Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Từ Huế, HT. Thích Thiện Hạnh cảnh báo : “Đừng nghe những chi Cộng sản nói mà hãy nhìn những chi Cộng sản làm !”

Từ Huế, HT. Thích Thiện Hạnh cảnh báo : “Đừng nghe những chi Cộng sản nói mà hãy nhìn những chi Cộng sản làm !”

Download PDF

Trong bản Thông cáo báo chí phát hành ngày 5.4.2004, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế loan báo sự kiện các cơ quan công quyền Thừa thiên – Huế tự thị đến khóa cổng tam quan chùa Báo Quốc và tạo tai nạn giao thông giả nhằm ngăn cản Phái đoàn Hoa Kỳ đến thăm Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh thư ký Viện Tăng Thống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đồng thờiø công bố toàn văn Thư Phản đối Hòa thượng gửi đến nhà cầm quyền Huế. Một ngày sau, 6.4.2004, từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn bà Brenda Greenberg, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, lên tiếng xác nhận sự kiện nói trên và tuyên bố : “Chính phủ Hoa Kỳ đề cao việc thăng tiến tự do tôn giáo và duy trì mối giao tiếp với đa số các nhà lãnh đạo tôn giáo và các tín hữu tại Việt Nam”.

Nhưng sang ngày 8.4, ông Lê Dũng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hà Nội, cáo giác “là bịa đặt về thông tin của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế có trụ sở tại Paris nói rằng chính quyền địa phương và lực lượng an ninh tại Thừa thiên – Huế ngày 29.3.2004 đã ngăn chặn đoàn quan chức của Sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh tới thăm ông Thích Thiện Hạnh tại chùa Báo Quốc bằng cách gây ra vụ ách tắc giao thông và khóa cửa chùa”. Ông Dũng còn dám nói rằng : “Thích Thiện Hạnh không hề bị quản chế như tin đã đưa”. Và oâng xác nhận thêm, là “Sứ quán Hoa Kỳ không hề xin phép gặp gỡ Thích Thiện Hạnh”. Tức khắc, trong cùng ngày 8.4, ông Tom Carmichael, phát ngôn nhân Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội lên tiếng phản bác sự dối gạt của Bộ Ngoại giao Hà Nội, khi tuyên bố với các hãng thông tấn rằng : “Trong chuyến đi Huế vừa qua, các viên chức Tòa Đại sứ và Tòa Tổng lãnh sự đã không gặp được các vị đại diện tôn giáo vì những hành động lộ liễu của công an. Quả thật là các viên chức Hoa Kỳ dự tính gặp Hòa thượng Thích Thiện Hạnh. Theo luật pháp của Việt Nam, thì chúng tôi, những viên chức ngoại, không bắt buộc phải xin phép khi tiếp xúc riêng với các công dân Việt Nam”.

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã nói chuyện trực tiếp với Hòa thượng Thích Thiện Hạnh tại chùa Báo quốc Huế để tìm hiểu sự thật. Sự thật ấy không như lời ông Lê Dũng tìm cách dối gạt công luận thế giới. Cuộc phỏng vấn Hòa thượng sau đây của phóng viên Ỷ Lan đã được Đài Á châu Tự do đưa lên sóng phát về Việt Nam nhiều lần vào trung tuần tháng 4.2004 :

Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, được tin một phái đoàn Hoa Kỳ muốn đến vấn an Hòa thượng tại chùa Báo Quốc nhưng đã bị ngăn cản. Nên Hòa thượng viết Thư Phản đối gửi giới hữu trách ở Thừa thiên – Huế. Hòa thượng viết rằng : “Tôi cực lực phản đối việc làm nầy, phi luật pháp, tùy tiện, xâm phạm chủ quyền nhà chùa và làm tổn thương đến danh dự chung của tất cả mọi người Việt Nam”. Xin Hòa thượng hoan hỉ xác nhận việc này và cho biết chi tiết rõ hơn ?

HT Thích Thiện Hạnh : Dạ, xin cám ơn chị. Tôi xin trả lời như thế này : hôm 28.3.2004 Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí Minh gọi cho tôi, nói là họ chuẩn bị ra Huế với quý vị ở Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội sẽ đến Huế thăm tôi lúc 15 giờ 30 ngày 29.3.2004. Tôi hứa sẽ xin tiếp quý vị. Sau đó, sáng ngày 29.3, tôi thấy rất nhiều vị công an mặc thường phục đến chùa Báo Quốc. Thấy vậy, tôi chẳng ngạc nhiên gì, tôi biết là chiều có khách tới, thì sáng công an tới cũng là chuyện thường. Nhưng càng lâu thì càng thấy đông, công an mặc thường phục cũng như dân sự tới đông nghẹt, đi quanh chùa, đi ngang trước mặt tôi. Thứ nhất là trước cửa tam quan thì rất đông… Đến chiều, thì lại càng đông hơn. Lúc đó tôi nhìn xuống cửa tam quan, thấy các bộ mặt quen thuộc, nên không ngạc nhiên chi cả. Tôi cứ tự nhiên thôi, vì trước kia cũng có phái đoàn đến thăm, và họ cũng canh gác rất kỹ, nhưng vẫn cho gặp. Lần này tôi cũng tin tưởng như trước kia.

Nhưng tới chiều, cỡ một giờ, thì số lượng công an càng đông hơn. Tới cỡ 15 giờ 20 thì có một cú điện thoại, không biết gọi từ đâu, nhưng là của nhân viên Tổng lãnh sự Hoa Kỳ nói đang có việc họp khẩn, xin hoãn cuộc gặp gỡ tới 16 giờ rưởi mới lên được. Tôi đồng tình. Tôi đi quanh chùa một vòng và có người tới cho tôi biết : Thưa Ôn bữa nay công an đến vây chùa Báo Quốc ghê quá, mà họ còn khóa cổng nữa. Tôi nói là không có chi đâu.

Nhưng công an nói là có một bọn cướp giật chạy núp vào chùa , nên công an phải theo bắt bọn chúng. Nhưng thật sự trong chùa chúng tôi không biết chi cả. Họ nói chi họ nói, chớ chúng tôi không biết chi cả. Tôi ngồi đợi cho tới 16 giờ 20, lại được một cú điện thoại khác của Tòa Tổng lãnh sự xin tới trễ một vài phút. Tôi nói là 10 phút nữa cũng không sao, và tôi cho phái đoàn biết là hiện công an bao vây chùa Báo Quốc, trước chùa, sau chùa, chi cũng bao vây hết, là một. Hai nữa, là công an họ đem khóa lên họ khóa cổng chùa. Tôi có đi ra xem, thì thấy họ mua khóa mới riêng của họ khóa lại. Tôi bực lắm. Trước đó có một đoàn hành hương từ Hà Nội vào thăm chùa mà không vào được. Một chú học tăng ở trường Phật học cơ bản ra rút chốt ở cửa tam quan nhưng không mở được, chú liền đi tìm mấy chú công an đứng gác xin mở, thì công an mở khóa cho đoàn hành hương vô chùa. Lễ Phật xong, đoàn rời chùa thì công an khóa cổng lại như trước. Qua điện thoại tôi báo cho phái đoàn Hoa Kỳ sự kiện công an khóa cổng chùa lại rồi, nếu các vị có đến mà thấy như vậy thì đừng ngạc nhiên. Phái đoàn Hoa Kỳ nghe vậy, nói cám ơn rồi tắt máy.

Sau đó, khoảng 16 giờ 35, họ lại gọi điện thoại khất thêm 10 phút. Mười phút sau phái đoàn lên được nhưng điện thoại báo cho tôi biết không vào chùa được. Vì họ còn ở trên đường Điện Biên Phủ, chỉ cần rẽ vô đường lên chùa có 20 mét thôi, nhưng không vào được vì đang có tai nạn giao thông không cách chi đi được. Phái đoàn hỏi ý kiến tôi phải làm sao ? Tôi nói rằng tai nạn giao thông đó chỉ là sự sắp đặt của chính quyền để ngăn cản phái đoàn đến gặp tôi. Vì sự thực là không có một tai nạn giao thông nào trên khoảng đường nho nhỏ này hết. Nhà nước họ chận thì tôi cũng không biết làm sao cả. Phái đoàn hỏi như vậy thì Hòa thượng có thể đến một chỗ nào khác để gặp nhau không ? Tôi nói xin lỗi Phái đoàn, vì tôi đang bị quản chế từ 6 tháng nay. Nếu tôi đi ra là công an sẽ chận ngay, tôi không thể đi được, xin phái đoàn hoan hỉ. Nhưng thái độ Phái đoàn rất tích cực, nên hỏi tôi : vậy tối nay 20 giờ chúng tôi lên gặp Thầy được không ? Tôi nói phái đoàn lên thì cũng được, nhưng chắc là cũng như chừ thôi, cũng sẽ phải đứng ở chỗ đang bị chận mà thôi, không thể khắc phục được đâu. Riêng chúng tôi thì rất saün sàng, tùy quý vị đó thôi. Phái đoàn liền nói là chúng tôi cũng chịu thôi. Rồi họ nói có cho phép họ hỏi vài câu được không ? Tôi trả lời dạ được, nhưng coi chừng kẻo họ cắt điện thoại hoặc họ sẽ nghe lén đó. Phía tôi thì không ngại chi hết, chỉ lo cho quý vị đó thôi.

Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng, Phái đoàn Hoa Kỳ đặt những câu hỏi gì ? Những vấn đề gì họ quan tâm ?

HT Thích Thiện Hạnh : Họ hỏi câu thứ nhứt : Thưa Thầy, thầy làm việc gì mà bị họ truy tố đây ? Tôi nói, tôi có làm tội chi mô có ! Tôi chỉ tranh đấu bất bạo động đòi hỏi cho tự do tôn giáo Việt Nam, và cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tái sinh hoạt, các vị Hòa thượng phải được trả tự do, vì các vị có làm chi mô mà bị truy tố, mà tôi cũng không làm chi để bị truy tố hết. Đây là thủ thuật của họ nói như vậy mà thôi, chứ tôi chưa hề bị truy tố, cốt cho các vị không dám đến thăm tôi mà thôi.

Họ hỏi thêm câu tiếp : Họ gác Hòa thượng như vậy là gác lâu mau rồi ? Tôi nói : Không, mới bị gác trong ngày ni thôi, cốt cho phái đoàn không lên được. Lâu nay tôi ở trong chùa, thì tín đồ cũng có tới, nhứt là những người kiên trì lắm thì mới dám tới, chứ họ cũng sợ.

Họ hỏi thêm câu tiếp : Hai Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bây giờ ra sao ? Tôi nói : bên phía chính quyền thì nói họ trả hai Hòa thượng về chùa của họ rồi. Nhưng thật sự đây chỉ là một lối nói để tránh đi chuyện hai Hòa thượng bị quản chế. Thật sự là họ canh gác rất kỹ, nội bất xuất ngoại bất nhập. Ai tới thăm viếng chi cũng không được hết, điện thoại cũng bị cắt. Tăng đoàn chúng tôi ngoài Huế có cử các Thầy đi thăm, nhưng không đi được. Họ chận xe chận cộ đủ cả. Hòa thượng Đệ Tứ Tăng thống bị kẹt một chỗ, không làm chi được hết, ai tới cũng soát, cũng ngăn cấm hết. Hòa thượng Thích Quảng Độ cũng vậy, không được đi đâu hết, công an canh gác rất kỹ, chận không cho ai vô thăm cả. Hòa thượng phải nhờ người bên ngoài nấu cơm rồi lén lút đưa vào. Họ quá khắc nghiệt đi, quản chế khốc liệt hơn mười lần trước đây. Chúng tôi rất kẹt.

Họ hỏi thêm một câu khác : Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hiện chừ như thế nào rồi Thầy ? Tôi nói rằng muốn biết sinh hoạt của Giáo hội thì cứ nhìn qua hoàn cảnh hai vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội thì quý vị biết ngay. Còn các thành viên khác của Giáo hội đều bị quản chế, như tôi đây chẳng hạn. 11 người bị quản chế không đi mô được, không gặp gỡ ai được, điện thoại khi có khi không, khi cắt khi chừa, không chuyện vãn chi được với nhau. Cho nên chi, tôi có thể nói rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong giai đoạn này lâm tình trạng bế tắc hoàn toàn. Tuy nhiên, tinh thần của các vị như một ngọn sóng ngầm vẫn còn đó. Chúng tôi sẽ cương quyết đòi hỏi trong bất bạo động, để làm thế nào đó cho Việt Nam phải thực hiện các Công ước quốc tế đã ký kết, để các tôn giáo được tự do sinh hoạt, nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được phục hoạt trở lại, nhất là hai vị Hòa thượng lãnh đạo, phải để cho hai vị được tự do đi lại, còn chúng tôi cũng được đến thăm viếng hai Hòa thượng.

Họ hỏi câu tiếp : Ngày mai chúng tôi có họp dưới tòa tỉnh Thừa thiên – Huế, Hòa thượng có muốn đề đạt chi với họ không ? Tôi xin cám ơn Phái đoàn và nói rằng, Giáo hội chúng tôi cũng có gặp gỡ và có văn thơ cho họ. Nhưng rồi họ hứa hão huyền vậy thôi. Chín, mười, hai mươi, ba mươi năm ni, họ chẳng giải quyết chi hết. Trái lại, ngày càng khốc liệt hơn trước. Tuy nhiên, với tư cách của Phái đoàn, tôi xin phái đoàn đạt ý kiến cho họ, bàn bạc với họ, nhất là các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản cũng như Chính phủ cộng sản phải thi hành những điều họ đã cam kết với LHQ về tự do tôn giáo, về nhân quyền để cho các tôn giáo có được sự tự do, nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được phục hoạt trở lại, hai Hòa thượng lãnh đạo của chúng tôi, cũng như các thành viên trong Giáo hội chúng tôi được trả tự do. Tôi xin thưa như vậy và tôi tin chắc quý vị sẽ thành công. Tôi cám ơn phái đoàn, tuy rằng không được gặp gỡ, nhưng tôi thỏa mãn về sự quan tâm của Phái đoàn đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi, cũng như đối với bản thân tôi.

Phái đoàn cám ơn tôi và nói rằng chúng tôi xin lưu ý những điều Hòa thượng nói, và chúng tôi tin chắc một ngày nào đây các vị lãnh đạo Việt Nam sẽ có những thay đổi để đem lại sự thỏa mãn cho quý vị. Rồi họ chào tôi mà đi.

Quanh chùa Báo Quốc công an canh gác từ đó cho đến ngày 2.4, tức là 29, 30, 31, mồng một, mồng hai, mới hết. Xin thưa như vậy cho chị biết.

Ỷ Lan : Dân mình thường nói “Cánh cửa Từ Bi gài lỏng khóa”, thì việc công an khóa cổng tam quan chùa Báo Quốc là chuyện hiếm hoi trong truyền thống Việt Nam phải không, bạch Hòa thượng ?

HT Thích Thiện Hạnh : Dạ vâng, thưa chị. Cửa chùa thì luôn luôn rộng mở, đón tiếp tất cả khách thập phương. Bất cứ ai cũng đều mở rộng hết. Mà hôm đó, thì cách của họ làm trắng trợn quá, họ đóng cửa tam quan chùa Báo Quốc lại, ngăn cản Phái đoàn Hoa Kỳ đến thăm tôi. Họ xâm phạm quyền của nhà chùa quá. Chùa có hai, ba chục người ở, thì hai, ba chục người có quyền riêng của mình chớ. Vậy mà tự động mua chìa khóa về khóa lại, thì thử hỏi ai mà chịu nổi ? Lãnh đạo một tỉnh, mà không tôn trọng quyền tự do tối thiểu, quyền hạn tối thiểu của một tập thể Tăng, thì tôi thấy tôi phiền quá. Họ coi cái quyền hạn, cái chủ quyền của người dân không ra gì cả. Như vậy, thử hỏi họ có tôn trọng một chút nhân quyền nào không ? Họ thường nói là phát huy tính làm chủ của dân. Nhưng họ nói là cho có nói, chứ có coi chủ quyền của dân ra chi đâu chị. Tôi bực quá, cho nên tôi làm một cái thơ gọi là Thơ Phản đối của tôi đối với chính quyền Thừa thiên – Huế và tôi đã gởi cho chính quyền, trình cho Hội đồng Lưỡng Viện biết việc làm của Nhà nước đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Dầu sao đi nữa, tôi cũng là người đã từng sống ở Huế này gần năm chục năm, và tôi cũng đã hợp tác để dạy dỗ Tăng Ni tại Huế đã lâu, mà chính quyền họ coi thường tôi quá !

Ỷ Lan : Từ khi gửi thư đi cho cơ quan công quyền Thừa Thiên – Huế, Hòa thượng đã nhận được trả lời chưa ?

HT Thích Thiện Hạnh : Dạ, đời nào trả lời chị. Mình viết thì viết đó thôi, chứ đời nào họ trả lời. Không có đâu. Khi nào thuộc quyền lợi của họ thì họ mới nói, chớ quyền lợi của mình thì họ lơ luôn. Thường thường người ta nói : “ĐỪNG NGHE NHỮNG CHI CỘNG SẢN NÓI, MÀ HÃY NHÌN NHỮNG CHI CỘNG SẢN LÀM”. Họ không cần để ý chi hết, ngay cả Phái đoàn Hoa Kỳ mà họ còn vậy. Tôi nghĩ đây là vấn đề danh dự, vì đây là một Phái đoàn ngoại giao, vấn đề danh dự chung của đất nước. Thế mà họ tìm cách chận cách này chận cách khác. Chận chùa, rồi chận Phái đoàn ngoại giao, rồi tạo ra tai nạn giao thông giả. Mà sự thật nếu có tai nạn giao thông đi nữa, thì chính quyền phải giải quyết, phải lo dẹp gấp đi chớ. Giá dụ như Chủ tịch ở đây, hay ông Tỉnh trưởng, ông Tỉnh ủy lên thăm chùa Báo Quốc, có chuyện chi họ cũng phải lo hốt gấp đi, để cho chính quyền, lãnh đạo đi chớ. Còn đây là một bộ ngoại giao, mình đang liên kết với người ta, quan hệ tốt đẹp với người ta. Mình không cho người ta đi thì cứ bảo người ta đừng đi. Mặc chi để cho người ta đi, rồi tạo ra nạn giao thông giả để ngăn cản. Tôi bực quá nên tôi viết cái thơ nớ. Đến chừ họ không trả lời chi cả. Quyền lợi của họ thì họ nói, quyền lợi của mình thì họ làm thinh thôi.

Ỷ Lan : Xin cám ơn Hòa thượng Thích Thiện Hạnh.

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *