PARIS, ngày 21.4.2015 (PTTPGQT) – Nhân cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Ái về đề tài một giáo phái Phật giáo, ký giả Đài BBC ngỏ lời mời ông Ái viết về 30 tháng Tư và Phật giáo nhân biến cố 30-4-75 bốn mươi năm sau. Bài “Ba mươi Tháng Tư và Phật giáo Việt Nam” đã được đăng tải trên Trang nhà BBC hôm 19-4-2015. Các hình ảnh và các tiểu đề do Đài BBC góp thêm.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết dù sơ lược, do Đài giới hạn số chữ, nhưng đại quan, tổng kết 40 năm Phật giáo Việt Nam nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) nói riêng bị đàn áp, khủng bố sách nhiễu dưới chế độ CS.
Đồng thời xin giới thiệu bạn đọc bài Bút ký Những Ngày Tang Lễ cố Đại lão Hoà thượng Thích Như Đạt, Viện trưởng Viện Hoá Đạo tại Tu viện Long Quang, thành phố Huế. Bài viết của Huynh trưởng Gia Đình Phật tử Tâm Dũng Hoàng Văn Cường gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế. Một tiếng nói, một nỗi lòng của Phật tử Huế trong số hàng nghìn nỗi lòng tiễn đưa Ôn Long Quang (Hoà thượng Viện trưởng) về cõi Phật. Và cuối cùng là bản tường thuật của Đạo hữu Quảng Kiến về lễ Chung Thất hôm 19.4 vừa qua tại Chùa Phật Quang, trụ sở của Văn Phòng II Viện Hoá Đạo và GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ ở thị trấn Huntington Beach, Nam California, Hoa Kỳ.
– Ba mươi Tháng Tư và Phật giáo Việt Nam, Võ Văn Ái, bài đăng trên BBC (19 tháng 4 2015)
– Bút ký, của Huynh trưởng Tâm Dũng Hoàng Văn Cường về “Những Ngày Tang Lễ” Cố Hoà thượng Viện trưởng Thích Như Đạt
– Lễ Chung thất Cố Hoà thượng Viện trưởng Viện Hoá Đạo tại chùa Phật Quang, Huntington Beach, Nam California, Hoa Kỳ, hôm 19-4-2015
Ba mươi Tháng Tư và Phật giáo Việt Nam
Võ Văn Ái,
bài đăng trên BBC 19 tháng 4 2015
Cho đến hôm nay, đầu tôi vẫn còn vang dội đài hiệu của đài Truyền hình Pháp TF1, thông báo tin tức Bộ đội Bắc Việt từng bước tiến chiếm Sài Gòn.
Lúc ấy tôi vừa trở lại Paris sau chuyến thuyết trình dài qua nhiều nước Âu – Mỹ trình bày quan điểm Hoà bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).
Là chi bộ hải ngoại của Giáo hội, chúng tôi đại diện Viện Hoá Đạo ở nước ngoài để thông tin và bày tỏ lập trường của Giáo hội trong cuộc chiến tranh huynh đệ thừa sai.
Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam bằng quân sự là điều kinh sợ. Chúng tôi không thấy quy định bạo lực nào trong Hiệp định Paris năm 1973.
Một miền Nam trung lập, với chính phủ ba thành phần, và chủ trương hoà hợp, hoà giải dân tộc tan tành theo mây khói dưới xích chiến xa ủi sập Dinh Độc lập ở Sài Gòn.
Ước mộng trở về quê hương của tôi thành giấc mộng hờ, khi tôi nghe tin tức trong nước dồn dập đưa ra những chuyện chẳng lành, như chế độ tập trung cải tạo, kinh tế mới… Từ tháng 8 tháng 9-1975 trở đi, nhiều tượng Phật lộ thiên, hay trong các chùa viện ở các tỉnh Quảng Ngãi, Pleiku, Sóc Trăng, Phan Thiết, v.v… bị đập phá.
‘Chết vinh, sống nhục’
Ngày 2-11-1975, dưới băng rôn “Thà chết vinh hơn sống nhục”, 12 Tăng Ni ở Thiền viện Dược Sư, Cần Thơ, tự thiêu tập thể phản đối chính quyền Cách Mạng với 7 yêu sách đòi hỏi nhân quyền, tự do tôn giáo, chấm dứt đàn áp GHPGVNTN.
Chưa có triều đại nào trong lịch sử Việt Nam, mà khối lượng chư Tăng, Phật tử bị tù đày, vào trại Cải tạo hay quản chế tại gia đông đảo như dưới triều đại Hồ Chí Minh”
Ông Võ Văn Ái
Cuộc biểu dương phản đối trên đây mở đầu cuộc đối kháng chính sách đàn áp tôn giáo và tiêu diệt Phật giáo của Hà Nội, mà Giáo hội kiên trì tới 40 năm sau. Chủ trương đã được ông Trần Xuân Bách thiết kế thông qua Chỉ thị số 20 của Đảng và được ông Lê Duẩn ký từ năm 1960, khiến Phật giáo miền Bắc tiêu vong. Nay đem áp dụng tại Miền Nam.
Chưa có triều đại nào trong lịch sử Việt Nam, mà khối lượng chư Tăng, Phật tử bị tù đày, vào trại Cải tạo hay quản chế tại gia đông đảo như dưới triều đại Hồ Chí Minh.
Giới Tăng lữ bị bắt hoàn tục, hay đưa sang chiến trường Kampuchia. Hàng giáo phẩm Viện Hoá Đạo bị bắt, như các Hoà thượng Huyền Quang, Quảng Độ, Thiện Minh… Do áp lực quốc tế, hai ngài Huyền Quang, Quảng Độ bị xử 2 năm tù cuối năm 1977. Cố Hoà thượng Thích Thiện Minh bị tra tấn đến chết ở Trại thẩm vấn X4, đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn.
Sau đợt khủng bố, đàn áp thẳng tay trong vòng 5 năm, vẫn không thể tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà mạng lưới tổ chức của Giáo hội lan rộng từ thành thị đến nông thôn, với khối lượng đông đảo Phật tử hậu thuẫn. Ông Xuân Thuỷ, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban Dân vận, giao cho ông Đỗ Trung Hiếu nhiệm vụ thống nhất Phật giáo. Ông nhận định rằng :
“Quan trọng là Đảng không bao giờ lãnh đạo được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà ngược lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trở thành một tổ chức tôn giáo rộng lớn có đông đảo quần chúng, là một tổ chức có áp lực chính trị thường trực với Đảng và chính phủ Việt Nam”.
Đây là đầu mối cho “Hội Phật giáo Việt Nam” ra đời tại chùa Quán Sứ, Hà Nội ngày 4-11-1981, mà chủ yếu tập họp các hội Phật giáo yêu nước của Đảng, chứ không là một giáo hội của Tăng Ni, Phật tử hình thành. Hội là công cụ chính trị cho Đảng, làm công tác tuyên truyền đối ngoại cho chế độ.
‘Tổ chức bù nhìn’
Ông Đỗ Trung Hiếu, kiến trúc sư của tổ chức Phật giáo nhà nước này, đã phản tỉnh 13 năm sau, khi ông hồi ký công trình Đảng tóm thu Phật giáo. Trong tập sách “Thống Nhất Phật giáo”, ông Hiếu tiết lộ :
“Cuộc thống nhất Phật giáo lần này, bên ngoài do các Hòa thượng gánh vác, nhưng bên trong bàn tay Đảng Cộng sản Việt Nam xuyên suốt quá trình thống nhất để nắm và biến Phật giáo Việt Nam trở thành một tổ chức bù nhìn của Đảng. (…) Nội dung hoạt động là do cúng bái chùa chiền, không có hoạt động gì liên quan tới quần chúng và xã hội. Hội Phật Giáo Việt Nam ở trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tuân thủ luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Liền sau cuộc thống nhất nói trên, hai Hoà thượng Huyền Quang, Quảng Độ bị giải về quê quán lưu đày ở tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Thái Bình đầu năm 1982 do Quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chứ không qua toà án xét xử.
Một nhân chứng đáng tin cậy về giai đoạn khủng bố Phật giáo này là Đức cố Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu. Năm Mậu thân, 1968, ngài bị cưỡng bức gánh lên rừng, rồi đưa ra Hà Nội như con tin của nhà nước, và được sử dụng như con bài tuyên truyền đối ngoại.
Ngài trở lại miền Nam với chức vụ đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc. Thế nhưng ngài đã viết đơn từ nhiệm mọi chức vụ, lại còn tố cáo chế độ đàn áp Phật giáo và thảm sát Hoà thượng Thích Thiện Minh. Trong băng thu âm, mà tạp chí Quê Mẹ phát hành tại Paris đăng tải, Ngài phơi bày cái gọi là “cách mạng giải phóng” miền Nam như sau :
“Tình đoàn kết, thương yêu, kính trọng trước kia, chỉ được 10 ngày ! Sau 10 ngày đó : tình đoàn kết xưa nay bây giờ rã hết ! Lòng yêu thương đổi thành ghét cay ghét đắng ! Sự kính trọng bây giờ người dân trở lại khinh đáo để !”
Lý do chống đối
Lý do nào mà Phật tử Việt Nam chống đối nhà cầm quyền Cộng sản ? Bản Thông bạch của Hoà thượng Huyền Quang phát hành năm 1994 cho biết :
“Phật giáo chúng ta đang trong cơn Pháp nạn II. Nhà nước Việt Nam đã đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng ta kể từ sau ngày 30-4-1975
“Chỉ vì lập trường của Giáo hội không chấp nhận làm công cụ cho bất cứ một thế lực chính trị nào, và Giáo hội chỉ yêu cầu để Phật giáo được sinh hoạt độc lập trong khuôn khổ tôn giáo và pháp luật”.
Không muốn làm công cụ cho chế độ, vì lịch sử Hai Nghìn năm Phật giáo, đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc, vui buồn theo vận nước, sát cánh cùng nhân dân chống xâm lăng, bảo vệ chủ quyền.
Nhiều Sư Bà, Nữ tướng Phật tử đã tham gia với Hai Bà Trưng trong cuộc kháng chiến vệ quốc đầu tiên của nước ta và nhiều bậc sư sãi, thiền sư khác cũng đã đóng góp cho các triều đại Việt Nam trong các thời đại dựng nước và giữ nước.
Cũng vì thế, mà Đức Đương kim Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, sống trong cảnh quản chế, vẫn không ngừng lên tiếng đưa ra Giải pháp dân chủ hoá Việt Nam từ tháng 2/2001 để cứu nguy tình thế.
Ngài đã tố cáo nạn Bô-xít Tây nguyên như tung đội thứ Năm của Bắc Kinh, tố cáo sự xâm lấn biển đảo của Trung quốc, mà biến cố dàn khoan Hải Dương 981 xảy ra năm ngoái là một trong các minh chứng.
Tiếp tục phát triển
Hiện nay, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất chỉ tồn tại trong thực tế, chứ Nhà nước không công nhận. Tuy nhiên Giáo hội vẫn tiếp tục cuộc vận động đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý, và tranh đấu cho tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ.
“Hiện nay, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất chỉ tồn tại trong thực tế, chứ Nhà nước không công nhận. Tuy nhiên Giáo hội vẫn tiếp tục cuộc vận động đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý, và tranh đấu cho tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ.”
Ông Võ Văn Ái
Hiện Giáo hội có 20 Ban Đại diện trong các tỉnh thành. Nhưng mọi sinh hoạt văn hoá, giáo dục, tín ngưỡng đều bị sách nhiễu và cấm đoán.
Vậy tương lai của Giáo hội sẽ ra sao ? Vẫn là tương lai của Phật giáo nói chung trên thế giới, đạo Phật tiếp tục truyền thừa và phát huy rực rỡ, hiện đang phát triển mạnh tại các nước Âu Mỹ sau gần ba nghìn năm khai đạo.
Trong khi ấy, các chế độ gian ác, độc tài đến đâu cũng chỉ có một thời.
Tương lai Phật giáo Việt Nam tuỳ thuộc một là Đảng Cộng sản chấp nhận tiến trình dân chủ hoá để hình thành thể chế dân chủ đa nguyên, hoặc một biến cố do nhân dân tự đứng lên thực hiện dân chủ.
Người xưa nói, chở thuyền là nước, lật thuyền cũng là nước. Nước là nhân dân.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Bài được gửi tới BBC sau khi BBC mời độc giả tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện 30/04/1975.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/04/150419_30april_phat_giao_vietnam
*****
Bút ký của Huynh trưởng Tâm Dũng Hoàng Văn Cường
về “Những Ngày Tang Lễ” Cố Hoà thượng Viện trưởng Thích Như Đạt
Bút ký
Những ngày tang lễ
Tâm Dũng Hoàng Văn Cường
1. Ôn ơi ! – 2. Kính lạy Ôn – 3. Ôn đã đi rồi – 4. Thọ tang – 5. Câu chuyện bên lề – 6. Ngày nhập Kim Tỉnh
Ôn ơi !
Trời xứ Huế mây sầu dâng cuồn
cuộn
Trăng sông Bồ đẫm lệ khóc thương Ôn !
Bậc cao tăng từ đây đâu còn nữa ?
Long Quang buồn ngơ ngẩn mãi từ đây.
Thế là hết ! Từ nay Ôn đi mãi,
Còn mong chi ngày gặp lại Ôn ơi !
Vẫn biết rằng : “Trong dòng đời sanh diệt
Luật vô thường đâu có nể nang ai !”
Nhưng giờ đây trước phút phân ly,
Lòng quặn thắt khó ngăn dòng lệ nóng.
Xả báo thân trong trí định thần nhàn,
Ôn an nhiên trở về ao Thất Bảo.
Để lại đàn con buồn đau ngậm nén,
Kể từ đây biết nương tựa vào ai.
Lời Ôn dạy ! Chúng con xin ghi nhớ,
Dù gian nan chí cả không sờn.
Mong ngày mai Giáo hội được phục hồi,
Là tâm nguyện của Ôn thành hiện thực.
Và trong ngoài vang vang lời chúc tụng,
“Phật giáo Việt Nam Thống Nhất mãi trường tồn”.
Để muôn người hoan hỉ nắm tay nhau,
Cùng tắm gội trong ánh vàng từ phụ.
27 – 01 – Ất Mùi
Tâm Dũng cẩn bút
Kính lạy Ôn
Con muốn viết về Ôn !
Với một niềm thương kính.
Nhưng tài hèn con viết chẳng thành thơ,
Phong thái Ôn ! như cao sơn ngất ngưởng,
Tấm lòng Ôn bát ngát tựa bể khơi.
Giữa bao nhiêu phiền lụy của cuộc đời,
Ôn nhẹ bước ung dung không ngăn ngại.
Tâm bình thản giữa muôn trùng sóng cả,
Ổn định “Trong Ngoài” thật đáng mặt trượng phu,
Vững tay chèo giữa biển động phong ba.
Hào khí ấy ! Dễ mấy ai có được.
Và giờ đây khi sóng yên biển lặng,
Bước đường mây tạm gọi phong quang.
Cũng là lúc Ôn thâu thần thị tịch,
Để cho đời muôn vạn nỗi niềm thương.
Khắp nơi nơi đảnh lễ thọ tang Ôn,
Người đáng được muôn người đồng quy ngưỡng.
Nam mô Lâm Tế chánh tôn,
Tứ thập nhị thế trụ trì Long Quang Tự
Viện trưởng Viện Hóa Đạo G.H.P.G.V.N.T.N
Đại lão Hòa Thượng Tân viên tịch
Thượng Như Hạ Đạt tác đại chứng minh.
Ngày 21 – 1 – Ất Mùi
Tâm Dũng cẩn bút
Ôn đã… đi rồi
“Ôn
ơi ! Thôi đã thôi rồi
Trời mây mang mác ngậm ngùi lòng con”
Mới 6h sáng đang đi thắp hương chợt điện thoại reo. Tôi vội cầm máy :
– A lô,
anh Cường hả ?
– Ừ, anh đây chi rứa Khanh
– Ôn mất rồi ! Chị Hương vừa mới đi
– Rứa hả ? Ôn mất lúc mấy giờ
– Dạ khoảng 6h
– Được rồi gọi sau nhé !
– Dạ
Tiếng điện thoại tắt lâu rồi mà tôi còn bần thần trong dạ. Thế là hết ! Điều mà tôi cũng như những người con Phật tại Huế và những người Phật tử hữu tâm với GHPGVNTN trong và ngoài nước đều buồn phiền và lo ngại về bệnh tình của Ôn viện trưởng gần cả tháng nay đã thành sự thật Đại lão Hòa Thượng viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN khai sơn Long Quang Tự Thượng Như Hạ Đạt đã thâu thần tịch diệt lúc 6h sáng ngày 08 – 01 – Ất Mùi (26 – 2 – 2015).
Sau khi thắp hương xong, tôi vội vàng điện thoại cho anh T biết để anh thông báo cho những anh em khác. Còn tôi loay hoay một vài việc của gia đình rồi lên xe chở chị Cúc ra Long Quang để được nhìn mặt Ôn lần cuối. Chúng tôi đến Long Quang lúc gần 8h sáng. Vào chùa gặp anh Đạo, anh em nắm tay nhau. Anh nói : “Ai nói mà Cường ra sớm rứa. Ôn đi lúc 6h. Trước khi đi Ôn vẫn tỉnh táo, không ai biết là Ôn sắp đi cả. Vậy mà mấy phút sau ÔN đã nhẹ nhàng ra đi, mặt không thay sắc. Thôi lên thăm Ôn đi”.
Tôi đi về hướng liêu của Ôn, ở đó vang lên tiếng niệm A Di Đà nghe xao xuyến cả lòng. Tôi lặng lẽ bước vào đứng sau quý Bác, quý anh chị đang thiết tha niệm Phật mà trên khóe mắt dòng lệ nóng vẫn còn đang tuôn chảy. Hướng mắt về phía Ôn , tôi thấy Ôn nằm trên chiếc nệm đắp trên mình chiếc mền Quang Minh, đầu đội mũ Quan Âm. Nét mặt bình thường y như đang ngủ.
Ôn nằm đó im lìm trong giấc ngủ.
Chúng con đây nước mắt mãi tuôn trào,
Cả đời Ôn chỉ lo làm việc Phật,
Giờ Tây quy phong thái nhẹ làm sao ?
Tôi kính cẩn đảnh lễ Ôn ba lạy rồi nghiêng ḿnh lặng lẽ đi ra ngoài. Tôi nghĩ việc niệm Phật tiễn Ôn về Tây đã có quý Bác quý anh chị. Còn tôi xin đi ra ngoài để gặp các anh chị nghe bàn bạc chương trình tang lễ của Ôn cũng như làm các công việc chuẩn bị cho tang lễ của Ôn mỗi người mỗi việc, việc nào cũng quan trọng như nhau.
Sau khi làm xong phần việc của mình, là cùng với vài anh em phật tử cũng như quý bác, quét dọn hốt rác quanh khu bảo tháp của Ôn, tôi vào nhà tổ nghe anh Cầu nói rõ về ý nghĩa cũng như di chúc chuẩn bị tang lễ cho Ôn là thực hiện trên tinh thần vô tướng. Điều này thể hiện rất rõ qua nội lệ :
Tâm Tang Đại Lão Hòa Thượng
Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN
(Theo Di chúc của ngài)
- Không xướng danh các tổ chức, đoàn thể hay cá nhân đến phúng điếu.
- Các đoàn thể, tổ chức hay cá nhân đến phúng điếu không có điếu văn hay phát biểu.
- Không đọc điếu văn truy điệu và tiểu sử của Đại Lão Hòa Thượng Tân Viên tịch.
- Không có sổ tang lưu niệm.
- Tuyệt đối thanh tịnh để cầu nguyện đúng tinh thần tâm tang.
Kính thông bạch.
Chương trình tang lễ của Ôn cũng căn cứ trên tinh thần Tâm tang mà thực hiện.
Nghe anh Cầu nói mà trong lòng tôi cứ dạt dào xao xuyến, niềm thương kính Ôn càng lúc càng tăng, tôi cảm nhận được Ôn là bậc cao tăng thoát tục, không để mình bị ràng buộc trong những nghi thức thường tình. Điều mà những kẻ đang còn bị ràng buộc trong vòng danh sắc, cố lớn tiếng dèm pha thế này thế nọ. Hỡi ơi ! Không thiếu gì người đang muốn lợi dụng đám tang Ôn để vươn mình ra cho mọi người chú ý, góp mặt dương danh với đời. Nhưng với tinh thần Tâm tang tất cả đã thất bại não nề.
Dù ai nói ngã nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiền ba chân.
Và tinh thần Tâm tang đã giúp cho đám tang Ôn cố Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành công viên mãn.
Nam mô Lâm Tế chánh tôn
Tứ thập nhị thế trụ trì Long Quang Tự
Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Đại lão Hòa Thượng Tân Viên Tịch
Thượng Như hạ Đạt tác đại chứng minh.
Tâm Dũng cẩn bút.
Thọ tang
Trong những ngày tang lễ của Ôn Viện trưởng, tôi và chị Cúc ngày nào cũng sáng ra chiều vào. Tôi cũng mong muốn được góp sức mình vào đám tang Ôn, việc gì cũng được miễn sao mình có thể, thể hiện tinh thần của tổ chức gia đình phật tử cũng như nói lên tấm lòng yêu mến Ôn là được rồi. Tôi được Ban Hướng Dẫn giao cho trách nhiệm giữ cổng trước chùa, hướng dẫn cho mọi người và xe vào đúng nơi quy định. Sau ngày làm lễ nhập quan cho Ôn xong, tôi họp ban thường vụ gia đình quyết định thuê xe đưa gia đình phật tử Vạn Phú ra Long Quang thọ tang Ôn. Ngày ra thọ tang là chiều chủ nhật (11-1- Ất Mùi). Ngoài huynh trưởng và đoàn sinh gia đình phật tử còn có sự tham gia của ban bảo trợ gia đình và một số bác hữu tâm. Trưa chủ nhật sau khi dự lễ phúng điếu của Ban Hướng Dẫn trung ương gia đình phật tử Việt Nam, Ban Hướng Dẫn Thừa Thiên. Tôi liền trở vào chùa Vạn Phú để hướng dẫn mọi người ra phúng điếu. Vào đến chùa thấy mọi người đã chuẩn bị cả rồi chỉ chờ lễ Phật đầu năm xong là ra xe đi ngay. Đang loay hoay thì gặp thầy trụ trì về. Tôi cũng muốn mời thầy làm trưởng đoàn phúng điếu cho gia đình, nhưng thấy thầy có vẻ hấp tấp vội vàng nên lại thôi. Sau khi ổn định số lượng người gồm gia đình phật tử, ban bảo trợ và quý bác trong Khuôn khoảng hơn 70 người chúng tôi ra xe, ngoài số lượng trên xe còn có một số huynh trưởng và đoàn sinh đi xe máy. Tất cả hướng Long Quang tiến phát. Trên đường ra Long Quang tôi cảm thấy không an tâm bởi vì khi đi vào ngang đoạn rẽ vào chùa Long Quang tôi thấy công nhân cầu đường đang dùng xe rãi nhựa đường lán dầu, chỉ sợ khi tới ngã rẽ vào chùa, người ta không cho mình vào thì hơi cực khổ một chút vì phải đi bộ từ đó vào chùa xa quá. Nhưng khi đến ngã rẽ thấy mặt đường có dấu xe đi vào thế là tôi thúc tài xế vượt lên đi vào luôn. Khi vào đến cổng tiếp lễ tôi cho xe dừng, tất cả xuống xe vào cổng, ngang nhà tiếp khách thì dừng lại, ổn định hàng ngũ để vào phúng điếu thọ tang. Tất cả đoàn sinh, huynh trưởng, ban bảo trợ và quý bác xếp hai hàng tiến vào linh đường. Dẫn đầu là vòng hoa cườm, trên tấm vải vàng có dòng chữ “Hoa Khai Kiến Phật”, tiếp đến là khay hương và lễ vật, đi hai bên là tôi và chị Cúc. Khi vào trước linh đường tất cả dừng lại xếp hàng tư để hành lễ, tiếp đến là đi nhiễu quanh kim quan của Ôn. Ai chưa thọ tang thì lần lượt thọ tang, cho đến khi ra trước linh đường mọi người cúi lạy rồi trở về nhà khách. Trước khi về tôi cho các em đi tham quan quanh chùa cũng như quanh bảo tháp để các em thấy được nét đẹp trang nhã, nghiêm trang của linh đường, kim tĩnh và chùa Long Quang. 4h30 tất cả ra xe trở về, khi chào các anh chị ra về tôi thấy được sự hân hoan vui vẽ của các anh chị huynh trưởng, Ban Hướng Dẫn đối với gia đình Vạn Phú. Ra gần ngã rẽ tôi cứ lo bị rào đường thì không biết chạy lui ngã nào, quả nhiên đến gần ngã rẽ thì thấy bị căng dây thật, đang lo không biết chạy lui ngã nào thì bỗng thấy anh công nhân đi ra mở dây cho xe đi qua, cả xe đều mừng, khi xe qua hai anh công nhân này, mọi người trên xe đều lớn tiếng cám ơn họ. Thật là hú vía !
Đường về nhà thật là vui vẻ, riêng tôi cảm thấy như Ôn vẫn luôn chiếu cố, gia hộ cho Gia Đình Phật tử Vạn Phú chúng tôi, nhờ vậy vào ra đều suông sẻ. Nghĩ về Ôn, là nghĩ đến tình thương Ôn dành cho tôi cũng như Gia Đình Phật tử Vạn Phú. Mà không phải chỉ riêng Vạn Phú, bất cứ Gia Đình Phật tử nào cũng vậy, hễ ra đóng trại tại chùa khi về dù ít dù nhiều Ôn cũng cho lại tiền xe, trừ lúc nào Ôn bận Phật sự đi khỏi thì thôi.
Kính lạy Ôn, tấm lòng Ôn luôn rộng mở đối với chúng con, tình cảm này chúng con luôn ghi vào dạ. Dù mai này sao dời vật đổi nhưng tình thương của Ôn dành cho chúng con cũng như chúng con hướng về Ôn chắc chắn chẳng đổi dời.
Ngày 27 tháng 1 Ất Mùi
Tâm Dũng cẩn bút
Câu chuyện bên lề
Trong những ngày tang lễ Ôn Viện Trưởng, tôi được A. Trực giao trách nhiệm giữ cổng trước, đối diện với cổng ngoài của chùa Long Quang. Cổng này mới được quý thầy mở khi Ôn mất. Ngồi tại đây cùng một số các em đoàn sinh và huynh trưởng của gia đình bạn chịu trách nhiệm hướng dẫn người và xe vào nơi quy định. Chính thức bắt đầu là 9 – 1 âm lịch. Sáng nay là lễ nhập quan nên số lượng người vào chùa rất đông. Tôi và các em làm việc rất tích cực trong việc hướng dẫn người và xe vào đúng nơi quy định, tránh gây sự ùn tắc trước cổng chùa. Thời gian hành lễ không dài nên khoảng 9h thì cảnh chùa trở nên bình thường như trước. Trong thời gian ngồi trực nơi này được tiếp xúc với những người dân, phật tử của các làng lân cận Phú Ốc, Lai Thành và một số phật tử khác. Tất cả những câu chuyện nói về Ôn, những việc Ôn đã làm cho bà con làng xóm đều chứng tỏ Ôn là một người có tầm nhìn sâu sắc đi trước thời đại. Tình thương của Ôn dành cho mọi người đều bình đẳng như nhau cho dù đó là người tốt hay xấu , sang hay hèn, giàu hay nghèo. Cụ thể có những người Ôn nuôi từ nhỏ đến lớn, ăn học trong chùa nhưng rồi quậy phá cho đến khi rời khỏi chùa ra sống ở ngoài đời. Vậy mà khi có việc cần Ôn giúp đỡ Ôn vẫn sẵn lòng. Không phải một hai người mà rất nhiều người như vậy. Qua những cuộc trò chuyện này, thật đúng như dân gian thường nói “Trải ruột sống với mọi người” đó chính là Ôn. Đây là một chuyện ví dụ : Hôm đó là sáng (10 – AL) tôi và anh T đang ngồi trước cổng để hướng dẫn mọi người theo lộ trình vào chùa phúng điếu. Hai anh em đang nói chuyện thì thấy ngoài cổng có một chị khoảng 40-50 tuổi mặc bộ áo quần chấm bi màu hồng đi xe đạp vào cách chùa khoảng 20 m thì dừng lại để xe sát bờ rào rồi rụt rè đi vào đến trươc mặt chúng tôi thì đứng lại rồi hỏi nhỏ nhẹ : “Thưa mấy anh, đám Ôn đây mọi người vào thăm có bình thường không ? Có ai ngăn chặn không ? Tôi cười nói : “Làm chi có chuyện đó, mọi người vào thăm Ôn bình thường, ở các tỉnh người ta còn về tới được, tụi tôi cũng ở trong Huế ra mấy ngày ni mà có ai hỏi han chi mô, công an họ mặc thường phục đầy dẫy đó, nhưng việc họ làm, việc mình mình làm chơ chị”. Nghe vậy chị mới nói : “Rứa mà ở làng em mấy ông cán bộ họ nói là đám Ôn thế này thế nọ đừng nên đi mà ảnh hưởng, họ nói ghê quá làm cả làng em ai cũng sợ nói thôi đừng lên Ôn nữa, em tức quá”, chị vừa nói vừa ứa nước mắt : “Cả nhà có việc chi là Ôn cũng về cả, từ kỵ giỗ cho đến đám tiệc, vậy mà chừ Ôn nằm xuống mà nói không được lên, em nói lên coi răng đã, do đó em mới mặc đồ này đây”. Thấy vậy tôi nói : “Vậy thôi chị vào thăm Ôn đi”. Chị nói : “Chưa ! Em chưa vô, để em về nhà thay đồ đã, rồi nói cho cả nhà biết rồi em sẽ thăm Ôn”. Nói xong chị quay người đi ra lên xe đi một nước không ngó lui ngó tới gì nữa. Một anh trong làng đi tới nghe vậy nói : “Cả làng này cũng vậy, họ nói dữ quá nên chưa ai dám lên thăm Ôn mặc dù ai cũng muốn chỉ có tui là tui không sợ, tui nghĩ Ôn mất mình vào thăm chứ có làm chi mô mà sợ”. Những ngày Tâm Tang, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều đoàn thể Chính Quyền các cấp mang vòng hoa đến phúng điếu Ôn một cách trang trọng, chúng tôi tự hỏi lâu nay họ nói Ôn phản động, chùa Long Quang là hang ổ phản động, nay mới thấy là miệng lưỡi thế gian, chuyện không có cũng dựng lên thành có. Nhưng với ân đức của Ôn đã trải ra cho cả vùng này thì cho dù “Tô Tần, Trương Nghi” có sống lại cũng không thể dùng ba tất lưỡi của mình để phủ nhận được. Nói gì thì nói cũng không thể đi ra ngoài chân lý “chơn thiệt thì bất hư”.
Tâm Dũng
Ánh nến bập bùng
Ngày 12 – 1 – Ất Mùi (2 – 3 – 2015)
Trời bây giờ khoảng 7h tối, tất cả đèn tại linh đường cũng như quanh chùa Long Quang đều sáng rực. Tôi đang ngồi tại cổng trước với một vài anh em. Từ chiều đến giờ số lượng người về thăm Ôn rất đông. Dân các làng xung quanh cũng lũ lượt kéo đến thăm Ôn. Đang nói chuyện với một người bạn bỗng nhiên đèn vụt tắt, tôi quay đầu lại thì thấy tất cả đèn quanh linh đường, nhà khách cho đến đèn đường tại Long Quang đều tắt. Tôi đang phân vân chưa biết chuyện gì xảy ra thì từ phía linh đường có tiếng “kiền chùy” vang lên, tiếng niệm Phật vang lên, rồi một dòng ánh sáng bập bùng đang từ từ di động đến gần mới biết thì ra trên tay mỗi phật tử đều có đèn phóng sanh phát sáng. Dòng người kết hàng bốn, vừa đi vừa niệm Phật kết thành một dòng ánh sáng lung linh huyền ảo. Dòng ánh sáng bắt đầu từ linh đường đi ra, nghinh long vị vào trước chánh điện thì dừng lại. Dòng sông ánh sáng di chuyển theo long vị của Ôn. Đầu đã đến chánh điện mà đuôi còn ở linh đường. Sau khi lễ Phật xong thỉnh giác linh Ôn ra yết tổ. Sau khi yết tổ xong dòng sông ánh sáng bắt đầu trở về linh đường. Một lần nữa chúng tôi chứng kiến dòng sông ánh sáng bắt đầu chuyển động quay về. Sau khi rước giác linh Ôn an vị, ánh đèn bắt đầu được bật lên mọi vật trở về như cũ. Tôi nghĩ chắc lễ đã xong rồi nhưng khoảng gần tiếng sau ánh đèn lại tắt. Từ linh đường lễ nhiễu quan bắt đầu, dòng sông ánh sáng lại bắt đầu chuyển động. Lần này trong ánh nến lung linh vang lên tiếng trì tụng chú “Phổ Am” chậm rãi trầm hùng. Dòng sông ánh sáng di chuyển quanh vườn cây, linh đường đặt tại bảo tháp trở thành trung tâm di chuyển ba vòng như vậy. Dưới ánh nến lung linh tiếng trì chú “Phổ Am” lên xuống trầm hùng tạo nên một hình ảnh trang nghiêm linh thiêng và tuyệt mỹ. Vòng cuối cùng dòng người quay về trước linh đường cúi đầu đảnh lễ. Kết thúc buổi lễ vào khoảng hơn 9h, ánh đèn lại bật sáng mọi người đến dự lễ lũ lượt kéo về trong khi lượng người về thăm Ôn vẫn vào ra liên tục. Xe máy, ô tô cứ ì xèo tôi làm việc không chỉ bằng tay mà cả bằng miệng nữa mới kịp việc. Cho đến khoảng 10h mọi vật mới trở nên yên tĩnh hơn một chút.
Đây là lần đầu tiên tôi thấy một lễ nhiễu quan được thực hiện bằng một dòng sông ánh sáng lung linh trong đêm hòa lẫn trong tiếng niệm chú Phổ Am trầm bổng lên xuống nhịp nhàng tạo nên một hình ảnh hết sức trang nghiêm, linh thiêng huyền ảo tuyệt vời. Hình ảnh này chắc chắn sẽ được lưu giữ lại trong tâm trí của hàng ngàn người về dự buổi lễ hôm nay. Và chắc chắn hình ảnh bậc cao tăng sẽ mãi mãi ngự trị trong tim những người con Phật có mặt hôm nay cũng như khắp nơi trên thế giới.
Tâm Dũng
Lễ nhập Kim Tỉnh
Ngày 13-1-Ất Mùi (03-03-2015), từ 4h sáng, anh em chúng tôi đã thức dậy lần lượt tập trung về nhà khách để nhận nhiệm vụ của mình. Nói là ngủ nhưng có mấy ai ngủ được đâu. Trong đêm, sau lễ “Nhiễu Quan” đã gần 10h rồi, khoảng 10h30 tôi mới rời vị trí của mình, giao lại cho Thọ và vài em đoàn sinh để đi vào chùa cho thư thái một chút. Vào tới nhà khách, thấy anh em đang ngồi nói chuyện vui vẻ, tôi cũng sà vào ngồi góp chuyện cho vui. Cùng bàn có chị Cúc, chị Hường và vài anh chị nữa. Đang nói chuyện thì chị Hường nghe điện thoại, chị nói các em Lăng Cô đã đi xe lên Huế, nhưng bị công an chận lại, không cho lên và áp tải xe chở về nhà rồi. Nhưng các em vẫn tìm cách để đi lên Huế cho bằng được. Anh chị em chúng tôi lại xoay qua nói chuyện khác, người thì nói chuyện tiếu lâm chọc phá nhau khiến mọi người cười nghiêng ngả. Hình như chúng tôi không phải là những người tóc đã bạc màu sương gió, gương mặt đã hằn lên những nét chấm phá của thời gian. Mà giống như những đoàn sinh hãy còn lứa tuổi đồng niên, chỉ biết vui cười chọc phá nhau, rất vô tư, hồn nhiên. Có lẽ nhờ vậy mà tâm hồn những người áo Lam hãy còn rất trẻ, rất khỏe để có thể bình tâm đối phó với gian truân, vất vả của cuộc đời. Đang cười nói thì chị Hường nghe điện thoại. Các em Lăng Cô báo lại là tất cả đã tập trung ra đường quốc lộ được rồi chỉ còn chờ xe trong Đã Nẵng ra là đi thôi. Hình ảnh chuyền qua điện thoại di động cho thấy các em đang ẩn mình dưới những rãnh thoát nước để chờ xe tới. khiến cho tôi cảm thấy tự hào có những người đàn em như thế. Dù khó khăn trở ngại nhưng các em vẫn quyết vượt qua bằng mọi cách để về tới Long Quang kịp đưa Ôn nhập tháp. Tinh thần thật đáng khâm phục và tự hào. Được một lát nữa thì thấy anh Trực tới. anh nói rõ về lộ trình đưa tiễn Ôn nhập tháp. Phân công cụ thể các bộ phận trực sẽ chịu trách nhiệm gì… Sau đó thì mọi người lần lượt giải tán, lúc này cũng đã gần 1h sáng rồi. Tôi cũng đi loanh quanh một lúc rồi tìm chỗ nghỉ một lát. Trên nền bảo tháp chỗ nào cũng trải chiếu, quý Thầy cũng như quý phật tử các nơi về cũng nằm nghĩ tại đây. Tôi cũng ghé lưng nằm xuống, nhưng mới được một lúc các chú muỗi tấn công dữ quá tôi chịu không nổi lại đứng lên đi ra bờ sông, leo lên tháp chuông, đến tầng 3 thấy có chiếu mền sẵn đó, tôi liền nằm xuống chà chà quá đã, lưng tôi như được giản ra rất dễ chịu, mới lơ mơ một lát nghe tiếng bước đi lên, tôi nhìn thấy Thầy M.A và một người bà con của Ôn đi tới. Tôi định ngồi dậy nhưng hai người nói “cứ nằm nghỉ” nên tôi nằm xuống. Thầy và bác đó nói chuyện khá nhiều, tôi nghe lúc được lúc không. Đến khoảng 4h thầy M.Ánh lên đánh chuông, tôi nằm rán đến khoảng 4h30 thì dậy. Tôi bước xuống tháp, bên ngoài trăng vàng mờ nhạt, sương xuống rất dày. Tôi cảm thấy lành lạnh nên vào phòng cất túi xách lấy áo ấm ra mặc trong phòng mọi người đều ngủ say. Cửa đóng kín nên tôi không vào được phải đi ra nhà bếp rửa mặt súc miệng rồi đi loanh quanh một lát trước linh đường, ra cổng trực bây giờ chẳng còn ai loay hoay một lát trước cổng tôi lại vào nhà khách. Tại đây, bây giờ rất đông người. Tôi đang uống trà thì anh Trực đi tới, anh tập hợp anh em dặn dò lần cuối. Giờ đây ở trước cổng, ngoài tôi ra còn có A. Ty, A. Phước, A. Thạnh, A. Thọ và một vài đoàn sinh thiếu nam. Với số lượng như vậy đủ cho chúng tôi giữ vững trật tự cũng như điều động cho xe ra vào đúng như kế hoạch mà Ban Hướng Dẫn đã vạch ra.
Trời mới 5h sáng bóng tối vẫn còn dày đặc, màn sương ướt đẫm bờ vai, tôi thấy lạnh nên trở vào phòng cất đồ, lấy áo khoác mặc vào rồi trở ra cổng trước. Trời chưa sáng nhưng số lượng xe máy và ô tô con vào chùa càng lúc càng nhiều hơn. Tất cả đều được đưa vào bên cổng chính (cổng tiếp lễ). Trời mờ sáng, bây giờ thì người và xe ra vào liên tục, đi bộ có, xe máy có, ô tô con có. Theo lệnh của Ban Hướng Dẫn đội trật tự phải bào đảm đoạn đường kim quan đi qua phải thông thoáng. Do đó, không được để một chiếc ô tô nào trên đường đi. Mọi xe cộ sau 7h không được để xe vào chùa mà xe chỉ có thể để hai bên đường phía sau hàng cây tính từ cổng ngoài của chùa. Càng gần tới giờ nhập tháp thì số lượng người vào chùa càng đông. Ban trật tự khá vất vả vì phải điều xe ngay từ xa vì ai cũng muốn xe mình được gần chùa. Ban trật tự bắt buộc phải để xe sát mép hai bên đường đi vào chùa. Một điều cần nói là dù anh em trật tự đã cố gắng ra hiệu từ xa là không thể vào chùa được nữa nhưng một vài xe vẫn cứ bương vào như muốn vượt qua anh em trật tự cho bằng được. Khi xuống xe thì … té ra đều là gương mặt thân quen nhưng thay vì tươi cười thì lại hầm hầm gương mặt như có vẻ giận giữ lắm. A. Ty nói : “Ối chà chuyến này mình lãnh đủ rồi ! Không ngờ mình chận ngay xe Ôn Linh Mụ chắc Ôn giận mình lắm”. Tôi an ủi : “Làm sao biết xe nào là xe Ôn ! Hơn nữa đây là yêu cầu của ban tổ chức tang lễ mình chỉ thi hành theo lệnh thôi ! Anh đừng lo”. Quả thật số lượng xe vào càng lúc càng đông. Tôi đành phải chạy ra cổng ngoài đề nghị các loại xe không nên vào nữa mà để ở hai bên đường hoặc nên xin để nhờ ở các nhà dân trong xóm. Khi tôi đề nghị như vậy các nhà sát đường đều nhất trí. Thậm chí quý bác còn kêu gọi nhau để cho xe vào đậu nhờ tại nhà mình. Ngoài ngả rẽ vào chùa cũng có một vài anh em dàn xe như vậy. Khi thấy đã tạm ổn anh em chúng tôi đều rút lui vào chùa để chuẩn bị trật tự cho đoạn đường “kim quan” sẽ đi qua. Bấy giờ đã gần 8h rồi. Khi chúng tôi vào đến cổng trước thì lễ nghinh quan đã bắt đầu. Mọi người vẫn tiếp tục đi vào. Trong chùa một só phật tử bắt đầu dàn ra. Chúng tôi liền đề nghị quý bác đứng sát hai bên đường mà kim quan sẽ đi qua đừng chen lấn.
Với tinh thần Tâm tang, đoàn rước kim quan Cố đại lão H.T Tân viên tịch di chuyển trong tiếng kiền chùy dẫn đầu, rồi đến chư tăng hộ niệm tiếp đến các thành viên Hội đồng lưỡng viện G.H.P.G.V.N.T.N tiếp đến là bát hương, long vị, di ảnh của Ôn do các đệ tử của Ôn cẩn thỉnh đi. Tiếp đến là Kim Quan, sau Kim Quan là tang quyến và hiếu đồ tiếp đến là Ban Hướng Dẫn Trung ương Gia Đình Phật tử Việt Nam và hàng ngũ Huynh trưởng cao cấp, cuối cùng là đạo hữu và phật tử các giới cùng đi theo. Khi Kim Quan đi đến đâu là tất cả phật tử đứng tiễn đưa hai bên đường đều tự động quỳ xuống chắp tay niệm Phật tiễn Ôn đi. Cứ như thế đoàn nghinh Kim Quan bắt đầu đi ra ngả bờ sông tiến đến đoạn đường trước chùa vào thẳng cổng tiếp lễ thẳng ra đường bờ sông rồi men theo tay phải đi xuống một đoạn đến ngang đường vào bảo tháp thì tiến vào khu kim tỉnh. Sau khi Kim Quan đi qua thì chúng tôi nhanh chóng chạy về khu kim tỉnh và làm hàng rào tại khu kim tỉnh. Đoàn người nối đuôi nhau chầm chậm bước đi trong tiếng niệm A Di Đà. Tất cả đều nhất tâm cầu nguyện cho Ôn được Phật A Di Đà duỗi cánh tay vàng đưa Ôn về Tây phương tịnh độ.
Nam mô Lâm Tế chánh tôn
Tứ thập nhị thế trụ trì Long Quang Tự
Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Đại lão Hòa Thượng Tân Viên Tịch
Thượng Như hạ Đạt tác đại chứng minh.
Tâm Dũng cẩn bút
Lễ Chung thất Cố Hoà thượng Viện trưởng Viện Hoá Đạo
tại chùa Phật Quang, Huntington Beach,
Nam California, Hoa Kỳ, hôm 19-4-2015
VP2VHĐ chọn Chùa Phật Quang tọa lạc tại thành phố Huntington Beach thuộc miền Nam Cali để cử hành Lễ Chung Thất cho Hòa thượng Thích Như Đạt, cố Viện trưởng Viện Hóa Đạo/GHPGVNTN, là ngôi chùa chung của Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo
Sự quan tâm của cố Hòa thượng Viện trưởng hồi Ngài còn sinh tiền đã góp phần hình thành ngôi chùa chung nầy. Tôn tượng Đức Phật Thích Ca an vị trong Chánh điện Phật Quang là do chính Ngài chọn và gởi hỏa tốc từ Việt Nam qua Cali trước một ngày Lễ an vị Phật hôm 7-2-2015
Buổi lễ mở đầu lúc 10 :30 sáng bằng Lễ Trai Tăng. Lúc đầu dự trù 20 Tăng Ni tham dự, vào giờ chót tăng lên gần 40 vị, gồm các tông phái khác nhau. Đặc biệt có sự hiện diện của Thượng tọa Thích Giác Đẳng, Quyền Chủ tịch VP2VHĐ, Hòa thượng Thích Huyền Việt, Hòa thượng Thích Thông Đạt, Sư bà Thích Nữ Nguyên Thanh v.v…
Sau Lễ Trai tăng là Lễ Chung Thất được tổ chức trang nghiêm trong Chánh điện với hàng trăm Phật tử xa gần về tham dự, trong đó có những vị dân cử, đại diện cộng đồng và Truyền thông Báo chí như
Ông Bùi Phát, Nghị viên Thành phố Garden Grove và là Chủ tịch tân cử Cộng đồng người Việt miền nam Cali như các ông : Micheal Võ, Cựu Thị trưởng Thành phố Fountain Valley, Phan Kỳ Nhơn, Ký giả Thanh Huy, nhật báo Việt Báo, Nữ ký giả Ninh Thuận, Việt Mỹ Magazine, Ký giả Linh Nguyễn, nhật báo Ngưởi Việt…
Phật tử và Huynh trưởng Gia Đình Phật tử Pomona mang hương đèn hoa quả theo sau Chư tăng tiến vào Chánh điện để dâng lên cúng dường cố Đại lão Hòa thượng Thích Như Đạt, là một hình ảnh trang nghiêm tôn kính và thủy chung với Dân Tộc và Đạo Pháp do Đức đương kim Đệ ngủ Tăng thống lãnh đạo.
Bày tỏ về công đức của cố Hòa Thượng Viện trưởng, Thượng tọa Quyền Viện trưởng VP2VHĐ nhấn mạnh về đức khiêm cung, chỉ làm điều Thiện, không quy phục cái Ác, và đặc biệt là Ngài rất quan tâm lo lắng cho ngôi chùa chung Phật Quang của VP2VHĐ tại Hoa Kỳ.
Thượng tọa kết luận : Cố Hòa Thượng mất đi, là một mât mát lớn cho Giáo Hội, ít ra trong hoàn cảnh Giáo Hội bị cưỡng bức từ bao lâu nay, nhưng Ngài đã để lại một di chỉ mang tính Vô Úy : Giữa muôn trùng khốn khó, Lấy hùng Tâm đối diện, chẳng chút sờn lòng (Cáo Bạch Thọ Tang – TT/ TGĐ) đã giúp uy thế Giáo Hội vững mạnh thêm lên. Thật vây, trước khi lâm chung, cố Hòa thượng tuyên bố :
“Là thành viên của GHPGVNTN, thì khi mất đi, cũng đi trên con đường của GHPGVNTN !”
Sau Lễ Chung Thất, Ban Tổ chức mời các vị dân cử thuộc Quận Cam lên phát biểu, trong đó có Thị trưởng Fountain Valley Micheal Võ và Nghị viên Thành phố Garden Grove Phát Bùi. Qua phát biểu, các vị dân cử trẻ gốc Việt đều đồng tình với chủ trương của Giáo Hội trong tinh thần phục vụ Dân tộc và Đạo pháp.
Kết thúc buổi lễ là phần thọ trai do Ban Trai Soạn chùa Phật Quang cung cấp. Đồng bào Phật tử tham dự đều hoan hỉ vì họ được hiểu thêm về công hạnh của cố Hòa thượng, từ đó giúp họ củng cố lòng tin kính vào đường lối của GHPGVNTN nói chung, về ngôi chùa Phật Quang trụ sở của VP2VHD, nói riêng.
Bản tin của Đạo hữu Quảng Kiến