Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tường trình từ Genève : Sự dối gạt đến từ thủ đô Hà Nội – Ủy ban Nhân quyền LHQ khuyến cáo Việt Nam không tuân thủ thi hành Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị tại Việt Nam – Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam điều trần trước LHQ và phản bác bản Phúc trình của Nhà cầm quyền Hà Nội

Tường trình từ Genève : Sự dối gạt đến từ thủ đô Hà Nội – Ủy ban Nhân quyền LHQ khuyến cáo Việt Nam không tuân thủ thi hành Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị tại Việt Nam – Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam điều trần trước LHQ và phản bác bản Phúc trình của Nhà cầm quyền Hà Nội

Download PDF


Sự dối gạt đến từ thủ đô Hà Nội :

GENÈVE, ngày 19.7.2002 (VCHR) – Bản tin 15 dòng của Thông tấn xã Việt Nam đánh đi từ Hà Nội, ngày 15 tháng 7 vừa qua, cho biết “Ðoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu” đã “thành công” báo cáo cho LHQ biết “trong những năm qua, Việt Nam đã chú trọng đến việc xây dựng một Nhà nước Pháp quyền, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tăng cường củng cố các thiết chế, thực hiện các biện pháp cần thiết bảo đảm việc hưởng thụ các quyền con người”.

Thế nhưng bản tin tuyệt đối im lặng về những loạt chất vấn gay gắt của Ủy ban Nhân quyền LHQ về 29 điều trong Bộ luật Hình sự thuộc chương An ninh quốc gia, trái chống với Công ước quốc tế, mà 14 điều dẫn đến án tử hình ; về đàn áp tôn giáo, giam cầm bất hợp pháp hai Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ và Linh mục Nguyễn Văn Lý ; về không có tự do ngôn luận, tự do báo chí ; về Hiến pháp chỉ phục vụ tập thể và ý thức hệ cộng sản chứ không phục vụ các quyền con người căn bản mà Công ước quốc tế đề ra ; về cuộc đàn áp đồng bào Thượng Tây nguyên ; về biện pháp phá thai phụ nữ như chủ trương kế hoạch hóa gia đình, vân vân và vân vân…

Bản tin cũng im lặng hoàn toàn những thống trách của Ủy ban Nhân quyền LHQ về sự phúc trình quá chậm trễ, về một bản phúc trình quá lý thuyết, mà chẳng có thông tin gì xác đáng, nói chi tới những lời hoa hòe không có trong thực tế, như bản tin của Thông tấn xã Việt Nam đề cao vô vọng, nào là “xây dựng một Nhà nước Pháp quyền”, nào là “tăng cường củng cố các thiết chế, thực hiện các biện pháp cần thiết bảo đảm việc hưởng thụ các quyền con người”. Chưa một lần nào bản tin nhắc tới sự kiện chuyên gia nhân quyền LHQ người Nhật, ông Nisuke Ando, trách cứ thậm tệ rằng : “Nếu Việt Nam phúc tình sớm hơn thì đâu cần phải dài dòng như ngày hôm nay (chúng tôi xin mở ngoặc để thông tin rằng, Phúc trình Việt Nam gửi tới LHQ lần này chỉ trình bày sự việc đến năm 1995, một ngày trước khi Phái đoàn đến Genève mới bổ túc thêm giai đoạn 1995 đến 2001). Ông Nisuke Ando, chuyên gia Nhật bản, nói tiếp : “Bản Phúc trình của Việt Nam quá lý thuyết, trong khi chúng tôi cần thiết những ví dụ cụ thể”. Chuyên gia nhân quyền LHQ người Israel, ông David Kretzmer đánh giá rằng : “Tôi cực kỳ dè dặt đối với bản phúc trình của Việt Nam. Chẳng phải riêng chuyện phúc trình quá trễ, mà bởi vì có quá nhiều thông tin về các sắc luật, nhưng lại nói quá ít về hiện trạng trong thực tế”. Chuyên gia nhân quyền LHQ người Phi châu, ông Glele Ahnanhaanzo, phê phán : “Phúc trình của Việt Nam mang nhiều thiếu sót nghiêm trọng trong hệ thống pháp lý trên văn bản cũng như trong thực hành. Mục tiêu “bảo vệ pháp lý chủ nghĩa xã hội” hoàn toàn xung khắc với Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị”. Chuyên gia nhân quyền LHQ người Colombia, Nam Mỹ, ông Rafael Rivas Posada nhận xét sau khi nghe phái đoàn Hà Nội phúc trình : “Ðiều quan trọng đâu phải chỉ lo cải cách và cho thông qua các sắc luật nhằm bảo đảm sự thăng tiến các quyền con người, mà là thực thi các sắc luật này trong thực tiễn, nhằm bảo đảm tính hiệu quả của chúng cho mọi cá nhân được hưởng và được bảo vệ các quyền của họ. Những thông tin qua bản phúc trình của Việt Nam chỉ mới kết toán được các biện pháp pháp lý tại Việt Nam, song chúng tôi lấy làm tiếc rằng những thông tin về hiệu quả thi hành trong thực tế các cải cách pháp lý ấy còn quá ít”.

Ấy là chưa kể sự kiện Phái đoàn Hà Nội không trả lời những chất vấn cụ thể trên các vấn đề đang làm dư luận sôi nổi trong cũng như ngoài nước, những vấn đề không thể nào che giấu. Khiến cho chuyên gia nhân quyền LHQ người Phần Lan, ông Martin Scheinin lớn tiếng yêu cầu LHQ : “Tôi đã đặt nhiều câu chất vấn về vấn đề các dân tộc ít người, gọi là người Thượng hay dân tộc Degar ở Tây nguyên. Nhưng chỉ được đoàn Việt Nam cho biết các câu hỏi của tôi “lố bịch”. Có thể như thế lắm. Nhưng ít nhất thì các chất vấn của tôi cũng chứng tỏ sự kiện tôi đang thiếu thông tin. Vậy tôi xin đặt một câu tổng quát, là liệu Việt Nam có chịu để cho những kiểm tra viên độc lập, kể cả những tổ chức Phi chính phủ, được đến Tây nguyên tìm hiểu, hầu tránh cho chúng tôi trong những lần tới khỏi đặt thêm những câu hỏi “lố bịch” cho đoàn Việt Nam” ? Chuyên gia nhân quyền LHQ người Gia Nã Ðại, ông Maxwell Yalden tiếp lời than phiền : “Tôi cũng đã đưa ra nhiều câu chất vấn về người Thượng Tây nguyên cũng như trên nhiều lĩnh vực khác. Nếu tôi hân hạnh được Ðoàn Việt Nam trả lời là các câu hỏi của tôi “lố bịch”, ít nhất tôi sẽ xem sự kiện ấy như là mình được đoàn trả lời ! ! Vậy thời, thưa ông Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền LHQ, tôi yêu cầu Ủy ban đưa vào trong bản ghi chép chính thức (on the record) rằng Ðoàn Việt Nam im lặng chẳng trả lời các chất vấn của tôi”.

Trong khi chờ đợi phản ứng và kết luận chính thức của Ủy ban Nhân quyền LHQ khi khóa họp lần thứ 75 bế mạc vào ngày 26 tháng 7 sắp tới. Chúng tôi xin dịch nguyên văn lời kết luận của ông Bhagwati, người Ấn độ và là Chủ tịch Ủy ban, sau 2 ngày ngồi nghe đoàn Việt Nam phúc trình và trả lời chất vấn :

“Chúng ta vừa kết thúc cuộc xem xét bản Phúc trình thứ hai của Việt Nam trong 2 ngày qua. Tôi chia sẻ mối quan tâm của tất cả các thành viên thuộc Ủy ban Nhân quyền LHQ về sự thiếu trách nhiệm của Việt Nam khi trì hoãn phúc trình. Chẳng có lý do nào biện minh được cho sự chậm trễ này. Tôi cần nhấn mạnh ở đây rằng, việc nộp Phúc trình đã thành cơ chế hoạt động ghi rõ trong Công ước quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, nhằm theo dõi và bảo vệ các quyền tuyên xưng trong Công ước. Nếu các quốc gia thành viên không chịu nộp Phúc trình đúng thời hạn, tất nhiên toàn bộ cơ cấu bảo vệ quyền con người của LHQ sẽ bị phá vỡ. Tôi hy vọng trong tương lai Việt Nam không lơ là nghĩa vụ phúc trình theo đúng thời hạn.

“Tôi cũng muốn nêu ra một trong những mối quan tâm của Ủy ban đối với Nghị định 31/CP về quản chế hành chính. Nghị định này cho phép quản chế tại gia trong vòng 2 năm những ai bị nghi ngờ xâm phạm “an ninh quốc gia”, mà không cần thông qua tòa án. Chẳng có một điều khoản nào trong Nghị định này cho phép bị can được khiếu nại với một nhân viên pháp lý, hay được một nhân viên pháp lý lấy quyết định giam giữ bị can ấy hay không. Rõ ràng là Nghị định 31/CP vi phạm Ðiều 9 của Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị.

“Ủy ban quan tâm đến tính độc lập của Tư pháp và cách tổ chức xử án ;

“Ủy ban cũng quan tâm về số lượng quá lớn các tội phạm bị kết án tử hình. 15 tội phạm đã được rút bỏ, nhưng hiện còn 29 tội phạm bị kết án tử hình. Con số này còn quá cao, kể cả các tội như tội tham nhũng và hối lộ. Quốc gia thành viên của Công ước quốc tế phải hành động để giảm bớt án tử hình, và chỉ dành cho những tội nghiêm trọng như giết người, để dần dà tiến tới việc hủy bỏ án tử hình chiếu theo Ðiều 6 của Công ước quốc tế.

“Ủy ban cũng vô cùng lo ngại cho việc phá thai phổ biến và được xem như biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Phái đoàn Việt Nam đã công nhận là tỉ lệ phá thai khá cao, lên tới 43,64% ở miền Bắc Việt Nam. Vậy Việt Nam phải nhanh chóng giải quyết vấn đề này.

“Còn cái khái niệm về tội xâm phạm “an ninh quốc gia” thì quá mơ hồ. Phái đoàn Việt Nam chẳng hề định nghĩa cho chúng tôi hiểu khái niệm xâm phạm “an ninh quốc gia” là gì. “An ninh quốc gia” còn là một điều gì quá bao quát, và dễ bị lợi dụng để dập tắt các quyền con người.

“Ðương nhiên bây giờ tôi phải nêu lên sự việc Ðại sứ LHQ đặc nhiệm Bất bao dung tôn giáo trong thế giới, ông Abdelfattah Amor, đã không được phép gặp hàng Giáo phẩm Phật giáo (khi đến Việt Nam). Lời giải thích của Phái đoàn Việt Nam hoàn toàn không thể chấp nhận. Khi một vị Ðại sứ Ðặc nhiệm của LHQ đi thăm viếng, kể cả trường hợp được một chính phủ mời, vị ấy hoàn toàn tự do kiểm tra sự việc theo cách thức mà vị ấy quan niệm phải thực hiện.

“Còn lại vấn đề tự do ngôn luận và tự do báo chí mà Ủy ban quan tâm. Nhưng tôi không muốn nói thêm nữa, vì tất cả những vấn đề này sẽ được nêu bật trong bản nhận xét cuối cùng của Ủy ban Nhân quyền LHQ”.

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam xin đi sâu vào chi tiết cuộc phúc trình lúng túng và không thuyết phục của Phái đoàn Hà Nội tại Genève. Ðiểm cần nói thêm, là 3 ngày trước khi ông Trưởng phái đoàn Hà Nội phúc trình và trả lời chất vấn, Ủy ban Nhân quyền LHQ đã mời một tổ chức Phi chính phủ, là Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, do ông Võ Văn Ái làm Chủ tịch, đến điều trần trước Ủy ban hôm thứ hai và thứ ba, ngày 8 và 9 tháng 7, về tình trạng vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Nhân dịp này, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đã đệ trình một bản Báo cáo, dày 67 trang, phản bác Phúc trình của Phái đoàn Hà Nội, mang tựa đề “Những vi phạm về Các Quyền dân sự và chính trị tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, gồm 21 chương soi rọi các lĩnh vực luật pháp hóa sự đàn áp, hiện trạng đối lập, nhà tù, ngược đãi tù nhân, vi phạm các tự do căn bản của người công dân và các sắc tộc. Những ai có mặt trong 2 ngày phúc trình của Phái đoàn Hà Nội, đều chứng kiến rằng bản Báo cáo 67 trang này đã được Ủy ban Nhân quyền LHQ đem ra làm chứng liệu chất vấn Phái đoàn Hà Nội.


Cuộc thi vấn đáp về Nhân quyền của Phái đoàn Hà Nội tại LHQ ở Genève

Khóa họp lần thứ 75 của Ủy hội Nhân quyền LHQ bắt đầu tại Genève từ ngày 8 cho đến ngày 26.7.2002. Thời gian này Ủy hội sẽ nghe, chất vấn và duyệt xét tình trạng Nhân quyền tại các nước Việt Nam, Moldavia, New Zeland và Yemen, chiếu theo các điều được ghi và bảo đảm trong Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị mà các quốc gia này đã tham gia.

CHXHCNVN ký kết gia nhập Công ước này ngày 24.9.1982. Theo quy ước LHQ thì Việt Nam phải gửi phái đoàn mỗi hai năm một lần đến phúc trình về sự thi hành Công ước trên đất nước mình. Thế nhưng, Hà Nội mới chỉ phúc trình lần đầu vào năm 1989, và năm nay là lần phúc trình thứ hai. Ðáng lẽ Hà Nội phải phúc trình trước Hội đồng LHQ ở New York hồi tháng 3 vừa qua. Nhưng không hiểu có phải vì sợ tai mắt báo chí quá phổ biến ở New York chăng, nên Hà Nội đã xin trì hoãn đến tháng 7 ở Genève, là tháng mà các sinh hoạt ngành nghề, kể cả báo chí, truyền thông, ở Âu châu bắt đầu đi nghỉ hè. Còn nhớ năm 1989, phái đoàn Hà Nội do bà Ngô Bá Thành, Tiến sĩ Luật Bang giao quốc tế, cầm đầu. Năm ấy, bà Thành đã lúng túng và thất bại thảm não trước 100 câu chất vấn của các chuyên gia nhân quyền LHQ. Vì các câu hỏi có tính chất luật và công lý, nhưng câu đáp của bà Thành chỉ nhắm tuyên truyền cho chế độ, quá hồng mà lại thiếu chuyên, mà chuyên vốn là sở trường của bà. Vì vậy, bà đã mất chức đại biểu Quốc hội từ đó.

Lần này, Phái đoàn Hà Nội gồm 11 người, do ông Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng ban, ông Nguyễn Quý Bình, Ðại sứ Thường trực tại LHQ ở Genève làm Phó trưởng ban, cùng với 9 thành viên đại diện các cơ quan thuộc Bộ Công an, Quốc hội, Viện Nghiên cứu khoa học luật pháp, Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tư pháp, Ban Tôn giáo Chính phủ, Vụ Liên hệ quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao và đại diện sứ quán Hà Nội tại LHQ ở New York. Kể từ trưa thứ năm, 11.7, đến tối thứ sáu 12.7.02, Phái đoàn Hà Nội phúc trình trước Ủy ban Nhân quyền LHQ, gồm 18 chuyên gia nhân quyền, về sự áp dụng Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị tại Việt Nam. Sau đấy, các chuyên gia nhân quyền LHQ liên tục đặt hơn 100 câu chất vấn.

Bản phúc trình của Hà Nội do ông Hà Hùng Cường trình bày rất đại khái, lý thuyết suông, nếu không là tự cao tự mãn về thành quả “xuất sắc” của Ðảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, nhân quyền, dân chủ, tự do báo chí, v.v… kể từ khi có phong trào “đổi mới” năm 1986. Ông dẫn chứng vụ án Năm Cam để ca tụng sự tự do báo chí tại Việt Nam, vì theo ông nhờ báo chí mới phát hiện được vụ tham nhũng tầy trời này. Nhưng ông quên việc Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương, Nguyễn Khoa Ðiềm, vừa ra lệnh cấm “cấm báo chí trong nước không được khai thác vụ Năm Cam !”.

Biết là khó chinh phục giới chuyên gia nhân quyền LHQ, nên sau mỗi câu ca tụng chế độ, ông Cường thòng theo một lời hứa hẹn hoặc chữa thẹn : “Chúng tôi đã có những tiến bộ xuất sắc, nhưng còn nhiều điều cần nỗ lực hơn nữa…”, “Phương Ðông chúng tôi thường hay nói “nhân vô thập toàn”, vân vân… Ông cũng chẳng đả động gì đến các vi phạm nhân quyền hay đàn áp tôn giáo đang gây sôi nổi dư luận thế giới. Bởi vì, lập luận của bản phúc trình trùng khít với các lời tuyên bố lâu nay của nhà cầm quyền Hà Nội, là không hề có tù nhân chính trị hay tù nhân vì lương thức tại Việt Nam. Không hề có một nhà lãnh đạo tôn giáo nào bị bắt bớ hay giam cầm, những ai bị kết án, bị tù đày là do vi phạm luật pháp, trật tự công cộng hay vi phạm an ninh quốc gia.

Trong nhiều lần phát biểu, ông Hà Hùng Cường than phiền là đã không được Ủy ban Nhân quyền LHQ hiểu đúng đắn và chính xác thực trạng nhân quyền tại Việt Nam. Lý do ông nêu là vì sự cung cấp tin tức sai lạc của một số tổ chức Phi chính phủ không hoàn toàn ủng hộ Việt Nam. Ông đánh giá là các tổ chức này đã có “hằng triệu” lần loan tin sai lạc như thế. Chẳng hiểu ông Cường bị mặc cảm là Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang bị công luận thế giới chỉ trích nặng nề các vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo. Hay thực tế là ông Cường và 10 thành viên của phái đoàn đã bị 18 chuyên gia nhân quyền LHQ chất vấn ráo riết về luật pháp cũng như các vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo.

Người ngồi nghe có cảm tưởng như Phái đoàn Hà Nội đang qua một kỳ thi vấn đáp về nhân quyền, và trong cuộc sát hạch này, các thí sinh dường như không thuộc bài lắm.

Sau khi ông Hà Hùng Cường đọc xong bài phúc trình về việc thực thi Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị tại Việt Nam, một chuyên gia nhân quyền LHQ người Ðức, ông Eckart Klein đã khiển trách rằng : “Thật tệ hại khi Việt Nam bắt chúng tôi chờ đợi lâu như thế. Trì hoãn đến 10 năm mới phúc trình là một vi phạm Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị”.

Qua hàng loạt chất vấn, người ta thấy mối quan tâm nghiêm trọng của LHQ về sự thực thi khó khăn của Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị trong một thể chế độc đảng, với một ý thức hệ độc quyền. Ông Eckart Klein, chuyên gia nhân quyền LHQ người Ðức, chất vấn rằng, “Làm sao thăng tiến quyền con người với một bản Hiến pháp quy chiếu vào “nền dân chủ tập trung”, vốn hoàn toàn “mâu thuẫn với nền dân chủ nói chung cũng như nền dân chủ đa nguyên”. Làm sao kết hợp được “nền dân chủ tập trung” với chính sách mới hiện nay của Nhà nước gọi là “dân chủ cơ sở” ? Các từ ngữ này tự chúng mâu thuẫn nhau”. Ông kể thêm nhiều điều trên Hiến pháp để minh xác cho lời ông chất vấn.

Bà Christine Chanet, nữ chuyên gia nhân quyền LHQ, người Pháp, chất vấn thẳng vào điều 4 trên Hiến pháp : “Ðiều 25 trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị bảo đảm mọi công dân có quyền tự do bỏ phiếu cho các đại biểu do mình tự chọn lựa. Thế mà, những gì chúng tôi được giải thích, nhằm chứng minh cho Ðảng duy nhất, là các lời lẽ nằm tại Ðiều 4, Ðiều 9 trong bản Hiến pháp, và Ðiều 5 trong Luật bầu cử. Những điều này đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng so với điều 25 trong Công ước quốc tế. Chế độ bầu cử tại Việt Nam loại trừ khả năng tự do chọn lựa của người công dân, vì phải tuân theo ý Ðảng”.

Ông Nisuke Ando, chuyên gia nhân quyền LHQ, người Nhật, chất vấn “Sự nghịch lý của quan điểm quyền con người ở trong Hiến pháp chỉ phục vụ cho “tập thể”, trong khi ấy, Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị bảo vệ quyền con người cho mỗi cá nhân”. Ông nhấn mạnh rằng : “Theo định nghĩa, thì các quyền phục vụ cá nhân chứ không phục vụ tập thể”. Ủy ban Nhân quyền LHQ đã đặt ra ở đây một lời chất vấn căn bản : “Tính hợp pháp và tính chính đáng của Chủ nghĩa Xã hội có tương hợp với Các quyền Dân sự và Chính trị quy định trong Công ước quốc tế chăng ?”.

Các chất vấn kế tiếp của Ủy ban liên quan đến án tử hình, việc đối xử với tù nhân và hiện trạng “quản chế hành chính”.

Ðiểm này, phái đoàn Hà nội cung cấp một số liệu thống kê về số lượng án tử hình, so ra cao hơn số lượng mà các tổ chức Phi chính phủ cung cấp từ trước đến nay. Theo các tổ chức này, có khoảng 100 người bị tử hình hằng năm kể từ 1997. Còn theo phái đoàn Hà Nội, thì từ năm 1997 đến năm 2002, Viện Kiểm sát Nhân dân công bố 931 trường hợp bị tuyên án tử hình, đổ đồng mỗi năm 200 người. Phái đoàn Hà Nội tự mãn cho rằng Nhà nước đã đạt nhiều tiến bộ khi gia giảm án tử hình cho rất nhiều tội hình sự. Trái lại, các chuyên gia LHQ thì lại lo lắng sự kiện trước khi Việt Nam gia nhập Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, số lượng tội phạm bị kết án tử hình ít hơn ngày nay rất nhiều. Phái đoàn Hà Nội kê một bản danh sách rất dài về các tội có thể quy án tử hình, dài đến nỗi, ông Eckart Klein phải mỉa mai rằng : “Giá như các ông chỉ nêu các tội phạm không bị xử tử hình thì có phải đỡ dài hơn không ?”. Ông còn xác định : “Việt Nam vi phạm Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị khi dự kiến tử hình cho những tội phạm “chẳng nghiêm trọng bao nhiêu”.

Về vấn đề giam giữ tù nhân, ông Thứ trưởng Bộ Tư pháp mãn nguyện mà tuyên bố rằng “hằng chục nghìn người” giam giữ trong “các trung tâm cải huấn” đều được chăm sóc đàng hoàng. Qua số liệu tiết lộ này, người ta dễ có một khái niệm nào đó về số lượng tù nhân tại Việt Nam trong thực tế. Ông Hà Hùng Cường phủ nhận thành ngữ “giam giữ hành chính” (administrative detention) để giải thích những biện pháp quy định tại Nghị định 31/CP về quản chế hành chính. Theo ông Cường, nghị định này nhằm “giáo dục chứ không trừng phạt”, và chỉ nhắm theo dõi những ai “vi phạm an ninh quốc gia nhưng chưa có những hành động đáng bị bắt giam chiếu theo Bộ luật Hình sự”… Bản phúc trình của Hà Nội gọi Nghị định 31/CP là “Nghị định về sự giam giữ hành chính” (Decree on Administrative Custody), thực tế chẳng khác bao nhiêu với từ “giam giữ hành chính” mà ông Cường dài dòng phủ nhận. Ông Cường xác nhận có 3 người bị quản chế theo Nghị định 31/CP, nhưng không nêu tên.

Trả lời câu chất vấn về sự kiện khóa tay hay cùm chân khắc nghiệt dành cho giới tù nhân Việt Nam, phái đoàn Hà Nội giải thích là, “không có vấn đề trừng phạt thể xác, mà chỉ là “bảo vệ tù nhân” trước sự trả thù của nhân dân” (sic).


Vấn đề Tự do Tôn giáo tại Việt Nam :

Vấn đề này được ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, thành viên Phái đoàn Hà Nội, trả lời chất vấn bằng tiếng Việt, ông Ðại sứ Nguyễn Quý Bình dịch sang tiếng Anh. Chúng tôi nhận thấy những câu chất vấn nào mà LHQ đã chuyển về Hà Nội trước đây, thì câu đáp được viết sẵn bằng tiếng Anh mang ra đọc. Trái lại, những câu chất vấn trực tiếp tại chỗ, thì các thành viên phái đoàn thay nhau trả lời bằng tiếng Việt, rồi ông Ðại sứ Bình, hoặc một thành viên khác, dịch sang tiếng Anh. Vì vậy đôi lúc có những mẩu đối thoại nhỏ khá thú vị giữa hai người trước khi chuyển dịch chính thức. Ví dụ như câu trả lời chất vấn sau đây, về hiện trạng quản chế khắc nghiệt và tù đày Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ, và Linh mục Nguyễn Văn Lý. Qua đối thoại ngắn trước khi dịch, người ta có cảm tưởng ông Nguyễn Quý Bình, Ðại sứ Hà Nội tại LHQ ở Genève, dường như am hiểu về tình trạng giam giữ các nhà lãnh đạo tôn giáo này hơn ông Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ sống trong nước, ngay nơi cơ quan lo cho tôn giáo. Xin chép nguyên văn lời ông Ngọc đáp bằng tiếng Việt :

“Về các ông Huyền Quang, Quảng Ðộ, Nguyễn Văn Lý, chúng tôi xin khẳng định lại, các ông không bị giữ, xử lý, vì các hoạt động tôn giáo, ngôn luận. Các ông đó vi phạm các luật hình sự, như mọi công dân khác.

“Về quyền tự do tôn giáo của các ông này, thì ông Huyền Quang vẫn tu ở trong nhà chùa (ở đây ông Ðại sứ Bình ngạc nhiên hỏi : “Hiện nay hả ?”, nhưng ông Ngọc phớt lờ, người chép băng chú), ông Quảng Ðộ vẫn tu trong chùa, ông Nguyễn Văn Lý vẫn được cái Tòa Tổng Giám mục của Huế là tổ chức của ông lo về vấn đề tôn giáo… Ông Nguyễn Văn Lý đang ở trong tù, nhưng tổ chức của ông vẫn lo. Nếu có nhu cầu gì tôn giáo, Tòa Tổng Giám mục của Huế vẫn lo”.

Một loạt chất vấn cụ thể khác về sự trạng tôn giáo của Ủy ban Nhân quyền LHQ đã được ông Ngọc trả lời bằng tiếng Việt như sau :

– Vì sao các tăng sĩ, tu sĩ khi vào tu lại phải nộp cho Nhà nước bản khai lý lịch về quá trình cách mạng của mình ? Ông Ngọc giải thích rằng “Phải nộp lý lịch để Nhà nước xem có tiền án hay không, và Nhà nước chỉ xem xét về mặt công dân mà thôi”.

– Vì sao có những cuộc đàn áp tôn giáo tại Việt Nam ? Ông Ngọc khẳng định : “Chúng tôi xin trả lời không có đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Chúng tôi xin thông tin với Ủy ban rằng, các tôn giáo ở Việt Nam đang ở một thời kỳ phát triển chưa hề có trong lịch sử từ trước đến nay”. Rồi ông trưng dẫn 3 ví dụ về sự phát triển “chưa hề có trong lịch sử” ấy, một là “có một đoàn thanh niên đi dự Ðại hội Công giáo quốc tế ở Toronto”, hai là “có một đoàn 10 giáo phẩm cao cấp Phật giáo đang thăm 2 ngôi chùa tại Paris”, ba là tháng 5 vừa qua Giáo hội Giám lý Methodist Hoa Kỳ “mời một Phái đoàn Công giáo, Phật giáo, Tin Lành sang gặp LHQ, các tổ chức Phi chính phủ, hoàn toàn tự do nói và làm hết tất cả những điều họ muốn”.

– Vì sao phá nhà thờ Tin Lành của đồng bào Thượng ở Tây nguyên ? Ông Ngọc phủ nhận và nói rằng “Việc này hoàn toàn không có. Chỉ có một số tụ điểm biểu tình của nhóm Degar liên quan nhà thờ. Họ dùng gậy gộc và xăng. Các mục sư kêu gọi họ và họ ngưng… Cái gọi là “Tin Lành Degar” không có, vì không có trong Kinh Thánh”. Ðiểm đáng lưu ý ở đây, là khi ông Ngọc nói “Họ dùng gậy gộc và xăng”, ông Ðại sứ Bình hỏi ông Ngọc cho hiểu để dịch : “Dùng xăng để làm gì ?”, ông Ngọc đáp : “Dùng xăng để bạo động” ; ông Bình hỏi tiếp : “Nhưng có dùng chưa ?”, Ông Ngọc liền khẳng định : “Chưa dùng”.

– Vì sao ngăn cấm các hoạt động của các tổ chức tôn giáo không được Nhà nước công nhận ? Ông Ngọc trả lời : “Chúng tôi xin nói Nhà Nước không phân biệt là tôn giáo nào tốt, tôn giáo nào xấu, tôn giáo nào được công nhận, không công nhận. Chỉ có vấn đề các tổ chức muốn hoạt động phải tuân theo luật lập hội”. Nhưng khi có chuyên gia hỏi tại sao các tôn giáo bó buộc tham gia Mặt trận Tổ quốc, thì ông Ngọc giải thích rằng : “Họ tham gia với tư cách cá nhân, công dân. Họ không tham gia những lễ nghi trong Mặt trận”.

– Vì sao đàn áp và không cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quyền tự do sinh hoạt tôn giáo ? Ông Ngọc đưa lời biện minh khá độc đáo, vượt khỏi tầm hiểu biết thông thường của LHQ, đặc biệt đối với Ðại sứ LHQ đặc nhiệm Bất Bao dung tôn giáo và cũng là chuyên gia nhân quyền, người Tunisie, của Ủy ban, ông Abdelfattah Amor, người đã đến điều tra về đàn áp tôn giáo tại Việt Nam năm 1998, và ngẩn ngơ nhiều chuyên gia. Lời biện minh thứ nhất nhằm phủ nhận không có chùa nào ở Việt Nam mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cả, ông Ngọc nói :

“Hiện nay các chùa ở Việt Nam đều ở trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ðây là việc làm tự nguyện của các sư và các chùa. Tôi xin lấy thí dụ cái chùa mà hiện nay ông Quảng Ðộ đang ở cũng thuộc về giáo hội Phật giáo hôm nay. Cái ông sư mà phụ trách cái chùa đó, mà ông Quảng Ðộ ở đó, cũng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Còn lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vốn có từ 2000 năm qua, và có tính pháp lý từ trước khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước, thì ông Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ lại xác nhận khác đi trước Ủy ban Nhân quyền LHQ. Ông Ngọc ví von :

“Cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tháng 5 năm 1999 có một cuộc họp ở bang California ở Mỹ, theo luật của nước Mỹ và có cả thư chúc mừng của Tổng thống Clinton và của ông Thống đốc Gray. Như thế, đây là một tổ chức thuộc bên Mỹ, mà hoạt động theo luật pháp của Mỹ. Cái cuộc họp bầu người này người nọ vào các chức vụ của họ, thì đó xử lý theo luật pháp của Mỹ. Luật pháp Việt Nam không công nhận”.

Ông David Kretzmer, chuyên gia nhân quyền LHQ người Israel, chất vấn rằng “Tại sao Việt Nam cản trở công tác của ông Abdelfatah Amor, Ðại sứ đặc nhiệm LHQ về Bất bao dung tôn giáo trong thế giới, khi ông này đến điều tra Việt Nam cuối năm 1998 ? Vì sao không cho ông Amor ra Quảng Ngãi tiếp xúc với vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang ? Không cho gặp Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, tại Thành phố Hồ Chí Minh ? Chẳng những thế, ông Amor còn bị cơ quan công quyền hành hung ngăn cấm”. Ông David Kretzmer cũng tố cáo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hà Nội, nhân vụ ông Amor, đã dám tuyên bố hôm 18.3.98 rằng : “Việt Nam sẽ không chấp nhận bất cứ cá nhân hay tổ chức nào xin đến Việt Nam để tiến hành điều tra về nhân quyền hay tự do tôn giáo”. Rồi ông chất vấn : “Ðây có phải là chính sách về nhân quyền của Việt Nam chăng ? Nếu không, thì những tổ chức nào mới được tự do đến Việt Nam điều tra về những đàn áp nhân quyền ?”.

Ðại sứ Nguyễn Quý Bình, Phó trưởng phái đoàn Hà Nội, chống chế đáp : “Ấy là bởi vì chương trình gặp gỡ riêng của ông Amor vượt quá chương trình chính thức do Chính phủ Việt Nam quy định”. Nghe vậy, ông Bhagwati, người Ấn độ, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền LHQ, cắt lời và nói thẳng với Phái đoàn Hà Nội rằng :

“Cứ như tôi nghĩ, thì sự giải thích của Phái đoàn hoàn toàn không thể chấp nhận. Khi một vị Ðại sứ Ðặc nhiệm của LHQ đi thăm viếng, kể cả trường hợp được một chính phủ mời, vị ấy hoàn toàn tự do kiểm tra sự việc theo cách thức mà vị ấy quan niệm phải thực hiện”.


Về chế độ Nhà tù và Cơ cấu pháp luật :

Số lượng câu chất vấn liên quan đến luật lệ và Hiến pháp Việt Nam so chiếu với Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, chứng tỏ Ủy ban Nhân quyền LHQ đang lo ngại Công ước quốc tế bị mắc cạn nơi đầm lầy khái niệm của một ý thức hệ cộng sản xa lạ với con người và các quyền cơ bản của nó. Nhiều chuyên gia LHQ bày tỏ rằng cơ cấu luật pháp Việt Nam không phù hợp với Công ước quốc tế. Ông Eckart Klein, chuyên gia nhân quyền LHQ, người Ðức, phê bình gay gắt : “Trong Hiến pháp Việt Nam, các quyền căn bản chỉ được bảo đảm khi các quyền này “phù hợp với luật pháp”. Ðây là điều mâu thuẫn với Công ước quốc tế. Bởi vì các quyền căn bản trong Công ước quốc tế không được luật pháp quốc gia giới hạn, ngoại trừ các lý do hết sức nghiêm trọng”. Rồi ông kết luận : “Tôi nghĩ rằng, luật pháp quốc gia tại Việt Nam là chướng ngại cho quyền con người, vì các luật pháp quốc gia này chẳng tuân theo luật pháp quốc tế”. Ông Eckart Klein còn chất vấn tiếp : “Vai trò lãnh đạo của Ðảng là gì ? Mọi sự hiện nay tại Việt Nam đều do Ðảng kiểm soát. Tuy các ông giải thích rằng Ðảng Cộng sản Việt Nam cũng phải tôn trọng luật pháp. Nhưng trong thực tế, thì Ðảng làm ra luật pháp chứ chẳng ai khác ! Như vậy, thì tự do còn có nghĩa gì dưới những điều kiện như thế ? Nhân dân có được tự do tách khỏi áp lực của Nhà nước chăng ? Hay họ chỉ được quyền tự do tham gia theo hướng chỉ đạo của Ðảng Cộng sản ?

“Ðiều 51 của Hiến pháp nói rằng, quyền đi đôi với bổn phận. Ðiều này có nghĩa gì về sự hưởng thụ các quyền đề ra qua Công ước quốc tế ? Các ông có quyền bỏ phiếu, hay bắt buộc phải bỏ phiếu. Các ông có quyền theo một tôn giáo, hay bắt buộc phải theo một tôn giáo. Tôi cho rằng việc đặt điều kiện quyền phải đi đôi với bổn phận là đã hạn chế các quyền rồi.

“Ðiều 76 của Hiến pháp nói “công dân phải trung thành với tổ quốc”. Ðiều này có được luật pháp định nghĩa không ?”.

Phái đoàn Hà Nội trả lời dài dòng về vai trò lãnh đạo của Ðảng từ 70 năm qua, xác nhận vai trò này được “toàn dân công nhận và kính trọng”, mà chính Ðảng cũng chỉ là một thành viên trong Mặt trận Tổ quốc. Phái đoàn cũng khai triển thêm rằng : “Chẳng ai muốn hy sinh quyền con người. Nhưng trong thời chiến tranh, người ta phải hy sinh quyền con người để tranh đấu cho độc lập. Nay có hòa bình, dân đang đòi hỏi quyền con người, Nhà nước phải chấp nhận. Nhưng Nhà nước chưa có kinh nghiệm và điều kiện, nên Nhà nước nói với dân là sẽ có Nhân quyền, song phải chờ. Hiện nay quyền quan trọng nhất là quyền Kinh tế, quyền no ấm. Các quyền kia tính sau. Về vấn đề Dân chủ, thì khi đa số nhân dân đòi hỏi, Nhà nước sẽ trao cho. Hiện nay đòi hỏi này còn thiểu số, nên Nhà nước chưa cho” (sic).

Trong khi ấy, thì Ðại sứ Nguyễn Quý Bình hớn hở khoe : “Việt Nam hiện đang có một hệ thống luật pháp hiệu quả. Mười năm qua, chúng tôi đã thông qua 10.000 (mười nghìn) sắc luật, nghị định”. Ông còn hí hửng tuyên bố : “Chúng tôi đang có cái “mốt” thông qua các luật”. Một chuyên gia LHQ liền phản ứng : “Các ông đã thông qua hàng loạt sắc luật, nhưng điều quan trọng là thi hành các sắc luật ấy !”.

Ông Eckart Klein, chuyên gia nhân quyền LHQ tiếp lời : “Việt Nam thường tuyên bố rằng chính phủ Việt Nam là một chính phủ của dân, do dân, và vì dân, làm cho chúng tôi nhớ tới lời tuyên bố của Tổng thống Abraham Lincoln tại Gettysburgh. Tôi nhận thấy bản Phúc trình rất chi là pháp lý, nhưng chẳng đưa ra một thông tin nào về cách làm sao áp dụng pháp lý ấy vào đời sống. Có quá nhiều chướng ngại trong luật lệ quốc gia cho việc thi hành Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị. Ví dụ Ðiều 2 trên Hiến pháp nói rằng quyền lực của Nhà nước “mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”. Như vậy thì còn những bộ phận nào khác của quần chúng bị loại trừ khỏi liên minh này ? Còn những đồng bào Thượng thì sao ? Còn lớp quần chúng chống đối chế độ thì sao ?”. Ông Nguyễn Quý Bình đọc câu trả lời viết sẵn : “80% dân số là nông dân cộng thêm con số công nhân và lớp trí thức cũng rất đông. Không phải là người khác bị loại trừ, nhưng chẳng còn mấy ai nữa cả”.

Ông David Kretzmer, chuyên gia nhân quyền LHQ, đặt vấn đề : “Theo Ðiều 9 của Hiến pháp cho biết Mặt trận Tổ quốc là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, và Mặt trận “tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân”. Ðiều này có nghĩa gì ? Làm sao kết hợp giữa các tự do cơ bản trong Công ước quốc tế với “sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân ?”. Phái đoàn Hà Nội không trả lời thẳng câu hỏi mà chỉ vòng vo đề cao sự vô tư của Mặt trận Tổ quốc.

Những chất vấn tiếp theo của Ủy ban Nhân quyền LHQ xoáy quanh khái niệm “an ninh quốc gia”, Nghị định quản chế hành chính 31/CP, số lượng nhà tù, số lượng tù nhân, số phận của 100.000 tù cải tạo được trả tự do, nêu trong Phúc trình, hiện nay ra sao, Chỉ thị số 07/CT-VTC cho phép gia hạn vĩnh viễn thời gian cải tạo như thế nào…

Ðặc biệt một câu chất vấn cụ thể : “Các ông đã công bố danh sách tù nhân tại Việt Nam hay chưa ? Các ông có công bố danh sách những tù nhân được ân xá không ? Chúng tôi không hề được thông tin gì về số lượng nhà tù, nơi giam giữ các tù nhân. Nếu các ông chưa công bố các điều đó, thì có thể thông tin cho chúng tôi biết từ đây đến tháng 3 năm 2003 chăng ? Bởi vì nhiều gia đình nạn nhân muốn biết rõ các thông tin này, muốn biết cha anh của họ đang bị giam giữ ở đâu ?”

Nguyên sáng thứ sáu, 12.7, ông Bhagwati, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền LHQ, mở bản Ðiều trần 67 trang của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam ngay trước mặt ông Hà Hùng Cường và yêu cầu giải thích Chỉ thị 07/CT-VTC cho phép Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao gia hạn vĩnh viễn thời gian cải tạo sau 3 năm quy định. Ông Cường bí, không trả lời được, nên xin khất đến chiều để về tham khảo ngân hàng dữ liệu pháp luật. Ðến chiều, ông Cường cho biết không tìm thấy văn bản ấy, cả đoàn của ông thảo luận mãi vẫn không biết ký hiệu 07/CT-VTC là gì.

Thực tế là Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đã trích chỉ thị này từ các sách Pháp luật do Hà Nội xuất bản năm 1995. Chỉ thị 07/CT-VTC ban hành ngày 1.9.1989 ; CT là Chỉ thị, còn VTC là Viện Kiểm sát tối cao. Thế là có khi những điều thuộc phạm vi pháp luật của Nhà nước, mà bản thân Bộ Tư pháp cũng mù tịt, dù sẵn có một “kho Ngân hàng dữ liệu pháp luật” !

Qua cung cấp của ông Thứ trưởng Bộ Tư pháp, các chuyên gia LHQ có thêm vài con số cụ thể. Chẳng hạn như Trại cải tạo không còn tồn tại ở Việt Nam nữa (?), mà chỉ còn lại hai hình thức gọi là Trường giáo dưỡng và Cơ sở chữa bệnh ; hiện còn độ 70.000 tù nhân và 46 nhà tù (19 nhà tù ở miền Bắc, 10 ở miền Nam, số còn lại ở miền Trung) ; các trại giam được phân làm 3 loại : loại một giam tội nhân xâm phạm an ninh quốc gia, bị kết án từ 20 năm đến chung thân, loại hai bị kết án từ 5 đến dưới 20 năm tù, loại ba giam án dưới 5 năm và các vị thành niên. Trái lại, ông Cường xin lỗi, nhưng từ khước cung cấp cho Ủy ban danh sách tên các trại giam.

Có một số chuyên gia nhân quyền LHQ thắc mắc làm sao chứa đủ 70 nghìn tù nhân trong 46 nhà tù ? ! Chúng tôi xin chép toàn văn tiếng Việt lời đáp của ông Hà Hùng Cường dưới đây :

“Hôm qua, có các vị thành viên Ủy ban quan tâm về số lượng nhà tù ở Việt Nam. Chúng tôi xin cung cấp thông tin theo báo cáo của Bộ Công an. Ở Việt Nam có 46 nhà tù, ở phía Bắc có 19 nhà tù, phía Nam có 10 nhà tù, còn lại ở các tỉnh miền Trung. Số lượng tù nhân hiện nay có khoảng độ 70.000.

“Các thành viên Ủy ban cũng quan tâm đến các trung tâm (tiếng một thông dịch viên nói chen vào “rehabilitation center”). Tôi xin phép đính chính, trong này sử dụng một số ngôn từ không chính xác. Thứ nhất là Việt Nam không còn tồn tại cái gọi là Trại Cải tạo nữa. Mà chúng tôi hiện nay có Trường kêu bằng Giáo dưỡng. Thứ hai là cái trường gọi là Cơ sở chữa bệnh. Cho nên là chúng tôi đính chính trong câu hỏi số 30 dùng cái từ “prisoners” là sai.

“Sang câu hỏi thứ hai mà Ngài Chủ tịch nêu ra theo đề nghị của một NGO (tổ chức Phi chính phủ, ý nói Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam). Câu hỏi như thế này : Việc giam giữ vô thời hạn tại các Trại Cải tạo vẫn tiếp tục thi hành theo Chỉ thị 07/CT-VTC thông qua lao động đối với phạm nhân phạm cái tội An ninh quốc gia và được gia hạn vô hạn định. Trưa hôm nay chúng tôi về đã tra cứu cái Ngân hàng dữ liệu pháp luật chúng tôi. Rất tiếc chúng tôi không tìm thấy một văn bản này. Thứ hai, số ký hiệu đánh số 07/CT-VTC, cả đoàn chúng tôi thảo luận mà không biết là của cơ quan nào.

“Về câu hỏi phân loại các trại giam. Xin thưa theo Pháp lệnh về thi án phạt tù, Việt Nam có 3 loại trại giam. Loại một, là để giam những người bị kết án về tội đặc biệt xâm phạm an ninh quốc gia, từ 20 năm tù đến chung thân. Loại hai, là đối với người bị kết án tù từ 5 năm đến dưới 20 năm. Còn loại ba, là giam gữ dưới 5 năm và những người bị kết án tù là chưa thành niên.

“Và tôi xin lỗi Ủy ban, chúng tôi không thể cung cấp danh sách các trại giam của Việt Nam được”.

Còn rất nhiều câu chất vấn không được hồi đáp. Chẳng hạn như câu : “Chúng tôi nghe nói hiện nay Nhà nước không bắt bớ rầm rộ các nhà ly khai, không đem ra xử án ồn ào như trước nữa. Ðiều này có nghĩa là các ông đang thay thế bằng cơ chế quản chế hành chính phải không ? Các ông cho biết hiện nay Nhà nước đang thiếu nhiều luật sư, có phải vì vậy mà Nghị định quản chế hành chính 31/CP được áp dụng để đỡ phải đưa ra tòa xét xử chăng ?”.

Trả lời câu chất vấn về tính độc lập của tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân là gì, Thẩm phán ra sao ? Hội thẩm nhân dân là gì, họ có được học luật không ? Ông Hà Hùng Cường đáp : “Nhân vô thập toàn. Nhưng chúng tôi đã có nhiều thành tựu xuất sắc. Tuy nhiên, chúng tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Bản chất dân chủ trong quá trình bầu cử, các tố tụng hình sự và sự độc lập của tòa án còn phải nâng cao. Tại các phiên xử nghiêm trọng, thì có 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Ít nghiêm trọng, thì có một thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân. Hội thẩm nhân dân không được học luật, mà chỉ qua một khóa “đào tạo” về việc xét xử”.

Nghe thế, ông Bhagwati, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền LHQ, liền thán lên : “Như thế này thì trầm trọng quá ! Vì hội thẩm nhân dân luôn giữ phần thắng, bởi họ ở thế đa số. Thế mà lại không được học luật ư ?!

Ông Maxwell Yalden, chuyên gia nhân quyền LHQ, người Canada, bồi tiếp : “Các ông cho biết là Viện Kiểm sát Nhân dân là cơ quan của chính phủ. Khi một cơ quan của chính phủ theo dõi chính phủ, cơ quan này còn giữ tính độc lập nữa chăng ? Viện Kiểm sát Nhân dân lại còn theo dõi cả nhà tù. Thật là rối loạn quá lắm ! Làm sao tính độc lập có thể xuất hiện ?”. Ông Nisuke Ando, chuyên gia người Nhật, đánh giá : “Sự vận hành của nền pháp lý Việt Nam làm cho tôi nghĩ tới Hồng Kông, là nơi những sắc luật được lập ra, nhưng sau đó Bắc Kinh bác bỏ các sắc luật này. Các ông có thể giải thích chi tiết cho tôi nghe việc này được chăng ?”

Im lặng. Không lời đáp.


Báo cáo phản bác Phúc trình Hà Nội của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tại LHQ

Ba ngày trước khi Ðoàn Hà Nội do ông Trưởng ban Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đọc phúc trình và trả lời chất vấn, Ủy ban Nhân quyền LHQ đã mời Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, do ông Võ Văn Ái làm Chủ tịch, đến LHQ ở Genève hai ngày thứ hai và thứ ba, 8 và 9.7.02, điều trần về tình trạng nhân quyền và thực thi Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị tại Việt Nam.

Nhân dịp này, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đã đệ trình Ủy ban Nhân quyền LHQ một bản Báo cáo, dày 67 trang, phản bác Phúc trình của Nhà cầm quyền Hà Nội, mang tựa đề “Những vi phạm về Các Quyền dân sự và chính trị tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Ðánh giá bản Phúc trình của Hà Nội, ông Võ Văn Ái nhận xét : “Bản Phúc trình của Việt Nam là tấm thảm đan dệt sự tự mãn và những khẳng định vô bằng, bình phương tới vô hạn những danh sách luật pháp, chế định, toàn là món trang sức hoa hòe nhưng chẳng hề đem ra thực thi hay áp dụng, nhất là đối với các quyền con người căn bản. Thực tế ngày nay, là 80 triệu dân Việt không được sống dưới một Nhà nước Pháp quyền (rule of law), vì họ đang bị chà đạp dưới một chế độ độc tài Pháp trị (rule by law)“.

Bản Báo cáo 67 trang của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam gồm 21 chương mục : Dẫn nhập, Những sự kiện không tuân thủ Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị, như Quyền Tự quyết (Ðiều 1, tố cáo Ðảng và Nhà nước dâng đất cho Trung quốc qua 2 Hiệp ước phân định biên giới và lãnh hải) ; Bảo đảm thực thi Các quyền Dân sự và Chính trị (Ðiều 2, tố cáo các vi phạm và dẫn chứng) ; Quyền bình đẳng giới tính (Ðiều 3, tố cáo các vi phạm và dẫn chứng) ; Quyền Sống (Ðiều 6, tố cáo các vi phạm, như án tử hình, phá thai và tuyệt sản) ; Ngăn ngừa tra tấn (Ðiều 7, tố cáo các vi phạm và dẫn chứng) ; Cấm bắt giữ làm nô lệ (Ðiều 8, tố cáo các vi phạm như lao động khổ sai, buôn bán phụ nữ và thiếu nhi, cưỡng bức thiếu nhi lao động và bán dâm) ; Quyền hưởng tự do và an ninh cá nhân (Ðiều 9, tố cáo các vi phạm như quản chế hành chính, trại tập trung cải tạo, giam giữ cải tạo vô thời hạn, tạm giam vô thời hạn, các biện pháp bắt giam tùy tiện và giam giữ ở những trung tâm cải huấn, định nghĩa tội phạm tùy tiện) ; Quyền giam giữ và đối xử nhân đạo (Ðiều 10, tố cáo hệ thống nhà tù Việt Nam, các điều kiện giam giữ ở Trại cải tạo như lao động cưỡng bức, vi phạm phẩm giá, tra tấn và ngược đãi, không xét đơn khiếu kiện của tù nhân, kiểm duyệt thư tín, vi phạm quyền thăm viếng và chuyển tù, điều kiện giam giữ khắc nghiệt tù nhân mang án tử hình) ; Quyền tự do đi lại và quyền cư trú (Ðiều 12, tố cáo các cơ cấu kiểm soát như hộ khẩu và công an khu vực, cấm cư trú những cựu tù nhân, di dân, giới hạn quyền đi lại và cư trú của người Thượng, chiếu khán xuất cảnh) ; Quyền người nước ngoài cư trú tại Việt Nam (Ðiều 13, tố cáo các vi phạm và dẫn chứng) ; Quyền bình đẳng trước tòa án và cơ quan tài phán (Ðiều 14, tố cáo vai trò và chức năng của cơ quan tài phán, tòa án nhân dân, việc phủ nhận quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát nhân dân, luật sư, sự thất bại trong việc xét xử của tòa án, thiếu sự bồi thường, xử án bất công, tòa án đặc biệt ngoài pháp lý trong các Trại cải tạo, quản chế như một hình phạt thứ hai sau án tù) ; Quyền có đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín (Ðiều 17, tố cáo các vi phạm và dẫn chứng) ; Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo (Ðiều 17, tố cáo Ban tôn giáo chính phủ, pháp luật quốc gia và các cơ cấu kiểm soát, pháp luật tôn giáo, việc đàn áp chống Phật giáo, giải thể Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, giới hạn hoạt động của Giáo hội Công giáo, những vi phạm chống tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, đàn áp Tin Lành và Hội thánh Tin lành của ngưới Thượng Tây nguyên, những vi phạm chống tín đồ Cao Ðài, cản trở cuộc thăm viếng của ông Amor, Ðại sứ LHQ đặc nhiệm Bất bao dung tôn giáo trong thế giới ; Quyền tự do ngôn luận, quan điểm và tự do báo chí (Ðiều 19, tố cáo các điều về An ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự, vi phạm quyền tự do báo chí, kiểm duyệt truyền thông và các cơ quan xuất bản, cấm xem truyền hình satellite) ; Quyền hội họp hòa bình (Ðiều 21, tố cáo các vi phạm và dẫn chứng) ; Quyền tự do lập hội (Ðiều 22, tố cáo việc ngăn cấm không cho thành lập hay tham gia Công đoàn, không được đình công) ; Quyền bảo vệ thiếu nhi (Ðiều 24, tố cáo các vi phạm và dẫn chứng) ; Quyền tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội (Ðiều 25, tố cáo các vi phạm và dẫn chứng) ; Quyền dân tộc thiểu số và tôn giáo của các sắc tộc (Ðiều 27, tố cáo các vi phạm và dẫn chứng).

Sau 21 chương mục nói trên, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đưa ra 10 yêu sách đòi hỏi Nhà cầm quyền Hà Nội thực hiện và 6 yêu sách yêu cầu cộng đồng quốc tế hỗ trợ. Bản Báo cáo còn kèm theo 2 phụ lục : “Niên biểu chi tiết những sự kiện vi phạm và đàn áp nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2001 đến 2002”, và, “Những trường hợp tiêu biểu của các tù nhân vì lương thức còn bị giam cầm hay quản chế”. Ðặc biệt các trường hợp của Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ, các Thượng tọa Thích Thiện Minh, Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, Linh mục Nguyễn Văn Lý, và các ông Nguyễn Ðình Huy, Trần Văn Lương, Vũ Ðình Thụy, Phạm Văn Quang, Nguyễn Ðan Quế, Trần Ðộ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, v.v… Chưa kể nhiều trường hợp bị bắt, bị kết án của các tín hữu Phật giáo Hòa Hảo, Cao Ðài, Tin Lành, hoặc cựu đại tá Phạm Quế Dương, luật sư Lê Chí Quang, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, v.v…

Ðiều không ai có thể chối cãi, nếu hiện diện tại khóa họp lần thứ 75 ở Genève, là bản Báo cáo dày 67 trang này, cùng những lời điều trần hôm 8 và 9.7.02, đã được Ủy ban Nhân quyền LHQ đem ra làm chứng liệu chất vấn Phái đoàn Hà Nội.

Về thảm trạng tù nhân chính trị, ông Võ Văn Ái phân tích : “Số phận của giới tù nhân chính trị không hề được Ðảng và Nhà nước quan tâm, vì Ðảng xem họ như mối đe dọa đối với quyền lực tuyệt đối của Ðảng. Trong nhãn quan ấy, người ta mới hiểu được sự thông qua, hồi tháng 8 năm 2001, Nghị định 53/ND-CP ngăn cấm không cho tù nhân mãn hạn tù trở về nơi hộ khẩu thường trú của họ, trong một thời gian nếu không là vĩnh viễn. Cơ sở của Ðảng mới là điều ưu tiên, Ðảng không quan tâm tới quyền con người. Ðiều này giải thích vì sao trước khóa họp của Ủy ban Nhân quyền LHQ, Việt Nam đã huênh hoang hạn chế tự do báo chí và tự do ngôn luận”. Rất ý nghĩa sự kiện ông Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương, Nguyễn Khoa Ðiềm, cấm báo chí trong nước khai thác vụ Năm Cam, vì sợ đụng chạm đến nhiều cán bộ Ðảng cao cấp, trái với phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ở Genève.

Nói gì đến dân chủ, khi cả thế giới chứng kiến não trạng Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh khi ông này tuyên bố trước sự kiện hồi tháng 5 vừa qua, nông dân đồng bằng sông Cửu long kéo nhau ra Hà Nội biểu tình tố cáo nạn cán bộ ăn cướp đất của dân : “Sự kiện người ta tụ tập biểu tình và căng biểu ngữ là bất thường… Không nước dân chủ nào khác xẩy ra hiện tượng ấy. Ở một số vụ việc, nền dân chủ của chúng ta có những điều thái quá !”.

Tại cuộc điều trần chi tiết trước khóa họp nhân quyền LHQ lần thứ 75 về hiện trạng vi phạm trầm trọng nhân quyền và đàn áp tôn giáo tại Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đánh giá Việt Nam là một Nhà nước khủng bố cần phải khẩn cấp cải tổ. Chương trình cải cách hệ thống pháp lý mà chính quyền Việt Nam muốn thực hiện trong vòng 10 năm tới, và đã được Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển châu Á và Quỹ Phát triển LHQ ký kết tài trợ thực hiện, phải được quy chiếu theo Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị.

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam lên tiếng yêu cầu Ủy ban Nhân quyền LHQ giám sát các cải cách pháp luật này, để tránh khỏi tình trạng CHXHCNVN vi phạm các quyền con người căn bản một cách “hợp pháp” và với “sự tài trợ” của các thiết chế quốc tế.

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *