Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ viết thư xin Tổng Thống Hoa Kỳ Obama tạo nên cơ hội lịch sử cất tiếng cho nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo trong chuyến viếng thăm Việt Nam sắp tới

Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ viết thư xin Tổng Thống Hoa Kỳ Obama tạo nên cơ hội lịch sử cất tiếng cho nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo trong chuyến viếng thăm Việt Nam sắp tới

Download PDF

PARIS, ngày 9.5.2016 (PTTPGQT) — Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ vừa viết bức thư gửi Tổng Thống Hoa Kỳ Barack. H. Obama nói lên thảm trạng nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam nhân chuyến viếng thăm của Tổng Thống Hoa Kỳ cuối tháng 5 này. Thư viết từ Saigon ngày 30 tháng Tư, gửi sang Paris nhờ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế chuyển đến toà Bạch Ốc. Chúng tôi đã thực hiện việc này và thư đã đến tận tay Tổng Thống Obama.

Đức Tăng Thống “Xin Tổng Thống sử dụng chuyến đi này để nói lên cho thân phận hằng nghìn người Việt Nam, nam phụ lão ấu, nông dân và công nhân, trí thức nhân sĩ, nhà báo, nhà bloggers và tín đồ các tôn giáo đang mỏi mòn trong nhà tù, hay bị quản chế, bị bạo hành hay sách nhiễu, vì dấn thân đòi hỏi tự do tôn giáo, dân chủ và tôn trọng nhân quyền”.

Ngài nhận định : “Những năm gần đây, Việt Nam mở cửa kinh tế và trở thành một diễn viên ngày càng tác động trong vùng Á châu Thái Bình dương cũng như trên sân khấu toàn cầu. Thế nhưng chính quyền chẳng có tí nỗ lực nào trong việc mở cửa chính trị, hay xây dựng những thiết chế cần thiết để bảo vệ các quyền của người công dân. Bốn mươi mốt năm sau chiến tranh chấm dứt, người dân Việt chúng tôi vẫn không hề có tự do báo chí, không hề có các thành phần đối lập, không hề có xã hội dân sự”.

Kết thúc bức thư, Đức Tăng Thống mời gọi Tổng Thống Obama “Hãy cùng đứng bên chúng tôi, và cất tiếng cho nhân quyền trong cuộc viếng thăm Việt Nam sắp tới. Làm như thế, Tổng Thống tạo nên cơ hội lịch sử, mà chúng tôi sẽ ghi nhớ như sự lật trang cho phong trào tự do và dân chủ tại Việt Nam”.

Bạn đọc có thể vào Trang Nhà Quê Mẹ xem nguyên văn tiếng Anh bức thư này. Sau đây là bản Việt dịch của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế :

Phật lịch 2560                                                                                   Số. 20/TT/VTT

 

Thư Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ
gửi Tổng Thống Hoa Kỳ Barack H. Obama

bản Việt dịch

 

Kính gửi Tổng Thống Barak H. Obama,
Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ
Toà Bạch Ốc
Washington D.C 20500
Hoa Kỳ

 

Saigon, ngày 30 tháng 4 năm 2016

 

Thưa Tổng Thống,

Tháng 5 này, Tổng Thống sẽ đến thăm Việt Nam lần đầu tiên. Nhân dân Việt Nam trông đợi cuộc viếng thăm của Tổng Thống, và mừng vui đón chào Tổng Thống trên mảnh đất thương yêu của chúng tôi.

Trước hết, tôi muốn gửi lời cảm tạ, do bản thân tôi có món nợ tri ân với Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ. Năm 1998, Ngoại trưởng Madeleine Albright viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên. Thời ấy tôi bị giam tại nhà tù quái ác Ba Sao gần Hà Nội. “Tội” của tôi là đã dẫn đầu phái đoàn cứu trợ các nạn nhân bão lụt ở đồng bằng Sông Cửu Long. Trong chuyến viếng thăm này, Ngoại trưởng Albright lên tiếng tại Hà Nội yêu cầu trả tự do cho ba tù nhân chính trị — Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế và tôi. Liền sau đó, cả ba chúng tôi được trả tự do trong một kỳ ân xá. Nếu không có lời kêu gọi của Ngoại trưởng Albright và sự can thiệp của Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ phải mòn mỏi trong tù không biết bao nhiêu năm nữa.

Hôm nay, tôi vẫn còn bị quản chế, dưới sự theo dõi thường trực của công an, và bị mất hết mọi quyền công dân. Nhưng thư này tôi không viết để xin Tổng Thống can thiệp trả tự do cho bản thân tôi. Quan trọng hơn, tôi chân thành xin Tổng Thống sử dụng chuyến đi này để nói lên cho thân phận hằng nghìn người Việt Nam, nam phụ lão ấu, nông dân và công nhân, trí thức nhân sĩ, nhà báo, nhà bloggers và tín đồ các tôn giáo đang mỏi mòn trong nhà tù, hay bị quản chế, bị bạo hành hay sách nhiễu, vì dấn thân đòi hỏi tự do tôn giáo, dân chủ và tôn trọng nhân quyền.

Những năm gần đây, Việt Nam mở cửa kinh tế và trở thành một diễn viên ngày càng tác động trong vùng Á châu Thái Bình dương cũng như trên sân khấu toàn cầu. Thế nhưng chính quyền chẳng có tí nỗ lực nào trong việc mở cửa chính trị, hay xây dựng những thiết chế cần thiết để bảo vệ các quyền của người công dân. Bốn mươi mốt năm sau chiến tranh chấm dứt, người dân Việt chúng tôi vẫn không hề có tự do báo chí, không hề có các thành phần đối lập, không hề có xã hội dân sự. Việt Nam là quốc gia trẻ, thế hệ trẻ năng động của nước tôi sử dụng truyền thông xã hội và Internet để trao đổi, học hỏi các ý tưởng mới. Thế nhưng sự khao khát kết nối toàn cầu đã đưa họ vào nhà tù, hay bị kết án theo những điều luật lạc hậu thời Chiến tranh lạnh như “tuyên truyền chống phá Nhà nước”, “phá hoại tình đoàn kết quốc gia”, hay “lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”. Kinh tế hoá toàn cầu dẫn tới những thách thức mới cho giới công nhân, đông đảo giới này sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt không xứng với đồng lương. Họ chẳng có Công đoàn tự do nói lên những nỗi bất bình hay bảo vệ quyền lợi người công nhân.

Chuyến đi của Tổng Thống đang sát lại gần, thì nhân quyền tại Việt Nam càng bị đàn áp và gia tăng. Bao là lời hứa hẹn tại Đại hội Đảng lần thứ XII hồi tháng giêng đã bay mất, và giới lãnh đạo thuộc phe cứng rắn nắm hết quyền bính. Ông cựu Bộ trưởng Công an nay lên làm Chủ tịch Nước, khí hậu đàn áp được thấy rõ rành rành. Tháng 3 đầu năm nay, trong thời gian 2 tuần lễ, bảy nhà hoạt động nhân quyền bị kết án tổng cộng 22 năm tù, chỉ vì họ hành xử chính đáng quyền tự do ngôn luận và hội họp. Những điều luật cấm đoán mới được thông qua, như Luật Báo chí sửa đổi, Luật Tiếp cận Thông tin, Thông tư số 13 về biểu tình trước toà án, và Luật Hội, Luật Tôn giáo sẽ được Quốc hội thông qua trong năm nay. Các Luật mới này đều trái ngược với nghĩa vụ Việt Nam trong tư cách thành viên quốc gia đối với Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị của LHQ.

Thưa Tổng Thống,

Nhân dân Việt Nam chào đón sự tăng cường quan hệ giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam, chúng tôi tin rằng điều này sẽ giúp cho chính quyền Việt Nam bước lên đường cải cách chính trị. Đồng thời, chúng tôi vững tin rằng mối quan hệ này chỉ có thể duy trì khi được thiết lập trên nền tảng hỗ tương tôn trọng dân chủ, tự do và nhân quyền đã được toàn thế giới công nhận.

Một trong những quyền này — mẹ đẻ của mọi nhân quyền — là quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Việt Nam là chiếc nôi của nhiều tôn giáo khác biệt, nhưng đa số nhân dân theo Phật giáo. Trên 2000 năm qua, giáo lý bao dung và từ bi của đức Phật đã thấm đẫm vào văn hoá và bản sắc người dân, gợi hứng cho tinh thần yêu chuộng tự do, công bình xã hội, và tự chủ bàng bạc cho đến ngày hôm nay. Chính nền văn hoá tự do và tinh thần tự chủ quốc gia này mà nhà cầm quyền Việt Nam tìm hết cách dập tắt và đàn áp.

Trong bài diễn văn đọc tại Cuba tháng Ba vừa qua, Tổng Thống nói rằng : “Tôi tin vào dân chủ — là điều giúp cho người công dân được tự do nói lên ý kiến họ mà chẳng cần sợ hãi, được lập hội, được phê phán chính quyền họ, và được biểu tình ôn hoà ; đó là nền pháp quyền vắng bóng các cuộc bắt bớ tuỳ tiện những ai hành xử các quyền của họ. Tôi tin rằng mọi người đều có tự do thực hiện đức tin của mình một cách hoà ái và công khai. Và, đúng như vậy, tôi tin vào lá phiếu để chọn lựa người cầm quyền qua các cuộc bầu cử tự do và dân chủ”.

Nhân dân Việt Nam chúng tôi chia sẻ niềm tin của Tổng Thống, và chúng tôi tiếp tục cuộc vận động ôn hoà để thực hiện các điều này dù phải trả với bất cứ giá nào. Xin Tổng Thống hãy cùng đứng bên chúng tôi, và cất tiếng cho nhân quyền trong cuộc viếng thăm Việt Nam sắp tới. Làm như thế, Tổng Thống tạo nên cơ hội lịch sử, mà chúng tôi sẽ ghi nhớ như sự lật trang cho phong trào tự do và dân chủ tại Việt Nam.

Với lòng trân trọng kính cẩn
(ấn ký)
Sa Môn Thích Quảng Độ
Đệ Ngũ Tăng Thống
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *