Home / Tài liệu / GHPGVNTN / Thâm Nhập – “Lời kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam” của HT. Thích Quảng Độ (Võ Văn Ái)

Thâm Nhập – “Lời kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam” của HT. Thích Quảng Độ (Võ Văn Ái)

Download PDF
THÂM NHẬP
“LỜI KÊU GỌI CHO DÂN CHỦ VIỆT NAM”
của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ

Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

 

KHÁI QUÁT VỀ CÁC NỀN DÂN CHỦ TRONG THẾ GIỚI

Ngày nay đề cập dân chủ người ta liền nghĩ đến mô thức Tây phương, mà quên rằng, từ hằng nghìn năm trước, từ Tây sang Ðông nhân loại từng thực nghiệm những hình thái dân chủ khác nhau trên lãnh địa của mình. Tuy nhiên mô thức dân chủ ở Hy Lạp được nói trước và nêu cao hơn cả, vì nó là cha đẻ của nền dân chủ Tây phương ngày nay. Tại thành Athènes ở Hy lạp vào khoảng thế kỷ thứ VII trước Tây lịch, một trong những trung tâm sinh hoạt văn minh ban đầu của nhân loại, giới sĩ phu nghiêm chỉnh suy tư về bản chất chính trị. Từ suy tư ấy dẫn tới hướng sinh hoạt thân dân và trọng dân. Chính trị khởi phát với từ ngữ Polis, là đô thị có tính quốc gia, với ý nghĩa là con người biết đảm trách và quản lý đời sống cộng đồng. Nhưng những đô thị có tính quốc gia (Polis) như thế cũng đã bắt đầu xuất hiện ở Châu Á, ở các nền văn minh Trung Ðông như Mésopotamie từ gần ba nghìn năm trước Tây lịch.

Ðồng thời với sự xuất hiện của chế độ dân chủ tại Hy Lạp, thì ở Ðông phương một hình thái dân chủ cũng hiện hành bên Ấn Ðộ. Như ta biết, ngoài 4 Vương quốc lớn ở Ấn Ðộ là Kosala, Vamsa hay Vaccha, Avanti và Magadha, còn có 4 tiểu quốc sinh hoạt theo thể chế Cộng hòa nằm ở mạn đông của Vương quốc Kosala và mạn bắc của Vương quốc Magadha. Ðó là các Cộng hòa Shakya (vọng tộc Thích Ca của Ðức Phật), Malla, Licchavi, Videha. Hiển nhiên các Cộng hòa này còn mang dấu vết quý tộc chấp chính, nhưng trong sinh hoạt quốc gia lại mang hình thái dân chủ với một Hội đồng quốc gia hay quốc hội do dân chọn lựa để điều hành việc nước. Danh từ Raja chỉ người cầm đầu các tiểu quốc được dịch là vua sang Việt ngữ khi ám chỉ Vua Tịnh Phạn (Tịnh Phạn vương) thân phụ của thái tử Tất Ðạt Ða, là Ðức Phật sau này. Thật ra, Raja còn có nghĩa Thống đốc (nếu không là quốc trưởng) tại các nền Cộng hòa nói trên. Ví dụ như nền Cộng hòa Livacchi có đến 3 vị Thống đốc điều hành (thay vì một Thống đốc tại nền Cộng hòa Thích Ca – Shakya) và một quốc hội có 7707 đại biểu, số lượng bằng 1/20 dân số. Cần nghiên cứu thêm để xác định, nhưng chúng tôi dám nghĩ rằng hình thái sinh hoạt dân chủ tại Ấn độ đã ảnh hưởng Ðức Phật trong việc chế lập phương pháp chung sống Lục Hòa cho Tăng đoàn và Cư sĩ. Sáu phép chung sống hòa thuận ấy là : Hòa hiệp chung sống, hòa nhã, không cãi mắng, hòa vui trong ý nghĩ, hòa hiệp chia sẻ kiến thức, hòa phân các quyền lợi, và hòa thân khuyến khích tu học, giữ mình.

Hai hình thái dân chủ tại Hy Lạp và Ấn Ðộ gặp nhau nơi mục tiêu tôn trọng tiếng nói và sự tham dự của mỗi người dân trong sinh hoạt quốc gia, chứ không áp đặt quyền lực từ trên xuống như các thể chế độc tài toàn trị hay dân chủ tập trung tại các nền cộng hòa xã hội chủ nghĩa hiện đại. Nếu có khác nhau chăng giữa Ðông Tây, thì đó là nền dân chủ Hy Lạp đã thảm sát nhà hiền triết Socrate bằng độc dược. Còn Ấn Ðộ thì lại bảo vệ, tụng ca và theo chân Con Ðường Lớn của Ðức Phật.

Chữ HÒA là chữ đệ nhất quan trọng trong sự sống và sự tu học của người theo đạo Phật, kinh sách định nghĩa hòa hợp như nước với sữa, như không khí với ánh sáng. Thật khác xa với chữ “hòa bình” bị chính trị lạm dụng ngày nay, mà con người chỉ thấy “hòa bình” được định nghĩa trong thực tế như nước với lửa. Quy tắc sống của người theo đạo Phật, ngoài phép Lục Hòa trong sinh hoạt tập thể nói trên, đối với bản thân mỗi cá nhân còn có thuyết giới tự tứ cũng đặt căn bản trên chữ Hòa. Ðó là bốn phép hòa hợp, gồm : ngôn tránh (tránh tranh cãi vô ý thức), mích tránh (tránh tìm lỗi người khác), phạm tránh (tránh bình luận về phạm giới của nhau), và sự tránh (tránh tranh cãi về cách biểu quyết xử lý mọi việc (kiết ma)).

Chữ Hòa của Phật giáo là sinh phong bảo vệ Nước, Ðạo và Thế giới loài người.

Vào thế kỷ thứ VI sau Tây lịch, người Cư sĩ Phật tử kỳ vĩ là Thái tử Thánh Ðức (Shotoku) đem chữ Hòa vào chính trị Nhật bản khi ông viết bản Hiến pháp 17 điều quy định chính sách văn minh cho quốc gia. Bản Hiến pháp này cũng là một hiến chương chính trị đầu tiên của Á châu xây dựng trên chữ Hòa của Phật giáo.

Ở Việt Nam vào đời Lý, thế kỷ thứ XI, rồi thời Trần tiếp sau đó, cũng đem chữ Hòa của Phật giáo vào chính trị để an dân và xây dựng bộ máy Nhà nước. Bằng nhận thức tây phương, người ta gọi thời đại ấy là phong kiến, dù rằng có độ chênh khá lớn giữa tinh thần và tổ chức xã hội của Tây và Ðông trong cùng thời kỳ gọi là phong kiến này. Những gì đã thể hiện trong cuộc sống người dân và xã hội Việt Nam dưới thời đại Lý Trần, ta có thể gọi là thời của nền Dân chủ Lục hòa. Vua có đó, không để thống trị, mà để ưu tư việc dân. Ðọc lại lịch sử nước nhà, ta thấy Dân là mối ám ảnh đêm ngày, là công án hòng chứng đạo của mỗi vì Vua Phật tử thời ấy. Việc nước, việc chính trị là một Pháp môn ngộ đạo cho người Cư sĩ nam nữ Phật tử Việt Nam. Nó không tách rời đạo với đời, vì tinh thần bất nhị (non duality) phá vỡ mọi hý luận chia đôi tu và hành, xuất thế và nhập thế. Thiền uyển tập anh, một tác phẩm Phật giáo xuất hiện dưới thời Trần, thế kỷ XIV, đệ nhất quan trọng để hiểu không những về lịch sử Phật giáo Việt Nam mà cả đến lịch sử, xã hội, văn hóa, tư tưởng nước ta, có câu viết trong Truyện Mãn Giác thu tóm con đường hành động của người Phật tử Việt Nam : “Bậc chí nhân hiện thân giữa cõi đời này phải tế độ chúng sinh. Làm việc gì cũng phải đầy đủ, không việc gì không làm. Chẳng những đắc lực về thiền định mà cũng có công giúp đỡ nhà nước”.

Từ lúc nào phát xuất thành ngữ “phép vua thua lệ làng” ở xã hội nước ta ? Một thành ngữ nói lên tính chất dân chủ làng xã. Chỉ nhìn qua kiến trúc của Ðình trong mỗi làng là thấy ra hình thái thân dân trong tiếp cận. Từ thời Lý Trần, đình là nơi vừa thờ Phật vừa làm trạm nghỉ ngơi cho du khách hay người lỡ độ đường khi khuya vắng. Về mặt luật pháp hay hình sự, thì hai triều đại Lý Trần là thời thường xuyên xóa án tử hình, giảm án, giảm tội hoặc giảm thuế. Hai triều đại này chống ngoại xâm rất giỏi, gìn giữ và phát huy văn hóa Việt cũng rất cừ. Vua dân như cha con, anh em, thân thiết chan hòa. Hội nghị Diên Hồng, một thể hiện huy hoàng nhất của nền Dân chủ Lục hòa Việt Nam.

Sự đóng góp của Phật giáo qua một nền chính trị dựng trên chữ Hòa và lòng Từ Bi có thể đọc được trong tác phẩm Thoát hiên vịnh sử thi tập của Ðặng Minh Khiêm viết vào đầu thế kỷ XVI. Cuốn sách ghi lại 125 nhân vật lịch sử nổi danh thuộc giới Phật giáo, đặc biệt ở hai triều đại Lý Trần. Ý nghĩa ở đây là một nhà Nho trước tác sách vào thời Lê, triều đại được xem như Nho giáo cực thịnh, ấy thế mà trong số 125 nhân vật không thấy ghi người nào thuộc thời Lê cả. Chẳng phải thời Lê thiếu nhân tài lịch sử. Mà là tác giả bị những nhân vật chính trị Phật giáo thuộc các thời đại trước đó lôi hút, thôi miên.

Thật dễ hiểu các sự kiện trên khi ta nắm bắt được yếu tính của đạo Phật Việt Nam. Yếu tính ấy được thể hiện đơn giản nhưng đầy trọng lượng qua nhận xét của Mâu Bác viết trong Lý hoặc luận vào cuối thế kỷ thứ II sau Tây lịch : “Bản chất của đạo Phật là ở nhà có thể đem mà thờ cha mẹ, giúp nước có thể đem mà giáo hóa dân, sống một mình có thể đem mà trị thân”. Câu nhận xét ấy cũng là kinh nghiêm thực chứng của chính bản thân Mâu Bác. Ông là nhà trí thức ưu tú của Trung quốc, theo đạo Lão và đạo Khổng. Lánh nạn sang Giao Châu, tiếp xúc với Phật giáo Việt Nam, ông quy y theo đạo Phật và viết cuốn Lý hoặc luận nổi danh đề cao Con Ðường Phật chống lại nền văn hóa nô dịch phương Bắc thời bấy giờ.

HỘ DÂN, HỘ QUỐC, HỘ PHÁP : SÁU CHỮ NÓI LÊN QUÁ TRÌNH 2000 NĂM PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Từ Saigon, nhân danh Hội đồng Lưỡng viện (Viện Tăng Thống và Viện Hóa Ðạo), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, công bố “Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam” ngày 21.2.2001.

Bằng sáu chữ : Hộ Dân – Hộ Quốc – Hộ Pháp, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ xác định sự hiện hữu và đóng góp của đạo Phật, cùng với mọi thành phần dân tộc, trong việc xây dựng nền văn hiến và thiết lập quốc gia Việt Nam. Sáu chữ ấy mang tính đặc thù của Phật giáo Việt Nam, vừa thống nhất với giáo lý Cứu khổ và Giải thoát, đồng lúc tạo ra hướng đi riêng biệt chưa hề thấy ở các quốc gia Ðông Á khác.

Hộ Dân là bảo vệ dân, những sinh mệnh nhỏ bé, mong manh nhưng đông đảo trong các bậc thang xã hội. Dân là ưu tư phục vụ hàng đầu của đạo Phật Việt Nam. Hộ Quốc là bảo vệ đất nước, chỗ đứng của tộc Việt dưới ánh mặt trời nhưng thường xuyên bị muôn hình thức xâm lược hăm dọa. Nước, nơi một giống nòi vươn lên đòi hỏi quyền sống và quyền tự chủ. Nước ấy, là ưu tư bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đạo Phật Việt Nam. Hộ Pháp là bảo vệ giáo lý Cứu khổ và Giải thoát của đạo Phật. Giáo lý ấy tôn vinh con người nói chung, và con người đầy phẩm chất trí tuệ nói riêng, tức phẩm chất Phật. Pháp là trí tuệ siêu việt, giáo lý về phẩm chất Phật, con đường thể hiện Phật. Hộ pháp là bảo vệ tâm thức con người trước loạn tưởng và tha hóa. Khi con người đầy phẩm chất trí tuệ xuất hiện, thì lực lượng dũng mãnh bảo vệ Dân và Nước mới hình thành. Tiến trình ba bước Hộ Dân, Hộ Quốc, Hộ Pháp nói lên tính dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

“Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam”, một bản văn dài 2562 chữ, qua đấy Hòa thượng Thích Quảng Ðộ vẽ ra năm bức hoành tráng về thực tại Việt Nam và Phật giáo :

1. yếu tính của đạo Phật ;

2. quá trình 2000 năm dấn thân bảo vệ chủ quyền dân tộc và đóng góp của Phật giáo Việt Nam trong công cuộc xây dựng nền văn hiến Việt ;

3. từ yếu tính tư tưởng và một quá trình hành hoạt như thế mà thoắt nhận ra ba nguy cơ báo động hiện nay ;

4. rồi đưa ra ba phương thức trị liệu (xin đọc kỹ ba phương pháp này trong Lời Kêu gọi) ; chuẩn bị cho

5. sách lược Tám điểm cứu nguy dân tộc (xin xem toàn văn trong Lời Kêu gọi).

Hiển nhiên phần cơ bản của văn kiện nằm trong sách lược Tám điểm. Sách lược ấy là GIẢI PHÁP THAY THẾ nhằm thiết lập dân chủ. Nhưng phần dẫn nhập chiếm gần một phần ba văn kiện. Dài quá chăng ? Có thể dài với những ai hiểu việc. Nhưng không dài, mà lại cần thiết, với những người thiếu dịp tiếp cận với quá trình lịch sử nước ta cùng chủ trương hành thế của đạo Phật Việt.

Mấy mươi năm qua, từ thể chế này đến thể chế khác, từ thế lực chính trị này đến thế lực chính trị kia, đặc biệt dưới chế độ cộng sản ngày nay, các bộ máy tuyên truyền luôn rêu rao “Phật giáo làm chính trị”, “Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chính trị, không lo tu hành” như một cách hạ nhục và mạ lỵ nhằm kìm hãm, thủ tiêu khả năng và hành động cứu khổ trừ nguy của Phật giáo. Lối vu cáo ấy mâu thuẫn và phi lý. Vì suốt hơn 70 năm qua, đảng Cộng sản không say sưa “làm chính trị” đó sao ? Khác chăng, Ðảng “làm chính trị” để cướp chính quyền cho Ðảng viên tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, bỏ mặc dân đen thống khổ. Phật giáo thì không như thế. Ðã thấy trong quá khứ lịch sử và còn thấy trong tương lai.

Lâu nay, các thế lực chính trị xôi thịt, chính trị bè phái, chính trị hoạt đầu, chính trị giành ghế và tranh ăn, chính trị bán nước… hoành hành chính trường Việt Nam. Các thế lực “làm chính trị” theo lối đó mới đáng ghê sợ, đáng phỉ nhổ. Những tốp chính trị mà khi có chính quyền trong tay chỉ biết “trị” người bằng thảm sát và nhà tù, bằng móc túi và bịt họng.

Còn chính trị chính danh chính trị, là đứng trong vị thế của LẼ PHẢI để bảo vệ và phát huy lẽ phải, thì có chi phải sợ bị tố cáo hay chồn chân ? Chính trị như thế, những Tăng sĩ và Cư sĩ Phật tử vẫn thể hiện từ thời Hai Bà Trưng cho đến khi xây dựng thành một quốc gia tự chủ, tự cường và huy hoàng vào thời Lý thời Trần… Trong thực tế, Phật giáo chưa bao giờ ngừng nói lớn và hành động cho ngưỡng vọng thầm kín không nói được của quảng đại nhân dân. Ngưỡng vọng ấy thiết tha yêu sách được sống trong tự do, no ấm, hạnh phúc, trong một xã hội tôn trọng nhân quyền, thực thi dân chủ và thăng tiến tâm linh.

Nơi xã hội đổ vỡ vì tranh chấp như đất nước ta hiện nay, chẳng ai chịu nghe ai, chẳng ai tin vào ai, thì không thể làm gì khác hơn là kêu gọi trí nhớ mở lại trang sử quá khứ để minh chứng tấm lòng chung thủy của Phật giáo đối với dân và nước từ hơn hai nghìn năm trước. Bởi vậy mà Hòa thượng Thích Quảng Ðộ dẫn giải bối cảnh xung khắc giữa hàng trăm học phái triết học và tôn giáo, giữa hàng nghìn thần linh ngự trị xã hội Ấn Ðộ, xâu xé thành những đẳng cấp bất bình đẳng, trói buộc và nô lệ hóa con người. Rồi từ bối cảnh hỗn độn, đen tối, bi thảm ấy, Hòa thượng giới thiệu sự xuất hiện của Con Ðường Phật như một giải pháp tối hậu nhằm giải phóng và cứu nguy con người. Hòa thượng viết : “Không hề có những yếu tố phi xã hội trong giáo lý đạo Phật, vì thế người Phật tử luôn tôn trọng và đương đầu bảo vệ con người, chống lại những bất công hay bất bình đẳng xã hội, vốn là nguyên nhân chà đạp quyền sống của lương dân, ngăn cản hạnh nguyện tu học để tiến thủ, ngăn cản sự thực hành Từ, Bi, Trí, Lực, theo chí nguyện Bồ tát cứu đời, ngăn cản sự hiện thực Giác ngộ”.

Nói đến hành động dấn thân của Phật giáo, thông thường người ta chỉ nhớ tới cuộc vận động chống kỳ thị và yêu sách bình đẳng tôn giáo năm 1963, hoặc cuộc tranh đấu bền bỉ chống độc tài, áp bức sau năm 1975. Cao điểm là cuộc biểu tình 40.000 Phật tử Huế ngày 24.5.1993 yêu sách cho nhân quyền và tự do tôn giáo. Ngoại trừ biến cố Thiên An Môn, thật hiếm có những cuộc biểu tình nào chất và lượng khổng lồ như cuộc biểu tình ở Huế trong các quốc gia cộng sản.

Một số người có đọc sách sử, thì trí nhớ về Phật giáo đi ngược lên đến mười thế kỷ trước vào các triều đại Lý, Trần là dừng đứng. Còn ít người vào thăm nơi bộ nhớ của dân tộc để thấy ra sự hiện hữu và hành động dấn thân giữ nước, dựng nước của đạo Phật, ít cũng từ hai thế kỷ bản lề : trước và sau thế kỷ thứ nhất Tây lịch. Nghĩa là hai nghìn năm trước. Chứng cớ còn lưu trong sử sách sau cuộc kháng chiến vệ quốc của Hai Bà Trưng năm 43 Tây lịch. Nhiều nữ tướng rút về các chùa viện ẩn náu, như Bát Nàn phu nhân, nữ tướng Tiên La. Ðặc biệt có bà Thiều Hoa tu ở chùa Phúc Khánh, nay là chùa Hiền Quan, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ. Nghe tin hai Bà Trưng dấy nghiệp hộ quốc, năm 37 Tây lịch bà mộ 500 người đến hộ chiến hai Bà. Ngày nay đền thờ của bà còn treo bức đại tự “Diệt Bạo Tướng Phật” và nhiều câu đối nhắc việc bà phò tá cuộc kháng chiến vệ quốc này. Một trong những truyền thống hành hoạt của Phật tử Việt Nam là chống ngoại xâm, chống bất công xã hội để giải phóng con người.

Bộ kinh Việt ra đời rất sớm vào thế kỷ II – III sau Tây lịch ở Giao châu, là Lục độ tập kinh. Tuy xuất phát từ Kinh Bản sinh của Ấn Ðộ, nhưng dấu ấn Việt Nam rất đậm nét. Vì vậy, mà khi nhắc tới hành động dấn thân của người Phật tử Việt suốt hai nghìn năm qua, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ trích câu viết từ kinh ấy : “Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than” ; hoặc đối với những chính quyền hà khắc, áp bức dân, thì Lục độ tập kinh cảnh báo : “Loài lang sói không thể nuôi, người ác không thể làm vua”. Những tư tưởng như thế không có trong kinh Bản sinh Ấn Ðộ. Thử hỏi rằng những câu kinh như thế được viết ra từ nếp sống của người Phật tử Việt Nam cách đây 18 thế kỷ mang ý nghĩa gì ? Họ “làm chính trị” theo nghĩa vu cáo ngày nay ? Hay họ thực hành hạnh Bồ tát cứu đời trường kỳ của đạo Phật ? Trả lời được câu hỏi này, cái sự “làm chính trị” để phục vụ bè phái riêng tư hiểu theo đầu óc nhỏ hẹp mới được thăng hoa thành yếu tính chính trị trong nghĩa Phật giáo của Hộ Dân – Hộ Quốc – Hộ Pháp. Tức quy tắc trị liệu những tệ nạn xã hội và sự khốn khổ, bất an của nhân dân, chứ không là cai trị, thống trị hay độc tài toàn trị làm điêu linh xứ sở.

Bởi thế phần dẫn nhập tuy dài, nhưng cần thiết cho những ai chưa có cơ hội tìm hiểu tinh thần và ý chí của đạo Phật. Cần thiết cho chính bản thân một số Phật tử chỉ thấy hoạt dụng của đạo Phật qua sự tu học và cúng lạy, nhưng lại không thực hành trong đời sống xã hội vốn là mối tương quan tương sinh của giáo lý nhân duyên sinh. Hoặc một số Phật tử ngủ kỹ trong giấc mộng quá khứ Lý, Trần, tuyệt nhiên đánh mất khả năng Lý Trần hóa thời đại trong nghĩa dấn thân cứu khốn trừ nguy.

BA NHẬN THỨC NGUY CƠ VÀ BA PHƯƠNG THỨC TRỊ LIỆU

Do quán chiếu vào thực tại Việt Nam, một thực tại thảm họa mà toàn dân tộc đang gánh chịu, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đưa ra ba nhận thức nguy cơ về một chính quyền tự thị, một chính quyền ly khai dân và một chính quyền lệ thuộc nuớc ngoài, từ ý thức hệ đến cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước. Chẳng khác gì một y sĩ kê khai bệnh lý sau khi chẩn mạch, hầu ra toa trị liệu.

Người ta thường bảo nhân nào quả ấy. Mệnh đề này báo hiệu một khoảng cách từ nhân đi đến quả. Ðã có một khoảng cách, tất con người có cơ hội can dự để lèo lái, thay đổi, giúp cho quả không đến nỗi quá xấu với một nhân xấu. Hơn thế một bậc, lý thuyết Phật giáo cho thấy có những trường hợp “nhân quả đồng thời”, quả hiện ra cùng lúc với nhân. Cứu nguy tổ quốc ngày nay đang bị chà nghiến dưới chế độ độc tài toàn trị, là một hành động Nhân Quả đồng thời. Tình trạng ấy khẩn cấp lắm, như kẻ bị tên độc bắn vào người, phải tức khắc rút mũi tên ra và cấp cứu chữa trị. Không còn là lúc ngồi phân tích hay triết lý mũi tên từ đâu đến, do ai bắn, vì sao bắn, vân vân, bỏ mặc con bệnh tiêu trầm.

Toa thuốc trị liệu mà Hòa thượng đề nghị là sự hình thành một Liên minh dân tộc để thực hiện chương trình Tám điểm. Liên minh này không từ bỏ một ai, không phân biệt thành phần, chính kiến, tôn giáo. Người Cộng sản có chỗ đứng trong Liên minh, khi chịu từ bỏ điều 4 trên Hiến pháp, khi chấp nhận thực thi toàn vẹn những Công ước quốc tế về nhân quyền, về các quyền dân sự và chính trị, khi tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do căn bản, mở đầu bằng tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do nghiệp đoàn, v.v… Người không cộng sản hình thành Liên minh trong nỗ lực phát huy nền văn minh truyền thống Việt Nam và thiết lập một chính quyền dân chủ đa nguyên.

SÁCH LƯỢC TÁM ÐIỂM CỨU NGUY ÐẤT NƯỚC

Sách lược tám điểm cứu nguy thật ngắn gọn, rõ ràng, có kế hoạch và quy mô như một Chính cương (cương lĩnh chính trị) thích nghi cho tình hình đen tối hiện tại của đất nước, đồng lúc bắt kịp xu thế mới của thời đại trong thế giới. Xin được nêu lên mấy điều khẩn thiết :

Quan trọng nhất là “Xóa bỏ mọi cơ chế phản dân chủ như lý lịch, hộ khẩu, công an khu vực“, vì ba cơ chế này là nhà tù kiên cố giam giữ con cháu Vua Hùng, cản ngăn sự tiến thủ của một dân tộc và lực phát triển quốc gia. Ðiều quan trọng khác là “Ðóng cửa vĩnh viễn các Trại tập trung cải tạo”, nơi nhân tài bị thảm sát ; và thỉnh mời “giới chuyên gia kỹ thuật, trí thức, học giả, mọi cá nhân, đoàn thể ở hải ngoại, vượt biển ra đi sau năm 1975, đem các kinh nghiệm và học thuật thu thái ở các nước tiên tiến về xây dựng quê hương”.

Về mặt kinh tế, phải chấm dứt ngay cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa”. Hòa thượng Thích Quảng Ðộ yêu cầu ứng dụng ngay nền kinh tế tri thức (Knowledge-led economy) và kinh tế sinh thái, là mũi nhọn hiện đại về kinh tế trong các nước văn minh tiên tiến. Nền kinh tế sinh thái hiện đang là xu thế lành mạnh của thế giới. Tức không gì khác hơn việc bảo vệ môi sinh, chống mọi ô nhiễm đang hủy hoại con người và trái đất. Còn nền kinh tế tri thức, nói cho rõ phải là nền kinh tế dựa trên cơ sở tri thức. Nó đòi hỏi các quốc gia chậm tiến phải nỗ lực bắt kịp tri thức toàn cầu, mặt khác ứng dụng tri thức ấy để phát triển con người và mọi ngành nghề. Ðặc biệt là các công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghiệp tự động. Ðây chính là sự ứng dụng kiến thức toàn cầu vào mọi hoạt động kinh tế.

Với mớ kiến thức kinh tế lỗi thời theo “định hướng Xã hội chủ nghĩa”, dồn sức đầu tư cho kinh tế công nghiệp nặng mà lại không trang bị những công nghệ hiện đại nhất ; hoặc đề cao một “giai cấp công nhân” chủ lực đã vắng bóng trong thực tại ngày nay ; thì chẳng sao bắt kịp nền kinh tế tri thức. Nền kinh tế tri thức đòi hỏi trước tiên việc mở rộng công nghệ thông tin, thay đổi toàn bộ cơ cấu giáo dục từ cấp tiểu học. Không thể duy trì mãi một xã hội kín, một xã hội đen bằng chính sách ngu dân tại Việt Nam ngày nay.

Tài nguyên không còn riêng khoáng sản trong lòng đất, dầu thô trong lòng biển. Bây giờ Internet là một tài nguyên tri thức. Internet đang điều hành sản xuất hay các dịch vụ doanh thương quốc tế. Qua Internet, người nông dân không sống lùi vào thời kỳ “chân lấm tay bùn”, “bị bóc lột” nữa, mà họ được tiếp cận với những thông tin khoa học kỹ thuật cũng như thị trường nông sản hầu hướng tiến việc sản xuất của mình (với điều kiện được Nhà nước nâng cao trình độ văn hóa và giáo dục cho nông dân). Qua Internet, một y sĩ có thể truy cập thông tin và hội chẩn từ xa để phát triển y học. Ðấy là những ví dụ của nền kinh tế đặt trên cơ sở tri thức, và nền kinh tế này bắt các nước chậm tiến phải đặt lại toàn bộ suy tư chậm tiến, lỗi thời, thuộc thời kỳ chiến tranh lạnh, đặt lại tất cả cơ cấu đào tạo cũng như hệ thống giáo dục, văn hóa, xã hội, nhân quyền cũng như dân chủ.

Hòa thượng cũng rất lưu tâm đến việc đào luyện và bảo tồn một thế hệ trẻ chuyển tiếp, mà đất nước đang đánh mất. Thế hệ trẻ tuy có đấy, song chủ trương “định hướng Xã hội chủ nghĩa phi định hướng” của Nhà nước làm cho họ hoang mang, dao động, mất niềm tin, biến họ thành tín đồ theo chủ nghĩa kim tiền, theo chủ trương tư kỷ “sống chết mặc bay”. Ða số giới trẻ trong nước sống bằng hai thái độ, hoặc sợ hãi đến bất động, đánh mất lý trí phán đoán, hoặc chỉ lo vinh thân phì da. Chạy học tiếng Anh để kiếm việc làm nơi các công ty ngoại quốc béo bở. Họ trở thành thần dân của chủ nghĩa Duy Ngã tột cùng : bằng cấp của tôi, xe con của tôi, biệt thự của tôi, Job của tôi… Tôi, tôi, chỉ có tôi và tôi thôi : một nền văn hóa vị kỷ độc tôn manh nha, phát triển, đánh tan mọi lý tưởng hay ý nghĩa của đời người và cuộc sống theo nhân văn Việt. Không còn thấy bà con, xóm giềng, đất nước, tổ tiên nơi chân trời sông núi. Rồi đây còn ai cưu mang chuyện đất nước khi lớp già chết đi ? Thế hệ trẻ chuyển tiếp biết lo việc quốc gia đại sự mà tiêu hoại, tất mở ra khe hỡ cho ngoại bang xâm nhập nô lệ hóa lương dân. Hãy cứu lấy Thế hệ trẻ chuyển tiếp ! Lời dóng kêu đâu đây nghe như tiếng gào thét cô đơn của văn hào Lỗ Tấn hồi đầu thế kỷ khi Tây phương xâm lược châu Á : “Hãy cứu lấy các em !”.

KẾT LUẬN

“Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam” của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ vừa tung ra trong dư luận hải ngoại, liền được các báo chí Việt ngữ, cơ quan truyền thông nhiệt tình loan tải và bình luận hoan nghênh. Sau đó, Cơ sở Quê Mẹ và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam mở cuộc vận động lấy chữ ký hậu thuẫn Lời Kêu gọi hầu có thể công bố tại LHQ ở Genève vào tháng 4.2001. Một kết quả bất ngờ, kỳ diệu, chưa hề xẩy ra trong sinh hoạt của người Việt hải ngoại suốt 26 năm qua : chỉ trong vòng 2 tuần lễ thu được 308.027 (Ba trăm tám nghìn hai mươi bảy) chữ ký của người Việt thuộc đủ thành phần, chính kiến, tôn giáo khắp năm châu. Kỳ lạ hơn nữa, rất nhiều chữ ký từ trong nước gửi ra, thuộc đủ giai tầng xã hội, nhưng đa số vẫn là giới trẻ (học sinh, sinh viên) và nông dân. Ngoài nước cũng thế, cũng trùng hợp lượng số thuộc giới trẻ (học sinh, sinh viên, kỹ sư) và giới công nhân, làm ăn, buôn bán.

Qua trên ba trăm nghìn chữ ký ấy, lần đầu chúng ta nghe được vọng âm của Ða Số Thầm Lặng tự bấy nay. Tưởng như họ đứng bên lề những hoạt động, những tranh chấp, những giành xé, phân hóa lố lăng… Nhưng không. Họ vẫn hiện diện, vẫn ưu tư, vẫn một lòng một dạ như tấm lụa đào không dễ chịu trao hiến khi chưa tìm được người tương xứng. Nghĩa là người Việt chưa quên tổ quốc, vẫn thầm kín trong tâm mối ưu tư Khát Nước và Bảo vệ giống nòi.

Một Tiếng Nói của Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam đã trở thành Muôn Tiếng Nói đồng tình trong Hành động Việt đang sắp sửa cho dân chủ thiết lập.

Không chỉ người Việt mà thôi, các nhân sĩ, trí thức quốc tế ký tên hậu thuẫn Lời Kêu gọi của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Chúng ta nhận ra : Giải Nobel Hòa bình bà Mairead Corrigan Maguire, Ngụy Kinh Sinh (Nhà tranh đấu cho Dân chủ, Trung quốc), Vladimir Boukovski (Nhà văn, Nga), Leonid Plyush (Nhà Toán học, Ukraine), Han Dong Fen (Lãnh tụ Công đoàn, Trung quốc), Andre Glucksmann (Triết gia, Pháp), Alain Touraine (Nhà xã hội học, Pháp), Marie Holzman (Giáo sư Ðại học, Pháp), Ilios Yanakakis (Giáo sư Ðại học, Pháp), Pierre Kende (Giáo sư Ðại học, Hung gia lợi), Alexander Podrabinek (Chủ nhiệm tạp chí Chronicle, Nga), Aung Ko (Diễn viên, Nhà tranh đấu Dân chủ, Miến Ðiện), Lobsang Nyandak (Giám đốc Trung tâm Nhân quyền và Dân chủ, Tây Tạng). Các vị Dân biểu Quốc hội Pháp và Liên hiệp Âu châu : Emma Bonino, Marco Pannella, Marco Cappato, Marie-Arlette Carlotti, Gianfranco DellAlba, Benedetto Della Vedova, Jules Maaten, Olivier Dupuis, Maurizio Turco, Marie-Helene Aubert, Jean-Louis Bernard, Bernard Charles, Joseph Rossignol… cùng nhiều tên tuổi khác đến từ Hoa Kỳ, Mexico, Uganda, Hong Kong, Indonesia…

Bà Loretta Sanchez, Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, viết thư gửi các Thành viên LHQ thuộc Ủy hội Nhân quyền tại khóa họp lần thứ 57 ở Genève yêu cầu LHQ hậu thuẫn Lời Kêu gọi của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, kèm theo chữ ký hỗ trợ của 35 Dân biểu : Frank Wolf, Robert E. Andrews, James P. Moran, Nancy Pelosi, Ike Skelton , Nydia Velazquez, Dennis Kucinich, Sheila Jackson Lee, Gregory Meeks, Henry Waxman, Donald Payne, Tom Davis, William Jefferson, Stephanie Tubbs Jones, Cynthia McKinney, Mike Honda, Frank Mascara, Chaka Fattah, Joseph Hoeffel, Rob Brady, Dale Kildee, Rep. Baldacci, Vic Snyder, Carolyn McCarthy, Lindsey Graham, John P. Murtha, Ruben Hinojosa, Mike Thompson, Louise Slaughter, Dana Rohrabacher, Lloyd Doggett, Jim McDermott, Chris Smith, Ben Gilman, Maurice Hinchey. Cùng với bà Loretta Sanchez, cơ sở Quê Mẹ cũng nhận được thư ca tụng Lời kêu gọi và ký tên hậu thuẫn của Thượng Nghị sĩ (Cộng hòa ) Orrin G. Hatch.

Từ sự tán dương và hậu thuẫn hùng hậu Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ như thế, chúng ta có thể rút ra bài học :

Dân chủ phát triển theo tính quy luật tối hậu của nó, bất chấp ý chí chủ quan hay độc tài của mọi chế độ. Dân chủ là một vận động có ý thức của mọi người và mỗi người. Một chính trị gia xuất chúng Ấn Ðộ, thánh Gandhi, từng nói : một con người ý thức có thể lật đổ một bạo quyền.

Các triều đại, chính thể có thể lên xuống, đổi thay, nhưng hướng đi của đạo Phật Việt Nam nhằm bảo vệ con người và giải thoát nhân sinh ra khỏi mọi ràng buộc của vô minh, đau khổ, nô lệ, bất công, luôn bất biến.

Ðây là lúc, là cơ hội cho mỗi chúng ta tiến hành dân chủ. Không thể trông mong vào ai khác. Lại càng không thể trông đợi, mong mỏi gì vào giới lãnh đạo Cộng sản ở Hà Nội. 46 năm xích hóa Miền Bắc (1955-2001) và 26 năm xích hóa Miền Nam (1975-2001) không cho thấy một nỗ lực hay khả năng nào cho tiến trình dân chủ hóa đất nước. Kỳ vọng vào họ, chẳng khác chi trông chờ kẻ đốt nhà đi chữa lửa.

Võ Văn Ái
Los Angeles, Phật Ðản 2545

Check Also

Thông bạch Đại lễ Vu Lan Pl. 2562 – 2018 của Viện Hoá Đạo

  PARIS, ngày 14 tháng 8 Năm 2018 (PTTPGQT) — Sau đây là Thông bạch …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *