Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / “Tôn vinh Đức Phật tại Đại lễ Phật Đản 2008 ở Hà Nội nhưng lại khủng bố các Trưởng tử của Đức Phật và đàn áp GHPGVNTN là tuyên truyền dối gạt thế giới”, lời ông Võ Văn Ái cảnh báo tại Hội nghị Ngoại trưởng các Quốc gia dân chủ lần IV ở thủ đô Bamako và khi hội kiến Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông John Negroponte

“Tôn vinh Đức Phật tại Đại lễ Phật Đản 2008 ở Hà Nội nhưng lại khủng bố các Trưởng tử của Đức Phật và đàn áp GHPGVNTN là tuyên truyền dối gạt thế giới”, lời ông Võ Văn Ái cảnh báo tại Hội nghị Ngoại trưởng các Quốc gia dân chủ lần IV ở thủ đô Bamako và khi hội kiến Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông John Negroponte

Download PDF

BAMAKO, ngày 19.11.2007 (QUÊ MẸ) – Hội nghị lần IV các Ngoại trưởng thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ vừa kết thúc tốt đẹp tại thủ đô Bamako, ở Mali ngày 17.11.2007. Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ ra đời tại thủ đô Varsovie, Ba Lan, năm 2000. Vào lần hội nghị thứ hai và thứ ba tại Hán Thành, Nam Hàn, năm 2002 và Santiago, Chile, năm 2005 thì cơ cấu các quốc gia dân chủ được nối kết với các xã hội dân sự hay còn gọi là các tổ chức Phi chính phủ. Bởi lẽ các quốc gia dân chủ nhận thức rằng các xã hội dân sự là nền móng cho tiến trình dân chủ hóa toàn cầu.

Từ năm 2005, Cộng đồng các quốc gia dân chủ (Community of Democracies) đã bước những bước lớn khi thành công được LHQ chấp nhận cho ra đời cơ cấu mới có tên Cơ cấu Dân chủ LHQ (UN Democracy Caucus) đồng thời thiết lập “Ủy ban Điều hướng Quốc tế cho Tiến trình Phi chính phủ” (International Steering Committee of Non Govermental Process) thuộc “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ”.

Các quốc gia dân chủ đã tăng lên 145 nước tại Hội nghị lần IV các Ngoại trưởng thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ ở Bamako, và 70 tổ chức xã hội dân sự được mời phó hội. Trong số này có tổ chức Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam. Từ năm 2005 tại hội nghị Santiago, ông Võ Văn Ái được bầu làm thành viên trong “Ủy ban Điều hướng Quốc tế cho Tiến trình Phi chính phủ” thuộc “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ”.

Tổng thống Mali khai mạc Hội nghị lần IV các Ngoại trưởng thuộc Cộng đồng các Quốc gia dân chủ từ 14 đến 17.11.2007 tại thủ đô Bamako
Tổng thống Mali khai mạc Hội nghị lần IV các Ngoại trưởng thuộc Cộng đồng các Quốc gia dân chủ từ 14 đến 17.11.2007 tại thủ đô Bamako

Nhân dịp hội nghị này, sáng thứ năm 15.11, ông Võ Văn Ái đã hội kiến với ông John Negroponte, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, để trình bày tình trạng phi dân chủ tại Việt Nam. Ông Ái nhấn mạnh đến sự kiện dù mở cửa kinh tế, nhưng Việt Nam không chấp nhận cải tổ chính trị. Sau khi được Hoa Kỳ hậu thuẫn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách đen các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm (CPC), thì Việt Nam đã mở ngay cuộc bố ráp, bắt bớ các nhà hoạt động cho dân chủ và đem xét xử trong các phiên tòa giả trá từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay. 20 nhà hoạt động dân chủ bị kết án tổng cộng 80 năm tù giam. Ông Ái lưu ý Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về một màn tuyên truyền dối gạt mới của Hà Nội khi xin đăng cai tổ chức Đại lễ Phật Đản quốc tế vào tháng 5 năm tới. Ông Ái nói rằng không thể nào tưởng tượng sự việc vừa đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, quản chế hai nhà lãnh đạo tối cao của Phật giáo là Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, lại vừa tổ chức rầm rộ Đại lễ Phật Đản ! Tôn vinh Đức Phật nhưng lại khủng bố các Trưởng tử của Đức Phật !

Cuộc hội kiến với Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ rất cởi mở và chân tình. Điều bất ngờ, là phút đầu gặp gỡ, ông John Negroponte cầm tay ông Ái và nói bằng tiếng Việt : “Ông mạnh giỏi không ? Tôi làm việc tại tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở nước ông từ năm 1964 đến năm 1967”. Ông kể cho ông Ái nghe giai đoạn ông ở Huế vào lúc “người ta” đốt thư viện Hoa Kỳ. Khi chia tay, ông lại dùng tiếng Việt rất sỏi, nói rằng “Cám ơn ông đã đến thăm. Mong có ngày gặp lại ông”.

Khởi sự từ Hội nghị ở Santiago, Chile, các tổ chức Phi chính phủ ngồi chung với các ngoại trưởng để trao đổi tình hình thời sự trong vùng. Tại Bamako có 5 cuộc hội thảo giữa các chính phủ và các tổ chức Phi chính phủ trong 5 vùng địa lý thế giới : Phi châu, Mỹ châu, Á châu và châu Đại dương, Trung Đông và Bắc Phi, và Châu Âu.

Ông Võ Văn Ái được “Ủy ban Điều hướng Quốc tế cho Tiến trình Phi chính phủ” thuộc “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ” đề cử thay mặt cho các tổ chức Phi chính phủ ở Châu Á trình bày tình hình trong vùng Á châu và châu Đại dương.

Dưới sự chủ tọa của Đại sứ Tatsuo Arima, do Chính phủ Nhật gửi đến phó hội, và hai vị đồng chủ tọa Đại sứ Tích Lan và Đại sứ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, chiều 16.11, ông Võ Văn Ái thuyết trình tình hình Châu Á để mở đầu cuộc thảo luận được xem là rất sôi nổi. Sau đây là bài thuyết trình của ông Ái, nhân danh thành viên “Ủy ban Điều hướng Quốc tế cho Tiến trình Phi chính phủ” và tổ chức “Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam” :

Ô. Võ Văn Ái thuyết trình tại khóa hội thảo Á châu với các Ngoại trưởng
Ô. Võ Văn Ái thuyết trình tại khóa hội thảo Á châu với các Ngoại trưởng

“Thưa Ông Chủ tịch, các Ngài Ngoại trưởng,
“Thứ qúy liệt vị phó hội,

“Xin cám ơn quý liệt vị đã cho tôi cơ hội thay mặt các đại biểu Á châu trong Ủy ban Quốc tế Điều hướng Tiến trình Phi chính phủ trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ trình bày sự phát triển và tình hình dân chủ tại Châu Á.

“Châu Á là đại lục mà dân chủ đang phải đối đầu với những thách thức lớn. Đại lục mênh mông của chúng ta là nơi cư ngụ cho gần hai phần ba nhân loại, và cũng là chiếc nôi của những nền văn minh khai mở các nền dân chủ sinh động. Châu Á là vùng đất có nền tăng trưởng kinh tế cao, với những cơ hội mậu dịch phồn thịnh. Dù vậy, Châu Á cũng là nơi chứa chấp các thể chế chính trị độc tài và khắc nghiệt. Ngày hôm nay đây, hàng triệu người Á châu đang bị vi phạm các quyền tự do cơ bản.

“Chúng tôi rất quan ngại trước những hành xử phi dân chủ, phi luật pháp hay sự thoái bộ dân chủ trong một số quốc gia Châu Á.

“Hiện tại, điều lo lắng nhất của chúng tôi là tình hình Miến Điện, các cuộc đàn áp đẫm máu đối với chư Tăng Ni và nhân dân đòi hỏi ôn hoà cho dân chủ và những cải cách kinh tế khiến thế giới sửng sốt. Chúng tôi muốn được biểu tỏ tình liên đới và hậu thuẫn của chúng tôi với nhân dân Miến, và xin kêu gọi các quốc gia thành viên trong Cộng đồng các Quốc gia dân chủ, đặc biệt là là quốc gia Châu Á hãy thúc đẩy chính phủ Miến mở cuộc đối thoại chân thành và khẩn cấp với phe dân chủ đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

“Chúng tôi chê trách việc áp đặt luật khẩn cấp tại Pakistan và việc bắt bớ hàng trăm nhà lãnh đạo xã hội dân sự, luật gia và ký giả. Đặc biệt, chúng tôi lo lắng cho việc quản chế nhà đấu tranh cho nhân quyền, bà Asma Jahangir (1), là thành viên của Ủy ban Quốc tế Cố vấn cho Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ trong tiến trình chọn lọc các quốc gia dân chủ. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia thành viên trong Cộng đồng các Quốc gia dân chủ hãy yêu sách trả tự do cho bà Jahangir và những ai bị bắt bớ tùy tiện ; tái tạo hiến chế và các quyền tự do dân sự ; và chuyển hóa sang lối cai trị dân chủ với quyền bầu cử như đã ấn định vào tháng giêng năm tới.

“Tôi xin được biểu tỏ mối quan tâm về tình hình đang xẩy ra tại nước tôi, Việt Nam. Trái với việc mở cửa kinh tế, Việt Nam vẫn còn là một xã hội đóng kín, mọi quyền tự do chính trị đều bị phủ quyết. Mọi xã hội dân sự độc lập đều bị khước từ. Bào chữa cho dân chủ hay đa nguyên chính trị là điều cấm kỵ. Cuộc trừng trị thẳng tay và hung bạo trong năm nay đã khiến cho 20 nhà hoạt động dân chủ lãnh một bản án tổng thể 80 năm tù giam chỉ vì họ biểu tỏ ôn hòa tự do ngôn luận. Tại Việt Nam, các tôn giáo bị kiểm soát hoặc cấm không cho hoạt động, đặc biệt là Phật giáo một tôn giáo đông tín đồ nhất. Các thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị đàn áp, hai vị giáo phẩm cao cấp là Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ bị quản chế sau 26 năm tù đày.

“Vào tháng 5 năm tới, 2008, Đại lễ Phật Đản quốc tế sẽ được Đảng Cộng sản và Nhà nước tổ chức rầm rộ tại Hà Nội, với sự tham dự của nhiều nhân vật quốc tế. Hậu cảnh của màn trình diễn này là cuộc đàn áp Phật giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng. Chúng tôi lên án sự lợi dụng Đại lễ Phật Đản của nhà cầm quyền Hà Nội như tấm bình phong hỏa mù nhằm che giấu cuộc đàn áp tự do tôn giáo không ngừng tiếp diễn tại Việt Nam.

“Ở Mã Lai, các cuộc biểu tình vô tiền khoáng hậu quy tụ trên 70 nhóm xã hội dân sự và các đảng chính trị đòi hỏi bầu cử tự do và công bình đã bị cảnh sát đàn áp mạnh mẽ tuần trước đây. Chúng tôi ca ngợi các biểu tình viên đã giữ vững tinh thần bất bạo động trước các hành xử bạo động. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Mã Lai không sử dụng các biện pháp trừng phạt với giới biểu tình, mà tôn trọng các yêu sách dân chủ chính đáng của họ.

“Mặc cho kinh tế phát triển ở Trung quốc, các quyền chính trị vẫn bị lạm dụng nghiêm trọng. Đặc biệt là quyền tự do ngôn luận bị kềm chế bằng sự kiểm soát gắt gao hệ thống Internet và các cơ quan truyền thông. Chúng tôi cực kỳ quan tâm trước sự việc Trung quốc tiếp tục vi phạm nhân quyền đối với nhân dân Tây Tạng và nhân dân Uyghur.

“Ở Phi Luật Tân, dân chủ dường như trên đà thoái bộ. Điều đáng quan tâm là tình trạng giết người bất cần luật pháp (extra-judicial killings), tình trạng thiếu minh bạch và tham nhũng. Là thành viên của Ủy ban Triệu tập (thuộc Cộng đồng các Quốc gia dân chủ), Phi Luật Tân có trách vụ trước cộng đồng quốc tế và với công dân nước Phi trong việc duy trì các tự do cơ bản và nhân quyền.

“Ở Singapore, chính phủ sử dụng pháp luật để dập tắt các quyền cơ bản, đáng chú ý là quyền tự do lập hội. Ông Chee Soon Juan, một thành viên trong Ủy ban Quốc tế Điều hướng Tiến trình Phi chính phủ trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ đã không thể đến Bamako phó hội vì ông bị “giam giữ tại chỗ” do tham gia biểu tình ôn hòa đòi hỏi dân chủ.

“Cuộc bầu cử sắp tới tại Thái Lan là cơ hội quan trọng phục hồi nền cai trị dân chủ trên đất nước này. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia thành viên trong Cộng đồng các Quốc gia dân chủ bằng mọi giá khuyến khích Thái Lan tái lập các tự do dân sự và quay về con đường dân chủ.

“Chúng tôi chào đón Hiến chương của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ phê chuẩn vào tuần tới. Tuy nhiên, chúng tôi cổ vũ cho các cơ cấu nhân quyền thật sự được đưa vào Hiến chương, và quy định cho quyền tham gia và đính kết của các xã hội dân sự.

“Thưa quý Ngài,

“Chúng tôi kêu gọi các quốc gia dân chủ Châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Đại Hàn, Đài Loan hãy đảm lãnh vai trò lãnh đạo để thăng tiến dân chủ trong vùng. Vì dân chủ không là một khái niệm do phương Tây áp đặt. Dân chủ là nét đặc trưng lâu đời trong nền văn hóa Châu Á, bắt rễ sâu xa trong nền minh triết và tư tưởng của chúng ta. Hậu thuẫn mạnh mẽ cho xã hội dân sự dân chủ và khuyến khích cho sự tiến bộ trong vùng, các quốc gia dân chủ Châu Á sẽ tác động tích cực cho an ninh và hòa bình trên địa cầu.

“Trong niềm kính ngưỡng này, mà chúng tôi vô cùng lo ngại trước sự kiện chính phủ Mali khước từ chiếu khán nhập nội cho hai đại biểu Phi chính phủ thuộc Đài Loan Dân chủ Cơ kim hội đến dự hội nghị tại Bamako. Đài Loan Dân chủ Cơ kim hội từng đóng vai trò thiết cốt trong việc thăng tiến dân chủ tại Á châu, đã từng hậu thuẫn Tiến trình Phi chính phủ trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ nhiều năm qua. Sự từ khước cấp chiếu khán này là một tiền lệ nguy hiểm. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia thành viên trong Cộng đồng các Quốc gia dân chủ, đặc biệt là quốc gia Châu Á và các thành viên trong Ủy ban Triệu tập (thuộc Cộng đồng các Quốc gia dân chủ), bảo đảm không tái diễn một sự kiện như thế trong tương lai.

“Chúng tôi cũng kêu gọi các quốc gia dân chủ Châu Á đứng trong đường hướng tiến bộ để hậu thuẫn các xã hội dân sự, trong vùng cũng như trên các diễn đàn quốc tế. Đặc biệt quan trọng là tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, nơi đang có những quốc gia phi dân chủ cùng nhau kết hợp để hạn chế không gian và thời gian phát biểu của các xã hội dân sự.

“Hơn nữa, đề tài của Hội nghị này là “Phát triển và Dân chủ”, mà các chính phủ đã khẳng định rằng “dân chủ và phát triển không thể tách rời nhau mà còn hỗ tương củng cố”. Chúng tôi khuyến thỉnh Nhật Bản, Đại Hàn và các nước dân chủ Á châu khác chớ quay mặt với vấn đề sinh tử của dân chủ trong mối quan hệ kinh tế và mậu dịch của quý quốc.

“Tóm lại, nếu Châu Á là một đại lục của sự thách thức, nó còn là đại lục của những viễn kiến lớn, nơi đang có hàng hàng lớp lớp nhân dân đứng lên đòi hỏi quyền cho mình. Tôi xin cổ vũ các thành viên Châu Á trong Cộng đồng các quốc gia dân chủ hãy chuyển hóa viễn kiến dân chủ thành thực tại. Vì rằng, dân chủ là người bảo lãnh cho sự phát triển bền vững, và một Châu Á dân chủ là chìa khóa mở vào nền hòa bình và ổn định cho trái đất của chúng ta”.


(1) Bà cũng là Báo cáo viên LHQ Đặc nhiệm Tự do tôn giáo, từng nhiều lần lên tiếng bênh vực cho Tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *