Bản tin Reuters từ Genève 5.2.14 – Hôm thứ tư, 5.2, các quốc gia Tây phương tố cáo Việt Nam bắt giam nhiều bloggers và kiểm soát Internet cũng như kêu gọi chính quyền Cộng sản tôn trọng những tự do cơ bản cho tín ngưỡng và ngôn luận.
Nhà ngoại giao Vương quốc Anh, Ruth Tumer, tuyên bố trước Hội đồng Nhân quyền LHQ rằng nước bà lấy làm tiếc cho “những chiều hướng kiểm soát Internet”, cùng với các nhà ngoại giao Pháp và Úc kêu gọi giảm thiểu các tội đưa tới án án tử hình, đồng thời kêu gọi Việt Nam tạm ngưng thi hành án tử hình.
“Việt Nam vẫn tiếp tục sách nhiễu những ai hành xử các quyền tự do cơ bản, như tự do ngôn luận và tự do lập hội”, ông Quyền Đại sứ Hoa kỳ, Peter Mulrean, nói trong cuộc Kiểm điểm trước 47 thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ cùng với các quốc gia thành viên LHQ xem xét các quốc gia mỗi 4 năm một lần.
Ông cũng nói, Hoa Kỳ quan ngại cho việc hạn chế tự do tôn giáo, việc thành lập công đoàn độc lập, sử dụng trẻ em lao động và việc chính quyền cưỡng bức lao động.
Việt Nam phải “xét lại các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia được dùng để đàn áp các quyền tự do cơ bản, đồng thời trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị”
Ông Benjamen Ismail của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới nói rằng nhà báo Phạm Chí Dũng không được phép đến cuộc Kiểm điểm ở LHQ, ông bị ngăn chận tại phi trường Saigon hôm thứ bảy và bị tịch thu hộ chiếu.
“Còn có những chiều hướng trầm trọng, rất bạo động và trả thù bên cạnh đối với gia đình hay thân nhân của các bloggers nhằm can ngăn các bloggers có hành động tranh cãi. Hiện có 34 bloggers bị cầm tù” ông Ismail cho biết.
Tuy nhiên, hai người Việt Nam nổi danh hiện bị quản chế làm nhân chứng, gửi sang hai băng thu bằng đường bí mật và được phát ra trong một cuộc hội luận do các tổ chức nhân quyền quan trọng công bố tại Genève hôm thứ Ba. Hãng thông tấn Reuters không kiểm chứng được tính xác thực.
Đức Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thích Quảng Độ nói rằng ngài bị quản chế tại Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon và muốn nói thay cho những người bất đồng chính kiến bị khóa miệng.
Ngài nói : “Tôi đã trải qua ba thập niên dưới nhiều hình thức cấm cố – 10 năm lưu đày, 7 năm trong tù ngục rồi sau đó bị quản thúc không lý do.”
“Tôi bị tội gì đây ? Chỉ vì kêu gọi Việt Nam tôn trọng các quyền mà người dân phải được tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự hội họp, tự do tôn giáo và tín ngưỡng”.
“Nhưng tôi không cô đơn. Tại Việt Nam ngày nay, hàng trăm nhà bất đồng chính kiến và các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền là đối tượng cho sự tra tấn vì bị quản thúc không thông qua tòa án xét xử”.
Lê Công Cầu, Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ, một phong trào thuộc giới trẻ có 300,000 đoàn viên, cho biết đã bị công an bắt tại phi trường gần thành phố Huế hôm Một tháng Giêng.
“Tôi xin báo động đến Hội đồng Nhân quyền LHQ là những tiếng cầu cứu nguy kịch của tôi. Có thể đây là lần cuối cùng tôi còn được phát biểu vì công an hăm dọa sẽ bắt tôi vào tù”.
160 người bị kết án tổng cộng 1052 năm tù kể từ tháng 5 năm 2009 đến tháng Sáu năm 2013 “chiếu theo các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia trong bộ Luật Hình sự”, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cho biết.
“Tại Việt Nam ngày nay đặt bom hay gửi Email ra nước ngoài đều phạm tội như nhau”, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam có trụ sở tại Paris cho các ký giả biết như thế.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại hội trường Genève rằng chính sách của Việt Nam là luôn luôn bảo vệ và thăng tiến các tự do, ông trích dẫn sự bùng nổ Internet, với 30,8 triệu người sử dụng và 3 triệu bloggers.