Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Dư luận thế giới về cuộc Điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ và Nghị Quyết tố giác Hà Nội của Quốc hội Châu Âu – Phỏng vấn 3 Dân biểu của 3 chính đảng lớn Marietje Schaake, Ana Gomes và Bernt Posselt

Dư luận thế giới về cuộc Điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ và Nghị Quyết tố giác Hà Nội của Quốc hội Châu Âu – Phỏng vấn 3 Dân biểu của 3 chính đảng lớn Marietje Schaake, Ana Gomes và Bernt Posselt

Download PDF

PARIS, ngày 24.4.2013 (QUÊ MẸ) – Ngày 11.4 Quốc hội Hoa Kỳ tổ chức cuộc điều trần về đàn áp tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Ngày 18.4 Quốc hội Châu Âu với sự đồng thuận của 754 Dân biểu thông qua Nghị Quyết tố giác Hà Nội vi phạm trắng trợn quyền tự do ngôn luận và quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Các báo chí và đài phát thanh quốc tế đã loan tải rộng rãi cùng bình luận hai sự kiện nói trên.

Nhiều năm dài, c ông luận bị chìm đắm trong cuộc tuyên truyền dối gạt và huyễn hoặc của Hà Nội luôn che đậy và ngụy trang cho một chế độ phát xít phi nhân quyền, phản dận chủ. Thì nay hai sự kiện, hai tiếng nói từ hai phương trời Âu Mỹ đồng cất lên chỉ mặt Hà Nội mà tố giác : Hãy lột mặt nạ nhân quyền giả dối của Hà Nội xuống ! Hãy lột mặt nạ mê tín dị đoan và cúng kiến của những tổ chức tôn giáo quốc doanh tại Việt Nam !

Thật không có sự hiến cúng nào xứng đáng hơn cho cuộc kỷ niệm Ngày tang thương, điêu tàn của đất nước : Ngày 30 tháng Tư năm 1975, mà người Việt gọi là Ngày Quốc Hận. Cũng có người gọi là Ngày Quốc Kháng vì lý luận rằng ngày ấy, lần thứ nhất, toàn dân dẹp tan ảo tưởng, mở đôi mắt trừng trừng nhìn vào chế độ Cộng sản gian trá, giết người, trấn áp tôn giáo và kẻ hiền lương. Nên toàn dân, bất kể tôn giáo hay chính trị, bằng những phương tiện đặc thù hay suy nghĩ khác nhau, dốc lòng mở cuộc Đối Kháng Dân Tộc để thanh trừ chế độ độc tài Cộng sản. Vì vậy Quốc Hận đã nuôi mầm cho ý thức Quốc Kháng.

Dưới đây xin giới thiệu hai bài viết tiêu biểu đánh đi từ Hoa Thịnh Đốn ngay sau cuộc điều trần hôm 11.4 : bản tin của hãng thông tấn AFP và bài viết của ký giả Rachel Vandenbrink trên Đài Á châu Tự do Anh ngữ.

Tuy nhiên, không chỉ có sự bình luận ca ngợi của công luận thế giới về cuộc Điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ và Nghị quyết của Quốc hội Châu Âu. Dù tuyệt đối thiểu số, nhưng vẫn có những kẻ không vừa lòng và phản biện gay gắt. Kẻ ấy chẳng ai khác là Nhà nước Cộng sản Việt Nam. Thoạt đầu là phản ứng của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hà Nội, ông Lương Thanh Nghị trong cuộc họp báo hôm 19.4 phán rằng : Nghị quyết Quốc hội Châu Âu đưa ra những tuyên bố và thông tin sai lầm về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam”.

Trước hôm điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ một ngày, dù chưa hề nghe những nhân chứng Việt Nam nói gì, thì ngày 10.4 nhà báo Đăng Trường viết bài “Vở kịch lố “điều trần về nhân quyền” !” đăng trên báo Công an Nhân dân, mở phiên xử phán quyết rằng :

“Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông báo ngày mai (11/4) sẽ mở phiên điều trần tại Washington, được nói là “để tham khảo các ý kiến quan sát độc lập về thực trạng và hồ sơ nhân quyền tại Việt Nam”, nhằm chuẩn bị cho cuộc đối thoại Việt – Mỹ về nhân quyền thường niên sẽ diễn ra sau đó. (…) Thế nhưng, trong danh sách 6 người đã được thông báo dự phiên điều trần lại là những nhân vật có lý lịch không thể xám hơn (như Võ Văn Ái, kẻ cộm cán trong đám phản động, lưu vong ở nước ngoài, có bản lý lịch xám xịt, chuyên câu kết với một số đối tượng cơ hội chính trị trong nước và các phần tử phản động lợi dụng tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để kích động chống phá Việt Nam). Hay như John Sifton, Giám đốc vận động khu vực châu Á thuộc tổ chức Human Rights Watch, người có nhiều hành động và phát ngôn kiểu “chọc gậy”, cố tình bôi nhọ tình hình nhân quyền từ các vụ án mà bị can, bị cáo vi phạm pháp luật hình sự”.

Sau Nghị quyết Quốc hội Châu Âu ban hành, và sau cuộc điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ, dù được nghe rõ các nhân chứng trình bày như thế nào, đặc biệt ông Võ Văn Ái đưa ra những chứng liệu về thực tại đàn áp quy mô có chính sách và hệ thống đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, người ta lại đọc được bài viết “Võ Văn Ái – Kẻ tội đồ của nhân dân Việt Nam” đăng trên Trang nhà của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà chúng tôi cho đăng lại toàn văn để bạn đọc đoán định.

  

Bản tin của hãng thông tấn AFP : Hoa Kỳ áp lực cho việc thực hiện nhân quyền tại Việt Nam

Hoa Thịnh Đốn – Hãng thông tấn AFP – Hôm thứ năm 11.4 các nhà lập hiến và hoạt động nhân quyền kêu gọi Hoa kỳ áp lực Việt Nam trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến và để cho các tôn giáo lớn được tự do hành đạo vào lúc hai quốc gia có cuộc đối thoại nhân quyền.

Hai nước Mỹ Việt sẽ có cuộc đối thoại nhân quyền thường niên vào thứ sáu 12.4 tại Hà Nội, là đề tài làm nguồn mối quan tâm cho Hoa Kỳ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với địch thủ chiến tranh trước đây.

Tại cuộc điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, các nhà lập hiến và những người vận động nhân quyền kêu gọi Hoa Kỳ áp lực Việt Nam trả tự do cho những kẻ phê phán chính quyền, như trường hợp linh mục công giáo Nguyễn Văn Lý.

Ông John Sifton, Giám đốc Á châu của Tổ chức theo dõi Nhân quyền (Human Rights Wacth) cho biết trong những năm vừa qua, “kỷ lục nhân quyền ngày càng tồi tệ. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa” qua một số dấu hiệu.

Ông Stifton nói rằng có ít nhất 40 người bị xét xử và tuyên án năm ngoái, gia tăng so với năm 2011, vì vi phạm luật hình sự cấm không cho phê phán chính quyền và đảng Cộng sản.

Vị đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là giáo hội bị cấm sinh hoạt từ năm 1980 vì không chịu gia nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam của nhà nước, nói rằng nhà cầm quyền tiếp diễn sự hăm dọa đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Ông Võ Văn Ái, cũng là Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, tổ chức có trụ sở tại Pháp, nói rằng Hoa Kỳ cần nêu lên những trường hợp “một cách quyết đoán” với Hà Nội.

Ông Ái nói : “Tôi kêu gọi Quốc hội và Bộ Ngoại giao nhìn sau tấm mặt nạ của Hà Nội, nhìn sau tấm sơn son thếp vàng của cái tự do cúng kiến của giáo hội quốc doanh, để nhận ra toàn bộ cuộc đàn áp tôn giáo”.

Mới tuần lễ trước đây, người ta đã xối nước bẩn trộn đầu cá và phân vào nhà cựu tù nhân Huỳnh Ngọc Tuấn, cũng như nhà cầm quyền đã ngăn cấm con trai ông sang Hoa Kỳ nhận một giải nhân quyền thay cha.

Trong một bản tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết sẽ có “một cuộc thảo luận thẳng thắn nhằm đạt kết quả”.

Có những phê phán cho rằng cuộc đối thọai nhân quyền chẳng đưa đến đâu vào lúc Hoa Kỳ gia tăng hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực quốc phòng và giao thương.

Dân biểu Chris Smith, người chủ tọa cuộc điều trần, kêu gọi Hoa Kỳ hãy đặt lại Việt Nam vào danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm, tức danh sách CPC, may ra mới tác động cho sự thực hiện nhân quyền.

Dân biểu Smith nói : “Đối thoại cần thiết, nhưng phải kèm theo những hành động trọng yếu, và tôi ngại rằng họ sẽ không làm như vậy”.

RFA - Radio Free Asia - http://www.rfa.org

Bản tin của Đài Á châu Tự do Anh ngữ, ký giả Rachel Vandenbrink viết : Kêu gọi áp lực Việt Nam tại cuộc Đối thoại Nhân quyền

Ông Võ Văn Ái, người thứ hai từ trái sang, điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ hôm 11.4.2013  
Ông Võ Văn Ái, người thứ hai từ trái sang, điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ hôm 11.4.2013
 

Hôm thứ năm 11.4, các nhà lập hiến Hoa Kỳ và các nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi chính quyền Tổng thống Barack Obama áp lực Việt Nam bớt lạm dụng quyền lực đối với các bloggers, tín đồ tôn giáo, nông dân hoạt động bảo vệ đất đai, và những người phê phán chính quyền vào lúc có cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ Việt.

Lưu ý rằng năm vừa rồi, số lượng các nhà bất đồng chính kiến bị bỏ tù cao nhất tại Việt Nam so với ba năm trước, họ kêu gọi Bộ Ngoại giao áp lực giới lãnh đạo Cộng sản ở Hà Nội ngăn chặn sự “thoái bộ” nhân quyền trong cuộc đối thoại thứ sáu 12.4 này.

Các vị dân biểu và những người vận động nhân quyền điều trần tại Phân ban Nhân quyền Hạ viện trước cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 17 ở Hà Nội.

Cuộc đối thoại dự tính cho năm ngoái, nhưng đã bị hoãn lại vì Hoa Kỳ không thỏa mãn sự kiện Việt Nam chẳng thực hiện những điều trao đổi trong lần đối thoại năm trước đó.

Giám đốc Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết tại cuộc điều trần rằng Việt Nam xử án ít nhất 40 người bất đồng chính kiến năm 2012. “Sự kiện gia tăng giới bất đồng chính kiến, kể cả các nhà lãnh đạo tôn giáo, bloggers, và hoạt động chính trị, đã bị kết án và giam tù vì vi phạm Bộ luật Hình sự độc đoán của nhà cầm quyền Việt Nam.

Ông nói thêm, năm 2012 cho thấy sự gia tăng hơn năm trước đó, và những phiên tòa năm nay dẫn tới những cuộc bắt bớ khác đưa tới số lượng tù đông đảo trước cuối năm.

Cuộc đàn áp lén lút

Ngoài việc đưa các nhà bất đồng chính kiến ra tòa, nhà cầm quyền còn sử dụng chính sách “đàn áp lén lút” để kiểm soát và trừng phạt các nhóm tôn giáo bằng cách quản chế và ly cách lãnh đạo với giới tín đồ, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, tổ chức có trụ sở tại Paris, nói như thế tại cuộc điều trần.

Ông Ái cũng là Phát ngôn nhân của Giáo hội bị cấm đoán là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nói rằng ông quan ngại việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá thấp nỗi đau khổ “mạnh mẽ” mà Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phải chịu đựng “trên mọi lĩnh vực của đời sống hằng ngày”.

Ông Ái nói : “Dù tán thưởng Báo cáo những vi phạm nhân quyền đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng chúng tôi quan ngại rằng những vi phạm báo cáo nêu ra chỉ là hình ảnh phai lợt của một chính sách đàn áp có hệ thống, nào là sách nhiễu, hăm dọa mà người Phật tử phải đối diện”.

Các nhóm nhân quyền cho biết những dân tộc ít người như người Thượng, người Hmông, Khmer Krom và Chàm cũng không thoát khỏi cuộc đàn áp tôn giáo.

Nhà cựu lập hiến gốc Việt Nam, cựu Dân biểu Joseph Cao cho biết : “Chính quyền Việt Nam đàn áp tất cả các tôn giáo, đặc biệt những ai không có tiếng nói”.

Các cộng đồng tôn giáo bị đàn áp thông qua việc cưỡng chiếm đất, như trường hợp năm 2010 đóng cửa nghĩa trang Công giáo ở giáo phận Cồn Dầu tại Đà Nẵng.

Danh sách CPC

Dân biểu Cộng hòa Chris Smith, người chủ tọa cuộc điều trần, kêu gọi đặt Việt Nam quay lại danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm, tức danh sách CPC.

Ông nói Việt Nam tiếp tục là “một trong những quốc gia đàn áp tôn giáo dữ dội nhất trên thế giới”, dù được rút tên khỏi danh sách CPC, mà hậu quả mang những biện pháp chế tài.

Dân biểu Smith cũng kêu gọi Bộ Ngoại giao “xét duyệt trong tinh thần phán đoán” việc nạn buôn người gia tăng gần đây tại Việt Nam để nâng “Danh sách theo dõi tầng 2” lên quy chế “Tầng 2”.

Và ông nói tiếp cần chú ý nhiều hơn cho vấn đề lao động và nạn buôn người với “sự đồng lõa của chính quyền”.

Các nhà lập pháp và các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng mọi cuộc trao đổi tại cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ Việt thứ sáu 12.4 tại Hà Nội phải vạch ra những tiêu chuẩn và khung thời gian để Việt Nam thực hiện nhân quyền.

Ông Võ Văn Ái nói không có những biện pháp cụ thể hầu đưa ra những hành động quả quyết, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ sử dụng cuộc đối thoại ngụy trang cho việc không tôn trọng nhân quyền.

Ông Ái nói “Họ sử dụng đối thoại nhân quyền như tấm chắn mà thôi”.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng nhân quyền là “chìa khóa cho bộ phận cấu thành” của quan hệ Mỹ Việt, và chờ đợi “một cuộc thảo luận thẳng thắn nhằm đạt kết quả”.

Bài viết trên Trang nhà của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng : “Võ Văn Ái – Kẻ tội đồ của nhân dân Việt Nam”

RFA - Radio Free Asia - http://www.rfa.org

Võ Văn Ái – Kẻ tội đồ của nhân dân Việt Nam

Thứ năm, 18/04/2013, 12 :30 (GMT+7)

Mới đây, bọn “rận chủ” lại chơi một trò mới với chính đất nước, với chính dân tộc của chúng : “Kêu gọi Liên hiệp Châu Âu EU gây sức ép để Việt Nam tôn trọng truyền thông” !

Và thế nào là tôn trọng truyền thông ở Việt Nam ?

Là 17 nghìn nhà báo

Là hơn 19 nghìn hội viên nhà báo

Là hàng nghìn phóng viên hoạt động ở 786 cơ quan báo in, với 1.016 ấn phẩm

Là 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và cấp tỉnh

Là 47 đơn vị hoạt động truyền hình cáp, 9 đơn vị truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp…

Là năm 2010, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người dân sử dụng internet cao nhất trong khu vực Ðông – Nam Á (theo tổ chức Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU)), chiếm 31,06% dân số, chỉ đứng sau ba nước là Xin-ga-po (70%), Ma-lai-xi-a (55,3%), Bru-nây (50%) ;… đồng thời vượt khá xa tỷ lệ trung bình của khu vực Ðông – Nam Á (17,86%), khu vực châu Á (17,27%) và thế giới (21,88%).

Võ Văn Ái - Kẻ tội đồ của nhân dân Việt Nam  
Võ Văn Ái – Kẻ tội đồ của nhân dân Việt Nam
 

Và cái lũ rận chủ “Cõng rắn vào cắn gà nhà” này đã làm gì ?

Chúng xuyên tạc, đó là điều rõ ràng ở đây mà ai cũng dễ dàng nhận thấy được ! Nhưng bọn “Rận chủ” hay VOA, BBC… hay RSF, HRW… thì đều không thấy, đúng hơn mà chúng không muốn thấy !

“Tôi kêu gọi Quốc hội và Bộ Ngoại giao lột mặt nạ của Hà Nội, lột vỏ bọc tự do tín ngưỡng quốc doanh và nhận diện sự trấn áp tôn giáo”. Đó là lời của một kẻ trí thức thức tự cho mình cái gọi là Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam – Ông Võ Văn Ái nói trước Quốc hội Hoa Kỳ.

Chúng nó nói, chúng nó kêu gào nhân dân trong nước. Chúng phỉ báng lãnh tụ, dựng lên cái gọi là “Sự thật về Hồ Chí Minh”. Chúng kích động đồng bào kém hiểu biết làm điều bậy… Và giờ đây, chúng kêu gọi lũ ngoại xâm “xâm lược nước ta lần nữa” ! Chúng nói rằng Việt Nam vi phạm quyền con người thế nên chúng “kêu gọi” cái nôi tự do dân chủ Hoa Kì vào là cho ra lẽ. Hành động của chúng không khác gì khi bị mẹ cho ăn đòn, đứa con đã chạy đi tìm chính kẻ thù của mẹ về để làm cho ra lẽ… với mẹ nó. Bất chấp kẻ thù ấy có thể làm gì với mẹ nó !Võ Văn Ái cần gì ? Đứa trẻ ấy chỉ cần “RÂN TRỦ” !

Mỹ giờ đây có lẽ được xem như một đối tác quan trọng của Việt Nam ! Đó là khi chúng ta đã tạm để quá khứ ngủ yên, chúng ta xây dựng lại một đất nước tự do, hội nhập và phát triển. Đó là khi chúng ta nén đau thương của hàng triệu đồng bào đã ngã xuống bởi bàn tay của các nước tư bản. Chúng ta bắt tay hợp tác với tư bản vì những con người đang sống, vì sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, chúng ta chấp nhận. Vậy mà, tới giờ phút này, lại có một kẻ mang danh người Việt ra mà “Kêu gọi Quốc hội và Bộ Ngoại giao lột mặt nạ của Hà Nội…”. Điều đó chẳng khác gì đứa con đâm một nhát dao vào trái tim người mẹ đã sinh ra, đã cưu mang mình !

Với một đứa trẻ ba tuổi, khi chúng hỏi bố mẹ rằng “Yêu nước là gì ?” – “Đơn giản là tình yêu với bố mẹ, với bạn bè, với làng xóm, với trường lớp… với tất cả những gì hiện hữu nơi con sinh ra !”. Và suy cho cùng với cái định nghĩa tầm thường ấy thì Võ Văn Ái liệu có phải là hiện thân của “Quyền con người” hay là hiện thân của một con quỷ đang giết chính người mẹ xấu số sinh ra nó ?!

DLV
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

RFA - Radio Free Asia - http://www.rfa.org

RFA Phỏng vấn bà Marietje Schaake về Nghị Quyết tố cáo Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận và tự do tôn giáo

Ỷ Lan : Chiều ngày 18.4, Quốc hội Châu Âu đã họp tại trụ sở Strasbourg miền Đông bắc nước Pháp để thảo luận Nghị Quyết về Việt Nam do 6 chính đảng đề xuất. Dưới sự chủ tọa của ông Miguel Angel Martinez, một đảng viên Cộng sản, cuộc tranh luận rất sôi nổi về tình hình nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam. Vào lúc 5 giờ chiều, bản Nghị Quyết đã được thông qua với đa số các chính đảng đại diện 754 dân biểu, ngoại trừ Nhóm Cực Tả bỏ phiếu trắng.

Bản Nghị quyết phản ảnh sự quan tâm mà các tổ chức nhân quyền quốc tế nêu ra gần đây, đặc biệt bản Phúc trình về các “Bloggers và Công dân mạng tại Việt Nam”.

Nghị quyết tố cáo những hăm dọa, sách nhiễu, tấn công, bắt bớ tùy tiện các nhà bất đồng chính kiến, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền, bloggers ngoài luồng hay trực tuyến, cũng như việc giam tù 32 bloggers, đặc biệt các trường hợp của Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, hay công an sách nhiễu các bloggers Lê Công CầuHuỳnh Ngọc Tuấn.

Nghị quyết cũng tố cáo việc trấn áp trầm trọng đối với Giáo hội Thiên chúa giáo và những giáo hội không được thừa nhận như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo hội Tin Lành, cũng như tố cáo các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia, Pháp lệnh 44 bắt giam, đưa vào trại cải huấn hay nhà thương điên mà không thông qua tòa án. Nghị quyết cũng đề nghị sửa đổi bản Dự thảo Nghị định Internet sắp được ban hành cho phù hợp với các công ước nhân quyền quốc tế.

Để tìm hiểu tầm quan trọng của Nghị quyết này, chúng tôi phỏng vấn bà Marietje Schaake, Báo cáo viên về tự do Internet của Quốc hội Châu Âu, thuộc Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Âu, người đồng bảo trợ cho Nghị quyết về Việt Nam :

Marietje Schaake : Đối với chúng tôi việc này rất quan trọng, một là nhấn mạnh một cách cụ thể rằng kỹ thuật thực sự tăng cường nhân quyền cho nhân dận, giúp họ truy cập thông tin, trả lại họ tiếng nói và thiết lập diễn đàn để báo động nạn tham những hay những vấn đề khác, như chúng ta đã thấy qua trường hợp các bloggers can đảm ở Việt Nam. Nhưng mặt khác, các chính quyền cũng lo sợ nên tìm cách giữ lấy sự kiểm soát khối dân chúng đã được giải phóng khỏi sự sợ hãi. Do đó, các chính quyền này sử dụng kỹ thuật để đàn áp và bịt họng những nhà hoạt động.

Vì vậy hôm nay chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò của chính quyền Việt Nam và chúng tôi thúc đẩy chính quyền này tôn trọng nhân quyền, đặc biệt đối với các bloggers và các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam.

Ỷ Lan : Với quan hệ tốt hiện nay giữa Liên Âu và Việt Nam, bà có hy vọng bản Nghị Quyết hôm nay sẽ tác động chính quyền Việt Nam thực hiện việc tôn trọng nhân quyền không thưa bà ?

Marietje Schaake : Đúng là vì chúng tôi đang có quan hệ tốt, và chúng tôi đang thương thảo trên vấn đề giao thương, tôi hy vọng Việt Nam sẽ xem xét những phê phán của chúng tôi trên phương diện nhân quyền, và hồi đáp sự nhắc nhở của chúng tôi rằng họ phải có trách nhiệm bảo trọng nhân dân của họ.

Đây chính là điều mà tôi cho là quan trọng khi nhắc tới bản Hiệp ước Đối tác và hợp tác Liên Âu – Việt Nam trong lời phát biểu của tôi chiều nay, và như thế tôi đã nhấn mạnh tới sự kiện bản Dự thảo Nghị định mới về Internet nếu được thông qua y như vậy, thì không những các công ty Việt Nam cung cấp dịch vụ Internet phải tuân lệnh kiểm duyệt hoặc giúp đỡ truy lùng những công dân mạng bất đồng chính kiến, mà ngay các công ty ngoại quốc cung cấp dịch vụ Internet cũng phải tuân theo.

Đây là vấn đề chủ yếu trong bối cảnh quan hệ giao thương và kinh tế. Cho nên, mặc dù tôi tin chuyện nhân quyền là quan trọng, nhưng mặt khác phải nhắc nhở tới sự kiện kiểm duyệt, theo dõi, và đàn áp Internet có tác động tiêu cực cho công cuộc giao thương, buôn bán, gây nguy hại cho phát triển kinh tế của Việt Nam.

Cho nên, sự kết hợp thúc đẩy Việt Nam tôn trọng nhân quyền, với việc mở cửa thị trường đưa tới nhiều cơ hội đầu tư và giao thương của Việt Nam với các nước khác, hy vọng sẽ thuyết phục nhà cầm quyền Việt Nam.

Ỷ Lan : Thưa bà, Nghị quyết đã được thông qua. Nay Quốc hội Châu Âu có những cơ cấu gì để thực hiện một Nghị quyết như thế không ?

Marietje Schaake : Nay ta phải trông chờ vào Ủy ban Hành động Đối ngoại Liên Âu, vào Hội đồng Liên Âu tiếp tục quan tâm trong những kỳ Đối thoại Nhân quyền Liên Âu – Việt Nam sắp tới. Đây là diễn đàn thúc đẩy Việt Nam phải lưu ý tới những điều Liên Âu quan tâm, đặc biệt trên lĩnh vực nhân quyền. Nhưng vấn đề cũng có thể nêu lên trong các cuộc thương thảo hiện hành, mà Liên Âu có thể thêm vào những khoản đặt điều kiện cho nhân quyền.

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là giữ Việt Nam trên nghị trình chính trị của chúng tôi, để nhấn mạnh tới hoàn cảnh trong nước và tìm cách tiến hành thông qua mối quan hệ, tuy nhiên phải áp lực Việt Nam làm tròn nghĩa vụ của họ, và tôn trọng nhân quyền cho nhân dân họ.

Ỷ Lan : Bà có khuyến khích các xã hội dân sự Việt Nam tiếp tục vận động Quốc hội Châu Âu hậu thuẫn cho nhân quyền và tiến trình dân chủ hóa ?

Marietje Schaake : Tôi nghĩ rằng quan trọng là việc áp lực chính quyền Việt Nam. Sự kiện Nghị Quyết được thông qua là điều tối quan trọng, và đây là lúc nhà cầm quyền Việt Nam phải ra tay chỉ huy để lãnh lấy trách nhiệm.

Chính sách đối ngoại và chính sách nhân quyền đều quan trọng, và tại Quốc hội Châu Âu chúng tôi phục vụ tận tụy suốt mọi ngày. Nhưng cuối cùng phải nói rằng, các chính quyền tại các quốc gia phải đảm lãnh lấy trách nhiệm của họ, chúng tôi không thể đổi thay từ ngoài.

Nhưng tôi tin tưởng các xã hội dân sự Việt Nam sẽ cảm thấy phấn khởi khi biết rằng chúng tôi đã thấy ra chuyện người ta sử dụng kỹ thuật để đàn áp nhân quyền. Chúng tôi nhận rõ cuộc đấu tranh của họ và chúng tôi đề cao các trường hợp của họ.

Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Schaake đã dành cuộc phỏng vấn này cho Đài Á châu Tự do.

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg

RFA Phỏng vấn hai Dân biểu Quốc hội Châu Âu, bà Ana Gomes và ông Bernt Posselt về Nghị quyết tố cáo Việt Nam đàn áp Tự do ngôn luận và Tự do tôn giáo

Ỷ Lan : Chiều ngày 18.4 vừa qua, Quốc hội Châu Âu đã thông qua với đa số các chính đảng đại diện 754 dân biểu Nghị Quyết tố cáo nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp tự do ngôn luận và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Bản Nghị quyết gồm 12 phần nhận định những sự trạng đàn áp, sách nhiễu, bỏ tù khắc nghiệt các bloggers, việc cưỡng chiếm đất đai của nông dân, các luật pháp mơ hồ, dự thảo Nghị định mới về Internet gay gắt với công dân mạng, những khuyến thỉnh của LHQ tại cuộc Kiểm soát Thường kỳ Toàn diện không được Nhà nước Việt Nam chấp hành, cùng cuộc đàn áp các tôn giáo như Giáo hội Thiên chúa giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Tin Lành ; Nghị Quyết đưa ra 12 điều kêu gọi, thúc đẩy Việt Nam thực hiện việc tôn trọng nhân quyền, tôn giáo và phục hồi quyền tự do ngôn luận, tự do Internet cho nhân dân Việt Nam.

Chúng tôi tìm gặp hai vị Dân biểu thuộc hai chính đảng lớn nhất của Quốc hội Châu Âu : bà Ana Gomes thuộc Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ tại Quốc hội Châu Âu (S&D), và ông Bernt Posselt thuộc Đảng Bình dân Châu Âu (EPP) để biết thêm lý do nào hai chính đảng lớn cùng bảo trợ cho Nghị quyết vừa được thông qua.

Trước hết bà Ana Gomes phát biểu như sau :

Ana Gomes : Tôi cực kỳ quan tâm về tinh hình Việt Nam. Đây là đất nước tôi đã từng thăm viếng và ngưỡng mộ. Nhưng tôi rất âu lo trước sự kiện các nhà vận động cho nhân quyền và hoạt động dân chủ bị đàn áp tàn bạo. Tôi đặc biệt quan tâm về những biện pháp mà Việt Nam dùng để đàn áp tự do ngôn luận, cũng như sự thiếu tự do tôn giáo. Tôi quá bàng hoàng khi thấy những sách nhiễu, bắt cầm tù, và việc làm cứng họng những lời phê bình tại một xứ sở đang phát triển kinh tế. Nhưng đồng thời cũng tại đây, sự bất bình đẳng gia tăng quá nhanh. Tôi nghĩ rằng đây là lúc Quốc hội Châu Âu phải quan tâm tới Việt Nam, và đây cũng là lý do tôi đồng bảo trợ cho Nghị Quyết khẩn hôm nay.

Ỷ Lan : Bản Nghị Quyết thông qua vào lúc Liên Âu tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam. Bà có nghĩ Nghị Quyết sẽ tác động trong việc áp lực Việt Nam thực hiện nhân quyền không ?

Ana Gomes : Tôi nghĩ rằng hai phương diện nhân quyền và kinh tế sóng đôi nhau. Chúng ta càng quan hệ hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực doanh thương, kinh tế và chính trị, thì chúng ta càng phải ý thức và quan tâm, để nói lên vấn đề xã hội dân sự tại Việt Nam hiện đang bị đàn áp. Chúng ta không thể quan niệm mối liên hệ của Liên Âu với bất cứ quốc gia nào trên thế giới xây dựng trên nền tảng doanh thương hay buôn bán mà thôi, tức ly khai với nhân dân. Nhân dân luôn luôn phải ở vị thế trung tâm của các chính sách và hành động của Liên Âu. Đây là lý do vì sao tôi không thể chấp nhận những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam.

Ỷ Lan : Bà có lời gì gửi tới những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam không ?

Ana Gomes : Xin họ chớ khuất phục sự đe dọa. Chúng tôi biết rằng nhân dân Việt Nam dũng cảm – họ rất dũng cảm. Và chúng tôi cũng biết rằng khi nhân dân dám đòi hỏi tự do và dân chủ, tất nhiên họ sẽ phải đối diện với biết bao là sách nhiễu, ngay cả bị vong mạng, mất tự do. Nhưng họ chớ nản chí hay bỏ cuộc đấu tranh. Họ đừng quên rằng Quốc hội Châu Âu và toàn thể nhân dân Châu Âu hậu thuẫn họ.

Đây chính là thông điệp của bản Nghị Quyết gửi tới họ. Chúng tôi tin rằng con đường duy nhất mà Việt Nam muốn phát triển kinh tế, là cho phép quyền tự do ngôn luận và phát biểu ý kiến, đồng thời tiến tới sự tôn trọng dân chủ và nhân quyền. Đó là thông điệp khích lệ của tôi.

Châu Âu xa cách với Việt Nam, nhưng chúng tôi không hề quên nhân dân Việt đang chiến đấu cho nhân quyền, dân chủ và tự do cho đất nước Việt Nam.

Sau đó là Dân biểu Bernt Posselt cho biết vì sao ông đồng bảo trợ cho Nghị Quyết về Việt Nam hôm nay ?

Bernt Posselt : Đối với chúng tôi, điều vô cùng quan trọng để công khai nói rằng, không chỉ có một số vấn đề tại Việt Nam. Hiện đang có cuộc đàn áp tự do ngôn luận một cách có hệ thống, đàn áp tự do tôn giáo một cách có hệ thống tại Việt Nam. Phải chấm dứt ngay điều đó. Khi ta chứng kiến những án tù dài đằng đẵng, từ 10 năm tới chung thân, chúng ta không thể chấp nhận điều đó. Trước nhất, không thể nào có sự cầm tù trên nền tảng tự do ngôn luận hay tự do tôn giáo, là điều không thể chấp nhận. Thứ đến, những án tù dài như thế là bất công và không thể chấp nhận.

Trong những năm trước, tôi kêu gọi trả tự do cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, nhưng hôm nay ngài vẫn tiếp tục bị cấm cố. Tôi tiếp tục kêu gọi trả tự do cho ngài.

Ỷ Lan : Ông đặc biệt nêu vấn đề tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Đây có phải là những điều ông quan tâm nhất không thưa ông ?

Bernt Posselt : Đúng thế. Theo quan điểm của tôi, điều tuyệt đối rõ ràng Việt Nam là một trong những quốc gia vi phạm tồi tệ nhất thế giới về tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Điều này phải thay đổi. Tôi nghĩ rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng của chúng tôi. Một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, và đóng vai trò quan trọng trong vùng. Đặc biệt, một phái đoàn từ Việt Nam sẽ đến Brussels tuần tới. Tôi nghĩ rằng điều cực kỳ quan trọng phải nói ra, là chúng tôi xem họ như đối tác, trên lĩnh vực chính trị cũng như kinh tế. Kể cả việc nếu họ muốn, chúng tôi có thể hậu thuẫn họ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền năm tới. Nhưng trước hết họ phải làm tròn các tiêu chuẩn, có nghĩa là họ phải tôn trọng nhân quyền, mà hiện nay thì họ đàn áp quá dữ dội.

Ỷ Lan : Nếu Việt Nam không thực hiện nhân quyền, thì ông có ủng hộ cho họ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ hay không ?

Bernt Posselt : Hiển nhiên là không hậu thuẫn ! Chắc chắn là không hậu thuẫn ! Điều này có nghĩa là quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giối về tự do ý kiến, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo sẽ trở thành một trong những quan tòa xét xử những tự do này. Không thể có được chuyện đó. Kẻ áp bức không thể làm quan tòa.

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *