PARIS, ngày 24.7.2004 (VCHR) – Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam chào đón và hoan nghênh quyết định chính đáng của Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ (Ecosoc) trong cuộc họp khoáng đại tại trụ sở New York, vào chiều thứ sáu 23.7.2004. Quyết định này bác bỏ lời đề nghị của nhà cầm quyền Hà Nội đình chỉ quy chế tham vấn tại LHQ của tổ chức Phi chính phủ có tên Ðảng Cấp tiến Liên quốc (Transnational Radical Party) trong thời hạn 3 năm, là thời hạn treo chén tối đa.
Cuộc tranh chấp giữa Hà Nội và Ðảng Cấp tiến Liên quốc kéo dài trên hai năm qua. Tháng tư năm 2002 Hà Nội đâm đơn kiện Ðảng Cấp tiến Liên quốc đã để cho ông Kok Ksor, Chủ tịch Sáng hội Người Thượng, tham dự phát biểu tại Ủy ban Nhân quyền LHQ ở Genève về tình trạng đàn áp ở Tây nguyên. Hà Nội tố cáo ông Kok Ksor là “phần tử khủng bố có những hành động ly khai” nhằm thành lập “nhà nước Ðềga”. Ðặc biệt từ sau cuộc nổi dậy của người Thượng Tây nguyên hồi đầu tháng 4 vừa qua, báo chí, truyền thông của Hà Nội rầm rộ tung chiến dịch trong và ngoài nước vu khống và bôi nhọ phong trào của ông Kok Ksor, nhằm che đậy cuộc đàn áp quy mô người dân tộc.
Với sự hỗ trợ của các quốc gia độc tài có chung mục tiêu bóp nghẹt tiếng nói nhân quyền của các tổ chức Phi chính phủ tại LHQ, như Trung quốc, Cuba, Nga, Iran, Sudan, Pakistan, Côte d’Ivoire, Zimbabwe, v.v… Hà Nội đã thành công, hôm 21.5.2004, trong cuộc bỏ phiếu tại Ủy ban Phi chính phủ LHQ (gồm 19 thành viên) đình chỉ quy chế tham vấn của Ðảng Cấp tiến Liên quốc trong vòng 3 năm, với 9 phiếu thuận, 8 phiếu chống và 2 phiếu trắng. Tuy nhiên quyết định này chỉ có hiệu lực sau khi được Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ (gồm 54 thành viên) phê chuẩn.
Trải qua một cuộc vận động ráo riết hai tháng qua, từ hai phía Hà Nội và Ðảng Cấp tiến Liên quốc, Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ đã họp trong hai ngày thứ năm và thứ sáu (22 – 23.7.2004) nhằm phê chuẩn đề nghị của Hà Nội. Các tổ chức nhân quyền quốc tế như Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền đã lên tiếng và vận động với các quốc gia thành viên LHQ nhằm ngăn chận âm mưu của Hà Nội và các quốc gia độc tài bóp nghẹt tiếng nói nhân quyền của các tổ chức Phi chính phủ tại LHQ. Dù quyền lợi làm ăn kinh tế lấn át lý tưởng nhân quyền, nhưng đa số các thành viên Âu Mỹ Á Phi trong Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ cũng đã bỏ phiếu chống âm mưu phản dân chủ và phi nhân quyền của Hà Nội, bằng cách bỏ phiếu chống hoặc bỏ phiếu trắng trong cuộc họp kết thúc vào chiều thứ sáu 23.7.2004. Tiêu biểu cho lập trường của các quốc gia thành viên bênh vực cho Ðảng Cấp tiến Liên quốc và sự tự do tố cáo các vi phạm nhân quyền tại LHQ qua hai ngày thảo luận, là lời phát biểu của Ðại sứ Hòa Lan, đại diện cho 25 nước Liên Âu, khi ông nói rằng : “Không một tổ chức nào có thể bị đình chỉ quy chế tham vấn chỉ vì các tổ chức này cảnh báo Cao ủy Nhân quyền LHQ về tình trạng vi phạm nhân quyền, đặc biệt đối với các dân tộc ít người và tự do tôn giáo”. Kết quả cuộc đầu phiếu nhằm phê chuẩn đề nghị của Hà Nội là : 22 phiếu chống việc đình chỉ quy chế tham vấn tại LHQ của Ðảng Cấp tiến Liên quốc, 20 phiếu thuận, 11 phiếu trắng và 1 quốc gia thành viên vắng mặt.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, bình luận thắng lợi nhân quyền này như sau : “Ðây là lần thứ hai trong vòng một tuần lễ, công luận quốc tế cảnh cáo Hà Nội chớ tưởng rằng họ có thể thoát ly các trừng phạt nếu không chịu chấm dứt tức khắc các vi phạm nhân quyền và bóp nghẹt những lời phê phán xây dựng. Hôm thứ hai, 19.7.20004, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Dự luật Nhân quyền 1587 nhằm chận đứng các nguồn viện trợ tài chánh trên các địa hạt không liên quan đến nhân đạo như một biện pháp chế tài đối với Hà Nội, khi các vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo tiếp diễn tại Việt Nam. Và hôm nay đây, Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ bác bỏ âm mưu của Hà Nội nhằm khóa miệng các tiếng nói cho nhân quyền của các tổ chức Phi chính phủ”. Ông nói tiếp : “Hà Nội phải chấm dứt tức khắc các vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo, khởi sự với việc trả tự do ngay cho nhà ly khai Nguyễn Ðan Quế mà Hà Nội dự tính đưa ra xét xử vào ngày 29.7 sắp tới, cũng như trả tự do tức khắc cho Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, hai nhà lãnh đạo cao cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hiện bị giam giữ khắc khe và không lý do tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Ðịnh, và tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon, kể từ biến cố đàn áp quy mô tháng 10 năm ngoái. Hai nhà lãnh đạo nổi danh này đã trải qua trên 20 năm tù tội chỉ vì nói lên ngưỡng vọng ôn hòa của nhị vị đối với nhân quyền và dân chủ”.
Trong mấy năm qua, Ðảng Cấp tiến Liên quốc không ngừng lên tiếng đòi hỏi trả tự do cho các tù nhân chính trị và tôn giáo tại Việt Nam. Vào tháng 6 năm 2001, Dân biểu Quốc hội Liên Âu, Olivier Dupuis, Tổng Thư ký Ðảng Cấp tiến Liên quốc, đã đến Saigon mong tiếp kiến Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Nhưng công an ngăn cấm, nên ông đã tọa kháng trước Thanh Minh Thiền viện với tấm biểu ngữ đòi tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam cũng như yêu sách trả tự do cho nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ.