Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Tại diễn đàn LHQ ở Genève, ông Võ Văn Ái yêu cầu Nhà cầm quyền Hà Nội công bố 2 Hiệp định phân định Biên giới Việt-Trung, mở cuộc Trưng cầu dân ý để toàn dân tham gia việc nước, và tố cáo 80 sự kiện đàn áp nhân quyền và tôn giáo kể từ khi Hà Nội làm thành viên Ủy hội Nhân quyền LHQ

Tại diễn đàn LHQ ở Genève, ông Võ Văn Ái yêu cầu Nhà cầm quyền Hà Nội công bố 2 Hiệp định phân định Biên giới Việt-Trung, mở cuộc Trưng cầu dân ý để toàn dân tham gia việc nước, và tố cáo 80 sự kiện đàn áp nhân quyền và tôn giáo kể từ khi Hà Nội làm thành viên Ủy hội Nhân quyền LHQ

Download PDF

GENÈVE, ngày 17.4.2002 (UBBVQLNVN) – Hôm qua, 16.4, trước Ủy hội Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở Genève, nhân danh Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền, ông Võ Văn Ái nói lên sự “chà đạp những tự do căn bản tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” để tố cáo các vi phạm nhân quyền gia tăng trầm trọng tại Việt Nam đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo, người Thượng Tây nguyên và các nhà cộng sản cải tiến. Sách nhiễu, kết án tù khắc nghiệt, hay quản chế hành chính là những biện pháp áp bức dành cho những ai biểu tỏ ý kiến trái với Ðảng hoặc kêu gọi cải cách chính trị. Ông đánh giá năm vừa qua là “một trong những năm đen tối nhất cho nhân quyền. Dường như từ khi có chân trong Ủy hội Nhân quyền LHQ, Việt Nam tự xem như chẳng còn ai dám trừng phạt mình”.

“Việc vi phạm nhân quyền trầm trọng trong 12 tháng qua hoàn toàn mâu thuẫn với những nghĩa vụ mà Việt Nam phải thi hành khi trở thành một trong những quốc gia thành viên của Ủy hội (năm 2001 đến năm 2003)”, và chẳng báo hiệu chút nào cho sự thăng tiến dân chủ trong kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới mà nhà cầm quyền Hà Nội rêu rao. Vì trong thực tế, Ðảng và Nhà nước tiến hành triệt tiêu mọi hình thái dân chủ tại Việt Nam”. Nhân dịp này, ông Ái cung cấp một “Bảng niên đại khủng bố 2001 – 2002” gồm 80 sự kiện đàn áp nhân quyền và tôn giáo kể từ ngày Việt Nam làm thành viên của Ủy hội Nhân quyền LHQ.

Sau lời dẫn nhập, ông Võ Văn Ái tố giác những cuộc bắt bớ, sách nhiễu của công an đối với những người lên tiếng phản đối vụ Ðảng dâng đất cho Bắc Kinh qua hai Hiệp định phân định biên giới Việt Trung trên bộ năm 1999 và trên biển năm 2000. Hai Hiệp định này không hề được Hà Nội công bố, mà theo sự tố cáo của những nhà cộng sản cải tiến thì ít nhất đã mất 720 cây số vuông dọc biên giới và 112 nghìn cây số vuông trên vịnh Bắc bộ. Ông Ái cho biết hai Hiệp định này do Bộ Chính trị quyết định và Ban Thường vụ Quốc hội thông qua, chứ không được đưa ra thảo luận công khai trong Quốc hội, và điều này “đã gây nhiều nghi ngờ, bất mãn trong quần chúng, vì đây là lãnh thổ chung của toàn dân đang bị đem đi bán rẻ”. Nhưng Ðảng và Nhà nước vẫn im lờ trước bao chất vấn của người công dân : Ông Ðỗ Viết Sơn, 54 tuổi đảng, viết kiến nghị yêu cầu Quốc hội đừng thông qua hai Hiệp định biên giới và lãnh hải ; Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang cảnh báo trong Thông diệp Xuân rằng nhà cầm quyền phải “bảo vệ toàn vẹn tâm linh cũng như toàn vẹn lãnh thổ cho toàn dân”. Giới cán bộ cao cấp cũng liên tục lên tiếng phản đối : Ngày 28.11.2001, hai mươi cán bộ lão thành đại diện từ Bắc chí Nam ký chung kiến nghị gửi Quốc hội yêu cầu đừng thông qua các Hiệp định Việt Trung vì các hiệp định này là “một trọng tội với tổ tiên”, những người ký tên như ông Trần Quang Lê, 55 tuổi đảng, nguyên Phó bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Diệp, 52 tuổi đảng, cựu Trung tướng Trần Ðộ, nguyên Uỷ viên Trung ương Ðảng các khoá 3, 4, 5, 6, ông Hoàng Minh Chính, nguyên Viện trưởng Viện Triết học Mác – Lê Nin, cựu Ðại tá Phạm Quế Dương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự, Viện sĩ Nguyễn Thanh Giang, Tiến sĩ Ðịa vật lý, ông Nguyễn Vũ Bình, nguyên Biên tập viên Tạp chí Cộng Sản, v.v…. Ngày 22.12.2001, một kiến nghị thứ hai với 11 chữ ký của những đảng viên cao cấp tố cáo “lãnh đạo đi đêm bán đất bán nước”. Tất cả những người ký tên phản đối trên đây đều bị công an sách nhiễu, thẩm vấn, nhà cửa bị khám xét, phong tỏa, đường dây điện thoại bị cắt, bị quản thúc hay quản chế hành chính. Sang tháng giêng 2002, chính quyền ra lệnh tịch thu và đốt 4 cuốn sách của các tác giả Vũ Cao Quận, Trần Ðộ, Nguyễn Thanh GiangTrần Khuê.

Hai người bị bắt liên quan đến Hiệp định biên giới Việt Trung là nhà thơ, nhà báo Bùi Minh Quốc và luật sư Lê Chí Quang. Vì lên biên giới Việt Trung quan sát, ông Bùi Minh Quốc bị bắt ngày 12.1.2002, bị tịch thu tất cả phim ảnh, sổ tay ghi chú cùng một số tài liệu mà công an tố cáo là “tài liệu phản động”. Hiện nay ông Quốc bị quản thúc tại Dalat. Ngày 21.2.2002, luật sư Lê Chí Quang bị bắt tại một quán Cà phê Internet ở Hà Nội vì đã viết một số bài cảnh cáo sự nguy hiểm của Bắc Kinh cũng như vấn đề dâng đất cho Trung quốc. Công an đến khám nhà không giấy phép và tịch thu máy vi tính của ông. Hiện ông bị giam ở nhà tù B 14 gần Hà Nội.

Ông Võ Văn Ái tố cáo những cuộc bắt bớ này “vi phạm nghiêm trọng các quyền được bảo đảm trên Hiến pháp”, ông trích điều 17 trên Hiến pháp năm 1992 quy định rằng : “Ðất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển (…) đều thuộc sở hữu toàn dân”. Và điều 53 trên Hiến pháp cho phép mọi công dân có quyền khiếu nại. Như thế là nhà cầm quyền Hà Nội đã vi phạm quyền tự quyết và quyền sử dụng tài nguyên thiên nhiên của người công dân được luật pháp quốc gia cũng như quốc tế công nhận và bảo đảm.

Do đó, ông Ái kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội hãy công bố cho toàn dân được biết hai Hiệp định Việt Trung về phân định biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc bộ. Ông cũng nói “thông tin này không thể là một bí mật nhà nước chỉ dành riêng cho Ðảng và chính quyền mà thôi” và ông yêu cầu Hà Nội mở cuôc Trưng cầu dân ý để tham khảo toàn dân.

Ông nhắc lại rằng kể từ năm 1997, tại diễn đàn LHQ, ông đã không ngừng lưu tâm Ủy hội về tính đàn áp của Nghị định quản chế hành chính 31/CP nhằm bắt giam những ai phê phán chính quyền và ngăn cản công dân nói lên quan điểm xung đột với đảng Cộng sản. Ông nêu lên trường hợp người tù vì lương thức bị giam giữ lâu nhất, Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, “hiện đang kỷ niệm năm thứ 20 bị giam cầm không xét xử” ; Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, được đề cử làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm nay, vì cất “Lời kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam” mà bị quản chế 2 năm ; Cựu đại tá Quân đội Nhân dân Phạm Quế Dương và học giả Trần Khuê bị ra lệnh quản chế từ tháng 10.2001 vì đâm đơn xin lập Hội chống tham nhũng ; Linh mục Nguyễn Văn Lý bị 15 năm tù vì nói lên những sự kiện đàn áp tôn giáo.

Nghị định 31/CP cho phép công an địa phương quản chế những người bất dồng chính kiến mà không cần thông qua tòa án. Nghị định này đã gây phẫn nộ trong quần chúng Việt Nam. Ngày 26.2.2001, lần đầu tiên, 17 nhà cách mạng lão thành của Ðảng ký chung kiến nghị yêu cầu hủy bỏ Nghị định này. Những người ký tên có Cựu Trung tướng Trần Ðộ, ông Lê Giản, 71 tuổi đảng, nguyên Tổng giám đốc Nha Công an, ông Hoàng Minh Chính, giáo sư Nguyễn Thanh Giang, Cựu Ðại tá Phạm Quế Dương, Nhà văn Hoàng Tiến, v.v….

Cùng thời gian Ủy hội Nhân quyền LHQ họp tại Genève, thì Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam được tin ông Phạm Hồng Sơn bị bắt tại Hà Nội hôm 28.3.02. vì “tội” dịch tài liệu “Dân chủ là gì ?” mà ông rút ra từ trang nhà của Ðại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội. Hôm 25.3 ông bị Công an bắt đi thẩm vấn, đến nhà khám xét và tịch thu máy vi tính cũng như nhiều tư liệu cá nhân. Ngoài ra ông còn bị công an bắt ký trước trên biên bản chưa ghi để công an có thể tự điền và kết tội sau này.

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *