Hà Nội, ngày 17/6/2004
Kính gửi : Ban Chấp hành Trung ương đảng
Ðồng chí Tổng bí thư và các đồng chí uỷ viên
Bộ Chính trị, uỷ viên Ban Bí thư
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá 9
Ðồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá 7, khoá 8
Thưa các đồng chí,
Vụ T4 và các vấn đề của Tổng cục 2 vừa qua đã diễn ra rất nghiêm trọng từ vụ Sáu Sứ (Khoá 6) tiếp đến các vụ khác rất nghiêm trọng trong Khoá 7, Khoá 8 và Khoá 9 hiện nay Nhưng chưa được làm rõ những sai phạm đó và xử lý nghiêm khắc một số lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục 2. Tình hình ấy đang làm cho nhiều đảng viên lo lắng về sự trong sạch vững mạnh của Ðảng ta.
Ðầu tháng 7/2004, Trung ương sẽ họp lần thứ 10. Tôi thấy cần thiết viết thư gửi Ban chấp hành Trung ương, đồng chí Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ban Bí thư về vấn đề T4 và các vấn đề của Tổng cục 2 vừa qua.
Vụ án T4 là một vụ án chính trị đặc biệt nghiêm trọng. Trước đây, trong kháng chiến chống Mỹ, Cục 2 đã đóng góp nhiều thành tích và có truyền thống tốt đẹp. Nhưng hai chục năm nay, có thể nói, từ khi bị khống chế và tự nguyện thực hiện những âm mưu vu khống, Cục 12 (Tổng cục 2) và các lãnh đạo Tổng cục 2, kể từ vụ Xiêm Riệp (năm 1983) và liên tiếp các vụ sau này, đã phạm những sai lầm rất nghiêm trọng và có hệ thống.
Tôi được các Ðại hội Ðảng bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khoá 5, khoá 6, khoá 7, được Bộ Chính trị chỉ định làm phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị và sau đó được phân công theo dõi một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ. Với trách nhiệm của mình, tôi được hiểu biết tình hình nói chung và tình hình Ðảng bộ Quân đội nói riêng, đã tham gia sự lãnh đạo chung của Ðảng và sự lãnh đạo tư tưởng, tổ chức, bảo vệ chính trị nội bộ Ðảng Quân đội. Trước hết tôi xin trình bày những đièu tôi đã biết với các đồng chí về Tổng cục 2, vụ T4 và các vụ án khác quan hệ đến Tổng cục 2 để góp phần làm sáng tỏ thêm sự thật và tính chất nguy hại có hệ thống và rất nghiêm trọng của các đồng chí lãnh đạo Tổng cục 2, kể từ khi đồng chí Tư Văn và Vũ Chính , Nguyễn Chí Vịnh nắm cương vị lãnh đạo Tổng cục.
I. Vụ Xiêm Riệp năm 1983
Nguyên nhân dẫn đến vụ Xiêm Riệp (năm 1983) là do cục 12 trước thuộc Cục 2 đã dựng tài liệu, chứng cứ không có thật, dựa theo tin địch, vu oan cho nhiều cán bộ bạn , dùng nhục hình, tra tấn, mớm cung, bức cung, gây ra những đau đớn oan ức cả tinh thần và thể xác cho cán bộ bạn, có đồng chí là cán bộ cao cấp của Ðảng bạn phải tự sát, gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Vụ này, không phải là do một cán bộ (Mạc Lam) mà là từ lãnh đạo của cục 12 (Tư Văn, Vũ Chính). Hồi đó, đồng chí Lê Ðức Anh làm trưởng đoàn chuyên gia tại CamPuChia. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có ý kiến của đồng chí Lê Ðức Anh, nên số cán bộ lãnh đạo của Cục 2 không bị xử lý mà chỉ thi hành kỉ luật đồng chí Mạc Lam, một trợ lý, và tập trung khuyết điểm vào đồng chí Hoá , Tư lệnh phó, Tham mưu trưởng 719 và đồng chí Thanh, Tư lệnh mặt trận 419.
Ðến nay, nhiều đồng chí cán bộ cấp cao, các cán bộ tham gia công tác ở CamPuChia vẫn tiếp tục có ý kiến về vụ Xiêm Riệp, cả đối với các đồng chí lãnh đạo cục 2 và đồng chí Lê Ðức Anh.
II. Vụ Sáu Sứ năm 1991 (vào cuối khoá 6, trước thềm đại hội VII)
Trước Ðại hội 7, tâm trạng cán bộ, cả phía Nam và phía Bắc có nhiều lo lắng, băn khoăn về nhân sự cấp cao của Ðảng, nhiều cán bộ không vừa lòng một số đồng chí trong Bộ Chính trị Khoá 6. Nhiều ý kiến muốn thay đổi một số Uỷ viên Bộ Chính trị. Trong đó dư luận tập trung không đồng tình đồng chí Lê Ðức Anh. Ðặc biệt thắc mắc đồng chí Lê Ðức Anh mấy điểm :
– Về lý lịch, đồng chí Anh khai xuất thân là công nhân là không đúng .
– Về ngày vào Ðảng đồng chí Lê Ðức Anh khai không đúng .
– Có một trận phục kích quân Pháp, trong đó có tên chủ đồn điền Pháp (đồn điền mà đồng chí Lê Ðức Anh làm công chức) đồng chí Lê Ðức Anh là người chỉ huy đại đội phục kích, không cho nổ súng. Nhờ đó bọn quân Pháp và cả tên chủ đồn diền (chủ cũ của đồng chí Lê Ðức Anh) thoát chết
– Thái độ đối với bà vợ trước, đồng chí Lê Ðức Anh có thái độ xử sự không đúng tình nghĩa.
Như đồng chí Trường Chinh (được bầu làm Tổng bí thư sau khi đồng chí Lê Duẩn mất) nói : việc cán bộ trung cao cấp và cả nhân dân quan tâm đến nhân sự cao cấp của Ðảng là điều bình thường, nhưng trước tình hình đó, Cục 2 được một sự chỉ đạo nào đó, đã tổ chức, dàn dựng ra vụ Sáu Sứ một cách bài bản, công phu, cấp xe, cấp tiền cho Sáu Sứ ra Hà Nội và trực tiếp chỉ đạo Sáu Sứ gặp một số lãnh đạo, cựu chiến binh, tìm cách khêu gợi và bí mật ghi âm, tất cả 16 cuốn.
Bộ Chính trị khoá 6 tổ chức cho chúng tôi nghe các băng ghi âm đó. Tôi nghe phần nhiều là lời Sáu Sứ và nhiều đoạn ồm ồm không nghe rõ.
Vụ này Cục 2 đã nguỵ tạo tài liệu, dựng chứng cứ giả, nặn thêm tình tiết, làm cho dư luận ngộ nhận là có thật, đánh lừa Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung Ương, thực chất là vu khống đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí TrầnVăn Trà, để thanh trừng nội bộ, hãm hại đồng chí. Nhiều đồng chí trung thực như đồng chí Nguyễn Ðức Tâm, Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Nguyễn Thanh Bình &và nhiều đồng chí Uỷ viên Trung ương cũng bị những tin tức đó đánh lừa.
Sự vu khống ấy đã dẫn đến sự phân tâm trong Ðảng, trong cán bộ Quân đội, ảnh hưởng rất xấu cho đến ngaỳ nay, gây đau khổ, phẫn uất cho nhiều cán bộ cao cấp trong và ngoài Quân đội.
III. Vụ T 4 là một vụ án chính trị đặc biệt nghiêm trọng
1) Tổng cục2 đã làm một việc hết sức nghiêm trọng là bịa đặt ra một tên có bí danh làT4, đặc tình của Tổng cục 2 nằm trong CIA để đưa tin vu khống chính trị nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao và nhiều cán bộ khác của Ðảng và Nhà nước với hàng trăm bản tin (không kể báo cáo miệng)
2) Nội dung vu khống chính trị là đưa tin CIA đã nắm được hoặc CIA đã tiếp cận được, đã cho người liên hệ, đã chỉ đạo các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Lê Khả Phiêu, Mai Chi Thọ, Trương Tân Sang, Võ Trần Chí, Bùi Thiện Ngộ, Trương Vĩnh Trọng, Phạm Gia Khiêm, Võ Thị Thắng, Vũ Quốc Hùng, Nguyễn Khánh Toàn (Thứ trưởng Bộ Công An), Phan Diễn, Lê Văn Dũng, Phan Trung Kiên, Võ Viết Thanh, Ðoàn Mạnh Giao.
Vu khống cả một số tướng lĩnh trung thành và kiên cường chiến đấu trong kháng chiến, vu khống cả bản thân tôi.
Các đồng chí đã có các bản tin của Tổng cục 2. Ðề nghị các đồng chí đọc kỹ. Ðối với tôi (Nguyễn Nam Khánh) và đồng chí Nguyễn Huy Chương, Uỷ viên Trung ương Ðảng, đồng chí anh hùng Thượng tướng Nguyễn Chơn, Uỷ viên Trung ương Ðảng, bản tin Tổng cục 2 đưa tin lên lãnh đạo cấp cao :
“Từ trung tâm CIA cho hay : Trong mười ngày gần đây vợ chồng Trần Quốc Thuận, Võ thị Thắng đã tạo ra những liên kết trong bộ máy bảo vệ nền chuyên chính vô sản, đã gặp gỡ thân tình với một số cựu chiến binh thủ cựu trong Ðảng, đó là Trung tướng Nguyễn Huy Chương, Thượng tướng Nam Khánh, Thượng tướng Nguyễn Chơn. Qua lại ăn cơm vói tướng Khánh, tướng Chơn. Hai người này úy lạo mặt tư tưởng cho tướng Khánh, tướng Chơn, phát động một số phong trào kêu gọi cựu chiến binh Mặt trận cấp tiến. Ðồng thời gây sức ép với ông Lê Khả Phiêu về một số đòi hỏi của cựu chiến binh. Nhân dịp kỉ niệm 210 năm ngày Quang Trung đại phá quân Thanh họp bàn bên lề kỉ niệm Quang Trung thành một buổi chất vấn về những yêu sách của cựu chiến binh khu vực miền Trung. Cặp vợ chồng Thuận Thắng đang đà thuận tiện con đường đi sâu vào nội bộ Quân đội và Tổng bí thư Lê Khả Phiêu qua hai vị tướng này” (Bản tin ngày 7/2/1999).
Về đồng chí Võ Nguyên Giáp
Tổng cục 2 đưa tin : (chỉ trích một số).
“Sau Ðại hội 8, CIA chỉ đạo nhóm Z (tức là nhóm Giáp) chủ trương xúc tiến vận động cả quan điểm, tư tưởng và tổ chức nhân sự, lợi dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để loại bỏ chủ nghĩa Mác- LêNin, tách tư tưởng Hồ Chí Minh với tư tưởng Mác LeNin, tạo ra phong trào “dân tộc dân chủ” (Bản tin số 49/96TR ngày 7/7 /1996).
“Ngày 12/7/1997, tại một địa điểm phía Bắc, đại diện CIA Mỹ đã phổ biến chủ trương của Mỹ và Pháp lôi kéo ông Võ Nguyên Giáp.
“Hiện nay theo yêu cầu của CIA thì ông Giáp vẫn đang ngấm ngầm hoạt động, nhất là sau khi có thông tin về cuộc gặp riêng giữa ông và Mac Namara trong cuộc hội thảo “Những cơ hội bị bỏ lỡ”, Tại cuộc gặp riêng này, mặc dù có phiên dịch tiếng Anh, nhưng hai bên đã không dùng tiếng Anh mà dùng tiếng Pháp (vì Mac Namara cũng biết tiếng Pháp). Mac Namara mời ông Giáp sang Mỹ dự hội thảo về “Sự kiên Vịnh Bắc Bộ ” để phân biệt ai đúng ai sai. Ông Giáp đã trả lời : “Thời cơ chưa chín muồi.
CIA phân tích : “ông Giáp còn phải chuẩn bị dư luận dọn đường ở trong nước rồi mới đi Mỹ” (Bản tin số 167/TR ngày 17 /7/1977).
“Ông Giáp chuẩn bị công bố cho học thuyết của mình (chỉ đạo ông Giàu viết cuốn sách Chủ nghĩa Hồ Chí Minh). Thông qua việc trả lời phóng viên Nhật Bản, ông Giáp đã đưa ra “Chủ nghĩa Xã hội Nhân văn”, kích động tư tưởng về một đợt sóng ngầm, bí mật thành lập “Mặt trận cứu nguy dân tộc” (Bản tin số 212/97/ TR ngày 10/9/97).
Tổng cục 2 đưa tin về đồng chí Phạm Văn Ðồng
“Sáng 05/9/97, Phạm Văn Ðồng đã mời một số Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương khoá 4, khoá 5, yêu cầu những người này đứng ra vận động các Uỷ viên Bộ Chính trị, cán bộ đã về hưu chủ yếu là tướng lĩnh Quân đội yêu cầu thay đổi các đồng chí chủ chốt hiện nay (Bản tin số 212/97/TR ngày 10/9/97).
Tin về đồng chí Phan Văn Khải
“Thời kỳ Phan Văn Khải làm Chủ Tịch Thành Phố , Charles Ðức (là người được tên CIA Nguyễn Ngọc Huy, bí thư Ðảng Tân Ðại Việt đánh về miền Nam năm 1973 và phong cho làm Trung ương uỷ viên Phong trào Quốc gia Cấp tiến), đã dùng chuyên cơ đưa Phan Văn Khải đi tham quan các nước Ðông Nam Á. Khi biết Phan Văn Khải được đề bạt ra Trung Ương, Charles Ðức hết lòng cung phụng cho Phan Văn Khải” (Bản tin ngày 10/5/1999).
Tin về đồng chí Trương Tấn Sang
“CIA có nguồn tin từ quốc nội cho hay Bộ Chính trị sẽ loại trừ Trương Tấn Sang sau khi ông ta tổ chức thành công lễ kỷ niệm Sài Gòn 300 năm theo chủ nghĩa dân tộc. Hồ sơ của Tư Sang đã được CIA chuẩn bị cho một vị trí lãnh đạo của phe đối lập trong trường hợp ông ta ra khỏi Bộ Chính trị& CIA hy vọng về sự thành công của Tư Sang trong vai trò lãnh đạo phe đối lập (Bản tin ngày 25/12/98).
“Nhóm Trương Tấn Sang đang có kế hoạch tác động, móc nối lôi kéo để liên kết ông Ngô Xuân Lộc, Nguyễn Khánh Toàn và một số tướng lĩnh Quân đội và Công an, giao chúng nắm giữ các vị trí quan trọng trong Chính phủ Việt Nam từ địa phương đến Trung ương. (Bản tin số 497 ngày 24/3/99).
“Các chuyên gia CIA nhận định một cuộc đảo chính có thể xảy ra vào tháng 7, tháng 8/1999 ở Việt Nam. Vai trò chủ chốt là Trương Tấn Sang và Trần Văn Tạo.
“Tư Sang, Tư Tạo tập trung thu phục phái tù Côn Ðảo ở Thành phố Hồ Chí Minh. Phái này có khả năng trở thành phe phái hợp pháp đối lập trong Ðảng Cộng sản, lấy địa bàn Sài Gòn làm căn cứ”.
“Ðã có sự liên kết mới giữa Ngô Xuân Lộc, Phạm Gia Khiêm, Nguyễn Khánh Toàn, Ðoàn Mạnh Giao, Lê Vân Dũng, Phan Trung Kiên, Nguyễn Văn Rop. Việc đảo chính của phe nhóm này sẽ tập trung vào kỳ họp 2 Quốc hội” (Bản tin ngày 2/8/1999)
“Tối 06/1/99 có một cuộc họp do Tư Sang tổ chức, tham dự có Võ Trần Chí, ông Ðặng (giám đốc sở công nghiệp). Ba Ngộ và một nhân vật bí hiểm& Nội dung cuộc họp : Bàn mọi cách bảo vệ vị trí Bí thư thành uỷ cho ông Sang, bằng mọi cách lôi kéo vây cánh để cô lập ông Lê Khả Phiêu và tiến tới thay ông Lê Khả Phiêu bằng một hội nghị bất thường vì ông Phiêu không ủng hộ Thành uỷ và ông Tư Sang.
“Có một sự mưu tính từ một số phe phái chính trị. Trong Ðảng Việt Nam đang mưu tính một cuộc cải cách chính trị, đảo chính chính trị. Có những kế hoạch tuyệt mật trên cơ sỏ báo cáo của Quốc nội do CIA gửi Văn phòng An ninh, Tổng thống. Phe phái chính trị này dự tính sẽ lôi kéo cả ông Lê Khả Phiêu và Phan Văn Khải đứng về phía họ &Lúc bấy giờ Phan Văn Khải và Lê Khả Phiêu cũng phải theo họ vì không còn con đường nào khác. CIA đã chỉ đạo sẽ thực hiện kế hoạch (Bản tin số 223 ngày 19/1/98).
Tin về đồng chí Võ Viết Thanh
“Nguồn tin từ trong đội ngũ cấp cao cho hay ông Võ Viết Thanh đang thông qua một số nhân vật trung gian thân Mỹ để móc nối xin tị nạn chính trị trong sứ quán Mỹ hoặc đi ra nước ngoài” (Bản tin ngày 7/2/1999).
Tin về đồng chí Năm Xuân (Mai Chí Thọ)
“Charles Rey, Tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Phố Hồ Chí Minh đến nhà riêng gặp anh Năm Xuân.
Ðây cũng là một hiện tượng không bình thường, ta chưa rõ nội dung cuộc gặp này. Những vụ án ta gọi là kinh tế, đàng sau đều có dính đến chính trị” (Bản tin ngày 5/10/1999).
Từ vụ Sáu Sứ, Cục 2 (hồi đó cục 2 chưa được mang tên là Tổng cục 2) đã có báo cáo “Cảnh báo nhóm Mai Chí Thọ sẽ tiến hành đảo chính”
Tin về đồng chí Võ Thị Thắng
“Nhằm áp đảo những người tố cáo mình, bà Võ Thị Thắng đã tìm cách kết thân với nhiều cán bộ chủ chốt ngành Công An, Nội Chính, Kiểm tra Ðảng, Bảo vệ Chính trị Nội bộ.
Bà Thắng là người tình của Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng Bộ Công An (Bản tin số 218 ngày 21/1/1999).
“T4 tiết lộ Võ Thị Thắng trước đây đã được Phủ Ðặc uỷ tháo răng hàm trên (răng cửa) để thay vào đó răng giả đặc biệt được sử dụng khi cảm thấy hiểm nguy, có thể cắn vỡ răng này sau khi dùng lưỡi đẩy rơi ra, là một liều thuốc độc cực mạnh có thể giúp các điệp viên tự sát” (Bản tin ngày 21/3/1999).
Tin về đồng chí Vũ Quốc Hùng
“CIA đã cho ngươi móc nối Vũ Quốc Hùng vì thấy Vũ Quốc Hùng là Uỷ viên Trung ương Ðảng, có thể được Nguyễn Văn An và một số lão thành giới thiệu vào Bộ Chính trị”.
“Hùng đã cho người có quan hệ với CIA biết tin : Phương án định đồng chí Lê Khả Phieu làm Tổng bí thư là không còn, thay vào đó chắc chắn là Nguyễn Văn An (CIA đã nắm được tin này)” (Bản tin số 351/97/TR ngày 17/12/1997).
Tin về đồng chí Phan Diễn
“Phan Diễn có quan hệ phức tạp với một số người Hoa trong nhóm tình báo Trung Quốc. Ðề nghị lãnh đạo thận trọng” (Bản tin số 351/97/TR ngày 17/12/1997).
Tin về đồng chí Nông Ðức Mạnh
“Có tin đồn đồng chí Nông Ðức Mạnh kết nghĩa với Minh Phụng. Tăng Minh phụng đã từng phục vụ cho đồng chí Mạnh và khi y bị bắt, đồng chí Mạnh tỏ ra không đồng tình” (Bản tin số 352/97/TR ngày 17/12/1997).
Tin về đồng chí Nguyễn Minh Triết
“Ðồng chí Triét vẫn tỏ ra tin tưởng Trần Bạch Dằng. Ðồng chí Triét nói : anh Trần Bạch Ðằng là Thủ trưởng của tôi mà còn bị nghi ngờ” (Bản tin số 351/97/TR ngày 17/12/97).
Tin về đông chí Trần Tiến Cung (Thiếu tướng Tổng cục phó Tổng cục 2)
“Trần Tiến Cung cũng là người quan hệ chặt chẽ với nhóm cơ hội chính trị xét lại” (Báo cáo số 1500/20/CB của Tổng cục 2).
Bản tin riêng về địch móc nối vào Viện 108
“Ý đồ của CIA chống phá ta qua ngành y tế rất thâm độc và nguy hiểm. Chúng đã sớm móc nối vào viện 108, CIA đã móc nối được một số giáo sư, và giao cho ” Mặt trận dân chủ cấp tiến” chỉ đạo nhóm này. Ðặc biệt là khi chủ tịch Lê Ðức Anh bị ốm, CIA đã chỉ đạo Mặt trận dân chủ cấp tiến ráo riết hoạt động chỉ đạo chặt chẽ lực lượng của chúng tại viện 108 trong quá trình điều trị cho chủ tịch Lê Ðức Anh. Ðáng chú ý gần đây, phát hiện được Phạm Song (nguyên Bộ trưởng Y Tế) có quan hệ với lực lượng cấp tiến. Tuần qua, hai lần Phạm Song gặp một tên trong ban lãnh đạo Mặt trận cấp tiến, tên này là bác sỹ lâu năm và là người của Giáp, y đang trực tiếp chỉ đạo lực lượng của Mặt trận dân chủ cấp tiến tại viện 108 trong việc điều trị cho chủ tịch Lê Ðức Anh. Gần đây phát hiện chúng đã đặt thiết bị nghe trộm. Ngay trong xe của chủ tịch Lê Ðức Anh đã có dấu hiệu đặt thiết bị nghe trộm (Bản tin số 185/96/TR ngày 30/12/96).
Các vấn đề của Tổng cục 2 còn nhiều như tổ chức thu thập tài liệu và theo dõi cán bộ cao cấp, tổ chức cơ sở làm tài liệu giả, vu cáo nhiều đồng chí, trước đây hoạt động cách mạng, là đã làm tay sai cho địch. Nguyễn Quang Vịnh (người của Tổng cục 2) đã bán kế hoạch phòng thủ bầu trời cho nước ngoài. Kế (người của Tổng cục 2) làm parabol để thu tiền bất hợp pháp ; gian lận trong thuế giá trị gia tăng. Người của Tổng cục 2 còn đưa lên mạng Internet nói xấu cán bộ lãnh đạo Ðảng và Nhà nước. Ðặc biệt, Tổng cục 2 đã sử dụng một số người phức tạp, cài cắm người vào các cơ quan Ðảng, Nhà nước để lấy tin, tung tin, bịa đặt, lừa dối Ðảng v. v… Cán bộ tình báo quân sự còn cấp giấy chứng minh quân báo cho tay chân Năm Cam hoạt động, và liên hệ chặt chẽ với tay chân Năm Cam (báo chí đã đưa tin nhưng bị ém).
Khó mà tưởng tượng được những hành động phạm pháp nghiêm trọng ấy lại diễn ra trong một cơ quan làm nhiệm vụ tình báo quân sự cấp chiến lược. Cơ quan tình báo mà lại bịa ra một cơ sở đặc tình “ma” để lừa dối, vu khống chính trị cán bộ cấp cao từ Tổng bí thư, uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, Ðại tướng, Thượng tướng, uỷ viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng& là phạm tội ngang với tội phản bội Tổ Quốc, phản bội Ðảng. Qua những vụ việc nêu trên, những người lãnh đạo Tổng cục 2 như Vũ Chính, Nguyễn Chí Vịnh, đã phản bội truyền thống tốt đẹp của tình báo quân đội trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Không thể viện lý do trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ Tổng cục 2 có đóng góp và truyền thông tốt đẹp mà giảm tội cho Vũ Chính, Nguyễn Chí Vịnh, những người đã bịa ra cơ sở đặc tình ” ma” T4 và các vụ sai phạm khác.
Những bản tin mà Tổng cục 2 đưa ra là nhằm vu khống chính trị, lừa dối, chia rẽ nội bộ Ðảng, phá hoại Ðảng, Nhà nước và quân đội, gây sự phân tâm, lũng đoạn tinh thần cán bộ đảng viên và nhân dân, vi phạm nghiêm trọng pháp luật, nguyên tắc kỷ luật đảng, tạo ra oan trái và đau khổ cho nhiều đồng chí. Với những bản tin đó mà tôi không thể trích dẫn hết, đã buộc cấp lãnh đạo cao nhất điều tra, thẩm tra, ít nhất là 10 vụ gây ra rất nhiều phức tạp.
Ðó là hành động phá hoại đảng, phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa, phá hoại Tổ Quốc. Ðó không phải là chuyện riêng nội bộ Tổng cục 2, nội bộ Bộ quốc phòng. Ðó là vấn đề của toàn Ðảng, của pháp luật, của chế độ xã hội chủ nghĩa, liên quan đến an ninh của Tổ Quốc, đến đại đoàn kết dân tộc. Ðó chính là nguy cơ làm mất sự ổn định chính trị, đã gây hậu quả nghiêm trọng, và nếu không kiên quyết xử lý thì sẽ dẫn đến mất ổn định chính trị ngày càng tăng, như một ung nhọt làm tan rã Ðảng và chế độ.
Còn nói rằng CIA đang tập trung đánh vào Tổng cục 2, cho nên cần giảm tội là một luận điệu nhằm bao che cho Tổng cục 2. Không thể đồng tình với luận điểm đó, và đó cũng là thủ đoạn của Tổng cục 2 đã làm trước đây khi bắt đầu phát hiện ra vụ T4. Luận điệu nói rằng công an đánh vào Tổng cục 2 cũng là luận điệu giả dối. Rõ ràng, tính chất của vụ T4 là thuộc là thuộc về động cơ và quan điểm chính trị sai lầm, chứ không phải chỉ có thiếu xót trong công tác quản lý giáo dục cán bộ, nhân viên. Do đó, nếu chỉ thi hành kỷ luật ở mức cảnh cáo là không đúng.
IV. Nghị định 96/CP và sự lộng quyền của Tổng cục 2
Trước đây Cục 2 là một cục tình báo quân sự. Sau cuộc ” lập công” đầy tội ác với vụ Sáu Sứ và sau những tin giật gân, bịa đặt do cục 2 đưa ra để tự đề cao và để bày tỏ Cục 2 là “người trung thành bảo vệ lãnh đạo nhất”. Một đồng chí lãnh đạo cấp cao khoá 7 nói : “Công an chả nắm được gì, chỉ có Cục 2 là nắm được tình hình”. Lãnh đạo Cục 2 kiến nghị nâng Cục 2 thành Tổng cục 2., Do nhiều thủ thuật khôn khéo, pháp lệnh tình báo của thường vụ quốc hội ra đời. Tiếp đó là nghị định 96/CP của chính phủ. Trong khoá 7, đồng chí Lê Ðức Anh được bầu vào Bộ Chính trị và sau đó được bầu làm Chủ tịch nước, phụ trách cả An ninh, Quốc phòng và Ðối ngoại. Về lãnh đạo quân đội, lúc đầu có ý kiến đề xuất đồng chí Lê Ðức Anh làm bí thư Ðảng uỷ quân sự Trung ương. Nhưng Tổng cục Chính trị không đồng ý, vì không đúng với cơ chế Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành. Do đó, đồng chí Lê Ðức Anh lãnh chức Phó bí thư thứ nhất Ðảng uỷ quân sự trung ương. Ðồng chí Ðoàn Khuê, Bộ trưởng quốc phòng làm phó bí thư. Ðồng chí Ðỗ Mười, theo cơ chế, làm bí thư Ðảng uỷ quân sự trung ương, nhưng trên thực tế, mọi việc chỉ đạo chung và cả điều hành cụ thể công tác quân sự, quốc phòng là đồng chí Lê Ðức Anh. Ðược sự chỉ đạo của đồng chí Lê Ðức Anh, chủ tịch nước, phó bí thư thứ nhất Ðảng uỷ quân sự trung ương, Pháp lệnh tình báo và nghị định 96/CP đã được soạn thảo và chuyển qua quốc hội và chính phủ. Pháp lệnh tình báo do đồng chí Nông Ðức Mạnh, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ký ngày 14/12/96. Nghị định 96/ CP do thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 11/9/1997. Ðồng chí Võ Văn Kiệt sau này có nói : “Tôi suy nghĩ mãi hơn 6 tháng mới ký nghị định 96/ CP”.
Khoá 7, tôi là uỷ viên trung ương, uỷ viên Ðảng uỷ quân sự trung ương, mà hoàn toàn không được biết về nghị định 96/ CP. Tôi và nhiều đồng chí thông cảm với đồng chí Võ Văn Kiệt. Có lẽ đồng chí Võ Văn Kiệt cũng cảm nhận một số điều không đúng của nghị định 96/ CP, nghị định về tình báo Quốc Phòng, cho nên đồng chí Võ Văn Kiệt thật sự có đắn đo. Tôi cũng thông cảm với đồng chí Nông Ðức Mạnh, lúc đó là Chủ tịch quốc hội. Dưới đây, tôi trình bày một số ý kiến về pháp lệnh tình báo và nghị định 96/CP về tình báo quốc phòng, chủ yếu là về nghị định 96/ CP :
Ðiều 2, chương 1 của pháp lệnh tình báo xác định :
“Lực lượng tình báo Việt nam là một trong những lực lượng trọng yếu, tin cậy của Ðảng và nhà nước, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ (gọi tắt là lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước)
Ðiều 14, chương III quy định :
“Thủ trưởng tình báo thuộc quốc phòng trực tiếp điều hành công tác của lực lượng Tình báo Bộ Quốc phòng, chịu trách nhiệm trước Bộ quốc phòng và lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước về mọi mặt trong lĩnh vực công tác của lực lượng tình báo trực thuộc”
Còn nghị định 96/ CP của Thủ tướng chính phủ ở điều I chương I ghi rõ :
“Lực lượng tình báo thuộc Bộ quốc phòng là lực lượng chuyên trách về công tác tình báo chiến lược hoạt động trên các lĩnh vực tình báo chính trị, quốc phòng, An ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ môi trường, văn hoá xã hội, thu thập và xử lý tin liên quan đến lợi ích quan trọng, sống còn của CHXHCNVN, góp phần tham mưu cho Ðảng và Nhà nước hoạch định đường lối, sách lược đối nội, đối ngoại và các chủ trương, kế hoạch, biện pháp, quyết sách để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược”.
Ðiều 11, chương 2 của nghị định 96/ CP xác định :
“Ðối tượng và mục tiêu của lực lượng tình báo thuộc Bộ quốc phòng là những nơi có tin tức, tài liệu liên quan đến Nước CHXHCNVN. Trong đó đặc biệt chú ý đến các quốc gia, tổ chức và các cá nhân ở trong nước và ngoài nước có âm mưu hoạt động, đe doạ chống lại Ðảng CSVN, Nhà Nước CHXHCNVN”.
Ðiều 11, chương 2 của nghị định 96/CP lại giao nhiệm vụ và các quyền hạn :
“Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng trình lên thường vụ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng nhiệm vụ và kế hoạch trọng yếu dài hạn và hàng năm của công tác tình báo chiến lược”.
Ðiều 15, chương 2 :
“Tổng cục tình báo thuộc Bộ Quốc phòng được biệt phái cán bộ đến các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, khoa học kỹ thuật ở trong nước, và ngoài nước có liên quan để thực hiện nhiệm vụ tình báo”
Ðiều 18, chương 2 :
“Tổng cục tình báo thuộc Bộ Quốc phòng được thiết lập kênh thông tin liên lạc đặc biệt với lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước”
Ðiều 20, chương 2 :
“Tổng cục tình báo được sử dụng các biện pháp tình báo, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí và công cụ phục vụ cho nhiệm vụ đặc biệt của tình báo”
Ðiều 21, chương2 :
“Tổng cục tình báo thuộc Bộ Quốc phòng trong trường hợp cần thiết được sử dụng danh nghĩa và phương tiện làm việc, con dấu hoặc các giấy tờ giao dịch của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội”
Trong việc quy định các mối quan hệ, tuy có nói về mối quan hệ chỉ huy của Bộ Quốc phòng với Tổng cục tình báo, nhưng điều 30 chương 4 lại nói :
“Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với lực lượng tình báo thuộc Bộ Quốc phòng”.
Ðiều 30, chương 4 :
“Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và lãnh đạo cấp cao của Ðảng và nhà nước về mọi lĩnh vực công tác của lực lượng tình báo thuộc Bộ Quốc phòng”.
Còn về tài chính, ngân sách thì như thế nào ?
Ðiều 8, chương I quy định :
“Kinh phí đặc biệt ngoài ngân sách Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ tài chính cấp trực tiếp cho Tổng cục tình báo thuộc Bộ Quốc phòng”.
Qua nội dung của nghị định 96/CP có thể nhận ra điều gì?
Trong cơ chế nước ta, ai cũng hiểu pháp lệnh thường không phải do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội soạn thảo. Nghị định cũng thường không phải do Văn phòng Thủ tướng soạn thảo mà do ” cơ quan chủ quản” đề tài ấy soạn ra.
Nhưng kẻ soạn ra pháp lệnh Tình báo và Nghị định 96/ CP đã khéo léo, bắt đầu từ chỗ xác định “Lực lượng tình báo Việt nam là một trong những lực lượng trọng yếu, tin cậy của Ðảng và nhà nước, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ (gọi tắt là lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước).
Xác định như vậy nghe ra thì rất lập trường, đề cao sự lãnh đạo tuyệt đối, tập trung, thống nhất về mọi mặt của Ðảng. Nhưng giả định nếu ta đưa ra một khái niệm tương tự : “Lực lượng hậu cần kỹ thuật (hoặc lực lượng pháo binh, lực lượng phòng không khong quân&) đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ” thì nghe có được không ?
Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói chung đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ là hoàn toàn đúng. Thế nhưng lực lượng vũ trang nhân dân nói chung và từng bộ phận của lực lượng ấy là hai chủ thể khác nhau trước luật pháp. Tổng cục 2 là một bộ phận của Quân đội nhân dân, nhưng nó không phải là toàn thể Quân đội nhân dân. Quân đội nhân dân Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ, nhưng khi xác định cơ chế và các mối quan hệ lãnh đạo chỉ huy, của từng bộ phận của Quân đội nhân dân, thì xác định như vậy là không đúng, không chuẩn, không rõ ràng. Những kẻ soạn thảo đã cố tình đưa ra một khái niệm lẫn lộn, đánh đồng Bộ Quốc phòng và Tổng cục tình báo, đánh đồng sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ quốc phòng và Tông cục tình báo. Sự pháp quy đó đã bị lợi dụng dẫn đến một sự hiểu lầm : “Tổng cục tình báo cũng đứng dưới sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của lãnh đạo cấp cao, ngang hàng với Bộ quốc phòng”. Ðó là một kẽ hở rất lớn dẫn đến sự lộng quyền.
Ðể cụ thể hoá pháp lệnh tình báo, những người soạn thảo đã đưa vào nghị định của Thủ tướng Chính phủ những quyền hạn rất rộng cho Tổng cục tình báo Bộ quốc phòng, đặc biệt là ở điều I chương 1.
An ninh Quốc gia là một lĩnh vực rộng lớn và tổng hợp, cho nên công tác tình báo để đảm bảo an ninh quốc gia ở bất kỳ nước nào cũng có nội dung rộng lớn bao gồm toàn diện các lĩnh vực : tình báo chính trị, tình báo tài chính, tình báo thương mại, tình báo khoa học công nghệ, tình báo thông tin, tình báo văn hoá, tình báo ngoại giao, tình báo bảo đảm an ninh nội bộ, công tác phản gián và sử dụng các hình thức tình báo để thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể.
Ðể thực hiện nhiệm vụ tình báo chiến lược tổng hợp đó, mỗi cơ quan, mỗi ngành có chức năng, nhiệm vụ, đối tượng cụ thể, và riêng của mình. Nhưng điều 1 Chương I xác định :
“Lực lượng tình báo thuộc Bộ quốc phòng là lực lượng chuyên trách về công tác tình báo chiến lược hoạt động trên các lĩnh vực tình báo chính trị, quốc phòng, An ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ môi trường, văn hoá xã hội” là không đúng. Tình báo Bộ quốc phòng làm nhiệm vụ tình báo quân sự, thực hiện các công tác tình báo để đảm bảo các nhiệm vụ của Bộ quốc phòng. Ðương nhiên nhiệm vụ Bộ quốc phòng có liên quan đến các ngành, các lĩnh vực, nhưng tình báo Bộ quốc phòng không phải là toàn bộ các công tác An ninh Quốc gia.
Tình báo quân sự cần có sự kết hợp chặt chẽ với tình báo các lĩnh vực khác, nhưng nó không được bao trùm, nằm lên trên, ôm đồm, mở rộng ra toàn diện các lĩnh vực. Nó chỉ là và phải là một lực lượng Tình báo chiến lược chuyên trách về quân sự và các nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng. Xin nhấn mạnh chữ một. Phải xác định đúng khung phạm vi chức năng nhiệm vụ của nó.
Từ nhiệm vụ quá rộng bao trùm lên toàn diện các lĩnh vực, cho nên điều 11, chương 2 xác định đối tượng của Tình báo quân sự không chặt chẽ :
“Ðối tượng và mục tiêu của lực lượng Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng là những nơi có tin tức, có tài liệu liên quan đến nước CHXHCNVN, trong đó đặc biệt chú ý đén các Quốc gia, tổ chức và cá nhân ở trong nước và ngoài nước có âm mưu hoạt đông đe doạ, chống lại Ðảng Cộng sản Việt Nam, Nhà Nước CHXHCNVN”. Với điều 11, chương 2 đó thì những nơi mà Tổng cục 2 cho rằng có tin tức, tài liệu liên quan đến nước CHXHCNVN và “đặc biệt chú ý đến các tổ chức và cá nhân trong nước hoạt động đe doạ chống lại Ðảng, Nhà Nước” là Tổng cục có quyền sục vào, có quyền đưa tin, có quyền gài người vào tất cả các địa phương (không trừ huyện nào, tỉnh nào, không trừ một cơ quan nào của Ðảng, Nhà Nước, các tổ chức chính trị, xã hội, văn hoá, kinh tế, v. v., như Tổng cục 2 đã làm lâu nay.
Cũng từ đó Nghị định 96/CP quy định “Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng trình lên Thường vụ Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Ðảng nhiệm vụ và các kế hoạch trọng yếu dài hạn và hàng năm của công tác Tình báo chiến lược”.
Xin lưu ý : cụm từ “của công tác tình báo chiến lược” nghĩa là công tác Tình báo chiến lược nói chung bao trùm. Thế Bộ Công An làm gì? Thế Ðảng uỷ quân sự Trung ương làm gì? Ðề ra như thế là cho Tổng cục 2 qua mặt cả Ðảng uỷ quân sự Trung ương, lên trên cả bộ Công An.
Hơn nữa, Nghị định 96/CP xác định : “Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng dược thiết lập kênh thông tin liên lạc với lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà Nước. ” “Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng trong trường hợp cần thiết được sử dụng danh nghĩa và phương tiện làm việc, con dấu các giấy tờ giao dịch của cơ quan Nhà Nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.”
Ngân sách Quốc phòng được Nhà Nước giao cho Bộ Quốc phòng mà Tổng cục 2 là một cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng. VậyTổng cục 2 có nhiệm vụ gì đặc biệt ngoài Quốc phòng mà Bộ trưởng Quốc phòng phải đề nghị Thủ tướng phê duyệt và Bộ Tài chính trực tiếp cấp? Ðiều 20, chương 14 và nhiều điều khác đã để lộ ý định của người soạn thảo đưa ra pháp lệnh này là : Biến Tổng cục 2 thành một cơ quan Tình báo (như kiểu CIA của Mỹ), trùm lên cả cơ quan Tình báo của Bộ Công An, Ban bảo vệ chính trị nội bộ, Cục bảo vệ, Tổng cục chính trị, làm cả đối ngoại và nội bộ.
Công tác bảo vệ nội bộ là do Ban bảo vệ chính trị phụ trách. Công tác An ninh bao gồm cả công tác phản gián phải tập trung vào Bộ Công An, tất nhiên có sự kết hợp giữa thế trận An ninh nhân dân và thế trận Quốc phòng toàn dân. Nhưng không thể tập trung quyền hạn vào Tổng cục 2, để Tổng cục 2 bao trùm lên trên.
Lợi dụng Nghị định 96/CP, Tổng cục 2 đã có sự lộng quỳên nghiêm trọng, sự thao túng nghiêm trọng, phá hoại dân chủ và phá hoại đoàn kết nôi bộ, gây chia rẽ và bè phái rất nghiêm trọng trong Ðảng. Tổng cục 2 muốn vu khống ai thì vu khống, muốn trừng trị ai thì bày chuyện trừng trị, muốn gài người vào cơ quan nào thì gài, tổ chức kinh doanh tràn lan, lạm dụng các hoạt động gọi là Tình báo để tiêu tiền, thậm chí tạo ra ” cơ sở đặc tình” không có thật để tiêu tiền (“tiền cho T4 mà”, ít nhất là 81. 000 đô la, đó là mới phát hiện, còn chưa kể kiểm tra hết được).
Qua việc nắm tình hình khi tôi làm nhiệm vụ, tôi thấy mấy điểm :
1. Quyền hạn Tổng cục 2 quá rộng.
2. Người Tổng cục 2 sử dụng có cả bọn xấu và có cả các phần tử địch xen vào.
3. Nguyên tắc, thủ đoạn, nề nếp làm việc không đúng quy chế, quy định, tin từc không có phối kiểm, đưa gửi tràn lan. Trong công tác Ðảng uỷ thì không thực hiện đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể. Thủ trưởng Tổng cục độc đoán, chuyên quyền.
4. Người của Tổng cục 2 cũng đưa lên mạng nói xấu lãnh đạo Ðảng.
5. Tài chính bất minh.
Vì vậy tôi đề nghị :
– Phải kiểm tra toàn diện Tổng cục 2 cả về chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, nề nếp làm việc, hệ lực lượng bao gồm lực lượng cài cắm ở các cơ quan và tài chính.
– Chấm dứt việc cài người của Tổng cục 2 vào các cơ quan Ðảng, Nhà Nước.
– Phải thật sự chấn chỉnh Tổng cục 2 cả tổ chức, cán bộ, lực lượng, nguyên tắc làm việc, cả chính quyền và Ðảng, tài chính, cơ sở vật chất. Không thể để lại ở Tổng cục 2 những cán bộ lãnh đạo vu khống chính trị đã thoái hoá biến chất.
– Quốc hội và Chính phủ phải xem xét lại pháp lệnh Tình báo và nghị định 96/CP, sửa đổi hoặc huỷ Nghị định 96/CP.
Cuối cùng, tôi xin nhắc lại : Ðây là một vụ án chính trị cực kỳ nghiêm trọng, còn nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần vụ Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, liên quan đến mất còn của chế độ XHCN và Tổ Quốc, đến sinh mệnh chính trị, uy tín, hạnh phúc của rất nhiều đồng chí, cả những đồng chí lão thành.
Là một đồng chí được tham gia sự lãnh đạo của Ðảng 15 năm, tham gia lãnh đạo công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác bảo vệ chính trị nội bộ Quân đội hơn 20 năm, tôi yêu cầu :
1. Ðồng chí Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban kiểm tra Trung ương, Ban chỉ đạo liên ngành phải tiếp tục làm sâu hơn, kỹ hơn, đến nơi đến chốn tính chất nghiêm trọng của vụ T4, vụ Sáu Sứ, vụ đồng chí Võ Viết Thanh và các vụ liên quan.
2. Thông báo cho các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ ban kiểm tra và các đồng chí Trung ương các khoá. Vì vụ này, kể từ vụ Sáu Sứ đã diễn ra từ khoá 6. Khoá 6 đã bàn giao cho khoá 7, khoá 8 đã bàn giao cho khoá 9.
3. Báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương khoá 9 vụ Sáu Sứ, T4, và các vấn đề của Tổng cục 2. Hồi còn tham gia Trung ương, có lần tôi đã phát biểu : Bộ Chính trị không được phép đặt mình cao hơn Trung ương. Mọi việc quan trọng trong Ðảng đều phải báo cáo với Trung ương để Trung ương thực hiện quyền hạn và chịu trách nhiệm trước toàn Ðảng. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Ðại hội.
4. Vấn đề này là vấn đề của chế độ, của Tổ Quốc, của dân tộc, của Nhà Nước. Phải xử lý đúng pháp luật của Nhà Nước, đúng theo tinh thần mà các hội nghị Trung ương đã xác định : Ðối với pháp luật thì không trừ một ai, dù người đó ở cương vị gì. Không được xử lý nội bộ những việc liên quan đến pháp luật. Nói đi đôi với làm.
5. Chúng tôi thấy có hiện tượng bao che, ngăn cản làm rõ sự thật, bao che, ngăn cản việc xử lý nghiêm minh các vụ vu khống chính trị do Tổng cục 2 thực hiện, từ vụ Sáu Sứ vu khống đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Trần Văn Trà, vụ vu khống chính trị đòng chí Trương Tấn Sang, đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, đồng chí Phan Văn Khải, Phan Diễn, Trương Vinh Trọng, Võ Trần Chí, Bùi Thiện Ngộ, Phạm Văn Ðồng, Trần Tiến Cung, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, thường vụ Quận 6 Thành phố Hồ Chí Minh, vụ vu khống đồng chí Võ Thị Thắng, vụ vu khống đồng chí Phạm Chánh Trực, Lê Văn Dũng, Lê Khả Phiêu, Phan Trung Kiên vv…, các vụ tung tin về đồng chí Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn An, Trần Ðức Lương, Mai Chí Thọ, Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Phạm Gia Khiêm, Nguyễn Huy Chương, Nguyễn Chơn, Nguyễn Nam Khánh, Tô Ký, Ðồng Văn Cống. vv., các vụ làm tài liệu giả khác, vụ quân báo liên quan đến bè lũ Năm Cam.
Không phải chỉ dừng lại ở chỗ minh oan.
Căn cứ vào luật pháp, điều lệ, nguyên tắc Ðảng, quyền dân chủ và quyên kiểm tra của đảng viên tôi yêu cầu phải làm rõ tính chất của tội phạm trừng trị nghiêm khắc cả những kẻ phạm tội và những kẻ bao che ngăn cản bất kể người đó là ai.
Tôi nghĩ rằng nếu đồng chí Tổng bí thư, Nguyên Tổng bí thư, các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ ban kiểm tra, Uỷ viên Ðảng uỷ quân sự Trung ương, các đồng chí nguyên cố vấn, đã biết các vụ này mà muốn cho qua, làm chiếu lệ cũng là bao che, ngăn cản, nói mà không làm.
6. Không được viện cớ giữ ổn định mà không kiên quyết làm. Những vụ án vu khống chính trị do Tổng cục 2 gây nên đã làm mất ổn định chính trị, tạo ra nguy cơ tan rã đảng và mất độc lập chủ quyền, mất chế độ xã hội chủ nghĩa. Phải kiên quyết làm rõ và xử lý nghiêm minh thì mới củng cố và giữ vững ổn định. Nếu không, chính là càng cho mất ổn định thêm. Hiện nay đã có ý kiến cho rằng vin cớ giữ ổn định để không kiên quyết làm tức là bao che ngăn cản.
Xin cảm ơn. Xin chúc các đồng chí Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban kiểm tra sức khỏe.
Xin chúc Trung ương và các đồng chí làm đúng pháp luật, điều lệ và các nghị quyết của Ðảng, thực sự lắng nghe ý kiến của đảng viên nói chung và các cán bộ hiểu biết có liên quan.
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh