Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tổng vụ Từ Thiện Xã hội tại Hoa Kỳ kêu gọi cúng dường Đại lễ Hiệp kỵ tại Tu viện Long Quang, Huế — Câu Chuyện Cuối Tuần về Phật giáo tại Hoa Lục

Tổng vụ Từ Thiện Xã hội tại Hoa Kỳ kêu gọi cúng dường Đại lễ Hiệp kỵ tại Tu viện Long Quang, Huế — Câu Chuyện Cuối Tuần về Phật giáo tại Hoa Lục

Download PDF

 

PARIS, ngày 27.11.2017 (PTTPGQT) — Thường năm Viện Hoá Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) vẫn giữ lệ thường như trước năm 1975, tổ chức Đại lễ Hiệp kỵ, là nghi lễ Truyền Thống tri ân và báo ân những ai từng góp công xiển dương Chánh pháp và bảo vệ quê hương, đạo pháp. Năm nay vẫn được tổ chức tại Tu viện Long Quang, Huế, vào ngày 10 tháng 12 dương lịch 2017. Đạo hữu Tổng vụ  trưởng Tổng vụ Từ thiện xã hội GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ gửi bức Tâm Thư kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử các giới tại hải ngoại và Hoa Kỳ hoan hỉ cúng dường cho việc tổ chức có thêm phương tiện hoàn mãn.

Tiếp đấy, vào dịp Tết Nguyên đán là lễ Huý nhật Cố Viện trưởng Viện Hoá Đạo, cố Đại lão Hoà thượng Thích Như Đạt. Trong hai cuộc lễ nói trên, là dịp chư Tăng Hội đồng Lưỡng Viện ở các tỉnh xa về tham dự. Tổng vụ Từ thiện Xã hội trông mong được chư Tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử đóng góp thêm phương tiện cho Viện Hoá Đạo hoàn thành ước nguyện để tưởng niệm công đức Chư Lịch đại tổ sư, Chư Tiền bối Hữu công, Chư Anh linh Thánh Tử Đạo, đồng thời cầu nguyện cho quốc thái, dân an, đồng bào và Phật tử sớm thoát khỏi tai ương, tìm lại tự do và an lạc.

Sau đây là toàn văn bức Tâm Thư kêu gọi của Tổng vụ Từ thiện Xã hội GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ. cùng với Câu Chuyện Cuối Tuần phát thanh trên Đài Phật giáo Việt Nam về tình hình Phật giáo tại Hoa lục :

 

Tâm Thư của Tổng vụ Từ Thiện Xã hội

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải nghoại tại Hoa Kỳ

 

P.l. 2561 – Houston ngày 21 tháng 11 năm 2017

Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni.
Kính thưa quý Đạo hữu,

Phổ Chiếu vừa được đọc Thông bạch do Hoà thượng Thích Thanh Quang, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, cho biết :

“Hằng năm đến ngày 23 tháng 10 âm lịch, tại Tu Viện Long Quang, nơi đặt văn phòng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) thường cử hành Đại Lễ Hiệp Kỵ nhằm :

– Tưởng niệm Chư lịch đại Tổ sư,

– Chư Tiền bối hữu công, Chư anh linh Thánh Tử Đạo.

– Cầu nguyện Thế Giới hòa bình, Chúng Sanh an lạc.

– Kỳ Siêu cho những người đã hy sinh vì Đại Nghĩa Dân Tộc,

– Chiến Sĩ trận vong, chiến tranh và thiên tai nạn vong

– Cùng hương linh thân nhân đồng bào Phật Tử quá cố.

“Đây là nghi lễ Truyền Thống tri ân và báo ân những ai từng góp công xiển dương Chánh pháp và bảo vệ quê hương. (…) Nhưng kể từ năm 2014, khi Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Như Đạt, Viện Chủ Tu Viện Long Quang đảm nhiệm chức vụ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, thì Nhà cầm quyền Cộng sản có chính sách ngăn cấm chư Tăng và Phật tử tham dự Đại lễ một cách thô bạo. (…) Năm nay, 23.10 Đinh Dậu  nhằm ngày 10 tháng 12 năm 2017, Đại Lễ Hiệp Kỵ lại về trong cảnh khốn khổ của người dân cả nước trước thiên tai, bão lụt tàn phá quê hương, sinh mạng, cửa nhà và tài sản của đồng bào ruột thịt. Mặc bao khó khăn, Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN hiệp ý với Chư Tăng Tu Viện Long Quang tổ chức Đại Lễ Hiệp Kỵ trong không khí thanh tịnh và trang nghiêm để tất cả Phật Tử phát Đại Bi tâm tưởng niệm và tri ân những người đã khuất nhưng công đức bảo vệ Chánh pháp của chư liệt vị đã giúp chúng ta còn có được ngày nay tự hào sống trong chính nghĩa của GHPGVNTN. Nên hết lòng trông đợi những bàn tay chia sẻ của Phật tử trong và ngoài nước cho Đại lễ Hiệp kỵ viên thành”.

Nhân danh Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ Thiện Xã hội tại Hoa Kỳ, Phổ Chiếu xin kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni cùng quý Đạo hữu đóng góp cho việc tổ chức Đại Lễ Hiệp Kỵ tại Tu viện Long Quang, rồi thời gian ngắn sau đó Lễ Huý nhật Ngài Cố Viện trưởng Viện Hoá Đạo, Đại lão Hoà thượng Thích Như Đạt, được thành tựu.

Mọi đóng góp tịnh tài tổ chức Đại lễ Hiệp Kỵ và Huý Nhật Cố Hoà thượng Viện trưởng Thích Như Đạt tại Tu viện Long Quang, xin viết Chi phiếu hay Money Order đề tên GHPGVNTN.HNHK

Phần Memo nhớ ghi rõ : “Cung duong VHD, Hiep Ky & Huy nhat” và gửi về địa chỉ :

Tổng vụ Từ Thiện Xã hội
C/O Lien Hoa Temple
Thủ Quỷ Thanh Tâm Huynh Ho Huong
6709 Howell Sugar Land Road
Houston, TX 77083
USA 

Để dễ dàng đốc thúc và tiến hành mau chóng việc chuyển ngân, xin Quý Liệt vị hoan hỉ thông báo việc đóng góp của quý Liệt vị về Tổng vụ Từ Thiện Xã hội, địa chỉ Email : dlam1127@yahoo.comPhòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, địa chỉ Email : pttpgqt@gmail.com

Thành thật cám ơn Quý Liệt vị.

Xin cầu chúc chư Tôn đức Tăng Ni pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ, và cầu chúc quý Đạo hữu thân tâm an lạc, bồ đề tâm kiến cố.

Kính bái,
Phổ Chiếu
Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ Thiện Xã hội
GHPGVNTN-HN/HK

 


 

 

“Câu Chuyện Cuối Tuần” là một đề mục của Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh về trong nước mỗi thứ sáu hàng tuần, trình bày vấn đề Phật Pháp & Thời luận do ký giả Triều Thanh phụ trách.

Hôm nay xin mời bạn đọc theo dõi bài “Phật giáo tại Hoa Lục”, chép lại từ chương trình Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh hôm thứ sáu 24 tháng 11 vừa qua :

 

Phật giáo tại Hoa lục

 

Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, Câu chuyện Cuối Tuần đã nhiều lần đề cập đến Phật giáo tại Việt Nam, hôm nay xin được hỏi ông về tình hình Phật giáo tại nước lân bang khổng lồ của chúng ta, là Trung quốc. Xin ông cho biết sơ lược tình hình Phật giáo bên ấy có gì giống hay khác nước ta không ?

Võ Văn Ái : Trong quá khứ hai nghìn năm qua thì ai cũng biết Phật giáo nước ta chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung quốc rất nhiều. Tuy rằng Phật giáo Việt Nam có bản sắc riêng, ta sẽ trở lại vấn đề này một dịp khác.

Nhìn từ hơn 60 năm qua, thì mẫu số chung là cả hai nước đều theo chủ nghĩa Cộng sản, nghĩa là một chế độ chính trị độc tài đến từ phương Tây, có chung ý thức hệ chống tôn giáo.

Trên lĩnh vưc chiến lược thì Phật giáo bị bách hại giống nhau, nhưng hai nhà nước Bắc Kinh và Hà Nội có những chiến thuật thi hành khác nhau.

Triều Thanh : Xin ông nói rõ hơn về sự khác nhau trong chiến thuật, cụ thể xẩy ra như thể nào trong thực tiễn ?

Võ Văn Ái : Ví dụ như sau cuộc Đại Cách mạng Văn hoá dưới thời ông Mao Trạch Đông gây tàn phá khủng khiếp nhân tâm và văn hoá Trung quốc từ 1966 đến 1976, kịp khi ông Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền bính, ông phát động cải tổ kinh tế và hiện đại hoá đất nước từ năm 1978. Từ đó Phật giáo lần đầu tiên được cởi nới. Hàng chục nghìn ngôi chùa được phục hồi sinh hoạt, chứ không còn là những kiến trúc đồ sộ nhưng bị vắt hết sinh khí tâm linh, đem dùng cho việc thu hút khách du lịch. Trong cái may cho Phật giáo sống còn, hiện ra cái rủi cho sự tu hành. Theo số liệu của Hội Phật giáo Trung quốc thì thời đó có chừng 180.000 Tăng Ni, trong số này 120 nghìn thuộc Phật giáo Tây Tạng. Sinh hoạt chùa chiền mở lại, việc cúng kiến trong quần chúng được bùng phát theo, đưa tới bi kịch giới tăng lữ bỏ bê việc tu hành để chuyên lo cúng bái kiếm tiền. Kiềm tiền là chủ trương của Bắc Kinh nhằm vực dậy đời sống nghèo khó quốc gia. Người người làm tiền, nhà nhà làm tiền. Khiến giới Tăng sĩ trẻ lơ là tu học Phật pháp, để a vào việc cúng đám làm giàu. Nhiều cha mẹ gửi con vào chùa cốt theo học nghi lễ với mục tiêu sinh nhai làm giàu. Đạo cứu khổ và giác ngộ của Phật giáo biến thành những công ty kinh tài.

Chủ trương cải cách kinh tế của Bắc Kinh khiến Phật giáo phải đối diện với thách thức mới. Mọi sinh hoạt tôn giáo chùa viện thời xưa biến chất thành cỗ máy kinh doanh. Giới Tăng lữ dồn hết cuộc đời tu hành vào con đường cạnh tranh với kinh tế quốc doanh hay kinh tế tư nhân. Đây là bi kịch mới cho tiền đồ Phật giáo Trung quốc.

Triều Thanh : Như vậy thì nhà nước Cộng sản Hà Nội cũng bắt chước chiến thuật này của Bắc Kinh ?

Võ Văn Ái : Không. Đây là chỗ tôi muốn nói cùng chung chiến lược truy diệt tôn giáo, nhưng hai nhà nước Cộng sản lại khác nhau về chiến thuật. Thời gian cuối thập niên 70 sang suốt thập niên 80, ông Đặng Tiểu Bình cởi nới cho Phật giáo Trung quốc như tôi vừa trình bày, thì trái lại, Hà Nội siết chặt Phật giáo Việt Nam hơn bao giờ. Nhất là sau năm 1975, Hà Nội có một lực lượng Phật giáo ở Miền Nam đầy trí tuệ, có tổ chức bao rộng từ thành thị tới thôn quê, mà uy tín trên trường quốc tế rất lớn. Đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Tôi còn nhớ sau năm 1975, ông Trần Văn Khê làm chuyến viếng thăm Việt Nam. Khi trở lại Pháp tôi hỏi ông tình hình Phật giáo miền Bắc ra sao. Ông cho biết khả quan lắm. Ông Khê khẳng định với tôi rằng : “Tôi đi thăm nhiều chùa, nơi nào cũng sinh hoạt bình thường như ở Miền Nam, chùa nào cũng có Sư hay Ni”. Phải dùng chữ “hồ hởi” thì mới đúng tâm cảnh ông Khê lúc đó.

Thưc tế chúng ta phải nhớ lại tình hình Phật giáo ở Miền Bắc sau năm 1975, và đặc biệt thập niên 80 thì mới biết lời ông Khê kể chỉ là luận điệu tuyên truyền giúp Hà Nội. Thời điểm ấy, miền Bắc có tổ chức Phật giáo của Nhà nước mang tên “Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam” do Hoà thượng Trí Độ làm Hội trưởng, thành lập tháng 3 năm 1958, kế thừa tổ chức “Phật giáo Cứu quốc” do Mặt trận Việt Minh tung ra những năm 45, 46. Phật giáo bị cấm chỉ nuôi Tiểu, tức chuẩn bị xuất gia cho các em thiếu nhi, cũng như cấm chỉ truyền giới. Cách này khá thâm độc để cắt đứt gốc rễ sinh mệnh của Tăng đoàn.

Trước và sau năm 1975, Phật giáo miền Bắc nằm dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và ban Dân vận Trung ương. Ví dụ như Mặt trận tung chiến dịch “Chùa tiên tiến”, mới nghe tưởng như thiện ý phát triển chùa viện Phật giáo. Kỳ thực chiến dịch này lùa Tăng Ni vào hai lĩnh vực “vận động thanh niên tòng quân giết giặc”, hoăc chấp hành tốt chính sách hợp tác xã và giỏi sản xuất. Công tác này gồm việc trồng trọt, chăn nuôi gà lợn để bán nghĩa vụ cho Nhà nước. Một cách thâm độc khác nhằm khuyến khích Tăng Ni phạm giới. Chùa nào làm giỏi được đề cao là “Chùa tiên tiến”, Tăng sĩ nào làm tốt được phong tặng danh nghĩa Chiến sĩ thi đua xuất sắc. Như trường hợp một thượng toạ ở Thanh Hoá có thành tích nuôi heo được công kênh trên khắp bộ máy tuyên truyền. Tôi nhớ trong tập Thơ Tù của Hoà thượng Thích Quảng Độ, có bài thơ “Kiện tướng làm phân” viết mấy câu như sau :

Hoà thượng thầy vua trong đời Lý

Thiền sư trị nước thuở triều Trần

Ngày nay sự nghiệp “phò Cách mạng”

Nhà Sư “Kiện tướng đội làm phân” !

Đây là chuyện có thật, chứ không đùa hay hư cấu đâu. Tôi biết Hoà thượng Quảng Độ nhắc chuyện nhà Sư ở Hải Hưng thập niên 60 được ông Hồ Chí Minh ban khen và tặng danh hiệu “Kiện tướng làm phân”.

Dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa, Tăng Ni không còn là kẻ xuất gia tu hành, mà là những đoàn viên Hợp tác xã nông nghiệp tham gia lao động để được trả bằng thóc theo chế độ cân đối lương thực của Hợp tác xã để sinh nhai.

Không biết Triều Thanh còn nhớ hay không, phong trào “Cởi cà sa khoác chiến bào” nổi lên những năm đầu kháng chiến chống Pháp kêu gọi Tăng sĩ tham gia Bộ đội đánh giặc, Ni thì theo các đoàn Cứu thương. Xướng xuất việc này là nhà Sư Phạm Thế Long trú trì chùa Cổ Lễ ở Nam Định, sang thập niên 70 Cụ làm Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Miền Bắc. Là người của chế độ, thế mà không biết bao lần Cụ phải khổ tâm lén lút tổ chức những buổi “thọ giới chui” cho đệ tử. Còn các khoá An Cư Kiết hạ thì chỉ là những khoá học chính trị do Mặt trận Tổ quốc cử người đến dạy.

Thế tục hoá Phật giáo, mê tín hoá Phật giáo là chủ trương bất biến của Nhà nước Cộng sản.

Triều Thanh : Nhưng hiện nay, tình trạng nói trên đã có nhiều thay đổi ? Ông có đồng ý vậy không ? Đọc báo thấy nhiều khoá an cư kiết hạ do chư Tăng chủ trì, nhiều giới đàn mở ra khắp nước cho Tăng Ni thọ giới, các trường Phật học sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đươc hoạt động khắp ba miền. Ông nghĩ sao trước sự thay đổi này ?

Võ Văn Ái : Đây là công lao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống  nhất dưới sự lãnh đạo của các Ngài Huyền Quang và Quảng Độ đấy !

Triều Thanh : Thật vậy không ? Ai cũng biết là suốt 42 năm qua GHPGVNTN bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Chẳng những bị cấm hoạt động mà còn bị phong toả, khủng bố, đàn áp, sách nhiễu, thì làm sao có thể can thiệp thay đổi hiện trạng Phật giáo cho một tổ chức do Đảng và Nhà nước dựng lên, được Đảng và Nhà nước hậu thuẫn, tập họp số lượng đáng kể của năm mươi nghìn Tăng Ni ?

Võ Văn Ái : Mầu nhiệm của sự sống đấy. Việc đời đâu phải lúc nào cũng hai với hai là bốn đâu ? Đây chính là Biện chứng tương liên tương tác của Phật giáo. Thử nghĩ, nếu không có sự đối chất, phê phán hay phản đối của ba vị Cao tăng Phật giáo ở ngôi vị Tăng Thống, ba ngài Đôn Hậu, Huyền Quang, Quảng Độ trước chủ trương tiêu diệt Phật giáo của nhà nước Cộng sản, thì cái tổ chức Phật giáo của Nhà nước còn tang thương, biến chất đến đâu ? Nếu không có sự vận động kiên trì đòi hỏi tự do tôn giáo và nhân quyền của GHPGVNTN ngay từ cuối năm 1975, thử hỏi bộ mặt tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng ngày nay sẽ khác gì so với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ? Công đầu này của FGHPGVNTN khiến công luận quốc tế săm soi nhìn vào nước Việt Cộng sản, nên một Nhà nước đang muốn hội nhập Cộng đồng Thế giới phải đổi thay, che đậy.

Đâu phải có năm, mười Sư đoàn Phật tử thì mới có thể áp lực khiến nhà cầm quyền Cộng sản thay đổi, nhượng bộ ? Không đâu, cuộc chiến đấu hay sự khai phóng của văn hiến và tâm linh khác với cuộc tranh chấp chính trị hay cuộc đọ sức của chiến tranh.

Đây là ý nghĩa tối hậu của sự “Nói năng như Chánh pháp” hay “Im lặng như Chánh pháp”. GHPGVNTN bị đặt ngoài vòng pháp luật suốt 42 năm ròng, bị cấm chỉ sinh hoạt, nói năng, thuyết pháp. Nhưng sự im lặng của Giáo hội sinh động như chất xúc tác cho mọi đổi thay tình thế. Ta có thể gọi đó là hoạt động hành trong vô hành theo tinh thần Phật giáo

Triều Thanh : Dù sự lý là như thế, nhưng tôi vẫn còn thắc mắc, là tại sao Bắc Kinh cũng như Hà Nội vẫn đặt trọng tâm tuyên truyền vào Phật giáo, thay vì xem nhẹ nó như chuyện không có. Ông giải thích như thế nào sự kiện này, thưa ông ?

Võ Văn Ái : Ở đây có hai vấn đề mà các nhà nước Cộng sản không thể xem thường Phật giáo. Khoan nói đến vấn đề tín ngưỡng và tâm linh ăn sâu trong lòng dân tộc Việt trên hai nghìn năm qua. Chỉ nói trên phương diện quần chúng, thì Phật giáo là khối lượng đa số trong dân cư nước Việt. Người ta hay nhắc tới những con số tám, chín chục phần trăm quần chúng Phật tử, hay hai chục phần trăm quần chúng Phật tử. Nhưng Phật giáo không là con số, cũng như kim cương hay chì thiết không là vấn đề cân lượng. Chính yếu là đa số dân Việt theo đạo Phật, văn hoá Việt Nam thấm nhuần phẩm chất khoan dung, từ bi của Phật giáo. Người Cộng sản Việt Nam sợ hãi khối lượng quần chúng đông đảo này, cũng như phẩm chất từ bi, trí tuệ của đạo Phật, một giáo lý khước bỏ ý thức hệ căm thù của đấu tranh giai cấp.

Đối với Trung Cộng, là một thủ thuật chính trị. Bắc Kinh xem Phật giáo như quyền lực mềm của Soft power, một thứ Nhu lực. Bắc Kinh biết rõ hơn ai uy thế quốc tế của Phật giáo, là đạo sống khoan dung, hoà bình mà nhân dân các nước Âu Mỹ rất kính ngưỡng, trọng thị. Phật giáo ngày càng phát triển lớn tại các quốc gia Âu Mỹ. Bắc kinh muốn dùng hình ảnh Phật giáo Trung quốc làm nhu lực soft power ve vãn công luận quốc tế. Chính vì vậy, Bắc kinh đã từng gửi nhiều Tăng sĩ Phật giáo đến hoạt động ở Hội đồng Nhân quyền LHQ, và nhiều năm qua Bắc Kinh tổ chức mỗi ba năm một lần Hội nghị Phật giáo Thế giới, mời hàng chục quốc gia Phật giáo đến tham dự. Nhưng lại không mời đức Dalai Lama. Ấn Độ thấy rõ âm mưu này, nên cũng tổ chức Hội nghị Phật giáo Thế giới trên lãnh thổ mình, và mời đức Dalai Lama quang lâm.

Tháng 10 vừa qua, báo chí Âu Mỹ rất chú ý tới lời tuyên bố của ông Tập Cập Bình về định hướng “Hán hoá tôn giáo” tại Trung quốc. Một chính sách tôn giáo mới chăng ? Chúng ta chớ lầm tưởng nghĩa Hán hoá là đem các tôn giáo về hoà đồng với nền văn minh Trung quốc, hợp lòng với tâm tư người dân Trung quốc.

Hán hoá ở đây là ngăn chặn sự thông đồng của nước ngoài thông qua tôn giáo để đánh đổ tín ngưỡng Duy vật. Đặc biệt với các tôn giáo Tin Lành và Thiên chúa giáo.

Triều Thanh : Một âm mưu chính trị chăng ?

Võ Văn Ái : Xưa nay chính trị luôn thể hiện bằng âm mưu và lừa đảo. Vấn đề trầm trọng hơn với người Cộng sản, là họ mang trong đầu óc thứ nhân sinh quan cố chấp : Cái gì không phải của mình đều là địch.

Có một thực tế mà Bắc Kinh cũng như Hà Nội lâm thế kẹt, là chế độ ngày càng lún sâu vào đủ thứ tệ nạn xã hội do thực trạng suy thoái đạo đức. Xã hội Cộng sản là xã hội phi đạo đức. Ý nghĩa của hai từ lương thiện đã mất dấu trong xã hội cộng sản. Cho nên chúng ta chưa biết ý đồ của ông Tập Cận Bình là thực sự muốn cứu vãn truyền thống nhân văn Trung quốc khi tiếp cận Phật giáo, hay cũng chỉ là mượn một trong năm thủ thuật của ông Đặng Tiểu Bình gọi là “TÁ”, nghĩa là mượn dao giết người, mượn thế lực người gây vốn cho mình ?

Duy có một điều khiến ta cần suy nghĩ, đó là sự phát triển tại Trung quốc của pháp môn Phật Quang Sơn của ngài Tinh Vân ở Đài Loan. Hiện đã có bốn trung tâm văn hoá của Phật Quang Sơn xây dựng và hoạt động tại bốn thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, v.v…

Hiện nay Phật Quang Sơn có những ngôi chùa lớn xây dựng trong 50 quốc gia trên thế giới, từ Phi châu tới Mỹ Châu. Hoạt động mạnh trên các lĩnh vực giáo dục, xây trường học từ cấp mẫu giáo lên tới đại học, xuất bản sách báo và hoạt động truyền hình. Một triệu tín đồ trên thế giới theo ngài, với hằng nghìn Tăng Ni sinh hoạt. Một trong những chuyến đi hoạt động ở Đài Loan mấy năm trước, tôi có dịp hầu chuyện ngài Tinh Vân. Hỏi về công cuộc trùng hưng Phật giáo tại Trung quốc. Ngài cho biết ngài không chủ trương truyền đạo tại Trung quốc, ngài nhắm hoạt động vào hai mục tiêu, trẻ hoá Trung quốc, và thanh tịnh hoá tâm hồn người Trung quốc bằng con đường văn hoá truyền thống.

Dấu hiệu đóng góp Phật giáo như vậy chưa thấy tại Việt Nam. Nếu ông Tập Cập Bình muốn thông qua Phật giáo hồi sinh truyền thống nhân văn Trung quốc sẽ là một kỳ công cho Châu Á.

Triều Thanh : Phải chăng những chuyến về Việt Nam trước đây, nhà sư Nhất Hạnh muốn làm công  việc của ngài Tinh Vân với tổ chức Phật Quang Sơn ?

Võ Văn Ái : Ông Nhất Hạnh chỉ muốn rao truyền hệ phái Làng Mai mà ông là giáo chủ. Ông đã thôi làm việc Phật giáo từ ngày ông không còn là thành viên của GHPGVNTN.

Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.

 

 

 

Check Also

Chúc mừng năm mới 2024

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *