PARIS, ngày 14.1.2008 (PTTPGQT) – Kể từ Giáo chỉ số 9 của Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành ngày 8.9.2008, thì dư luận trong Cộng đồng người Việt hải ngoại trở nên sôi nổi. Do sự giải thích quanh co trốn lánh của một số nhà Sư về Giáo chỉ này mà không khí sôi nổi chuyển qua tranh chấp. Quanh co trốn lánh, vì các vị Sư này bóp méo Giáo chỉ cứu nguy Phật giáo thành văn kiện hạn hẹp trong sự tranh giành quyền lực vốn không có trong nội dung văn bản. Mục tiêu dương đông kích tây của các vị Sư này nhằm giấu nhẹm khuynh hướng đưa Phật giáo thỏa hiệp với Nhà nước Cộng sản của họ. Vì sao lại giấu nhẹm ? – Vì sống giữa Cộng đồng Người Việt Tị nạn Cộng sản, các nhà Sư và Cư sĩ rối nước này rất sợ hành tích đi đêm ăn vụng với Cộng sản bị khám phá tất khó “làm ăn” trong các gian hàng biến thành chùa viện của họ. Càng dương đông kích tây càng phơi lộ động thủ của những kẻ “bắt cá hai tay”.
Uy tín và đạo đức của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ rất lớn trong lòng quần chúng cũng như trên trường quốc tế, nên các nhà Sư và Cư sĩ rối đạo nói trên không dám chỉa mũi dùi vào công kích hai vị lãnh đạo tối cao của Phật giáo. Họ đổ mối hận nghìn cân “giận cá chém thớt” của họ xuống đầu những “con dê tế thần” mà họ tạo ra, cốt gây hoang mang dư luận quần chúng Phật tử nói riêng và người Việt tị nạn nói chung. Tạo thành tình trạng “đục nước béo cò” cho mẻ lưới âm mưu của họ.
Đài Phật giáo Việt Nam trong mục “Câu Chuyện Cuối Tuần” phát thanh tối thứ sáu 11.1.2008 đã phỏng vấn ông Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo và Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, về hiện trạng Phật giáo Việt Nam dưới triều đại Cộng sản 53 năm qua. Do yêu cầu của chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử trong và ngoài nước, chúng tôi chép lại nguyên văn cuộc phỏng vấn ấy để làm tài liệu nhận định lịch sử và cống hiến quý thính giả và độc giả có thư hay điện thoại yêu cầu. Sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn :
Triều Thanh : Xin mời quý thính giả Đài Phật giáo Việt Nam nghe Câu Chuyện Cuối Tuần với ông Võ Văn Ái về Phật giáo thời Cộng sản.
Thưa ông Võ Văn Ái, gần đây trong nước có sự chuyển hướng của vài vị Tăng sĩ kéo theo nhóm Thân hữu Già Lam ở hải ngọai gây ồn ào dư luận về hiện tượng phân hóa nội bộ. Đây có phải là cuộc khủng hoảng mới và trầm trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ?
Võ Văn Ái : Ba điều cơ bản cần nói ngay để hướng dẫn cuộc trao đổi trong khuôn khổ Câu chuyện Cuối tuần. Thứ nhất là chuyện Nhóm Thân hữu Già Lam. Thứ hai là từ ngữ khủng hoảng. Thứ ba là vấn đề phê phán các nhà Sư.
Thứ nhất là cái nhóm gây ồn ào mang danh xưng Thân hữu Già Lam. Danh xưng này được Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Thư ký Viện Tăng thống, báo động trong phúc trình Phật sự gửi Viện Hóa Đạo hôm 8.9.2007. Cầm đầu Nhóm Thân hữu Già Lam là Giáo sư Lê Mạnh Thát và Thượng tọa Tuệ Sỹ với các thân hữu là một số Tăng sĩ và Cư sĩ tu xuất ở hải ngọai vốn là học trò cũ hay kẻ bái phục hai vị nói trên.
Thứ hai là từ ngữ khủng hoảng. Trên phạm vi ngữ nghĩa, khủng hoảng chỉ định thời điểm phải chuyển hóa để tồn tại. Chuyển mình thay đổi vì hiện trạng không còn thích nghi với sự chuyển động của tư tưởng hay sinh họat theo hướng chuyển động của tư tưởng này. Như thế thì không có sự phân hóa nội bộ, hay khủng hoảng trầm trọng, mà chỉ là bước tiến mới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước tình hình mới để bào toàn nền Phật giáo dân tộc.
Phật giáo sau một giai kỳ tìm cách thích nghi với hoàn cảnh xã hội, nhưng thấy bất khả, nên phải chuyển hướng. Hoàn cảnh xã hội hiện nay tại Việt Nam, ý thức thì theo chủ nghĩa ngọai lai Mác xít, chính trị thì theo chế độ độc tài toàn trị, xã hội thì nhiễu nhương vì những tệ nạn và suy thoái đạo đức. Phật giáo mà chịu đánh đồng với xã hội ấy là đi vào chỗ mạt pháp tiêu vong. Cho nên những người tiên phong trong phong trào bảo vệ Phật giáo phải vượt thoát. Trong cuộc vượt thoát để bảo toàn Giáo lý cứu khổ và giác ngộ, họ vấp phải thế lực phản động, bảo thủ trong nội bộ mình, làm phát sinh va chạm mà người đời gọi là khủng hoảng. Thực tế và trong thực tại, khủng hoảng biểu thị sự vượt thoát và chuyển hóa của đạo Phật Việt Nam trên tiến trình phá khổ trừ nguy để vươn mình tới sự giác ngộ cho toàn thể dân tộc.
Điều thứ ba là việc phê phán các nhà Sư. Một số người nghĩ rằng, cư sĩ không được động tới Tăng sĩ, không được phê phán các Thầy.
Quan niệm này có thể đúng trên một số lĩnh vực, hoặc trong một thời đại lịch sử nào đó. Nhưng hiên trạng xã hội Việt Nam từ khi chế độ Cộng sản thiết lập chính quyền làm xáo trộn nếp sống truyền thống. Chẳng hạn các nhà sư thuở xưa chỉ chăm lo đời sống tâm linh của quần chúng. Trong xã hội Cộng sản, Đảng bắt nhà sư phải tham gia chính trị. Giáo hội như Giáo hội Quốc doanh là một công cụ để hoan hô hay đả đảo theo lệnh Đảng. Nhà Sư trong giáo hội này phải gánh vác vai trò đại biểu quốc hội. Không để bênh vực dân và Phật tử, mà làm bù nhìn tuyên truyền quốc tế cho chế độ, rằng Quốc hội cộng sản có đủ mọi thành phần dân tộc và tôn giáo. Thế thì người Phật tử phải chấp nhận sự kiện phi giới luật này hay sao ? Người Phật tử phải cúi đầu im lặng và bái lạy, hay phải lên tiếng bất đồng khi chính người Tăng sĩ phạm giới luật Phật chế – Ba La Đề Mộc Xoa – khi tham gia thế sự qua vai trò đại biểu Quốc hội ?
Mới đây, nhà Sư Thích Thanh Tứ đứng giữa Quốc hội Cộng sản tố cáo và kết án Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, thì người Phật tử im lặng, cúi đầu tán thán hành động tố cáo Sư, giết sư của Sư Thanh Tứ ? Hay phải tỏ thái độ cảnh giác sự phạm giới của người Tăng sĩ ?
Cũng thế, chúng ta tri ân Hoà thượng Thích Trí Tịnh với công trình dịch những bộ kinh Hán ra Việt của ngài. Công đức ngài thật vô lượng. Nhưng chúng ta bất đồng trước hành động chính trị của ngài. Khi ngài ủng hộ đảng Cộng sản tiêu diệt Phật giáo Việt Nam và hành hạ, thảm sát, tù đày hàng giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất 33 năm qua. Nói cho hình tượng, là chúng ta chắp tay đứng sau lưng ngài trước điện Phật. Nhưng chúng ta phản đối khi ngài Trí Tịnh cố vấn Mặt trận Tổ quốc và Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh rằng : “Giết rắn thì phải chặt đầu nó”. Câu nói giúp nhà cầm quyền Cộng sản mạnh tay bắt giam Hòa thượng Thích Quảng Độ năm 1994 và kết án 5 năm tù vì Hòa thượng đi cứu nạn dân bị lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long.
Nói tóm, trên vị trí Tăng sĩ của các ngài, Phật tử không hề phê phán Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Thiện Siêu hay Thượng tọa Tuệ Sỹ ngày nay. Nhưng Phật tử có quyền bất đồng ý kiến trên phương diện chính trị khi các ngài nói trên phục vụ chế độ để hãm hại Phật giáo, tù đày Tăng chúng và cản ngăn công cuộc hoàng hóa lợi sinh của đạo Phật Việt Nam.
Cần phân rõ hai phạm trù Tăng và Tục này. Đồng lõa với Cộng sản để hủy diệt Phật giáo, Tăng trở thành tục. Bảo vệ giáo lý cứu khổ và giác ngộ, tục trở thành Tăng.
Triều Thanh : Cụ thể, thưa ông Võ Văn Ái, ta có thể nói rằng Nhóm Thân hữu Già Lam là thế lực bảo thủ trong Giáo hội, muốn thích nghi với chế độ Cộng sản, nếu không nói là thỏa hiệp để tiếp tục đưa Phật giáo đi vào con đường của Giáo hội Phật giáo Nhà nước từ 1981 tới nay ? Nếu đúng như vậy, thì làm sao có thể giải thích sự kiện Giáo sư Lê Mạnh Thát và Thượng tọa Tuệ Sỹ là hai người bị chế độ kết án tử hình, mà nay lại thỏa hiệp với chế độ ? Có thể tin một sự kiện như thế xẩy ra không ?
Võ Văn Ái : Trong phúc trình Phật sự, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh cho biết Nhóm Thân hữu Già Lam tuy chưa công khai đứng vào hàng ngũ Giáo hội Phật giáo Nhà nước, nhưng họat động thì bước theo con đường thỏa hiệp với chế độ. Hai sự kiện thấy rõ là Giáo sư Lê Mạnh Thát hiện nay là một chức sắc trong hàng ngũ Phật giáo Nhà nước, họat động theo chỉ thị của Ban Tôn giáo Chính phủ. Người bạn như bóng với hình của Lê Mạnh Thát là Tuệ Sỹ, thì cùng với Lê Mạnh Thát chủ trì các khóa họp Paltalk qua điện thọai với nhóm Tăng và Cư sĩ tu xuất thuộc Nhóm Thân hữu Già Lam ở hải ngọai để bàn bạc, chỉ thị các công tác theo hướng họ phục vụ, chẳng dính dáng gì đến Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Mặt khác, điều lạ lùng là Thượng tọa Tuệ Sỹ chưa hề đưa một lời giáo huấn, khuyên nhủ hay can gián các đệ tử của ông khi bọn này viết và phổ biến các bài nặc danh đăng trên địa chỉ E.mail của cái gọi là Nhóm Tăng Ni Hải ngọai do 3 đệ tử và một thân hữu của ông điều hành tại vùng Nam California. Chẳng lẽ thầy nào trò nấy hay sao ?!
Một ông Thượng tọa được tôn vinh là Đạo sư hay Thiền sư thì im lìm bất động như một pho tượng khả kính, trong khi ấy bầy lâu la của ông viết những lọat bài hằn học, đểu cáng, chửi bới những ai không cúi thờ thần tượng đạo sư của họ, mạ lị Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bất kính với Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo Thích Quảng Độ. Sự tình ấy có thể gọi là đạo tình, đạo vị hay đạo đức không ?
Còn thắc mắc vì sao hai kẻ bị tử hình kia trở về phục vụ cho chế độ muốn giết mình 20 năm trước ? Chuyện không lạ nếu ta hiểu giáo lý vô thường của Đạo Phật. Mọi sự đều thay đổi. Chẳng có chi bất biến. Một ông Phó Tổng thống hét ra lửa của chế độ Saigon trước kia chủ trương Bắc phạt và Sát cộng, nhưng nay trở về Việt Nam phục vụ chế độ mà ông ta đòi giết, có làm cho ta thắc mắc và ngạc nhiên không ? Với người theo Phật giáo, sự kiện ấy chỉ là hệ quả của vô thường trong thế giới vô minh.
Hiển nhiên Giáo sư Lê Mạnh Thát và Thượng tọa Tuệ Sỹ không là ông Phó tổng thống kia. Nhưng cả ba đều là con người. Những con người chưa thành Phật, nên cùng cư trú cõi Sa bà và chịu chung định luật vô thường.
Nhị vị Cao tăng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ chịu khổ hạnh, tù đày, quản chế suốt 33 năm qua là vì hai ngài quyết tâm bảo vệ Chánh pháp và Giáo hội lịch sử là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Còn Giáo sư Lê Mạnh Thát và Thượng tọa Tuệ Sỹ bị án tử hình là vì năm 1984, hai ông cầm đầu nhóm người muốn dùng bạo lực quân sự lật đổ chính quyền Cộng sản. Việc không thành, vì hai vị non yếu chính trị. Do hai vị đánh giá sai xu thế thế giới và hoàn cảnh khách quan khi chủ súy giải pháp quân sự.
Nhưng tại sao ý chí muốn lật đổ một chế độ lại chịu thỏa hiệp với chế độ đó ? Có ba cách giải thích :
– Một là vì tham vọng, hễ tham vọng thì cái gì phục vụ cho tham vọng, kẻ tham vọng liền chớp lấy.
– Hai là thích ngon ngọt hơn áp lực. Người ta có thể bất khuất hay chấp nhận hy sinh khi đối đầu với áp bức, hăm dọa, khủng bố. Song lại dễ mềm lòng trước những lời đường mật, ve vãn, tâng bốc.
– Ba là vì muốn tương kế tựu kế để hoàn tất ý chí hay ước vọng của mình.
Giáo sư Lê Mạnh Thát và Thượng tọa Tuệ Sỹ ở vào vị thế nào trong ba giải thích nói trên ? Điều này chỉ có họ mới trả lời được. Ta không thể đáp thay.
Triều Thanh : Nhìn trong hoàn cảnh khách quan hiện tại, ta có thể kết luận là hai vị này và Nhóm Thân hữu Giá Lam theo Cộng sản không ? hoặc như dư luận gần đây nói họ là Cộng sản ?
Võ Văn Ái : Tôi không có thói quen chụp mũ. Đối với tôi, Cộng sản hay không cộng sản chưa là điều chính yếu. Thực tế cho thấy có những đảng viên Cộng sản cao cấp và lâu năm, nhưng tấm lòng họ không muốn tách lìa với tình nghĩa hay đạo lý dân tộc. Ta có thể tìm thấy số người này trong Câu lạc bộ Kháng chiến khởi động năm 1988 tại Saigon, nhưng đã bị chế độ dập tắt, giải thể. Chẳng hạn như ông Nguyễn Văn Trấn, ông Lê Giản, v.v… Trái lại, có những người không là đảng viên Cộng sản nhưng hành xử và hoạt động lại làm lợi cho Cộng sản hơn cả những đảng viên Cộng sản. Cho nên chớ đánh giá con người theo thẻ đảng viên, mà nên nhìn vào hành động của họ có lợi cho ai. Dưới chế độ này, ai cũng có thể trở thành công cụ của Đảng, hoặc vì áp lực, hoặc tự nguyện.
Đường hướng đang theo của Giáo sư Lê Mạnh Thát, Thượng tọa Tuệ Sỹ và Nhóm Thân hữu Già Lam là đặt mình trong dòng tâm lý “phù thịnh” của số đông. Kiểu sống thời nào theo thời ấy. Đây chỉ là vấn đề liên hệ với thời thế.
Triều Thanh : Xin ông giải thích rõ hơn. Liên hệ với thời thế là liên hệ ra sao ?
Võ Văn Ái : Không ai có thể thoát ly xã hội để sống riêng. Từ đó đặt ra vấn đề liên hệ. Đạo Phật quan niệm thế giới là một màng lưới tương quan tương sinh. Đây là trọng tâm của giáo lý vô ngã và vô thường. Tương quan tương sinh trong không gian là vô ngã. Tương quan tương sinh trong thời gian là vô thường.
Sáu mươi năm qua, Phật giáo sống dưới sức ép của chế độ Cộng sản. Nên các nhà lãnh đạo Phật giáo tùy theo ý chí và sự thông tuệ mà thiết lập mối liên hệ xã hội để chuyển vận đạo Phật theo thời thế và theo quan niệm họ. Do đó mà từ ngày bộ đội cộng sản miền Bắc xâm chiếm miền Nam tháng Tư năm 1975, thì giữa nhà nước cộng sản và Phật giáo nói chung có những liên hệ đáng chú ý. Câu chuyện hôm nay, tôi tạm hạn chế sự liên hệ ấy giữa các thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với nhà cầm quyền Cộng sản.
Như ta biết, sau 6 năm (từ 1975 đến 1981) do thất bại trong kế hoạch tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bằng bạo lực và khủng bố, Đảng Cộng sản chuyển sang kế hoạch mới nhằm biến tướng Phật giáo Việt Nam thành công cụ chính trị cho Đảng. Nên đầu tháng 11 năm 1981, họ tổ chức cái gọi là Đại hội Thống nhất Phật giáo tại chùa Quán Sứ ở Hà Nội và thiết lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Giáo hội Nhà nước. Gọi là giáo hội nhưng trong thực tế, một lần nữa, Phật giáo bị bó buộc trở về quy chế hội đoàn theo Dụ số 10 dưới thời Pháp thuộc. Vì cái gọi là giáo hội ấy chỉ là một hiệp hội thành viên trong Mặt trận Tổ quốc. Bốn ngài Thích Trí Thủ, Thích Minh Châu, Thích Trí Tịnh và Thích Thiện Siêu, tuy thuộc hàng giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng bốn ngài tham gia Giáo hội Nhà nước với tư cách cá nhân. Không được Viện Hóa Đạo ủy quyền.
Vì sao bốn ngài làm như thế ?
Chỉ có bốn ngài mới trả lời được lý do khiến bốn ngài xử sự không thông qua sự đồng duyệt của Giáo hội. Chúng ta tạm giả thuyết bằng lý do cao cả nhất, là các ngài muốn cứu Phật giáo, các ngài giả dại qua ải, để tương kế tựu kế mà bảo vệ Tăng tín đồ Phật giáo ? Theo lý luận kiểu này, thì nếu không làm như thế, Cộng sản sẽ tàn phá và tiêu diệt Phật giáo. Thế là các ngài nghiễm nhiên bỏ ngôi nhà Phật giáo dân tộc bước sang phục vụ cho Giáo hội công cụ là Giáo hội Phật giáo Nhà nước. Một vị Cao tăng khác, người có kinh nghiệm Cộng sản ở miền Bắc, là Cố Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Đệ tam Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì chống lại lập trường của bốn Hòa thượng nói trên.
Tôi gọi mối liên hệ với Đảng Cộng sản của bốn ngài Trí Thủ, Minh Châu, Trí Tịnh, Thiện Siêu là “liên hệ chính trị”. Tức là đi với Cộng sản để mong ước cứu đạo. Câu hỏi đặt ra là, sau 26 năm tham gia Giáo hội Phật giáo Nhà nước, bốn ngài có cứu được Phật giáo hay không ? Có đào tạo được Tăng tài thực hữu hay không ? Có hoằng hóa lợi sinh theo tinh thần Phật giáo Việt Nam, mà ta từng chứng kiến dưới các triều đại Lý, Trần, hay không ? Tôi xin nhường câu trả lời này cho chư Tôn đức Tăng Ni và Phật giáo đồ trong nước, là những vị đang sống và chứng kiến thực tại Phật giáo dưới chế độ Cộng sản.
Trường hợp thứ hai là vụ Sư Ông Nhất Hạnh về Việt Nam năm 2005 và 2007. Tuy Sư Ông không hề có chức vụ gì trong hai Viện Hóa Đạo và Viện Tăng thống. Nhưng trước năm 1975, Sư Ông nhiều lần lên tiếng bênh vực Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và tự nhận mình là người của Giáo hội. Chỉ sau năm 1975, Sư Ông thiết lập một giáo phái mới tại miền Nam nước Pháp, đặt tại Làng Hồng sau đổi ra Làng Mai, nên từ đó Sư Ông không hoạt động cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nữa, mà chỉ lo riêng cho giáo phái của mình.
Nhiều người kết án Sư Ông là Cộng sản, hoặc hành xử theo sự chỉ đạo của Cộng sản thông qua một Sư Cô thị giả. Tôi chỉ nhận thức từ thực tại. Thực tại năm 2005, Việt Nam cộng sản còn bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm. Gọi tắc là CPC – Countries of Particular Concern. Chiếu theo luật pháp Hoa Kỳ, nước nào bị liệt vào danh sách CPC sẽ bị Hoa Kỳ chế tài trên lĩnh vực tài chính và kinh tế. Sự kiện này gây hoảng hốt và lo sợ cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Bởi thế Hà Nội khẩn cấp vận dụng mặt trận tuyên truyền nhằm chứng minh họ “không hề đàn áp tôn giáo”. Một trong những thủ thuật hóa trang là mời Sư Ông Nhất Hạnh và 200 Tăng thân Làng Mai về thăm Việt Nam. Cho phép phái đoàn này tự do thăm viếng và thuyết pháp từ Bắc chí Nam. Cùng thời gian này, thì Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bị quản chế khắc khe và không cho hoạt động tôn giáo tại Bình Định và Saigon, nơi hai ngài cư trú.
Tôi có trong tay các bài thuyết pháp mà Sư Ông Nhất Hạnh đệ trình lên Bộ Văn hóa Hà Nội xét duyệt vào năm 2000, là năm Sư Ông xin về Việt Nam thuyết pháp tại Hà Nội, Huế và Saigon. Không hiểu vì cớ gì, năm 2000 Hà Nội chấp thuận rồi vào phút chót hủy lệnh không cho Sư Ông về.
Hiển nhiên ngón đòn tuyên truyền này có hiệu quả. Một số nhà ngoại giao Âu Mỹ mắc lỡm với lối giải thích tuyên truyền của Hà Nội : Các ngài bảo chúng tôi đàn áp Phật giáo, thì sao cái Sư Ông kia cùng với 200 đệ tử lại có thể thong dong truyền đạo từ Bắc tới Nam ? Câu này nghe khá lọt tai các ông tây bà đầm. Hà Nội còn chơi tiếp ván bài tuyên truyền bằng cách cho các “phong trào đòi hỏi dân chủ” được cất tiếng trong năm 2006 mà chẳng động tới một sợi chân lông các vị chủ xướng… Thế là Tổng thống Bush khá bằng lòng để rút tên Việt Nam cộng sản ra khỏi danh sách CPC khi đến Hà Nội dự Thượng đỉnh APEC lần thứ 5 cuối năm 2006.
Tôi gọi mối liên hệ với Đảng Cộng sản của Sư Ông Nhất Hạnh là “liên hệ giáo phái”. Nhìn vào khía cạnh thực tế để xét việc, thì rõ ngay là Cộng sản cần Sư Ông như lá bài cứu bồ, nên mời Sư Ông về nước trong giai đoạn Hà Nội như con cá mắc cạn nơi danh sách CPC. Còn Sư Ông thì chớp ngay cái lợi trước mắt là cơ hội bành trướng giáo phái Làng Mai tại Việt Nam. Chuyện Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ bị đàn áp, khủng bố, tù đày, quản chế suốt 33 năm không là chuyện của Sư Ông. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị đàn áp khốc liệt, 20 Ban Đại diện tại các tỉnh thành bị sách nhiễu, bị ngăn cấm hoạt động tôn giáo không là chuyện của Sư Ông.
Mục tiêu của Sư Ông Nhất Hạnh, của Làng Mai là phát triển giáo phái Tiếp Hiện của mình trên đất nước Việt Nam, vào thời điểm giáo phái đang khựng lại ở phương Tây. Tôi gọi như thế là “liên hệ giáo phái”.
Bây giờ dư luận đang xôn xao về sự trở cờ của Giáo sư Lê Mạnh Thát và Thượng tọa Tuệ Sỹ. Có người kết án hai vị là Cộng sản. Tôi không khẳng định như thế. Tôi chỉ nhìn vào thực tại để nhận thức. Tôi thấy rằng lá bài quốc tế Nhất Hạnh đã dùng xong, nay Giáo sư và Thượng tọa là hai lá bài quốc nội rất sáng giá cho Nhà nước cộng sản trên mặt trận tuyên truyền quốc tế. Kẻ bị mình kết án tử hình mà quay lại phục vụ mình, thì còn diệu kế nào hơn. Cho nên Hà Nội gia công đầu tư hai vị từ nhiều năm qua bằng nhiều thủ thuật.
Bạo lực, khủng bố, áp lực có thể không khuất phục người, nhưng những lời đường mật, mua chuộc, tâng bốc hay bắt chẹt lại dễ cho người nao núng, mềm lòng, thay đổi.
Giáo sư Lê Mạnh Thát có học hàm tiến sĩ, là nhà nghiên cứu, nhà dạy học. Nếu nhà nước tạo điều kiện cho giáo sư nghiên cứu, dạy học, trước tác, rồi được quyền in sách mình trước tác, thay vì ngăn cấm, khủng bố. Hẳn nhiên giáo sư vui vẻ chấp nhận, mà giáo sư đã chấp nhận. Tháng 7 năm 2006 giáo sư Lê Mạnh Thát tổ chức cuộc Hội thảo Phật giáo quốc tế tại Saigon. Thượng tọa Tuệ Sỹ giúp cho bạn mình một bài tham luận với chủ đề kinh tế. Không ai trách giáo sư làm cuộc hội thảo học thuật thuần túy cho Phật giáo. Nhưng người ta cũng không ngu gì để không hiểu rằng cuộc hội thảo ấy chẳng khác chi chuyến Sư Ông Nhất Hạnh về Việt Nam năm 2005, nhằm tuyên truyền gỡ gạt cho Hà Nội thoát ly danh sách CPC : Sao lại bảo chúng tôi đàn áp Phật giáo, khi kẻ chống đối đến bị tử hình kia được tự do tổ chức hội thảo quốc tế tuyên truyền cho Phật giáo ?!
Còn Thượng tọa Tuệ Sỹ là người thích làm thơ, viết văn, đánh đàn, dịch kinh. Nhà nước mà cấm làm các việc đó, chắc chắn Thượng tọa sẽ phản đối quyết liệt. Song khi Nhà nước tạo điều kiện cho Thượng tọa có thể an nhàn đốt trầm làm thơ, đánh đàn, dịch kinh rồi tự do in kinh mình dịch, hoặc tự do mở khóa dạy kinh Phật bằng Paltalk qua điện thoại ra khắp thế giới, hẳn nhiên Thượng tọa sẽ chấp nhận, mà Thượng tọa đã hoan hỉ chấp nhận.
Tôi gọi mối liên hệ với Đảng Cộng sản của Giáo sư Lê Mạnh Thát và Thượng tọa Tuệ Sỹ là “liên hệ học thuật”. Nghĩa là khi ý thích được đáp ứng thì mình kết thân.
Triều Thanh : Như vậy thì liên hệ giữa khối Phật giáo Bắc Hà đối với Cộng sản là liên hệ gì kể từ khi chính phủ Hồ Chí Minh về tiếp quản Hà Nội sau Hiệp định Genève ?
Võ Văn Ái : Không có liên hệ gì cả. Hiệp định Genève ký kết năm 1954 chia đôi đất nước ta. Lúc ấy Pháp vừa đầu hàng tại Điện Biên phủ, Việt Minh là thế lực của kẻ thắng trận. Trên thế giới, phong trào Cộng sản còn mạnh, lấy Liên Xô làm mẫu quốc. Cho nên tính chất độc tài đảng trị của chính phủ Hồ Chí Minh ở miền Bắc là toàn triệt. Tổng hội Phật giáo Việt Nam, tiền thân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị giải thể vào năm 1957, hai năm sau khi ông Hồ Chí Minh về Hà Nội. Thay thế vào đó là Hội Phật giáo Quốc doanh, mang tên Hội Phật giáo Thống nhất do các nhà Sư đảng viên điều khiển. Các Hòa thượng lãnh đạo Phật giáo như ngài Thích Mật Thể, ngài Thích Tố Liên, v.v… đều bị ám hại hoặc quản thúc. Cho nên từ năm 1955 đến năm 1975, hai mươi năm ròng, Phật giáo ở miền Bắc không có liên hệ nào cả, ngoài liên hệ chủ tớ.
Triều Thanh : Thế hai nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ngày nay, Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đang thiết lập liên hệ gì qua những hành hoạt của hai ngài ?
Võ Văn Ái : Liên hệ chúng sinh. Đây là mối liên hệ vượt thời gian, vượt không gian của đạo Phật. Bao lâu chúng sinh còn đau khổ, bao lâu chúng sinh còn bị áp bức, bao lâu chúng sinh còn sống trong vô minh, thì Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ còn liên hệ với họ để cứu họ. Đây chính là yếu tính của Bồ tát đạo, mà cũng là yếu tính của Phật giáo Việt Nam.
Trong dân gian, hai vị Bồ tát được thường xuyên nhắc nhở là Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng. Bồ tát Quán Thế Âm phát nguyện lắng nghe mọi tiếng kêu cứu của thế gian để hiện tới cứu vớt. Bồ tát Địa Tạng thì phát lời nguyện bao lâu còn một chúng sinh trong địa ngục ngài thề chưa thành Phật.
Đó gọi là liên hệ chúng sinh. Bồ tát ở giữa lòng quần chúng đau khổ, chia sẻ và sống với quần chúng để cứu độ quần chúng, bất chấp thời thế thăng trầm hay chính quyền độc đoán, tự thị.
Ba mươi ba năm qua là bằng chứng cho chúng ta thấy rõ mối liên hệ chúng sinh này qua cuộc đời khổ hạnh của Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ. Muốn hiểu được hành trạng của hai Ngài, chúng ta chỉ cần đọc lại 3 câu trong Lục độ tập kinh, là bản kinh Phật Việt Nam đầu tiên ra đời tại Giao Châu vào thế kỷ III Tây lịch :
– Câu thứ nhất là, “Loài lang sói không thể nuôi. Kẻ ác không thể làm vua”. Đây là thái độ chính trị của người Phật tử.
– Câu thứ hai là, “Chúng sinh đau khổ là lỗi tại tôi”. Đây là quan niệm nhập thế của người Phật tử.
– Câu thứ ba là, “Bồ tát thấy dân kêu ca, liền gạt lệ xông vào nơi chính trường hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than”. Đây là dấn thân chính trị của người Phật tử – những người từng tham gia trong cuộc kháng chiến vệ quốc đầu tiên của Hai Bà Trưng. Và cũng là những người dựng xây quốc gia Việt Nam đầu tiên dưới hai triều đại Lý và Trần.
Tôi xin nhắc lại, 3 câu trích trên đây nằm trong bản kinh Phật Việt Nam xuất hiện vào thế kỷ III Tây lịch, chứ không là văn bản viết ra vào thế kỷ XX hay XXI.
Triều Thanh : Nếu phải so sánh, thì đâu là chỗ khác nhau giữa các liên hệ chính trị, liên hệ giáo phái, liên hệ học thuật với liên hệ chúng sinh, thưa ông Võ Văn Ái ?
Võ Văn Ái : Nhìn từ thực tại Việt Nam ngày nay với một xã hội bất ổn định, bất công và bất bình đẳng thì các liên hệ chính trị, liên hệ giáo phái, liên hệ học thuật mà tôi trình bày trên đây chỉ mang lại lợi ích riêng cho người liên hệ, nhưng không giải quyết được vấn đề toàn thể và nhân sinh. Cho nên, các liên hệ chính trị, liên hệ giáo phái, liên hệ học thuật là một phản động lịch sử đưa tới động loạn và mâu thuẫn.
Còn liên hệ chúng sinh là tiến trình lịch sử đưa con người vào qũy đạo thăng hoa.
Nói tóm, các liên hệ chính trị, liên hệ giáo phái, liên hệ học thuật là hoàn cảnh của những người có nhà không giữ, lại đi ăn nhờ ở đậu.
Triều Thanh : Xin cám ơn ông Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.