Home / Tài liệu / Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Ramon Tremosa i. Bacells, ca tụng cuộc vận động quốc tế của UBBVQLNVN (22/3/2015)

Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Ramon Tremosa i. Bacells, ca tụng cuộc vận động quốc tế của UBBVQLNVN (22/3/2015)

Download PDF

Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Ramon Tremosa i. Bacells, ca tụng cuộc vận động quốc tế của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, tại nhà hàng Kim Sơn, Houston, Texas, USA, ngày chủ nhật 22 tháng 3 năm 2015 :

 

 

Bạn Võ Văn Ái thân mến,
Bạn Ỷ Lan Penelope thân mến
Quý Bạn Dân chủ thân mến,

Tôi vô cùng hân hạnh được có mặt hôm nay để nói đôi lời ngắn ngủi tại buổi tiệc Gây Quỹ hỗ trợ Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam do anh Võ Văn Ái làm Chủ tịch, cùng những công trình vận động cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam của Uỷ ban.

Đa số quý vị ở đây chắc hẳn không biết tôi là ai. Tôi là người được bầu làm Đại biểu Quốc hội Châu Âu. Gốc người Catalan đến từ Barcelona.

Là người Catalan tôi rất cảm thông với Quyền của người thiểu số và nhân quyền nói chung. Trải qua nhiều năm, nhân dân và văn hoá Catalan bị chính quyền trung ương Madrid đàn áp cho tới khi thể chế dân chủ xuất hiện.

Mãi đến ngày hôm nay, đôi khi người công dân Catalan vẫn chưa cảm thấy được tôn trọng trên chính ngay xứ sở Tây Ban Nha của họ. Văn hoá và bản sắc họ vẫn chưa được công nhận.

Những yếu tố này khiến tôi hết sức quan tâm tới Pháp quyền và sự tôn trọng dân chủ trong toàn thế giới. Đặc biệt, tôi hết sức đồng cảm với nhân dân Tây Tạng và nhân dân Uighurs tại Trung quốc.

Tôi khâm phục anh Sam Rainsy và phong trào đối lập Cam-bốt cũng như tôi khâm phục công tác gian nan của anh Võ Văn Ái và Penelope (mà tôi biết còn có tên Ỷ Lan) trong nỗ lực kiên trì đấu tranh cho dân chủ và tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam.

Tôi gặp anh Võ Văn Ái qua những chiến dịch và hoạt động của tôi tại Quốc hội Châu Âu để hậu thuẫn cho nhân quyền, tự do tôn giáo và dân chủ Việt Nam.

Tôi là thành viên của Phái đoàn liên hệ Trung quốc và Uỷ ban mậu dịch của Quốc hội Châu Âu.

Trong quá khứ, tôi đã từng đặt nhiều câu hỏi viết tại Quốc hội Châu Âu về Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, về tự do tôn giáo và những vấn đề khác. Tôi đã ký tên hậu thuẫn Đức Tăng Thống làm ứng viên Giải Nobel Hoà bình và Giải Sakarov của Quốc hội Châu Âu. Tôi cũng tham gia chiến dịch của các bạn năm 2013 yểm trợ cho các “Bloggers sau chấn song nhà tù”.

Tôi cũng vận động cấp kỳ để đưa ra một Nghị quyết Khẩn tháng Tư năm 2013 và đã dược các chính đảng hậu thuẫn. Tôi luôn sẵn sàng dấn thân hơn nữa cho mục tiêu công bằng ! Tôi tin chắc rằng cuối cùng các bạn sẽ thành công vì các bạn đang đấu tranh cho chính nghĩa.

Công trình của các bạn rất quan trọng !

Nếu không có những người như anh Võ Văn Ái, Ỷ Lan và những nhóm như Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, thì Quốc hội Châu Âu sẽ chẳng có bao nhiêu thông tin về Việt Nam.

Tôi chẳng biết gì nhiều về Việt Nam cho đến khi gặp các bạn.

Là Đại biểu Quốc hội Châu Âu, tôi có thể đóng góp nhiều để hậu thuẫn Việt Nam, nhưng phải có trong tay những thông tin kịp thời và tín nhiệm. Anh Võ Văn Ái và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam là nhóm duy nhất làm việc này. Đó là lý do vì sao điều vô cùng quan trọng cho người Việt ở Hoa Kỳ và Châu Âu nên hậu thuẫn anh Võ Văn Ái và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam để họ có phương tiện hữu hiệu hơn, qua đó, giúp tôi và những chính trị gia khác đóng góp tốt đẹp hơn.

Công tác thông tin vô cùng quan trọng cho Quốc hội Châu Âu và các định chế tại Liên Âu.

Hiện nay, Liên Âu là nhà tài trợ lớn nhất, và là đối tác lớn thứ hai đối với Việt Nam. Liên Âu đang thương thảo Hiệp ước Mậu dịch Tự do với Việt Nam, là điều sẽ mang lại nguồn tài trợ lợi ích cho Việt Nam. Có thể Hiệp ước này sẽ ký kết trong năm 2015. Trước khi Hiệp ước Mậu dịch Tự do được áp dụng cần phải được Quốc hội Châu Âu thông qua.

Điều này có nghĩa rằng Quốc hội Châu Âu có tiếng nói quan trọng, và có thể áp lực yêu sách Việt Nam tôn trọng các nghĩa vụ nhân quyền nếu Việt Nam muốn có những quan hệ mậu dịch tốt với Liên Âu.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng các bạn không nên sợ hãi một hiệp ước mậu dịch hợp lý. Mở cửa kinh tế không chỉ mang lại lợi lộc cho kinh tế mà thôi. Lấy ví dụ nước Tây Ban Nha thập niên 1960, khi chế độ Độc tài lấy quyết định mở cửa kinh tế cho mậu dịch nước ngoài, Tây Ban Nha bắt đầu nhập khẩu không chỉ hàng hoá, mà còn mang lại nhiều ý tưởng. Là điều mang lại những quan điểm mới mẽ và đa dạng cho xã hội, đồng thời cổ vũ và đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá cho toàn khối nhân dân.

Nếu các đại biểu Quốc hội Châu Âu và những phát ngôn của xã hội dân sự cùng chung nhau lên tiếng, chúng ta có thể tạo ra áp lực. Nếu khôngcùng nhau làm như thế, thì các chính quyền và giới kinh doanh vận động hành lang sẽ xung kích để ký kết những hiệp ước chẳng quan tâm gì đến nhân quyền. Đây là vấn đề cốt tuỷ phải nói ra để biến một hiệp ước thành hợp lý và đúng đắn.

Cũng vậy, Quốc hội Châu Âu có thể giúp — chẳng riêng lĩnh vực mậu dịch — mà còn giúp đỡ trả tự do cho tù nhân chính trị tại Việt Nam. Chúng tôi có thể ra tuyên ngôn, Nghị quyết, và tố cáo vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, là điều giúp gây áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam. Còn có cả đối thoại nhân quyền. Có rất nhiều việc mà người dân biểu Quốc hội Châu Âu có thể làm, nếu được các bạn cung cấp thông tin cho chúng tôi — biết đâu chúng tôi không thể gửi một phái đoàn dân biểu Quốc hội Châu Âu sang thăm Việt Nam.

Tôi thật tình sung sướng được có mặt hôm nay nói đôi lời tại buổi tiệc.

Xin cám ơn các bạn đã mời tôi, và tôi sẵn sàng giúp cho tiếng nói của các bạn được Quốc hội Châu Âu lắng nghe.

Xin hãy dũng cảm và cầu chúc cuộc đấu tranh của các bạn sớm thành công !

Ramon Tremosa i Balcells
Dân biểu Catalan Quốc hội Châu Âu,
Đảng Tự do Dân chủ Châu Âu

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *