– Chuyến đi Việt Nam của Thiền sư Nhất Hạnh có tầm ảnh hưởng nào khiến có nhiều dư luận phản đối ?
– Quan điểm của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế về vấn đề này ?
– Theo Ông việc Hòa giải dân tộc phải thực hiện theo phương cách nào ?
Hỏi : Chuyến đi Việt Nam của Thiền sư Nhất Hạnh có tầm ảnh hưởng nào khiến có nhiều dư luận phản đối ?
Võ Văn Ái : Tầm ảnh hưởng của một cuộc tuyên truyền rầm rộ trên báo chí quốc tế, trên Internet và báo chí của Nhà nước cộng sản tại Việt Nam khiến dư luận chú ý, nên từ đó phát sinh nhiều dư luận hoặc khen hoặc chê.
Theo thống kê của nhà cầm quyền Hà Nội, thì trong dịp Tết có trên bốn trăm nghìn người Việt ở hải ngoại về thăm gia đình và ăn Tết. Họ đi âm thầm như chuyện gia đình riêng, không tuyên truyền rầm rộ, đánh trống khua chiêng để nói lên một quan điểm nào đó. Vô hình trung họ thực hiện giấc mơ của biết bao người Việt ly hương vì chính kiến hay vì lý do nào khác.
Ai không thấy mình khắn khít với nơi chôn nhau cắt rốn, dù mình đã mang một quốc tịch khác. Ai không mơ ước trong những ngày đầu năm về thăm viếng mồ mả tổ tiên, mừng tuổi cha mẹ, ông bà, xóm giềng. Tôi tôn trọng những chọn lựa ấy.
Trường hợp Sư Ông Thích Nhất Hạnh, Giáo chủ Làng Mai, thì ngược lại. Dù Sư Ông muốn hay không, kẻ bàng quan khó hiểu khác hơn là một chuyến đi mang màu sắc chính trị. Nhất là đối với một vị sư không ngừng phơi phong các ý kiến chính trị về nội tình Hoa Kỳ và thế giới. Hơn nữa, ở vào thời điểm tôn giáo đang bị đàn áp quy mô theo chính sách bất bao dung tôn giáo của chủ thuyết Mác Lê nói chung và của Nhà cầm quyền Hà Nội nói riêng. Cuộc đàn áp thấy rõ qua các hành xử đối với đồng bào Thượng ở Tây nguyên, Giáo hội Tin Lành Memonnite, cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, v.v…
Do có đàn áp, do các nạn nhân không ngừng kêu cứu lương tri nhân loại, nên được sự đáp ứng can thiệp của các tổ chức nhân quyền quốc tế và chính giới Âu Mỹ. Ví dụ như Ủy hội Nhân quyền LHQ nhiều lần lên tiếng kháng cáo trong các khóa họp thường niên tại Genève, và đã hai lần, năm 1995 và năm 1998, gửi ông Louis Joinet, Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm vấn đề nhà tù và ông Abdelfattah Amor, Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm vấn đề tự do tôn giáo trên thế giới đi Việt Nam điều tra. Các tổ chức nhân quyền quốc tế như Ân Xá Quốc tế, Human Rights Watch, Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam không ngừng lên tiếng về các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam với những bằng chứng hiển nhiên. Phía chính giới, thì Hạ viện Hoa Kỳ cũng như Quốc hội Châu Âu đã thông qua vào trung tuần tháng 11 năm 2003 : Nghị quyết 427 và Nghị quyết Tự do tôn giáo tại Việt Nam, đòi hỏi chấm dứt việc đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và yêu sách trả tự do cho nhị vị Hòa thượng lãnh đạo Phật giáo Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ ; tháng 9.2004, đến lượt Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào danh sách các “quốc gia cần đặc biệt quan tâm” (CPC, Countries of particular concern) vì đàn áp quy mô các tôn giáo. Vừa qua, Bộ Ngoại giao gia hạn đến ngày 15.3.2005 Việt Nam phải thay đổi chính sách tôn giáo nếu không muốn Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp chế tài. Ðầu tháng 10.2004, đến lượt 109 vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu viết thư ngỏ yêu sách Liên hiệp Châu Âu phải đưa ra thảo bàn vấn đề đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền tại Thượng đỉnh Á Âu ASEM lần tứ 5 tổ chức tại Hà Nội và yêu sách trả tự do cho Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cùng với danh sách 30 tù nhân chính trị.
Tôi chỉ kể sơ vài sự quan tâm thống thiết của công luận thế giới trước một hiện trạng trầm trọng và bi thảm.
Trong bối cảnh ấy, Sư Ông Thích Nhất Hạnh cùng với 190 vị Tăng thân Làng Mai xuất hiện tại Hà Nội. Sư Ông là người có tiếng tăm về hoạt động tôn giáo nói chung và thường xuyên lên tiếng về chính trị nói riêng, như sự lên tiếng ủng hộ ứng cử viên John Kerry trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ vừa qua, về việc so sánh cuộc tàn phá Tháp Ðôi tại Nữu Ước ngày 11.9.2001 của Ben Laden với cuộc bỏ bom của Mỹ giết ba trăm nghìn dân ở tỉnh Bến Tre trước năm 75, như việc chống đối cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990, v.v…
Chuyến đi được Nhà nước Việt Nam tiếp đón trọng thể. Các cuộc tiếp xúc chỉ xẩy ra giữa Sư Ông Nhất Hạnh và chính quyền, thông qua Ban Tôn giáo Chính phủ và các vị chức sắc cao cấp trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Giáo hội Phật giáo Nhà nước do Ðảng lập nên năm 1981. Nhưng trong chương trình công bố chính thức, lại bỏ qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là giáo hội dân lập và truyền thống xuất hiện từ thời Ðinh, giáo hội đã nuôi dưỡng ra Sư Ông. Thế là sự “lắng nghe” như Sư Ông đề cao chỉ dành cho một phía : phía chính quyền. Còn phía các nạn nhân thì Sư Ông phủi tay làm ngơ. Làm cho khách bàng quan thấy có sự chênh lệch nếu không là mâu thuẫn giữa các chủ trương thiết yếu có tính giáo lý của vị giáo chủ Làng Mai như “tương tức”, “tỉnh” thức”, “hiểu và thương”, “hiểu và tin”, “an trú trong hiện tại”… với sự thực hành trên hiện trường Việt Nam.
Trầm trọng hơn, những lời tuyên bố giáo đầu trước chuyến đi, và khi mới đặt chân đến Hà Nội, càng làm cho người quan sát thấy nao núng trước những kỳ vọng mà họ trông chờ nơi chuyến đi của Sư Ông. Tôi chỉ xin đơn cử hai lời tuyên bố. Thứ nhất là của Sư Cô Chân Không tại phi trường Charles De Gaulle trả lời ký giả hãng thông tấn AFP hôm 11.1.2005. Ðáp câu hỏi vì sao có những giáo hội bị cấm hoạt động tại Việt Nam, Sư Cô Chân Không giải thích : “Vì một số các Giáo hội này che giấu những lá cờ của chế độ cũ . Còn chúng tôi, thì chúng tôi chẳng có một tham vọng chính trị nào cả”. Cần nhớ Sư Cô Chân Không, nhũ danh Cao Ngọc Phượng, là phát ngôn nhân của Sư Ông và là người quản lý toàn quyền Làng Mai. Thứ hai, là hai câu phát biểu của Sư Ông Thích Nhất Hạnh trên báo Nhân Dân hôm 13.1.2005, làm nhiều người giật mình. Sư Ông nói Sư Ông : “từng đấu tranh với những thái độ căng thẳng của chính quyền một số nước phương Tây về “vấn đề tôn giáo ở Việt Nam”. (…) (cũng như) đã từng nói với một số quan chức Hoa Kỳ rằng : “Người Việt Nam muốn được giải phóng khỏi cái mà người Mỹ gọi là sự giải phóng cho người Việt Nam”.
Hai câu trên gây ngạc nhiên và buồn phiền cho những người đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. Một là, những tố cáo, yêu sách ôn hòa của chính giới Âu Mỹ trên vấn đề tôn giáo, mà tôi đề cập đại quan ở phần trên, là sai lầm ư ? là “căng thẳng” với Việt Nam ư ? Sư Ông đứng trên phạm vi nào để “đấu tranh với những thái độ căng thẳng” ấy ? Tôn giáo hay chính trị ? Hỏi là đã trả lời.
Sự sa sút trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống đạo đức, an ninh, xã hội, giáo dục, kinh tế… tại Việt Nam không còn là điều bí mật. Trong bức thư ngày 3.1.2004 viết gửi Trung ương Ðảng, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Anh hùng Ðiện Biên, đã xác nhận và yêu sách Ðảng có biện pháp khẩn trương thay đổi trước nạn mà Tướng Giáp gọi là “giặc Nội xâm”. Chưa kể vụ án Tổng cục 2 đang hoành hành, lũng đoạn quyền bính, thảm sát, tra tấn ngay chính những người đồng đội trong Ðảng và Ðảng bạn Cam Bốt qua Vụ Xiêm Rệp năm 1983. Những thảm trạng được Tướng Nguyễn Nam Khánh khai triển chi tiết trong bức thư dài 13 trang gửi Trung ương Ðảng vào ngày 16.7.2004.
Tại sao Sư Ông không đề xuất Ðảng “giải phóng người Việt hôm nay khỏi cái mà Nhà nước cộng sản gọi là sự giải phóng cho người Việt Nam” ? Thay vì thế, Sư Ông lại hướng ngoại chống Mỹ theo khẩu hiệu đả đảo đế quốc mà triều đại Staline ở Liên Xô sử dụng thời chiến tranh lạnh : “Người Việt Nam muốn được giải phóng khỏi cái mà người Mỹ gọi là sự giải phóng cho người Việt Nam”. Câu phát ngôn này đứng trên phạm vi tôn giáo hay chính trị ? Hỏi là đã trả lời. Thế mà Sư Ông và Sư Cô không ngừng xác nhận “Chúng tôi chẳng có một tham vọng chính trị nào cả”.
Với những lời giáo đầu như thế và với cung cách đến Hà Nội như thế là nguyên nhân làm dấy lên sự phản đối từ trong ra đến ngoài nước.
Hỏi : Quan điểm của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế về vấn đề này ?
Võ Văn Ái : Quan điểm của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, là Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong nước, đã được nêu rõ qua ba Thông cáo Báo chí phát hành qua các ngày 14.1.2005, 22.1.2005 và 25.1.2005.
Bản thông cáo thứ nhất ngày 14.1.2005 phản ứng các lời tuyên bố của Sư Cô Chân Không và Sư Ông Thích Nhất Hạnh nhằm vu hãm cuộc vận động cho tự do tôn giáo và nhân quyền suốt 30 năm qua của các tôn giáo nói chung, và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng. Một cuộc vận động thiết thân mở đầu rất sớm sau ngày 30.4.1975 và biểu dương lần đầu qua cuộc tự thiêu tập thể của 12 Tăng Ni tại Thiền viện Dược sư ở Cần Thơ ngày 2.11.1975. Chư Tăng, Ni tự thiêu để đòi hỏi chấm dứt chính sách đàn áp Phật giáo của Nhà cầm quyền cộng sản, chứ không vì một lý do nào khác.
Thông cáo thứ hai, ngày 22.1.2005, đăng tải bức thư trả lời của Thượng tọa Thích Viên Ðịnh gửi Sư Ông Thích Nhất Hạnh. Thượng tọa Thích Viên Ðịnh là Viện chủ tổ đình Thập Tháp ở Bình Ðịnh (một trong những trung tâm đào luyện Tăng tài trong phong trào Chấn hưng Phật giáo vào những năm 20, thế kỷ XX) và chùa Giác Hoa ở Saigon. Thượng tọa cũng là một trong bốn vị Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo. Thư này nói lên hoàn cảnh bị bức hiếp, đàn áp của Phật giáo suốt 30 năm qua hầu giúp đỡ một tăng sĩ xa tổ quốc 40 năm am hiểu thêm tình hình đất nước.
Thông cáo thứ ba, ngày 25.1.2005, thông tin sự việc Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, một trong bốn vị Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, không tiếp Sư Ông Thích Nhất Hạnh và Tăng đoàn Làng Mai hôm chủ nhật 23.1 và sáng thứ hai 24.1.2005 ở Saigon. Ðiều cần lưu ý, là trong chương trình chính thức thăm viếng Việt Nam ba tháng do Làng Mai phổ biến tại Việt Nam không có điểm nào ghi rõ ý muốn có 2 cuộc gặp gỡ nói trên. Bản thân Hòa thượng Quảng Ðộ không hề nhận được văn thư nào của Sư Ông yêu cầu gặp gỡ. Trong khi ấy, thì nghị trình đến Việt Nam, từ thăm viếng đến các bài thuyết pháp đã được Sư Ông xin phép và trình báo trước lên Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Văn hóa và Thông tin.
Toàn văn 3 bản Thông cáo báo chí nói trên quý vị độc giả có thể tìm đọc trên trang nhà Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế : http://www.queme.net
Hỏi : Theo Ông, việc Hòa giải dân tộc phải thực hiện theo phương cách nào ?
Võ Văn Ái : Vấn đề này tôi rất quan tâm và đã đề cập chi tiết trong cuốn sách tôi cho xuất bản tại Paris năm 1990 mang tựa đề “Luận chiến nước ngoài”.
Hòa giải dân tộc chỉ đặt ra ở những thời kỳ có sự phân tranh, đối chọi, đưa tới tiêu diệt lẫn nhau giữa các đảng phái, các thành phần trong cộng đồng tổ quốc. Hòa giải dân tộc vốn xuất phát từ tình cảm dân tộc, trở thành một phương châm đạo lý thấm nhuần nhân văn Việt. Thế nhưng, ngày nay tình cảm tốt đẹp ấy đang gây tranh cãi, thậm chí đưa tới sự dị ứng và chống đối hòa giải dân tộc như một giải pháp thoát ly bạo lực.
Là vì có những đảng phái lợi dụng hòa giải dân tộc để chính trị hóa theo chủ trương riêng biệt của mình, bất chấp sự sống còn của dân tộc, biến hòa giải dân tộc trở thành một vũ khí tiêu diệt đối phương và sập bẫy người hiền lương. Chắc người Việt chưa quên chính sách “hòa hợp hòa giải dân tộc” được ghi vào bản Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh đầu năm 1973. Cụ thể của chính sách này là thành lập tại Miền Nam một Chính phủ ba thành phần. Thế nhưng bộ đội miền Bắc đã dùng bạo lực cưỡng chiếm miền Nam, đầu mối cho việc xé bỏ Hiệp định Paris đồng thời hủy diệt tinh thần hòa giải dân tộc. Làm cho mọi người kinh sợ khi có ai nhắc tới thành ngữ “hòa giải dân tộc”.
Sau cuộc sẩy thai của công cuộc hòa giải dân tộc nói trên, Nhà cầm quyền XHCN còn tung chiêu thêm hai lần nữa theo chiến dịch này. Chiêu thứ hai nhắm vào các nhà văn, nhà báo, nhà làm văn học nghệ thuật tị nạn ở nước ngoài, nhằm kêu gọi họ “bó thân về với triều đình”, sáng tác theo chủ trương của Nhà nước cộng sản thay vì tự do sáng tạo như trước kia. Chiêu thứ ba là mở cửa đón người Việt nước ngoài về thăm quê hương, đón “khúc ruột ngàn dặm”, mà mấy năm trước đó “khúc ruột” này bị liệt vào hạng thứ dân, bị châm khắc vào trán các tội hình “ngụy”, “phản động”, “tay sai Xịa”, v.v…
Vì sao ba chiêu tập kích cho “hòa giải dân tộc”, mà hòa giải không ló dạng ?
Thưa vì “hòa giải” mới thể hiện mị dân qua một số từ ngữ thiếu máu, nhưng chua đổi thay tận gốc từ bản chất, từ nội dung tư tưởng thấm nhuần nhân văn Việt.
Trong hoàn cảnh tranh chấp sống chết hiện nay, hòa giải dân tộc là giải pháp tối ưu nếu được thực hiện đúng chính hầu tránh những cuộc bạo loạn hay đổ máu không cần thiết, mà nhân dân chẳng còn ai muốn tái diễn sau 60 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn.
Khi hai đảng tranh nhau, nhưng chưa có chính quyền, thì hòa giải dân tộc chỉ xuất hiện khi hội đủ hai yếu tố. Một, là cả hai đảng đặt quyền lợi tổ quốc, đặt quyền lợi nhân dân (trên lĩnh vực tự do, no ấm, dân chủ) lên trên và trước các dị biệt đảng phái của mình. Hai, là cả hai cùng bước vào tiến trình hòa giải một cách hỗ tương và chân thành để thực hiện điều một. Hòa giải dân tộc là hòa giải để phụng sự dân tộc, chứ không phải hòa giải để chia ăn hay để tiêu diệt đối phương.
Hoàn cảnh đất nước ta ngày nay, là hòa giải giữa một chính quyền chuyên chế với tuyệt đại nhân dân đang mất chân đứng trên địa bàn dân tộc. Cho nên công cuộc hòa giải phải khởi đi, và khởi trước, từ chính quyền chuyên chế độc đảng. Chính quyền ấy hiện nay là chính quyền cộng sản. Chính quyền này phải khởi động những bước sau đây để thực hiện công cuộc hòa giải dân tộc như một giải pháp hòa đồng :
1. Lấy Nhân nghĩa Việt Nam thay cho chủ thuyết “Ðấu tranh giai cấp” ngoại lai. Từ cơ bản phải hủy tiêu ý niệm sai lầm về “đấu tranh giai cấp”. Chủ thuyết này là đầu mối cho mọi tranh chấp, kỳ thị, vũ đoán và bạo hành mà Ðảng cộng sản Việt Nam áp đặt lên toàn dân từ 1945 đến nay. Ðòi hỏi này chính đáng, vì nó giải quyết từ cơ bản sự bất hòa dân tộc. Chủ thuyết ngoại lai này chỉ làm phân hóa dân tộc, vì bó buộc phải “bạn thù phân minh” để giết nhau, bỏ tù nhau. Nó không thể là quốc kế. Các đảng Cộng sản thức thời trên thế giới, như Nhật bản, Pháp, Ý, v.v… đã từ bỏ ý niệm “đấu tranh giai cấp” từ mấy chục năm trước rồi. Ðảng cộng sản Việt Nam không nên tụt hậu ;
2. Ðể cụ thể hóa điều một nói trên, Ðảng và Nhà nước XHCN tuyên bố bỏ điều 4 trên Hiến pháp để tạo điều kiện cho việc tham gia ý kiến, tham gia cộng tác, tham gia tái thiết đất nước của mọi thành phần dân tộc bất phân đảng phái, chính kiến, tôn giáo, ý thức hệ, trên cơ sở bình đẳng và đồng đẳng ;
3. Ðể cụ thể hóa điều 2 trên đây hầu tiến tới công cuộc hòa giải dân tộc, Ðảng và Nhà nước XHCN thực thi và bảo đảm các quyền được quy định trong Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước XHCN tham gia ký kết tại LHQ ngày 24.9.1982. Thưc tế là ban hành các quyền tự do cơ bản, đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do nghiệp đoàn. Cho phép tư nhân, đoàn thể, tôn giáo không thống thuộc Ðảng cộng sản, được phép ra báo làm diễn đàn ý kiến cho những ai muốn cộng tác và đóng góp ý kiến trong việc trùng hưng xứ sở, chăm lo đời sống người dân trên hai mặt tinh thần và vật chất ;
4. Lấy ngày 30.4 làm Ngày Sám hối Toàn quốc, khởi động công cuộc tự vấn lương tâm và tiến trình đối thoại giữa tất cả các thành phần dân tộc bất phân đảng phái, chính kiến, tôn giáo. Ngày Sám hối Toàn quốc sẽ là cơ hội tuyên dương Linh quyền cho hàng triệu người đã chết, Bắc cũng như Nam, trong hai cuộc chiến huynh đệ tương tàn, đồng thời thực thi Nhân quyền cho người sống.
Bốn điều trên đây là điều kiện tiên quyết để HÓA GIẢI thảm trạng Việt Nam. Tôi nhấn mạnh chữ Hóa giải với dấu sắc. Hóa giải như thế tiến trình Hòa giải dân tộc mới cất bước đi vào kỷ nguyên Dân chủ – một nền dân chủ đa nguyên.
Paris, ngày 5.2.2005