Cuộc sống cơm áo bận rộn có thể khiến người ta lao nhọc cả đời với nhiều thứ gánh nặng lo toan, nhưng mùa xuân đã kịp đến để chúng ta thư giản phút giây nghỉ, thở. Vũ trụ cần những khoảng lặng yên đấy để tạo lập thêm năng lượng, bão tố cũng cần những khoảng lặng yên ấy trước khi khuấy động đất trời. Nhưng con người, cần những phút lặng yên ấy để tái sinh một con người mới, nếp sống và tư tưởng mới.
Mùa Xuân qua, họ có thể hào phóng ban lệnh ân xá, đặc xá trong dịp Tết Nguyên Đán cho hơn 8 ngàn tù nhân đủ thứ tội trạng: Sát nhân, gây tội ác, xã hội đen, tham nhũng, quan chức thối nát, trộm cướp, mãi dâm, lừa đảo và những phạm nhân bị tước đoạt “nhân quyền” như Thầy Thiện Minh, Ông Quế, LM Lý… nhưng họ rất tiết kiệm một “lời nhắn nho nhỏ” để giải toả lệnh quản chế miệng cho hai “cụ già” trên 70, 80 tuổi và các nhà sư “tứ đại giai không”.
HT Viện trưởng Viện Hoá Đạo rất có lý khi từ chối gặp phái đoàn của Thiền sư Nhất Hạnh! Nếu đang bị quản chế, mà được phép Công An cho gặp thì có khác gì Thiền sư và phái đoàn quốc tế đi “thăm tù” ở trong tình trạng mất tự do thì “phạm nhân và thân nhân” có thể nói năng được gì đây! Tiếp Thiền sư trong tư thế Viện trưởng VHĐ thì không thể vì nhà nước đã cương quyết triệt tiêu Giáo hội truyền thống này và trong chương trình thăm viếng của phái đoàn không có ghi, không dám ghi, hoặc thoả thuận không được ghi là đến đảnh lễ chư vị Đại lão Hoà Thượng tên ấy… tên ấy… Hay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nếu tiếp phái đoàn trong tư cách cá nhân thì càng không thể vì thân mang trọng trách mà cá thể thì đang bị đọa đày.
Ngày xưa người ta xây trại giam, nhà tù để vây hãm tự do nhưng ngày nay người ta có thể xử dụng chùa chiền, thánh đường để vây khổn các nhà sư, linh mục, mục sư nhưng họ vẫn không biết có một “trại giam” đặc biệt là cam tâm tình nguyện làm nô lệ cho thân xác tham dục và tư tưởng cố chấp một chiều, tự làm khổ mình và gây thêm khổ đau cho đồng bào, đồng loại.
Chúng tôi nhớ năm 1975 từ chiến khu vào thành phố ai nấy đều gầy rộp, vàng da vì bệnh tật và thiếu đói và họ rất căm giận những kẽ “vinh thân, phì da” mặt nộng, bụng phệ… Nhưng chỉ mươi năm sau họ cũng mặt nộng, bụng phệ không khác gì, duy có điều, trán họ quá thấp không tương xứng với cái thể xác càng ngày càng to béo! Chỉ có người dân là ngày thêm gầy rạc, xác xơ.
Thượng Toạ Phó Viện trưởng VHĐ cũng có lý khi “nhập thất” đúng vào ngày phái đoàn “Thiền Sư” ghé Quảng Hương Già Lam. Phật tử cũng có thể suy tư về lý do giống như Hoà Thượng Viện Trưởng để từ đó có thể dấy lên những ý nghĩ buồn phiền hay bất mãn hoặc nhà nước, hoặc quí thầy.
Trước khi nhập Đại diệt độ đức Phật đã từng tuyên bố “Ta không nói một lời nào”, Huệ Khả đứng sau lưng Đạt Ma sư tổ tuyết ngập hơn gối, Đạt Ma như chẳng hề biết có ai! Như Ngũ tổ Hoằng Nhẫn gõ lên cối đá ba tiếng tỏ như giận dữ đối với Huệ Năng rồi chấp tay sau lưng đi vào hậu liêu mà ngụ ý “Canh ba đêm nay đi vào cửa sau”. Những khoảng lặng yên như tờ ấy trong Thiền học gọi là “siêu đối đãi, siêu khái niệm” chỉ có Pháp thân và Pháp thể mới biết với nhau thôi, người tầm thường như chúng ta làm sao dò nỗi. Nên khi gán chữ “buồn” hay chữ “giận không tiếp” của các vị Thiền sư vào trong câu chuyện chúng ta vô tình để sân hận vô minh lôi kéo ra khỏi phút giây chánh niệm rồi.
Đối với Phật Giáo Việt Nam, từ ngữ Hoà Thượng và Thiền sư không có phân biệt vì nhà sư nào cũng xuất thân từ dòng Thiền Lâm Tế chánh tông nên gọi Thiền sư cũng được mà Hoà Thượng cũng xong.
Nhưng nghi lễ nghinh, tống đối với Hoà Thượng phải long trọng mà đối với Thiền sư thì không cần “rườm rà” như vậy.
Chúng tôi nhớ lại, một dạo Hoà Thượng Viện trưởng Viện Hoá Đạo đến thăm Tu viện Nguyên Thiều, nhìn thấy hai hàng pháp phục của chư Tăng, Ni rực vàng lễ tiếp, Hoà Thượng nhất quyết không chịu xuống xe nếu chư Tăng Ni không giải tán!!! Hoà Thượng lúc này là Thiền sư nên không thích lễ tiết rườm rà.
Ngày nay, phái đoàn do cô Chân Không đi “tiền trạm“ đến Quảng Hương Già Lam xin nghi cách tiếp đón thầy Nhất Hạnh long trọng tưng bừng, lúc này Thiền Sư lại trở nên Hoà Thượng dù là với chiếc áo nâu sồng giản dị thân quen!!!
Điều chúng ta chưa hiểu, chưa chạm vào được thì chưa nên phê phán vào hiện tượng. Trong Tam Quốc chí diễn nghĩa, mới đầu giới thiệu hai nhân vật Chu Công Cẩn và Gia Cát Khổng Minh cùng viết chữ “hỏa” vào hai lòng bàn tay nhau, tức là dùng hoả công để đốt 83 vạn quân Tào Tháo, ai ngờ Bàng Thống biết mà Từ Thứ cũng biết. Nhưng chúng ta cũng không ngờ chính Tào Tháo càng biết rõ hơn ai hết “Nếu Đông Ngô dùng lửa trận thì có khác nào tự thiêu đốt mình vì mùa này làm gì có gió đông”. Cho nên bài toán này chỉ có Khổng Minh là giải được vì duy có Khổng Minh là biết Gió Đông khởi lúc nào để tìm sơ hở mà chọc vào quân trận hùng hổ của Tào Tháo!
Nhà cầm quyền chỉ cần sơ hở vài phút mà Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất phục hoạt trên thế giới “vuột” mất quyền kiểm soát ra khỏi tầm tay, huống chi chúng ta chỉ cần mất tỉnh thức trong vài phút thì Phật Giáo Việt Nam bị chia chẽ nhiều phe phái thêm ra.
Thấy ánh sáng loé lên ở cuối đường hầm mọi người đều vui mừng, nhưng nỗi lo sẽ xuất hiện nếu chúng ta đặt tên cho chúng là gì và do ai đốt lên! Chúng ta cần một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất dân lập và thống nhất hoạt động đúng nghĩa, một Gia đình Phật tử lành mạnh vững mạnh đúng nghĩa! Tất cả đang còn ở phía trước. Đường thì chỉ có một – Duyên thì ràng rịt rất nhiều – Như lý mà tác ý, tác ý như lý – Ý có thể như rừng không phải phương pháp chúng ta là đúng mà cho rằng các cách khác là sai. Sai là kẻ nào phá hoại sự hoà hợp, đoàn kết, lục hoà của giáo thể chúng ta. Đừng nản lòng:
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
(Vạn Hạnh Thiền Sư)
Mạnh Xuân Ất Dậu