Home / Tài liệu / Phỏng vấn ông Carl Gershman

Phỏng vấn ông Carl Gershman

Download PDF

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế (PTTPGQT) : Xin chào ông Carl Gershman. Ông là Chủ tịch Sáng hội Quốc gia hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy, Hoa Kỳ), đồng thời là một trong những nhân vật quốc tế khởi xướng Phong trào Dân chủ Thế giới. Khi Phong trào tổ chức Đại hội lần đầu tại thủ đô New Delhi, Ấn độ, năm 1999, ông đánh giá việc khởi động này như việc đưa ra một ý kiến. Năm 2002 họp tại Sao Paolo ở Brazil, ông nhận định ý kiến ban đầu kia đã trở thành thực tại. Nay ông đánh giá như thế nào Đại hội lần thứ 4 tại Istanbul năm nay, 2006 ?

Carl Gershman : Phong trào Dân chủ trong thế giới đang lan rộng, bắt rễ qua nhiều phong trào, qua nhiều nền văn hóa. Đại hội năm nay quy tụ nhiều phong trào dân chủ hơn trước. Một số ở Châu Âu, như Thụy Điển hay Anh quốc. Mọi khu vực trên địa cầu đều có mặt, ai ai cũng thấy mình là sở hữu chủ của Phong trào. Tất cả cùng cảm nhận lý do thiết yếu cho Phong trào tồn tại, và cảm thấy cần thiết tạo cơ hội để cùng nhau hợp tác.

Thật khác thường khi chứng kiến mọi người ngồi cùng bàn thảo luận những vấn đề chung, dù mọi người ở cách xa nhau trên trái đất, và bỗng khám phá rằng họ có thể cùng nhau chia sẻ, cùng nhau học hỏi các vấn đề ấy.

PTTPGQT : Ông đánh giá ra sao tình trạng dân chủ trong bảy năm qua, kể từ khi phong trào ra đời, tiến bộ hay thoái bộ ?

Carl Gershman : Rõ ràng là một số vấn đề chúng ta đối diện hôm nay chưa hiện hữu trong cùng thang bậc thời Phong trào ra đời. Hôm qua, chúng ta thảo luận những vấn đề chính yếu nhằm đáp ứng các vấn nạn chống đối dân chủ hay chống đối sự hậu thuẫn dân chủ đang xẩy ra trong một số quốc gia, nơi các chính quyền khăng khăng nắm giữ quyền lực, và lo sợ các phong trào dân chủ thách thức họ. Tôi hy vọng các điều thảo luận như thế sẽ trở thành trọng tâm chính cho Phong trào hoạt động. Chúng tôi gọi các vấn nạn ấy là phản ứng cực đoan (backlash) nhằm cản ngăn sự giúp đỡ dân chủ, ngăn cản các phong trào Phi chính phủ hoạt động.

Vấn đề này rất nghiêm trọng và đang xẩy ra tại các quốc gia, nơi các tổ chức Phi chính phủ trở thành tích cực và các tổ chức Phi chính phủ quốc tế đang có mặt. Ví dụ những quốc gia như Liên bang Nga, Belarus, Uzbekistan hay Zimbabwe, Ai Cập, hay Venezuela. Một số quốc gia có vài tiến bộ nhưng số này còn ít, đã ít lại hay tái phạm, và chúng tôi vẫn phải tranh thủ để chống lại sự tái phạm ấy. Đây là vấn đề rất quan trọng mà chúng tôi đối diện trong giai đoạn sắp tới.

PTTPGQT : Ông có nghĩ rằng Phong trào Dân chủ Thế giới đang tác động cụ thể cho việc thăng tiến dân chủ trên thế giới không ?

Carl Gershman : Cuối cùng thì cuộc đấu tranh thực sự phải xẩy ra trong nội bộ các nước, lấy quốc gia làm tiêu điểm. Nhưng tôi nghĩ rằng khi Phong trào Dân chủ Thế giới phát triển, các phong trào, các cá nhân trong các quốc gia ấy sẽ tìm ra phương cách tương trợ lẫn nhau và cùng nhau hợp tác, nhằm gia tăng tác động theo với thời gian. Ngoài ra, thúc đẩy các thiết chế quốc tế như LHQ quan tâm đến những ưu tư của Phong trào Dân chủ Thế giới, đây cũng là cách hậu thuẫn cho các tổ chức Phi chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự.

PTTPGQT : Xin ông một câu hỏi chót. Cuộc phỏng vấn hôm nay sẽ được phát thanh về Việt Nam. Dạ yến bế mạc Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới sẽ có sự kiện quan trọng vinh danh các nhà dân chủ dũng cảm trên thế giới. Năm nay, một trong những vinh danh ấy được dành cho các Nhà dân chủ tại Việt Nam. Xin ông nói đôi lời về sự kiện này và vì sao chọn Việt Nam ?

Carl Gershman : Tiêu chuẩn mà Phong trào Dân chủ Thế giới chọn lọc để vinh danh sự dũng cảm đấu tranh cho dân chủ, là nhắm vào các phong trào đang đấu tranh cho dân chủ nhưng chưa được dư luận quan tâm đúng mức. Tôi thực sự nghĩ rằng những người nhận giải mà chúng tôi tôn vinh năm nay, trong đó có Việt Nam và các nhà đấu tranh cho nhân quyền tại Nepal, các dân biểu cầm đầu người Tatars Crimea ở Ukraine, và những người ở Uzbekistan, là những quốc gia đang gặp khó.

Riêng Việt Nam, hiện có rất đông người cảm thấy việc quan tâm đến các nhà đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam là điều quan trọng. Cũng có thể đây là cơ hội khai mào, vào lúc Việt Nam mở cửa kinh tế ra thế giới, và tôi nghĩ rằng điều này rất quan trọng để cho những tổ chức xã hội dân sự, những nhà đấu tranh và các nhà bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam biết rằng có những người trong Phong trào Dân chủ Thế giới cũng như khắp thế giới biết họ là ai, và đang tìm cách liên giao với họ để hậu thuẫn họ. Chủ tâm của sự “Vinh danh Dũng cảm Dân chủ” là một hành động khích lệ đối với họ, mà chúng tôi hy vọng sẽ đạt được.

PTTPGQT : Nhưng tiếc thay hai nhà dân chủ dũng cảm mà chúng ta vinh danh, Hòa thượng Thích Quảng Độ và Giáo sư Hoàng Minh Chính, không thể đến tham dự buổi vinh danh ?

Carl Gershman : Đúng như vậy, nhưng chúng ta đã có anh Võ Văn Ái là một nhà đấu tranh cho dân chủ và có liên hệ mật thiết với hai vị. Anh Ái sẽ thay mặt họ nhận bằng vinh danh. Đây không phải là lần đầu tiên những người được Phong trào Dân chủ Thế giới vinh danh nhưng không đến được. Tôi còn nhớ buổi dạ yến vinh danh lần đầu tiên, chúng tôi vinh danh Phong trào Sinh viên tại Iran, thế nhưng ngay thời điểm đó, các sinh viên lãnh đạo bị bắt cầm tù. Chúng tôi cũng đã từng vinh danh các Bà Mẹ của những sinh viên bị bắt vì đòi hỏi dân chủ ở Thiên An môn, nhưng các bà đã không sao rời Trung quốc đến Sao Paolo với chúng ta để nhận giải tại Đại hội lần thứ hai.

Nhưng thông điệp sẽ đến tai họ. Nhờ sự kỳ diệu của kỹ thuật và truyền thông hiện đại, họ sẽ biết là chúng ta đang biểu tỏ tình liên đới với họ, và tôi tin rằng đây là nguồn khích lệ lớn.

PTTPGQT : Xin cám ơn ông Carl Gershman.

<<< Phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Độ, Giáo sư Hoàng Minh Chính và ông Carl Gershman về cuộc vinh danh hai Nhà dân chủ Việt Nam dũng cảm tại Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới ở thủ đô Istanbul

Check Also

Thông bạch Đại lễ Vu Lan Pl. 2562 – 2018 của Viện Hoá Đạo

  PARIS, ngày 14 tháng 8 Năm 2018 (PTTPGQT) — Sau đây là Thông bạch …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *