GENÈVE, ngày 15.9.2011 (QUÊ MẸ) – Tại khóa họp nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở trụ sở Genève, ông Võ Trần Nhật đại diện Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội chấm dứt việc cấm đoán những người yêu nước biểu tình chống Trung quốc xâm lược và trả tự do cho tất cả những người bị bắt.
Ông Võ Trần Nhật cho biết những người biểu tình bao gồm các tầng lớp nhân dân, đặc biệt giới trẻ, kể cả những cựu đảng viên Cộng sản cao cấp, với sự hậu thuẫn của nhiều vị cựu tướng lĩnh bộ đội, đã bị công an đàn áp trắng trợn lấy lý do những cuộc biểu tình này bị « các thế lực xấu và phản động kích động ». Hàng chục người biểu tình đã bị đánh đập, bắt bớ, công an còn đến từng nhà hăm dọa cấm không được đi biểu tình.
Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam nhận định sự đàn áp của công an không có tính cách đơn lẻ, mà thể hiện chính sách bóp nghẹt mọi quyền cơ bản của người dân Việt. Chính sách này bao gồm nhiều sắc luật ngăn cấm nhân quyền, chẳng hạn như Nghị định 38/NĐ-CP ban hành năm 2005, rồi Hướng dẫn thi hành Nghị định 38 của Bộ Công an năm 2006 cấm những cuộc tụ họp, biểu tình quá 5 người.
Ông Võ Trần Nhật hoan nghênh việc : « LHQ vừa công cử một Báo cáo viên LHQ mới Đặc nhiệm tự do hội họp và tự do biểu tình ôn hòa, nhưng khẩn thiết báo động Hội đồng Nhân quyền LHQ sự trạng Việt Nam đang vi phạm trắng trợn tự do hội họp, tự do biểu tình vào ngay giây phút này ».
Sau đây là bài phát biểu chiều ngày 15.9.2011 của ông Võ Trần Nhật tại Hội đồng Nhân quyền LHQ tại trụ sở LHQ ở Genève :
« Hai tổ chức « Hành động chung cho Nhân quyền » và « Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam » xin tán thưởng việc công cử ông Maina Kiai vào chức vụ Báo cáo viên LHQ Đặc nhiệm Tự do hội họp và Tự do biểu tình ôn hòa. Tự do hội họp và Tự do biểu tình ôn hòa là quyền không thể tước bỏ, được bảo đảm trong điều 21 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Thế nhưng nhiều quốc gia trong thế giới vi phạm trầm trọng quyền này.
« Chúng tôi rất quan ngại về tình trạng đàn áp những cuộc biểu tình ôn hòa tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ba tháng vừa qua tại Việt Nam đã diễn hành những cuộc biểu tình không tiền khoáng hậu. Từ ngày 5.6 đến 21.8, những người phản đối tụ tập vào mỗi ngày chủ nhật để phản đối những cuộc vi phạm lãnh hải Việt Nam của Trung quốc, cũng như những tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Cuộc biểu tình khởi sự sau khi tàu hải giám Trung quốc cắt cáp các tàu Việt Nam trong lãnh hải Việt Nam hồi tháng 5 năm nay, 2011.
« Do sự kêu gọi của giới học sinh, sinh viên thông qua điện thoại cầm tay và các Blogs, nhiều nhân sĩ, trí thức nổi danh, cựu đảng viên cao cấp Đảng Cộng sản, văn nghệ sĩ đã đáp ứng xuống đường biểu tình. Ngay từ đầu, ban tổ chức chủ trương biểu tình trong trật tự và ôn hòa, tuân thủ đúng theo điều 69 quy định trong Hiến pháp.
« Tuy nhiên, mặc dù Hiến pháp cho phép tự do biểu tình, cũng như được bảo đảm qua các Công ước LHQ mà nhà nước Việt Nam đã ký kết, nhà cầm quyền và công an vẫn đàn áp những cuộc biểu tình ôn hòa và chính đáng. Hôm chủ nhật 5.6, công an thành phố Saigon đã ngăn chận tất cả các Hòa thượng, Thượng tọa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không cho rời chùa tham gia biểu tình. Tại Thanh Minh Thiền viện, nơi Hòa thượng Thích Quảng Độ bị quản chế, công an phong tỏa, ngăn cấm không cho Hòa thượng rời chùa đến địa điểm biểu tình. Ngày 17.7, công an đàn áp trắng trợn những người biểu tình ở Hà Nội, ngăn cấm hàng chục người tại nhà và bắt bớ hàng chục người khác. Thanh niên Nguyễn Chí Đức bị công an đạp vào mặt trong khi các công an khác nắm chặt tay chân.
« Ngày 18.8, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ra lệnh « chấm dứt mọi cuộc tụ họp, biểu tình, tuần hành trong thành phố ». Thông báo cho biết ai không tuân lệnh sẽ bị trừng trị. Ngay trong ngày 18.8 này, 25 nhân sĩ, trí thức Hà Nội bao gồm nhiều cựu bộ trưởng, cựu tướng lĩnh đã về hưu, kinh tế gia, nhà văn, nhà nghiên cứu, Blogeurs… (như các ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Quang A, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Xuân Diện, Trịnh Kim Tiến, v.v…), đã gửi kiến nghị phản đối Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vi hiến và bất hợp pháp qua lệnh cấm này. Ngày 5.9, một nhóm 10 trí thức khởi đơn kiện Đài Truyền hình Hà Nội đã loan tin vu cáo những người biểu tình bị « các thế lực thù địch » kích động, trong khi đó các nhân vật tham gia biểu tình là « những người yêu nước Việt Nam ».
« Mặc dù bị cấm đoán nhưng cuộc biểu tình ngàychủ nhật 21.8 vẫn tiếp diễn. Công an gia tăng đàn áp. 47 người bị bắt đưa lên xe bus chở đi nhưng được trả tự do hôm sau, một số còn tiếp tục bị điều tra, làm việc. Kể từ khi công an đồng loạt đến tận nhà những người biểu tình cấm đoán và hăm dọa sẽ có biện pháp mạnh nếu còn tham gia, thì coi như các cuộc biểu tình bị chấm dứt. Ngày 28.8, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh sang Bắc Kinh đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng, và sau đó tuyên bố « chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn ».
« Đây không lần đầu tiên Việt Nam bắt bớ người biểu tình và đè bẹp những cuộc biểu tình ôn hòa và chính đáng. Đặc biệt chúng tôi được báo động trường hợp blogeur Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày, bị cầm tù vì tội « tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN » vì đã biểu tình ôn hòa [chống Trung quốc năm 2007]. Hiện nay gia đình anh không được thăm nuôi, và công an báo cho vợ anh biết anh đã mất một tay trong tù. Điếu Cày đã được Tổ Hành động chống bắt bớ trái phép của LHQ tuyên dương anh bị bắt trái phép (Avis 1/2009).
« Hơn nữa, « Hành động chung cho Nhân quyền » và « Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam » rất lo lắng không riêng việc Việt Nam sử dụng lý lẽ quốc gia để đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa, mà còn ban hành các sắc luật mâu thuẫn trắng trợn với sự tuân thủ Công ước quốc tề về các quyền dân sự và chính trị. Nghị định 38/NĐ-CP ban hành năm 2005 cấm tất cả mọi cuộc biểu tình trước các công sở, và cấm đoán mọi biểu dương bị xem như « xâm phạm các hoạt động nhà nước ». Hướng dẫn thi hành Nghị định 38 của Bộ Công an năm 2006 cấm mọi tụ tập, biểu tình quá 5 người khi không được nhà nước cho phép.
« Chúng tôi kêu gọi Việt Nam thăng tiến và bảo vệ quyền biểu tình và trả tự do cho tất cả những ai tham gia biểu tình bị bắt. Đồng thời chúng tôi yêu sách Việt Nam đưa pháp luật nước mình tuân thủ các tiêu chuẩn pháp luật quốc tế bằng cách hủy bỏ Nghị định 38 cấm biểu tình đồng thời ban hành sắc luật mới bảo đảm quyền biểu tình ôn hòa, và mời Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do hội họp và Tự do biểu tình đến điều tra Việt Nam trong thời hạn sớm nhất ».