Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Nhằm ngăn chận tiến trình hình thành “Nhóm Tư vấn trong nước” (DAG) bao gồm các xã hội dân sự độc lập theo quy định của Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam (EVFTA), Nhà báo Mai Phan Lợi và Luật sư Đặng Đình Bách bị bắt giam và khởi tố tội “trốn thuế”

Nhằm ngăn chận tiến trình hình thành “Nhóm Tư vấn trong nước” (DAG) bao gồm các xã hội dân sự độc lập theo quy định của Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam (EVFTA), Nhà báo Mai Phan Lợi và Luật sư Đặng Đình Bách bị bắt giam và khởi tố tội “trốn thuế”

Download PDF


PARIS, ngày 8 tháng 7 năm 2021 (VCHR) – Đánh dấu một năm ký kết Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam (EVFTA) vào ngày 1 tháng 8, nhà cầm quyền Hà Nội mở chiến dịch đánh phá giới xã hội dân sự qua việc bắt giam và khởi tố tội “trốn thuế” nhà báo Mai Phan Lợi và Luật sư Đặng Đình Bách, nhằm ngăn chận tiến trình hình thành “Nhóm tư vấn trong nước” (DAG) bao gồm các xã hội dân sự độc lập do EVFTA quy định.

Hôm 2 tháng 7, Công an Hà Nội công bố bắt giam hai nhà hoạt động xã hội dân sự, nhà báo Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Truyền thông giáo dục Cộng đồng (MEC) và Luật sư Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPSD). Cả hai đều bị khởi tố tội “trốn thuế” (chiếu điều 200 trong Bộ Luật Hình sự năm 2015) có thể dẫn tới 7 năm tù. Dù chi tiết khởi tố không được công bố. Tội “trốn thuế” xưa nay thường được sử dụng để bắt giam những nhà hoạt động xã hội dân sự hoặc những ai phê phán chính quyền, như trường hợp trước đây đối với Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Hải, Trương Duy Nhất… Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, nhà cầm quyền tấn công hai nhân vật từng hoạt động công khai với những dự án bền vững, có đăng ký và được cộng đồng quốc tế hỗ trợ.

Ông Mai Phan Lợi, 50 tuổi, chuyên gia báo chí và truyền thông xã hội. Trước khi sáng lập Hội đồng Khoa học Trung tâm Truyền thông giáo dục Cộng đồng (MEC), ông điều hành “Góc nhìn báo chí – Công dân”, nhóm công khai hiện có hơn 120 nghìn  thành viên và Nhóm “Diễn Đàn Nhà báo trẻ” có 33 nghìn thành viên, đa số là nhà báo và sinh viên báo chí. Ông từng giữ chức Trưởng phòng Đại diện báo Pháp Luật Tp Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Năm 2016 ông bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi thẻ báo chí vì “xúc phạm nghiêm trọng danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam” qua vụ thăm dò lý do vụ máy bay CASA 212 của hải quân Việt Nam mất tích, đăng tải trên Facebook và Diễn Đàn Nhà báo trẻ gây tranh cải. Ông Lợi cũng nằm trong số các nhà hoạt động xã hội dân sự được mời gặp Tổng Tống Hoa Kỳ Obama trong chuyến công du Việt Nam năm 2016. Mai Phan Lợi cũng có bút danh Bút Lông, thực tế đã bị bắt giam không nguyên cớ từ hôm 24 tháng 6, và chỉ được công an công an xác nhận hôm 2 tháng 7 vừa qua.

Mai Phan Lợi thuyết trình tại hội thảo MEC về tiếp cận thông tin
Mai Phan Lợi thuyết trình tại hội thảo MEC về tiếp cận thông tin

Luật sư Đặng Đình Bách, 43 tuổi, là người bảo vệ sinh thái, ít được biết trong giới bất đồng chính kiến, vì ông tập trung sinh hoạt trong lĩnh vực giáo dục nhằm giúp đỡ cộng đồng hiểu biết và bảo vệ các quyền của mình. Mục tiêu trang Web Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPSD) của ông là “trở thành nơi lưu trữ thông tin về các vụ việc mà quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị xâm phạm do các hoạt động phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Khi người dân hiểu rõ các quyền và lợi ích chính đáng của họ, và bằng cách nào hành xử quyền và lợi của mình, luật và chính sách không còn nằm co trên giấy mà sẽ hiện thực trong đời sống người dân”.

Luật sư Đặng Đình Bách
Luật sư Đặng Đình Bách

Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách đều là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTAbao gồm 7 tổ chức xã hội dân sự thành lập hồi tháng 11 năm ngoái nhằm phổ biến và thông tin về Hiệp ước EVFTA, sự cấu thành các xã hội dân sự ở Việt Nam, và (DAG). Bảy tổ chúc này, kể cả MRC và LPSD, đã nộp đơn xin làm thành viên DAG Việt Nam.

Ban Tư vấn trong nước (DAG) được thiết lập theo quy định tại Chương Mậu dịch và Phát triển bền vững của Hiệp ước EVFTA giúp các tổ chức xã hội dân sự độc lập có tư cách đại diện, nhằm kiểm soát việc thực hiện hiệp ước và đưa ra các khuyến nghị cụ thể, đặc biệt trên các lĩnh vực quyền người lao động, quyền đất đai và môi trường. Ban Tư vấn Liên Âu (EU DAG) đã được thiết lập hồi tháng 12 năm 2020 và đã hai lần hội nghị. Trái lại ở Việt Nam thì vẫn triệt để trì hoãn việc thiết lập Ban Tư vấn Việt Nam (VN DAG) của mình, ngăn chặn hiệu quả tiến trình tham gia các xã hội dân sự nhằm hoàn tất Hiệp ước.

Tháng 6 năm 2021, Liên Âu bó buộc phải huỷ bỏ vào phút chót Diễn Đàn thứ nhất họp chung các xã hội dân sự giữa Liên Âu và Việt Nam vì Việt Nam chưa thành lập DAG của mình, vi phạm nghĩa vụ cam kết đối với Hiệp ước. Trong một bản tuyên bố, EU DAG đã phải “tỏ lời hối tiếc và quan tâm” trước sự huỷ bỏ cuộc họp, nhấn mạnh rằng “sự việc các xã hội dân sự tham gia và giám sát Hiệp ước EVFTA không là một yếu tố không bắt buộc của Hiệp ước, mà phải được bảo đảm và áp dụng như một điều cấp bách cần thực hiện”. Liên Âu kêu gọi Việt Nam nhanh chóng thiết lập đối tác của EU DAG, và nhắc nhở rằng “Hiệp ước EVFTA quy định dứt khoát DAG phải được thiết lập với những tổ chức đại diện độc lập (Điều 13, 15.4)”.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR), nhận xét rằng : Việt Nam từng hứa hẹn mặt trăng với Liên Âu để đạt được sự ký kết Hiệp ước EVFTA, nhưng nay là lúc phải giao hàng. Vấn nạn là Việt Nam chẳng bao giờ tin cậy các xã hội dân sự. Trong quá khứ, Đảng Cộng sản sử dụng các con bài như “tổ chức Dân vận” hay “GONGOS” của Đảng để chuyển vận các âm mưu của Đảng. Ngày nay, đến như các tổ chức xã hội dân sự của chính quyền được đăng ký hoạt động cũng đòi hỏi sự minh bạch, độc lập và quyền tiếp cận thông tin. Cho nên, Hà Nội phản ứng bằng cung cách cố hữu mà ai cũng biết, là bắt giam các nhà hoạt động và theo dõi  nhằm ngăn chặn sự tham gia các xã hội dân sự vào cơ chế thực hiện Hiệp ước EVFTA”.

Vấn đề tính độc lập của DAG (Ban Tư vấn trong nước) là một trong những nhược điểm của Hiệp ước EVFTA, bởi vì tại Việt Nam chưa hề hiện hữu các tổ chức Phi chính phủ độc lập. Mọi tổ chức, hiệp hội tại Việt Nam đều nằm trong guồng máy kiểm soát của Đảng Cộng sản. Đa số đều phải đăng ký dưới chiếc dù VUSTA, tức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, thành viên của Măt trận Tổ quốc, một tổ chức bán chính quyền. Hơn nữa, với một chính quyền bất khoan dung đối với những ai bất đồng chính kiến, cùng những điều luật mơ hồ trong chương “an ninh quốc gia” của Bộ Luật Hình sự, chẳng có nhóm xã hội dân sự nào có thể đóng vai trò hữu hiệu biểu đạt những quan điểm phê phán trong việc thực thi Hiệp ước EVFTA mà không sợ bị đàn áp, sách nhiễu hay bắt giam.

Ông Ái nhắc lại Việt Nam đã tăng cường các cuộc đàn áp các nhà hoạt động thuộc xã hội dân sự, các nhà hoạt động nhân quyền, suốt thời gian thương thảo Hiệp ước EVFTA cho đến khi kết thúc. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và hai đồng sự của ông như Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn đã bị kết án tới 15 năm tù hồi tháng giêng năm 2021 chỉ vì họ lên tiếng kêu gọi Liên Âu đặt điều kiện nhân quyền trước khi ký kết EVFTA.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, vẫn kỳ vọng rằng xã hội dân sự có thể đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện Hiệp ước EVFTA với sự yểm trợ của Ban Tư vấn Liên Âu (EU DAG), ông nói : Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) là thành viên của EU DAG. Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) là thành viên của FIDH đại diện cho Việt Nam. Chúng tôi sẽ hoạt động mật thiết với FIDH, cùng với các xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam, để bảo đảm mọi khuyến thỉnh xung yếu của họ được cất lên qua các cuộc thảo luận tại EU DAG hay mọi thiết chế khác nhằm mục tiêu thực thi Hiệp ước EVFTA”.

This post is also available in: English French

Check Also

Các nhà bảo vệ môi trường và nhân quyền ở Việt Nam đón Ngày Quốc tế Nhân quyền trong tù ngục

PARIS, ngày 10 tháng 12 năm 2023 (VCHR) – Ủy Ban Bảo vệ Quyền làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *