Ðài Á châu Tự do phỏng vấn HT Thích Tâm Châu, HT Thích Hộ Giác, TT Thích Viên Lý và Giáo sư Võ Văn Ái về thành quả Ðại hội
Lời giới thiệu : Phóng viên Ỷ Lan đã phỏng vấn Hòa thượng Thích Tâm Châu, Hòa thượng Thích Hộ Giác, Thượng tọa Thích Viên Lý và Giáo sư Võ Văn Ái về thành quả Ðại hội Khoáng đại kỳ III GHPGVNTNHN-HK – Văn phòng II Viện Hóa Ðạo tổ chức tại California, Hoa kỳ từ ngày 7 đến ngày 10.10.2004. Bài phỏng vấn này đã được Ðài Á châu Tự do phát về Việt Nam trong hai chương trình ngày 12 và 13.10.2004. Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn cuộc phỏng vấn ấy dưới đây :
Ỷ Lan : Ðại hội Khoáng đại kỳ III Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Ðạo vừa kết thúc tại thành phố San Gabriel, bang California, hôm chiều chủ nhật vừa qua, mà theo sự thăm dò của chúng tôi thì mọi đại biểu tham dự, từ giới Tăng Ni cao cấp cho đến Cư sĩ các cấp đều hân hoan xác nhận từ 12 năm qua, kể từ ngày thành lập, chưa có đại hội nào đông đảo, phấn chấn và đoàn kết như Ðại hội này.
Lễ khai mạc diễn ra trong khung cảnh hùng vĩ núi non bao quanh Tu viện Bảo Pháp, gần 8000 Phật tử đã tề tựu đón tiếp 300 Tăng Ni giáo phẩm và 130 phái đoàn đến từ các tiểu bang Hoa Kỳ và các vị đại diện đến từ Canada, châu Âu, châu Úc, châu Á. Tất cả mọi người đều nghiêm trang và xúc động lắng nghe Ðạo từ của Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Huấn từ của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo từ trong nước gửi ra. Tất cả cũng lắng nghe những Thông điệp chân tình chào mừng Ðại hội của Tổng thống Hoa Kỳ Georges W. Bush, cùng các vị Thượng nghị sĩ, Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu.
Sau đây là cuộc phỏng vấn các nhân vật trọng yếu trong kỳ Ðại hội này, gồm có Hòa thượng Chứng minh Ðạo sư Thích Tâm Châu, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Ðiều hành Thích Hộ Giác, Thượng tọa Trưởng ban Tổ chức Thích Viên Lý, và Giáo sư Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân Viện Hóa Ðạo.
Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng Thích Tâm Châu, như Hòa thượng cho biết, đây là lần đầu tiên Hòa thượng tham dự Ðại hội Khoáng đại của Giáo hội Phật giáo Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hoa Kỳ. Xin Hòa thượng hoan hỷ cho biết cảm tưởng ?
HT Thích Tâm Châu : Dạ vâng, đây là lần đầu tiên có thể gọi là gần ba chục năm lần này tôi mới tham dự Ðại hội Khoáng đại III của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Ðạo. Tôi vô cùng cảm kích là thấy tất cả chư Tôn đức Tăng Ni và tất cả các Phật tử khắp mọi nơi về hết sức đông đảo, và đều một lòng hướng về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại quê nhà. Và luôn luôn mong mỏi Hòa thượng Huyền Quang, Hòa thượng Quảng Ðộ, tất cả chư Hòa thượng, chư Tôn đức Tăng Ni tại Việt Nam giữ vững tinh thần để đem lại sự sáng sủa, tốt đẹp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong tương lai cũng như cho dân tộc Việt Nam.
Ỷ Lan : Hòa thượng đã theo dõi những cuộc thảo luận suốt 3 ngày Ðại hội, Hòa thượng nhận xét như thế nào về vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ trong công cuộc giải trừ pháp nạn nơi quê nhà ?
HT Thích Tâm Châu : Trong suốt ba ngày Ðại hội tôi nhận xét thấy rằng từ chư Tôn đức Tăng Ni cho đến toàn thể các đại biểu các nơi về tham dự Ðại hội đều nhất trí giữ vững tinh thần, lập trường, là đòi hỏi được tự do tôn giáo đối với Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam dành cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại trong nước. Tại ngoại quốc, thì các cơ quan lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại – Văn phòng II Viện Hóa Ðạo thì luôn luôn đã được sự ủng hộ nhiệt tình của tất cả các nơi, nhất là cái ảnh hưởng đối với thế giới. Ðặc biệt nhất là Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã vận dụng hết sức tâm lực của mình đối với tất cả các chính giới, các Quốc hội ở các nơi trên thế giới cũng nhiệt tâm ủng hộ cho cuộc tranh đấu tự do của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại trong nước và đặc biệt là luôn luôn lúc nào cũng thương tưởng và kính mến Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cùng chư Hòa thượng Tôn đức Tăng Ni ở trong nước. Tôi hy vọng sự tiến triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại hải ngoại chắc chắn tương lai là lớn mạnh. Tương lai lớn mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hải ngoại này là gì ? Là một cơ sở vững chắc để giúp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong nước tiến lên, và chắc chắn Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải hiểu rõ ý nguyện đó để đem lại tự do, dân chủ thực sự cho nhân dân Việt Nam, trong đó có Giáo hội chúng ta.
Sau đây là phần phỏng vấn Hòa thượng Thích Hộ Giác, Chủ tịch Hội đồng Ðiều hành Giáo hội tại Hoa Kỳ.
Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng Thích Hộ Giác, trong vai trò lãnh đạo Giáo hội tại Hoa Kỳ mà Hòa thượng đảm nhiệm từ 12 năm qua, xin Hòa thượng cho biết Hòa thượng có hài lòng về Ðại hội Khoáng đại kỳ III này không ?
HT Thích Hộ Giác : Cám ơn cô Ỷ Lan đã đặt câu hỏi. Sự thật là tất cả những Phật sự từ trước đến giờ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Ðạo liên quan mật thiết do chỉ thị của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quê nhà. Do vậy, suốt 12 năm qua Giáo hội Hải ngoại đã cố gắng hết sức mình và làm tròn bổn phận những trách nhiệm của Giáo hội con. Tuy nhiên, ở trong mỗi hoàn cảnh thì hành hoạt có khác. Nhưng sự khác biệt ở mặt hành hoạt đó cũng không có nghĩa là đi ngược lại với chủ trương và chỉ thị của Giáo hội mẹ ở quê nhà. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng Ðại hội Khoáng đại kỳ III này cũng đi trên con đường đó. Và đạo lộ đó là đạo lộ mà Giáo hội ở trong nước đang đi và Giáo hội ở hải ngoại cũng đang đi, đi chung một con đường, thì sống chết cũng phải có nhau. Vì vậy cho nên bất cứ ở trong trường hợp nào mà Giáo hội mẹ chỉ thị, thì Giáo hội con ở hải ngoại sẽ tích cực phụng hành di giáo, không dám có gì gọi là đi ngược lại với chỉ thị và chủ trương của Giáo hội mẹ.
Ỷ Lan : Cám ơn Hòa thượng, Hòa thượng có lời gì gửi vấn an chư Tôn túc và nhắn nhủ Phật giáo đồ trong nước không ?
HT Thích Hộ Giác : Một lần nữa cám ơn cô Ỷ Lan. Cho chúng tôi có đôi lời kính thăm hỏi sức khỏe của chư Tôn Hòa thượng lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dân lập ở bên quê nhà. Nhứt là Hòa thượng Ðệ tứ Tăng thống, Hòa thượng Viện trưởng, Hòa thượng Phó viện trưởng và tất cả quý vị ở trong Hội đồng Lưỡng viện. Chúng tôi đồng thời cũng xin nhân cơ hội này để kính gởi lời đến chư Tôn đức Tăng Ni, đồng bào Phật tử ở trong nước, là những gì mà tất cả chúng ta đã đóng góp cho giáo hội, cho dân tộc, cho đất nước. Và từ trước tới giờ Giáo hội đã lãnh đạo và chúng ta rất tin tưởng mãnh liệt, là ở trong sự chủ trương và lãnh đạo của Giáo hội không bao giờ đi ngược lại những quyền lợi của quốc gia và của dân tộc. Ðồng an đồng nguy với dân tộc. Lúc nào dân tộc vui thì Giáo hội được an lạc, lúc nào dân tộc khổ thì Giáo hội cũng phải chịu đồng chung cảnh ngộ. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng là dù xa mặt nhưng không bao giờ cách lòng. Vì quý vị cũng thấy rõ là ở hải ngoại tất cả chúng tôi lúc nào cũng đi theo con đường cố hữu mà Giáo hội đã đi. Và con đường đó là con đường phục vụ quyền lợi của đạo pháp, dân tộc và quốc gia. Do vậy, dù trong bất cứ trong hoàn cảnh khó khăn nào, tất cả chúng tôi cũng nguyện một lòng tiếp tục công cuộc hành trình đó dù phải hy sinh. Do vậy, chúng tôi chỉ xin quý vị ở quê nhà hãy yên lòng và tiếp tục trao gửi niềm tin mình cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vì quý vị cũng thấy rõ là chủ trương lãnh đạo của giáo hội và hành hoạt của giáo hội từ trước đến giờ, chưa bao giờ đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và của tổ quốc. Và chúng tôi hết sức tin tưởng như vậy. Chúng tôi cũng gởi tất cả niềm tin đó đến quý vị và cầu xin quý vị luôn luôn được an lành trong Ánh hào quang từ bi trí tuệ của Ðức Từ phụ Thích tôn Mâu Ni.
Ỷ Lan : Kính Thượng tọa Thích Viên Lý, là Trưởng ban Tổ chức Ðại hội, bao nhiêu trách nhiệm đổ lên vai Thượng tọa. Vậy Thượng tọa có hài lòng với diễn tiến của Ðại hội không. Chúng tôi thấy hôm khai mạc trong khuôn viên rừng núi hùng vĩ của Tu viện Bảo Pháp, mà Thượng tọa là Viện chủ, rất đông chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử tham dự, xin Thượng tọa cho biết tổng quan các giới này ?
TT. Thích Viên Lý : Thưa chị, chúng tôi rất là hoan hỷ, lý do là vì không riêng gì cá nhân chúng tôi mà rất nhiều chư Tôn đức giáo phẩm cũng như đồng bào Phật tử đều khẳng định đây là một Ðại hội mà trong nhiều thập kỷ qua tại hải ngoại đã đạt được thành công cao điểm. Chính vì cái điều này mà chúng tôi rất là hài lòng. Dĩ nhiên không có sự tổ chức nào mà không có những sơ sót ngoài ý muốn. Tuy nhiên, trên mặt đại thể đây là một Ðại hội thành công một cách ngoài dự tưởng. Tính ra thì có đến 311 chư Tôn đức giáo phẩm từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Âu châu, Úc châu, Canada, và đặc biệt là có rất nhiều chư Tôn đức giáo phẩm thuộc nhiều sắc tộc khác nhau, như là Ðại Hàn, Tích Lan, Miến Ðiện, Hoa Kỳ, vân vân. Còn đồng bào Phật tử thì có đến gần 8000 người tham gia buổi lễ khai mạc tại Tu viện Bảo Pháp. Có thể nói rằng số lượng đông đảo của chư Tôn đức giáo phẩm thuộc nhiều quốc gia đã minh chứng một cách hùng hồn rằng là Giáo hội chúng ta không đóng khung trong Cộng đồng của Người Việt tị nạn, mà còn tạo sự liên hệ mật thiết giữa những quốc gia bạn. Ðiều đó minh chứng một thực tế rằng là sự quan hệ của Phật giáo Việt Nam của chúng ta trên trường quốc tế là một sự quan hệ lớn rộng, và đó là điều nó hậu thuẫn rất lớn cho cuộc đấu tranh giải trừ pháp nạn của Giáo hội hiện nay.
Ỷ Lan : Thưa Giáo sư Võ Văn Ái, là phát ngôn nhân của Viện Hóa Ðạo trong nước, giáo sư lại theo sát nghị trình Ðại hội, xin giáo sư cho biết Ðại hội kỳ này có đặc điểm gì ?
Võ Văn Ái : Xin chào quý thính giả Ðài Á châu Tự do. Tôi nhận thấy có 2 đặc điểm nổi bật làm cho Ðại hội sôi động hẳn lên và thể hiện trong nỗi niềm phấn chấn, đoàn kết và quyết tâm hậu thuẫn Giáo hội trong nước đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và yêu sách trả tự do cho Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và 6 vị Giáo phẩm.
Thứ nhất, nội dung hai bản Ðạo từ của Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Huấn từ của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, từ trong nước gửi ra, gây xúc động lớn, làm phấn chấn tinh thần Ðại hội, và chỉ đạo công tác Ðại hội như một bức cẩm nang. Ấy là chưa kể những Thông điệp hỗ trợ của Tổng thống Hoa Kỳ và nhiều nhân vật trong chính giới Âu Mỹ.
Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang nói rằng : “Hiện tại, dù sống trong cảnh câu thúc, quản chế, tôi cũng như Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, cùng hàng giáo phẩm thuộc Hội đồng Lưỡng viện, vẫn trước sau như một với đặc tính nổi bật của Phật giáo Việt Nam, là luôn luôn gắn liền với vận mệnh Dân tộc”.
Hòa thượng Thích Quảng Ðộ nói lên chính nghĩa những cuộc vận động của Phật giáo, Hòa thượng nhận định : “Hoạn nạn càng lớn, thì quyết tâm cấp cứu càng cao, bóng tối càng thâm u thì Chánh pháp càng rạng rỡ. Sự kiện hôm 15.9 vừa qua, nhà đương quyền Việt Nam bị Hoa Kỳ liệt kê vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm, “vì đã dùng các biện pháp độc tài toàn trị vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo”, nói lên chính nghĩa bấy nay của Giáo hội trong cuộc vận động bảo vệ tự do tôn giáo và công bằng xã hội”.
Trong khi ấy, Tổng thống Hoa Kỳ ca ngợi công sức hoạt động của Giáo hội tại Hoa Kỳ, Tổng thống phát biểu : “Tôi hoan nghênh lòng mộ đạo và công trình bảo tồn di sản của các đại biểu tham dự đại hội. Nhờ nỗ lực của quý vị mà những thế hệ tương lai được kế thừa nguồn truyền thống và văn hóa”. Bà Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ Loretta Sanchez kêu gọi : “Thật cấp bách việc chúng ta phát ngôn cho những ai đang đau khổ trong vòng tay siết chặt của chế độ Việt Nam để có một ngày, tất cả dân tộc Việt Nam được hưởng các quyền con người và các quyền tự do tôn giáo phổ quát”.
Từ Quốc hội Âu châu, Dân biểu Marco Pannella xác nhận rằng : “Tôi quyết tâm hậu thuẫn và khích lệ những nhân vật tuyệt vời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không ngừng vận động bảo vệ tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. (…) Ðảng Cấp tiến Liên quốc gia, Quốc hội châu Âu và bản thân tôi mong mỏi tiếp tục đóng góp cho sự trổi dậy của một nước Việt Nam dân chủ, và tôi tin tưởng vào quý vị để chúng tôi có thể làm kẻ đồng hành, bởi vì Giáo hội của quý vị không thể bỏ dở công cuộc nửa chừng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chỉ dừng nghỉ khi tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ trở thành những giá trị đích thực của thế kỷ XXI”. Ðây chỉ là những lời tiêu biểu, còn biết bao lời hậu thuẫn quý báu khác.
Ðiều thứ hai, từ xuất phát điểm chỉ đạo trong nước đưa ra, và hậu thuẫn quốc tế được xác nhận, Ðại hội đã diễn tiến theo hướng tích cực, và kết thúc qua 15 điểm Quyết nghị, là một thành quả to lớn. Ðặc biệt còn là sự công cử đông đảo của chư Tăng Ni và Cư sĩ vào 3 Hội đồng Giáo phẩm, Hội đồng Thường vụ Văn phòng II Viện Hóa Ðạo và Hội đồng Ðiều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hoa Kỳ, tổng cộng 59 vị.
Ỷ Lan : Xin giáo sư cho biết các điểm quan trọng trong Quyết nghị 15 điểm của Ðại hội, và giáo sư được công cử vào chức vụ gì trong Giáo hội ở Hoa Kỳ ?
Võ Văn Ái : Vâng, tôi được Ðại hội đề cử vào chức vụ Tổng vụ trưởng Tổng vụ Ngoại vụ trong Hội đồng Ðiều hành, và thành viên trong Hội đồng Thường vụ Văn phòng II Viện Hóa Ðạo. Nói hết 15 điểm Quyết nghị thì dài quá. Tôi xin nêu 4 điểm quan trọng :
Thứ nhất trên mặt quốc tế, căn cứ vào thành quả thu đạt trong thời gian qua, Giáo hội mở rộng và quy mô cuộc vận động quốc tế nhằm giải trừ pháp nạn và quốc nạn. Ðặc biệt là yêu sách trả tự do cho Nhị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ cùng 6 vị giao phẩm cao cấp, cũng như đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội. Thành quả quốc tế thu đạt mà tôi vừa nói đó, là hai Quyết nghị 427 của Hạ viện Hoa Kỳ và Quốc hội châu Âu hậu thuẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thông qua tháng 11 năm ngoái ; tháng 9 vừa qua, Việt Nam bị Hoa kỳ liệt kê vào các nuớc cần đặc biệt quan tâm vì lý do đàn áp tôn giáo, và mới đây, ngày 7.10, thì 109 Dân biểu Quốc hội châu Âu viết Thư Ngỏ yêu sách đem vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ra thảo bàn tại Hôi nghị Thượng đỉnh Á Âu ASEM tại Hà Nội và yêu sách trả tự do tức khắc cho nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ.
Thứ hai, Thực hiện châm ngôn “Phát huy nội lực để giải hóa hiện tại và đảm trách tương lai”, bằng cách trẻ hóa tổ chức, mở rộng sinh hoạt hệ thống Gia Ðình Phật tử và thế hệ trẻ, chuẩn bị cho thế hệ chuyển tiếp đảm lãnh vai trò thừa kế và phát huy đạo Phật Việt Nam. Ðồng thời, đẩy mạnh giới Cư sĩ áp dụng giáo lý bao dung và cứu khổ của đạo Phật vào các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, truyền thông, kinh tế, xã hội và chính trị để hoàn thành lời kêu gọi của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ thực thi 3 tiêu điểm Hộ dân, Hộ quốc và Hộ pháp của người Cư sĩ Phật giáo.
Thứ ba, là lấy năm 2005 làm năm kỷ niệm “Ba mươi năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ”. Kỷ niệm này thể hiện qua một loạt sinh hoạt dây chuyền nhằm đánh thức những ai quên lãng cũng như đánh thức lương tri nhân loại trước khổ nạn Việt Nam. Cũng là dịp kỷ niệm cuộc tự thiêu của 12 Tăng Ni tại chùa Dược sư ở Cần Thơ ngày 2.11.1975 mở đầu cao trào vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ của Giáo hội.
Thứ tư, là Ðại hội nhận định rằng Pháp lệnh tôn giáo của nhà cầm quyền Hà Nội vừa thông qua chỉ là chiếc thòng lọng mới, tiếp tục thắt vào cổ các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, mà chẳng thay đổi một ly nào chính sách đàn áp tôn giáo cố hữu tại Việt Nam. Ngoài ra, Ðại hội cảnh giác các cấp Giáo hội về công tác xâm nhập, phá hoại, phân hóa, ly gián cộng đồng Người việt hải ngoại vừa được nhà cầm quyền Hà Nội pháp lý hóa qua Nghị quyết 36.
Ỷ Lan : Xin cám ơn giáo sư Võ Văn Ái.