Home / Diễn Đàn / Người Hà Nội lên tiếng / “Dân biết, dân bàn…” ở đâu trong cuộc họp kín nội bộ Ðảng đầu tháng Tư ?

“Dân biết, dân bàn…” ở đâu trong cuộc họp kín nội bộ Ðảng đầu tháng Tư ?

Download PDF

Theo nguồn tin tiết lộ từ nội bộ Ðảng Cộng sản Việt Nam trong 3 ngày 6,7, và 8 tháng 4 năm 2005, 3 ủy viên Bộ chính trị là các ông Nông Ðức Mạnh, Phan Diễn, Trần Ðình Hoan đã mời khoảng 40 vị lão thành cách mạng từng giữ những chức vụ cao nhất trong Ðảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam họp tại Hà Nội, để nghe phổ biến bản dự thảo nghị quyết sẽ đọc tại một hội nghị lớn sắp tới của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Với nội dung chủ yếu là ca ngợi thành tích lãnh đạo của đảng trong nhiệm kỳ 9.

Không nói gì đến vụ án chính trị mà tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “siêu nghiêm trọng” có tên T4 do Tổng cục 2 Bộ quốc phòng dàn dựng, dưới sự chỉ đạo của nhóm bảo thủ cực đoan nhất trong Bộ chính trị do nguyên Chủ tịch nước Lê Ðức Anh và nguyên Tổng bí thư đảng Ðỗ Mười cầm đầu.

Sau khi nghe phổ biến, có 16 vị dự họp phát biểu. Bốn vị có ý kiến gay gắt nhất đòi phải đưa vụ T4 ra trước Ban chấp hành trung ương và hội nghị lớn sắp tới của Ðảng Cộng sản Việt Nam để giải quyết, kết luận dứt điểm, nếu không muốn Ðảng Cộng sản Việt Nam tan rã, là các ông Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Mai Chí Thọ, Ðào Quang Thắng. Tám vị khác là các ông : Lê Khả Phiêu, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Ðức Tâm, Hoàng Tùng, Ðồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Văn Trân, Ðoàn Duy Thành, Nguyễn Thanh Xuân phát biểu ôn hòa hơn, nhưng cũng tỏ ý kiên quyết đòi Bộ chính trị phải báo cáo Ban chấp hành trung ương. Còn lại bốn ý kiến khác chỉ khen chê chung chung là của các vị : Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Ðức Bình, Lê Xuân Tùng, Ðặng Quân Thụy. Hơn hai mươi vị khác ngồi dự thính. Ông Lê Ðức Anh không đến dự, ông Ðỗ Mười có đến rồi tự bỏ về trước !

Vậy có lời bàn : Theo điều lệ Ðảng Cộng sản Việt Nam thì cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng là Ðại hội đại biểu toàn quốc. Ðại hội đại biểu toàn quốc bầu ra Ban chấp hành trung ương. Ban chấp hành trung ương bầu ra Bộ chính trị. Nghĩa là Bộ chính trị hoạt động dưới sự lãnh đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành trung ương về mọi hoạt động của mình.

Vậy mà một vụ án chính trị “siêu nghiêm trọng” như tướng Giáp nói, đụng chạm đến nhiều nhân vật chóp bu của đảng và nhà nước, phản ánh thực trạng tranh giành quyền lực của các phe nhóm và cá nhân khốc liệt trong nội bộ đảng vì những quyền lợi ích kỷ, bất chấp cả lợi ích của dân tộc và quốc gia, tác động xấu đến nhiều lĩnh vực xã hội như vậy mà Bộ chính trị Ðảng Cộng sản Việt Nam dấu nhẹm Ban chấp hành trung ương của họ suốt gần 10 năm nay, thì thật là hết chỗ nói !

Ðến như dân chủ trong đảng mà nhóm người lãnh đạo trong Bộ chính trị còn cư xử như vậy, thì với khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đảng sẽ thực hiện ra sao ?! Xin bạn đọc tự rút ra kết luận.

Trong “Thư chúc xuân” năm 2005 của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ có nói : “Không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước. Lẽ giản dị là nhiều ý kiến vẫn hơn một ý kiến độc tôn, nhiều thành phần chính kiến, tôn giáo, xã hội, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương, vẫn hơn một đảng phải độc quyền bao cấp quản lý”.

Chính sự độc quyền toàn trị của Ðảng Cộng sản đã đẻ ra vụ T4 và là nguyên nhân sâu xa của mọi tai họa tương tự. Thiết nghĩ các vị lão thành cách mạng có tâm huyết với dân với nước nên suy ngẫm kỹ ý kiến chân thành trên của một vị chân tu.

Hà Nội ngày 14/04/005
Trần Chính Ðạo

Check Also

Bức thư ngỏ – Gửi báo An Ninh Thế Giới và ông Nguyễn Như Phong – Bộ Công An HN, VN

Chúng tôi không muốn phí thời giờ để đối thoại với một người cầm bút …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *