Home / Diễn Đàn / Câu Chuyện cuối Tuần / Danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đến từ đâu ? (2)

Danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đến từ đâu ? (2)

Download PDF

logo-cau-chuyen-cuoi-tuan

Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, trong bài 1 trước đây, ông đưa ra khám phá mới mẻ, mà ông gọi Biến động Phật giáo năm 1963 là tiếng sét thức tỉnh giới lý thuyết gia mác-xít miền Bắc về tiềm lực dân tộc mà họ tưởng rằng chỉ có thể tìm thấy ở thủ đô Cộng sản Mạc Tư Khoa. Xin ông khai triển sự thức tỉnh này ?

Võ Văn Ái : Thức tỉnh là đưa trạng thái u mê về lại với trí tuệ sáng suốt để hòa đồng phục vụ nhân loại. Người Cộng sản không thức tỉnh theo lối này. Vì mỗi người Cộng sản đều mang trong đầu một bục công an, khiến họ ngày đêm đi tìm kẻ địch như kẻ đi săn thú. Kẻ địch yếu họ giết nhanh, kẻ địch mạnh mà họ mới khám phá, họ nghiên cứu, tìm hiểu ưu khuyết của địch để có đối án trừng trị, thanh toán.

Khi tôi nói Hà Nội thức tỉnh là diễn tả tình trạng bất ngờ, thảng thốt thấy từ lòng đất tổ Việt Nam vọt lên một tiềm lực Phù Đổng là Phật giáo.Tiềm lực Phật giao khác hẳn vơi các xung lực khác trên sân khấu chính trị Việt Nam, là Phật giáo đặt quyền lợi dân tộc trên mọi quyền lợi chính trị, phe đảng, bè nhóm. Vì tất cả các xung lực chính trị này rồi sẽ qua đi như bóng mây, hạt móc. Chỉ có dân và dân tộc là tồn tại trong sự trăn trở giác ngộ. Do đó, mà hai nghìn năm qua, Phật giáo không đi với bất cứ triều đại, chế độ, quyền lực chính trị nào, mà chỉ đồng hành cùng dân tộc mà thôi.

Trong bài trước tôi nhắc tới sự xuất hiện của ông Trần Văn Giàu, một lý thuyết gia thượng thặng của chế độ Mác- xít Việt Nam, qua các bài theo dõi cuộc tranh đấu từng tháng một tại miền Nam năm 1963 để cố “gán ghép” vào sự lãnh đạo của Mặt Trận Giải phóng. Ngay vào lúc mà hoạt động của Mặt Trận đang xuống dốc trong lòng quần chúng Miền Nam. Đặc biệt, sự thiên vị thấy rõ qua thiên khảo cứu dài về “Phong trào Chấn hưng Phật giáo” đầu thế kỷ XX, đăng trên báo Nghiên cứu Lịch sử năm 1971, sau đưa vào sách “Hệ Ý thức Tư sản và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử” phát hành tại Hà Nội tháng 3 năm 1975.

Bài nghiên cứu của ông Giàu có chất lượng, vì ông biết dùng vốn triết học thu tập những năm ông du học ở Pháp (1928) rồi sau qua thụ giáo chủ nghĩa Cộng sản tại Trường Đại học Phương Đông ở Mạc Tư Khoa (1931). Nhưng triết học ông am hiểu là Duy vật Sử quan, nên ông thiếu căn bản triết học tỉ giảo. Đối với Phật giáo ông còn mù tịt hơn, như khi ta đọc những đoạn ông so sánh và giải thích hết sức sơ cơ về Niết Bàn hay Duy thức học. Ông đánh đồng tâm lý học với khoa học.

Tích cực nhất của bài ông Giàu nghiên cứu Phong trào Chấn hưng Phật giáo là ông thấy được một đồ biểu hết sức hấp dẫn của một phong trào có lý luận, có tư tưởng, có tổ chức, và có hướng tiến khai dân trí. Ông phát lộ những bài viết của giới trí thức Phật giáo đưa lên báo thời bấy giờ, từng làm kinh ngạc giới trí thức hay tôn giáo phương Tây trong xã hội thời đó.

Ông Giàu nhận định trong phần kết luận thiên khảo cứu :

“Ở nước ta, nhất là từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, sự hoạt động của các tôn giáo mang một tính chất chính trị ngày càng đậm nét, và mang một tính chất tư tưởng có ảnh hưởng ngày thêm nhiều đến chính trị. Trong toàn bộ hoạt động của các tôn giáo thì sự chấn hưng Phật giáo là một cuộc hoạt động có chiều sâu tư tưởng nhất, chẳng những vì các Phật tử, các nhà Phật học chịu khó trở lại kinh điển Phật giáo, đặt và bàn nhiều triết học [mà] nước ta xưa nay ít khi bàn”.

Nhận định khá chính xác, nhưng khi nêu các nguyên nhân nẩy sinh “Phong trào Chấn hưng Phật giáo” thì ông lại đánh mất con người nghiên cứu để hiện hình thành nhà tuyên truyền cho chế độ. Hai lý do ông nêu bật, là Phật giáo phản ứng trước sự ra đời rầm rộ của đạo Cao Đài những năm 1925 – 1926, làm cho Phật giáo mất tín đò, nên Phật giáo phải chấn hưng. Hai là, xin trích lời ông : “Những năm 1930 – 1931 nổi lên ở khắp Việt Nam một cao trào cách mạng quần chúng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo làm điên đảo thực dân Pháp và rung động triều đình Huế. Trong tình hình này, Pháp thấy có thể (…) sử dụng vũ khí tinh thần để đấu tranh chống lại cách mạng trên mặt trận tư tưởng, ý thức. Vì vậy Thống đốc Nam Kỳ cho Com-mi Chấn đứng ra chủ trương “Hội Nghiên cứu Phật học” và tờ tạp chí Từ Bi Âm ra đời năm 1931”.

Triều Thanh : Điều này có đúng theo lịch sử không ?

Võ Văn Ái : Hiển nhiên sai. Ông Giàu muốn lập lờ với cái gọi là “Xô viết Nghệ Tĩnh” ở vùng Thanh – Nghệ mà người Cộng sản hãnh tiến tuyên truyền, song vốn không có thật. Thực tế, sự xôn xao ồn động nhất từ Việt Nam sang tới Pháp thời gian 1930 – 1931, không là Đảng Cộng sản Đông Dương, mà là việc xử từ hình 13 đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học.

Còn Phong trào Chấn hưng Phật giáo thì đã được Tổ Khánh Hòa ở Nam bộ xướng xuất từ năm 1920, lập thư xã, thỉnh ba Tạng kinh, dịch ra quốc ngữ, lập trường đào tạo Tăng tài, phát hành tạp chí Pháp Âm. Phong trào chấn hưng ở Nam Bộ năm 1920 này đã ảnh hưởng đến Trung Bộ trong cùng thời gian. Ở Bình Định, Tổ Phước Huệ cũng xướng xuất Chấn hưng Phật giáo tại chùa Thập Tháp và Long Khánh. Sau này Tổ Phước Huệ được thỉnh ra Huế làm chủ giảng năm 1931 tại Sơn Môn Học Đường Trúc Lâm, là nơi do Hòa thượng Giác Tiên và Cư sĩ Lê Đình Thám chủ động mở đạo tràng giảng giải kinh nghĩa.

Tuy ông Trần Văn Giàu có nhắc tới ảnh hưởng ngài Thái Hư Đại sư trong Phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam. Nhưng ông không thấy tầm quan trọng và nghĩa lý giác ngộ chính yếu của công trình chấn hưng. Thời ấy, các vị Cao tăng và Cư sĩ Việt Nam nhờ đọc tạp chí Hải Triều Âm bên Trung quốc mà noi gương chấn hưng Phật giáo. Cuộc Cách mạng Tân Hợi, năm 1912, của ông Tôn Dật Tiên bên Trung quốc, kéo theo phong trào Canh tân Phật giao Trung quốc do các ngài Đế Nhàn Quán Tông, Viên Ảnh và Thanh niên Tăng Thái Hư đề xướng, lập các Hội Phật học và xuất bản tạp chí Hải Triều Âm. Công lao ngài Thái Hư Đại sư rất lớn, ngài chủ xúy 3 cuộc Cách mạnh Phật giáo, là Cách mạng Giáo lý, Cách mạng Giáo chế và Cách mạng Giáo sản. Các chuyến xuất ngoại thuyết trình đã đưa tới việc thành lập các Hội Phật học tại Pháp, Anh, Mỹ, Nhật, v.v… thành một trào lưu quốc tế trong nhiệm vụ Phật hóa xã hội. Tại Trung quốc còn có sự xuất hiện mới mẻ trong lịch sử hoằng dương chánh pháp của Phật giáo, là phong trào Cư sĩ lâm do các Cư sĩ giỏi giáo lý thuyết giảng để giáo dục quần chúng Phật tử. Vì tệ nạn thời ấy, đầy dẫy giới Tăng lữ không biết đọc kinh sách, không được chí thành tu học, họ chỉ biết cúng kiến với phù chú mê tín để sinh nhai.

Triều Thanh : Ngoài những điều tuyên truyền hay lý luận phản Phật giáo của ông Trần Văn Giàu, bài nghiên cứu về Phong trào Chấn hưng Phật giáo của ông ấy lập luận như thế nào ?

Võ Văn Ái : Hiển nhiên là lập luận theo quan điểm Mác-xít. Nhưng cái khôn và là thủ thuật của ông Giàu, là ông trích dẫn những bài viết hay sách in phê phán Phật giáo của những trí thức có tiếng tăm làm lá chắn cho mục tiêu ông đánh đổ Phật giáo. Ông sử dụng bốn người : Sư Thiện Chiếu, Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn An Ninh hay Phan Văn Hùm. Hai ông Nguyễn An Ninh và đặc biệt Phan Văn Hùm vốn có cảm tình và đề cao Phật giáo, tuy nhiên, sở học Phật giáo của họ chưa thâm sâu, lại tả khuynh, nên khi phân tích, họ hay quy chiếu lý luận xã hội của Marx hay Tây phương để so sánh, ngộ nhận tư tưởng Phật giáo.

Hải Triều Nguyễn Khoa Văn là một người Cộng sản viết bài Phong trào Phật giáo Phục hưng trên báo Tràng An về sau cũng viết trên báo Ánh Sáng công kích Phong trào Chấn hưng Phật giáo. Hải Triều cho rằng : “Rốt cùng và trên thực tế thì Chấn hưng Phật giáo chỉ là một cách nhồi sọ, một âm mưu của chính phủ [Pháp].

Trên tạp chí Viên Âm của Phật giáo Huế số 13, phát hành ngày 13-8-1935, Cư sĩ Xuân Thanh đã bác bỏ lập luận “chụp mũ” trên đây của người Cộng sản Hải Triều cùng 3 nguyên nhân chấn hưng Phật giáo mà Hải Triều cho là vì “lòng tự ái dân tộc”, vì “lòng khát vọng một lý tưởng để theo”, và vì “nạn kinh tế khủng hoảng”, rồi Xuân Thanh đưa ra 3 nguyên nhân khác trong mục tiêu chấn hưng Phật giáo :

“Một là “vì sự tiến hóa của trí thức người xứ ta về mặt luân lý” ; hai là “vì khoa học tuy đánh đổ cái mê tín nhưng tự mình không có năng lực để tạo thành hạnh phúc cho nhân loại” ; và ba là “vì phải có một đạo lý vững vàng làm cho khoa học phục tùng để đào tạo đức tính của loài người”.

Thậm chí Hải Triều còn bài bác mục tiêu Cứu khổ của đạo Phật, khi lý luận hồ đồ rằng : “Đạo Phật nói cứu khổ nhưng đạo Phật nhất định không phải là đạo có thể cứu khổ cho loài người, đừng kỳ vọng vào nó mà thất vọng”. Hải Triều khẳng định :

“Một tôn giáo tự nhận cái trọng trách cứu đời mà sau 2500 năm, người đời còn phải kỳ cục tìm xem người xưa nói gì ! Nếu loài người có thể chịu khó chờ đạo Phật cứu, thì e cũng không có thì giờ mà chờ”.

Tìm xem người xưa nói gì, với học tập kinh điển là hai động thái khác nhau. Học tập kinh sách là quán chiếu nghĩa lý kinh, cốt mở mang trí tuệ bát nhã nhằm giác ngộ bản thân, đồng thời phát huy lòng từ bi cứu độ người. Không học y khoa thì làm sao thành bác sĩ để cứu chữa bệnh nhân ?

Những câu viết khẳng quyết của người Cộng sản Hải Triều vào những năm 30, thì nay ta có thể kiểm chứng phong trào Cộng sản đại đồng, tạo thiên đường trên hạ giới, đã thất bại thảm não như thế nào ? ! Trong khi con đường giác ngộ và cứu khổ của Phật giáo vẫn uy nghi phát triển trên toàn cầu.

Thực tế, là những người Cộng sản như Trần Văn Giàu, Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, chưa hề hiểu chữ Khổ của Phật giáo, tiếng Phạn là Dukkha, trong Tứ Diệu Đế là bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật tại Vườn Nai, thành Ba La Nại. Chữ Khổ mà người Cộng sản tâm niệm chỉ mang nghĩa xã hội, thường tục, đại biểu cho sự thất bại cướp giật miếng ăn và địa vị đặc quyền đặc lợi thông qua chủ trương đấu tranh giai cấp, bạo hành và chiến tranh.

Triều Thanh : Còn trường hợp Sư Thiện Chiếu mà ông Trần Văn Giàu trích dẫn thì sao ?

Võ Văn Ái : Sư Thiện Chiếu là một thanh niên Tăng đầy nhiệt huyết và có khả năng lý luận. Trong cuộc luận chiến với thành phần bảo thủ chống Phật giáo trên lý thuyết hay trong thực tiễn chấn hưng, các bài viết của Sư là cây bút sắc bén. Sư là một trong những vị tăng trẻ tiên phong theo Tổ Khánh Hòa trong Phong Trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam bộ từ năm 1920.

Có thể nói Sư Thiện Chiếu thấm nhuần tư tưởng canh tân của ngài Thái Hư Đại sư qua tạp chí Hải Triều Âm hơn một số người khác, và dùng lý luận của Hải Triều Âm khai thông thời thế. Nhưng do con người Sư thiên về hành động, lại nóng vội, không có người hướng dẫn Phật Pháp thâm sâu, nên bị giới Cộng sản thời ấy ảnh hưởng, thúc đẩy, biến lòng yêu nước thành con cờ vong bản quốc tế, sa đà theo lý thuyết nhị nguyên Tây phương của trò chơi tranh chấp Duy Tâm – Duy Vật.

Sư Thiện Chiếu là một tay lý luận, có học thuật. Nhưng sở trường này đã hoá ra sở đoản khi đi theo Cộng sản. Sư bị ngốc hoá, trở thành con người vô dụng kể từ thời Sư hoàn tục giữa thập niên 30 thế kỷ trước cho tới những năm tháng phục vụ Việt Minh rồi Việt Cộng qua hai cuộc chiến thừa sai. Thiện Chiếu chẳng để lại công trình hay trước tác gì so với thời thanh niên theo Phật.

Chủ nghĩa Cộng sản tiêu diệt trí thức và nhân tài dân tộc.

Năm 1936, Sư Thiện Chiếu phát hành sách “Tại sao tôi cảm ơn đạo Phật” là ngày Thiện Chiếu bỏ Phật ra đi. Ông viết một cách đau lòng rằng :

“Bây giờ đối với cái chương trình quyết định trước kia, đã lãnh đạm đi rồi. Kinh làm biếng xem, đầu hết muốn cạo ! Bởi thấy kinh tế càng khủng hoảng nặng nề ; người ta càng lầm than, càng đói khổ. Do nguyên nhân gì gây ra ? lấy phương pháp nào cứu chữa ? Chớ Phật giáo đã không phải là phương thuốc cứu khổ duy nhất nữa rồi”.

Thâm độc hơn, Sư Thiện Chiếu công kích thẳng tới giáo điển nền tảng của Phật giáo, như phủ nhận luật Nhân quả, mà Sư cho rằng thua luật Nhân quả của khoa học. Còn Niết Bàn thì sư cho là “sự láo dóc”.

Trần Văn Giàu trích dẫn và khai thác triệt để sách “Tại sao tôi cảm ơn đạo Phật” của Thiện Chiếu nhằm đánh đổ Phật giáo, để đề cáo cái praxis / thực tiễn hành động Cộng sản.

Triều Thanh : Tại sao qua những trích dẫn của ông Trần Văn Giàu, có khi đề cao phong trào Phật giáo, đồng thời lại chỉ trích giáo lý “phi tư tưởng” của Phật giáo. Xem có vẻ mâu thuẫn, ông có nghĩ như vậy không ?

Võ Văn Ái : Tất cả những người Cộng sản đều là con người hai mặt. Sự xung khắc hai mặt này làm cho họ mất nhân tính. Trong nghiên cứu Phật giáo, ông Giàu thấy được những điều xưa nay ông chưa hề biết, khiến ông bất thần ngạc nhiên và lo ngại cho tiền đồ chủ nghĩa của ông. Nhưng con người chế độ của một gã tuyên truyền cố hữu, ngăn cản ông Giàu bước qua lằn ranh thức tỉnh để đổi thay. Bi kịch của người Cộng sản là bỏ gần hết đời người làm tên nô lệ ý thức, rồi phần đời còn lại lúc già, ngồi nuối tiếc mình đã bị lừa, nhưng ngậm miệng chẳng dám nói ra.

Ta đã thấy ông đề cao hết mực Đảng Cộng sản Đông Dương những năm 30 đầu thế kỷ XX “làm điên đảo thực dân Pháp và rung động triều đình Huế”. Nhưng ông Giàu lại quên một thực tế đồng hành cùng dân tộc trong mọi biến động lớn nhỏ của lịch sử.

Chưa ai quên vào những năm 1925, 1926, trong số thính giả đi hoan hô Nguyễn An Ninh, Phan Chu Trinh diễn thuyết ở trụ sở Bắc Kỳ Ái hữu tại Saigon, có sự tham gia của hàng chục cái đầu cạo bóng của chư Tăng Phật giáo. Và hôm đi rước ông Bùi Quang Chiêu ở Pháp về, cũng có hơn 20 Tăng sĩ trẻ. Có người chất vấn : “Ai xui Thầy chùa đi biểu tình” ?, thì Tăng sĩ này đã viết một bài trên báo trả lời rằng : “Thuyết Từ bi cứu khổ của Phật Tổ xui Phật tử tham gia nhũng cuộc vận động yêu nước thương dân chớ không ai xúi cả”.

Nói về số lượng người, thì tuy ông Giàu đề cao Đảng Cộng sản Đông Dương hoạt động “kinh thiên động địa” những năm 30, nhưng chẳng thấy ông cung cấp một số liệu đảng viên nào. Trong khi ấy, An Nam Phật Học Hội ra đời tại Huế năm 1931, và theo báo cáo tại Đại hội Phật giáo tháng 8 năm 1938 ở chùa Từ Đàm cho biết đến cuối năm 1937, số hội viên là 3000, các tỉnh ở Trung bộ, kể cả các tỉnh ở Tây nguyên, đều có Tỉnh hội Phật giáo.

Ở ngoài Bắc, Bắc Kỳ Phật Giáo hội ra đời năm 1935, theo báo cáo của vị Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc cho biết sau một năm hoạt động, hội đã có 2000 Tăng Ni và 10 nghìn hội viên.

Thế nhưng ông Trần Văn Giàu im lặng trước sự phát triển của Phong trào Chấn hưng Phật giáo, mà chắc chắn số người tham gia vượt quá xa số đảng viên Cộng sản. Đây ta chỉ đề cập tới con số là chuyện thứ yếu thôi. Chưa đặt vấn đề tinh thần và sự phát triển khai dân trí cũng như bước lên đường Giác ngộ bản thân, trừ phá vô minh hay các chính sách ngu dân.

Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.

Bài 1 <<<                                                                                                           >>> Bài 3

Check Also

Nói về hai chữ Tự thiêu của Bồ Tát Thích Qảng Đức

“Câu Chuyện Cuối Tuần” là một đề mục của Đài Phật giáo Việt Nam phát …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *