Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Quốc hội Châu Âu ra Quyết Nghị định giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam và tố cáo Việt Nam đàn áp nhân quyền và tôn giáo

Quốc hội Châu Âu ra Quyết Nghị định giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam và tố cáo Việt Nam đàn áp nhân quyền và tôn giáo

Download PDF

STRASBOURG, ngày 12.7.2007 (Quê Mẹ) – Hôm nay, thứ năm 12.7.2007, khóa họp toàn thể Quốc hội Châu Âu tại Strasbourg, miền Đông Bắc Pháp, đã đồng thanh thông qua “Quyết nghị về vấn đề Việt Nam”. Kể từ ngày khai mạc hôm 9.7 các chính đảng Quốc hội đã họp riêng bàn thảo về tình hình đàn áp nhân quyền và tôn giáo trầm trọng tại Việt Nam để lấy thái độ. Sau ba lần họp kín xem xét nội dung 6 dự án Quyết Nghị do 6 chính đảng đệ nạp (Đảng Bình dân Âu châu và Dân chủ Âu châu (PPE-DE) ; Đảng Xã hội Âu châu (PSE) ; Đảng Tự do, Dân chủ và Cải cách Âu châu (ALDE) ; Liên đoàn Tả phái Thống nhất (GUE/NGL, trong số có Đảng Cộng sản) ; Đảng Xanh và Liên minh Tự do Âu châu (Green/ALE) và Đảng Liên hiệp Âu châu các Quốc gia (UEN), nhằm đưa tới một bản Quyết nghị tổng hợp đệ trình khóa khoáng đại xin thông qua theo thể lệ khẩn cấp.

Vào đúng 16 giờ 20 chiều ngày 12.7 bản Quyết nghị đã được toàn thể Quốc hội thông qua sau khi nghe một số Dân biểu Tây và Đông Âu đại diện các chính đảng trình bày về tình trạng đàn áp nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam. Nổi cộm trong các cuộc trình bày là những vụ xử án bất công cuối tháng 3 sang tháng 5.2007, cuộc đàn áp 20 Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, điều luật “an ninh quốc gia” trong Bộ luật Hình sự Việt Nam trái chống với các Công ước quốc tế, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính mang số 44 ban hành năm 2002 cho phép đưa các nhà bất đồng chính kiến vào bệnh viện tâm thần như kiểu Xô viết ngày xưa, v.v…

Quyết nghị trên đây là thành quả sau một tháng vận động của Tổ chức Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam nhằm thông tin và báo động các chính đảng, các vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu cũng như các cơ cấu cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu như Hội đồng Châu Âu, Ủy hội Châu Âu, Phân ban Nhân quyền Châu Âu, v.v… Đặc biệt trong thời gian vận động này, ông Võ Văn Ái được Cơ cấu Dân chủ thuộc Quốc hội Châu Âu mời tham dự cuộc thảo luận bàn tròn hai ngày về đề tài “Châu Âu tiếp cận việc Tương trợ Dân chủ và Cộng đồng Dân chủ Thế giới”

Những cuộc tiếp xúc của Tổ chức Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam để trình bày và trao tài liệu về sự đàn áp nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam tiếp diễn nhiều năm qua, đặc biệt các cuộc bắt bớ, các phiên tòa bất công từ cuối tháng 3 sang đầu tháng 5.2007, những cuộc đàn áp các tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, giới Tăng sĩ Phật giáo Khmer Krom, Hòa Hảo, Tin Lành, người Thượng, v.v… đã gây ngạc nhiên và chấn động các Dân biểu và cơ quan gặp gỡ.

Chiều ngày 12.7, chứng kiến những cánh tay ủng hộ đưa cao đáp lời chủ tọa khóa họp toàn thể Quốc hội Châu Âu hỏi rằng : “Ai đồng ý thông qua Quyết nghị của Quốc hội Châu Âu về vấn đề Việt Nam ?”. Rồi không một cánh tay phản đối khi đáp lời Chủ tọa khóa họp hỏi thêm hai câu tiếp : “Ai phản đối ?”, “Ai bỏ phiếu trắng ?”. Nên liền đó, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã tuyên bố với báo chí rằng :

“Chúng tôi hoan nghênh và chào đón Quyết Nghị của Quốc hội Châu Âu đã kịp thời xuất hiện, mang lại sự phấn kích cho các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam đang bị bộ máy độc tài của Hà Nội hăm dọa nghiến nát, đồng thời minh chứng sự sáng suốt của các vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu trước thủ đoạn lừa đảo chính giới Âu Mỹ của nhà cầm quyền Hà Nội năm ngoái. Thật quan trọng sự kiện Quốc hội Châu Âu vừa khỏa lấp sự im lặng do nhà cầm quyền Hà Nội dựng lên và được một số các cơ quan truyền thông báo chí bao che trước cuộc đàn áp liên tục đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”. Ông Ái cũng hoan nghênh sự kiện bản Quyết Nghị không bị chóa mắt trước lời tuyên bố lừa gạt của Hà Nội khi cho biết đã bãi bỏ Nghị định Quản chế hành chính 31/CP, vì bản Quyết Nghị đã tố cáo sự kế thừa qua Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính mang số 44/2002/Pl-UBTVQH10. Ông Ái nói : “Một Nhà nước pháp quyền hay dân chủ không thể hiện hữu khi còn tồn tại các điều luật kết án vì “an ninh quốc gia” hay thứ Pháp lệnh 44 cho phép đưa các nhà hoạt động cho nhân quyền và dân chủ vào nhà thương điên”.

Hiện nay nhà cầm quyền Hà Nội đang làm đủ cách để bôi nhọ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vu cáo hàng lãnh đạo Giáo hội “làm chính trị” cốt cho quần chúng và chính giới Âu Mỹ e ngại, cốt cho giới truyền thông, báo chí bớt loan tin. Nhưng Quốc hội Châu Âu đã thật sáng suốt phá bỏ âm mưu này khi ghi nhận trong bản Quyết nghị :

“Vì rằng, dù có những lời kêu gọi thường trực và kiên trì của cộng đồng quốc tế, Đức Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang (87 tuổi) và người phụ tá ngài, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ (79 tuổi), người được Giải Người Bảo vệ Nhân quyền của Sáng hội Rafto năm 2006, vẫn bị giam giữ không xét xử tại chùa viện từ năm 1982, với lý do duy nhất hai ngài là người quyết tâm bênh vực cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ ; vì rằng, các thành viên của những Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại các tỉnh, mà Giáo hội thiết lập trong 20 tỉnh nghèo để cứu trợ cho những kẻ cơ hàn, trở thành nạn nhân bị sách nhiễu, bị thẩm vấn, bị thị uy và đe dọa thường trực, chỉ vì lý do các Ban Đại diện này đứng trong hàng ngũ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”.

Những điều quan trọng nhất cho tiến trình pháp quyền hóa nhà nước và dân chủ hóa Việt Nam đã được Quyết nghị của Quốc hội Châu Âu về vấn đề Việt Nam đề xuất, chẳng hạn như :

“yêu cầu Việt Nam thực hiện các cải cách chính trị và thể chế để thiết lập nền dân chủ và một Nhà nước thực sự pháp quyền, bắt đầu bằng việc thiết lập chế độ đa đảng, một nền báo chí tự do và những công đoàn tự do”.

” yêu cầu chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo và khôi phục quy chế pháp lý cho tất cả các cộng đồng tôn giáo, đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Vì rằng, sự công nhận các phong trào tôn giáo thông qua quy chế đăng ký còn quá ít ỏi và bất bình đẳng, với ví dụ 50 giáo hội Tin lành tại gia được công nhận trong số 4000 giáo hội đã đăng ký, và rằng các giáo hội được công nhận này lại phải xin gia hạn mỗi năm”.

“yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thực thi những khuyến cáo của LHQ, đặc biệt của Ủy ban Nhân quyền LHQ trong phần kết luận năm 2002, bãi bỏ những pháp chế của Việt Nam trái chống với nhân quyền và bảo đảm thực sự các quyền cơ bản cho mọi công dân Việt Nam, chiếu theo Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị và Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa”

“yêu sách trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho mọi cá nhân bị giam giữ vì lý do duy nhất là họ sử dụng ôn hòa và chính đáng các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo, trong số này có linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, các luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, Trần Quốc Hiền, Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển, Huỳnh Nguyên Đạo, Dương Thị Tròn, Lê Văn Sóc, Nguyễn Văn Thủy, Nguyễn Văn Thọ, Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ và Bùi Thị Kim Thành”.

Và đặc biệt là :

“thỉnh mời Hội đồng Châu Âu và Ủy hội Châu Âu phải định giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam, căn cứ trên điều 1 trong Hiệp ước hợp tác năm 1995, đặt cuộc hợp tác trên sự tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và các quyền cơ bản”, cũng như “nhắc nhở rằng cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Liên hiệp Châu Âu và Việt Nam phải đưa tới những cải tiến cụ thể tại Việt Nam”.

Dưới đây là bản Việt dịch toàn văn Quyết Nghị của Quốc hội Châu Âu về vấn đề Việt Nam chiếu theo bản Pháp ngữ. Bạn đọc có thể tìm đọc toàn văn Quyết Nghị bằng Anh, Pháp và Việt ngữ trên Trang nhà Quê Mẹ :

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *