PARIS, ngày 9.5.2006 (PTTPGQT) – Thời gian gần đây, từ thị xã Châu Đốc đến Bạc Liêu, hai Thượng tọa Thích Chơn Tâm và Thích Thiện Minh không ngừng bị cơ quan nhà nước sách nhiễu, tố khổ và hăm dọa.
Từ hơn một năm qua, sau 26 năm tù đày được trả tự do dịp Tết Ất Dậu 2005, Thượng tọa Thích Thiện Minh viết đơn gửi nhà cầm quyền cộng sản, ngày 14.2.2005, đòi lại ngôi chùa Vĩnh Bình, là nơi Thượng tọa trụ trì trước khi bị bắt vào năm 1979. Chùa và đất sau khi nhà cầm quyền Cộng sản cưỡng chiếm bị san phẳng để xây trường học và chợ. Trong năm 2005, mấy lần Bộ Công an ở Hà Nội gửi cán bộ vào thương lượng với Thượng tọa Thiện Minh, nói xa nói gần sẽ nghiên cứu và trả lại chùa hoặc cung cấp khu đất khác cho Thượng tọa xây chùa mới, nhưng cũng nói xa nói gần như ra “điều kiện” Thượng tọa Thích Thiện Minh phải gia nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước). Lần nào Thượng tọa cũng bác bỏ và tuyên bố luôn trung thành với Giáo hội đã nuôi dưỡng, đào luyện Thượng tọa từ trước năm 1975, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Do sự trung kiên này và sau khi được Viện Hóa Đạo công cử Thượng tọa Thích Thiện Minh vào chức vụ Chánh Đại diện Miền Khánh Anh (bao gồm các tỉnh ở Hậu Giang), rồi chức vụ Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên, nhà đương quyền tỉnh Bạc Liêu gia tăng sách nhiễu. Gây khó dễ trong việc đi lại, công an theo dõi, canh gác trước nhà và cắt đường dây điện thoại.
Ngày 3.5 vừa qua, Thượng tọa nhận giấy mời đến hội trường Ủy ban Nhân dân (UBND) xã Châu Hưng để nghe đọc Quyết Định số 14/QĐ-UBND ký ngày 24.4.2006 về việc giải quyết đơn yêu cầu hoàn trả chùa Vĩnh Bình tọa lạc tại ấp Cái Dầy, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, và khai triển Quyết định này. 19 người thuộc các Cơ quan, Ban, Đoàn thể xã ấp có mặt trong cuộc họp. Trong số này có các ông : Huỳnh Quốc Tuấn, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu, Nguyễn Thanh Đền, Trưởng phòng Tài nguyên Mặt trận tỉnh, Lâm Trung Sô, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh, Võ Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND phường, Trương Văn Nhớ, Phó chủ tịch UBND huyện, Huỳnh Văn Đàng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Lê Văn Tài, Trưởng phòng Tài nguyên Mặt trận huyện Vĩnh Lợi, Ngô Quốc Tuấn, Thanh tra huyện, Đào Văn Vĩnh, Phòng Tôn giáo huyện, Hà Minh Phương, Chánh văn phòng Hội đồng Nhân dân, UBND huyện, Hồ Văn Sở, Chủ tịch UBND xã Châu Hưng, v.v…
Ông Trương Văn Nhớ tuyên đọc Quyết Định, nội dung bác bỏ đơn xin hoàn trả chùa Vĩnh Bình và tượng Phật đồng đen nặng 64 kí của Thượng tọa Thích Thiện Minh (thế danh Huỳnh Văn Ba). Bản quyết định nêu 3 lý do không trả chùa : 1. “chùa do gia tộc họ Trần Trinh Trạch xây dựng từ năm 1925, không thuộc tài sản của Giáo hội Phật giáo” ; 2. “Ông Trần Trinh Huy và bà Trần Thị Dầy (gia tộc họ Trần) không giao chùa và tài sản khác cho ông Huỳnh Văn Ba quản lý, ông Ba cũng không đưa ra chứng cứ chùa thuộc tài sản của ông” ; 3. “Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Nhà nước tỉnh Bạc Liêu xác nhận ông Huỳnh Văn Ba (TT. Thiện Minh) không có tên trong Tăng bộ và không thừa nhận ông Ba là tu sĩ”.
Biện pháp xử lý ở khoản 2, điều 2, trong Quyết định ghi rằng : “Giao chính quyền địa phương quản lý, giáo dục và buộc ông Huỳnh Văn Ba phải thực hiện đúng pháp luật và chấm dứt hành vi lợi dụng tôn giáo để viết đơn có nội dung vu khống, xuyên tạc sự thật và các hành vi khác làm mất an ninh, trật tự và an toàn xã hội địa phương”.
Sau khi nghe đọc Quyết Định tại cuộc họp nói trên, Thượng tọa Thích Thiện Minh tuyên bố : “Nội dung Quyết định hoàn toàn áp đặt phi lý, tôi tẩy chay cuộc họp và phản kháng Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, tôi sẽ tiếp tục khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền của Nhà nước và thông báo đến các tổ chức quốc tế xin can thiệp”. Vì nhất quyết như thế nên cuộc họp rút ngắn không khai triển được gì thêm.
Ngày 6.5.2006, Thượng tọa Thích Thiện Minh gửi đi ba bản văn : Tường trình sự vụ lên Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; Đơn Khiếu nại gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ; và Thư gửi Hòa thượng Thích Huệ Hà, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội Nhà nước) tỉnh Bạc Liêu.
Trong 2 văn thư gửi UBND và Giáo hội Phật giáo Nhà nước, Thượng tọa bác bỏ sự áp đặt phi lý trong Quyết Định số 14/QĐ-UBND không chịu trả chùa và tượng Phật đồng đen. Sự phi lý và phi pháp được chứng minh qua hai sự thực khó chối cãi :
1. Ông Trần Trinh Huy và bà Trần Thị Dầy mà Nhà nước đưa ra làm phát ngôn, để phủ nhận quyền trụ trì và sở hữu chùa Vĩnh Bình của Thượng tọa Thích Thiện Minh, không có tư cách pháp nhân, không là người có quyền quyết định tài sản thừa kế của nhà họ Trần. Người quản lý gia sản họ Trần là ông Henry Trần Trinh Trạch. Năm 1972, ông Trạch đã ký giấy Ủy quyền Trụ trì cho Thượng tọa Thích Thiện Minh. Năm 1979 khi bị bắt, ông Bùi Văn Lẹ, Trưởng trại giam huyện Vĩnh Lợi, đã thu giữ tất cả giấy tùy thân và giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu chùa Vĩnh Bình của Thượng tọa. Ngày ra tù năm ngoái, các giấy tờ ấy không được hoàn trả theo luật định. Cho nên 2 người họ Trần nói trên không có tư cách pháp nhân xác định quyền sở hữu chùa Vĩnh Bình. Đặc biệt hơn nữa, ngày ông Henry Trần Trinh Trạch ủy quyền sở hữu cho Thượng tọa Thích Thiện Minh năm 1972, chùa Vĩnh Bình xiêu vẹo đổ nát. Chính tay Thượng tọa lo việc quyên góp trong tín đồ và điều khiển công trình tôn tạo thành ngôi chùa khang trang trước năm 1975.
2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Giáo hội Nhà nước, không có tư cách và quyền hạn gì khi đưa các ý kiến về sở hữu ngôi chùa Vĩnh Bình cũng như vị trí Tăng sĩ của Thượng tọa Thích Thiện Minh. Vì một lẽ đơn giản là Giáo hội này được Đảng đẻ ra năm 1981, nên thiếu tư cách, hiểu biết cũng như kinh nghiệm về thực tại của Phật giáo Việt Nam. Làm sao Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Nhà nước tỉnh Bạc Liêu dám bảo là Thượng tọa Thiện Minh không có tên trong Tăng bộ từ năm 1973 đến năm 1979, khi bản thân Giáo hội này mới được Đảng cho ra đời năm 1981 ? ! Trong khi ấy, Thượng tọa Thích Thiện Minh đã là thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ trước năm 1975. Thượng tọa thọ giới Sa Di năm 1972 tại chùa Long Phước ở Bạc Liêu, sang năm 1977 thọ giới Tỳ kheo tại giới đàn Thiện Hoa ở Tổ Đình Chùa Ấn Quang, Saigon, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức.
Nhiều tháng qua, chùa Tây Huê, Phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang do Thượng tọa Thích Chơn Tâm trụ trì bị phong tỏa, điện thoại bị cắt, Phật tử đến chùa bị sách nhiễu. Có khi những người lạ mặt vào chùa nói là xin “thăm Thầy” hoặc “lễ Phật”, nhưng kỳ thực vào chùa tạo sự gây rối, gây sự với nhân viên trong chùa. Mục đích tạo cớ cho công an đến lập biên bản gây khó dễ. Việc một phụ nữ gây sự sáng ngày 23.4 vừa qua là ví dụ điển hình.
Kể từ sau ngày Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Nhà nước công bố Quyết Định “trục xuất Thượng tọa Thích Chơn Tâm khỏi chùa Tây Huê về quê quán để tu dưỡng đạo đức cá nhân” (xem Thông cáo báo chí phát hành ngày 11.4.2006) thì đời sống ở chùa Tây Huê ngày càng căng thẳng. Quyết định này có hiệu lực trong vòng 15 ngày. Nhưng Thượng tọa Thích Chơn Tâm quyết liệt phản đối quyền hạn và tư cách của một Giáo hội do Đảng và Nhà nước lập ra năm 1981 đối với thành viên của một Giáo hội dân lập và truyền thống là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Gần đây, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Nhà nước tỉnh An Giang tổ chức một “Khóa học bồi dưỡng trụ trì” 7 ngày, quy tụ trên một trăm Tăng Ni toàn tỉnh. Nhưng khóa học chẳng nói gì đến việc bồi dưỡng chư Tăng Ni trong chức năng Trụ trì, tức điều hành Phật sự tại các chùa viện. Trái lại, khóa học chỉ là một diễn trường đấu tố trá hình nhằm bôi nhọ, vu cáo các thành viên và giáo phẩm thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).
Trong Văn thư đệ trình Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Thượng tọa Thích Chơn Tâm, Phó Đại diện Miền Khánh Anh (các tỉnh miền Hậu Giang) kiêm Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh An Giang và Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục, cho biết : “Ban Tôn giáo Chính phủ, Mặt trận Tổ Quốc, Ban Dân vận đã dùng khóa học Tăng Ni làm diễn đàn lên án Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bôi nhọ Hòa thượng Thích Quảng Độ âm mưu lật đổ chính quyền, vu khống ông Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế là CIA (…) Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó ban Tôn giáo Chính phủ tỉnh An Giang đã dành cả một ngày để bôi nhọ và tố khổ Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh An Giang (tức Thượng tọa Thích Chơn Tâm)“.
Sự kiện trên đây chứng tỏ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Giáo hội Phật giáo Nhà Nước do Đảng đẻ ra năm 1981, chỉ là bàn tay nối dài của Đảng trong việc chỉ điểm, vu cáo và đàn áp người tu hành chân chính, nhưng chẳng lo gì cho đời sống tín ngưỡng, tu học của Tăng Ni và Phật tử.