PARIS, ngày 13.8.2008 (PTTPGQT) – Trong thông cáo báo chí ngày 27.5 vừa qua chúng tôi đã loan tải một Khóa học Mùa hè dành cho giới Cư sĩ Phật giáo do Ban Đại diện Miền Thiện Luật, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tổ chức tại Chùa Pháp Luân, 13913 South Post Oak Rd Houston, Texas 77045 vào trung thuần tháng 7. Nhưng sau đó, vì lý do Tang lễ Đức cố Tăng thống nên khóa học đã phải tạm thời dời lại. Nay theo công bố của Thượng tọa Thích Giác Đẳng, Chánh Đại diện Miền Thiện Luật, thì Khóa học mùa hè dự trù nói trên sẽ được thực hiện vào ba ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy, Chủ Nhật 15, 16, 17 tháng 8 năm 2008 tại cùng địa điểm nói trên.
Thành phần giáo thọ gồm có HT Thích Hộ Giác, Hoà Thượng Thích Chánh Lạc, Pháp Sư Thích Giác Đức, HT Thích Huyền Việt, HT Thích Viên Thành, HT Thích Thiện Tâm, TT Thích Phước Nhơn. TT Thích Viên Lý, Kim Cang Đại Sư Tashi, TT Thích Giác Đẳng, ĐĐ Thích Trí Quảng, ĐĐ Thích Trí Tịnh, Giáo Sư Võ Văn Ái, Nữ sĩ Ỷ Lan.
Giáo trình gồm những môn học như sau : Kinh điển Đạo Phật, hệ Nam Phạn Pali – Kinh điển Đạo Phật, hệ Hán ngữ – Ảnh hưởng của đạo Phật trong xã hội Tây phương – Cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – Mạn-Đà-La và Thiền định Mật tông – Thiền Tứ Niệm xứ – Ngôi chùa và Cộng đồng Người Việt Hải ngoại – Vai trò Hộ Quốc và Hộ Pháp của người Cư sĩ – Nghi thức tụng niệm Nhật hành cho người Cư sĩ – Áp dụng Tin học vào việc học Phật.
Đặc biệt tối thứ Bảy 16-8-2008 lúc 7 giờ tối sẽ có chương trình Hội thảo với đề tài : “Những đóng góp Phật sự của người Cư Sĩ” do nữ sĩ Ỷ Lan điều phối dưới sự chứng minh của chư tôn giáo phẩm Văn Phòng II Viện Hóa Đạo. Và sáng Chủ Nhật 17-8-2008 lúc 8 giờ sáng sẽ có chương trình Hội thảo chủ đề : “Ứng dụng Phật pháp trong đời sống gia đình”.
Muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc : Chùa Pháp Luân 713-433-4364, Mai Đào (713) 297-1725
Thời gian của Khóa học Cư sĩ sẽ được kết hợp với hai lễ trọng của Phật giáo là Lễ Vu Lan Báo Hiếu và Lễ Chung Thất Đức Cố Tăng thống Thích Huyền Quang. Theo thông báo của Thượng tọa Thích Giác Đẳng, Trưởng ban Tổ chức, cho biết thì thừa ủy nhiệm của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), chùa Pháp Luân sẽ tổ chức lễ Chung Thất Đức Đệ Tứ Tăng Thống vào cuối tuần 16 và 17 tháng 8 năm 2008 dưới sự chủ trì và chứng minh của chư tôn giáo phẩm Văn Phòng II Viện Hóa Đạo GHPGVNTN cùng ngày với đại lễ Vu Lan Chùa Pháp Luân. Đại quan chương trình sẽ diễm tiến như sau :
Ngày Thứ Bảy 16-8-2008 : Khai mạc Triển Lãm Về Cuộc Đời Của Đức Đệ Tứ Tăng Thống do Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế thực hiện lúc 10 giờ sáng. Đàn Tràng Báo Ân để cầu nguyện Linh quyền cho người chết, Nhân quyền cho người sống theo tinh thần Đức Đệ Tứ Tăng Thống kêu gọi lúc sinh tiền. Đàn Tràng Báo Ân chính thức khởi sự lúc 2 giờ trưa.
Ngày Chủ Nhật 17-8-2008 : Nghi thức lễ Chung Thất chính thức bắt đầu lúc 12 giờ trưa theo hai truyền thống Bắc Tông và Nam Tông. Tiếp theo là tuyên đọc Di chúc và Giáo chỉ của Đức cố Đệ tứ Tăng thống và Đạo từ của Hội Đồng Lưỡng Viện.
Nhân dịp Chung Thất nầy, Giáo Hội đã cho ấn hành tập Kỷ yếu 200 trang về Cuộc đời và Hành trạng của Đức cố Đệ Tứ Tăng Thống Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang.
Kính mời quí đồng hương, đồng bào Phật tử xa gần về tham dự đại lễ Chung thất để tưởng niệm một bậc Cao tăng đương đại đã phụng hiến cuộc đời cho quê hương, đạo pháp và hạnh nguyện độ sanh.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được từ Văn phòng Viện Tăng thống bàn Tường Thuật Tang lễ Đức Cố Đệ tứ Tăng thống do Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Thư ký Viện Tăng Thống, thực hiện. Xin đăng tải nguyên văn sau đây để chư Tôn đức, đồng bào Phật tử và đồng bào các giới theo dõi cuộc Tang lễ có một không hai tại Tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Định :
VIỆN TĂNG THỐNG
Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN
Kính bạch chư tôn Hoà Thượng, chư Thượng Toạ Đại Đức Tăng Ni,
Thưa Phật tử các giới, trong và ngoài nước.
Cho đến nay tang lễ đức cố đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN, Đại lão Hòa thượng thượng Huyền hạ Quang, đã đi qua gần 49 ngày, mà vẫn còn những đồn đãi xuyên tạc, nhằm triệt phá uy tín GHPGVNTN ở trong và ngoài nước, trên đài báo nhà nước và mạng lưới điện toán toàn cầu. Mặc dù bận nhiều Phật sự tồn đọng sau tang lễ đức Tăng Thống, nhưng tôi thấy cần có bản tường thuật này để giúp cho ai nấy nhận ra được đâu là chánh đâu tà, đúng sai trong thời gian tang lễ vừa qua. Tôi xin được phân làm nhiều giai đoạn từ ngày nhập viện đến ngày cử hành cung nghinh Kim quan đức đệ tứ Tăng Thống nhập Bảo tháp như sau :
Ngày 27/05/2008, chúng tôi được quý thầy ở tu viện Nguyên Thiều cấp báo cho biết đức Tăng Thống trở bệnh đã đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn. Từ Sài Gòn, Hoà Thượng Viện trưởng, TT Viên Định, Viện phó cùng các Hòa thượng, Thượng tọa trong Hội đồng Lưỡng Viện, cấp tốc đáp xe lửa ra Bình Định. Từ Huế, Đà Nẵng chúng tôi cùng Hòa thượng Tổng vụ Tăng sự, Thượng tọa Tổng vụ Thanh Niên và Đạo hữu Lê Công Cầu Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Việt Nam… vội vàng lấy vé xe khách đi suốt đêm, tờ mờ sáng 28/05/2008 chúng tôi đến Tu viện Nguyên Thiều. Chúng tôi không gặp bất cứ trở ngại nào, mặc dù quanh chúng tôi có rất nhiều chú Công an làm nhiệm vụ bám sát theo dõi. Chúng tôi không gặp trở ngại có lẽ vì Hà Nội vừa tổ chức Phật Đản LHQ 2008 (19/05/2008), Phái đoàn Nhân quyền của Chính phủ Hoa Kỳ đang làm việc với lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội (29/05/2008). Nhất là Thủ tướng chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng sắp công du Hoa Kỳ (02/06/2008).
Sáng 28/05/2008, chúng tôi 20 người, thuộc thành viên Hội Đồng Lưỡng Viện, được quý thầy tu viện Nguyên Thiều và môn đồ, thị giả đức Tăng Thống, hướng dẫn đến bệnh viện Đa Khoa hầu thăm đức Tăng Thống. Tại sân bệnh viện chúng tôi thấy có trên 15 người, ai cũng cầm máy ảnh, ống kính quay film, châu về phía chúng tôi làm việc. Họ đứng cách chúng tôi từ 3-5m và lẫn vào phía nhân viên bệnh viện, hoặc thân nhân nuôi bệnh. Tuy vậy, các vị chỉ quay film chụp hình, không có động thái nào khác.
Vào phòng đức Tăng Thống, tại đây chúng tôi thấy bệnh viện Đa Khoa đã dành cho đức Tăng Thống một phòng đặc biệt, rộng rãi, thoáng mát, đầy đủ tiện nghi. Ngoài cửa phòng, có ghi tên bác sĩ điều trị với những lời dặn dò người thăm bệnh, chẳng hạn : bệnh nặng hạn chế thăm viếng, không nói chuyện nhiều với bệnh nhân…
Tại phòng nằm của đức Tăng Thống, chúng tôi thấy đức Tăng Thống đã vượt qua cơn nguy kịch. Ngài nhìn và nhận ra từng người một, gương mặt tươi tỉnh, cười nhưng chỉ nói được một vài lời không rõ lắm, vì sức yếu và mệt.
Trên người đức Tăng Thống, có gắn dây thở oxy liền với bình oxy, dây chuyền đạm, dây và máy đo nhịp tim. Tại đây chúng tôi được cho biết hiện đức Tăng Thống đang phải điều trị 3 triệu chứng cùng một lúc : tràn dịch phổi, sưng gan và suy tim ! Trước tình huống khiếm an của đức Tăng Thống, chúng tôi ai cũng bâng khuâng lo lắng.
Sau 10 phút thăm viếng, chúng tôi đành phải tạm rời đức Tăng Thống, trở về Tu viện Nguyên Thiều. Chiều cùng ngày 28/05/2008 chúng tôi mở cuộc họp mặt giữa môn đồ pháp quyến và Hội đồng Lưỡng Viện, để duyệt xem bệnh tình của đức Tăng Thống như vậy thì tiếp tục chữa trị tại bệnh viện Quy Nhơn hay xin chuyển viện. Buổi gặp mặt này, các môn đồ pháp quyến đã thỉnh cầu xin để đức Tăng Thống lưu lại chữa bệnh tại bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn, chờ thêm biến chuyển ra sao sẽ tính lại. Bây giờ sức khoẻ Ngài còn quá yếu, đi xa lỡ có chuyện gì sẽ không hết tiếng. Nghị hội ai cũng đồng thuận lời thỉnh cầu của môn đồ pháp quyến. Trong buổi họp này một số vị trong phái đoàn Sài Gòn gồm Hòa thượng Viện trưởng, Thượng tọa Viên Định, Đại đức Viên Hỷ và thầy Đồng Minh quyết định ở lại Tu viện Nguyên Thiều để mỗi tuần đến bệnh viện thăm đức Tăng Thống 2 lần vào thứ năm và chủ nhật lúc 9h sáng theo quy định của bệnh viện. Phái đoàn Huế, Đà Nẵng xin được về để tiếp tục các Phật sự. Có gì bất trắc sẽ trở vào lại.
Con cái ở xa, nghe bố mẹ già lâm bệnh, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, thì ai nấy bôn ba hốt hoảng tìm về. Đó là hiếu hạnh của kẻ làm con đối với ông bà cha mẹ, nòi giống tổ tiên ta bao đời xưng tụng. Và đây, cũng chính là nét đẹp truyền thống Việt nam, bốn ngàn năm văn hiến
Đức Tăng Thống năm nay tuổi đã 89, trở bệnh phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Chúng tôi từ Sài Gòn, Huế và Đà Nẵng vội vã về tu viện Nguyên Thiều, tâm trạng ai nấy lo âu về bệnh tình đức Tăng Thống, không may có mệnh hệ gì ! Dù đây là chuyện bình thường như muôn ngàn chuyện bình thường khác trong xã hội.
Thế nhưng báo chí nhà nước, điển hình là tờ Thanh Niên số ra ngày 03/06/2008, đã chụp lấy cơ hội đức Tăng Thống lâm trọng bệnh, phái đoàn các nơi từ Sài Gòn ra, Huế, Quảng Trị và Đà Nẵng đổ về Bình Định ngày càng đông, nên báo chí, đài phát thanh truyền hình nhà nước, loan tin thất thiệt với đủ thứ luận điệu rẻ tiền, xuyên tạc, ác ý và chụp mũ nhiều điều mà thâm tâm chúng tôi không hề nghĩ tới, nhằm khủng bố tăng tín đồ Phật giáo không cho đến Bình Định thăm viếng đức Tăng Thống ; chiến dịch này tiếp nối cuộc đánh phá, quyết triệt tiêu GHPGVNTN trong nước, nhất là đánh phá Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Ngôn từ được sử dụng trong mấy tờ báo nhà nước nghe sao không giống tỉ ti nào văn hoá nòi giống Âu Lạc !
Trong thời gian 10 hôm, kể từ ngày đức Tăng Thống vào điều trị tại bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn (27/05/2008), Ban Đại Diện và Tăng Ni Phật tử, từ các tỉnh, thành phố đổ về Bình Định thăm đức Tăng Thống ngày càng đông, nhất là các đoàn thể Gia Đình Phật tử Việt Nam (GĐPTVN), từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam Đà Nẵng do Thượng tọa Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh Niên Thích Thanh Quang và Vụ trưởng Lê Công Cầu hướng dẫn, đổ về Tu viện Nguyên Thiều bái yết đức Tăng Thống và thăm viếng Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Có ngày lên tới 200 người.
Ngày 17/06/2008, đức Tăng Thống không thở được, phải chuyển đến phòng cấp cứu của bệnh viện, để dùng máy hút đàm. Sức khoẻ đức Tăng Thống suy giảm nhanh chóng thấy rõ. Sau hơn 20 ngày chữa trị, đã không thuyên giảm, lại có hiện tượng xấu hơn. Đức Tăng Thống không còn dùng được cháo nghiền nhuyễn như những ngày trước đây, mà nay bệnh viện phải cho đức Tăng Thống dùng thức ăn, được xay nhuyễn, bơm qua đường mũi vào dạ dày. Tại phòng cấp cứu, đức Tăng Thống bị cách ly hoàn toàn với người nhà nuôi bệnh và người vào ra thăm viếng. Vào phòng đức Tăng Thống phải qua một cánh cửa sắt được kéo lại và khoá ở bên trong. Muốn vào thăm, phải đợi 15-20 phút mà chưa có người mở cửa. Vào rồi chỉ được thăm 1 phút, lâu hơn thì sẽ có người đến nhắc nhở nói năng khó chịu. Xem ra, chúng tôi không có quyền chăm nom, thăm viếng đức Tăng Thống. Mọi việc đều do môn đồ pháp quyến. Gần như người ta đã sắp đặt để loại chúng tôi ra khỏi mọi sự liên lạc với đức Tăng Thống. Bệnh viện chỉ biết môn đồ pháp quyến mà không cần biết ai khác. Chúng tôi có cảm tưởng căn phòng cấp cứu này là phòng biệt giam “ bệnh nhân can phạm” !
Trước tình trạng sức khoẻ của đức Tăng Thống ngày một xấu đi, Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo triệu buổi họp khẩn với môn đồ pháp quyến để tìm ra phương án điều trị bệnh có hiệu quả hơn cho đức Tăng Thống.
Sau khi điểm qua bệnh trạng của đức Tăng Thống và phương pháp điều trị của bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn. Bệnh viện này chỉ là bệnh viện nơi tỉnh lẻ. Quy Nhơn không có trường Đại Học Y Khoa quy tụ giáo sư bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng giảng dạy và điều trị. Ở đây cũng thiếu điều kiện đầu tư đầy đủ dụng cụ y khoa hiện đại. Cũng không đủ các loại thuốc có hiệu quả trị liệu cao. Nhất là phải trị liệu cho bậc cao tăng lỗi lạc, đóng vai trò chủ yếu đòi phục hoạt GHPGVNTN, đòi tự do dân chủ, nhân quyền và tự do Tôn giáo cho mọi tầng lớp dân tộc Việt Nam. Do đó mà bị 30 năm lưu đày, tù tội. Thế giới ngợi ca Ngài nhưng nhà nước CHXHCNVN thì mong sao Ngài hết thở càng sớm càng tốt. Dù cho các giáo sư bác sĩ ở bệnh viện Quy Nhơn có lòng yêu thương Hòa thượng Huyền Quang bao la như biển Thái Bình, cũng chẳng làm gì khác hơn trước tình cảnh mà chính trị chi phối thế giới của “Lương y như từ mẫu” !
Để có thể tiếp tục chữa tốt cho bệnh trạng của đức Tăng Thống, chúng tôi đưa ra 3 phương án thảo luận nhằm tìm phương án tối ưu khả thi :
1. Liên lạc xin chuyển đức Tăng Thống tới bệnh viện tuyến trên. Chẳng hạn như bệnh viện Pháp Việt ở Sài Gòn, trước đây từng chữa trị đức Tăng Thống khỏi bệnh hồi năm 2007. Hoặc bệnh viện Trung Ương Huế, một bệnh viện nổi tiếng khắp miền Trung Việt Nam, nhất là nổi tiếng về kinh nghiệm chữa trị tim mạch ; có đầy đủ y cụ hiện đại.
2. Xin bệnh viện Đa Khoa tạo điều kiện đưa đức Tăng Thống về Tu viện Nguyên Thiều, chữa trị ngoại trú. Mọi phí tổn về thuốc thang, phí tổn bác sĩ, y tá, nhà chùa sẽ chi trả. Y cụ chữa trị, cần thứ nào nhà chùa sẽ báo cho Tăng Ni Phật tử mua sắm. Bệnh viện tạo điều kiện giúp cho một bác sĩ và một hay hai y tá.
Về lại Tu viện Nguyên Thiều đức Tăng Thống sẽ thanh thản, thoải mái hơn, Tăng Ni Phật tử vào ra thăm viếng đức Tăng Thống thuận tiện, vui vẻ hơn. Được nghe kinh kệ chuông mõ, được gần gũi quý Hoà Thượng, Thượng Toạ nhiều hơn. Biết đâu nhờ đấy mà bệnh tình đức Tăng Thống được thuyên giảm dần. Vì đây là yếu tố tâm lý của bệnh nhân, những người có niềm tin tôn giáo.
3. Ttiếp tục điều trị tại bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn.
Qua 3 phương án trên, sau thời gian thảo luận, Hội Đồng Lưỡng Viện đề nghị chọn phương án một, xin liên lạc với bệnh viện tạo điều kiện chuyển đức Tăng Thống đến một trong hai bệnh viện : Sài Gòn, bệnh viện Pháp Việt ; hoặc Huế, bệnh viện Trung Ương Huế. Thầy Minh Tuấn và các môn đồ pháp quyến, không thuận tình chuyển đức Tăng Thống vào Sài Gòn hoặc ra Huế. Bởi lẽ : Sức khoẻ đức Tăng Thống quá yếu không thể đi xa ; các y bác sĩ Bệnh viện đa khoa Qui Nhơn hứa tận tâm chữa trị cho đức Tăng Thống, bây giờ chuyển đi, thấy không đành.
Do đó, Thầy Minh Tuấn thưa tiếp : chúng con xin được để đức Tăng Thống tiếp tục chữa trị tại bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn.
Quý Hoà Thượng, Thượng Toạ tuỳ thuận ý kiến môn đồ pháp quyến, và đề nghị thầy Minh Tuấn, thầy Minh Hạnh, hỏi thăm ý kiến bác sĩ về 2 phương án kia để biết ý kiến các vị bác sĩ thế nào.
Chiều hôm sau, thầy Minh Tuấn cho biết, thầy có hỏi ý kiến các vị bác sĩ, họ cho biết muốn chuyển Hoà Thượng đi đâu cũng được, Sài Gòn, Huế, Tu viện Nguyên Thiều… tuỳ ý các thầy. Nhưng bệnh viện không có xe di chuyển bệnh nhân, cũng không thể điều động y tá bác sĩ đi theo. Các vị tự lo liệu lấy. Còn nếu muốn để Hoà Thượng tiếp tục chữa trị tại bệnh viện Đa Khoa thì, “còn nước còn tát”, chúng tôi sẽ tận tình chữa trị cho Hoà Thượng. Lúc nào bệnh viện thấy không còn cách chữa trị, chúng tôi sẽ thông báo để quý thầy đưa Hoà Thượng về chùa.
Sau đó, chúng tôi nỗ lực liên lạc tìm mời bác sĩ danh tiếng khắp các tỉnh, đã nghỉ hưu, đang làm việc, kể cả những bác sĩ tu sĩ… Nhưng không ai “dám” giúp đỡ, mặc dầu rất thương kính đức Tăng Thống.
Thế là niềm hi vọng đức Tăng Thống có điều kiện chữa trị tốt hơn, để có cơ hội lưu lại với Giáo Hội, với Tăng ni Phật tử thêm vài ba năm nữa, đã vụt tắt ! Kể cả việc xin đưa về lại chùa năm ba ngày để đức Tăng Thống được nghe câu kinh tiếng kệ, nghe dùi chuông tiếng mõ trước khi đức Tăng Thống trút hơi thở cuối cùng, mà cũng không được đáp ứng. Hình như Đức Tăng Thống đang bị quản chế tại bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn. Mãi tới phút cuối, khi bệnh viện đồng ý cho trở về Tu viện, thì chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau Ngài đi vào cõi tịch mặc !
Sau khi được thầy Minh Tuấn cho biết, các bác sĩ ở bệnh viện trả lời, các thầy muốn chuyển Hoà Thượng đi đâu cũng được, Sài Gòn, Huế hay về tu viện Nguyên Thiều… tuỳ ý. Nhưng bệnh viện không có xe di chuyển bệnh nhân, không đủ y cụ, cũng không thể điều động y tá, bác sĩ đi theo bệnh nhân. (tôi nhắc lại) Qua đây, chúng tôi thấy đây là một “thế triệt buộc”, ám chỉ cho biết rằng, lệnh quản chế không văn bản, đối với cụ Hoà Thượng Huyền Quang vẫn còn hiệu lực.
Tình hình trở nên căng thẳng hơn. Đài báo nhà nước tăng cường tung tin thất thiệt, xuyên tạc, khủng bố Tăng ni Phật tử không được về Bình Định vì :
Ÿ Ông Quảng Độ, ông Thiện Hạnh, dành nhau tổ chức tang lễ Hoà Thượng Huyền Quang, để tạo uy tín chính trị cá nhân. Ông Quảng Độ muốn đưa về Sài Gòn, trong khi ông Thiện Hạnh thì lại muốn đưa về Huế… (tôi lược).
Ÿ Ông Quảng Độ lợi dụng tang lễ Hoà Thượng Huyền Quang để công bố một tổ chức bất hợp pháp gọi là GHPGVNTN… (tôi lược).
Chúng tôi không hề nghĩ và cũng không hề làm những điều bất nhân vô đạo như những ai đã từng làm, mà lịch sử nhân loại đang phê phán ! Chúng tôi không hề có tà tâm ác ý, nên cũng không muốn cải chính làm gì.
Ở bệnh viện Đa Khoa, trong khi đức Tăng Thống đang kiệt sức dần, tấm thân tiều tuỵ , nhợt nhạt, da bọc xương, thế mà y tá, bác sĩ vẫn đang tâm lấy máu để thử nghiệm ; tôi nghe thân nhân nuôi bệnh nói, tuy không trực tiếp thấy, thì họ cho ống tiêm vào chỗ này hút máu không có, lại rút ra cho vào chỗ khác vẫn không có máu, lại rút ra, cho vào chỗ khác, mới lấy ra được vài giọt máu. Than ôi ! Tôi không hiểu nhiều về y học, không biết trên thực tế có trường hợp nào như vậy không ? Nếu có, tôi thú nhận tôi yếu kém trong nhận thức y học.
Thời gian này các vị trong môn đồ pháp quyến ai ai cũng bị sức ép nặng nề từ nhiều phía công an, chính quyền, Ban trị sự tỉnh Bình Định… hết sức căng thẳng.
Thấy tình trạng sức khoẻ đức Tăng Thống đáng quan ngại, áp lực chính quyền ngày càng gia tăng. Quanh vườn Tu viện Nguyên Thiều, ngoài các lối đi bắt đầu thấy nhiều công an đem lều trại đến che cắm, ăn ở, thậm chí ngang nhiên lấy các phòng học của trường trung cấp Phật Học quanh khuôn viên tu viện làm chỗ nghỉ ngơi ăn uống. Hoà Thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo huỷ bỏ chuyến dự định trở về Sài Gòn tái khám bệnh và mua thuốc, vì sợ có khi vào rồi không ra được. Chúng tôi từ Huế, được Hòa thượng Viện trưởng gọi vào gấp, sắp xếp công việc để lưu lại tu viện Nguyên Thiều lâu ngày. Sợ đức Tăng Thống có mệnh hệ gì, có thể sẽ không vào lại được.
Nhân sự Hội Đồng Lưỡng Viện về đầy đủ. Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo triệu tập buổi họp giữa Hội đồng Lưỡng Viện và môn đồ pháp quyến bàn bạc một số công việc hậu sự của đức Tăng Thống, như :
Ÿ Quan sát lại địa điểm dựng bảo tháp tưởng niệm, cho đào xây kim tỉnh (đức Tăng Thống đã chỉ định ở bên chùa cách tu viện chừng 100m đường chim bay)
Ÿ Nơi tôn trí kim quan tại phòng khách của đức Tăng Thống, sẽ cưa, đục bỏ cửa phía phòng khách, để lối vào được rộng rãi.
Ÿ Đặt làm kim quan và long vị.
Ÿ Kiểm soát lại các bài đọc tiểu sử đức Tăng Thống (ngắn, gọn) ; Điếu văn và bố trí người đọc.
Ÿ Dự kiến thành lập ban tổ chức có nhiều trưởng tiểu ban.
Ÿ Thời gian tổ chức tang lễ từ 5 – 7 ngày.
Ÿ Tiếp lễ và đáp từ phúng điếu : Gíao hội uỷ thác cho môn đồ pháp quyến lo liệu.
Ÿ Về tài chánh, Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo cho biết : Khi nghe đức Tăng Thống nhập viện, Hòa thượng Viện trưởng gọi TT Tổng thủ quỷ – Thích Nguyên Lý – và TT Viện phó Thích Viên Định bảo tạm ứng 4 triệu tám trăm nghìn đồng rút từ quỹ Giáo Hội đưa về Tu viện lo thuốc thang viện phí cho đức Tăng Thống. Hòa thượng Viện trưởng dạy Thượng Toạ Thủ quỷ và Thượng Toạ Phó viện trưởng xem lại sổ sách, số tiền Tăng tín đồ cúng dường đức Tăng Thống lúc Ngài vào bệnh viện năm ngoái, còn lại bao nhiêu cho biết và chuyển hết cho môn đồ pháp quyến, để lo tang lễ cho đức Tăng Thống. Nếu thiếu Giáo hội sẽ chi tiếp.
Sau buổi họp này, dư luận quần chúng, mà hơn ai hết là do bộ phận Công an và Ban tôn giáo chính quyền tung nhiều chiêu đánh phá GHPGVNTN cốt không cho GHPGVNTN tổ chức tang lễ đức Tăng Thống.
Trước hết, là sự kiện Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Trưởng Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định, đến thăm đức Tăng Thống tại bệnh viện, hôm sau các vị cũng có đến thăm Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo tại tu viện Nguyên Thiều.
Tiếp đó, Nhà nước còn tung nhiều chiêu khác, mà mục tiêu là loại trừ Hội Đồng Lưỡng Viện ra khỏi Ban tổ chức tang lễ ; nào là đề xuất môn đồ hợp với Ban trị sự, nào là môn đồ và Ban thành lập Tu viện Nguyên Thiều phối hợp, nào là môn đồ pháp quyến tự đứng ra tổ chức tang lễ cho đức Tăng Thống, không để cho GHPGVNTN can dự.
Tuy nhiên đây chỉ là những đồn đãi, bắn tin, bàn tán xôn xao trong dư luận quần chúng nhân dân, gây hoang mang lo lắng. Đài phát thanh truyền hình nhà nước thì đưa tin tang lễ Hoà Thượng Huyền Quang do môn đồ và Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định đảm trách chiếu liệu hoàn toàn.
Một số tu sĩ lừng khừng, chẳng biết đầu đuôi gì cũng lớn tiếng tuyên bố rằng, “không có Giáo Hội nào đứng ra tổ chức hết, mà do môn đồ pháp quyến lo liệu tổ chức tang lễ”.
Những mưu toan xảo quyệt, những luận điệu mang tính vu cáo chụp mũ, đã chẳng làm ai nao núng. Nhưng phía môn đồ pháp quyến chịu quá nhiều sức ép từ mọi phía, đôi khi cũng phải tuỳ duyên cho êm việc, nên dễ gây ít nhiều ngộ nhận cho những người cộng sự chung quanh tang lễ.
Thấy sức khoẻ đức Tăng Thống sau hơn một tháng điều trị, nằm phòng cấp cứu hơn 20 ngày, không hề tiến triển trong việc điều trị. Trái lại sức khoẻ còn sa sút hơn. Chúng tôi đã nghĩ tới việc xin chuyển đức Tăng Thống về Tu viện Nguyên Thiều điều trị theo chế độ ngoại trú. Nhưng bác sĩ bệnh viện Đa Khoa từ chối, với lý do không có đủ phương tiện chữa trị, không có y tá, bác sĩ chăm sóc.
Chúng tôi liên hệ với nhiều bác sĩ tim mạch nổi tiếng đang làm việc, kể cả bác sĩ đã nghỉ hưu xem họ có giúp được gì không. Nhưng không ai “dám” nhận lời, đủ biết áp lực khắp nơi mạnh mẽ như thế nào !
Bởi quá bức xúc và bí lối, hôm 01/07/2008 thầy Minh Tuấn đại diện cho môn đồ pháp quyến làm đơn gửi Ban giám đốc bệnh viện Đa Khoa. Trước khi gửi đi, thầy Minh Tuấn đem đơn đọc trình Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo và chúng tôi nghe để xin ý kiến. Sau khi nghe xong, Hòa thượng Viện trưởng và chúng tôi chấp thuận ngay ý kiến của đại diện môn đồ pháp quyến.
Nội dung đơn chúng tôi nhớ có 4 điểm chính :
1. Sau hơn một tháng điều trị tại bệnh viện, bệnh tình Hoà Thượng chúng tôi đã không tiến triển, mà còn suy sút trầm trọng hơn.
2. Xin được thanh toán viện phí trong thời gian điều trị.
3. Chấm dứt mọi thuốc thang điều trị cho Hoà Thượng chúng tôi.
4. Cho phép môn đồ pháp quyến chúng tôi đưa ngài xuất viện về Tu viện Nguyên Thiều. (tôi lược).
Thầy Minh Tuấn đem đơn nộp Ban Giám đốc bệnh viện sáng ngày 02/07/2008 lúc 08h và được hứa các vị sẽ sắp xếp chiều nay (15h ngày 02/07/2008) đưa Hoà Thượng về chùa. 11h30 cùng ngày trong giờ dùng trưa, các vị làm trai soạn cho biết, công an đến đưa giấy mời thầy Minh Tuấn về công an làm việc. Vào lúc 14h cùng ngày một thầy đang sinh hoạt tại tu viện cho hay Nhà nước đang có kế hoạch cách ly hai Hoà Thượng Quảng Độ và Thiện Hạnh hai nơi trước khi chuyển đức Tăng Thống về Tu viện. Do đó có lời khuyên chiều nay hai Hoà Thượng không nên đến bệnh viện thăm viếng như dự trù vì có nguy cơ áp bắt hai vị lúc rời khỏi Tu viện chẳng có chư Tăng bảo vệ. Có thể đây cũng chỉ là tin đồn nhảm, nhưng chúng tôi phải cảnh giác. Chiều đó chúng tôi không đến bệnh viện, mà chờ đón đức Tăng Thống trong sân Tu viện.
Nhưng rồi thầy Minh Tuấn lại báo tin, chiều nay chưa đưa Hoà Thượng về được, đợi sáng mai (03/07/2008) Ban Giám đốc bệnh viện họp mới có quyết định, rồi chiều mai (tức chiều 03/07/2008) đưa về. Sang đến chiều 03/07/2008 vẫn chưa thấy quyết định cho về. Môn đồ hỏi, bệnh viện bảo Ban giám đốc chưa họp.
15h30 ngày 04/07/2008 tin từ bệnh viện các môn đồ báo về cho biết 17h30 đức Tăng Thống sẽ đến Tu viện bằng xe cứu thương của bệnh viện, hai bác sĩ và một y tá sẽ đi theo xe đức Tăng Thống. Chúng tôi đứng đón đức Tăng Thống tại sân nhà phương trượng. Chiều đó trời đổ mưa tầm tã. Tăng chúng Tu viện và các thị giả, thỉnh đức Tăng Thống trên băng ca vào nghỉ tại căn phòng mà thường ngày đức Tăng Thống nghỉ ngơi và trích dịch Đại Tạng Kinh, phía bên phải nhà phương trượng. Thế là đức Tăng Thống sau 39 ngày nhập viện (27/05/2008 – 04/07/2008) chữa bệnh, Kim thân gầy còm, da bọc xương, mặt mày nhợt nhạt. Nhìn tấm chân thân đức Tăng Thống, không ai cầm được nước mắt !
18 giờ cùng ngày, sau khi đức Tăng Thống được chuyển từ bệnh viện về tu viện Nguyên Thiều, HT Thích Thiện Nhơn, Trưởng Ban trị sự Gíao hội Phật giáo Nhà nước tỉnh Bình Định, cùng một số ban viên, đến tu viện thăm đức Tăng Thống và cũng đến thăm Hoà Thượng Viện Trưởng tại nhà phương trượng.
Sau đó, chúng tôi được một vị trong môn đồ pháp quyến (không muốn nêu tên), gọi chúng tôi ra chỗ vắng cho hay rằng “Công an đã buộc thầy chủ hộ từ chối việc tạm trú của HT Quảng Độ, nếu không họ sẽ dùng biện pháp cưỡng chế HT Quảng Độ về Thanh Minh Thiền Viện. Con báo như vậy để quý Ôong tìm cách đề phòng”.
Tối lại, vào lúc 20h, ngày 02/06/Mậu Tý (04/07/2008), Hòa thượng Viện trưởng triệu tập buổi họp Hội đồng Lưỡng Viện và đại diện môn đồ pháp quyến, quyết định sáng ngày 03/06/Mậu Tý (05/07/2008) khai kinh và tụng kinh Phổ môn hằng ngày, cầu an cho đức Tăng Thống. Trong buổi họp này chúng tôi đã nêu nguồn tin (dù biết cũng chỉ là hù doạ nhưng vẫn nêu ra để cảnh giác), chính quyền công an áp lực chủ hộ, hoặc cưỡng chế Hòa thượng Viện trưởng về Sài Gòn, không cho ở lại Tu viện Nguyên Thiều. Nguồn tin nếu thật sự xảy ra chúng ta có biện pháp nào ?
Sau thời gian bàn luận, hội nghị nêu các biện pháp để đối phó :
Ÿ Nếu đức Tăng Thống còn tại bệnh, cương quyết bảo vệ Hoà Thượng Viện Trưởng bằng mọi giá, để chúng ta cùng Hòa thượng Viện trưởng ở lại với đức Tăng Thống.
Ÿ Nếu đức Tăng Thống viên tịch, trường hợp cưỡng chế khó xảy ra. Nhưng nếu xảy ra thì xem đây như một hành động cướp xác. Lúc đó, hễ ong chúa ở đâu thì ong thợ ở đó, ai nấy cùng theo vào Sài Gòn hết.
Sau khi đức Tăng Thống về lại tu viện, Công an từ Trung ương đến các tỉnh thành đang lần lượt đổ về Nguyên Thiều ngày càng đông. Họ đến từng nhóm, mang theo chăn màn, lều trại căng che khắp vườn, máy quay film, chụp hình, loa phóng thanh, xe cứu thương, xe phá sóng điện thoại, xe bảng xanh đậu khắp nơi quanh Tu viện như sắp có một cuộc hành quân chống “kẻ thù xâm lược” !
Từ sáng sớm ngày 05/07/2008, thấy sức khoẻ đức Tăng Thống yếu dần. Chiều 04/07/2008 sau khi đưa đức Tăng Thống về lại tu viện, các thị giả vẫn dâng thức ăn lỏng cho đức Tăng Thống như lệ thường. Nhưng từ chiều ngày 04/07/2008 và suốt đêm đức Tăng Thống không đi giải, hơi thở gấp, sức khoẻ biểu hiện triệu chứng không lành ! Sáng sớm ngày 05/07/2008 lúc 07h hơn có 2 bác sĩ bệnh viện Đa Khoa đến tu viện thăm đức Tăng Thống. Sau khi thăm mạch đo huyết áp, kẹp nhiệt cho đức Tăng Thống, 2 bác sĩ cáo về, không nói gì.
Lễ khai kinh và tụng Kinh Phổ Môn xong, (sáng ngày 05/07/2008) chúng tôi vào phòng thăm, thấy đức Tăng Thống mệt nhiều, bụng hơi căng do không đi giải được. Hiện tình sức khoẻ của đức Tăng Thống lúc này rất xấu.
Sau khi thọ trai xong, lúc nầy đã quá 12h00, sức khoẻ đức Tăng Thống kiệt dần. Hòa thượng Viện trưởng, chư Tăng Hội đồng Lưỡng Viện, môn đồ pháp quyến và tăng chúng Tu viện vây quanh đức Tăng Thống im lặng hồi lâu, rồi niệm Phật tiếp dẫn ! Ai nấy nước mắt lưng tròng, ngậm ngùi thương tiếc… Có người đã nấc lên thành tiếng, rồi tuông chạy ra hè ngồi, âm thầm nén nỗi đau thương uất nghẹn, trước tình đời lẽ đạo đen bạc nhiễu nhương ; có thể đã là nguyên nhân cho sự ra đi của đức Tăng Thống đến sớm hơn chăng ? !
Sau hơn 15 phút niệm Phật tiếp dẫn, Hòa thượng Viện trưởng lui ra và cho gọi chúng tôi, HT Không Tánh, TT Viên Định, TT Chơn Tâm, v.v… đến phòng Hòa thượng Viện trưởng bàn việc, trong khi mọi người tiếp tục niệm Phât. (Tôi xin được tóm lược lời Hòa thượng Viện trưởng trong buổi bàn việc này).
Hòa thượng Viện trưởng dạy : “Hôm trước chúng ta đã họp và đã thành lập Hội đồng Điều hành Tang lễ, chuẩn bị các bài văn đọc, điếu văn, tiểu sử. Tôi cũng được nghe phía các vị Ban trị sự Giáo hội tỉnh Bình Định, cũng đã bố trí sẵn một Ban Tổ chức Tang lễ. Tôi không hề ngại Ban Trị sự. Nhưng tôi ngại chính quyền, công an sẽ áp đặt Ban Trị sự gây khó khăn cho tang lễ. Chẳng hạn như các vị đến phúng điếu và đọc tiểu sử, điếu văn truy điệu trước kim quan đức Tăng Thống. Nhưng chắc chắn tiểu sử, điếu văn không giống chúng ta ; mà tiểu sử là tiểu sử nhà Sư làm cách mạng ; điếu văn là điếu văn ca tụng nhà Sư đã cùng Đảng, cùng dân tham gia cách mạng kháng chiến để rồi trao tặng cho nhà sư huân chương kháng chiến vì sự nghiệp của Đảng cộng sản, thì liệu chúng ta tính sao ?
“Cho nên tôi đề nghị, phải thay đổi cách tổ chức tang lễ, để chúng ta chủ động trong mọi hoàn cảnh. Đó là dùng ‘chiêu thức Vô tướng’ : không Ban tổ chức, không đọc điếu văn, tiểu sử và không sử dụng máy phóng thanh khuếch đại ồn ào. Chỉ yên lặng tụng kinh cầu nguyện và cung tiến Giác linh suốt thời gian tang lễ. Mọi việc tiếp lễ phúng điếu và đáp lời phúng điếu, giao cho môn đồ pháp quyến phụ trách. Còn đến giờ cung nghinh kim quan đức Tăng Thống nhập bảo tháp, tôi nghĩ tất cả chúng tăng ở Tu viên Nguyên Thiều và các nơi về, cùng Hội đồng Lưỡng Viện, các vị chọn ra 50 vị mạnh khoẻ, chúng ta mỗi vị một tay tự mình thỉnh kim quan nhập Bảo Tháp. Tu sĩ áo vàng tịch, tu sĩ áo vàng gánh đi an táng. Không có gì đẹp bằng”.
Nghe xong chư vị Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức rất hoan hỷ đồng tình với Hòa thượng Viện trưởng. Về sau, kế hoạch chư tăng gánh Kim quan các người chuyên môn bàn luận thấy khó thực hiện. Vì chư tăng chưa quen gánh đi xa, lại phải leo lên nhiều bậc cấp và hạ huyệt rất khó. Phải nhờ âm công chuyên nghiệp. Nên sau đó, TT Viên Định nhờ chọn 40 huynh trưởng mạnh khoẻ, đang sinh hoạt tại Tổ đình Thập Tháp là nơi TT Viên Định làm trụ trì. Trong số đó nhiều huynh trưởng vốn đã quen gánh đám. Họ sẽ bận áo lam và đầu chít khăn vàng. 40 người chia làm hai nhóm, 20 người gánh đi nửa đoạn đường đầu, 20 người khác vào thay, đi tiếp nửa đoạn đường sau đưa lên bảo tháp.
Vô tướng là một trong “Tam giải thoát môn” (Không, Vô tướng, Vô tác). Với chiêu thức vô tướng chúng ta sẽ vượt qua được mọi hình thức xuyên tạc đánh phá. Còn danh sách các vị được thỉnh mời vào Hội đồng Điều hành Tang lễ, nay chuyển qua Vô tướng nên Hòa thượng Viện trưởng đề nghị không nhất thiết công bố tên tuổi. Nhưng ai nấy im lặng, thực hành “công hạnh vô hành” mà lại tiến hành chu đáo Tang lễ đức Tăng Thống.
Sau khi thảo luận, hỏi đáp làm rõ quyết định, thay đổi cách tổ chức, ai cũng thấy hoan hỷ và đồng tình. Sau đó góp ý thảo Cáo bạch công bố sự viên tịch của đức Tăng Thống. Lúc này bên phòng hộ niệm tiếp dẫn cũng vừa dứt tiếng niệm Phật. Đức Tăng Thống đã thật sự ra đi ! Đúng 13h00 ngày 03/06/Mậu Tý (05/07/2008).
Cuộc họp kéo dài nửa giờ đồng hồ, thầy Minh Tuấn và thầy Minh Hạnh, đại diện môn đồ pháp quyến đến thỉnh hỏi cách tổ chức tang lễ. Hòa thượng Viện trưởng trả lời đúng như nội dung buổi họp vừa thông qua. Các vị rất hoan hỷ với phương thức mới này.
Lát sau thầy Minh Tuấn trở vào thỉnh Hòa thượng Viện trưởng và chúng tôi ra phòng tiếp khách tại nhà phương trượng, để chư vị Hoà Thượng tôn túc và Ban Trị Sự Giáo Hội Nhà nước tỉnh Bình Định, được thăm viếng. Hòa thượng Viện trưởng, chúng tôi và HT Không Tánh cùng ra. Các vị đều đứng lên, rồi khách, chủ cùng ngồi xuống. HT Thích Thiện Nhơn, Trưởng Ban trị sự Gíao hội Nhà nước tỉnh Bình Định đứng dậy nói lời thăm viếng, cầu chúc Hòa thượng Viện trưởng và tất cả chúng tôi nhiều sức khoẻ để lo tang lễ HT Huyền Quang. Hòa thượng Viện trưởng đáp lời cảm tạ và thông báo ngày giờ nhập kim quan. Rồi các vị xin giả từ ra về trong niềm hoan hỷ.
Sau khi đức Tăng Thống viên tịch, Hội đồng Lưỡng Viện và môn đồ pháp quyến, đã có phiên họp lúc 21h00 ngày 05/07/2008 để sắp đặt công việc tang lễ trong những ngày tới. Buổi họp nầy nêu các điểm chung quyết :
Ÿ Lễ nhập kim quan : Sáng này 04/06/Mậu Tý (06/07/2008) lúc 08h00.
Hòa thượng Viện trưởng và Hòa thượng Chánh Thư Ký Viện Tăng thống cùng môn đồ pháp quyến cung nghinh nhục thân đức Tăng Thống, từ nhà Phương trượng đến nơi tôn trí kim quan.
Ÿ Lễ thọ tang : 9h30 cùng ngày, Hội đồng Lưỡng Viện, Ban đại diện các Miền thọ tang mở đầu.
Ÿ Lễ Triệu Tổ : 14h00 ngày 08/06/Mậu Tý (10/07/2008), Hội đồng Lưỡng Viện dẫn đầu.
Ÿ Cung nghinh kim quan nhập bảo tháp : 09/06/Mậu Tý (11/07/2008) lúc 5h30.
Ÿ Ngày 06/07/2008 :
– Sáng : Lễ nhập kim quan – Thọ tang – Cung tiến Giác linh.
– Chiều : Tụng kinh – Phúng điếu.
– Tối : Tụng kinh.
Ÿ Các ngày 07, 08, 09/07/2008 : Sáng – trưa – chiều – tối như trên.
Ÿ Ngày 10/07/2008 :
– Sáng : Tụng kinh – Phúng điếu
– Trưa : Cung tiến Giác Linh
– Chiều : Lễ Triệu Tổ
– Tối : Tụng kinh.
Ÿ Ngày 11/07/2008 :
4h30 sáng sớm trước giờ di quan : Hòa thượng Viện trưởng và Hội đồng Lưỡng Viện quỳ đọc lời Tác bạch trước Giác linh đức Tăng Thống, phát nguyện nối tiếp con đường mà đức Tăng Thống đã vạch, khó khăn không chùn bước ; quyết tâm đòi trả lại pháp lý sinh hoạt bình thường cho GHPGVNTN, như trước 1975 ; đòi dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam. Sau lời tác bạch, Hòa thượng Viện trưởng cùng Hội đồng Lưỡng Viện đãnh lễ Giác linh đức Tăng Thống, rồi cùng nhiễu quanh kim quan đức Tăng Thống ba vòng từ biệt, ngậm ngùi thương tiếc vô vàn !
5h30 tiến hành lễ di quan – Triệt linh sàng – Phất trần.
40 huynh trưởng Gia Đình Phật tử Việt Nam (GĐPTVN) thuộc GHPGVNTN có nhiệm vụ gánh nghinh kim quan đức Tăng Thống. Sau khi vào đảnh lễ Giác linh đức Tăng Thống, rồi im lặng từ tốn thỉnh đưa kim quan từ từ rời khỏi nơi tôn trí tiến về tháp địa.
Đoàn cung nghinh đi theo tiết thứ và lộ trình mà Hội đồng Điều hành Tang lễ quy định. Trên 250 bức nghi, trướng, liễn, vòng hoa, lẵng hoa của các đơn vị, cá nhân, đoàn thể trong và ngoài nước phúng điếu, đều đã được đưa ra, tôn trí 2 bên lộ trình từ nơi tôn trí kim quan đến bảo tháp. Trên 200 huynh trưởng GĐPTVN thuộc GHPGVNTN đến từ Quảng Trị, Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng và Bình Định lui tới tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đoàn cung nghinh và vành đai bảo tháp. Nam nữ cư sĩ Phật tử, đứng yên tại chỗ, giao diện chắp tay dọc theo 2 bên lộ trình cung nghinh. Kim quan đến đâu, quỳ chấp tay niệm Phật và tung hoa đến đó.
Ôi, Oai nghiêm ! hùng tráng ! Và biết bao xúc động ! Đức Tăng Thống đã đi xa, xa lắm ! Nhưng bóng hình của Người còn đó, hiển hiện trong chúng ta, trong tất cả mọi người Phật tử con dân Việt Nam và thế giới, đó đây xưng tụng Người.
Đoàn người cung nghinh nối dài gần một cây số “im lặng như chánh pháp”, chỉ nghe vang vọng giữa hư không tiếng cầu kinh niệm Phật trong nỗi ngậm ngùi thương tiếc, tiễn đưa nhục thân đức Tăng Thống đến cõi tịch tịnh vô tung, để lại chốn trần gian vô vàn tấm lòng mến thương khôn xiết. Kim quan của đức Tăng Thống đã đưa vào Bảo tháp, giữa âm thanh niệm phật tiếp dẫn rền vang khắp vùng trời Bảo tháp. Lớp lớp tăng ni phật tử chen chúc rải hoa tiễn biệt, trong nước mắt.
Nam mô Vô lượng thọ, Vô lượng quang và Vô lượng công đức, đức Tăng Thống thượng Huyền hạ Quang đã vĩnh biệt chúng ta !
Buổi tiễn đưa Kim quan đức Tăng Thống nhập bảo tháp đã kết thúc hết sức tốt đẹp, nghiêm trang. Mọi người từ giã đức Tăng Thống, lẵng lặng ra về trong niềm thương tiếc vô hạn.
Hội đồng Lưỡng Viện, môn đồ pháp quyến đã cùng nhau vận dụng “pháp môn Vô tướng”, trong “tam giải thoát môn” (Không – Vô tướng – Vô tác), để chủ động tiến hành tang lễ đức Tăng Thống thành tựu như dự kiến, trước muôn vàn khó khăn vây bủa.
Trong khi ấy lại có một số thành viên tuy ngỏ ý đến phúng điếu trước kim quan đức Tăng Thống, nhưng lại cố tình mang theo :
– Danh tướng, phô trương lực lượng, thách thức và vọng ngữ.
– Ganh tỵ và đố kỵ.
– Vô cảm, hận thù.
– Tự tung tự tác nhằm chỉ đạo góp ý nhưng kỳ thực là lăm le điều khiển.
– Nại cớ là sợ mất an ninh trât tự xã hội, sợ diễn biến hoà bình, sợ phá hoại tình đoàn kết tôn giáo và nhất là sợ lợi dụng tang lễ để thành lập một Giáo hội bất hợp pháp. Hoặc
– Dò la tin tức, khủng bố tinh thần, hăm doạ đời sống kinh tế gia đình, học hành thi cử của những ai chí thành trung kiên với Đức Tăng thống và giáo hội của ngài, GHPGVNTN.
Thế nhưng các thành viên đến phúng điếu với ý đồ trên đây, sau khi nhận ra tang lễ đức Tăng Thống diễn ra hết sức êm đẹp, trật tự, sâu lắng, chẳng hề gây ra bất ổn, sợ hãi cho ai, không làm mất trật tự an ninh xã hội và cũng không giành giật ai đám tang đức Tăng Thống. Sự thật như sự thật hiển nhiên và tự tại giữa đất trời Quang Trung Nguyễn Huệ.
Từ biến động trên, tôi thiết nghĩ, chúng ta ai nấy cũng nên quán chiếu lại chính mình, để góp phần đáp đền ân sâu mà đức Tăng Thống đã dành trọn đời mình cho đại cuộc dân tộc và đạo pháp ! Giúp chúng ta được sống còn trong vinh dự !
Trong thời gian tiến hành tang lễ đức Tăng Thống, đã có những sự kiện không bình thường, đáng tiếc xảy ra ngoài ý muốn của Hội Đồng Điều hành Tang lễ :
1. Ngày 07/07/2008, lúc 14h00 : HT Thích Đổng Quán, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Nhà nước tỉnh Bình Định, đến tu viện. Đứng trước tấm Panô kẽ chương trình tang lễ đức đệ tứ Tăng Thống GHPGVNTN. Panô được tôn trí cao bên cạnh phòng Kim quan đức Tăng Thống, Hoà Thượng chỉ tay vào Pano nói : “Ở đây không có cái tên GHPGVNTN hay đệ tứ Tăng Thống gì cả”. Rồi Hoà Thượng gọi ông Đệ, một nhân viên làm việc tại Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Nhà nước tỉnh Bình Định, đến hạ tấm Panô xuống. Nhưng đã bị thầy Đồng Thọ, các tăng sinh khóa 2,3 và 4 của trường Trung cấp Phật học Bình Định đang chấp tác ở đó, phản đối kịch liệt, Hoà Thượng lặng lẽ ra đi.
2. Vào chiều ngày này, lúc 15h00, thầy Minh Tuấn vào trình báo Hoà Thượng rằng : “Chính quyền đăng ký sáng mai (08/07/2008) lúc 08h00 Pháí đoàn đại diện chính quyền Trung ương và địa phương, Đại diện Hội đồng Trị sự Trung ương và địa phương đến phúng điếu đức Tăng Thống. Con có nghe sẽ trao tặng Huân chương gì đó cho đức Tăng Thống”.
Hoà Thượng Viện trưởng liền dặn thầy Minh Tuấn rằng, “Khi nào họ đến thầy cho tôi biết để tôi ra tiếp. Tôi sẽ nói với họ là Hoà thượng chúng tôi không có công lao gì với Đảng cộng sản cả, nên tôi không chấp nhận huân chương. Các vị đem về đi, hoặc tôi sẽ buộc môn đồ pháp quyến đem huân chương trả lại cho chính quyền. Nếu không, chúng tôi sẽ ngồi lì tuyệt thực ở đây, không cho an táng đức Tăng Thống. Trường hợp chính quyền chịu trao tặng Hoà thượng chúng tôi Huân chương vinh danh “Người ở tù không tội lâu nhất”, thì chúng tôi hoan hỷ và sẽ huy động tăng ni phật tử đón rước huân chương đó”.
3. Ngày 08/07/2008. lúc 07h30 Thầy Minh Tuấn vào báo cho Hoà Thượng Viện trưởng biết, chính quyền gọi điện thoại báo tin, vì công tác đột xuất, sáng nay không đến phúng điếu nữa.
Cũng vào chiều cùng ngày, lúc 13h00, hai nhóm nam nữ huynh trưởng GĐPTVN, khoảng 80 đến 100 người. Nhóm ông Nguyễn Sỹ Thiều từ Huế vào và nhóm ông Nguyễn Châu từ Sài Gòn ra. Ông Châu và ông Thiều nguyên là Trưởng và phó Ban Hướng dẫn Trung ương GĐPTVN. Cả hai đều bị GHPGVNTN không thừa nhận, vì có những sinh hoạt không phù hợp đường hướng, lập trường của Gíao hội ở vào giai đoạn Giáo hội đang yêu sách nhà cầm quyền Việt Nam trả lại pháp lý sinh hoạt bình thường cho GHPGVNTN.
Nhưng cả hai nhóm này từ gần cả năm qua, vẫn cứ sinh hoạt bất phục tùng, nhận sự yểm trợ tài chánh của ông Bạch Hoa Mai và sự bao che của một số vị Hoà thượng, Thượng tọa và Đại Đức ở Saigon, Huế, Quảng Trị…(xin tạm không nêu tên). Nghe tin đức Tăng Thống viên tịch, hai nhóm cùng đến Tu viện Nguyên Thiều thọ tang và phúng điếu đức Tăng Thống. Chúng tôi thấy các vị đến thọ tang phúng điếu, là điều đáng ghi nhận. Nhưng cũng đáng tiếc, các vị đã đến thọ tang phúng điếu đức Tăng Thống với sự tướng ca hát, đọc điếu văn… với cung cách trình diễn trước Kim quan đức Tăng Thống vào lúc 13h00 cùng ngày. Sự kiện náo động này làm chúng tôi không bằng lòng, vì vượt ngoài chủ trương “Vô tướng” của Hội đồng Điều hành Tang lễ. Họ đã bị môn đồ, chư tăng và các huynh trưởng có bổn phận quan sát và bảo vệ tang lễ phản kháng gay gắt. Nên cả hai nhóm phải tháo lui, đồng thời đánh mất ý tưởng hiếu thảo ban đầu. Thật đáng tiếc !
4. Đêm đốt nến tưởng niệm của hai nhóm nam nữ huynh trưởng GĐPTVN Nguyễn Sỹ Thiều và Nguyễn Châu, 10/07/2008, vào lúc 21h00 cũng vậy. Đốt nến ngồi im lặng, thường là hình thức phản kháng bất bạo động. Nhiều trăm ngọn nến được đính trên ba đại tự BI TRÍ DŨNG, kẽ trên ba mét vuông ván ép và trên hai mét vuông ván ép khác, vẽ hình hoa sen trắng, bị vỡ làm đôi. Nến được đốt lên thắp sáng gọi là phúng điếu đức Tăng Thống nhưng mang hậu ý cùng dự trù không mấy thanh tịnh ? ! Nhưng may thay việc làm này đã bị chìm im trong tiếng tụng niệm Nam Mô A Di Đà Phật của chư Tăng hầu quanh Kim quan Đức Tăng thống. Cuối cùng họ đã phải tự động rút lui trước sự hòa nhập tụng niệm trang nghiêm Nam Mô A Di Đà Phật của hàng lớp cư sĩ nam nữ, cũng như chính đoàn sinh Gia Đình Phật tử của họ vốn ngây thơ không biết sự sắp đặt có chủ ý và âm mưu của đàn anh mình.
Kính thưa quí vị,
Đức Tăng Thống GHPGVNTN đã vĩnh biệt chúng ta. Đau thương và mất mát vô cùng lớn đối với Giáo hội, đối với chúng ta. “Sơn Hà bi lệ”.
Suốt thời gian tang lễ, trước vô vàn khó khăn, không sao tránh được những thiếu sót đáng tiếc. Chúng tôi mong được lượng thứ.
Nam mô Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.
Chánh Thư ký Viện Tăng Thống, GHPGVNTN
(đã ấn, ký)
Tỳ Kheo Thích Thiện Hạnh
– Hội Đồng Giáo Phẩm VTT “để trình”.
– BCĐ VHĐ, HT VT VHĐ “để tường trình”.
– Văn phòng II VHĐ tại Hoa kỳ và các châu lục “để biết”.
– TT Tổng thư ký VHĐ “để cho phổ biến trong nước”.
– PTTPGQT “để phổ biến”.
– TT Tổng vụ trưởng Thanh niên và Vụ trưởng GĐPT vụ “để biết”.
– Lưu.