Home / Chưa được phân loại / Xem xét mặt hoạt động của tổ chức Gia Ðình Phật tử từ góc độ công tác an ninh

Xem xét mặt hoạt động của tổ chức Gia Ðình Phật tử từ góc độ công tác an ninh

Download PDF

Sau năm 1975, tổ chức Gia đình Phật tử, một hình thức tập hợp thanh, thiếu niên theo đạo Phật của Giáo hội Phật giáo trước giải phóng hầu như không còn hoạt động. Từ năm 1986, đặc biệt là những năm gần đây tổ chức Gia Ðình Phật tử đang từng bước phục hồi, gia tăng các hoạt động và bị một số đối tượng cực đoan quá khích lợi dụng kích động vào ý đồ chống đối, nhất là ở các tỉnh miền Trung. Ðại hội Phật giáo toàn quốc kỳ 3 (1992) đã đưa vào Nghị quyết : Hoạt động của Ban hướng dẫn nam nữ cư sĩ phật tử trực thuộc Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ban tôn giáo chính phủ đã có Thông tư số 01/TT/TGCP ngày 3-5-1995 về việc “Sinh hoạt của Gia đình Phật tử” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Thông bạch về chủ trương và quy định bước đầu về cơ sở, đơn vị sinh hoạt, đoàn sinh, anh chị trưởng và trách nhiệm quản lý sinh hoạt Gia đình Phật tử (Thông bạch số 455/TB/HÐTS ngày 21-7-95, Nghị quyết số 473/NQ/HÐTS ngày 20-8-95 và bản quy định kèm theo của Hội đồng trị sự trung ương).

Ðây là vấn đề cần quan tâm nghiên cứu, xem xét giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa các tổ chức đoàn thể với quần chúng, nhất là việc củng cố nâng cao uy tín Gia đình Phật tử Việt Nam – một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình trạng hiện nay. Chúng tôi xin nêu một vài ý kiến sau :

1. Về quá trình hình thành và hoạt động của tổ chức Gia đình Phật tử (GÐPT)

Tổ chức GÐPT ra đời năm 1947 ở Huế, do Hội Phật học An Nam chủ trương trên cơ sở thống nhất hai tổ chức đã có từ trước : “Gia đình Phật hóa phổ” và “Phật học đức dục”. Sự xuất hiện của các đoàn thể Phật giáo và GÐPT trong thời kỳ này có hai nguyên nhân chính : do nhu cầu củng cố Phật giáo, củng cố tinh thần dân tộc trong cuộc vận động chấn hưng Phật giáo của các nhà sư, trí thức Phật giáo có tinh thần yêu nước và do tác động mạnh mẽ của các phong trào “Thanh niên hướng đạo”, phong trào “Quốc anh đoàn” và “Hội sinh viên Việt Nam” có tinh thần yêu nước, phong trào thanh niên tiền phong do Ðảng cộng sản lãnh đạo. Ðối tượng chính của GÐPT là thanh, thiếu niên chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của “Thanh niên hướng đạo”.

Sự tồn tại và phát triển của GÐPT có thể chia làm ba giai đoạn chính :

Từ 1947 – 1954 : GÐPT chủ yếu củng cố tổ chức, phát triển lực lượng ở Huế và các tỉnh miền Trung đặc biệt từ 1951 Hội nghị thống nhất Phật giáo và sự ra đời của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, hoạt động của GÐPT phát triển lan rộng ra nhiều địa phương kể cả phía Bắc và phía Nam.

Từ 1954 – 1963 : Mỹ-Diệm kỳ thị, đàn áp Phật giáo đã làm cho GÐPT thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia đấu chống Mỹ-Diệm, bảo vệ Phật giáo.

Từ 1963 – 1975 : hoạt động của GÐPT phát triển mạnh và trở thành nòng cốt trong phong trào đấu tranh của Phật giáo chống Mỹ-ngụy ở các đô thị và vùng tạm chiếm. Ðặc biệt sau năm 1964 Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang) ra đời, tổ chức GÐPT được kiện toàn, có hệ thống chặt chẽ từ trên xuống dưới theo từng cấp, trực tiếp thuộc sự chỉ đạo của Tổng vụ thanh niên Phật giáo thuộc Viện Hóa Ðạo Phật giáo Ấn Quang, ở cơ sở GÐPT gắn với chùa, khuôn hội do các huynh trưởng tổ chức điều hành.

Trong quá trình hình thành và phát triển, GÐPT cũng bị phân hóa cùng với sự phân hóa của giáo hội Phật giáo. Một bộ phận khá đông có tinh thần đạo pháp, dân tộc tham gia tích cực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều người đã trở thành đảng viên, cán bộ cốt cán của các đoàn thể, mặt trận, còn lại một số ít có thái độ chính trị xấu do địch nắm để chống lại cách mạng.

2. Hoạt động của GÐPT sau 1975, đặc biệt từ 1986 đến nay :

Sau giải phóng miền Nam cùng với việc đấu tranh chống địch lợi dụng Phật giáo, ta đã tranh thủ tăng ni, tín đồ, vận động thống nhất Phật giáo cả nước. Năm 1981 Ðại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội đã thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo làm một lấy tên chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xóa bỏ hệ thống giáo quyền của các tổ chức cũ, tổ chức GÐPT cũ tự tan rã. Sau Ðại hội Ðảng lần thứ VI, trước chính sách đổi mới của Ðảng và Nhà nước ta, cùng với việc củng cố Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các hoạt động của GÐPT cũng từng bước phục hồi. Ban đầu chỉ lẻ tẻ ở một vài nơi, đến nay hoạt động trở lại tương đối rộng ở các tỉnh miền Trung, Nam bộ. Tuy mức độ khác nhau nhưng hầu hết là lợi dụng danh nghĩa “Ban hướng dẫn” của giáo hội. Từ đầu năm 1990 đến nay nhóm cầm đầu huynh trưởng cũ đã nhiều lần lợi dụng việc giỗ kỵ để họp bàn chương trình hoạt động từ trung ương đến cơ sở. Tại Thừa Thiên – Huế năm 1987-1988 có 54 khuôn hội nay đã tăng lên 435 khuôn hội ; ở 145 xã phường có 80/96 chùa, tự viện có GÐPT và hơn 10 ngàn người tham gia trong đó có 1036 huynh trưởng, ở Quảng Nam – Ðà Nẵng có hơn 4000 người, ở các tỉnh khác mỗi nơi có từ 1000 – 2000 người. Trong số huynh trưởng cũ có một số là địch ngụy có thái độ bất mãn, có quan hệ chặt chẽ với số đối tượng cực đoan quá khích trong nhóm Phật giáo Ấn Quang cũ đang tích cực hoạt động chống đối.

Trước tình hình trên, thái độ của một số cao tăng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng chưa thống nhất, vì họ lo lắng sợ cho phục hồi GÐPT, số xấu sẽ thao túng gây khó khăn cho giáo hội, mặc khác cũng muốn có GÐPT để phục vụ cho các nhu cầu hoạt động tôn giáo bình thường của giáo hội. Số tăng ni đứng ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam muốn tổ chức GÐPT phát triển mạnh để thao túng, lợi dụng làm đối trọng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ép Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Nhà nước phải thừa nhận tư cách pháp nhân.

Về chủ trương của ta từ Trung ương đến địa phương cũng không thống nhất, thiếu kịp thời và cụ thể, do đó cách giải quyết thiếu đồng bộ, nơi lỏng, nơi chặt tạo ra sơ hở để kẻ địch lợi dụng. Từ thực tiễn trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, ngày 20-3-1995, Ban Dân vận Trung ương đã có hướng dẫn số 36/HD/DVTW về chủ trương đối với GÐPT.

3. Một số ý kiến đề xuất :

Về nhận thức, quán triệt Nghị quyết 24 của Ðảng và Nghị định 69 của Chính phủ cần thấy rõ GÐPT là một vấn đề thuộc nội dung tôn giáo, phản ánh nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, đáp ứng những đòi hỏi trong quá trình giáo hóa triết thuyết cũng như đạo đức Phật giáo trong một bộ phận phật tử. Hoạt động của GÐPT chủ yếu là giảng dạy giáo lý, thực hành nghi thức tụng niệm và giáo dục đạo đức hướng thiện. Ðây là vấn đề có tính hơn hẳn và có sức thu hút thanh, thiếu niên trong điều kiện kinh tế hiện nay còn khó khăn, giá trị đạo đức bị coi nhẹ, suy thoái, các tiêu cực, tệ nạn tác động ngày càng nhiều, trong khi các đoàn thể thanh, thiếu niên của ta (tức của Ðảng và Nhà nước) chưa đáp ứng được nhu cầu nội dung sinh hoạt hướng nghiệp (PTTPGQT nhấn mạnh).

Trong GÐPT lực lượng nòng cốt là thanh, thiếu niên ; thành phần lãnh đạo GÐPT là cư sĩ, trí thức Phật giáo, là lực lượng có vai trò quan trọng đối với tín đồ phật tử và giáo hội, do đó trong nội dung sinh hoạt rất dễ bị bọn xấu lợi dụng vào các hoạt động xấu kể cả hoạt động chính trị. Về phía ta phải thừa nhận một vấn đề là nhận thức, hiểu về GÐPT của một số ban ngành, địa phương và cán bộ chưa đúng, đánh giá về GÐPT chưa rõ ràng, thiếu khách quan, mới chỉ xem xét từ khía cạnh chính trị không thấy hết tính chất quần chúng khá rộng rãi, không thấy rõ quá trình ra đời, phát triển của GÐPT có tính tích cực, hợp lý mà ta đã sử dụng vận động họ tham gia phong trào yêu nước cách mạng, nhất là thời kỳ chống Mỹ. Khi hoạt động GÐPT phục hồi trở lại ta không có chủ trương dứt khoát, kịp thời và cũng không có lý do để giải thích vì sao không cho hoạt động trong điều kiện xã hội có nhiều tiêu cực xấu tác động. Vì vậy trong gải quyết các vấn đề liên quan đến GÐPT nặng về hành chính đơn thuần, không vận động quần chúng, không dựa vào chính sách, pháp luật của Nhà nước, không dựa vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam để nắm và quản lý nên dẫn đến tình hình phức tạp không đáng có.

Về chủ trương :

– Nên cho phép thanh, thiếu niên phật tử có nhu cầu được sinh hoạt GÐPT với nội dung giáo lý đạo đức Phật giáo và một phần vui chơi hướng thiện ở các chùa, tự viện, tịnh xá, niệm phật đường với sự hướng dẫn của một số huynh trưởng (anh chị trưởng) và sự bảo trợ của vị sư trụ trì quản lý nơi thờ tự hoặc vị cư sĩ hộ tự, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam trực tiếp quản lý và được chính quyền bảo hộ. Ðây là nguyện vọng chính đáng của thanh, thiếu niên phật tử và gia đình các em, phù hợp với thiện chí của những huynh trưởng, tăng ni có động cơ nhiệt tình trong sáng với lợi ích chính đáng của Phật giáo.

– Sinh hoạt GÐPT là một phương thức tu học, sinh hoạt hướng thiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam dành cho thanh, thiếu niên phật tử. Giáo hội phải xây dựng, bố trí các huynh trưởng, người bảo trợ để trực tiếp hướng dẫn và quản lý sinh hoạt GÐPT. Ðể đảm bảo sinh hoạt tu học giáo lý đạo đức và một phần vui chơi lành mạnh cho thanh, thiếu niên phật tử không cần thiết phải có tổ chức đoàn thể riêng có hệ thống dọc các cấp, chỉ cần một ban hướng dẫn chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ở các địa phương trực thuộc ban trị sự tỉnh hội, thành hội. Các huynh trưởng có thể trực tiếp làm công việc hướng dẫn những nhóm GÐPT ở các chùa hoặc cố vấn cho ban trị sự thành hội, tỉnh hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc hướng dẫn GÐPT ở cơ sở.

– Các cấp, các ngành, các địa phương phải nắm vững quan điểm chủ trương, nguyên tắc, có biện pháp tốt, lấy kiên trì vận động, thuyết phục làm chính, coi trọng và phát huy vai trò của giáo hội, các huynh trưởng, tăng ni, cư sĩ có thiện chí và uy tín của lực lượng cốt cán đồng thời phải đảm bảo chính sách pháp luật, kỷ cương phép nước.

– Ðối với số có động cơ chính trị ta cần phải thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ, làm cho giáo hội, tăng ni và quần chúng nhận rõ, đồng tình trước khi đưa ra xử lý với tư cách công dân phạm pháp.

Những nội dung cụ thể :

Ðối với tổ chức GÐPT cũ về nguyên tắc không thừa nhận, cần vận động điều chỉnh theo chủ trương hiện hành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Nhà nước. Các trường hợp đã sinh hoạt GÐPT từ 1975 về trước, nay có nhu cầu, nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt cần nghiên cứu giải quyết theo chủ trương ở phần trên do Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn, quản lý theo chính sách pháp luật.

Ðối với nội dung sinh hoạt, ngoài các nội dung giáo lý, đạo đức đạo Phật, kỹ năng thường thức vui chơi hướng thiện do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định, khi cần tham gia các hoạt động giới tính, xã hội ngoài phạm vi tôn giáo (văn hóa, từ thiện xã hội, cắm trại) hoặc tổ chức ra ngoài khuôn viên, chùa, tự viện… thì phải xin phép chính quyền, cơ quan chức năng có trách nhiệm gắn với các đoàn thể thanh, thiếu niên trong các hoạt động chung.

Ðối với người bảo trợ : phải chịu trách nhiệm trước giáo hội và chính quyền về sinh hoạt GÐPT ở cơ sở, được sự chấp thuận của ban trị sự Phật giáo tỉnh, thành phố và chính quyền cùng cấp.

Về tổ chức thực hiện :

Quán triệt chủ trương của Trung ương, các địa phương cần làm thông suốt, đồng bộ trong các ngành chức năng. Từng đơn vị, địa phương phải có kế hoạch cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, có phân công lực lượng chuyên trách có đủ điều kiện khả năng và phương tiện cần thiết, có sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể.

Lực lượng an ninh với nhiệm vụ, chức năng của mình cần làm tốt nghiệp vụ cơ bản ; kịp thời làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong hoạt động GÐPT theo đúng chính sách pháp luật. Ðồng thời chú ý thông qua nghiệp vụ tác động giáo hội lựa chọn số cốt cán để hướng dẫn GÐPT.

Ðối với số huynh trưởng cũ có vấn đề phức tạp hoặc có hoạt động chống đối, cần tập trung trinh sát làm rõ, thu thập tài liệu đầy đủ chứng cứ để xử lý theo chính sách pháp luật. Nghiên cứu xây dựng mạng lưới bí mật đảm bảo kịp thời phát hiện tình hình và chủ động hướng lái các hoạt động GÐPT theo hướng tích cực, tiến bộ, đúng chính sách pháp luật.

Lê Ðình Luyện

Check Also

Protected: Hommage à Thich Quang Do

There is no excerpt because this is a protected post.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *