PARIS, ngày 5.2.2008 (PTTPGQT) – Nhân sự kiện Nhóm 65 thuộc tổ chức Ân Xá Quốc tế Canada vận động suốt 17 năm trời, thông qua 3500 bức thư và kiến nghị gửi đến các cấp Chính quyền Việt Nam cũng như Chính phủ Canada đòi trả tự do cho Người tù vì Lương thức là Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, chúng tôi gọi điện thoại viễn liên về Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định, thỉnh ý Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang về sự kiện này. Ngài đã tỏ lời tán thán và tri ân tổ chức Ân xá Quốc tế Canada cũng như Chính phủ Canada đã tiếp đón người Việt tị nạn. Nhân dịp Tết Mậu Tý – 2008, Đức Tăng thống gửi lời Chúc Xuân đến Cộng đồng Người Việt hải ngoại nói chung và Cộng đồng Phật giáo hải ngoại nói riêng.
Lời Chúc Tết này đã được Đài Á Châu Tự do phát thanh về Việt Nam trong chương trình 21 giờ tối thứ hai 4.2.2008 qua cuộc phỏng vấn của Phóng viên Ỷ Lan. Trong chương trình buổi sáng lúc 6 giờ 30 cùng ngày thứ hai, ĐàI Á châu Tự do đã cho phát bài phỏng vấn ông Stan Jolly của Phóng viên Ỷ Lan về sự vận động kiên trì suốt 17 năm của Nhóm 65 thuộc tổ chức Ân Xá Quốc tế Canada đòi trả tự do cho Đức Tăng thống Thích Huyền Quang. Đồng thời sáng thứ ba, 5.2.2008, lúc 6 giờ 30, Đài cũng cho phát thanh lời Đạo lão Hoà thượng Thích Quảng Độ công bố Thông điệp Xuân Mậu Tý – 2008 của Viện Hoá Đạo, Giáo hội phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Dưới đây, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin chép lại toàn văn 2 cuộc phỏng vấn nói trên :
Ỷ Lan : Ngưỡng bạch Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang. Kính xin Đức Tăng thống hoan hỉ cho biết tôn ý về sự kiện Ân Xá Quốc tế Canada vận động trả tự do cho Đức Tăng thống thông qua 3500 bức thư và kiến nghị gửi về Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ? Nhân dịp xuân về, Tết Mậu Tý tới, kính xin Đức Tăng thống ban cho đôi lời chúc Tết đồng bào hải ngoại nói chung, và chư Tôn đức Tăng, Ni, Phật tử nói riêng.
Nam Mô A Di Đà Phật ! Là Đệ Tứ Tăng thống, tôi nhân danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, xin gửi lời cám ơn tổ chức Ân Xá Quốc tế tại Canada đã lên tiếng qua hằng nghìn bức thư gửi Nhà cầm quyền Việt Nam và Chính phủ của quý quốc để vận động phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội chúng tôi, cũng như bênh vực cho cá nhân tôi được tự do hoạt động tôn giáo và phục vụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như trước năm 1975. Tin này Đạo hữu Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa chuyển về cho tôi.
Không riêng gì tôi mà toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam ấm lòng trước nghĩa cử của quý vị. Người xưa nói tứ hải giai huynh đệ, thì ngày nay, việc quý vị quan tâm đến một xứ sở xa xôi như Việt Nam nói lên tình nhân loại vượt qua mọi biên giới, mọi chính kiến, mọi tôn giáo. Đạo Phật gọi đó là lòng Từ bi cứu độ chúng sanh không phân biệt chủng tộc.
Nhân dịp này tôi cũng xin ngỏ lời tri ân Chính phủ và nhân dân Canada mấy thập niên qua mở rộng vòng tay đón nhận Người Vượt biên Việt Nam đi tìm tự do, giúp đỡ cho Cộng đồng Người Việt có nơi sinh sống, an cư lạc nghiệp và cũng từ đó sống theo lý tưởng của mình. Thật là gương sáng văn minh cho những quốc gia chậm tiến như Việt Nam học hỏi.
Nhân Tết Mậu Tý, tôi ngỏ lời chân thành chúc Xuân An lạc đến Cộng đồng người Việt tại Huê Kỳ, Canada, Âu Châu, Úc Châu, và khắp nơi trên thế giới. Cầu chúc đồng bào một Năm Mới mạnh khỏe, an vui, hạnh phúc và không quên cố hương.
Tôi xin gửi lời cám ơn chân thành và đặc biệt đến Cộng đồng Người Việt tại Úc châu, Cộng đồng Người Việt tại California và khắp Huê Kỳ đã công khai lên tiếng hậu thuẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong công cuộc vận động giải trừ quốc nạn và pháp nạn.
Hướng tới chư Tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử trên khắp năm châu, tôi cầu chúc chư liệt vị pháp thể khinh an, vạn sự cát tường, muôn lòng hòa hợp. Cầu chúc Năm Mới quý vị được nhiều may mắn, an lành và lòng tin được kiên cố và làm những công hạnh gì Phật đã dạy để cho đời của mình có ý nghĩa và Đạo pháp của mình cũng được hưng thạnh.
Tôi gửi lời khen ngợi chư liệt vị đã tận tình hoằng dương chánh pháp nơi các xứ sở xa xôi, đồng thời vẫn nhất tâm hậu thuẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại quê nhà. Đặc biệt chư quý liệt vị đã chí thành khâm tuân và thi hành Giáo chỉ số 9 do tôi ban hành và các Thông tư, Thông bạch của Viện Hóa Đạo nhằm chấn chỉnh và phát huy Giáo hội trước tình thế mới, cũng như làm rạng danh hai nghìn năm Phật giáo Việt Nam, chư liệt vị Tổ sư, các Thánh tử đạo và những người đã hy sinh để bảo vệ dân tộc, bảo vệ lãnh thổ và bảo vệ chánh pháp.
Nam Mô Đương lai Hạ sanh Di Lặc Tôn Phật
Bình Định ngày 20 tháng Chạp âm lịch, năm 2008
Tỳ kheo THÍCH HUYỀN QUANG
Ỷ Lan giới thiệu : Ân Xá Quốc tế (Amnesty International) là tổ chức lừng danh quốc tế chuyên bênh vực cho tù nhân chính trị trong thế giới. Do sáng kiến của 3 luật sư Peter Berenson, người Anh, Sean McBride, người Ái Nhĩ Lan, và Eric Baker, người Anh, tổ chức Công Lý ra đời năm 1961, tiền thân của Ân Xá Quốc tế.
Chủ trương của Ân Xá Quốc tế là bênh vực cho tất cả tù nhân chính trị trên địa cầu không phân biệt chính kiến, chủng tộc, tín ngưỡng. Ân xá Quốc tế hoàn toàn độc lập trên phạm vi chính kiến, tư tưởng hay ý thức hệ. Bất kể tù nhân chính trị có đồng quan điểm với Ân Xá Quốc tế hay không, thì tổ chức vẫn đứng ra bênh vực, miễn là người tù ấy hợp tiêu chuẩn tù nhân chính trị do LHQ quy định.
Luật sư Sean McBride một trong ba sáng lập viên lãnh Giải Nobel Hoà bình năm 1974. Qua năm 1977, Ân Xá Quốc tế lãnh Giải Nobel Hoà bình.
Hiện nay Ân Xá Quốc tế có 2 triệu 2 trăm nghìn đoàn viên hay cảm tình viên trong 150 quốc gia trên thế giới. Trung ương đặt tại thủ đô Luân Đôn. Cơ cấu tổ chức chia thành từng nhóm trong các quốc gia hội viên. Mỗi nhóm chọn một người tù còn bị giam giữ để theo dõi và bênh vực. Thu tập lý lịch và hành trạng của người tù chính trị này, nhóm viết thư gửi chính quyền sở tại đòi trả tự do cho người tù chính trị mà nhóm chọn làm đối tượng vận động. Công tác tuy đơn giản nhưng kiên trì, nhiều tù nhân chính trị khắp năm châu, bất phân chính thể, chế độ, đã được trả tự do.
Đức Tăng thống Thích Huyền Quang thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã được một số Nhóm Ân xá Quốc tế trong thế giới chọn làm đối tượng vận động. Như Nhóm Ân xá Quốc tế tại hai bang Massachussett và California, Hoa Kỳ, chọn Hoà thượng Thích Huyền Quang từ năm 2002 và đã gửi 2000 thư, kiến nghị đến cựu Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến ở Hoa Thịnh Đốn đòi trả tự do cho Hoà thượng. Năm 2006 Ân Xá Quốc tế bang California gửi hằng nghìn thiệp chúc Đức Tăng thống sớm bình phục trong cuộc giải phẫu ở Saigon.
Nhưng lâu và kiên trì hơn cả, là suốt 17 năm qua, Nhóm Ân xá Quốc tế tại thành phố Toronto, Canada, chọn Đức Tăng thống Thích Huyền Quang như Người tù vì lương thức để bảo vệ.
Chúng tôi phỏng vấn ông Stan Jolly, Trưởng Nhóm 65 thuộc Ân Xá Quốc tế Canada, để tìm hiểu phương pháp vận động của họ.
Ỷ Lan : Xin chào ông Stan Jolly. Với chức vụ Đồng điều hợp Nhóm 65 chuyên lo về số phận các Tù nhân vì lương thức thuộc tổ chức Ân Xá Quốc tế đặt tại thành phố Toronto ở Canada. Nhóm 65 đã chọn Đức Tăng thống Thích Huyền Quang như Người tù vì lương thức để theo dõi bênh vực. Ông có thể cho thính giả biết vì sao Nhóm 65 lại chọn Đức Tăng thống Thích Huyền Quang ? Và vì sao ông chú tâm tới đất nước Việt Nam ?
Stan Jolly : Thực ra chúng tôi không tự ý chọn ngài. Vào thập niên 90, chúng tôi hỏi ý kiến Trung ương Ân xá Quốc tế về một nhân vật để chúng tôi vận động trả tự do cho nhân vật này. Tổ chức chính tại Luân Đôn giới thiệu cho chúng tôi Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, và cho biết rằng đây là Người tù vì lương thức rất quan trọng bởi vì ngài lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Thế là Nhóm chúng tôi chấp nhận “Người tù vì lương thức” và khởi từ đầu thập niên 90, các thành viên trong Nhóm chúng tôi ráo riết vận động trả tự do cho Hoà thượng.
Một trong những lý do khiến tôi chú tâm tới đất nước này là do năm 1994 vợ tôi và tôi đến thăm Việt Nam. Tính hiếu khách và tình hữu nghị của người Việt Nam làm chúng tôi cực kỳ xúc động. Chúng tôi cảm thấy việc chúng tôi làm là cách trả ơn lòng tử tế và hiếu khách của nhân dân Việt Nam đã dành để cho chúng tôi.
Coi như chúng tôi được góp phần vận động cho người tù vì lương thức là Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang. Không còn chi thất vọng. Phải nói thật, từ đó sự việc tiến triển, làm chúng tôi từ từ hiểu ra rằng, cuộc vận động của chúng tôi không nhắm riêng cá nhân Thích Huyền Quang.
Điều tối hậu chính là cuộc đấu tranh để cổ vũ và bảo vệ nhân quyền, vốn được toàn thế giới công nhận, là quyền ăn nói những chi ta suy nghĩ trong đầu, quyền sống bất cứ đâu ta chọn lựa, và quyền sống đạo theo tín ngưỡng ta tin. Cuộc vận động của chúng tôi cho Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang trong thực tế, là cuộc đấu tranh cho 80 triệu công dân Việt Nam, dù đó là người nông dân, người sinh viên, người dân tộc vùng cao hay là một nhân vật quan trọng, đều phải được tôn kính như Đức Tăng thống.
Ỷ Lan : Nếu ông phải nói về Đức Tăng thống Thích Huyền Quang trong vài câu thôi, thì ông sẽ diễn tả như thế nào ?
Stan Jolly : Chúng tôi đã rất hãnh diện có Đức Tăng thống như người tù vì lương thức, vì ngài chẳng bao giờ nao núng, ngài tận tụy với tự do tôn giáo, quyết tâm cho tự do tôn giáo bằng con đường thuần túy bất bạo động. Ngài đề cao tự do tôn giáo, không riêng cho Giáo hội của ngài mà cho tất cả dân tộc Việt Nam. Mặc dù ngài đau yếu, bị cô lập, bị khai trừ, đẩy về ngôi chùa vắng, mặc dù tuổi ngài đã cao, và ngay cả những lúc đau yếu, ngài cũng không chịu bỏ cuộc.
Trong một bức thư gửi nhà cầm quyền Việt Nam, tôi đã trích lời Đức Tăng thống nói với Công an khi họ canh gác chung quanh Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định để theo dõi những ai đến thăm. Đức Tăng thống nói : “Các ông ngăn cấm dân mà chẳng xuất trình giấy tờ minh chứng. Trong thế giới văn minh, chẳng ai chấp nhận những khẩu lệnh phi pháp luật như vậy”.
Tôi hy vọng ngày nào tôi vào tuổi 80, tôi vẫn còn sốt sắng và linh hoạt như Đức Tăng thống Thích Huyền Quang ! Chúng tôi rất hãnh diện tiếp tục vận động cho trường hợp của ngài.
Ỷ Lan : Ông có thể cho chúng tôi nghe cách thế vận động của Nhóm 65 thuộc tổ chức Ân Xá Quốc tế không ?
Stan Jolly : Chúng tôi đã vận động như thế từ 17 năm qua. Năm năm vừa qua, chúng tôi đã gửi ba nghìn năm trăm bức thư, thiệp hay kiến nghị tới các cấp chính quyền Việt Nam. Mỗi kiến nghị có 60 người ký, có khi 300 người ký. Chúng tôi in và xin chữ ký trên một nghìn thiệp gửi đến các Thủ tướng tiền nhiệm.
Đều đều mỗi tháng – xin nhấn mạnh là mỗi tháng – từ năm 1990 đến nay. Nhóm chúng tôi họp nhau mỗi tháng để ấn định nội dung thư phải viết cho chính quyền Việt Nam. Mỗi bức thư đều giống nhau ở điểm đòi hỏi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho Đức Tăng thống Thích Huyền Quang.
Nhưng mỗi bức lại khác nhau cho mỗi lần gửi ở điểm “quyền con người” bị vi phạm trong trường hợp của Đức Tăng thống, cũng như khai triển các sự kiện mới xẩy ra. Đây là chỗ mà Trang nhà Quê Mẹ giúp đỡ cho chúng tôi rất nhiều qua những diễn biến và tin tức cập nhật. Nhờ đề cập đúng lúc, căn cứ trên sự thực, chúng tôi thực hiện sự kêu ca hay phản ứng nhanh lẹ. Đây là điều rất quan trọng.
Ỷ Lan : Hình như Nhóm 65 thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế còn gửi thư đến chính phủ Canada về trường hợp Đức Tăng thống Thích Huyền Quang nữa phải không thưa ông ? Các ông được phản hồi như thế nào ?
Stan Jolly : Vâng, đồng thời với việc gửi thư và kiến nghị một cách rộng rãi đến các quan chức trong chính quyền Việt Nam, chúng tôi cũng gửi thư đến Thủ tướng Canada, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Bộ Hợp tác quốc tế, các vị Dân biểu cùng nhiều nơi khác. Đồng thời chúng tôi gửi các bản sao thư này đến các đảng viên Đối lập để họ thách thức trực tiếp các Bộ trưởng chính phủ ngay tại Quốc hội.
Cuối năm 2005, chúng tôi gửi một hộp gồm ba nghìn bức thư và kiến nghị cho ông Đại sứ Canada tại Hà Nội. Tôi tiếp tục chiến lược này trong hai năm 2006 và 2007, như thế ông Đại sứ biết rõ các diễn biến mới. Ngày mà Đức Tăng thống bị nhà cầm quyền ngăn cản ngài vào Saigon chữa bệnh, chúng tôi đã tức khắc báo động Đại sứ Canada tại Hà Nội. Ông Đại sứ đã hồi âm cho biết ông đã nêu vấn đề này với Ngoại trưởng Việt Nam và các viên chức khác.
Ngoại trưởng Canada viết thư thường xuyên cho chúng tôi quả quyết trường hợp Hoà thượng Thích Huyền Quang và các trường hợp nhân quyền khác thường xuyên nhắc nhở khi có cơ hội. Điều phải công nhận, là tại Thượng đỉnh APEC cuối năm 2006 tại Hà Nội, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã gặp riêng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bênh vực cho 8 đến 10 nhà bất đồng chính kiến hay tôn giáo – chúng tôi tin rằng trong số này có tên nhị vị Hoà thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ – và Thủ tướng đã cực lực nhấn mạnh “cải cách kinh tế phải đi đôi với cải cách chính trị tại Việt Nam”
Chúng tôi đã dùng những sự kiện lấy từ Trang nhà Quê Mẹ để làm áp lực mạnh mẽ lên Chính phủ Canada. Ví dụ như trong bức thư chúng tôi gửi cho Đại sứ Canada ở Hà Nội kêu gọi hành động trước sự cấm đoán Đức Tăng thống vào Saigon chữa bệnh, chúng tôi nêu cả sự kiện người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Lê Dũng, phủ nhận sự kiện ấy.
Chúng tôi nhắc cho ông Đại sứ nhớ lại sự kiện trước đó Hoà thượng Thích Quảng Độ bị bắt, bị cầm giữ, bị sách nhiễu tại nhà ga Saigon không cho Hoà thượng ra Bình Định thăm Đức Tăng thống, thì cũng chính ông Lê Dũng này tuyên bố : “Ông Thích Quảng Độ không hề bị bắt giữ, ông ta vẫn hoạt động tôn giáo bình thường tại Thanh Minh Thiền viện”. Rồi chúng tôi trích lời Hoà thượng Thích Quảng Độ bình luận vào tháng 10 năm 2005 : “Tự do tại Việt Nam là cái bánh vẽ. Nhìn trên giấy rất khéo, rất đẹp, nhưng không thể nào ăn được !”
Ỷ Lan : Xin ông cho biết là trong bao nhiêu năm dài Nhóm Ân xá Quốc tế của ông vận động trả tự do cho Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, thì phản ứng của chính phủ Việt Nam ra sao ?
Stan Jolly : Chẳng có gì cả. Chúng tôi không hề nhận được một câu trả lời nào từ các quan chức Việt Nam trước hàng nghìn bức thư hay kiến nghị chúng tôi gửi đến. Trong 17 năm qua, chúng tôi cũng không hề nhận được một phản hồi nào từ phía Đại sứ Việt Nam ở thủ đô Ottawa, từ các vị Chủ tịch nước, Thủ tướng, tiền nhiệm hay đương kim, từ Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, kể cả những thư chúng tôi vừa mới gửi những ngày gần đây, cũng như chẳng nhận được hồi âm nào của 22 uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuyệt đối không một sự thừa nhận nào đối với các nỗ lực của chúng tôi.
Thật tình mà nói, có lẽ sắp tới đây chúng tôi phải áp lực nhiều hơn nữa lên ông Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế bởi vì Cơ quan Phát triển Quốc tế của Canada đang tài trợ cho một số dự án quan trọng và hữu ích giúp tầng lớp dân nghèo tại Việt Nam. Một trong những dự án của Canada là tài trợ cho việc cải cách luật pháp.
