PARIS, ngày 9.7.2008 (PTTPGQT) – Hôm qua từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên Thế giới (United States Commission on International Religious Freedom) gửi lời phân ưu đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) khi được tin Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang viên tịch. Đồng thời Uỷ hội cất lời kêu gọi Hà Nội hãy để cho GHPGVNTN tự do cử hành tang lễ và chấm dứt mọi luật pháp hạn chế sự sinh hoạt của GHPGVNTN.
Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên Thế giới là cơ quan theo dõi tình trạng tự do tôn giáo khắp năm châu. Uỷ hội ra đời theo quy định của Đạo luật Bảo vệ Tự do tôn giáo do Quốc hội Hoa Kỳ ban hành năm 1998. Uỷ hội phát hành bản phúc trình thường niên về tình trạng tôn giáo trên thế giới và đề xuất Tổng thống Hoa Kỳ lấy thái độ. Tháng 10 năm ngoái Uỷ hội đã về Việt Nam điều tra tình hình tôn giáo. Phái đoàn đến gặp Hoà thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon và Hoà thượng Thích Thiện Hạnh tại chùa Báo quốc, Huế.
Sáng nay, 9.7, từ New York, Tổ chức Hoa Kỳ theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) lên tiếng kêu gọi Hà Nội chớ xâm lấn vào Tang lễ Đức Đệ tứ Tăng thống của GHPGVNTN.
Dưới đây Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin dịch nguyên văn hai bản văn nói trên :
xin gửi lời phân ưu đến GHPGVNTN về sự viên tịch của Đức Tăng thống ; yêu sách bãi bỏ mọi hạn chế pháp luật đối với GHPGVNTN
Hoa Thịnh Đốn, 8.7.08 – Được tin Đức Tăng thống Thích Huyền Quang viên tịch, Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên Thế giới xin chân thành gửi lời phân ưu đến GHPGVNTN. Đức Tăng thống GHPGVNTN viên tịch hôm thứ bảy tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, nơi Ngài bị quản chế qua những thập niên dài vận động ôn hoà cho tự do tôn giáo và các nhân quyền liên quan tại Việt Nam.
Bà Felice D. Gaer, Chủ tịch Uỷ hội tuyên bố : « Đức Tăng thống Thích Huyền Quang là tiếng nói mạnh mẽ cho tự do tôn giáo và nhân quyền trên quê hương ngài. Triều đại này tới chế độ kia tìm cách cấm cản tiếng nói ngài nhưng vô hiệu, riêng ngài chịu thảm cảnh vì ôn hoà bênh vực mạnh mẽ cho tự do tôn giáo ».
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tổ chức Phật giáo lớn nhất tại Việt Nam, đã bị cấm đoán trên thực tế từ năm 1981 khi nhà cầm quyền Cộng sản thiết lập Hội Phật giáo Tăng già Việt Nam và bó buộc mọi hệ phái tham gia. Kể từ năm 2003, đa số hàng giáo phẩm GHPGVNTN bị « quản chế tại chùa », những nỗ lực gần đây của Giáo hội đã hình thành những Ban Đại diện tại các tỉnh để cứu trợ xã hội cũng như các tổ chức Gia Đình Phật tử nhưng đã bị sách nhiễu, đàn áp, vài khi bị bắt bớ.
Nhà cầm quyền Việt Nam cảnh cáo người lãnh đạo kế vị là Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ và nhiều hàng giáo phẩm khác biến tang lễ Đức Tăng thống Thích Huyền Quang thành cuộc tập họp « chống đối nhà nước », rồi tiếp tục chiến dịch mạ lị Hoà thượng Thích Quảng Độ. Trước đây Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên Thế giới đã gặp Hoà thượng Thích Quảng Độ và các giáo phẩm lãnh đạo khác trong chuyến đến Việt Nam tháng 10.2007.
« Tiếc thay, chính phủ Việt Nam sử dụng cơ hội Đức Tăng thống Thích Huyền Quang viên tịch để đàn áp hàng giáo phẩm GHPGVNTN và kiểm soát những sinh hoạt Phật giáo độc lập tại Việt Nam ». Bà Gaer nói tiếp. « Thay vì tiếp tục cảnh cáo, chính quyền nên làm dịu đi những hạn chế bất công đối với GHPGVNTN ».
Chính phủ Cộng sản Việt Nam chính thức cho phép một số nhóm tôn giáo được thờ phượng, nhưng lại đặt ra ngoài vòng pháp luật các tổ chức nào muốn độc lập với sự chuẩn y của chính quyền. Trong số này có GHPGVNTN, một số giáo phái Hoà Hảo và Cao Đài, và một số dân tộc ít người cũng như Tin Lành giáo. Đặc biệt, thành viên của những nhóm này bị sách nhiễu, giam cầm, bắt bớ, bỏ tù trong nhiều năm qua.
Năm 2004, Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm (CPC) vì tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo quá sức và trầm trọng, nhưng lại sớm rút khỏi danh sách vào năm 2006 vì cho rằng có « tiến bộ ». Vậy mà, ngoại trừ một số cải tiến, tình hình nhân quyền Việt Nam trong toàn thể đã xấu đi, và những điều khiến Việt Nam bị liệt kê vào danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm (CPC) vẫn tiếp diễn. Nhiều cộng đồng tôn giáo vẫn tiếp tục đối diện trước nhiều vấn nạn, tốc độ cải cách không đều, dân chúng tiếp tục bị giam cầm, bắt bỏ tù vì những lý do hành xử hay hậu thuẫn cho tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Nên một lần nữa năm nay Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên Thế giới đã kêu gọi đặt Việt Nam trở lại trong danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm (CPC).
Sự sách nhiễu và giam cầm hàng giáo phẩm cùng chư Tăng thuộc GHPGVNTN, cấm đoán GHPGVNTN hoạt động, tự nó đã bác bỏ luận điệu của Việt Nam về sự cải tiến vấn để tự do tôn giáo. Phật giáo là tôn giáo lớn nhất trong dân số 86 triệu người và sự tiếp diễn đàn áp GHPGVNTN là một trong những lý do chính khiến Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên Thế giới tin rằng Chính phủ Hoa Kỳ đã sai lầm khi rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm (CPC) năm 2006.
« Sự viên tịch của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang đem lại cơ hội hiếm hoi cho chính phủ Việt Nam tôn vinh nhà đấu tranh kính mến và vô địch cho tự do, để cho GHPGVNTN tự do chọn lựa giáo phẩm lãnh đạo của họ, cùng chăm lo việc từ thiện và hoạt động trong giới trẻ mà không bị can thiệp, và các Ban Đại diện GHPGVNTN tại các tỉnh không bị sách nhiễu » bà Gaer nói. « Chúng tôi cất lời kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ hãy nêu lên những vấn đề này với chính phủ Việt Nam ở cấp cao nhất và kêu gọi ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam tự thân đến tham dự lễ Nhập Bảo tháp thứ sáu này. Hơn nữa, chúng tôi kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ ưu tiên đòi hỏi quyền sinh hoạt pháp lý cho GHPGVNTN trong mọi liên hệ ngoại giao trên lĩnh vự nhân quyền Mỹ -Việt ».
yêu cầu Việt Nam chớ can thiệp vào việc tổ chức lễ tang Đức Tăng thống
Chính quyền giành quyền tổ chức Tang lễ sẽ có nguy cơ gây chống đối dữ dội
(New York, 9.7.2008) – Các thành viên GHPGVNTN cần được phép tổ chức Tang lễ cho Đức Tăng thống mà không bị chính quyền sấn quyền, Tổ chức Hoa Kỳ theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) lên tiếng hôm nay. Nhà cầm quyền Việt Nam đã tuyên bố Giáo hội Phật giáo Nhà nước sẽ tổ chức Tang lễ cho Đức Tăng thống GHPGVNTN Thích Huyền Quang.
Là Tăng sĩ Phật giáo hoạt động cho hoà bình thời kháng chiến chống Pháp và trong cuộc chiến tranh Mỹ tại Việt Nam, Đức Tăng thống Thích Huyền Quang là nhà đấu tranh bền bỉ và vô địch cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Ngài vừa viên tịch tại Tu viện tỉnh Bình Định miền trung Việt Nam ngày 5.7.2008 vào năm 88 tuổi. Là thành viên GHPGVNTN thập niên 1960, Giáo hội bị nhà cầm quyền Việt Nam cấm đoán vì không chịu gia nhập Giáo hội Nhà nước. Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang đã trải qua ba thập niên bị nhà nước áp đặt lưu đày, quản chế hay cấm cố.
« Đức Tăng thống Thích Huyền Quang đã mất tự do 30 năm trường hầu mang lại nhân quyền tối thượng và tự do tôn giáo cho Việt Nam », ông Brad Adams, Giám đốc Vụ Á châu của Tổ chức Hoa Kỳ Theo dõi Nhân quyền, nói. » Hãy để cho Phật giáo đồ được phép thọ tang Đức Tăng thống theo nghi lễ thích nghi mà không bị chính quyền xâm lấn. ».
GHPGVNTN dự tính tổ chức Lễ Nhập Bảo tháp cho Đức Tăng thống Thích Huyền Quang vào ngày 11.7 tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định. Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ vị giáo phẩm đứng hàng thứ hai của Giáo hội, người cộng sự thân tín của Đức Tăng thống, và có khả năng kế vị, sẽ chủ trì Tang lễ. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã bước những bước giành lấy quyền kiểm soát Tang lễ để tiếm quyền di sản của Đức Tăng thống khi loan báo nghi lễ sẽ do Giáo hội Phật giáo Nhà nước cử hành. Chính quyền kiểm soát các cơ quan truyền thông tung những bài đả kích cay độc chống Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, tố cáo ngài và « các thành phần cực đoan trá hình làm Tăng sĩ » âm mưu với « ý đồ đen tối » để lợi dụng cái chết của Đức Tăng thống cho mưu đồ chính trị. Ngày 6.7 đài Truyền hình VTV1 loan tải : « Trước những việc làm trái đạo lý của nhóm Quảng Độ, các môn đồ, đệ tử [của Thích Huyền Quang], những người tu hành chân chính ở Tu viện Nguyên Thiều đã phản ứng kịch liệt, kiên quyết không cho nhóm Quảng Độ đứng ra tổ chức tang lễ ».
Ông Adams nói tiếp « Hành động không cần thiết của chính phủ Việt Nam có nguy cơ gây chống đối dữ dội với Phật giáo đồ của Đức Tăng thống khi kiểm soát Ngài lúc chết cũng như khi còn sống ».
Đức Tăng thống Thích Huyền Quang đã từng được hai Giải Nobel Hoà bình đề cử Ngài làm ứng viên Giải Nobel Hoà bình, được suy tôn làm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống năm 1992. Ngài xuất gia năm 12 tuổi và trải cuộc đời dài như một nhà hành hoạt Phật giáo. Thập niên 1940, Ngài tham gia Kháng chiến chống Pháp, giữ chức Phó chủ tịch Phật giáo Cứu quốc. Thập niên 1960, Ngài là bậc Cao tăng vận động cho Hoà bình trong cuộc chiến Hoa Kỳ và phản đối chính sách của chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Sau thời Việt Nam thống nhất năm 1975, Ngài trở thành người đòi hỏi đắc lực cho dân chủ và nhân quyền. Mặc dù GHPGVNTN chống chiến tranh, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội chiếm dụng tài sản của giáo hội, bắt bỏ tù nhiều vị giáo phẩm, và cưỡng bức phải tham gia Giáo hội Phật giáo Nhà nước. Ngài bị bắt năm 1977 rồi năm 1982 vì lên tiếng kêu gọi chính quyền công nhận GHPGVNTN và phản đối những vi phạm tự do và nhân quyền của nhà nước. Năm 1982 Ngài bị cưỡng bách rời khỏi ngôi chùa của Ngài ở Saigon, bị cô lập và lưu đày tại một ngôi chùa tỉnh Quảng Ngãi.
Vào tháng 11 năm 1993, từ nơi ngôi chùa bị giam giữ, Ngài đưa ra 12 điểm « Đề nghị của Phật giáo cho Dân chủ và Nhân quyền », kêu gọi chính quyền cải cách dân chủ, trả tự do cho tù nhân chính trị, bãi bỏ hạn chế tự do tôn giáo, và tôn trọng nhân quyền.
Tổ chức Hoa kỳ theo dõi Nhân quyền lo lắng cho những nguồn tin từ giới Phật tử ở Việt Nam cho biết Công an đã đến các chùa trong một số vùng, như Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Định, cấm chư Tăng Ni tổ chức Lễ Thọ tang Đức Tăng thống Thích Huyền Quang.
Sự sấn quyền của chính quyền Việt Nam trong lần trao quyền kế vị ngày Đức Đệ Tam Tăng thống Thích Đôn Hậu viên tịch hôm 4.5.1992 đã gây ra cuộc chống đối rộng lớn của Phật giáo đồ Việt Nam. Thời ấy Ngài Thích Đôn Hậu được tự do khi viên tịch và đã di chúc cử hành tang lễ tuyệt đối giản dị theo truyền thống Phật giáo, không có sự can dự của cơ quan công quyền. Tuy nhiên chính quyền cũng tìm cách gắn huân chương Hồ Chí Minh và giành quyền tổ chức Tang lễ mặc dù nhiều Tăng sĩ tuyệt thực phản đối hay đòi tự thiêu. Thời ấy Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang bị quản chế và chỉ được phép ra Huế thọ tang sau một ngày dài thuyệt thực. Tại Huế Ngài đã đọc điếu văn tố cáo nhà cầm quyền tìm cách giải thế GHPGVNTN qua việc thiết lập Giáo hội Phật giáo Nhà nước.
« Chính quyền phải để cho mọi người tự do đến dự tang lễ », ông Adams nói. « Thay vì thế, họ lại ngăn cản những người Việt muốn tỏ lòng tôn kính trước cuộc đời của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang tại các lễ tang địa phương ».