Lời giới thiệu : Sau sự biến Nguyên Thiều và Lương Sơn đầu tháng 10 năm ngoái, 2003, chư vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị Nhà cầm quyền cộng sản đàn áp, bắt bớ rồi quản chế hành chính. Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang bị dẫn độ về quản chế bằng khẩu lệnh tại Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Ðịnh, còn Hòa thượng Thích Quảng Ðộ thì bị quản chế bằng khẩu lệnh tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon. Cả hai Ngài đều bị nhà đương quyền vu cáo “tàng trữ tài liệu bí mật Nhà nước”, nhưng một năm hơn không hề xét xử hay trưng bằng cớ về sự vu cáo ấy. Cuối tháng 10 vừa qua, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, viết thư cho lãnh đạo Ðảng và Nhà nước ở Hà Nội yêu cầu làm sáng tỏ vấn đề này. Nhưng từ ấy đến nay chưa có phản hồi.
Một sự kiện quan trọng có tầm vóc quốc tế, là Phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ do bà Elizabeth Dugan, Trợ lý Ngoại trưởng Ðặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, cầm đầu cùng với ông Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Saigon, tất cả gồm 6 người, đến Thanh Minh Thiền viện thăm Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Cuộc gặp gỡ thân tình và huynh đệ kéo dài gần hai tiếng đồng hồ chiều chủ nhật 21.11.2004. Cùng buổi chiều ấy, tân Ðại sứ Hoa Kỳ Michael W. Marine cùng phu nhân đến Bệnh viện Ða khoa ở Quy Nhơn thăm Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang lâm trọng bệnh.
Sang sáng thứ hai, 22.11, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cầm đầu Phái đoàn Viện Hóa Ðạo lên đường ra Quy Nhơn thăm bệnh Ðức Tăng thống. Nhưng công an Saigon chận xe không cho phái đoàn đi. Trước những biến động dồn dập ấy, nhà báo nhà văn Ỷ Lan đã tìm cách gọi dây nói viễn liên về Saigon phỏng vấn Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo về hai sự biến nói trên. Bài phỏng vấn đã được Ðài Á châu Tự do phát về Việt Nam và qua các châu lục nhiều lần trong các ngày 21, 22, 23.11.2004. Ðài Radio Bolsa cũng đã tiếp vận cuộc phỏng vấn trong các chương trình phát tại bang California và Hoa Kỳ ngày 24.11.2004.
Ðây là lần đầu tiên Hòa thượng Thích Quảng Ðộ lên tiếng sau hơn một năm im lặng. Ngoài thông tin về cuộc gặp gỡ với Phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hòa thượng còn đề cập đến tình hình Phật giáo trong nước, công cuộc dân chủ hóa đất nước, Pháp lệnh tôn giáo mà Hà Nội vừa ban hành, hay khả năng ngồi lại với Giáo hội Phật giáo Việt Nam nếu Giáo hội này thoát ly Mặt trận Tổ quốc và bàn tay chính trị sử dụng. Xin mời quý bạn đọc lắng nghe tiếng nói bất khuất nhưng chân tình của vị Cao tăng Phật giáo mà chúng tôi ghi lại nguyên văn dưới đây.
Ỷ Lan : Kính bạch Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, chúng con được tin là một phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa đến vấn an Hòa thượng tại Thanh Minh Thiền viện. Xin Hòa thượng hoan hỉ xác nhận việc này. Và nếu đúng, thì xin Hòa thượng cho biết mục đích cùng nội dung cuộc gặp gỡ.
HT. Thích Quảng Ðộ : Vâng, hôm nay vào lúc 14 gờ 30 một Phái đoàn trong đó có bà Elizabeth Dugan đặc trách về các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và người cố vấn cao cấp của bà là Susan Williams O’Sullivan cùng với ông Tổng lãnh sự Hoa Kỳ với vài ba nhân viên trong tòa Tổng lãnh sự đi cùng với bà đến Thanh Minh Thiền viện thăm tôi. Cuộc gặp gỡ rất là vui vẻ và phái đoàn cũng bày tỏ rất là hiếm khi được đến thăm như thế này. Tôi có trình bày một số vấn đề về hiện trạng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nói ra, thì cũng chẳng có gì thay đổi. Gần 30 năm nay, Giáo hội vẫn ở trong tình trạng bấp bênh và càng ngày có thể nói là càng trầm trọng hơn. Không có gì sáng sủa. Mặc dầu vậy, tôi cũng nói với phái đoàn, chúng tôi vẫn cố gắng hết sức làm thế nào để đòi hỏi cho được quyền pháp lý sinh hoạt lại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ðòi hỏi ấy hợp tình hợp lý thôi, chứ không có gì quá đáng. Cho nên, chừng nào mà chúng tôi thấy chưa được như ý thì chúng tôi tiếp tục cuộc vận động và trong cuộc vận động ấy thì chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ của dư luận quốc tế, những cá nhân, những tổ chức cũng như các chính phủ tôn trọng tự do, nhân quyền, tín ngưỡng của mọi người. Cho nên, chừng nào chưa đạt được mục đích, chúng tôi tiếp tục cuộc vận động của chúng tôi tới khi nào thành đạt. Trong cuộc vận động ấy, dĩ nhiên chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ của quốc tế về mặt dư luận, hay là làm thế nào để chính quyền Việt Nam nghe cái nguyện vọng thiết tha của những người có tín ngưỡng tôn giáo trên đất nước Việt Nam.
Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng, thái độ và phản ứng của phái đoàn Hoa kỳ như thế nào sau cuộc tiếp xúc này ?
HT. Thích Quảng Ðộ : Theo chúng tôi biết ngay lúc đó họ rất hoan hỉ và cũng hứa như trước đây đã nhiều dịp lên tiếng can thiệp với Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) và họ sẵn lòng tiếp tục để giúp đỡ về mặt dư luận, làm cho dư luận quốc tế quan tâm hơn nữa. Nhất là họ nhắc đến vấn đề gần đây Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đặt Việt Nam vào danh sách các nước “cần quan tâm đặt biệt”. Họ cho biết với quyết định như vậy họ hy vọng Nhà nước CHXHCNVN bây giờ sẽ quan tâm hơn trước đây. Bởi vì quyết định đó rất quan trọng. Nếu không có gì thay đổi, không có gì cởi mở thêm, tất nhiên họ phải đi tới, họ sẽ có những biện pháp khác. Tôi không biết biện pháp đó là biện pháp gì, nhưng mà họ có nói thế.
Ỷ Lan : Hòa thượng nghĩ sao về sự kiện Việt Nam bị Hoa Kỳ kiệt kê vào danh sách “các quốc gia cần đặc biệt quan tâm” ?
HT. Thích Quảng Ðộ : Tôi rất có hy vọng. Bởi vì mình thì không muốn gì nặng nề hay quá đáng xẩy ra liên quan đến mục đích của quyết định đó. Thế nhưng hy vọng Nhà nước Việt Nam… đó là một tín hiệu mà Nhà nước CHXHCNVN nên quan tâm. Nếu để cái việc mà họ buộc lòng phải làm theo quyết định đó, nó cũng hơi phức tạp, có thể thiệt thòi cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Nên tôi hy vọng với thiện chí và nếu mà có lòng yêu dân yêu nước thật sự, thì tại sao mình không lắng nghe cái nguyện vọng của dân mình, mà phải để cho nước ngoài, dư luận bên ngoài dòm ngó, và lên tiếng thay mình, bênh vực người dân của chính mình ? Cái đó là cái xấu hổ. Nếu mà họ còn chút lương tri hay liêm sỉ thì sẽ thấy rất nhục nhã cho một đất nước. Tại sao mình cai trị dân tộc mình, đất nước mình, mà phải để cho người ngoài bênh vực cho người dân của mình ? Cái đó tôi thấy rất là xấu hổ.
Tôi hy vọng rằng Nhà nước CHXHCNVN nên quan tâm lắng nghe tiếng nói tha thiết từ đáy lòng của người dân Việt Nam. Có thế nào thì dân mới kêu chứ, không phải tự nhiên vô cớ thì họ kêu làm cái gì ? Ðừng có nên trách người dân, bởi vì đa số thật sự, tôi nói thật với phái đoàn, rằng đa số người dân muốn nói mà không dám nói. Không phải không muốn nói, mà không “dám nói” ! Nói ra thì rất phiền hà có thể tai họa đưa đến cho bản thân người nói. Cái chuyện ấy, tôi nói, chắc quý vị đã nghe qua báo chí, đài phát thanh, đã biết điều đó. Tôi chỉ hy vọng là chính Nhà nước CHXHCNVN làm thế nào nâng được đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc Việt Nam cho ngang bằng với các nước thuộc vùng Ðông Nam Á. Chưa dám nói bằng các nước văn minh, dân chủ thực sự.
Ðiều kiện tiên quyết muốn được như vậy là phải có tự do, dân chủ thật sự. Họ sợ là nếu có tự do, dân chủ thì họ mất quyền hay sao ? Không phải. Họ dám làm không ? Họ dám làm mới thấy kết quả. Tôi thấy ngay hiện giờ các Ðảng cộng sản ở các nước Ðông Âu cũ bây giờ đều chấp nhận đa đảng, mà người ta vẫn còn bỏ phiếu cho đảng Cộng sản. Chỉ sợ mình không có chính nghĩa, không thật sự có tâm huyết với dân tộc thôi. Chứ sợ gì mất quyền. Ðấy, như đảng Cộng sản Ba Lan, Tiệp Khắc thì bây giờ đa số dân chúng người ta cũng bỏ (phiếu) cho đảng Cộng sản. Ða số chứ không phải tuyệt đối. Các đảng phái khác cũng được quyền tham dự như vậy. Tôi thấy làm như thế hay hơn. Nếu đảng Cộng sản có tài có đức, làm nhiều ân nghĩa cho dân tộc thì tất nhiên (dân) họ chọn đảng Cộng sản, họ thích đảng Cộng sản cầm quyền để hướng dẫn dân tộc đi đến mục đích thật sự là hạnh phúc, tự do. Ðừng sợ có tự do, dân chủ là mình mất quyền. Không đâu. Người dân bây giờ tinh tường lắm, dân trí bây giờ lên cao lắm. Ai có công, ai thật sự vì dân, vì nước, người ta biết. Vậy nếu đảng Cộng sản thật sự vì dân vì nước, từ nửa thế kỷ nay họ cứ nói như thế, thì họ cứ cho người khác tham gia xem nào. Không sung sướng gì bằng, không hạnh phúc gì bằng, khi những người làm chính trị được chính người dân tin tưởng giao quyền cho. Chẳng hạn Tổng thống, Thủ tướng ở các nước văn minh dân chủ đấy, họ trao quyền cho một cách công bằng, cho tuyển cử tự do. Những người cầm quyền như thế mới hãnh diện. Chứ không phải là cứ bắt ức người ta, bắt ép người ta bỏ (phiếu) cho mình, buộc phải bỏ (phiếu) cho mình. Cái đó không sung sướng gì.
Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng, Quốc hội Việt Nam mới thông qua Pháp lệnh về tôn giáo và được áp dụng kể từ ngày 15.11 này. Nếu có thể xin Hòa thượng cho biết ý kiến ?
HT. Thích Quảng Ðộ : Cái đó thì có những 6 chương và 41 điều, nó dài lắm. Nói nhiều, nhưng tôi xin tóm tắt như thế này, cái đó nó chẳng nới lỏng tự do tín ngưỡng gì hết, mà thắt chặt thêm. Thắt chặt những người có tôn giáo, có tín ngưỡng thêm nữa.
Thứ nhất, chẳng hạn như trước đây chưa có quyết định đó thì, không nói các tôn giáo khác mà riêng Phật giáo thôi, tín đồ Phật giáo, các Phật tử muốn làm lễ cầu an, cầu siêu ở nhà, thì đến chùa thỉnh các Thầy về tụng kinh, niệm Phật ở nhà. Nhưng bây giờ không được. Bây giờ những hoạt động như thế chỉ được thực hiện trong các cơ sở thờ tự tôn giáo, tức là chùa chiền, nhà thờ, thánh thất. Như vậy là bây giờ ở tại gia muốn mời sư đến tụng kinh, niệm Phật, cầu an, cầu siêu như tôi nói, là phải xin phép. Bởi vì cái chế độ ở đây là chế độ xin – cho, mà mình xin thì tùy quyền người cho. Họ cho mới được, không cho thì thôi. Mà cái vấn đề xin – cho ở đây rất là phiền hà. Tôi lấy thí dụ ngay bản thân Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một thành viên là Thượng tọa Thích Hải Tạng ngoài tỉnh Quảng Trị. Bây giờ các sư Giáo hội Nhà nước có cán bộ Mặt trận đi theo vào từng nhà dân ở tại xã đó cấm họ không được mời Thầy Hải Tạng đến tụng kinh, làm lễ. Ðấy là chuyện trước đây. Rồi họ bảo không được đến chùa Thầy mà tu. Ai muốn cho con đi tu thì phải đến chùa Nhà nước, chùa các sư nhà nước, chứ không đến chùa đó. Ðó cũng là chuyện thời trước. Chứ bây giờ càng thắt chặt hơn nữa. Có cái Pháp lệnh tôn giáo mới này thì lại càng thắt chặt hơn nữa.
Tôi bảo đó là cái thòng lọng treo cổ, muốn siết lúc nào cũng được. Chứ có tự do, hay mở rộng, hay nới gì đâu.
Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng, bản thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế cho biết là Hòa thượng sẽ lên đường ra Bình Ðịnh thăm Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang bị bệnh nặng và đang nằm ở bệnh viện Quy Nhơn. Xin Hòa thượng cho biết lúc nào thì Hòa thượng lên đường ? Ðây sẽ là lần đầu tiên Hòa thượng rời Thanh Minh Thiền viện, kể từ khi bị bắt vào tháng 10 năm ngoái, nghĩa là sau hơn một năm bị Nhà cầm quyền quản chế bằng khẩu lệnh, phải không thưa Hòa thượng ? Hòa thượng có tin là sẽ lên đường bình an hay sẽ bị công an ngăn cấm ?
HT. Thích Quảng Ðộ : Dạ thưa đúng rồi. Hôm nghe Ðức Tăng thống bị bệnh đưa vào bệnh viện là tôi phải đi ngay chứ. Nhưng vì ngày hôm qua, thứ bảy, là ngày tôi phải đi tái khám vì hết thuốc rồi. Ði tái khám, lấy thuốc đầy đủ để đi, nên ngày thứ bảy hôm qua không đi được. Nhưng hôm nay lại có tin Phái đoàn Hoa Kỳ, như chị vừa biết đấy, đến thăm vào lúc 14 giờ 30 vừa rồi. Cho nên lại cũng phải hoãn ngày hôm nay. Tôi định sáng sớm ngày mai, thứ hai, là tôi đi. Bởi vì Ðức Tăng thống năm nay tám mươi mấy tuổi rồi, bệnh nặng như thế, mà tôi lại là Viện trưởng Viện Hóa Ðạo mà không đi sao được. Cái đó là cái tình nghĩa, cái đạo lý của người tại gia, chứ không cứ gì vị sư tu đạo Phật đâu, thì dĩ nhiên tôi phải đi. Nhưng vì kẹt như tôi đã nói.
Vừa đây, khi Phái đoàn Hoa Kỳ vừa ra khỏi Thanh Minh Thiền viện, thì một người dưới nhà lên báo ngay cho tôi biết là có văn thư của Ủy ban Nhân dân Quận Phú Nhuận đến triệu tập tôi 8 giờ sáng mai phải ra quận để họ… chưa biết bàn việc gì, và buộc tôi phải ký cái sổ đưa thư đó, hoặc cho người đại diện ký vào nhận thư. Tôi bảo tôi không ký và cũng không ai có quyền thay tôi ký cả. Bởi lẽ sáng sớm mai tôi dự định rồi, tôi phải ra Bình Ðịnh thăm Ðức Tăng thống.
Ðó là chuyện mới nhất xẩy ra đây, chưa biết cuộc hành trình của tôi ngày mai ra Bình Ðịnh như thế nào, mình chưa biết được. Ðể xem sáng mai ra sao. Nhưng tôi nghĩ rằng đây thuộc về vấn đề nhân đạo thuần túy. Không nói trong đạo, ngoài đời cũng thế, cha mẹ thập tử nhất sinh, huynh trưởng thập tử nhất sinh, mà bây giờ không được quyền đi thăm cha mẹ à, giả dụ như vậy. Cái đó là cái không thể nào tưởng tượng được. Nếu bị ngăn cản, thì Nhà nước này sẽ bị lên án là vô nhân đạo. Tôi tin tưởng như thế cho nên ngày mai tôi quyết định tôi lên đường.
Ỷ Lan : Xin Hòa thượng một câu hỏi chót, Hòa thượng có điều gì muốn nói thêm hay nhắn nhủ điều gì với Phật giáo đồ và đồng bào trong và ngoài nước ?
HT. Thích Quảng Ðộ : Trước sau như một, lúc nào cũng thế, nhân tiện tôi nhờ làn sóng của Ðài gửi đến toàn thể chư Tăng, Ni, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong nước cũng như ngoài nước, tùy theo khả năng, tùy theo hoàn cảnh, làm được cái gì để vận động làm sao, góp phần vận động làm sao cho sự phục hoạt của Giáo hội mau được thành tựu. Luôn luôn quan tâm việc đó. Dốc lòng theo đuổi cuộc vận động ấy cho đến cùng, bằng cách này hay cách khác, mà tuyệt đối tuân thủ pháp luật và bất bạo động để mong sao cho Giáo hội được sinh hoạt lại. Thế thôi. Bởi vì đây là Giáo hội truyền thống từ ngàn xưa như thế, chứ mình không đòi hỏi gì quá đáng.
Gần đây, qua Ðại hội III của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, có công bố một “Tài liệu Mật” mà tôi được biết. Ðó là một toan tính của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhằm xóa sổ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ngay từ 1975 chứ không riêng bây giờ. Như vậy, gần 30 năm qua họ tìm đủ mọi thủ đoạn, mạnh khóe để tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà chưa được. Rồi để cho việc làm của họ, họ gọi là “làm theo lẽ phải”, họ lên án chúng tôi là cấu kết “những thế lực thù địch bên ngoài” để “làm chính trị”, để “mưu đồ lật đổ”… đủ thứ. Nhưng tôi hy vọng rằng, bây giờ công bố tài liệu ấy thì chính Nhà nước này có manh tâm, tìm cách dùng thủ đoạn “vừa đánh vừa kéo”, gài những “đặc tình” vào trong Giáo hội. Cái đó rõ ràng quá, không chối cãi gì được. Vậy tất cả những vận động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất gần 30 năm qua, đó chỉ là một cách tự vệ, chứ không có mưu đồ gì ngoài việc đó.
Vậy bây giờ nếu muốn cho tình hình Phật giáo Việt Nam được ổn định và công việc Giáo hội đi vào chiều hướng ổn định, thì yêu cầu Nhà nước CHXHCNVN trả lại pháp lý cho Giáo hội, cho Giáo hội sinh hoạt lại bình thường. Khi ấy Giáo hội sẽ liên lạc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tìm cách ngồi lại với nhau để giải quyết mọi vấn đề. Nếu Nhà nước có thiện chí, thiện tâm muốn cho Phật giáo nói chung và Giáo hội nói riêng giúp một tay vào những việc giải quyết bao nhiêu vấn đề của xã hội.
Như tôi đã nói trong bản “Nhận định” của tôi, Nhà nước đừng có tưởng rằng có nhà tù, có quân đội, có công an, có đủ thứ, là làm được tất cả mọi việc đâu ! Không có một Nhà nước nào làm được việc đó.
Mà tôi thấy lạ, bây giờ Nhà nước này la làng là nạn tham ô, tham nhũng rất trầm trọng thành một Quốc nạn rồi. Nhưng khi người ta lập hội để giúp Nhà nước, giúp Ðảng giải quyết vấn đề tham ô nhũng lạm thì Nhà nước lại bắt (người ta). Rồi bây giờ đây cái đạo đức xã hội cũng xuống cấp thảm hại, thì vai trò tôn giáo từ ngàn xưa đến giờ luôn giúp phát triển đạo đức luân thường cho đạo lý dân tộc. Tất cả trên thế giới, tôn giáo đều có vai trò đó, có thể làm được việc đó. Nhưng mà làm, thì Nhà nước lại không cho làm. La làng như vậy mà rồi để thanh niên nam nữ lâm cảnh trụy lạc này khác. Vai trò tôn giáo cần thiết trong việc đó, như là đoàn Gia Ðình Phật tử chẳng hạn, trước nay chỉ nhằm giáo dục thanh thiếu niên để tránh được chừng nào hay chừng đó những tệ nạn xã hội, thì Nhà nước lại không cho sinh hoạt. Muốn sinh hoạt thì phải gia nhập cái Giáo hội Nhà nước thì mới được sinh hoạt. Tôi nói nôm na nó buồn cười lắm. Thật sự là mâu thuẫn, thấy nhà mình cháy bừng bừng, sợ quá la làng. Nhưng người ta vào ta cứu chữa cháy, thì lại gạt người ta ra, không cho làm : sợ mất nhà ! Buồn cười. Ấy, cái tình trạng như vậy đấy.
Cho nên bây giờ, Tăng, Ni, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, trong nước cũng như ngoài nước, phải một lòng một dạ với nhau vận động cho được cái sự sinh hoạt hồi phục của Giáo hội, làm thế nào góp phần vào những việc ấy, làm cho bớt những tệ nạn xã hội đi. Mà cái đó không thể một mình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất làm được, mà phải hợp tác với Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Nhà nước lập ra, nếu Nhà nước bây giờ chịu đặt cái Giáo hội Phật giáo, giải phóng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra khỏi Mặt trận Tổ quốc, ra khỏi cái Ủy ban Tôn giáo Trung ương của Nhà nước. Cho chúng tôi hồi phục lại, nhất định chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau một cách êm thắm. Nhà nước đừng can thiệp vào. Cái rắc rối của Phật giáo Việt Nam nói chung, từ 1981 đến giờ, là tại vì Nhà nước can thiệp và chia rẽ chúng tôi ra. Cùng một nhà, cùng một anh em, mà giờ biến thành kẻ thù. Tôi nói kẻ thù, là nói tương tự như từ ngữ ngoài thế gian. Thực là, không ai còn nhìn mặt ai được nữa. Thế mà Nhà nước cứ thường kêu gọi đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, mà sao chính Nhà nước chia rẽ làm mất đoàn kết chứ nhân dân ai làm mất đoàn kết đâu.
Tôi hy vọng Nhà nước nghe cái cuộc phỏng vấn hôm nay, để nghĩ lại xem hành động của mình, thái độ của mình đối với Phật giáo Việt Nam từ 75 đến giờ như thế có đúng đắn không ? Mà có lợi không ? Có lợi hay có hại ? Bây giờ cái lợi cho Nhà nước là Nhà nước dùng cái Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm tay sai, bảo họ cái gì họ phải làm cái đó. Thậm chí cái Ðàn giới thiêng liêng, thanh tịnh như thế, mà biến nó thành cái trường tranh đấu chính trị hoan hô đả đảo. Cái chuyện đó cả thế giới biết rồi. Vừa rồi đây này, cái Ðàn giới tại cái chùa Phổ Quang gọi là Ðàn giới Thiện Hòa mới mấy tháng nay thôi (1).
Thành ra nếu Nhà nước muốn Giáo hội làm tay sai thì chẳng được ích gì cho Nhà nước mà còn hại cả Giáo hội, thì người ta phải xa lánh cái Giáo hội đó. Vậy cho nên, nếu Nhà nước còn có tâm huyết đối với dân tộc trong hiện tại và tương lai, thì phải nghĩ đến điều đó. Tôi đã nói rồi, đừng sợ gì Phật giáo. Từ ngàn xưa Phật giáo không bao giờ có tham vọng chính trị. Trong lịch sử Phật giáo từ hai ngàn năm nay, có ai nghe nói có một chính quyền Phật giáo chưa ? Nhà sư ra làm tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng này bộ trưởng khác chưa ? Không có chuyện đó. Giáo hội có làm chính trị hay chưa ? Từ đời Lý, Trần, Phật giáo thịnh như thế mà Giáo hội không bao giờ làm chính trị. Các quốc sư là cố vấn của nhà vua. Nhà vua cần gì mời vào hỏi, góp ý kiến với nhà vua xong về chùa, không ăn lương Nhà nước, không có chức vị gì. Ngày nay, Nhà nước phong cho những Thượng tọa, những Ðại đức, những Hòa thượng, ôi, rồi phát huy chương Sao Vàng, Hồ Chí Minh… Làm thế là nhục cho Sư, chứ không phải vinh đâu. Mà đã nhục cho sư thì sư làm gì giúp Nhà nước được. Cho nên, tôi mong rằng Nhà nước CHXHCNVN nghe được cuộc phỏng vấn hôm nay. Nhờ Ðài, nhờ cuộc phỏng vấn mà tôi nói với Nhà nước, chứ tôi chả có phương tiện gì nói với Nhà nước. Nhà nước cũng chẳng thèm nói chuyện với tôi, coi như kẻ thù, tìm đủ mọi cách để mà loại ra.
Ỷ Lan : Xin cảm ơn Hòa thượng Thích Quảng Ðộ.
Lời dẫn nhập : Sáng thứ hai, 22 tháng 11, Phái đoàn Viện Hóa Ðạo chuẩn bị lên đường ra Bình Ðịnh thăm Ðức Tăng thống lâm bệnh nguy ngập. Chiếc xe của Thượng tọa Thích Viên Ðịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, vừa rời chùa Giác Hoa sang Thanh Minh Thiền viện đón Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cùng đi. Nhưng chưa đầy vài trăm thước xe bị công an chận xét giấy tờ tại Ngã Ba Trường Vẽ ở trước mặt Công ty Ðiện lực Gia Ðịnh nơi góc đường Phan Ðăng Lưu và Ðinh Tiên Hoàng. Giấy tờ tùy thân của mười vị Tăng trong phái đoàn và xe cộ đều hợp lệ. Nhưng công an cấm không cho đi và cũng không cho biết lý do.
Một lát sau công an ra lệnh xe về đồn công an làm việc. Nhưng Thượng tọa Thích Viên Ðịnh phản đối và tuyên bố xe chỉ đi Bình Ðịnh chứ không đi đâu hết. Công an cấm thì sẽ ngồi yên ở đây cho đến lúc được lên đường mới thôi.
Dân chúng tập họp quanh xe ngày càng đông, công an phải tìm đủ cách giải tán. 50 Tăng sĩ trẻ ở chùa Giác Hoa gần đó đã kéo tới bao quanh xe bảo vệ không cho công an kéo xe đi.
Vào lúc 9 giờ sáng bỗng nhiên công an ra lệnh giải tỏa và cho phái đoàn lên đường qua đón Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, ở Thanh Minh Thiền viện. Thế nhưng trên đường ra Bình Ðịnh, khi đến Trảng Bom, huyện Thống nhất, tỉnh Ðồng Nai, cách Saigon chừng 45 cây số, thì công an lại chận không cho xe đi. Sau đây là cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Ðộ tại Trảng Bom :
Ỷ Lan : Kính bạch Hòa thượng, vấn đề xe của chư Tăng Viện Hóa Ðạo bị chận tại góc đường Phan Ðăng Lưu và Ðinh Tiên Hoàng từ 5 giờ rưởi đến 9 giờ sáng nay, thì chúng con đã được thông báo. Nhưng không ngờ công an cho lên đường, rồi lại chận ở Trảng Bom cách Saigon 45 cây số, Kính xin Hòa thượng cho biết sự việc từ khi rời Thanh Minh Thiền viện đến nay.
HT. Thích Quảng Ðộ : Vâng, tôi xin nói tóm tắt ngay như thế này. Ðây có thể là một vụ Nguyên Thiều và Lương Sơn thứ hai. Bởi vì trước đây khi ở Gia Ðịnh họ đã chặn lại, thì chư Tăng trong chùa Giác Hoa ra bao vây xe cũng hệt như ở Nguyên Thiều năm ngoái. Số hơi ít vì đây là trụ xứ của chư Tăng chứ không là Trường học. Trường học ở Nguyên Thiều Tăng Ni sinh rất đông. Thứ hai nữa, quần chúng ở ngã ba đó rất đông, đó là Bưu điện của tỉnh Gia Ðịnh cũ, kề trước trường Mỹ Nghệ cạnh Nhà thương Nguyễn Văn Học ngay trên đại lộ rất đông người. Cho nên họ thấy quần chúng tò mò vây chung quanh xe, họ sợ như trường hợp ở Nguyên Thiều năm ngoái, nên họ lập lại cái thủ đoạn tạm cho đi. Tạm cho đi nhưng họ không muốn cho tôi đi. Cho nên họ không để cho xe tự do đi, mà một mặt cho xe đến Thanh Minh Thiền viện, mặt khác chính quyền địa phương ở phường đón tôi ngay ở cầu thang rồi mời vào nhà khách ở dưới lầu. Yêu cầu tôi hoãn lại không đi, nói là có việc mời tôi ra ngoài phường ngoài quận. Tôi bảo hôm qua tôi đã nhận thư quận mời rồi. Nhưng việc tôi đi thăm bố tôi đang lâm bệnh nặng, thập tử nhất sinh, cho nên việc gì cũng phải hoãn lại. Ði thăm trước tiên rồi về sau hãy hay. Sáng hôm nay họ lại đến đặt điều như thế, họ không muốn cho đi nhưng họ nói rằng chúng tôi không có ý kiến gì về việc Thầy đi thăm Ðức Tăng thống. Nhưng chúng tôi khuyên Thầy hoãn vài ngày rồi đi, vì ngoài Quy Nhơn hiện đang có bão. Tôi nói rằng, xin cảm ơn, tôi tưởng cái gì chứ cái này con đi thăm bố đang bệnh nặng thì dù có bão, gió, sấm sét tôi cũng đi. Tôi không thể hoãn được, vì việc này là việc sinh tử đối với cha mẹ, huynh trưởng. Vậy là vừa nói vừa xách túi xách lên đường ra đi, thì họ đành chịu để cho tôi ra đi.
Họ tưởng rằng chỉ có các Sư ở Giác Hoa đi, thì nó còn tương đối có chặn chiếc gì đỡ vang động hơn là có tôi đi. Nên cố cản không cho tôi đi. Nhưng tôi quyết đi. Không lẽ chặn trước Thanh Minh Thiền viện à ? E sẽ cực hơn ở Ngã ba Hàng Xanh dưới kia. Cho nên họ chờ ra đây là chỗ hoàn toàn vắng, chỉ có xe cộ đi lại ngoài đại lộ này thôi. Chứ dân chúng không có ai ở đây. Nó là đồn điền cao su. Trảng Bom đây là đồn điền cao su. Có mỗi cái trạm cảnh sát lưu thông có 2 người, cách đây bốn mét. Như vậy ở đây họ cho là không có ai thì tha hồ giữ. Cách đây hơn nửa tiếng đồng hồ, anh cảnh sát có trách nhiệm chận xe đến nói với tôi như thế này : Công an thành phố có lệnh mời Thầy trở về thành phố để làm việc, chứ không cho Thầy đi. Tôi trả lời : thế thì có hai cách, nếu mời thì phải có thư mời đàng hoàng, việc gì nói rõ. Mà mời thì sao không mời tôi ở chùa mà nay ra đứng giữa đường mà mời như thế này ? Nếu mời thì phải có giấy mời. Ai đứng mời ? Ai ký tên mời ? Và có việc gì nói rõ, thì tôi sẽ về. Còn nếu không mời mà có lệnh quyết bắt phải trở về, thì cái lệnh bắt cũng phải có Quyết định bằng giấy trắng mực đen. Ai ký ? Chức vụ, cấp bậc nào? Và bắt vì lý do gì, thì tôi quay lại tức khắc. Tôi rất ngoan ngoãn làm theo khẩu hiệu Nhà nước, là “sống và làm việc theo Hiến pháp và Luật pháp”. Vậy thì các ông là người đại diện Nhà nước, cán bộ, nhân viên Nhà nước, làm việc thì phải nêu gương, phải trước “sống và làm việc theo Hiến pháp và Luật pháp” để chúng tôi theo. Tôi tuân hành đúng luật pháp, còn nếu không có hai thủ tục đó thì tôi cứ đứng ở đây cho đến khi nào có thủ tục đó thì tôi tuân hành. Có thế thôi.
Ỷ Lan : Bị chận xe nơi vùng rừng cao su vắng vẻ không có Phật tử hay dân chúng như ở Saigon, Hòa thượng có nghĩ rằng “người ta” sẽ có âm mưu hay hành động ám muội gì không ?
HT. Thích Quảng Ðộ : Cái đó thì dĩ nhiên không thể đoán biết được. Nhưng sợ thì chúng tôi không sợ, mà dù họ có làm cách gì thì cả thế giới cũng biết thôi. Dĩ nhiên họ làm rồi thì họ phủi tay, ít ra thì họ cũng gạt được chướng ngại, nhổ được cái gai trong mắt ra. Nhưng mà thôi, họ làm thế thì mình cũng chịu chứ làm thế nào được. Ðang ở giữa rừng thế này… Thôi phó thác cho vận mệnh, cho bàn tay của họ thôi.
Ỷ Lan : Tháp tùng với Hòa thượng, trong Phái đoàn đi Bình Ðịnh còn có những ai, bạch Hòa thượng ?
HT. Thích Quảng Ðộ : Ðặc biệt quan trọng nhất là có Hòa thượng Ðức Chơn, thành viên của Hội đồng Trưởng lão Trung ương, có Thượng tọa Viên Ðịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Thượng tọa Tổng thư ký Ðức Thắng, với lại Thượng tọa Nguyên Thành ở Phật học viện Huệ Nghiêm, nơi tôi dạy ngày xưa, và mấy Thầy đi hộ tống. Tất cả có mười người với anh tài xế. Thế thôi.
Ỷ Lan : Xin cám ơn Hòa thượng Thích Quảng Ðộ.
(1) Ghi chú của PTTPGQT : Hòa thượng muốn nhắc đến sự kiện Ðại giới đàn Thiện Hòa tổ chức tại chùa Phổ Quang đường Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, là trụ sở của Thành hội Phật giáo Nhà nước ở thành phố Hồ Chí Minh trong ba ngày 2, 3, 4.12.2003, quy tụ 1300 giới tử. Giới tử là những người xin thọ các giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni… để trở thành Tăng và Ni. Giới đàn là hội trường truyền giới gồm có Tam sư thất chứng. Tam sư là 3 vị sư đầu đàn gồm có : một vị Hòa thượng (Upadaya) chủ trì buổi lễ, hướng dẫn giới tử trong ba môn học Giới, Ðịnh, Tuệ ; một vị Kiết ma (Karmadana) tiến hành buổi lễ cho đúng theo thủ tục, đúng luật và đúng pháp theo Phật chế, tức hướng dẫn giới tử về các nghi thức thọ giới ; một vị Giáo thụ, cũng gọi là A xà lê (Acarya), giảng giới và giải thích giới, tức hướng dẫn giới tử về giáo lý, giới luật. Ngoài Tam sư còn có thất chứng, là 7 vị tôn chứng, tức là 7 nhà sư làm chứng cho giới đàn. Khi 1300 giới tử đến Giới đàn chùa Phổ Quang họ vui mừng thấy biểu ngữ giăng ghi : “Phụng thỉnh Thế tôn vị chứng minh. Lễ khai mạc Ðại Giới Ðàn Thiện Hòa”, nhưng qua ngày hôm sau liền được thay bằng một biểu ngữ khác ghi giòng chữ : “Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Mít Tinh phản đối Nghị quyết HR. 427 của Hạ nghị viện Hoa Kỳ.”. Ðiều kỳ lạ hơn, là chiều ngày 2.12.2003 đúng 2 giờ các Giới tử vân tập đầy đủ tại hội trường, và bắt đầu cuộc khảo hạch bằng vấn đáp, trả lời các câu hỏi về Phật pháp, về luật, về trí thông minh. Sau khi trả lời cuộc sát hạch xong, các Giới tử phải ký vào một xấp giấy đã in tên họ, pháp danh, pháp tự, ngày tháng năm sinh, nguyên quán, trú quán của mỗi giới tử. Mọi người vui vẻ ký tên mình vào chỗ đã được ban tổ chức Giới đàn ấn định, tưởng rằng mình thi hành thủ tục thọ giới. Thế nhưng sau mới biết các bản ký tên ấy được đánh tráo thành Kiến nghị thư phản đối Hạ viện Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu đã thông qua Quyết Nghị ủng hộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Còn Tam sư thất chứng tại Giới đàn này là ai ? – Là các Ngài Thích Trí Tịnh, Thích Như Niệm, Thích Từ Nhơn, Thích Trí Quảng cùng với các vị Ðại diện Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc… tất cả cùng tiến lên Giới đàn tố cáo Quyết nghị 427 của Quốc hội Hoa Kỳ.
Các giới tử đã vô cùng bất mãn việc biến Giới đàn thanh tịnh thành đấu trường chính trị nhỏ nhen, thế tục. Nhưng thân đơn thế cô, họ không biết làm gì ngoài việc đồng thanh hô lên khẩu hiệu : “Chúng tôi đã bị lừa !”.
Một Ðại giới đàn thanh tịnh từ nghìn xưa của Phật giáo đã được tờ báo Thanh Niên xuất bản tại Saigon tường thuật thành mấy dòng sau : “Sáng ngày 3.12.03 tại chùa Phổ Quang, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Mít tinh phản đối Nghị quyết 427 của Hạ viện Hoa Kỳ ngày 19.11.2003 và Nghị quyết về cái gọi là “tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam” của Nghị viện Âu châu ngày 20.11.2003. Tham gia buổi lễ có các Tăng Ni thuộc 1000 tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường, 1200 Tăng Ni giới tử Ðại giới đàn Thiện Hòa và các tín đồ Phật giáo thành phố. Phát biểu tại buổi mít tinh, hòa thượng Thích Trí Quảng – Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố khẳng định : Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức giáo hội duy nhất đại diện cho tăng ni phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước… Nghị quyết HR 427 của Hạ viện Hoa Kỳ đã xuyên tạc về quyền tự do hành đạo, tín ngưỡng của tăng ni phật tử”. é