lí, là Thời đại, là khát vọng ngàn đời của mọi Dân tộc, mọi Con người.

Vẫn đang còn một Tâm lí đang ảnh hưởng và ngự trị mạnh mẽ trong suy nghĩ của nhiều người Việt nam, kể cả những người có trình độ và hiểu biết đó là ‘tôi không làm chính trị’, ‘tôi không thích, không quan tâm đến chính trị’, ‘chính trị là một cái gì đó bẩn thỉu, xấu xa’…Tâm lí này hoàn toàn bị xua tan nếu chúng ta nghe những lời của Ngài Thích Quảng Độ ‘Ðúng nghĩa thì chính trị không phải là một cái xấu. Theo quan niệm của Ðức Khổng Tử thì ngài nói chính giả chính giã. Người làm chính trị là những người sửa sang việc nước, cái gì bất công thì sửa lại cho công bằng, cái gì cong queo thì uốn cho nó thẳng thắn, thì chính trị ấy là chính trị đạo đức’. Đúng là như vậy, bản thân chính trị không có gì xấu, ngược lại đó là những việc làm quan trọng và cần thiết trong bất cứ một xã hội nào, đó là những việc làm cao cả và vinh quang. Tiếc rằng những người cộng sản đã làm hoen ố hình ảnh tốt đẹp này. Giờ đây, cứ mỗi khi nghe nói đến chính trị, người ta nghĩ ngay đến cái gọi là chính trị chế độ cộng sản đang thi hành . Và tất thảy đều rùng mình, kinh sợ vì đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh tranh dành quyền bính, vu khống, hãm hại, tiêu diệt lẫn nhau giữa những người mà người ta gọi nhau bằng những cái tên rất mỹ miều như ‘đồng chí’, ‘anh em’ v.v…. Một vụ việc đang trở thành thời sự ‘vỉa hè’ của tất cả những người Dân quan tâm đến chính trị đó là vụ án T4, tức vụ án do Tổng Cục 2 dựng lên, vì quyền lợi của phe nhóm mình mà những người cộng sản chóp bu như Cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh sẵn sàng vu khống hãm hại người khác, bất kể người đó là ai, kể cả Đệ nhất Công thần của chế độ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong lời kêu gọi cho một thể chế Dân chủ, Đa nguyên của mình, Hòa Thượng đã đề cao vai trò của giới Sĩ phu, Trí thức mà không phân biệt thành phần giai cấp, xuất thân, miễn là người đó có trình độ và hiểu biết ‘Thế giới ngày nay tiến bộ, tiến rất nhanh, đòi hỏi con người lãnh đạo đất nước phải có đầu óc tỉnh táo, nhạy bén để đương đầu, thích ứng với những biến sự xẩy ra từng giờ, từng phút, chứ không phải từng ngày. Nếu mình không thích ứng được thì mình tụt hậu. Bởi thế cho nên người lãnh đạo ngày nay cần phải có trình độ trí tuệ đáng kể. Như thế là bình đẳng chứ không phải phân chia giai cấp, như kiểu giai cấp đấu tranh của Cộng sản đâu… đã vào giới lãnh đạo là phải tối thiểu có một trình độ trí tuệ’. Quả thật là như thế, làm chính trị hay lãnh đạo đòi hỏi phải có một trình độ, hiểu biết nhất định. Tiến sĩ Hà Sĩ Phu cũng đã khẳng định rằng ‘lực lượng lãnh đạo luôn là lực lượng ưu tú nhất”. Lãnh đạo đất nước là một công việc nặng nề, khó khăn mà không phải ai cũng có thể làm được. Họ sẽ bị vất vả, mệt mỏi, chịu bao nhiêu điều ngang trái, và có thể sẽ rất cô đơn , nhưng chính họ sẽ là người thay đổi vận mệnh của Đất nước và nhân dân sẽ ghi nhớ công ơn của họ. Lực lượng duy nhất để canh tân Đất nước đó là tầng lớp sĩ phu, trí thức. Chính họ chứ không còn ai khác phải làm việc đó, tức là Cứu Nước.

Chúng ta có thế dễ dàng thấy được hiện thực xã hội mà chúng ta đang sống ngày hôm nay. Một xã hội bần cùng, nghèo khó, nhân cách và đạo đức suy đồi. Sự dối trá và lừa lọc ngự trị trong mọi tầng lớp xã hội. Thu nhập của người Việtnam thuộc hàng thấp nhất thế giới, tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, tự do của con người bị đẩy xuống mức thấp nhất : người dân không dám nghĩ, không dám nói, không dám bàn luận, không dám nói thật những điều đang nghĩ. Chính Hòa Thượng đã phải thốt lên rằng ‘Tôi thấy về mặt tinh thần, nhân quyền bị chà đạp, phẩm giá con người bị coi thường. Về mặt vật chất, thì nhân dân phần nhiều đói khổ, tụt hậu, kinh tế không phát triển được’. Thử hỏi tương lai nào đang chờ đón chúng ta ? Tương lai nào cho người Dân Việt ? Theo quan sát của tôi thì dường như hiện nay chỉ có một con đường hữu hiệu duy nhất cho thanh niên Việt nam lập nghiệp, đó là đi làm thuê cho Nước ngoài ! Nếu có học hành đàng hoàng thì cũng đi làm thuê cho các công ty nước ngoài vì biên chế nhà nước thì con cha cháu ông chiếm hết cả rồi. Còn nếu không học hành đến nơi đến chốn thì cũng chỉ có một con đường duy nhất là vào làm thuê trong các Khu chế xuất, Khu công nghiệp với đồng lương rẻ mạt so với công sức bỏ ra. Dân tộc Việt nam đang có nguy cơ biến thành một Dân tộc nô lệ, nô lệ chính ngay trên quê hương mình.

Trước bao cảnh đời ngang trái đó, người Dân Việt đã phản ứng ra sao ? giới trí thức phản ứng ra sao ? tinh thần Dân tộc của một Đất nước ngàn năm văn hiến như thế nào ? để một người như ông Nguyễn Hải Sơn phải đau đớn thốt lên ‘vụ TQ bắn người, cướp xác ngư dân VN ; chẳng có thằng sinh viên nào dám hó hé. Anh hùng chỉ là anh hùng… rơm. Ra đường quẹt nhau, xe chưa trầy nước sơn đã đánh nhau vỡ đầu chảy máu. Một dân tộc có nhân cách như vậy, không làm nô lệ cho thằng này cũng làm tôi tớ cho thằng khác mà thôi’ (Nguyễn Hải Sơn- Hòa Lộc một vụ khiêu chiến đầy chủ đích- Điện thư số 40). Chẳng lẽ người Việt nam cứ hành xử như vậy mãi sao ? Tinh thần Dân tộc đâu cả rồi ? Ai sẽ là người mang lại niềm tin cho chúng ta ? Không ai khác đó là những người trí thức, sĩ phu, những người có lương tâm và hiểu biết. Những người biết đau cái nỗi đau của đồng bào mình, biết nhục cái nhục của Đất nước mình, biết xót xa cho thân phận bọt bèo của người mình. Có như vậy Đất nước mới hồi sinh và con cái chúng ta mới có cơ hội ngẩng đầu lên với bè bạn bốn phương.

Có những việc làm rất đáng hoan nghênh trong thời gian qua đó là nhân vụ án ‘chính trị siêu nghiêm trọng’ (T4, Tổng Cục 2) đã có rất nhiều tiếng nói đã cất lên từ những Cựu chiến binh, các Vị Lão thành cách mạng, các Cựu quan chức cao cấp của chế độ, mà mới đây nhất là thư của các Ông Hai Xô, Ông Bảy Cống, Ông Năm Thi (ở Miền Nam) và kể cả Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Họ đều là những người có công và uy tín lớn với chế độ, sau khi nghỉ hưu quay trở lại với đời thường, có điều kiện tiếp xúc với nhiều tầng lớp Nhân dân khác nhau Họ đã thấy nhiều điều bất công và ngang trái mà trước đây họ không (hoặc chưa) thấy được. Do nhiều liên hệ ràng buộc chặt chẽ với chính quyền mà những lời đề nghị của Họ không hẳn dứt khoát và mạnh mẽ được như lời đề nghị của Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, thế nhưng những tiếng nói yêu cầu lãnh đạo đảng cộng sản phải tôn trọng và thực thi Luật pháp (của chính chế độ cộng sản) một cách công minh và rõ ràng cũng là những tác động rất tốt đến công cuộc đấu tranh cho Dân chủ và Tự do của nhân dân Việt nam. Rất mong rằng sẽ có nhiều tiếng nói khác được cất lên bởi những người có uy tín và lương tâm trong chính hàng ngũ của Đảng cộng sản. Sự cam đảm nói lên những suy nghĩ đúng với lương tâm này sẽ làm cho Họ được thanh thản và không phải hổ thẹn khi về thế giới bên kia, danh dự của Họ, của con cháu Họ sau này sẽ còn mãi, còn nếu cứ cố tình ‘ngậm miệng ăn tiền’ thì chắc chắn rằng trong sâu thẳm tâm hồn họ sẽ có những lúc ăn năn, xấu hổ. Chẳng lẽ lại mang theo những mặc cảm này đi về cõi Vĩnh hằng sao ?

Tất cả những người Việt nam đấu tranh chân chính cho nền Dân chủ và Tự do đều khước từ bạo lực, đều muốn mang lại sự thay đổi trong Hòa bình và êm thắm, không ai muốn đổ máu và nội chiến cả. Vì vậy sự thay đổi chỉ đến với Việt nam khi đại đa số nhân dân Việt nam ý thức được sự cấp thiết của dân chủ, và tất cả sẽ cất lên tiếng nói của mình, từ những người thường Dân cho đến các bậc sĩ phu, trí thức, công chức, công nhân, nông dân, tư sản, sinh viên, học sinh…kể cả các chức sắc Tôn giáo. Khi tất cả người Dân đều nói lên chính kiến và suy nghĩ của mình một cách mạnh mẽ thì sẽ tạo ra được áp lực buộc chính quyền phải thay đổi. Đó là sự thay đổi trong hòa bình, không có gì xấu xa hay ghê gớm cả. ‘Diến Biến Hòa Bình’ là quá trình đấu tranh bền bỉ, cao cả, vất vả và nhân văn của mọi tầng lớp Nhân dân Việt nam, chứ không phải là ‘âm mưu thâm độc’ của bất cứ kẻ thù nào.

‘Không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước’, đúng như vậy, đó là con đường duy nhất để mang lại hạnh phúc cho nhân dân ta. Không có Dân chủ sẽ không có Tự do, không những với Dân thường mà kể cả với Tôn giáo. Sự Tự do của tôn giáo chỉ có được khi có Dân chủ thật sự. Bằng chính cuộc đời mình Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã khẳng định rằng ‘Pháp nạn của Giáo hội chúng tôi, trừ ra có chế độ đa đảng dân chủ, nếu không thì Giáo hội thường xuyên bị đàn áp, chẳng biết bao giờ được chấm dứt. Còn chế độ độc đảng Cộng sản như thế này, Giáo hội còn bị đàn áp, bởi vì từ bản chất Cộng sản đã không dung chấp tôn giáo, thường xuyên là một chính sách đấu tranh giai cấp, luôn luôn tranh đấu đến khi nào tiêu diệt được tôn giáo mới thôi’. Đấu tranh cho một nền Dân chủ đích thực sẽ là công việc của cả Dân tộc, không phân biệt thành phần xuất thân hay Tôn giáo, cho dù chúng ta có không muốn ‘dây dưa’ với chính trị thì chính trị cũng sẽ ảnh hưởng đến chúng ta từng ngày, từng giờ. Từ chuyện cảnh sát ăn tiền, làm luật đến chuyện chầu trực xin chứng nhận một loại giấy tờ gì đó, từ Phường, Xã cho đến Trung ương.(Có một câu chuyện mới đây trên báo Tuổi trẻ là con một ông Bộ trưởng hay Thứ trưởng gì đó muốn xin đăng kí kết hôn cũng phải chạy toát mồ hôi, qua 8 ‘cửa ải’ mới làm xong thủ tục rất đơn giản này, như vậy không chỉ Dân đen là nạn nhân của chế độ mà kể cả con cái của các Đại quan cũng chịu chung số phận đau buồn này).

Có những câu hỏi mà nhiều người trong giới sĩ phu vẫn đang tìm câu trả lời, đó là : Thời cơ bao giờ đến ? Vận mệnh của Đất nước bao giờ mới Đổi thay ? Hoà Thượng Thích Quảng Độ cũng ưu tư về cái thời, cái vận của dân tộc, ngài viết : ‘đất có tuần, dân có vận. Vận nước tuần hoàn đi rồi lại lại. Sự tuần hoàn như thế xác định mọi sự trên thế giới đều chuyển biến, thay đổi không ngừng, chẳng có gì tồn tại vĩnh viễn. Ðạo Phật chúng tôi gọi lẽ ấy là vô thường. Nhờ vô thường, mà con người có thể tham dự, như tác nhân, để chuyển hóa nghịch cảnh : hạnh phúc có thể tái tạo, tự do có thể thiết lập, nô lệ có thể chấm dứt. Cho nên kẻ sĩ phu theo thời mà thông biến. Lịch sử nước ta trải dài nhiều nghìn năm cho thấy sĩ phu là giới hiểu thời vụ, nhờ hiểu thời vụ mà ra tay chuyển hóa thời đại làm cho quê hương thoát cơn luân hiểm, sinh dân được an lạc’.

Tôi tin rằng không phải tự nhiên mà Đại Lão Hòa Thượng khẳng định như vậy, Ngài là người uyên bác và thông hiểu kinh sử. Tuy Ngài không nói rõ là ‘thời thế’ ra sao nhưng cứ nhìn vào những gì đang xảy ra trên Thế giới thì chúng ta có thể tin rằng Ngài rất có lí khi nói rằng ‘thời cơ đã đến, vận nước đã đến’, ‘kẻ sĩ phu cứ theo thời mà thông biến’. Năm 2004 đã khép lại với làn sóng Dân chủ diễn ra mạnh mẽ trên Toàn cầu, bắt đầu từ Grugia, đến Cộng hòa Ucraina. Tại khu vực Trung Đông, vị Tân Tổng thống Palestin Asbas yêu chuộng hòa bình đã và đang làm mọi cách dẹp bỏ các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan, tiến tới hòa đàm và chung sống với Irxael. Tại Libăng chính phủ độc tài thân Sirya đã phải từ chức trước sức ép của các cuộc biểu tình rầm rộ của Dân chúng sau vụ ám sát cựu Thủ tướng đối lập Hariri. Iran và Bắc Triều Tiên đang chịu sức ép ngày càng lớn của Thế giới, không riêng gì Mỹ mà cả Châu Âu cũng có cùng quan điểm này, cho dù rằng quan hệ Hoa K&ygrave; – Châu Âu đang lạnh nhạt và bất đồng trên nhiều điểm. Một sự kiện mà chúng ta cũng cần chú ý đến đó là những lời tuyên bố mạnh mẽ và dứt khoát của Tổng Thống Mỹ Bush trong diễn văn nhậm chức nhiệm k&ygrave; 2 của mình : Ủng hộ mạnh mẽ cho Dân chủ và Tự do trên khắp thế giới. Tổng thống khẳng định rằng ‘Tự do của Hoa K&ygrave; ngày càng tùy thuộc vào Tự do của các vùng đất khác’. Đài RFA cũng bình luận : ‘Bài diễn văn đọc trong lễ tuyên thệ của Tổng thống George W. Bush có thể nói là một bản tuyên ngôn của tự do và của cuộc chiến đấu cho tự do gửi đến toàn thế giới’.

Đó là những lí do khách quan, còn về chủ quan thì trong nước người Dân ngày càng oán thán chế độ, niềm tin của nhân dân với chế độ hầu như không còn nữa ‘Dân chẳng còn tin vào nhà nước nữa vì tham nhũng, nhà nước cũng chẳng tin dân nữa. Nếu đưa ra trưng cầu dân ý mọi vấn đề và để dân quyết, thì nhà nước này khó lòng đứng vững. Mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân ngày càng xa rời thì còn đâu là một nhà nước mạnh’ (Hoàng Tùng Bách-Việt nam). Đảng cộng sản đang chuẩn bị cho Đại hội 10, trong khi đó nếu không thể giải quyết được vụ T4, Tổng cục 2 thì Đại hội khó lòng diễn ra suôn sẻ, nhiều tiếng nói phản đối đã được cất lên từ những người là cán bộ cao cấp, công thần của chế độ. Việc thăng cấp Trung tướng cho một nhân vật đầy tai tiếng như Nguyễn Chí Vịnh cũng gây ra nhiều ngạc nhiên và bất bình cho giới Cựu Chiến Binh, Tướng Lĩnh và Sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt nam. Rồi việc bổ sung và hoàn chỉnh các bộ luật cũng như sự thực thi các điều khoản cam kết với các nước để nhanh chóng gia nhập WTO, cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém khiến chính phủ phải thừa nhận rằng không thể vào WTO trong năm 2005 được.

Ngoài ra còn một mối nguy nữa, tuy chưa rõ nét nhưng chúng ta cũng phải đề phòng đó là lời nhận định của Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa là có thể trong năm nay Trung Quốc sẽ bị khủng hoảng về Kinh tế, sau đó sẽ là khủng hoảng Chính trị và khi đó thì ‘các chính quyền độc tài bị yếu thế thì lãnh đạo thường thổi lên chủ nghĩa quốc gia dân tộc, thực chất là chủ nghĩa phát xít và có khi gây hấn với bên ngoài để trấn áp chống đối bên trong. Trường hợp ấy mà xảy ra ở Trung Quốc thì Đài Loan và Việt nam có khi lãnh họa’ (Mối lo từ Trung Quốc-RFA) Vụ tấn công và giết hại 9 ngư phủ của Việt nam trên Vịnh Bắc Bộ, vụ đụng độ trên Biển Đông giữa tàu tuần tiễu Trung Quốc và Đài Loan khiến 2 người Trung Quốc thiệt mạng (BBC), việc Quốc hội Trung quốc chuẩn bị thông qua một đạo luật chống Đài Loan ly khai… đang củng cố thêm cho nhận định này của Ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Con đường nào để Việt nam thoát ra khỏi những khó khăn và thách thức đó ? Chỉ có một con đường duy nhất đó là DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN, như đúng lời Hòa Thượng Thích Quảng Độ “Con đường tương lai duy nhất phải đi, toàn dân tộc phải đi, không có con đường nào khác. Không trì hoãn được. Trước sau gì rồi cũng phải cởi mở. Trước sau gì rồi cũng phải đi đến : Con đường Dân chủ đa nguyên”.

Một năm mới với nhiều hy vọng đang đến với nhân dân Việt nam. Chúng ta có quyền tin rằng rồi Hạnh phúc, Tự do và Dân chủ sẽ đến với Dân tộc Việt nam.

Năm mới xin được phép gửi đến Hòa Thượng Thích Quảng Độ lời kính chúc sức khỏe, chúc Hòa Thượng mãi anh minh và sáng suốt để dẫn dắt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đấu tranh cho đến ngày có Tự do Tôn giáo trên Quê hương Việt Nam dấu yêu của tất cả chúng ta.

Việt Hoàng
(trích Ðiện thư số 42 – Câu Lạc Bộ Dân chủ Việt Nam)

Check Also

NHUỆ HỒNG NÓI VỚI NHẤT HẠNH

LỜI DẪN Thiền Sư Nhất Hạnh đối với chúng tôi là chỗ thân tình. Các …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *