Home / Về PTTPGQT và GHPGVNTN

Về PTTPGQT và GHPGVNTN

 

 

Về Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế (PTTPGQT) : Đức cố Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu viên tịch tại Tổ đình Linh Mụ ngày 24.4.1992, để lại Di chúc cho Hoà thượng Thích Huyền Quang và Hoà thượng Thích Quảng Độ thừa kế lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) và tiếp nối cuộc vận động phục hồi quyền sinh hoạt Pháp lý của GHPGVNTN.

Kể từ đấy, với sự hậu thuẫn bằng văn thư của Hoà thượng Thích Quảng Độ từ nơi bị quản thúc tỉnh Thái Bình ở miền Bắc, Hoà thượng Thích Huyền Quang, một thân một mình, mở đầu cuộc vận động. Nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội phản ứng bằng hai tài liệu Mật và Tuyệt mật chỉ thị cán bộ công an tôn giáo đàn áp. Từ Paris, Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đưa vấn đề Phật giáo ra LHQ, lên tiếng báo động thế giới về thảm trạng khủng bố GHPGVNTN.

Ngày 18.1.1993, từ nơi lưu đày Quảng Ngãi, Hoà thượng Thích Huyền Quang nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện viết thư tán thán và cám ơn công đức ông Võ Văn Ái đã can thiệp và vận động quốc tế cho GHPGVNTN. Vài tháng sau, Hoà thượng viết thư tay kêu gọi ông Võ Văn Ái trở về với Giáo hội và thiết lập cơ sở vận động quốc tế cho Giáo hội : Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ra đời. Do nhiều nhân duyên từ lâu trước mà  ông Ái nhận lời. Đại quan 2 sự kiện chính yếu : Tháng 7 năm 1963 tại Paris, ông Võ Văn Ái thành lập “Hội Phật tử Việt Kiều Hải ngoại” với 11 chi bộ tại các nước Cam Bốt, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp và nhiều nước Châu Âu để hậu thuẫn cuộc đấu tranh đòi hỏi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo trong nước. Sau Đại hội toàn quốc thành lập GHPGVNTN năm 1964, Hội được Viện Hoá Đạo công nhận như Chi bộ hải ngoại của GHPGVNTN. Từ đó cho đến năm 1970, ông Võ Văn Ái thay mặt Viện Hoá Đạo mở những cuộc vận động quốc tế cho Giáo hội trong thời chiến tranh, để nói lên lập trường Hoà bình của GHPGVNTN. Năm 1974, nhân đi dự Hội nghị Quốc tế tại Vương quốc Bỉ, Nhị vị Hoà thượng Thích Thiện Minh và Thích Huyền Quang đến Paris thăm ông Võ Văn Ái mời về giúp Phật giáo trong nước. Ông Ái hứa năm sau sẽ về. Nhưng sự biến 30.4.1975 khiến việc không thành.

Ngày 27.8.1999, Hoà thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, ra Quyết Định mang số 01/VHĐ/QĐ công cử Cư sĩ Võ Văn Ái làm Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế. Ngày 27.9.1999, Hoà thượng Thích Quảng Độ ra Thông báo số 10/VHĐ/QĐ công cử Cư sĩ làm Phát ngôn nhân của GHPGVNTN trong nước.

Đến năm 2005, Phòng tin Phật giáo Quốc tế thiết lập Đài Phát thanh Phật giáo Việt Nam phát thanh vào thứ sáu mỗi tuần, từ 19 giờ đến 19 giờ 30, phát về trong nước trên làn sóng ngắn 31 thước, 9930 Ki-lô Hertz.

——————————-

Về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) : Theo tư liệu lịch sử Việt Nam, triều Nhà Đinh đặt chức Tăng Thống và Tăng lục để quản lý chư Tăng tại nước ta. Giáo hội Phật giáo xuất hiện từ đó. Các triều đại Lý, Trần tiếp theo, Phật giáo vô hình trung trở thành quốc giáo và đóng góp lớn vào sự hình thành quốc gia Việt Nam.

Cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo theo những biến cố từ khi Tây phương du nhập, nước ta trải qua những thế kỷ dài phân hoá, loạn lạc, nhiễu nhương. Thời kỳ này Phật giáo mất địa vị ở thượng tầng trí thức và văn hoá, rơi xuống đáy tầng của nền Phật giáo bình dân, cô lập. Mãi đến đầu thế kỷ XX, những năm 20, chư Tăng và Cư sĩ ưu tú phát động cuộc Chấn hưng Phật giáo Việt Nam để vực dậy sức sống văn hiến và trị liệu của Đạo Cứu khổ. Các tổ chức Phật giáo dần dà xuất hiện khắp 3 miền Nam, Trung, Bắc dưới hình thức các Hội học Phật. Ngày 6.1.1951, Hội nghị Phật giáo toàn quốc họp tại chùa Từ Đàm, Huế, với 3 tập đoàn Tăng già và 3 tập đoàn Cư sĩ Bắc Nam Trung, thống nhất thành Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Cuộc thống nhất toàn quốc đầu tiên của Phật giáo. Tuy nhiên do Dụ số 10 dưới thời thuộc Pháp, sinh hoạt Phật giáo bị đặt mình dưới hình thức Hiệp hội, chứ không là Giáo hội.

Năm 1963, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11.1963, cuộc tranh đấu của Phật giáo ở Miền Nam nổ ra, đòi hỏi cho Tự do tín ngưỡng và Bình đẳng tôn giáo chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo dưới thời Đệ nhất Cộng hoà. Giới quân nhân Việt Nam Cộng hoà làm cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống Ngô Đình Điệm ngày 1.11.1963.

Hội nghị toàn quốc của Phật giáo họp tại Chùa Xá Lợi, Saigon, từ 31.12.1963 đến ngày  4.1.1964, với đại biểu của 11 giáo phái. Hội nghị cho ra đời tổ chức Giáo hội cố hữu từ mười thế kỷ trước, mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) dưới sự điều hành của Hội đồng Lưỡng Viện, tức Viện Tăng Thống và Viện Hoá Đạo (xem Hiến chương của Giáo hội).

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bao gồm toàn thể Phật giáo đồ, còn gọi là Tứ Chúng, tức bốn thành phần Phật giáo : Tăng, Ni, Nam Cư sĩ và Nữ Cư sĩ. Sự thống nhất có tính lịch sử chưa hề xẩy ra tại bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, đó là thông nhất hai tông phái lớn Bắc tông và Nam tông theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái cũng như của hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ.