Home / Diễn Đàn / Câu Chuyện cuối Tuần / Danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đến từ đâu ? (1)

Danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đến từ đâu ? (1)

Download PDF

logo-cau-chuyen-cuoi-tuan

Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, với tất cả sự xáo trộn nát tan xẩy ra cho phong trào Phật giáo Việt Nam sau khi chế độ Xã hội Chủ nghĩa xích hóa toàn bộ Việt Nam sau năm 1975, đặc biệt với tổ chức quy mô và đại biểu, mang danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), ngày nay có số người đánh lên dấu hỏi : Phải chăng sự thống nhất của Phật giáo đã bị rã tan, phân hóa, chia rẽ tới tận cùng của sự giải thể một phong trào có tính thống nhất và lịch sử ?

Võ Văn Ái : Nếu hiểu thống nhất là sự chồng chất của những con số người mang thẻ hội viên, con số khuynh hướng các bộ phái, thì quả thực thể thống nhất bị khuấy tan theo chủ trương chống tôn giáo và phi tôn giáo của người Cộng sản vô thần phương Tây.

Nhưng chữ thống nhất trong danh xưng GHPGVNTN không mang nghĩa số lượng, mà mang nghĩa phẩm chất của đạo Phật Việt ? Số lượng có thể tan rã, chia xé, tranh chấp. Nhưng phẩm chất thì không. Phẩm chất là tiến trình thăng hoa, từ thấp đến cao, từ thủ cựu vươn lên tiến bộ để thích nghi thời đại trong mục tiêu cứu người của Phật giáo.

Triều Thanh : Như vậy, phẩm chất của hai chữ thống nhất qua danh xưng GHPGVNTN nghĩa là gì, xin ông giải thích rõ hơn ?

Võ Văn Ái : Trước hết ta cần biết danh xưng GHPGVNTN đến từ đâu, và lúc nào ? Đọc sử ta biết cách đây mười thế kỷ, thời Đinh, vua ban chức Tăng Thống cho Quốc sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu. Có Tăng Thống tức có sự tập trung đông đảo của chư Tăng, có sự hiện diện của tổ chức tăng đoàn và giáo hội.

Thế nhưng mười thế kỷ sau, dưới thời Pháp thuộc, Dụ số 10 do vua Bảo Đại ký, đặt Phật giáo vào quy chế hiệp hội, hội đoàn, chứ không là tôn giáo. Thời ấy, chỉ riêng Công giáo được hiện hữu như một giáo hội tôn giáo. Dụ số 10 tiếp tục áp dụng đối với Phật giáo dưới thời Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Không may cho Phật giáo và dân tộc, là có sự kỳ thị tôn giáo, và bất bình đẳng tôn giáo suốt 9 năm nhà Ngô chấp chính dưới thời Đệ nhất Cộng hòa. Đây là một thực tế lịch sử, chứ không là nhận định theo từng quan điểm. Khiến cho hàng vạn Phật tử trở thành nạn nhân của sự đày đọa tại các khu Dinh điền hoặc thông qua Ban Tuyên giáo Cộng giáo Tiến hành, hàng trăm Phật tử bị thủ tiêu, và khoảng hai nghìn bị bắt buộc bỏ đạo Phật tại miền Trung.

Tình trạng kỳ thị này được Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Pháp chủ Giáo hội Tăng già Trung phần, báo động qua thư gửi Tổng thống Ngô Đình Diệm và Quốc hội Đệ nhất Cộng hòa ngày 20 tháng 2 năm 1962, kèm theo hồ sơ 50 trang ghi rõ chi tiết những cá nhân, những Khuôn hội Phật giáo bị kỳ thị và các kẻ chủ động thảm sát Phật tử tại các tỉnh Tuy Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, v.v… Thư gửi bằng đường bưu điện, và được một vị Dân biểu Phật giáo đưa đến tận tay Tổng thống Diệm.

Trong thư, có đoạn Hòa thượng Thích Tịnh Khiết viết rằng :

“Kính thưa Tổng Thống,

“Chúng tôi nghĩ rằng dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa do Tổng thống lãnh đạo, nền tự do tín ngưỡng đã được Hiến Pháp minh định, được Tổng Thống và Quốc hội nhiều lần xác nhận, thế mà những hành động bất công được nuôi dưỡng ở hạ tầng, đi ngược lại chủ trương của Chính phủ, chia rẽ khối Đại Đoàn kết của toàn dân. Nỗi bất bình oan ức của hàng hội hữu tín đồ Phật giáo chúng tôi không xiết tả.

“Chính sách Di Dân tốt đẹp đang bị lợi dụng và thi hành một cách hết sức lệch lạc, Hiến pháp đang bị vi phạm. Những sự kiện trên sẽ đem lại hậu quả vô cùng tai hại cho đường lối của Chính phủ dù sự lãnh đạo sáng suốt của Tổng Thống (…) Kính mong Tổng Thống công minh xét đoán gấp những nguyện vọng khẩn thiết trên cho hàng Phật tử chúng tôi”.

Tiếc thay, thư khẩn thiết và hồ sơ minh chứng của Phật giáo không được Tổng Thống Diệm hay Quốc hội hồi âm, cứu xét. Đưa tới giọt nước làm tràn ly vào tháng 5 năm 1963, khi Phật giáo không thể làm gì khác hơn là mở đầu cuộc đấu tranh tự vệ nhắm mục tiêu yêu sách bình đẳng tôn giáo. Việc sau đó ai cũng biết, không cần thiết đi sâu vào chi tiết của 6 tháng vận động qua phản ứng tự vệ của Phật giáo đồ.

Trên kia tôi nhắc Dụ số 10 như đầu mối kỳ thị tôn giáo tại Việt Nam. Đồng thời hiểu thêm sự kiện Phong trào Chấn hưng Phật giáo từ những năm 20 đầu thế kỷ XX, các tổ chức Phật giáo lần lượt ra đời từ Nam Trung Bắc, tất cả đều phải mang danh xưng Hội đoàn như Hội Nghiên cứu Phật học, Hội Lưỡng Xuyên Phật học ở miền Nam, Hội Phật học Trung kỳ, Hội An Nam Phật học ở miền Trung, Hội Phật giáo Bắc kỳ ở miền Bắc, v.v… Mãi tới tháng 5 năm 1951, Phật giáo toàn quốc Bắc Trung Nam quyết tâm tiến tới việc thống nhất Phật giáo họp nhau tại Chùa Từ Đàm Huế với 3 tập đoàn Tăng Già và 3 tập đoàn Cư sĩ, nhưng danh xưng vẫn nằm trong quy chế Hiệp hội : gọi là Tổng hội Phật giáo Việt Nam, là chủ lực và tiền thân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Cuộc đấu tranh đòi hỏi bình đẳng tôn giáo chấm dứt vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 qua cuộc đảo chánh của giới quân lực Việt Nam Cộng hoà. Sang thời Đệ nhị Cộng hoà, Dụ số 10 mới bị bãi truất đối với Phật giáo.

Một Đại hội Phật giáo toàn quốc ở phía Nam được tổ chức tại Chùa Xá Lợi, Saigon, từ ngày 31 tháng 12 năm 1963 đến ngày 4 tháng giêng 1964, danh xưng giáo hội của Phật giáo mới được chính thức ra đời, với tên GHPGVNTN cùng bản Hiến chương đầu tiên của Giáo hội nói rõ lập trường nhân loại và dân tộc của Phật giáo với quá trình lịch sử hai nghìn năm.

Chữ thống nhất trong danh xưng GHPGVNTN, hiển nhiên là sự quy tụ hòa hài tại Đại hội của 11 tổ chức, bộ phái của Phật giáo thời bấy giờ.

Nhưng ý nghĩa chính và công trình của chữ thống nhất trong danh xưng, là thống nhất hai trường phái chính yếu của Phật giáo thế giới. Đó là truyền thống Bắc tông, cũng gọi là Đại Thừa (Mahayana), và Nam tông tức Nguyên Thủy (Theravada), có lúc gọi là Tiểu thừa (Hinayana).

Đây là nỗ lực đặc thù của Phật giáo Việt Nam thống nhất giáo lý Phật Đà trong việc Tịnh Phật quốc độThành tựu chúng sinh, chưa hề xẩy ra cho Phật giáo trên thế giới trước đây.

Đồng thời, ở điều 5, chương 3 của Hiến chương GHPGVNTN quy định “thành phần của GHPGVNTN gồm Tăng sĩ và Cư sĩ thuộc Bắc tông và Nam tông chấp nhận bản Hiến chương này”, cho ta thấy nỗ lực thống nhất tứ chúng (bao gồm hai giới Tăng, Ni, và hai giới Nam Cư sĩ và Nữ cư sĩ), đạo và đời. Từ đó, giới Cư sĩ không còn bị xem khinh, nếu không là kỳ thị, phát khởi từ thời Phật giáo tu viện hai nghìn năm trước, hay thành kiến luân lưu trong một số Phật tử ngày nay.

Triều Thanh : Ông có thể cho biết ảnh hưởng cuộc đấu tranh tự vệ của Phật giáo năm 1963 với sự ra đời của một tổ chức hoàn chỉnh GHPGVNTN có mang lại ảnh hưởng gì trong đời sống cận đại Việt Nam giữa hai miền Nam Bắc ?

Võ Văn Ái : Nói cho dễ hiểu và tổng quát, thì trong bối cảnh bị xâm lược, chiến tranh thế giới, rồi chiến tranh huynh đệ Việt Nam làm điêu linh xã hội, thì ảnh hưởng cận đại căn bản là tâm tư người Phật tử Việt Nam biến thành thái độ chính trị để rộ nở ra trong văn học nghệ thuật. Đỉnh mốc ảnh hưởng Phật giáo trong lòng dân tộc rõ nét nhất từ 1963 trở đi. Một sinh thức mới phi nhị tướng cũng gọi là bất nhị (Non duality) xuất hiện trong văn học và tư tưởng nhằm hóa giải cuộc khủng hoảng tư tưởng của Tây phương, mà tranh cãi ý thức hệ hoá thân bằng chiến tranh như tiền đề sụp đổ của nền văn minh Tây phương mà ta đang chứng kiến trong thế kỷ XXI này.

Trên phương vị dân tộc, thì biến động Phật giáo năm 1963 là tiếng sét thức tỉnh giới lý thuyết gia mác-xít ở miền Bắc.

Triều Thanh : Có chuyện ấy sao ? Ông có thể khai triển cuộc diện mới mẻ này ?

Võ Văn Ái : Một nhà ngoại giao thời ấy, Giám đốc Vụ Đông Nam Á Bộ Ngoại giao Pháp, tiết lộ cho tôi biết, thoạt đầu khi biến động Phật giáo Huế bộc phát tháng 5 năm 1963, thì Hà Nội vẫn mơ tưởng và đánh giá như một phong trào đô thị tự phát “chống Mỹ Diệm” do Xứ ủy Miền Nam của Đảng Cộng sản, là Mặt trận Giải phóng Dân tộc Miền Nam thúc đẩy.

Nhưng sau 3 tháng quan sát, thì Hà Nội mới giật mình tỉnh thức trước một phong trào quần chúng Phật giáo lớn rộng không nằm trong tầm tay ảnh hưởng hay giật dây của Đảng, tức Mặt trận, và họ tỏ ra khá lo ngại.

Trong đấu tranh chính trị, nhận thức người Cộng sản thường khởi sự bằng sự nghiên cứu cơ bản đối tượng, để phác hoạch sự đối trị.

Cho đến thời gian ấy, các bài nghiên cứu ở miền Bắc về Phật giáo chỉ quanh quẩn trên lĩnh vực văn học, thi ca, tư liệu lịch sử. Đột nhiên, lý thuyết gia của chế độ xuất hiện, lên vũ đài nghiên cứu nhằm đánh giá một lực lượng quần chúng có tầm vóc chính trị ở miền Nam, là phong trào Phật giáo, mà Hà Nội bắt đầu thấy nguy cơ đối đầu trong tương lai với nhà nước Cộng sản.

Lý Thuyết gia này là ông Trần Văn Giàu. Bài viết ký tên thật hoặc qua các bút danh Gió Nồm, MN, Tầm Vu. Ông đăng một loạt bài về Phật giáo trên báo Nghiên cứu Lịch sử dưới các tựa đề bám sát cuộc đấu tranh của Phật giáo Miền Nam từng tháng một, để lèo lái lý luận nhằm “chứng minh” Mặt Trận Giải Phóng Dân tộc Miền Nam “lãnh đạo” cuộc đấu tranh của Phật giáo. Thực tế, Phật giáo chẳng ăn nhập gì với chủ trương hay ảnh hưởng Cộng sản của Mặt trận hay Bắc Việt.

Theo dõi thời sự cuộc đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam năm 1963, ông tviết một bài dài mang tên “Phong trào đô thị, phong trào Phật giáo, Đàn áp dã man của Mỹ Diệm” đăng trên báo Nghiên cứu Lịch sử, sau in vào bộ sách “Miền Nam Giữ Vững Thành Đồng” (tập II, phát hành tại Hà Nội ngày 6.10.1966). Dù mưu mô “cột” Phật giáo với Mặt trận, nhưng một câu viết của ông Giàu trong bài này cho thấy sự thất bại của Mặt Trận trong việc tiếp cận trịch thượng, nhưng chẳng được Phật giáo để ý qua tiết lộ của ông Giàu :

“Những lời kêu gọi, những điều hướng dẫn của Ủy ban Trung Ương Mặt Trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ngày 14 tháng 5 và ngày 22 tháng 8 [năm 1963]chưa có điều kiện (chúng tôi nhấn mạnh) để hàng ngũ Tổng Hội Phật Giáo [Việt Nam] nhận thức được tầm quan trọng và thưc hiện một cuộc thống nhất hành động chống kẻ thù chung” (Miền Nam Giữ Vững Thành Đồng, tập II, tr. 360).

Hai thiên khảo cứu quy mô, nhưng lêch lạc về lý luận, của ông Trần Văn Giàu mang tựa đề dài “Phong trào Chấn hưng Phật giáo” và các vấn đề tư tưởng Triết học mà phong trào ấy đã nêu lên ở nước ta trong thời kỳ lịch sử giữa hai cuộc chiến tranh thế giới” đăng trên hai số báo Nghiên cứu Lịch sử số 139 (tháng 7 và 8 năm 1971), và số 140 (tháng 9 và 10 năm 1971). Sau này, đưa in vào sách “Hệ ý thức Tư sản và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử” ấn hành tại Hà Nội ngày 30.3.1975.

Sự giật mình tỉnh thức trước một tôn giáo có đóng góp văn hiến và đồng hành cùng dân tộc suốt hai nghìn năm lịch sử Việt Nam, nay mới được người Cộng sản vội vàng học tập, tìm hiểu, và đánh giá. Dẫn nhập bài viết, ông Giàu nói lên một sự trạng mà từ người Cộng sản đến ngưới Quốc gia ít khi nghĩ tới. Ông Giàu nhận thức :

“Không thể không chú ý rằng, trong thời gian lịch sử này, các giáo phái là yếu tố khá nổi bật của cục diện xã hội, của thời thế, lắm khi còn to hơn là một đảng phái chính trị.

“Thuở đó, tại xứ ta, ngoài Đảng Cộng sản Đông Dương ra thì không có chính đảng nào có thể so sánh được với các giáo phái chính về mặc số lượng quần chúng, hệ thống tổ chức, và hoạt động tư tưởng.

“Hoạt động của các giáo phái đặc biệt là của Phật giáo lúc này, đặt ra nhiều vấn đề tư tưởng triết học và kích thích nhiều cuộc tranh luận về lý thuyết còn hơn là các hoạt động của các chính đảng tư sản hay tiểu tư sản”.

Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.

Bài 2 >>>

Check Also

Nói về hai chữ Tự thiêu của Bồ Tát Thích Qảng Đức

“Câu Chuyện Cuối Tuần” là một đề mục của Đài Phật giáo Việt Nam phát …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *