PARIS, ngày 23.4.2007 (UBBVQLNVN) – Hôm nay, Đài Quan sát Bảo vệ những Nhà đấu tranh cho Nhân quyền vừa công bố đồng thời tại thủ đô Paris và Genève bản Phúc trình cuộc điều tra quốc tế về tình trạnh nhân quyền tại Việt Nam. Đài Quan sát Bảo vệ những Nhà đấu tranh cho Nhân quyền là cơ quan hoạt động kết nối giữa hai tổ chức nhân quyền quốc tế, gồm Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) có trụ sở tại Paris và Tổ chức Quốc tế Chống tra tấn (OMCT) có trụ sở tại Genève.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, nói rằng : “Bản Phúc trình đến rất đúng lúc và đầy ý nghĩa vào thời điểm nhà cầm quyền Hà Nội mở cuộc đàn áp và bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam nhằm ngăn cản mọi tiếng nói đòi hỏi dân chủ. Bản Phúc trình đã cất cao tiếng nói của các nhà bất đồng chính kiến gặp gỡ Phái đoàn Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền đi điều tra Việt Nam, trong số này có Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, hai Thượng tọa Thích Không Tánh, Thích Thiện Minh, Linh mục Chân Tín, Giáo sư Hoàng Minh Chính, v.v… Lời chứng của các nhân vật Việt Nam soi sáng vào thực tại thường nhật mà các Nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền đang đối diện và sẽ là công cụ truyền thông lay động công luận thế giới trước hiện trạng nhân quyền bị chà đạp tại Việt Nam. Bản Phúc trình cũng sẽ góp phần quan trọng cho cuộc đối thoại nhân quyền tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào ngày mai 24.4.2007”.
Bản Phúc trình đã được ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, chuyển đến ông Barry Lowenkron, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, là người cầm đầu phái đoàn đối thoại nhân quyền với Việt Nam.
Chúng tôi xin dịch nguyên văn bản thông cáo báo chí của Đài Quan sát Bảo vệ những Nhà đấu tranh cho Nhân quyền dưới đề danh :
Việt Nam : 12 Nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền lên tiếng – Phát hành bản Phúc trình quốc tế của Phái đoàn điều tra nhân quyền
“Loan báo đồng thời tại Paris và Genève ngày 23.4.2007, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Tổ chức Quốc tế Chống tra tấn (OMCT), theo chương trình cộng tác hỗ tương trong khung hoạt động mang danh xưng Đài Quan sát Bảo vệ những Nhà đấu tranh cho Nhân quyền phát hành hôm nay bản Phúc trình cuộc điều tra quốc tế tại Việt Nam.
“Cuộc điều tra này, tổ chức với sự cộng tác mật thiết của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, để gặp gỡ một số nhà bất đồng chính kiến và các nhà lãnh đạo tôn giáo đang dấn thân tranh đấu cho nhân quyền. Mục tiêu cuộc điều tra nhằm lấy lời chứng trực tiếp để làm sáng tỏ hoàn cảnh những nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, mà Đài Quan sát có quan hệ theo dõi nhiều năm qua. Bản Phúc trình sẽ được sử dụng để đánh động cộng đồng thế giới và công luận về hiện trạng tự do ngôn luận, tự do lập hội tại Việt Nam. Đài Quan sát sẽ sử dụng bản Báo cáo làm công cụ thông tin trong khung cảnh quan hệ song phương hay đa phương giữa Việt Nam với các quốc gia thứ ba.
“Số lớn những người gặp gỡ phái đoàn điều tra là thành viên hay hỗ trợ viên cho Giáo hội Phật giáo độc lập, tức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật từ năm 1981 và không ngừng bị chế độ công kích. Phái đoàn điều tra cũng đã gặp các nhà văn, học giả hay các giới khác, các vị này đều tham gia bảo vệ nhân quyền và đấu tranh cho công cuộc cải cách dân chủ .
“Một số những người gặp gỡ phái đoàn từng bị giam tù nhiều năm vì lý do hoạt động nhân quyền. Nhiều người từng bị khốn đau về thể xác và tinh thần, và sau khi trả tự do họ vẫn bị theo dõi, giám sát cũng như mất các quyền tự do đi lại, tự do ăn nói hay lập hội. Thế nhưng họ vẫn kiên quyết tiếp tục cuộc đấu tranh.
“Những bước tiến có tính quyết định cần thiết để thúc đẩy một môi trường dẫn tới nhân quyền và pháp quyền. Đặc biệt Nhà cầm quyền Việt Nam phải chú ý đặc biệt :
– “Trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả những nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, tù nhân chính trị và tù nhân vì lương thức bị bắt giam vì sử dụng chính đáng các quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, thông tin, và quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của họ ;
– “Chấm dứt mọi hình thức đàn áp, kể cả những sách nhiễu tư pháp và hành chính, đối với những ai hành xử các quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, tôn giáo, tín ngưỡng, quyền tự do lập hội và hội họp phù hợp theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ;
– “Bảo đảm quyền tự do lập hội phù hợp theo Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị, bãi bỏ Nghị định 38/2005/ND-CP (1), và cho phép thành lập các tổ chức Phi chính phủ, các công đoàn độc lập, các đảng phái đối lập, và những phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam ;
– “Cho phép sáng lập cơ quan truyền thông tự do và độc lập, kể cả bãi bỏ Nghị định 56/2006 (2) và Quyết định 71 (3), cải cách luật báo chí, đặc biệt các điều 1, 2 và 15 tại Chương 5, và cho phép phát hành các báo chí, truyền thông tư nhân ;
– “Phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ;
– “Gạt bỏ mọi trở ngại ngăn cấm cơ quan truyền thông quốc tế và các tổ chức nhân quyền để họ được phép đến kiểm tra tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ;
– “Nói chung, tuân thủ toàn triệt Tuyên ngôn Bảo vệ những Nhà đấu tranh cho nhân quyền được Hội đồng LHQ thông qua tại khóa họp đại hội đồng hôm 9.12.1998, đặc biệt điều 1, các điều 12.1 và 12.2 ;
– “Phê chuẩn Công ước LHQ chống tra tấn và các đối xử tàn bạo, bất nhân hay hạ giá nhân phẩm, cùng Nghị định thư không bắt buộc.
“Ngoài ra, Đài Quan sát Bảo vệ những Nhà đấu tranh cho Nhân quyền khuyến cáo Liên hiệp Châu Âu thi hành Điều 1 trong Hiệp ước song phương Liên Âu – Việt Nam năm 1995, căn cứ việc hợp tác phải thông qua sự tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền, và thiết lập trên căn bản này, những tiêu chuẩn đặc thù để cải tiến nhân quyền thể hiện qua cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên Âu và Việt Nam.
“Liên hiệp Châu Âu cần quan tâm đặc biệt để bảo vệ các Nhà đấu tranh cho nhân quyền tuân theo đường lối chỉ đạo của Liên hiệp Châu Âu đối với các Nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền”.
(Việt dịch từ bản Anh văn)
——————
(1) Nghị định chống tụ tập biểu tình trước các cơ sở công cộng.
(2) Nghị định cấm tự do báo chí và kiểm soát Internet.
(3) Quyết định cấm sử dụng các Trang nhà để gây rối an ninh và trật tự xã hội, ban hành tháng 3.2004.
This post is also available in: English