Chúng tôi đã gửi những luật sư, thẩm phán nổi danh của nước chúng tôi đến Việt Nam giúp cho các luật sư và thẩm phán đoàn hiểu thêm luật quốc tế, và làm thế nào để nhân quyền đóng một vai trò trong công tác của họ. Nhưng nếu đổi lại, những người dân Canada như chúng tôi không được lễ phép thừa nhận, không có một cử chỉ lịch sự tối thiểu để phản hồi hàng nghìn bức thư chúng tôi gửi đến, thì tại sao nước chúng tôi lại tiếp tục tài trợ cho những dự án cải cách luật pháp ? Luật pháp cải cách để làm gì, khi luật pháp ấy được đem ra đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ?
Đây là điều trái chống trực tiếp với Hiến chương LHQ về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị. Những quốc gia ký kết các công ước này – và Việt Nam đã ký kết – thì nhân dân của các quốc gia ấy phải được hưởng quyền tự do tín ngưỡng mà họ chọn lựa.
Ỷ Lan : Ông nghĩ sao về sự kiện có số người kết án các nhà lãnh đạo Phật giáo “làm chính trị”. Ông có đồng tình với quan điểm này không ?
Stan Jolly : Tôi còn nhớ nhận xét của Hoà thượng Thích Huyền Quang nói với ông Đại sứ Hoa Kỳ, khi ông lặn lội đường xa đến thăm Hoà thượng nơi ngài bị giam giữ. Theo bản chép lại cuộc trao đổi này do toà Đại sứ Hoa Kỳ công bố, Hoà thượng Thích Huyền Quang nói : “Chúng tôi nghĩ rằng Nhà nước không được xen lấn vào tôn giáo. Chúng tôi sẽ đứng ngoài chính trị nếu các chính trị gia chịu đứng ngoài tôn giáo”.
Tôi thấy ý nghĩ này hay quá. Đây chính là nguyên tắc của luật pháp nhân quyền quốc tế : Nhà nước chẳng có vai trò gì trong việc cho phép hay không cho phép, hợp pháp hoá hay không hợp pháp hoá cho bất kỳ giáo hội nào, dù đó là giáo hội Công giáo La Mã, giáo hội Pentecostal hay giáo hội Phật giáo.
Tôi biết rằng có người than phiền là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Nhị vị Hoà thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ có thiên hướng chính trị. Nhưng theo quan điểm chúng tôi, nhị vị thiên hướng chính trị là do nhị vị sử dụng quyền của nhị vị về tự do tôn giáo, tự do hội họp với bất cứ ai họ muốn, tự do ngôn luận, là những thứ tự do mà nhị vị bị tước đoạt. Nếu các tự do này không bị tước đoạt, nhị vị Hoà thượng sẽ chẳng đóng vai trò gì trong chính trị.
Như vậy, tôi nghĩ rằng tương lai sắp tới đây chúng tôi phải gây sức ép quyết liệt lên chính phủ Canada. Không cốt làm hại những dự án hữu ích giúp nhân dân Việt Nam, mà là áp lực lên chính quyền Việt Nam, cho họ biết rằng nếu Canada tiếp tục kinh doanh với Việt Nam và giúp đỡ hàng triệu Mỹ kim cho các dự án cải cách luật pháp, thì Việt Nam phải hội nhập luật pháp nước mình theo tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.
Tôi biết các điều này đòi hỏi thời gian, nhưng tôi nghĩ rằng đã đến lúc chính phủ Canada phải được quyền khẳng định rằng : “Chúng tôi không còn kiên nhẫn được nữa”. Vì vậy, là người công dân Canada thường xuyên đóng thuế, chúng tôi sẽ tiếp tục hỏi và hỏi rằng, tại sao tiền đóng thuế của chúng tôi lại đem dùng cho việc đàn áp những tổ chức như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, những cuộc đàn áp thông qua luật pháp và nghị định, thông qua việc công an theo dõi và quản chế hàng nhiều thập niên, chỉ vì người bị đàn áp muốn được tự do tín ngưỡng.
Ỷ Lan : Xin cám ơn ông Stan Jolly.
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Paris