Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / 144 Tổ chức Nhân quyền tại Ðại hội Nhân quyền Thế giới họp ở thủ đô Quito, Trung Mỹ, lên tiếng đòi trả tự do cho Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và ông Phạm Quế Dương

144 Tổ chức Nhân quyền tại Ðại hội Nhân quyền Thế giới họp ở thủ đô Quito, Trung Mỹ, lên tiếng đòi trả tự do cho Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và ông Phạm Quế Dương

Download PDF

QUITO, ngày 9 tháng 3 năm 2004 (UBBVQLNVN / VCHR) – Ðại hội Nhân quyền Thế giới vừa họp tại thủ đô Quito, Equador, ở Trung Mỹ, quy tụ 450 đại biểu thuộc 144 tổ chức nhân quyền đến từ 110 quốc gia trong thế giới biểu quyết 2 Quyết nghị về vấn đề Việt Nam hôm bế mạc đại hội chiều ngày thứ bảy 6.3.2004. Tất cả các tổ chức trên đây là thành viên của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH, Fédération Internationale des Ligues des Droits de l’Homme – International Federation for Human Rights) là tổ chức nhân quyền ra đời từ đầu thế kỷ XX tại Pháp. Vào những năm 20, Liên Ðoàn đã bênh vực với chính quyền thực dân thời ấy phá án tử hình cho cụ Phan Bội Châu và giải thoát cụ Phan Chu Trinh ra khỏi nhà tù Côn Ðảo. Từ 20 năm qua, Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền không ngừng lên tiếng hậu thuẫn cho các nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.

Ðại hội Nhân quyền Thế giới cũng là kỳ họp tam niên lần thứ 35 của Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền, lần đầu tiên được tổ chức tại Châu Mỹ La tinh, nơi đang có những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và nền dân chủ bị uy hiếp thường trực bởi các chế độ Dân chủ độc tài mà ngưới Nam Mỹ gọi là Democratura. Ðại hội họp từ 2 đến 6.3.2004.

Hai bản Quyết nghị về Việt Nam được Ðại hội biểu quyết thông qua, tố cáo mạnh mẽ chính sách vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam. Trong bản Quyết nghị về hiện trạng nhân quyền tổng quát, Ðại hội tố cáo việc “đàn áp quy mô” Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong năm 2003 (là Giáo hội độc lập, truyền thống, bị cấm hoạt động từ năm 1981). Ðại hội nhận định rằng “bằng bạo động và tính cách quy mô của cuộc đàn áp này, nhà cầm quyền Việt Nam nhắm triệt tiêu toàn bộ Giáo hội lịch sử này, một Giáo hội đại diện cho 80 phần trăm quần chúng Việt Nam”. Dù rằng Ðại hội chào đón cuộc gặp gở lịch sử giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang hồi tháng tư năm ngoái, nhưng tố cáo quyết liệt cuộc đàn áp Giáo hội mấy tháng sau đó, ngay với cá nhân Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Vì vậy Ðại hội yêu sách Nhà cầm quyền và Ðảng Cộng sản Việt Nam trả tự do cho Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, 86 tuổi, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, 75 tuổi, và phục hồi quyền pháp lý sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Trong bản Quyết nghị khẩn cấp thứ hai, Ðại hội “biểu tỏ sự hậu thuẫn mạnh mẽ cho ông Phạm Quế Dương (73 tuổi) đang sắp được đưa ra xét xử với tội danh gián điệp”, Ðại hội lo ngại rằng “một phiên tòa giả trá, bất minh xưa nay của chế độ sẽ tái diễn”. Với tội danh gián điệp, ông Phạm Quế Dương sẽ lãnh án 12 năm tù, chung thân, nếu không là tử hình chiếu theo điều 80 của bộ luật hình sự. Bản Quyết nghị nhắc tới sự kiện mấy năm qua, ông Phạm Quế Dương, cựu Ðại tá Quân đội Nhân dân, nhà báo, sử gia quân sự nổi danh, “không ngừng đòi hỏi cải tổ chính trị, khởi xướng việc dân chủ hóa Việt Nam. Kỳ bầu cử Quốc hội năm 2002, ông đâm đơn ứng cử, nhưng nhà cầm quyền đã ngăn cấm quyền ứng cử “tự do” chỉ vì các lập trường ly khai của ông”. Mặc khác, ông là người cùng với 20 nhân sĩ, đảng viên kỳ cựu ký tên vào bản kiến nghị năm 2002 yêu sách hủy bỏ Nghị định quản chế hành chính 31/CP. Cùng với ông Trần Khuê, ông khởi xướng việc thành lập Hội chống tham nhũng, nhưng vì những hành xử hợp lý hợp tình này mà ông Phạm Quế Dương bị sách nhiễu, bị bắt giam và nay sắp đưa ra xét xử một cách phi pháp với tội danh khôi hài là “gián điệp”.

Bản Quyết nghị cũng nhắc tới trường hợp những nhà ly khai sử dụng Internet, như các ông Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, hoặc những người còn bị giam giữ như các ông Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Nguyễn Ðan Quế… và Quyết nghị nói lên mối quan tâm rằng “ông Phạm Quế Dương sẽ là người ly khai hiện đang bị bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận với luận điệu giả trá “vi phạm an ninh quốc gia”. Cuộc khủng bố ráo riết mọi quyền thông tin và trao đổi ý kiến từ trong ra đến ngoài nước là dấu hiệu biểu trưng trong hai năm 2002 và 2003, quy chụp dưới tội danh gián điệp”.

Ðại hội tam niên lần thứ 35 của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền lấy tiêu đề “Dân chủ hóa công cuộc toàn cầu” làm trọng tâm cho 4 khóm hội thảo : Thiết lập hòa bình trong dân chủ ; Kiện toàn nền an ninh cho cho dân chủ ; Bảo đảm công cuộc phát triển cho nhân loại ; và Phát huy tính phổ cập và tôn trọng đa văn hóa. Bởi vì hiện nay toàn cầu hóa là xu thế quốc tế, nhưng các nước tài phiệt chỉ nghĩ đến kinh doanh thủ lợi, bỏ mặt vấn đề nhân sinh, xã hội, lại còn qua mặt với nhân quyền và dân chủ. Cho nên cuộc tranh đấu cho nhân quyền cần đặt trọng tâm khai phá con đường dân chủ hóa cho các xã hội loại người, đặc biệt tại các quốc gia đệ tam hiện đang bị khống chế bởi các chế độc tài toàn trị, phát xít, quân phiệt, độc đoán. Ðây cũng là lý thuyết và thực hành cho phong trào nhân quyền trong nhiệm kỳ ba năm tới.

Ðại hội cũng bầu lại Ban Chấp hành cho nhiệm kỳ mới. Luật sư Sidiki Kaba, người nước Sénégal ở Bắc Phi, tái đắc cử chức Chủ tịch Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền, và ông Võ Văn Ái, tái đắc cử lần thứ 5 chức Phó Chủ tịch, kể từ khi Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam gia nhập Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền.

Thông cáo báo chí viết bằng Anh và Pháp ngữ gửi đi tối hôm qua từ Paris đã được các hãng thông tấn quốc tế loan tải rộng rãi, đặc biệt là AFP trong bản tin hôm nay, 9.3.2004, đánh đi từ Hà Nội. Các đài phát thanh quốc tế như Á châu Tự do, BBC cũng đã làm cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Ái về hai Quyết nghị nói trên thông qua tại Ðại hội Nhân quyền Thế giới ở thủ đô Quito, nước Equador ở Trung Mỹ.


UNICODEVNIVPSVIQR

This post is also available in: English French

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *