PARIS 16.4.2012 (QUÊ MẸ / VCHR) – Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy trả tự do tức khắc cho ba nhà Bloggers Nguyễn Văn Hải (bút hiệu Điếu Cày), Phan Thanh Hải (bút hiệu Anh Ba Saigon), và Tạ Phong Tần (bút hiệu Sự Thật và Công lý) và hủy bỏ mọi cáo trạng đối với họ. Theo tin cho biết cả ba Nhà Bloggers bị kết tội theo điều 88 khoản 2 trong Bộ Luật Hình sự với tội trạng đặc biệt nghiêm trọng « tuyên truyền chống Nhà nước XHCNVN » có thể bị xử từ 10 đến 20 năm cấm cố.
« Ông Điếu Cày đã bị biệt giam suốt 17 tháng qua, một hành động vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc gia cũng như quốc tế. Lẽ ra nhà nước chẳng có quyền gì bắt Điếu Cày ngay từ đầu. Với những điều kiện như thế, cuộc xét xử sắp tới chỉ là sự nhạo báng công lý », ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, bình luận.
Theo tin từ giới ngoại giao phiên tòa xét xử ba Nhà Bloggers sẽ thực hiện vào ngày 17.4. Còn theo tin báo Pháp Luật và Người Lao Động ngày 14.4 thì Viện Kiểm sát Nhân dân Saigon đã chuyển cáo trạng và toàn bộ hồ sơ vụ án sang Tòa án Nhân dân Tp Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hai Luật sư Hà Huy Sơn và Nguyễn Quốc Đạt, biện hộ cho Điếu Cày, cho biết vì tính chất « nhạy cảm » phiên tòa có thể dời lại sau ngày 30.4, là ngày kỷ niệm quân cộng sản chiếm đóng Saigon. Ba nhà Bloggers bị kết án đã đăng tải 421 bài viết « bóp méo và chống đối Nhà nước » trên các Blogs của họ.
Lần đầu tiên các luật sư được gặp mặt Điều Cày hôm 29.3. Theo Luật sư Đạt cho biết trong lần gặp thứ hai thì Điếu Cày « vẫn giữ lập trường của mình ngay từ đầu rằng anh không vi phạm pháp luật. Cho nên, anh không ký nhận bất cứ quyết định nào. Cáo trạng tống đạt cho anh, anh cũng không đọc. Xét theo quan điểm của anh Điếu Cày vẫn giữ lập trường rằng không có tội, thì khả năng tôi bào chữa cho anh thành công, tôi dự đoán khả năng này rất thấp ».
Điếu Cày sinh năm 1952, một Blogger nổi danh, thành lập « Câu lạc bộ Nhà Báo Tự do » bị bắt lần đầu năm 2008 và bị kết án 30 tháng vì tội « trốn thuế ». Thực tế, vì Điếu Cày đã tổ chức những cuộc biểu tình nhân cuộc Rước Đuốc Thế vận hội chống Trung quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như viết nhiều bài báo tố cáo những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã báo động LHQ về trường hợp của Điếu Cày và đã được Tổ Hành động Chống Bát bớ trái phép (UN Working Group on Arbitrary Detention) của LHQ tuyên xưng Điếu Cày là nạn nhân bị bắt bớ trái phép và yêu sách trả tự do cho anh (xem Ý kiến LHQ 1/2009).
Thay vì trả tự do khi mãn hạn tù ngày 19.10.2010, nhà cầm quyền cộng sản tiếp tục bắt giam Điếu Cày vì tội gán thêm lần thứ hai « tuyên truyền chống nhà nước XHCNVN » chiếu theo điều 88. Từ đó, gia đình anh không được thăm nuôi và cũng không được thông báo điều gì, mặc dù rất lo ngại cho tình trạng sống chết của anh. Cuộc giam giữ 17 tháng vừa qua trái chống với điều 120 của bộ Luật Hình sự giới hạn việc tạm giam để điều tra cho những ai « xâm phạm an ninh quốc gia » tối đa trong vòng 4 tháng, gia hạn thêm 3 lần trong những « trường hợp đặc biệt nghiêm trọng », sau đó « khi hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải được trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác ».
Cùng vụ xét xử sắp tới với Điều Cày còn có hai Nhà Bloggers khác là anh Phan Thanh Hải (Anh Ba Saigon) và chị Tạ Phong Tần, thành viên « Câu lạc bộ Nhà Báo Tự do ». Anh Phan Thanh Hải sinh năm 1969, bị bắt ngày 18.10.2010, bị giam giữ trái phép cho đến ngày hôm nay. Luật sư Nguyễn Thanh Lương lo việc biện hộ cho anh.
Những bài viết của anh Phan Thanh Hải bị nhà cầm quyến tố cáo, buồn cười thay lại là bài mang tên « Tội bất kính với vua và điều 88 Bộ Luật Hình Sự ». Qua bài này anh trích dẫn Montesquieu về định nghĩa mơ hồ cái gọi là « tội khi quân » còn thấy ở nhà nước phong kiến Trung hoa, để so chiếu với điều 88 trong bộ Luật Hình sự cũng mơ hồ về cái gọi là « xâm phạm an ninh quốc gia ». Chính bản thân điều 88 đã vi phạm điều 69 trong Hiến pháp quy định :
« Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật », và điều 53 quy định mọi
« Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý ».
Anh Phan Thanh Hải nêu câu hỏi trong bài viết của mình : « Chúng ta có quyền yêu cầu Quốc hội hủy bỏ điều luật 88 ấy hay không ? Tôi xin trả lời là có, chúng ta có cái quyền ấy, bởi lẽ chúng ta là cử tri đã bỏ phiếu cho những đại diện Lập pháp [Đại biểu Quốc hội], chúng ta có quyền yêu cầu, kiến nghị hủy bỏ những điều luật không ích cho nước, không lợi cho dân và không còn phù hợp với thời đại nữa ».
Chị Tạ Phong Tần sinh năm 1968, cựu đảng viên Cộng sản và cựu sĩ quan công an, viết nhiều bài báo tố cáo những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, bị bắt ngày 5.9.2011. Luật sư Đoàn Thái Duyên Hải sẽ biện hộ cho chị.
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy trả tự do tức khắc cho ba Nhà Blogers nói trên, bị bắt giam vì đã biểu tỏ quyền tự do ngôn luận chính đáng của họ. Mọi cáo trạng dành cho họ phải tức khắc hủy bỏ và quyền công dân của họ phải được phục hồi.
Hôm nay từ Paris, ông Võ Văn Ái kêu gọi : « Việt Nam đã tham gia ký kết hầu hết các công ước nhân quyền LHQ, và hiên nay đang xin ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ niên khóa 2014 – 2016. Thế nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục phô diễn trắng trợn những vi phạm thô bạo các quyền cơ bản. Việt Nam cần tôn trọng những cam kết quốc tế và hủy bỏ sự nhạo báng công lý trước khi thành chuyện đã rồi ».