Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Tại Hội nghị lần thư 39 ở Johannesburg, Nam Phi, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền tố cáo những vi phạm nhân quyền quy mô tại Việt Nam

Tại Hội nghị lần thư 39 ở Johannesburg, Nam Phi, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền tố cáo những vi phạm nhân quyền quy mô tại Việt Nam

Download PDF

 

PARIS, 29-8-2016 (UBBVQLNVN) — Tại Hội nghị lần thứ 39 của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH, International Federation of Human Rights) ở Johannesburg, Nam Phi, từ ngày 23 đến 27 tháng 8 năm 2016, quy tụ 400 nhà hoạt động bảo vệ Nhân quyền đại diện cho 178 thành viên thuộc FIDH đến từ 117 quốc gia trên năm châu, đã thông qua với đa số tuyệt đối “Nghị Quyết về tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam” do Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR, Vietnam Committee on Human Rights) đề xuất. Bản Nghị Quyết tố cáo sự gia tăng đàn áp sau Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XII hồi tháng giêng đầu năm nay.

Ông Võ Trần Nhật, Thư ký Điều hành và đại diện cho Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tại Hội nghị Johannesburg, nói rằng : “Nghị Quyết nêu rõ cuộc đàn áp có hệ thống và được hệ thống hoá : ngoài sự bắt bớ và kết án đông đảo các nhà bất đồng chính kiền và các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, còn có sự đàn áp bạo hành những người biểu tình, sách nhiễu thường trực các tín đồ tôn giáo “không được thừa nhận”, nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục thông qua các sắc luật thủ tiêu tự do, nhằm tổ chức tuỳ tiện và pháp lý hoá sự vi phạm nhân quyền”.

 

Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tham gia cuộc biểu tình «Tiến công cho Nhân quyền» do FIDH tổ chức tại Johannesburg ngày 23-8-2016. Ông Võ Trần Nhật, người thứ 3 từ phải sang. Photo TAHR
Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tham gia cuộc biểu tình «Tiến công cho Nhân quyền» do FIDH tổ chức tại Johannesburg ngày 23-8-2016. Ông Võ Trần Nhật, người thứ 3 từ phải sang. Photo TAHR

 

Nghị Quyết về Việt Nam do Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, là thành viên của FIDH, đề xuất và đã được toàn thể các đại biểu thông qua với đa số tuyệt đối, đặc biệt nói lên sự quan tâm của Hội nghị trước thảm nạn môi sinh do tập đoàn Formosa gây ra tại bờ biển Miền Trung hồi tháng Tư 2016. Sự ô nhiễm chưa từng có dọc bờ biển, làm vô số cá chết và phá sản ngư nghiệp suốt bốn tỉnh Miền Trung, khiến nổ ra những cuộc biểu tình rộng rãi và đã bị công an đàn áp bằng những đợt bắt bớ, đánh đập, sách nhiễu… “Vụ việc Formosa tổng kết đầy đủ tình trạng nhân quyền tại Việt Nam : Nhà nước tìm mọi cách dìm đè sự nổi dậy của lương tri nhân quyền tại Việt Nam”, ông Võ Trần Nhật nhận xét.

Bản Nghị Quyết cũng nêu rõ sự kiện giam giữ tuỳ tiện các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, như trường hợp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), và nhà hoạt động nhân quyền, Luật sư Nguyễn Văn Đài, bị bắt hồi tháng 12 năm ngoái, mà thời giam tạm giam vừa được gia tăng thêm 4 tháng. Ngoài Nghị Quyết nói trên, FIDH còn chỉ mặt Việt Nam trong một Nghị Quyết khác về đàn áp các nhà hoạt động bảo vệ Nhân quyền trên thế giới.

Chủ đề Hội nghị lần thứ 39 là “Tiến công cho Nhân quyền”, để phát triển toàn cầu những chiến lược cho xã hội dân sự để đối đầu với tình trạng bóp nghẹt nhân quyền trên thế giới do các chính quyền áp đặt. Một số nhân vật phát biểu tại Hội nghị gồm có : Stavros Lambrinidis (Đại diện đặc biệt Nhân quyền của Liên Âu), Faith Pansy Tlakula (Chủ tịch Uỷ hội Nhân quyền và Dân quyền Phi Châu, Nam Phi), John Jeffery (Thứ trưởng Bộ Tư pháp và Phát triển Hiến pháp, Nam Phi), Justice Dikgang Moseneke (cựu Thứ trưởng Tư Pháp, Nam Phi) hay Mục sư Canon Mpho Tutu van Furth đến đọc thông điệp của cha là Tổng Giám mục Desmond Tutu, đang nằm viện.

FIDH, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền thành lập tại Paris năm 1922, hiện có 178 thành viên thuộc 117 quốc gia trên năm châu, là tổ chức nhân quyền xưa nhất và lớn nhất của Pháp, có quá trình hậu thuẫn cho các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam. Hồi thập niên 20 thế kỷ XX, đã thành công can thiệp phá án tử hình hay giảm án cho hai Cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.

Sau đây là toàn văn bản Nghị Quyết về Việt Nam thông qua với đa số tuyệt đối tại Hội nghị Johannesburg (Quê Mẹ dịch từ bản Anh ngữ) :

Nghị Quyết về Việt Nam của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền tại Hội Nghị lần thứ 39 ở Johannesburg, Nam Phi

Căn cứ vào kết quả của Đại Hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 (tháng giêng 2016), các thành viên thuộc quân đội hay công an chiếm ưu thế trong thành phần chính phủ Việt Nam, làm tăng cường sự đàn áp mọi hình thức biểu tỏ tự do ;

Căn cứ vào sự kiện chưa đầy 2 tuần lễ trong tháng 3 đầu năm nay, có ít nhất 7 nhà hoạt động nhân quyền bị kết án bất công tổng cộng 22 năm tù giam chỉ vì họ hành xử quyền tự do ngôn luận và biểu tình ;

Căn cứ vào tình hình chung, chính quyền Việt Nam đàn áp quy mô tất cả những ai tham gia hoạt động nhân quyền : những nhà bảo vệ nhân quyền, những tín đồ tôn giáo “không được thừa nhận”, những nhà bất đồng chính kiến, các bloggers, những công dân bình thường tham gia biểu tình đều bị công an theo dõi, thẩm vấn, sách nhiễu, bạo hành, bắt bớ, kể cả việc đưa vào nhà thương điên ;

Căn cứ vào sự việc trong hai tháng 4 và 5 năm 2016, Việt Nam bị thảm nạn ô nhiễm công nghiệp với 300 tấn hoá chất độc do hãng luyện thép đổ vào suốt 200 cây số bờ biển miền Trung, lan tận các nước láng giềng như Phi Luật Tân, gây chết hàng triệu loài cá nằm phơi trên bãi biển, làm phá sản ngư nghiệp trong vùng ;

Căn cứ vào thảm hoạ môi trường gây phẫn nộ toàn dân Việt, thúc đẩy các mạng xã hội xuống đường biểu tình rầm rộ nhưng ôn hoà tại các thành phố lớn ; nhưng nhà cầm quyền đã đáp trả bằng cách ngăn chặn tiếp cận thông tin vào các mạng xã hội, bằng cách bạo hành những người biểu tình, kể cả sử dụng thuê bao bọn côn đồ làm thay công an, và bắt giam những người biểu tình ;

Căn cứ vào sự kiện Việt Nam tiếp tục sử dụng những điều luật mơ hồ, hổ lốn trong bộ Luật Hình sự về “an ninh quốc gia”, như tội “gián điệp”, “tuyên truyền chống phá nhà nước, những hành động “nhằm lật đổ chính quyền”, hay “lợi dụng tự do dân chủ” để bịt miệng các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động nhân quyền hay đơn giản chỉ là những người xuống đường biểu tình ;

Căn cứ vào sự kiện mặc bao khuyến thỉnh của cộng đồng quốc tế , Việt Nam vẫn lưu giữ án tử hình cho những tội phạm “an ninh quốc gia” trong bộ Luật Hình sự sửa đổi gần đây (tháng 11 năm 2015) ;

Căn cứ vào sự kiện Việt Nam thông qua hồi tháng 4 năm 2016 Luật tiếp cận thông tin và Luật báo chí sửa đổi thắt chặt tự do ngôn luận, tăng cường kiểm duyệt, cũng như Thông tư cấm biểu tình trước toà án ; và đang chuẩn bị thông qua Luật lập hội và Luật tôn giáo hay tín ngưỡng, mà nguy cơ thấy rõ là các điều luật về lập hội và tự do tôn giáo trái chống với tiêu chuẩn quốc tế ;

Căn cứ vào số lượng những nhà bất đồng chính kiến bị quản thúc, nếu không là bị tù giam, trong nhiều thập niên qua, như trường hợp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN, Giáo hội lịch sử, độc lập, bị cấm hoạt động từ năm 1981) bị giam giữ hơn 30 năm qua ;

Căn cứ vào việc chuẩn bị bầu cử quốc hội ngày 22 tháng 5 năm 2016, nhiều ứng cử viên độc lập bị ngăn cấm ;

Căn cứ vào lời tố giác của Thanh tra Liên Âu tố cáo Uỷ hội Âu châu từ chối tiến hành nghiên cứu tác động Nhân quyền là một hành động sai phạm tồi tệ trong vấn đề quản lý hồ sơ thương thảo Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam.

Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền / FIDH

Lấy làm tiếc nhà cầm quyền Việt Nam không lợi dụng việc sửa đổi Bộ Luật Hình sự để huỷ án tử hình, đặc biệt đối với những điều luật phạm tội “an ninh quốc gia” và vẫn tiếp tục xử án tử hình khoảng 100 người mỗi năm ;

Tố cáo việc hình thành một loạt pháp lý sử dụng các điều luật để hạn chế các quyền cơ bản của người Việt Nam và cho phép nhà cầm quyền các quyền lực thái quá và tuỳ tiện để đàn áp các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền hay bất cứ ai muốn được hưởng quyền của mình ;

Tố cáo chính sách của Việt Nam khoá cửa thông tin và kiểm duyệt nhằm thiết lập cuộc đàn áp man rợ (công an bạo hành, sách nhiễu, dựng các phiên toà bất công, ban hành các điều luật thủ tiêu tự do) ;

Yêu cầu Việt Nam hợp tác thực sự và chân thành với LHQ trên lĩnh vực nhân quyền, bằng cách thực hiện các Thủ tục đặc biệt, như mời các Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm trên các lĩnh vực tự do ngôn luận, người hoạt động bảo vệ nhân quyền, và để cho các Báo cáo viên LHQ này có toàn quyền tự do kiểm tra ;

Tố cáo mạnh mẽ về phương diện này, mọi cản trở đối với ông Heiner Bielefeldt, Báo viên LHQ đặc nhiệm về Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, trong thời gian ông đến điều tra Việt Nam tháng 7 năm 2015 ;

Kêu gọi Liên Âu và Hoa Kỳ đã hay sẽ ký kết các Hiệp ước tự do mậu dịch với Việt Nam, hãy chăm chú theo dõi xem các Hiệp ước này có chứa đựng các điều khoản bảo đảm các quyền cơ bản cho người công dân Việt, đặc biệt thiết lập các cơ cấu cầu viện hữu hiệu và không thiên vị, và hãy cứng rắn để Việt Nam chấp nhận sự cam kết cho nhân quyền.

 

 

This post is also available in: English French

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *