Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Ðiều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ, ông Võ Văn Ái tố cáo chủ trương “Tôn giáo theo định hướng Xã hội chủ nghĩa” và kêu gọi mở cuộc Trưng cầu dân ý cho dân chủ tại Việt Nam

Ðiều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ, ông Võ Văn Ái tố cáo chủ trương “Tôn giáo theo định hướng Xã hội chủ nghĩa” và kêu gọi mở cuộc Trưng cầu dân ý cho dân chủ tại Việt Nam

Download PDF

WASHINGTON D.C. – Một ngày trước khi Thủ tướng Phan Văn Khải vào Tòa Bạch Ốc diện kiến Tổng thống Hoa Kỳ, Ủy ban Ðối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ tổ chức tại Quốc hội ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn cuộc điều trần về “Tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam” dưới sự chủ tọa của Dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Phân ban Châu Phi, Nhân quyền trong thế giới và Kế hoạch quốc tế kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Ðối ngoại. Ông Võ Văn Ái được mời điều trần về tình trạng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cùng các Giáo phái Phật giáo liên hệ vào lúc 14 giờ ngày 20.6.2005 tại Phòng hội 2172 trong tòa Rayburn House Office Building.

Những người điều trần gồm có bà Nina Shea, Phó chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên thế giới, bà Minky Worden, Giám đốc Truyền thông tổ chức Human Rights Watch, ông Nguyễn Ðình Thắng, Chủ tịch Ủy ban Cứu Người Vượt Biển, bà Ngô Thị Hiền, Chủ tịch Ủy ban Tự do tôn giáo cho Việt Nam, ông Y-Khim Nie, Tổ chức Nhân quyền Người Thượng, và ông Võ Văn Ái.

Nhân danh Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam, kiêm Phát ngôn nhân Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ông Võ Văn Ái đưa ra những bằng chứng hiển nhiên về chính sách đàn áp nhân quyền và tôn giáo của nhà cầm quyền Hà Nội.

Mở đầu, ông Ái hoan nghênh cuộc điều trần tổ chức một ngày trước khi Thủ tướng Phan Văn Khải lần đầu tiên đến Hoa Thịnh Ðốn gặp gỡ Tổng thống George W. Bush ở tòa Bạch Ốc. Nhờ vậy nhân dân Hoa Kỳ có thể nghe tiếng nói từ hai phía : kẻ thống trị và một dân tộc nạn nhân. Ông Ái nói “Chuyện hiếm thấy trong các quốc gia khác trên địa cầu, và tại Việt Nam là chuyện khó tưởng tượng. Ðây chính là phẩm chất dân chủ của Hoa Kỳ”.

Ðặc biệt, ông Võ Văn Ái lên tiếng kêu gọi Tổng thống Bush và Quốc hội Hoa Kỳ can thiệp cho một cuộc Trưng cầu dân ý có thể tổ chức tại Việt Nam dưới sự giám sát của LHQ, để toàn dân có cơ hội nói lên ngưỡng vọng của họ trong việc chọn lựa thể chế dân chủ đa nguyên hay thể chế độc đảng. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Washington Post hôm 16.6, thủ tướng Khải xác định rằng : “Ở Việt Nam, người dân có quyền cao nhất trong việc quyết định vận mệnh của đất nước” . Cho nên, ông Ái nói với Quốc hội rằng “Trưng cầu dân ý là phương tiện hay nhất để toàn dân Việt Nam có quyền tham gia tác tạo tương lai họ và quyết định vận mệnh đất nước Việt Nam”.

Ông yêu cầu tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách “các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm” cho đến khi nào nhà cầm quyền Hà Nội thay đổi chính sách tôn giáo, mà bước đầu là trả tự do cho nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ sau 25 năm giam cầm, quản chế, cũng như phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Trước áp lực bị liệt kê vào danh sách nói trên, thời gian qua Hà Nội đã có vài cử chỉ cùng hứa hẹn nhằm được rút tên ra khỏi danh sách này. Nhưng ông Ái xác nhận là công cuộc đàn áp tôn giáo vẫn tiếp diễn, nên yêu cầu Hoa Kỳ không nhân nhượng cho đến ngày nào Hà Nội có những tiến bộ cụ thể. Ông nói : “Trong quá khứ, Hà Nội là bậc thầy trong nghệ thuật lừa đảo, và ông Phan Văn Khải là hình ảnh tượng trưng cho những điều hứa hão, ăn xuôi nói ngược. Ông ta là người đã tiếp nhà chống đối nổi danh Phật giáo, Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, tại Hà Nội tháng 4 năm 2003 đem lại biết bao kỳ vọng cho một cuộc đối thoại. Thế nhưng mấy tháng sau đó, cũng chính ông ta cho lệnh đàn áp dữ dội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bắt giữ nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ và 9 vị giáo phẩm khác.

Nhắc nhở đến Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo ban hành cuối năm 2004, ông Ái cho biết Pháp lệnh này không bảo vệ tự do tôn giáo, trái lại, chỉ áp dụng và thi hành chỉ thị của Trung ương Ðảng trong công tác quản lý “tôn giáo theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ông cũng lưu tâm Quốc hội về một tài liệu mật 602 trang mang tên “Về tôn giáo và đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tôn giáo” do Viện Khoa học Công an ở Hà Nội phát hành một triệu bản nhằm giáo dục công an và bộ đội phương cách đàn áp và tiêu diệt tôn giáo. Ðặc biệt đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị tố cáo là “sử dụng nhân quyền, đa nguyên đa đảng để gây rối xã hội và gây phản loạn”. Phương cách đàn áp thể hiện qua sách lược “trấn áp, cô lập, phân hóa” đối với hàng giáo phẩm.

Ông Ái cung cấp một số trường hợp vừa xẩy ra trong hai tháng qua :

Tháng 5.2005 công an đã triệu tập riêng lẻ các Tăng sinh tòng học tại Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Ðịnh để “làm việc”. Mục đích các cuộc thẩm vấn nhằm hăm dọa các Tăng sinh không được tán phát Thông điệp và Ðạo từ Phật đản của Ðức Tăng thống và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, mặt khác không được liên hệ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nếu không muốn bị đuổi ra khỏi chùa. Lời hăm dọa trầm trọng hơn nữa khi công an nói với các Tăng sinh này rằng : “Hai ông Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ sẽ bị xử tử nếu còn muốn chống đối lật đổ nhà nước !”. Cũng trong tháng 5, trước ngày cử hành Lễ Phật Ðản, Hòa thượng Thích Ðức Chơn ở Tu viện Quảng Hương Già Lam, Gò Vấp, Saigon, được Ủy ban Nhân dân Phường mời đi làm việc với “yêu cầu” không được tuyên đọc Thông điệp Phật Ðản của Ðức Tăng thống và Ðạo từ Phật đản của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo. Tại chùa Giác Minh ở Ðà Nẵng, Thượng tọa Thích Thanh Quang cũng nhận lệnh cấm tương tự, tình trạng cũng xẩy ra khắp các chùa ở Quảng Trị, Huế, Khánh Hòa, và vùng Ðồng bằng sông Cửu Long. Ngày 23.5 tại Ðà Nẵng, hành hung Huynh trưởng Gia Ðình Phật tử Nguyễn Sư Nến giữa lúc đang cử hành tang lễ thân phụ anh, chỉ vì anh mời chư Tăng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất làm chủ lễ. Kể từ ngày gửi Thư Chúc Xuân cho Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ và Ðồng bào các giới kêu gọi cho dân chủ Việt Nam, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ bị công an canh gát nghiêm ngặt, đường dây điện thoại bị cắt sóng. Trong khi ấy thì sự hưởng ứng từ trong ra ngoài nước, từ quý vị nhân sĩ cựu đảng viên cộng sản, các nhà văn cho đến quý vị Linh mục Công giáo, Ðại diện Giáo hội Hỏa Hảo cùng đồng bào các giới nhiệt liệt hoan nghênh Lời kêu gọi cho dân chủ của Hòa thượng. Thượng tọa Thích Thiện Minh được trả tự do nhân dịp Tết vừa qua sau 26 năm tù đày vẫn tiếp tục bị giám sát, sách nhiễu thường trực. Hiện nay giấy tạm trú của Thượng tọa phải gia hạn hằng tháng. Ngày 17.6 vừa qua, Trung tá Ðại, thuộc cục A.38 an ninh chính trị tỉnh, khuyên Thượng tọa phải làm đơn xin tu lại với Giáo hội Phật giáo Nhà nước, vì 26 năm qua đi tù Thượng tọa không tu hành gì hoặc tham dự các khóa an cư kiết hạ. Nhưng Thượng tọa phản bác rằng ông Trung tá thiếu hiểu biết về đường lối tu hành và các phép an cư kiết hạ trong đạo Phật, mặc dù ông ta khoe có theo học 3 năm ở Trường Cao cấp Phật học. Rồi Thượng tọa nói tiếp : tôi nghiêm trì giới luật Phật suốt 26 năm trong tù, và thời gian 26 năm ấy tôi an cư suốt 12 tháng một năm chứ không chỉ an cư 3 tháng hạ mà thôi.

Không đè bẹp được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bằng bạo lực, mấy tháng vừa qua nhà cầm quyền cộng sản chuyển sang chiến lược mới nhằm ly gián và phân hóa nội bộ lãnh đạo Giáo hội. Một số cán bộ cao cấp đã đến gặp riêng một số chư Tăng và hứa hẹn rằng Nhà nước “sẽ” phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất “với điều kiện” phải gạt bỏ Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và Hòa thượng Thích Huyền Quang ra khỏi mọi chức vụ Giáo hội. Ông Ái nhận xét rằng bằng cách gạt bỏ hai nhà lãnh đạo cao cấp và nổi danh Phật giáo, mục tiêu mà Hà Nội nhắm đến là biến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trở thành một “Giáo hội Phật giáo Nhà nước số 2”, nghĩa là vô hiệu hóa toàn triệt đời sống tâm linh của Giáo hội cũng như mọi nỗ lực vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ.

Ông Võ Văn Ái cũng cho biết rằng không riêng gì Phật giáo đồ, mà các tôn giáo khác như Tin Lành, Mennonites, Công giáo, Hòa Hảo, Cao Ðài, Phật giáo Khmer Krom, đồng bào Thượng có tín ngưỡng cũng bị đàn áp. Ngoài ra tại Việt Nam ngày nay không có các tự do ngôn luận, tư tưởng, hội họp. Ông đưa ra trường hợp những người ly khai sử dụng Internet hay phát biểu ôn hòa chính kiến của họ đã bị bắt và kết án năng nề.

Kết luận, ông Ái kêu gọi Tổng thống Bush nêu các điểm chuẩn và yêu sách sau đây khi gặp ông Phan Văn Khải :

– trả tự do cho tất cả tù nhân tôn giáo và chính trị, trong đó có Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cùng 9 vị giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các nhà ly khai sử dụng Internet như các ông Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, Mục sư Nguyễn Hồng Quang và tất cả đồng bào Thượng bị bắt giam vì biểu tỏ ôn hòa chính kiến của họ ;

– phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – như bước đầu tiến tới sự tôn trọng tự do tôn giáo – cũng như các Giáo hội chưa được thừa nhận ;

– trả lại quyền phát hành báo tư nhân và độc lập làm diễn đàn trao đổi các ý tưởng dân chủ và quyền lập hội cho các công đoàn tự do, các tổ chức phi chính phủ, cũng như thúc đẩy sự xuất hiện mạnh mẽ và năng động của các xã hội dân sự tại Việt Nam ;

– hủy bỏ các luật pháp hạn chế tự do tôn giáo và nhân quyền, thủ tiêu Nghị định quản chế hành chính 31/CP, Nghị định cấm biểu tình 38/2005/NÐ-CP, nâng tầm sắc luật “an ninh quốc gia” tương đồng theo các nguyên tắc Johannesburg và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ ; bảo đảm cho các luật pháp thiết lập trong Chiến lược phát triển Luật pháp mười năm tới tuân thủ theo các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế ;

– hủy bỏ điều 4 trên Hiến pháp quy định quyền độc tôn của Ðảng Cộng sản, để các gia đình tôn giáo và chính trị có quyền tham gia vào việc trùng tu một nước Việt Nam dân chủ và thịnh vượng.



Unicode


VNI


VPS


VIQR

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *