PARIS/GENEVE, ngày 15.3.2012 (QUÊ MẸ) – Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) hoan nghênh bản Kết luận của Ủy ban Công ước Chống Phân biệt chủng tộc của LHQ (CERD) vừa được công bố tại Genève, mà Ủy ban đã xem xét, nghiên cứu qua hai ngày 21 và 22.2.2012 cuối tháng trước (1). Những lời nhận xét và khuyến nghị của Ủy ban là chứng cớ không chối cãi được về hiện tình Việt Nam, khi mà chưa đầy một tháng trước đây, Phái đoàn Hà Nội tại LHQ còn khẳng định rằng không hề có kỳ thị chủng tộc trong bản bản Báo cáo thường kỳ gửi tới quá muộn màng, lại chẳng đưa ra bất cứ chi tiết cụ thể gì trên vấn đề kỳ thị (ký kết Công ước từ năm 1982, theo nguyên tắc mỗi 2 năm phải báo cáo một lần. Nhưng Việt Nam chỉ báo cáo mỗi 10 năm một lần).
Trong dịp Phái đoàn Hà Nội tới LHQ ở Genève phúc trình, thì Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam nhân dịp này cũng gửi tới Ủy ban Công ước Chống Phân biệt chủng tộc của LHQ bản Báo cáo phản biện (2), và đã được các chuyên gia LHQ thành viên của Ủy ban sử dụng đưa vào bản Kết luận và khuyến thỉnh Việt Nam hôm nay.
Ủy ban Công ước Chống Phân biệt chủng tộc của LHQ tố cáo sự khỏa lấp của Hà Nội về vấn đề kỳ thị, khi trưng dẫn các báo cáo phản biện cung cấp những sự kiện cưỡng bức di dân người thiểu số (Degars, Hmongs, Khmers Krom, v.v…), « trưng dụng đất đai tổ tiên mà không được sự đồng ý hay bồi thường thích đáng cho đất đai cưỡng chiếm », nạn « kỳ thị song phương » (kỳ thị tôn giáo gắn liền với kỳ thị chủng tộc), cưỡng bức hồi hương những thành viên thuộc dân tộc thiểu số đi tị nạn nước ngoài sau các đợt đan áp bắt bớ. Hơn thế nữa, nhận định về sự phân phối không đồng đều trong sự tăng trưởng kinh tế, Ủy ban Công ước Chống Phân biệt chủng tộc của LHQ tuyên bố « hết sức quan ngại về hố sâu kinh tế xã hội giữa các dân tộc thiểu số bị thua thiệt so với đa số người Kinh, kể cả khi người Kinh sống trong vùng núi ».
Đặc biệt, các chuyên gia LHQ hết sức quan ngại về « những vụ bắt bớ, giam cầm tùy tiện và đối xử tồi tệ những tù nhân thiểu số bị bắt vì tin theo các tín ngưỡng hòa bình hay sử dụng quyền tự do ngôn luận […], thiếu kiểm tra hữu hiệu về các điều viện dẫn hoặc phục hồi tương xứng cho các nạn nhân ». Ủy ban Công ước Chống Phân biệt chủng tộc của LHQ yêu cầu chấm dứt vi phạm các quyền tự do ngôn luận, tự dọ hội họp, tự do lập hội, tự do tôn giáo và đặc biệt là « trả tự do cho những ai bị tù tội vì đã hành xử ôn hòa các quyền nói trên theo tiêu chuẩn quốc tế ».
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) lấy làm tiếc để nhận định rằng vào lúc Ủy ban Công ước Chống Phân biệt chủng tộc của LHQ công bố bản Kết luận và khuyến thỉnh, thì ngày 13.3.2012 Việt Nam lại kết án 8 người Hmongs 30 tháng tù và 2 năm quản chế sau khi mãn hạn vì họ tham gia biểu tình ôn hòa nhưng đông đảo vào tháng 4 và 5.2011 tại các tỉnh gần Điện Biên. Giải quyết các cuộc biểu tình này, nhà cầm quyền Việt Nam đã sử dụng bộ đội và trực thăng chiến đấu để đàn áp hung bạo hàng nghìn người Hmongs.
Bản Kết luận và khuyến thỉnh Việt Nam của Ủy ban Công ước Chống Phân biệt chủng tộc của LHQ cho thấy những kỳ thị chủng tộc là một thực tại, chưa kể chính sách lơ là cùng những định kiến xấu đối với các dân tộc thiểu số vẫn tồn tại, hỗ trợ bằng hàng loạt sắc luật cùng cơ chế phi nhân quyền cũng như sự thiếu vắng nền tư pháp độc lập.
Bà Souhayr Belhassen, Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền tuyên bố : « Việt Nam tiếp diễn bộ mặt vi phạm các quyền người công dân, cho thấy sự bất ổn định của Việt Nam trong việc bảo vệ các quyền cũng như sự tuân thủ các công ước quốc tế về nhân quyền đã ký kết ».
Ủy ban Công ước Chống Phân biệt chủng tộc của LHQ đặc biệt quan ngại về các sắc luật hổ lốn, chẳng hạn như « giải thích mơ hồ một số luật pháp, đặc biệt Điều 87 trong bộ Luật Hình sự, cũng như sử dụng bừa bãi các sắc luật này chống các dân tộc thiểu số ». Ngoài Điều 87 nhằm xử phạt « phá hoại chính sách đoàn kết », các chuyên gia LHQ còn nêu ra Điều 91 trong bộ Luật Hình sự kết tội những ai trốn ra nước ngoài là « trái chống với Điều 68 quy định trong Hiến pháp Việt Nam ».
Căn cứ vào « nhiều báo cáo được liên tục gừi tới LHQ về nạn kỳ thị và giới hạn quyền tự do tôn giáo của các cộng đồng Thiên chúa giáo và Phật giáo » thông qua « pháp luật, hộ khẩu bó buộc, [Công an] theo dõi và bắt giam », Ủy ban cũng đồng thời tố cáo Pháp lệnh về tôn giáo và tín ngưỡng năm 2004 « cấm chỉ các sinh hoạt tôn giáo bị xem như « xâm phạm an ninh quốc gia », cũng như tố cáo Nghị định 22 ban hành năm 2005 để Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Tôn giáo nhằm kiểm soát chặt chẽ các tôn giáo.
Ủy ban Công ước Chống Phân biệt chủng tộc của LHQ còn tố cáo thêm Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng nhằm chống các cuộc tập họp, biểu tình trước các trụ sở cơ quan, Thông tri số 09/2005/TT-BCA cấm tụ tập quá 5 người mà không xin phép, cũng như Pháp lệnh 44 năm 2002 cho phép giam cầm, quản chế đến 2 năm không cần tòa án xét xử bất cứ ai và bất kể lý do nào. Bản Kết luận và khuyến thỉnh của LHQ yêu cầu sửa đổi các sắc luật nói trên cho phù hợp với các công ước quốc tế về nhân quyền.
Ủy ban Công ước Chống Phân biệt chủng tộc của LHQ cũng yêu cầu xét lại cơ chế Hộ khẩu hay còn gọi đăng ký gia đình « đưa tới sự kỳ thị các dân tộc thiểu số theo các tôn giáo « không được thừa nhận », khi đi xin việc, xin an sinh xã hội, nhập viện, xin đi học cũng như quyền di chuyển tự do ». Cơ chế Hộ Khẩu bắt buộc phải khai chi tiết về sắc dân, tôn giáo, quá trình chính trị tất cả thành viên trong gia đình, là chứng từ chủ yếu khi di chuyển, xin việc, kết hôn, khai sinh hay trình diện các cơ sở. Hộ khẩu là cơ sở khoanh cùng để kiểm soát nhân dân.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam nhận xét : « Bằng ngôn ngữ ngoại giao nhưng cứng rắn, Ủy ban Công ước Chống Phân biệt chủng tộc của LHQ khuyến thỉnh những điều mà mọi công dân Việt Nam tha thiết trong lòng họ : Phá vỡ Quốc gia độc tài và độc đoán. Kỳ thị chủng tộc đối với các dân tộc thiểu số là vấn nạn nghiêm trọng không thể nào phá bỏ khi bộ máy đàn áp của Cộng sản Việt Nam còn hiện hữu. Ủy ban Công ước Chống Phân biệt chủng tộc của LHQ yêu sách các nhận xét và khuyến nghị của Ủy ban cần được công bố và phổ biến tại Việt Nam, không chắc gì nhà cầm quyền Hà Nội thực hiện khi chính quyền này lấy sự phủ nhận làm thực tế. Chỉ còn biết trông cậy vào Cộng đồng thế giới, các tổ chức Phi chính phủ, các chính phủ dân chủ, v.v…, thông tin đến nhân dân Việt Nam mà thôi ».
Liên quan Thông cao báo chí :
– Thông cáo chung của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền về khóa họp Nhân quyền LHQ để xem xét Việt Nam trên phương diện loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (VCHR, ngày 18.02.2012)
– Vietnam religious minorities face persecution says activist (AFP, ngày 20.02.2012)
– Ủy ban Công ước Chống Phân biệt chủng tộc của LHQ khuyến nghị Việt Nam chấm dứt đàn áp các dân tộc thiểu số và tôn giáo – Ông Võ Văn Ái trình bày bản Báo cáo phản biện bản Phúc trình của Phái đoàn Hà Nội (VCHR, ngày 26.02.2012)