Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam gửi Thư Ngỏ đến 21 quốc gia tham dự Hội nghị APEC ở Đà Nẵng yêu cầu áp lực Hà Nội chấm dứt cuộc khủng bố Nhân quyền và Tự do Tôn giáo tại Việt Nam

Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam gửi Thư Ngỏ đến 21 quốc gia tham dự Hội nghị APEC ở Đà Nẵng yêu cầu áp lực Hà Nội chấm dứt cuộc khủng bố Nhân quyền và Tự do Tôn giáo tại Việt Nam

Download PDF

 

PARIS, ngày 9 tháng 11 năm 2017 (VCHR – Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam) — Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam có trụ sở đặt tại Paris, gửi bức Thư Ngỏ kêu gọi giới lãnh đạo thế giới tham dự lần thứ 25 Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Á châu Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng trong 2 ngày 11 vả 12 tháng 11, áp lực Việt Nam duy trì các nghĩa vụ quốc tế và chấm dứt cuộc đàn áp nhân dân Việt chỉ vì họ đòi hỏi nhân quyền và tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.

Thượng đỉnh khai mạc vào lúc Việt Nam “đeo đuổi cuộc tấn công ác liệt nhất đối với nhân quyền trong những năm gần đây” thông qua các cuộc bắt bớ hay kết án nặng nề những người bảo vệ nhân quyền, các bloggers, và các nhà hoạt động trong các xã hội dân sự như trường hợp Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Đài.

Ông Ái tố cáo những vi phạm tự do tôn giáo hay tín ngưỡng nghiêm trọng, mà ông gọi tự do tôn giáo là “Mẹ của mọi thứ tự do”, như trường hợp giam tù và quản chế hơn 30 năm học giả và cũng là nhà lãnh đạo Phật giáo Thích Quảng Độ. Vào lúc nhà cầm quyền Việt Nam tổ chức Thượng đỉnh gần địa danh Ngũ Hành Sơn danh tiếng, thì cũng là lúc nhà cầm quyền “phá bỏ truyền thống 2000 Năm Phật giáo Việt Nam khi đặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra ngoài vòng pháp luật, ngăn cấm mọi sinh hoạt tôn giáo và đàn áp thô bạo Phật giáo đồ”.

Chủ đề của Thượng đỉnh APEC 2017 là, “Tái tạo tính Năng động mới, Thúc đẩy cuộc chia sẻ tương lai” chỉ hiện thực khi các thành viên tham gia Hội nghị quyết tâm cam kết cho nhân quyền và pháp quyền : “Tương lai Việt Nam và sự chia sẻ tương lai của vùng Á châu Thái Bình dương tuỳ thuộc vào quyết định của quý Ngài đặt nặng sự tử tế, phẩm giá và dân chủ tự do vào giữa lòng cuộc hợp tác kinh tế và kinh doanh”.

Thưởng đỉnh Hợp tác Kinh tế Á châu Thái Bình Dương (APEC) được 21 quốc gia thành viên thiết lập năm 1989, bao gồm các quốc gia Australia, Brunei, Canada, Chile, China, Đài Loan, Hoa Kỳ, Hong Kong, Indonesia, Japan, Malaysia, Mexico, Nam Hàn, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Russia, Singapore, Thailand, và Vietnam. Dẫn đầu các Phái đoàn nước lớn như các Tổng Thống hay Thủ tướng Donald Trump, Justin Trudeau, Vladimir Putin, Tập Cận Bình, v.v…

Sau đây là toàn văn bức Thư Ngỏ :

 

THƯ NGỎ GỬI QUÝ NGÀI THÀNH VIÊN THƯỢNG ĐỈNH APEC
LẦN THỨ 25 TẠI ĐÀ NẴNG TỪ 11 ĐẾN 12 THÁNG 11 NĂM 2017

 

Thưa Quý Ngài,

Nhân Quý Ngài đến Đà Nẵng tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Á châu Thái Bình Dương (APEC), tôi viết thư này biểu tỏ mối quan tâm thâm thiết của tôi trước hiện trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng tại nước chủ nhà Việt Nam. Tôi mong mỏi quý Ngài áp lực đối tác Việt Nam duy trì các nghĩa vụ quốc tế, và chấm dứt cuộc khủng bố nhân dân họ vì đã dám cất tiếng kêu gọi cho nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo.

APEC là một diễn đàn có thế lực, bao gồm 40% dân số thế giới, 57% tổng sản phẩm toàn cầu và 49% kinh doanh quốc tế. Mục tiêu kinh tế của 21 quốc gia thành viên là tăng trưởng kinh tế và phúc lợi. Thượng đỉnh 2017 đặt dưới chủ đề “Tái tạo tính Năng động mới, Thúc đẩy cuộc chia sẻ tương lai”. Tuy nhiên, sự chia sẻ tương lai cho tăng trưởng và phúc lợi chắc chắn chỉ có thể đạt được khi nền tảng của sự cam kết chung, đặt trên các nguyên tắc tự do và nhân quyền.

Lịch sử đã minh chứng, phát triển kinh tế và nhân quyền không trái chống nhau. Trái lại, chúng phụ thuộc lẫn nhau và gia cố cho nhau. Phát triển là tự do, ông Amartya Sen, người Ấn độ và Khôi nguyên Giải Nobel Kinh tế khẳng định như thế, nhưng ông nhấn mạnh rằng, sự tự do này chỉ hiện hữu khi “thời cơ kinh tế, các tự do chính trị, hoàn cảnh xã hội, sự minh bạch được bảo đảm và an ninh được bảo vệ” cùng chung hợp pháp hoá.

Thượng đỉnh APEC khai mạc vào lúc Việt Nam đeo đuổi cuộc tấn công ác liệt nhất đối với nhân quyền trong những năm gần đây. Một năm qua, có ít nhất 28 người bị bắt với tội danh mơ hồ “an ninh quốc gia” mà LHQ cùng nhiều thành viên quốc gia APEC tố cáo mạnh mẽ. Các bloggers nổi danh hoạt động bảo vệ nhân quyền như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm)Trần Thị Nga bị kết án 10 và 9 năm tù giam mùa hè năm nay. Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài vẫn bị tạm giam từ 22 tháng qua không dược xét xử, và nay bị quy tội “lật đổ nhà nước”, tội này có thể đưa tới án tử hình.

Tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng hay tôn giáo — là Mẹ của mọi thứ tự do — đang bị vi phạm nghiêm trọng tại Việt Nam. Nơi tổ chức Thượng đỉnh APEC năm nay mang nhiều ý nghĩa biểu tượng cho các tín đồ tôn giáo. Ngũ Hành Sơn tại Đà Nẵng có nhiều động, trang nghiêm thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, là nơi tín đồ hành hương hay nhập thất. Tại đây nhà cầm quyền dùng thu lợi như một địa bàn du lịch, nhưng lại phá bỏ truyền thống 2000 Năm Phật giáo Việt Nam, khi đặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra ngoài vòng pháp luật, ngăn cấm mọi sinh hoạt tôn giáo và đàn áp thô bạo Phật giáo đồ.

Hôm nay đây, vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, 89 tuổi, một học giả nổi danh, nhà bất đồng chính kiến đã được 16 lần đề cử Giải Nobel Hoà bình, bị quản thúc tại Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon. Bị mất quyền công dân, bị công an theo dõi hằng ngày, Ngài là biểu tượng của phong trào dân chủ và nhân quyền lớn mạnh tại Việt Nam. Hơn ba mươi năm qua, Ngài bị giam tù, bị đày về quê quán, rồi quản chế. Tháng 5 vừa qua, Công an ngăn cấm không cho Ngài ra Huế thăm viếng các chùa viện, tổ đình, hay chư Tăng tại Tu viện Long Quang, với lý do như Công an nói “chúng tôi không muốn ông ta có mặt tại Huế”. Tổng Thư ký Viện Hoá Đạo kiêm Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ, Lê Công Cầu, cũng bị bắt đi “làm việc”, sách nhiễu, không cho đi thăm viếng Ngài Quảng Độ. Nhiều thành viên Gia Đình Phật tử cũng bị hăm doạ và ngăn cản tham dự các đại lễ Phật giáo như Phật Đản, Hiệp kỵ ngày Tết.

Không chỉ dùng bạo lực mà thôi, nhà cầm quyền Việt Nam còn sử dụng cả luật pháp để ngăn chận các tự do sinh hoạt tôn giáo hay tín ngưỡng. Tháng 11 năm ngoái, 2016, Việt Nam thông qua “Luật tín ngưỡng và tôn giáo” áp đặt sự kiểm soát gắt gao các tôn giáo, và pháp lý hoá sự giám sát của nhà nước đối với các sinh hoạt tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Phật giáo Khmer Krom, Giáo hội Tin Lành tại gia, Hoà Hảo hay Cao Đài không chấp nhận việc Đảng Cộng sản xen lấn vào nội bộ tôn giáo, đều sẽ bị xúc phạm một khi Luật tôn giáo mới trên đây có hiệu lực vào ngày mồng Một tháng Giêng năm 2018.

Tương lai Việt Nam và sự chia sẻ tương lai của vùng Á châu Thái Bình dương tuỳ thuộc vào quyết định của quý Ngài đặt nặng sự tử tế, phẩm giá và dân chủ tự do vào giữa lòng cuộc hợp tác kinh tế và kinh doanh.

Chủ tịch
Quê Mẹ – Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam
(ký tên)
Võ Văn Ái
(Cơ sở Quê Mẹ dịch từ bản Anh văn)

 

 

 

This post is also available in: English

Check Also

Các nhà bảo vệ môi trường và nhân quyền ở Việt Nam đón Ngày Quốc tế Nhân quyền trong tù ngục

PARIS, ngày 10 tháng 12 năm 2023 (VCHR) – Ủy Ban Bảo vệ Quyền làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *