Cuộc tuyệt thực của ông Olivier Dupuis, Dân biểu Quốc hội Âu châu, khởi sự hôm 18.1.2004 đã đi vào ngày thứ 26. Ông nguyện sẽ kéo dài cuộc tuyệt thực cho đến ngày 23.2.2004. Mục tiêu tuyệt thực nhằm kêu gọi công luận, đặc biệt là Liên hiệp Âu châu và các chính phủ trong thế giới giải quyết vấn đề diệt chủng đang hiện hành tại Chechnya. Ðiều thương tâm cần nhớ là danh từ diệt chủng rất có ý nghĩa, khi chúng ta biết rằng, dân số Chechnya có 1 triệu dân, nhưng từ năm 1994, 200,000 người bị giết, tức 20% dân số, 300,000 người khác bị cưỡng bức ly hương. Chẳng khác chi thảm cảnh Người Vượt Biển hồi cuối thập kỷ 70 tại Việt Nam !
Bằng cuộc tuyệt thực của mình, Dân biểu Olivier Dupuis kêu gọi thế giới đón nhận người tị nạn Chechnya, thương lo cho trẻ em bị thương tật, và chấp nhận Dự án Hòa bình do chính phủ Maskhadov công bố, qua đó, thành lập một chính quyền lâm thời do LHQ cáng đáng để chấm dứt thảm nạn nói trên.
Ngày 23.2 sắp tới là ngày kỷ niệm 60 năm Staline ra lệnh lưu đày toàn thể nhân dân Chechnya ở Trung Á vào Trại tập trung. Dân biểu Olivier Dupuis kỳ vọng kéo dài cuộc tuyệt thực của mình cho tới ngày ấy, cũng là ngày sẽ có những cuộc biểu tình lớn rộng tổ chức tại các thủ đô Brussels, Copenhagen, Moscow, Prague, Rome, Berlin và Vilnius.
Dân biểu Olivier Dupuis là nhà đấu tranh quốc tế, quan tâm tới các vấn nạn toàn cầu, đặc biệt tại những nơi tiếng nói con người bị các thể chế độc tài bóp giết. Hẳn chúng ta còn nhớ 3 năm trước, vào ngày 6.6.2001, ông bay sang Saigon mong tháp tùng Phái đoàn Viện Hóa Ðạo do Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cầm đầu, dự tính ra Quảng Ngãi rước Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang về Saigon. Nhưng công an đã ngăn chận chuyến đi và khủng bố hàng trăm chư Tăng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và ra lệnh quản chế Hòa thượng Thích Quảng Ðộ 2 năm. Bị ngăn chận, Dân biểu Olivier Dupuis đã một mình Tọa kháng tại Thanh Minh Thiền viện với biểu ngữ cầm tay đòi hỏi “Tự do Tôn giáo cho Việt Nam”, “Trả tự do cho 2 Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ”. Ông liền bị bắt và bị trục xuất khỏi Việt Nam. Hành động của ông làm sôi động dư luận quốc tế thời bấy giờ.
Hôm qua, trong một thông báo gửi từ Brussels, nơi Liên hiệp Âu châu đặt trụ sở, Dân biểu Olivier Dupuis kêu gọi nhân dân yêu chuộng tự do, công lý trong thế giới :
1. “Tham gia cuộc biểu tình ngày 23.2.2004 kỷ niệm 60 năm Chechnya lâm nạn diệt chủng, tổ chức tại Brussels, Copenhagen, Moscow, Prague, Rome, Berlin và Vilnius, hoặc tại các nơi khác trong thế giới ;
2. “Tham gia tuyệt thực một, hai, hay ba ngày để hỗ trợ trong thời gian từ 20 đến 23.2.2004. Ai chấp nhận xin vui lòng thông báo và ghi tên qua địa chỉ E-mail radical.party@radicalparty.org
3. “Xin ghi tên, gửi thông điệp hỗ trợ về địa chỉ Chechnya Appeal và giúp thông báo tin này đến các bằng hữu để mời gọi tham gia chiến dịch tương thân quốc tế. Hành động tuy bé nhỏ ấy có thể giúp chúng tôi kêu gọi sự tham gia hỗ trợ của hàng nghìn người trong thế giới”.
Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam xin kêu gọi Ðồng bào Việt Nam tham gia và hưởng ứng lời kêu gọi của Dân biểu Olivier Dupuis để tỏ tình liên đới quốc tế trong cuộc đấu tranh cho Tự do, Nhân quyền và Dân chủ trên khắp năm châu.
********
Nhà văn nhà báo Ỷ Lan phỏng vấn các ông Võ Văn Ái, Lodi Gyari và Carl Gershman tại Ðại hội Phong trào Dân chủ Toàn cầu ở Durban, Nam Phi
Ðại hội “Phong trào Dân chủ Toàn cầu” diễn ra tại Durban ở Nam Phi từ 1 đến 4.2.2004. Gần 700 đại biểu thuộc 122 quốc gia trên năm châu về phó hội. Ðông nhất kỳ này là Phi châu với 199 đại biểu thuộc 35 nước. Á châu có 77 đại biểu đến từ 21 nước. Phái đoàn đại biểu Việt Nam do ông Võ Văn Ái cầm đầu.
Ðây là đại hội lần thứ 3 kể từ khi “Phong trào Dân chủ Toàn cầu” được thành lập tại thủ đô New Delhi, Ấn Ðộ. Ðại hội lần thứ 2 diễn ra tại Nam Mỹ ở Sao Paolo, Brazil. Và lần này để kỷ niệm 10 năm dân chủ hóa Nam Phi chống nạn kỳ thị chủng tộc Apartheid, nên đại hội diễn ra tại Durban.
Phong trào Dân chủ Toàn cầu (World Movement for Democracy) ra đời sau hội nghị quy tụ 400 nhà hành động, chuyên gia, học giả thuộc 80 quốc gia trong thế giới tại thủ đô New Delhi, Ấn Ðộ, tháng 2 năm 1999, do Sáng hội Quốc gia hỗ trợ Dân chủ ở Hoa Kỳ, Tổng Công đoàn Công Kỹ nghệ Ấn độ và Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Ấn độ cùng nhau hợp tác tổ chức.
Thời ấy, các nước dân chủ tiên tiến trong thế giới đã cực lực hoan nghênh sự thành lập “Phong trào Dân chủ Toàn cầu” qua lời khai mạc Hội nghị của Thủ tướng Ấn Ðộ, qua những lời phát biểu gửi tới Hội nghị của Tổng thống Tiệp Vaclav Havel, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, Tổng thống Nhật Keizo Ubuchi, Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Thủ tướng Anh Tony Blair, cùng với các Tổng thống và Thủ tướng Brazil, Chi Lê, Costa Rica, Estonia, Bồ Ðào Nha, Ý, Ba Lan, Canada, và Úc.
Tiêu đề của Ðại hội lần thứ 3 này là “Xây dựng Dân chủ cho Hòa bình, Phát triển và Nhân quyền”. Có hàng chục tổ thảo luận (Workshop) trên mọi lĩnh vực của đời sống từ giáo dục đến mở rộng tự do ngôn luận và báo chí, từ phương pháp điều hành nhà nước đến tổ chức đảng phái, từ xã hội công dân đến vai trò các tổ chức phi chính phủ, từ luật pháp đến doanh thương và kinh tế, từ bệnh Aids, kỹ thuật thông tin học đến vai trò tôn giáo trong tiến trình dân chủ. Một chủ đề được quan tâm tại đại hội là “Thăng tiến dân chủ trong các xã hội độc tài khép kín”. Các châu được phân vùng thảo luận, gồm có Phi châu, Châu Mỹ La tinh và vùng biển Carribbean, Trung Ðông và Bắc Phi, Trung và Ðông Âu. Ðại hội lần này rất quan tâm đến Á châu và được nghiên cứu tận tường qua ba vùng Ðông Á, Nam Á và Ðông Nam Á.
62 đề tài thảo luận trong 4 ngày đại hội. Hai lần đại hội trước có nhiều tham luận của các chuyên gia về chính trị học hay dân chủ, nhiều gương mặt chính trị nổi danh trong các quốc gia trên thế giới. Ðại hội kỳ này tập trung chủ yếu vào các nhà dân chủ đang hoạt động khắp toàn cầu. Nét đặc biệt, có lẽ là sau khi xác định đường hướng chiến lược, “Phong trào Dân chủ Toàn cầu” bước vào giai đoạn tiến hành và phát huy thế lực.
Ðại diện cho Việt Nam tại Ðại hội kỳ này là ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam kiêm Chủ tịch Diễn Ðàn Dân chủ Châu Á. Ông cũng là thành viên sáng lập “Phong trào Dân chủ Toàn cầu” tại Ðại hội lần thứ nhất ở New Delhi, Ấn Ðộ, năm 1999.
Ông có nhiều tham luận tại Ðại hội, như Xã hội độc tài khép kín tại Việt Nam, Vai trò các tổ chức tín ngưỡng trong tiến trình dân chủ hóa xã hội, vân vân. Ðặc biệt ông vừa chủ tọa xong Tổ thảo luận Á châu trong hai ngày Ðại hội, chúng tôi gặp ông để hỏi thăm thành quả các cuộc thảo luận.
Ỷ Lan : Thưa ông Võ Văn Ái, xin ông cho biết không khí và sự tham gia các khóa hội thảo về Châu Á như thế nào ?
Võ Văn Ái : Xin chào chị Ỷ Lan. Thưa chị, không khí rất thân tình cởi mở, ai nấy đều quan tâm. Bởi vì chúng tôi đều là những nhà đấu tranh lâu năm trên lĩnh vực nhân quyền và dân chủ. Tuy khác nhau về lãnh thổ, ngôn ngữ, văn hóa, nhưng đều gặp nhau trong nỗ lực kiến tạo hoà bình và dân chủ. Cuộc tham gia hội thảo rất đông, 77 đại biểu đến từ 21 quốc gia Á châu đều có mặt, ngoài ra còn có thêm nhiều tham dự viên thuộc các châu lục khác nhưng quan tâm đến Á châu, hoặc các học giả và chuyên gia chính trị thế giới.
Ỷ Lan : Sau 6 khóa hội thảo về Châu Á, xin ông cho biết những gì đã được nêu ra, những gì đã được quyết định, và ông quan niệm như thế nào về tình hình Châu Á ngày nay ?
Võ Văn Ái : Như tôi đã phát biểu khi khai mạc khóa hội thảo Châu Á, là không hề có MỘT châu Á như đa số người Tây phương thường nghĩ. Mà có ít nhất 3 khối châu Á (Ðông Á, Nam Á và Ðông Nam Á) nếu không muốn nói là có trăm nghìn hình thái của Châu Á. Không hiểu như thế, sẽ khó nắm vững các vấn đề Châu Á để giải quyết tận gốc. Nhưng đại cương, tôi đưa ra nhận thức cần hình thành một Nền Văn hóa dân chủ theo mô thức châu Á, cần gia tăng công tác ý thức hóa quần chúng để dân chủ thâm nhập vào đời sống hằng ngày. Bởi vì quần chúng châu Á nói chung chưa quan tâm đến dân chủ. Một mặt vì các cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài, rồi các chính sách ngu dân tiếp diễn. Ấy là chưa kể hai luồng văn hóa lớn ảnh hưởng Châu Á không mấy thiết tha với tiến trình dân chủ. Những quốc gia ảnh hưởng Khổng giáo thì người dân phó mặc việc nước cho Vua, hay Nhà nước nói theo từ ngữ ngày nay. Còn nền văn hóa Ấn độ thì vận mệnh con người phó mặc cho các thần linh. Trong khi ấy, thì dân chủ là trách nhiệm và sự tham gia đối đầu của mỗi công dân trước các nạn độc tài chuyên chế làm nghéo đói nhân dân và điêu linh xứ sở.
Tôi cũng nhắc đến sự im lặng của các nước thuộc Hiệp hội ASEAN, hay các nước có viện trợ kinh tế lớn như Nhật Bản trước những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Á châu. Họ chỉ nghĩ đến vấn đề làm ăn và thủ lợi. Tại LHQ họ họp nhau thành Nhóm Cùng quan điểm (Like Minded Group), mà tôi gọi là nhóm Ngưu tầm ngưu, để chống đối các tổ chức nhân quyền lên tiếng tố cáo họ. Tôi đề nghị vận động hình thành tại LHQ một cơ cấu mới nhằm bảo vệ dân chủ (Democracy caucus) để đối ứng với các quốc gia độc tài này, là những quốc gia luôn nại cớ phát triển kinh tế để đàn áp dân chủ. Vai trò của các tổ chức tại Á châu phải là cuộc vận động Toàn cầu hóa Dân chủ.
Ỷ Lan : Những ý kiến như vậy có được sự đồng tình không ? Và các đại biểu có đưa ra những đề nghị cụ thể không, họ đến từ các nước nào ?
Võ Văn Ái : Không ai chống đối mà còn nhiệt tâm hỗ trợ. Các quốc gia tham dự gồm có : Ấn độ, Bhutan, Cam Bốt, Ðài Loan, Ðông Turkestan, Hồng Kông, Lào, Mã Lai, Miến Ðiện, Mông cổ, Nam dương, Nam Triều tiên, Nhật bản, Pakistan, Phi luật tân, Singapore, Thái Lan, Tích Lan, Tây Tạng, Trung quốc và Việt Nam. Các đề cương chính được rút từ các cuộc hội thảo và được đồng thanh biểu quyết trên một số vấn đề như sau : Dân chủ phải phát huy từ phong trào quần chúng, chứ không thể áp đặt từ trên ; các phong trào dân chủ ở Trung quốc phải lên tiếng hỗ trợ cho những cuộc đấu tranh ở Tây Tạng và Uighurs ; cần nêu bật hoàn cảnh Bắc Triều tiên ; cần hợp tác với các phong trào dân chủ Ðài Loan ; cần tiến hành tổ chức Các Hội nghị về vấn đề dân chủ hóa Trung quốc, về các Xã hội độc tài khép kín tại Á châu. Ðại hội đã liệt kê danh sách các Xã hội độc tài khép kín gồm Bắc Hàn, Lào, Miến Ðiện, Tây Tạng, Trung quốc, Việt Nam, và các quốc gia như Bhutan, Maldives và Singapore cũng bị liệt kê vào nhóm này. Ngoài ra Ðại hội giao cho chúng tôi, là người chủ tọa khóa hội thảo Châu á, tiếp tục giữ vai trò điều hợp để tiến hành Phúc trình tình hình và đường lối chiến lược dân chủ tại các nước Á châu, làm cơ sở tập họp thành khối dân chủ châu Á.
Ỷ Lan : Vấn đề Việt Nam có được nêu ra tại Ðại hội ?
Võ Văn Ái : Chúng tôi phổ biến tại Ðại hội tập tài liệu mang tựa đề “Vietnam : Human Rights and Human Wrongs” (Việt Nam : Nhân quyền và Nhân vong, tập trung tổng quát về tình hình nhân quyền trong năm 2002-2003). Có thể nói rằng tên 4 nước Trung quốc, Việt Nam, Miến Ðiện, Bắc Hàn được đề cập và phát biểu nhiều nhất trên môi các đại biểu. Riêng tôi nhắc nhở nhiều lần đến tình trạng nhân quyền tồi tệ và phi dân chủ tại Việt Nam qua nhiều tham luận về các xã hội khép kín, về vai trò các tôn giáo, về các nhà ly khai sử dụng Internet bị cầm tù, như trường hợp các ông Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, v.v… Tôi cũng nhấn mạnh đến cuộc đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, như một hành động khốc liệt mà Hà Nội dùng phá vỡ một phong trào quần chúng lớn rộng đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. Ðặc biệt là trường hợp của Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo Thích Quảng Ðộ. Tết vừa qua, tất cả các chùa viện Phật giáo ở miền Trung bị phong tỏa, công an cấm cản và hăm dọa không cho các phái đoàn chư Tăng và Phật tử ở miền Trung, như Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, v.v… vào Bình Ðịnh chúc Tết đức Tăng thống. Mồng Hai Tết đức Tăng thống Thích Huyền Quang xuất hành thăm các chùa ở Bình Ðịnh, liền bị công an chận không cho đi, bắt phải xin phép trước khi xuất hành và phải do công an chuyên chở chứ không được tự ý ra đi. Trước đây, đức Tăng thống Thích Huyền Quang có xin phép vào Saigon thăm Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, nhưng không thấy Nhà nước trả lời. Tự do tôn giáo ở Việt Nam là như vậy đó. Còn Hòa thượng Thích Quảng Ðộ thì bị nhốt kín ở Thanh Minh Thiền viện, không một ai được thăm viếng, kể cả ba ngày Tết. Các nhà dân chủ phó hội ở Nam Phi châu kỳ này cực kỳ quan tâm đến trường hợp của hai nhà lãnh đạo Phật giáo”.
Xin được giới thiệu thêm hai tiếng nói, hai cảm nghĩ về dân chủ, qua một nhân vật đến từ Tây Tạng và một nhân vật Tây phương.
Ông Lodi Gyari, đại diện Ðức Dalai Lama tham dự Ðại hội, ông cũng là yếu nhân đặc biệt của chính phủ Tây Tạng được Ðức Dalai Lama giao phó nhiệm vụ thương thảo với chính quyền Bắc kinh về vấn đề Tây Tạng hai năm vừa qua. Ðối với ông Lodi Gyari, hai biến cố quan trọng nhất cho lịch sử và dân tộc Tây Tạng là Phật giáo và Dân chủ. Ông phát biểu rằng :
“Ðiều tôi muốn được chia sẻ với các bạn, là dù rằng Tây Tạng sống trong thảm cảnh, và thảm cảnh ấy còn tiếp diễn ngày nay. Nhưng từ thảm cảnh ấy chúng tôi học được bài học rất hay, đó là bài học dân chủ. Chúng tôi được tiếp xúc với thể chế dân chủ, chúng tôi chấp nhận dân chủ và dân chủ chào đón chúng tôi. Một ngày nào đó khi trở về quê hương, chúng tôi không trở về với hai bàn tay trắng. Chúng tôi sẽ trở về với món quà trân quý trên tay, đó là món quà dân chủ cho dân tộc chúng tôi.
“Chẳng khác gì tổ tiên chúng tôi vào 2000 năm trước, đã từ Ấn Ðộ mang về cho dân tộc chúng tôi món quà trân quý, đó là giáo lý của đức Phật Thích Ca.
“Ðức Dalai Lama nói rằng thế kỷ XX là thế kỷ của tranh chấp bạo động. Ngài hy vọng rằng thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ đối thoại. Ðối thoại chỉ xẩy ra khi có dân chủ. Cần phải có tự do và dân chủ, thì các dân tộc ở những xứ sở khác nhau, ý thức hệ và ý kiến khác nhau, mới có thể thiết lập đối thoại. Vì vậy mà dân chủ vô cùng quan trọng đối với nhân dân Tây Tạng. Nhờ dân chủ, chúng tôi mới có thể bước đi trên con đường bất bạo động, khai mở đối thoại, và hẳn nhiên những việc này chỉ có thể xẩy ra, khi chúng ta thiết lập được nền tảng vững chắc cho dân chủ”.
Một nhân vật khác không hề mỏi mệt cho tiến trình dân chủ trên thế giới, cho sự cộng tác huynh đệ toàn cầu và đối thoại xây dựng, đó là ông Carl Gershman, Giám đốc điều hành Sáng hội Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ, có trụ sở tại Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ. Ông và tổ chức của ông cùng với các tổ chức Ấn Ðộ sáng kiến thành lập “Phong trào Dân chủ Toàn cầu” sau Hội nghị New Delhi ở Ấn Ðộ năm 1999. Dù chương trình Ðại hội bận rộn, ông Carl Gershman vui vẻ nhận trả lời một số câu hỏi về tình hình dân chủ trong thế giới đầy biến động và bất trắc này. Chúng tôi mong rằng sẽ cung cấp thêm một số dữ kiện quốc tế cho đồng bào Việt Nam.
Ỷ Lan : Xin chào ông Carl Gershman. Xin ông cho biết sự phát triển của “Phong trào Dân chủ Toàn cầu” kể từ khi được thành lập tại Ấn độ năm 1999 ?
Carl Gershman : Phong trào đang lớn mạnh. Tôi nghĩ rằng “Phong trào Dân chủ Toàn cầu” ngày càng được thế giới công nhận. Ðiều quan trọng là hàng loạt những mạng lưới của Phong trào phát triển đà khả năng của nó. Ðiều đã xẩy ra tại Phi châu. Hiện nay mạng lưới ở Trung Ðông đang phát triển và trở thành quan trọng. Ðây là điều mới mẻ chưa từng có. Còn sự phát triển quan trọng khác, là mạng lưới của những Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ, của những Quỹ hỗ trợ. Những Quỹ hỗ trợ này phát triển tại Âu châu, Bắc Mỹ châu và cũng đang phát triển tại Á châu, như Quỹ hỗ trợ Dân chủ ở Ðài Loan. Nhật bản đang nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ Chính trị nhằm tài trợ cho các tổ chức Phi chính phủ, các Ðảng phái và Công đoàn. “Phong trào Dân chủ Toàn cầu” đang là điểm tụ cho nhiều hoạt động quốc tế liên quan đến dân chủ. Một trong những mạng lưới mà chúng tôi muốn thiết lập tại đại hội kỳ này, là Mạng lưới Dân chủ cho Phụ nữ. Tuy đã có nhiều tổ chức hoạt động cho phụ nữ, nhưng dự trù của chúng tôi là làm sao tập họp tất cả mọi nỗ lực có sẵn để họ có thể giúp đỡ nhau hữu hiệu.
Ỷ Lan : Ông đánh giá sự thăng tiến dân chủ như thế nào những năm gần đây trên thế giới ?
Carl Gershman : Chúng ta có thể xác định dân chủ thăng tiến mạnh mẽ từ thập kỷ 80 – 90 trở đi. Người ta đã gọi sự kiện ấy như làn sóng thứ ba của dân chủ. Có số người lo ngại, điều mà các nhà khoa học xã hội gọi là làn sóng phản hồi. Nói cách khác, là sau khi nhiều nước chuyển sang thể chế dân chủ sẽ phản hồi về tình trạng cũ. Ðiều này xẩy ra một số nơi, như ở Venezuela, Liên bang Nga, Pakistan… Nhưng cùng thời gian ấy, lại có những bước tiến vọt của dân chủ tại Nigeria, Nam Dương, hay gần đây ở Georgia… Tôi không nghĩ rằng có một làn sóng phản hồi. Lý do là không hề có làn sóng ấy, là vì những lực lượng dân chủ ngày càng có tổ chức để đối kháng với những kẻ muốn trở về thời đại độc tài ngày trước. Hiển nhiên đang có một thách thức mới trên lĩnh vực chiến tranh chống khủng bố, ở những nơi này các phong trào dân chủ bị lãng quên. Vài khi các phong trào này lo ngại trước hiện trạng các chính quyền dân chủ phương Tây, kể cả Hoa Kỳ, liên minh với các chính quyền phi dân chủ, chỉ vì các chính quyền này hưởng ứng tham gia chiến tranh chống khủng bố. Ðây là vấn đề nghiêm trọng, nhưng dù vậy, nếu các phong trào dân chủ cùng nhau cộng tác, cùng chia sẻ phương tiện, cùng thiết lập thêm mạng lưới với nhau, qua đó hình thành sự tương trợ quốc tế ; các phong trào dân chủ càng hợp tác làm việc với nhau, thì dân chủ không bị đánh bại, sự phản hồi không thể xẩy ra.
Sự hiện diện quốc tế hơn hẳn cách đây 15 hay 20 năm trước. Thực tế đang có những phong trào dân chủ đích thực trên khắp thế giới, hiện hữu trong các quốc gia phi dân chủ, để hoạt động cho dân chủ ở những nơi dân chủ còn yếu kém. Ðây chính là một hiện tượng phát triển lớn trong nền chính trị toàn cầu, khi những phong trào như thế hiện hữu. “Phong trào Dân chủ Toàn cầu” của chúng tôi tạo điều kiện cho sự tập họp lớn rộng, là một nỗ lực ý thức, nhằm hỗ trợ cho những nhà dân chủ từ cơ sở, giúp họ tiếp cận thông tin, cùng nhau liên hệ, chia sẻ, để họ hoạt động hữu hiệu hơn.
Ỷ Lan : Bài phỏng vấn này sẽ phát thanh về Việt Nam. Việt Nam là một xã hội độc tài khép kín khi Phong trào Dân chủ Toàn cầu ra đời. Ngày nay xã hội độc tài khép kín ấy chưa thay đổi. Theo ông thì phải làm gì để chuyển hóa sang tiến trình dân chủ, từ phía chính quyền cũng như từ phía các nhà đấu tranh cho dân chủ Việt Nam ?
Carl Gershman : Tôi xin được nói rằng, hai tiến trình cho dân chủ, một là bằng áp lực hai là bằng cải cách, luôn luôn phải được hiện hữu từ trên xuống và từ dưới lên. Không thể nào trông cậy vào tiến trình từ trên, có nghĩa là chính quyền hướng dẫn tiến trình cải cách dân chủ. Trái lại, cần có áp lực từ cộng đồng quốc tế trên chính phủ Việt Nam để chính quyền này chấp nhận mở cửa, cải cách kinh tế, trả tự do cho tù nhân chính trị, và thi hành các công ước và tiêu chuẩn quốc tế. Ðây là những áp lực thông qua các chính phủ trong thế giới và thông qua Liên Hiệp Quốc. Riêng tôi thì nghĩ rằng, chính vì quyền lợi cho chính quyền Việt Nam mà họ phải chấp nhận mở cửa và cải cách, vì không còn con đường nào khác để phát triển kinh tế, nếu chính quyền Việt Nam không chịu cải tổ hệ thống chính trị. Một trong những điều cần chân nhận rõ ràng ngày nay, là không thể nào phát triển kinh tế thực sự, nếu không thiết lập pháp quyền, nếu không có phương tiện giải quyết các vấn nạn tham nhũng hay lôi kéo giới đầu tư ngoại quốc. Cho nên, cần gây áp lực trên chính quyền Việt Nam để họ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế trên hai lĩnh vực chính trị và kinh tế. Ðiều khó khăn thực hiện, là làm sao giúp đỡ các lực lượng xã hội công dân, để các lực lượng này gây áp lực từ hạ tầng lên chính quyền. Thật vô cùng khó khăn dưới các thể chế độc tài. Chẳng ai có ảo tưởng về vấn đề này. Cho nên vẫn phải trông nhờ sự hỗ trợ từ hải ngoại, thông qua các tổ chức nhân quyền, để gây áp lực trên chính quyền Việt Nam, bắt họ phải tôn trọng nhân quyền. Qua đó, hy vọng rằng sẽ có những đường dây tiếp cận giúp các tổ chức thuộc xã hội công dân mở rộng không gian chính trị, để họ điều hành tổ chức, thu tập thông tin, nối mạng Internet, cập nhật nguồn sách báo quốc tế về hiện trạng thế giới. Từ từ trên hai mặt, quần chúng quan tâm đến dân chủ, chính quyền sáng mắt về quyền lợi của họ để chịu mở cửa, cải tổ vừa kinh tế vừa chính trị.
Ỷ Lan : Ðiều đó có nghĩa là các nhà đấu tranh cho dân chủ Việt Nam còn cam go hơn nữa và không được tuyệt vọng, phải thế không ông ?
Carl Gershman : Chắc chắn như thế. Dân chủ luôn luôn là cuộc đấu tranh bền bỉ và lâu dài. Nhưng dân chủ không ngừng tiến hành. Không hề có sự thoái trào trong dân chủ. Tôi chưa bao giờ tin rằng, thể chế độc tài toàn trị áp đặt trên đầu trên cổ nhân dân Việt Nam có thể tồn tại dài lâu. Không thể nào tuyệt vọng. Các nhà đấu tranh cho dân chủ Việt Nam cần tiếp cận với công luận quốc tế, liên hệ với các tổ chức người Việt ở nước ngoài, cũng như liên hệ với các chính phủ quan tâm đến tình hình Việt Nam. Họ đang được quốc tế hậu thuẫn. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam phải được đưa vào danh sách những vấn đề cực kỳ ưu tiên, để thế giới càng thêm quan tâm đến hiện trạng ở Việt Nam”.
Ðại hội lần thứ ba “Phong trào Dân chủ Toàn cầu” bế mạc vào lúc 22 giờ đêm 4 tháng 2. Một điều đáng mừng là đa số các nhà dân chủ phó hội cực kỳ quan tâm đến trường hợp của hai nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam. Nên 521 đại biểu thuộc 99 quốc gia đã ký tên chung vào một Kiến nghị, ghi rằng :
“Tại Việt Nam, hai nhà ly khai nổi danh và cũng là hai Nhà Sư Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ, được đề cử làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm 2004, hiện đang bị quản chế khắc khe sau cuộc trừng trị thẳng tay hàng giáo phẩm Phật giáo xẩy ra gần đây. Nhị vị Hòa thượng bị canh gát cẩn mật, không ai được thăm viếng kể cả bác sĩ chăm sóc. Nhị vị Hòa thượng đã trải qua trên 20 năm tù đày, quản chế vì cuộc vận động ôn hòa cho nhân quyền, và cất “Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam”, một chương trình chuyển tiếp ôn hòa nhằm dân chủ hóa Việt Nam.
“Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, là đại biểu tham dự Ðại hội lần thứ ba Phong trào Dân chủ Toàn cầu tại Durban, Nam Phi, từ 1 đến 4 tháng 2 năm 2004, xin toàn tâm hỗ trợ cuộc đấu tranh bất bạo động của Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ, hậu thuẫn sáng kiến ôn hòa để thiết lập dân chủ tại Việt Nam, và kêu gọi Nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho hai Hòa thượng”.
“Làm tại Durban, ngày 4.2.2004
“Ðồng ký tên : 521 đại biểu thuộc 99 quốc gia phó hội…”
Trong phóng sư trước đây, chúng tôi đã tường trình diễn biến và nội dung của Ðại hội lần thứ 3 Phong trào dân chủ toàn cầu tổ chức tại Durban, Nam Phi Châu, với sự tham dự của gần 700 đại biểu thuộc 122 quốc gia trên thế giới về phó hội.
Trong số này có đại biểu của Việt Nam cùng với 21 quốc gia Á Châu. Hôm nay chúng tôi xin được giới thiệu 2 tiếng nói, 2 cảm nghĩ về dân chủ qua một nhân vật đến từ Tây Tạng và một tiếng nói đến từ Tây Phương, mời quý vị theo dõi :
(Ỷ Lan tường trình từ Âu Châu)