Home / FoRB / Ông Olivier Dupuis, Dân biểu Quốc hội Âu châu, tọa kháng (sit-in) tại Thanh Minh Thiền viện, Saigon, lúc 8 giờ sáng (giờ VN) ngày thứ Tư 6.6.2001

Ông Olivier Dupuis, Dân biểu Quốc hội Âu châu, tọa kháng (sit-in) tại Thanh Minh Thiền viện, Saigon, lúc 8 giờ sáng (giờ VN) ngày thứ Tư 6.6.2001

Download PDF

PARIS, ngày 6.6.2001 (PTTPGQT) – Chuyện hy hữu chưa từng xẩy ra từ 46 năm qua duới chế độ Cộng sản Việt Nam : lần đầu tiên một người Tây phương biểu dương phản kháng sự độc tài áp bức của Nhà cầm quyền Hà Nội.

Vào lúc 8 giờ sáng thứ Tư 6.6.2001, ông Olivier Dupuis đột nhập vào Thanh Minh Thiền viện tọa kháng (sit-in) để phản đối nhà cầm quyền Hà Nội đã ra quyết định quản chế 2 năm Hòa thượng Thích Quảng Độ. Ông là Dân biểu Quốc hội Âu châu, Tổng bí thư Đảng Cấp tiến Liên quốc gia. Thoạt đầu ông có dự tính sang Việt Nam tháp tùng theo chuyến đi của Phái đoàn Viện Hóa Đạo ra Quảng Ngãi rước Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang về Saigon. Ông tin tưởng chuyến đi suông sẻ, vì nghĩ rằng chính sách nhân quyền và tôn giáo của đảng Cộng sản được cải tiến sau Đại hội IX. Nhưng ông vô cùng thất vọng khi hay tin hàng trăm công an đột nhập vào Thanh Minh Thiền viện đọc lệnh quản chế 2 năm Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo, mà mục tiêu là dùng thứ luật pháp tùy tiện để ngăn cản chuyến đi Quảng Ngãi được ấn định vào ngày thứ Năm 7 tháng 6.

Dù tình hình xấu một cách thảm khốc, ông Olivier Dupuis vẫn quyết định lên đường sang Việt Nam, với dự tính vượt các hàng rào công an để vào Thanh Minh Thiền viện tọa kháng cùng với Hòa thượng Thích Quảng Độ cho đến khi nào nhà cầm quyền Hà Nội hủy lệnh 2 năm quản chế hành chánh và để cho Hòa thượng tự do lên đường ra Quảng Ngãi rước Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang về Saigon.

Trước khi rời khách sạn để đến Thanh Minh Thiền viện vào lúc 8 giờ sáng (giờ Việt Nam, tương đương 3 giờ sáng tại Paris), ông Olivier Dupuis gọi điện thoại sang Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế thông báo rằng : “Chiều hôm qua quan sát Thanh Minh Thiền viện từ xa, tôi thấy công an dày đặc. Cho tới giờ phút này tôi vẫn còn bình yên. Chưa biết tình hình sẽ ra sao. Nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận mọi bất hạnh xẩy ra cho tôi. Vì tôi muốn sự có mặt của tôi, như một công dân Tây phương ở đây, là một hành động biểu tỏ tình liên đới với mọi người Á châu nói chung và người Việt Nam nói riêng, những người đấu tranh dũng mãnh từ mấy thập kỷ qua cho sự thiết lập một Nhà nuớc pháp quyền, dân chủ và tôn trọng các quyền tự do cơ bản”.

Ông Olivier Dupuis cho biết, nhân đọc một bản Thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, hình ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang 83 tuổi, già và bệnh, tuy vẫn kiên trì và bất khuất trong cuộc đòi hỏi tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ cho đồng bào của Hòa thượng, đã đánh động tâm tư ông. Trước đây, ông từng có công lớn trong việc thúc đẩy Quốc hội Âu châu thông qua 2 Quyết nghị quan trọng để tố cáo đàn áp nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam. Quyết nghị gần đây nhất đã được Quốc hội Âu châu thông qua ngày 16 tháng 11 năm ngoái, sau khi Nhà cầm quyền Hà Nội ngăn chận Phái đoàn Cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu long của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Qua Quyết nghị này, Quốc hội Âu châu kêu gọi Hà Nội “cải tổ chính trị triệt để”, ban hành tự do báo chí, hủy bỏ án tử hình, trả tự do cho mọi tù nhân vì lương thức  – trong đó có Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang –  và để cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cùng các tổ chức Phi chính phủ tại Việt Nam được tự do cứu trợ mà không bị chính quyền kiểm soát.

Ông Olivier Dupuis quan niệm rằng kiến nghị, quyết nghị thôi chưa đủ, còn phải dấn thân không sợ hãi ngay tại các quốc gia độc tài nhất, như một nhân chứng, như một tham dự viên với kẻ bị áp bức để chia sẻ nỗi khổ đau vô cùng tận của họ. Ông đã từng sang Tchétchènie và nhiều quốc gia Liên xô cũ hay Đông âu để đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ. Cùng mục tiêu đấu tranh như thế, ông lấy máy bay từ Bruxelles, thủ đô Bỉ, nơi đặt trụ sở Quốc hội Âu châu, lên đường sang Việt Nam đầu tuần này.

Ông cũng là một trong những Dân biểu Âu châu đề cử Hòa thượng Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm 2001.

This post is also available in: English

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *