Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / San Salvador: Cơ sở Quê Mẹ hoạt động tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 8 thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, và Hội thảo về “Quyền Hiểu biết” tại Thượng viện Quốc hội Ý Đại Lợi

San Salvador: Cơ sở Quê Mẹ hoạt động tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 8 thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, và Hội thảo về “Quyền Hiểu biết” tại Thượng viện Quốc hội Ý Đại Lợi

Download PDF

PARIS, ngày 3.8.2015 (Quê Mẹ & UBBVQLNVN) — Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam vừa được Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 8 thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ mời tham gia tại thủ đô San Salvador ở Trung Mỹ từ ngày 21 đến ngày 24-7-2015. Hội nghị bao gồm các Phái đoàn Chính phủ thuộc 75 quốc gia dân chủ trong thế giới, và các tổ chức Phi chính phủ, hay Xã hội dân sự thuộc 60 quốc gia.

Ông Võ Văn Ái và bà Ỷ Lan đại diện cho Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam. Từ nhiều năm qua, ông Ái được bầu làm Uỷ viên Ban Thường vụ các Tổ chức Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ.

Ông Võ Văn Ái tại Hội cấp Bộ trưởng lần thứ 8 tại San Salvador, Trung Mỹ
Ông Võ Văn Ái tại Hội cấp Bộ trưởng lần thứ 8 tại San Salvador, Trung Mỹ

Đài Á châu Tự do đã có bài tường thuật phát về Việt Nam về Hội nghị này. Chúng tôi xin đăng lại bài tường thuật ấy sau đây :

Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ VIII
Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ

Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2015-07-29

Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ VIII Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ

Bộ trưởng Ngoại giao San Salvador trao lá cờ của Cộng Đồng các Quốc gia Dân chủ cho Ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ VIII của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ họp tại thủ đô San Salvador từ ngày 21 tới ngày 24 tháng 7. RFA PHOTO/Ỷ Lan
Bộ trưởng Ngoại giao San Salvador trao lá cờ của Cộng Đồng các Quốc gia Dân chủ cho Ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ VIII của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ họp tại thủ đô San Salvador từ ngày 21 tới ngày 24 tháng 7. RFA PHOTO/Ỷ Lan

Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ VIII của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ họp tại thủ đô San Salvador từ ngày 21 tới ngày 24 tháng 7 vừa qua. Chủ đề của Hội nghị là Dân chủ và Phát triển.

Tám trăm người về phó hội, bao gồm 75 Phái đoàn các chính phủ cấp Bộ trưởng và đại diện các Xã hội dân sự của 60 quốc gia.

Chiến tranh làm ngăn cản tiến trình dân chủ

Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ ra đời năm 2000 do sáng kiến của hai vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ba Lan bà Madeleine Albright và ông Bronislav Geremek. Từ đó trở về sau, mỗi hai năm Hội nghị họp một lần để đánh giá tiến trình dân chủ cũng như vạch kế hoạch thăng tiến dân chủ trong toàn thế giới. Các hội nghị trước đây đã được tổ chức tại những quốc gia vừa bước sang con đường dân chủ, như Nam Hàn, Mông Cổ ở Á châu, Chili ở Nam Mỹ, Mali ở Phi châu, Lithuania, Ba Lan ở Châu Âu, và kỳ này tại San Salvador, Trung Mỹ.

“Tại hội nghị này có sự hiện diện các chính phủ đến từ Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ. Tất cả họ cam kết làm việc chung tại LHQ cũng như mọi chính sách đối ngoại thể hiện những giá trị dân chủ.”
Ông Tom Malinowski

Bản tuyên bố chung của các xã hội dân sự tại lễ bế mạc đã được Cộng đồng các quốc gia dân chủ triệt để hậu thuẫn, cho thấy các phái đoàn chính phủ đặc biệt quan tâm xem xã hội dân sự như lực lượng chủ yếu trong tiến trình dân chủ hóa toàn cầu.

Tình hình thế giới hiện nay xấu đi vì những tranh chấp, chiến tranh, nạn khủng bố, làm ngăn cản tiến trình dân chủ. Nên đặc biệt ở Hội nghị kỳ này đã có sự lên tiếng của các nhân vật trọng yếu như ông Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki Moon hay Tổng thống Hoa Kỳ Obama.

Trong băng video gửi tới Hội nghị Ông Ban Ki Moon nhận xét rằng :

“Nói chung, dân chủ đang bừng lên. Nhưng trong một số các quốc gia trong thế giới, quá trình dân chủ đang bị thụt lùi. Các thiết chế dân chủ bị xói mòn. Quyền độc lập tư pháp và tự do báo chí bị tấn công. Không gian dành cho xã hội dân sự bị thu hẹp, có nguy cơ bị biến mất. Cộng đồng các quốc gia dân chủ và LHQ đang cùng đứng chung và đối diện với những thách thức như thế.”

Tổng thống Obama kêu gọi qua băng video :

“Chúng ta hãy cùng nhau đẩy lùi và chống lại những ai siết bóp tiếng nói ôn hòa của người công dân và xã hội dân sự. Chúng ta kiện toàn các thiết chế dân chủ. Chúng ta mở rộng vòng tay liên minh cho bất cứ ai hoạt động cho hòa bình, phát triển, nhân quyền và dân chủ. Đây là điều mà Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đang nỗ lực trong sự đối tác với tất cả các bạn hội họp hôm nay. Đây cũng là điều mà Hoa Kỳ hân hạnh đảm đương làm Chủ tịch cho nhiệm kỳ Cộng đồng các quốc gia dân chủ hai năm tới đây.”

Bà Maria Lessner Tổng Thư ký Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ chụp hình chung với các Uỷ viên Ban Thường vụ các tổ chức Phi Chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ
Bà Maria Lessner Tổng Thư ký Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ chụp hình chung với các Uỷ viên Ban Thường vụ các tổ chức Phi Chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ

Bà Maria Lessner, cựu Đại sứ Thụy Điển về Dân chủ, đương kim Tổng thư ký Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ cho biết cảm tưởng của bà :

“Tôi rất vui mừng, đặc biệt là sự tham gia sống động của xã hội dân sự. Điều này chứng minh cho sự cam kết của tất cả các quốc gia mở cánh cửa cho những người đại diện các xã hội dân sự trong toàn thế giới, bất kể họ đến từ đâu. Bởi vì căn nhà dân chủ mà chúng ta gầy dựng, với mọi cánh cửa được mở toang, đón tiếp đón mọi người hoạt động cho dân chủ, và cũng bởi vì tất cả chúng ta đều cùng chia sẻ chung các giá trị dân chủ.”

Trong cuộc tiếp xúc riêng với Đài Á châu Tự do, ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, cho biết tầm quan trọng của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ đối với Hoa Kỳ :

“Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ cho chúng ta thấy là tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do chọn lựa người lãnh đạo những giá trị mà nhân dân, các quốc gia và các chính phủ trong thế giới ôm ấp. Tại hội nghị này có sự hiện diện các chính phủ đến từ Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ. Tất cả họ cam kết làm việc chung tại LHQ cũng như mọi chính sách đối ngoại thể hiện những giá trị dân chủ.”

Phóng viên Ỷ Lan phỏng vấn ông Tom Malinowski
Phóng viên Ỷ Lan phỏng vấn ông Tom Malinowski

Ỷ Lan : Kể từ lễ bế mạc tối nay, Hoa Kỳ sẽ đảm trách chức Chủ tịch Cộng đồng các quốc gia Dân chủ cho nhiệm kỳ hai năm tới. Hoa Kỳ sẽ tập trung vào mục tiêu nào, và sẽ củng cố hay hoàn tất điều gì trong nhiệm kỳ này ?

Tom Malinowski : “Điều thứ nhất, chúng tôi khuyến thỉnh các quốc gia dân chủ cùng có tiếng nói chung để bảo vệ các giá trị mà chúng tôi cùng chia sẻ. Chúng tôi mong muốn cùng với Cộng đồng các quốc gia dân chủ tiến tới việc bảo vệ các nhà hoạt động cho dân chủ, các xã hội dân sự trong các quốc gia đang muốn vươn tới viễn tượng dân chủ. Và chúng tôi khuyến khích thêm các quốc gia khác gia nhập Cộng đồng các quốc gia dân chủ. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó Việt Nam sẽ trở nên thành viên của Cộng đồng này, khi mà quần chúng ở Việt Nam được toàn quyền đóng vai trò quyết định cho tương lai của xứ sở họ.”

Tham gia Hội nghị với tư cách Ủy viên Ban Thường vụ Quốc tế các Xã hội dân sự thuộc Cộng đồng Ủy viên Ban Thường vụ Quốc tế các xã hội dân sự thuộc Cộng đồng Quốc tế các quốc gia dân chủ, các quốc gia dân chủ, đồng thời cũng là đại biểu Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam, ông Võ Văn Ái cho biết cảm tưởng :

“Tôi rất phấn khởi với hội nghị này, nhất là điều thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của các phái đoàn chính phủ đối với xã hội dân sự. Sự hậu thuẫn này là tin vui cho các xã hội dân sự đang phải đương đầu với những khó khăn, áp bức và khủng bố tại các quốc gia còn độc tài toàn trị như Việt Nam. Tôi tin trong thời gian không xa, LHQ sẽ có quyết nghị hậu thuẫn bản Tuyên bố chung của các Xã hội dân sự đưa ra tại lễ bế mạc Hội nghị.”

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do, tường trình từ San Salvador.

 


Hội thảo về “Quyền Hiểu biết” tại Thượng Viện Quốc hội Ý Đại Lợi

Sau Hội nghị nói trên, ông Võ Văn Ái được mời tham dự cuộc Hội thảo với chủ đề “Quyền Hiểu biết”, tại Thượng viện Quốc hội Ý Đại Lợi ở thủ đô Rome hôm 27 tháng 7 vừa qua. Các tham luận viên gồm có Bộ trưởng Ngoại giao Ý cùng nhiều Ngoại trưởng hoặc cựu Thủ tướng, các vị Đại sứ có nhiệm sở tại Rome, Thượng nghị sĩ các nước, với các học giả, giáo sư đại học, nhà nghiên cứu trong thế giới. Sau đây là bài phát biểu của ông Võ Văn Ái qua bản dịch của Quê Mẹ :

Bài phát biểu về “Quyền Hiểu biết” của ông Võ Văn Ái
tại Thượng viện Quốc hội Ý Đại Lợi ngày 27.7.2015

Thưa quý liệt vị,

Chúng ta hội họp hôm nay để thảo luận đề tài “Quyền Hiểu biết” do Thượng viện Quốc hội Ý Đại Lợi cùng với Đảng Cấp tiến Bất Bạo động, tổ chức Thiếu Công lý không có Hoà bình, và tổ chức Bàn tay Ngăn Cain đứng ra tổ chức. Tôi hoan nghênh sáng kiến bắt chúng ta cùng suy nghĩ để đóng góp cho thế giới viễn cảnh mới cho nhân quyền.

Thoạt đầu chúng ta thấy “Quyền Hiểu biết” xuất hiện như điều kiện tiên quyết cho tất cả mọi thứ quyền trong Nhân quyền : Đầu tháng này, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam của chúng tôi làm việc với Uỷ ban LHQ Xoá bỏ mọi phân biệt đối xử với phụ nữ.

Điều lạ lùng, là những phụ nữ thuộc dân tộc ít người là giới nghèo yếu nhất đang chịu những phân biệt đối xử, chỉ vì họ không hề biết các quyền họ được hưởng. Do Việt Nam không dịch các pháp luật ra thổ ngữ họ, nói gì tới các công ước quốc tế bảo vệ nhân quyền.

Đây là một ví dụ của sự thiếu vắng “Quyền Hiểu biết” tại Việt Nam.

Một sự thiếu vắng làm suy sụp nhân quyền.

Ông Paolo Gentillon, Ngoại trưởng Ý ngồi ngoài cùng đang tham luận, bên tay trái của Ngoại trưởng là ông Võ Văn Ái
Ông Paolo Gentillon, Ngoại trưởng Ý ngồi ngoài cùng đang tham luận, bên tay trái của Ngoại trưởng là ông Võ Văn Ái

“Quyền Hiểu biết” tại Việt Nam còn rất xa với thực tế. Tôi dám khẳng định rằng chế độ của nhà cầm quyền Việt Nam kê dựa hẳn trên sự cấm đoán hiểu biết, trên chính sách ngu dân. Chính quyền chẳng có chi phải chia sẻ với quần chúng.

Năm 2013, Hiến Pháp được tu chỉnh. Đây là cơ hội cho cuộc góp ý tiên quyết của nhân dân. Sự bộc lộ rộng rãi là người dân Việt không muốn thấy điều 4 tiếp tục hiện hữu trên Hiến pháp, là điều quy định sự độc quyền cho đảng Cộng sản. Thế nhưng yêu sách này không được tiếp nhận, mà chính quyền chẳng giải thích hay viện dẫn lý do nào.

Vì sao ? Vì Nhà nước độc đảng muốn nắm giữ quyền lực, chẳng muốn nhượng bộ điều gì gây nguy cơ cho họ. Lối tư duy này tồn tại và thấm nhuần trong mọi chính sách.

Vì vậy, chính quyền Việt Nam ngày nay chống lại mọi hậu quả của “Quyền Hiểu biết” trong mọi cơ cấu thành phần.

Trước hết, chính quyền tìm mọi cách để người công dân không còn lý thú hiểu biết hay mang lại sự hiểu biết. Để đạt mục tiêu, chính quyền tạo ra bầu khí sợ hãi khiến cho ai muốn hiểu biết hay thông đạt sự hiểu biết đều vấp phải đủ thứ vấn nạn : Như thế mà các bloggeurs ở Việt Nam thường trực bị đàn áp, bắt giam, tấn công.

Nói chung, những tàn tích của Nhà nước độc tài vẫn còn đó. Ví dụ, một công an khu vực với nhiệm vụ dòm ngó cư dân khu vực mình. Chính y mới có quyền quyết định mọi sự một cách tuỳ tiện để cho phép cư dân được sống yên. Trong khu vực, ai ai cũng sợ tên công an chính trị này. Dù có biết rõ quyền của mình cũng vô ích thôi. Điều cần biết hơn cả, là làm sao cho anh ta không bực mình (nguyên nhân cho sự nẩy sinh thứ văn hoá tự kiểm duyệt), hoặc làm vui lòng anh ta (nguyên nhân cho sự nẩy sinh thứ văn hoá tham nhũng).

Sau nữa, là chế độ của nhà cầm quyền Việt Nam hạn chế sự thâm nhập thông tin. Nhờ thế nhà cầm quyền muốn chi làm nấy. Đây là một chế độ bí hiểm luôn giương cao ngọn cờ “bí mật quốc gia” để ngăn cấm người công dân phát biểu những điều khó nghe.

Những điều như :

– Mọi thông tin về án tử hình là “bí mật quốc gia”.
– Một bức thư của Thủ tướng được loan tải trong báo chí nhà nước, lại bị gán như “bí mật quốc gia” để kết án một nhà ly khai trích dẫn thư ấy.
– Gần đây, tháng 10 năm 2013, nhà hoạt động Trần Anh Hùng cùng với viên chức Nguyễn Mạnh Hà bị kết án 6 và 5 năm tù vì cố ý phổ biến “bí mật quốc gia”, mà thực tế là bản báo cáo điều tra khó xử về nạn tham nhũng liên quan đến dự án điều chỉnh thành phố không được quần chúng tán thành.

Tuy nhiên tại Việt Nam, chẳng hề có định nghĩa rõ ràng “bí mật quốc gia” là gì. Sự lờ mờ thể hiện qua các điều luật, đặc biệt là luật hình sự, đến nỗi người ta không biết phải làm cách gì để tránh phạm pháp.

Đã nhiều năm chúng tôi tố cáo sự mơ hồ của luật pháp hình sự Việt Nam, và LHQ thường yêu cầu Việt Nam xem xét lại thứ luật pháp ấy. Ví dụ như điều 79 trong bộ luật hình sự về “âm mưu lật đổ chính quyền” (có thể bị tử hình) mơ hồ đến độ không thể phân biệt giữa những hành xử ôn hoà và chính đáng theo các quyền cơ bản, với các hành động bạo lực… Theo nguyên tắc, ai ứng cử chống lại đảng Cộng sản sẽ bị gán vào điều luật này !

Cuối cùng chẳng ai biết luật pháp là gì, nhưng điều mọi người phải biết là tùng phục Nhà nước, các cán bộ đảng, và công an… Đây không còn là một Nhà nước Pháp quyền (rule of law), mà là một Nhà nước Pháp trị (rule by law).

Nhưng, nói cho thực, dù nhân dân Việt Nam có được thâm nhập thông tin, các điều luật hay các công ước quốc tế nhân quyền, thì họ cũng khó sử dụng, chẳng dám phê phán hay nương tựa vào đó. Bởi vì chế độ độc tài Việt Nam chận đứng tinh thần phê phán và tước đoạt mọi hy vọng, bằng đường hướng tuyên truyền, với nền giáo dục độc đảng và quanh co. Đã hai thế hệ trôi qua, chế độ chỉ dạy một thứ mác-xít cuồng tín và vô nghĩa… và trong đời sống thường nhật, nhà nước đẩy mọi người theo chủ nghĩa cá nhân phóng túng và vị kỷ, như thứ chủ nghĩa tư bản man rợ.

Các thế hệ đã qua hiểu rõ thế kẹt của thứ chủ nghĩa mác-xít này, chẳng mang lại tương lai, nhưng họ không biết bám víu vào đâu : Người dân Việt ngày nay là khối dân tha hoá, bị cắt hết mọi gốc rễ truyền thống.

Chính quyền mang lỗi lầm trọng đại, là cấm đoán các xã hội dân sự không được tham gia phát triển tinh thần và xã hội của xứ sở.

Ví dụ như chế độ chỉ cho phép chút tự do cúng kiến, với những lễ hội ngoại lai, nhưng lại cấm đoán tự do tôn giáo.

Các tôn giáo luôn đóng vai trò xã hội trọng yếu tại Việt Nam. Phật giáo, với quá khứ lịch sử 2000 năm, chủ trương sự giác ngộ, tức giải phóng quần sinh ra khỏi vô minh, ngu dốt. Chính Phật giáo đi trước thời đại, khi chủ trương “Quyền Hiểu biết”.

Thế nhưng ngày nay tại Việt Nam, Phật giáo cũng như các tôn giáo khác không được quyền truyền bá giáo lý, các vị lãnh đạo bị bắt giam, như trường hợp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ trải qua 30 năm mất tự do trong tù ngục, lưu đày hay quản chế…

Trong trường hợp của Việt Nam, cuộc đấu tranh cho “Quyền Hiểu biết” là cuộc đấu tranh toàn bộ. Chẳng riêng gì việc đòi hỏi nhà cầm quyền phải minh bạch, mà người công dân cần có “Quyền Hiểu biết”, với niềm tin rằng, hiểu biết sẽ thăng tiến số phận họ và mang khả năng khai thác các nguồn lượng thông tin.

Chúng tôi đã hiểu ngay từ đầu trong cuộc dấn thân của chúng tôi : Sau khi chế độ độc tài thiết lập trên toàn cõi Việt Nam năm 1975, chúng tôi bắt đầu cuộc đấu tranh không chỉ nơi hành lang LHQ, mà trong tinh não của người Việt. Chúng tôi phát hành tạp chí văn hoá và đa nguyên Quê Mẹ, thu tập rộng rãi các nghệ sĩ, nhà văn, nhà trí thức. Làm sao cho người tị nạn Việt Nam ở hải ngoại cũng như người Việt trong nước có thể gìn giữ mối liên hệ với nền văn hoá nước mình. Làm sao cho ánh sáng của kiến thức và mở toang cánh cửa ra thế giới, để người Việt giữ vững tinh thần trong sáng, thức tỉnh.

Tạp chí Quê Mẹ đề cập mọi lĩnh vực văn chương, thi ca, nghệ thuật, cũng như chính trị và nhân quyền. Tôi tin rằng tạp chí Quê Mẹ đã thành công giữ vững trong lòng người Việt ngưỡng vọng mà ngày nay chúng ta gọi là “Quyền Hiểu biết”, và tạp chí đã đóng góp cho sự trổi dậy một xã hội dân sự khát khao nhân quyền và dân chủ.

Xã hội dân sự này là :

– Những dân oan bị tước đoạt tài sản đang biểu tình ôn hoà, nói lên những lời họ ta thán,
– Những bloggeurs hội bàn trên Internet vấn đề đất nước.
– Những nhà hoạt động nhân quyền bênh vực cho các nạn nhân,
– Những Tăng, Ni, Cư sĩ dấn thân cứu vớt quần sinh…

Biết bao nhiêu năm qua, chúng tôi từng tranh đấu cho những nạn nhân nói trên tại LHQ, trong công luận thế giới, tại các chính quyền dân chủ. Chúng tôi bảo vệ các quyền cơ bản của họ : quyền tự do ngôn luận và tư tưởng, quyền tự do biểu tình, quyền tự do tôn giáo, quyền xét xử công minh, vân vân.

Chúng tôi bảo vệ tất cả các Quyền Con Người, bởi vì tất cả các quyền này tại Việt Nam đều liên đới, tương duyên nhau.

Từ đầu bài nói, tôi bảo rằng “Quyền Hiểu biết” là điều kiện tiên quyết cho các Quyền Con Người, nay tôi muốn thêm rằng, tại Việt Nam, tất cả nhân quyền là điều kiện tiên quyết cho Quyền Hiểu biết.

Xin cám ơn quý liệt vị đã lắng nghe.

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *