PARIS, ngày 17.5.2006 (PTTPGQT) – Lần đầu tiên Đại lễ Phật Đản lần thứ 2630, Phật lịch 2550 (dương lịch 2006) được tổ chức trọng thể từ Bắc chí Nam. Kể từ sau hiệp định Genève năm 1954, lần đầu tiên xe hoa Phật Đản diễu hành qua đường phố Hà Nội, và kể từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, lần đầu tiên xe hoa Phật Đản diễu hành trên đường phố Saigon.
Hai lý do giải thích sự kiện mới mẻ này : Một là thành quả đấu tranh của chư Tăng Ni, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong và ngoài nước suốt 31 năm qua đã gây sự chú ý và hậu thuẫn của nhân dân trên thế giới gây thành áp lực mạnh mẽ lên nhà cầm quyền Hà Nội. Cụ thể là các Nghị quyết tố cáo của Quốc hội Châu Âu và Quốc hội Hoa Kỳ. Đặc biệt là sự kiện hai năm qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặt biệt quan tâm (CPC, Countries of Particular Concern). Hai là trong cuộc tranh thủ đăng cai vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm nay, Hà Nội trông cầu được Hoa Kỳ rút tên ra khỏi danh sách CPC hầu tránh thoát các biện pháp trừng phạt trên các lĩnh vực kinh tế và tài chính.
Nhân danh Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, ông Võ Văn Ái chào đón sự kiện mới mẻ trong việc cho phép Đại lễ Phật Đản được công khai tổ chức theo truyền thống lâu đời tại Việt Nam trước đây. Tuy nhiên, ông Ái cũng lấy làm tiếc rằng : “Đại lễ Phật Đản tổ chức theo cách thế năm nay lẽ ra sẽ được mang thêm ý nghĩa quý báu cho sự tôn trọng tự do tôn giáo, nếu đồng thời Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, được chấm dứt tình trạng quản chế khắc khe và được trả tự do. Thế nhưng chính sách đàn áp tôn giáo vẫn không thay đổi. Ngoài việc quản chế hành chính hai nhà lãnh đạo tối cao của Giáo hội, các cuộc sách nhiễu, hăm dọa các thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), đặc biệt đối các Ban Đại diện GHPGVNTN tại Khánh Hòa, Bạc Liêu, An Giang (1). Cho nên việc nhà cầm quyền Hà Nội cho phép tổ chức rầm rộ Phật Đản năm nay chỉ là một hoạt cảnh tuyên truyền quốc tế, đặc biệt nhắm thỉnh cầu Hoa Kỳ rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm (CPC) mà thôi”.
Một ví dụ biểu trưng là Thượng tọa Thích Vĩnh Phước, Chánh Đại diện GHPGVNTN Bà Rịa – Vũng Tàu viết Tờ trình gửi Ủy ban Nhân dân xã Phước Thuận ngày 10.5.2006 xin được tổ chức Đại lễ Phật Đản tại chùa Phước Bửu từ ngày mồng 8 tháng Tư âm lịch cho đến ngày Rằm (tức từ 5.5 đến 15.5.2006). Chương trình ghi rõ ngày giờ và các nghi thức tụng kinh Pháp Hoa, Cúng dường Phật Đản, Cúng thí thực cô hồn, tụng kinh Cầu an và phát quà từ thiện cho người nghèo. Trong Tờ trình, Thượng tọa còn nhấn mạnh đến ý nghĩa lễ Phật Đản : “Kể từ những năm gần đây, ngày Phật Đản không chỉ là ngày lễ của Phật giáo đồ mà Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận đó là Ngày lễ Quốc tế. Vì vậy chùa Phước Bửu lại càng ý thức trách nhiệm của mình, chuẩn bị chương trình Đại lễ”.
Thế nhưng, văn thư “trả lời Tờ trình của ông Thích Vĩnh Phước” của Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Xuyên Mộc và UBND xã Phước Thuận mang số 19/CV-UBND, do ông Chủ tịch Hồ Tiến Dũng ký ngày 10.5.2006, viết rằng :
“Căn cứ vào Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo và các văn bản hướng dẫn của nhà nước về hoạt động tôn giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được nhà nước Việt Nam công nhận, do vậy ông Thích Vĩnh Phước nhân danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất xin tổ chức mừng Phật Đản với danh nghĩa trên là hoàn toàn không hợp pháp. UBND xã Phước Thuận không chấp thuận theo nội dung tờ trình của ông. Yêu cầu ông Thích Vĩnh Phước phải chấp hành theo đúng Pháp lệnh tín ngưỡng Tôn giáo đã được nhà nước Việt Nam ban hành”.
Cùng ngày 10.5.2006, Hòa thượng Thích Đồng Huy, Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội Bà Rịa – Vũng Tàu Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước) viết văn thư mang số 165/CV/BTS gửi các cơ quan công quyền : UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc BRVT, Ban Tôn giáo – Dân tộc BRVT, Sở Công an BRVT, UBND huyện Xuyên Mộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc h. Xuyên Mộc, Phòng Tôn giáo – Dân tộc h. Xuyên Mộc, Phòng Công an h. Xuyên Mộc và UBND xã Phước Thuận, yêu cầu “trừng phạt” như sau :
“…Ông Thích Vĩnh Phước nhân danh Ban Đại diện Phật giáo Việt Nam Thống nhất đứng ra tổ chức lễ Phật Đản tại chùa Phước Bửu , xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Việc làm của ông đã không tuân theo Luật pháp của Nhà nước và còn xáo trộn trong nội bộ Giáo hội và đồng bào Phật tử. Thường trực Ban Trị sự đề nghị Quý Ủy Ban có biện pháp xử lý sự tự chuyên của ông để đem lại sự yên lành và trang nghiêm trong mùa Phật Đản, P.l. 2550”.
Chư Tăng Ni, Phật tử chưa quên đầu thập niên 80, một Thượng tọa tên tuổi khoác áo bước sang thuyền Nhà nước viết văn thư gửi nhà cầm quyền cộng sản yêu cầu có biện pháp xử lý với nhị vị lãnh đạo Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ vì hai ngài không tán đồng việc xích hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nên đầu năm 1982, hai ngài liền bị bắt, bị đưa về nguyên quán lưu đày ở Quảng Ngãi và Thái Bình hàng chục năm ròng !
Ngoài ra, Phật Đản tại chùa Giác Hoa ở Saigon, nơi Thượng tọa Thích Viên Định, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo làm viện chủ, cũng bị ngăn chặn vì đúng ngày Rằm đại lễ thì điện chùa Giác Hoa bị cắt. Tại chùa Liên Trì, nơi Thượng tọa Thích Không Tánh trụ trì, lễ Phật Đản tuy được tiến hành, nhưng do hàng chục công an canh gát trước chùa, một số vào chánh điện quay phim và chụp hình gây hoang mang cho Phật tử.
Trong số 13 Ban Đại diện GHPGVNTN chỉ có ở Thừa thiên – Huế và Quảng Nam – Đà Nẵng không bị trở ngại trong việc cử hành đại lễ Phật Đản. Các Ban Đại diện khác do Công an mời đi “làm việc” nhiều ngày trước, nên Đại lễ không thể thực hiện như dự trù.
(1) xin xem các Thông cáo báo chí ngày 1.2.2006 và 12.5.2006, hoặc trên Trang nhà Quê Mẹ https://queme.org