Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / 531 đại biểu thuộc 112 quốc gia họp Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới lần thứ 5 tại thủ đô Kiev dưới chủ đề “Đưa lý thuyết dân chủ vào hành động thực tiễn”

531 đại biểu thuộc 112 quốc gia họp Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới lần thứ 5 tại thủ đô Kiev dưới chủ đề “Đưa lý thuyết dân chủ vào hành động thực tiễn”

Download PDF

KIEV (UKRAINE), ngày 8.4.2008 (QUÊ MẸ) – Từ ngày 6 đến ngày 9.4.2008, Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới lần thứ 5 tổ chức tại thủ đô Kiev, Ukraine, là một quốc gia non trẻ mới được độc lập và theo thể chế dân chủ từ 16 năm qua. Dù rằng dân tộc Ukraine hiện hữu đã bảy nghìn năm. Hành trình dân tộc Ukraine phần nào giống dân tộc Việt Nam vì phải trường kỳ chiến đấu chống ngoại xâm suốt lịch sử để giành giật chủ quyền. Nét đau thương chưa phai nhoà trong lòng dân Ukraine là nạn đói do Staline chỉ thị giết chết mười triệu dân vào những năm 30 thế kỷ XX.

Sau cuộc Cách mạng Cam, dân tộc Ukraine mới chính thức bước vào thể chế dân chủ và thoát khỏi một thời đại Nga thuộc đau thương, nô lệ. Phong trào Dân chủ Thế giới muốn vinh danh nền dân chủ Ukraine khi tổ chức đại hội lần thứ 5 tại thủ đô Kiev. 531 đại biểu đến từ 112 quốc gia trong thế giới bao gồm 25 nước Phi châu, 21 nước Á châu và Thái Bình dương, 12 nước Trung và Đông Âu, 15 nước Châu Mỹ La tinh và vùng biển Caribean, 14 nước Trung đông và Bắc Phi, 10 nước Âu Á, 12 nước Tây Âu, và 2 nước Bắc Mỹ châu là Hoa Kỳ và Canada. Việt Nam hiện diện tại Đại hội với phái đoàn Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam do ông Võ Văn Ái dẫn đầu.

Tổng thống Ukraine, Victor Yuschenko, đã đến khai mạc đại hội.

Phong trào Dân chủ Thế giới ra đời năm 1999 tại New Delhi, Ấn Độ. Mục tiêu “nhắm củng cố dân chủ tại những nơi còn non yếu, cải tổ và tăng cường tại các quốc gia đã có dân chủ, và hậu thuẫn các nhóm dân chủ tại các quốc gia chưa bước vào tiến trình chuyển hướng dân chủ”.

Đại hội chia làm 45 nhóm thảo luận theo các vùng địa lý trên năm châu và theo từng đề tài đưa lý thuyết dân chủ vào hành động thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống nhân loại.

Ông Võ Văn Ái được mời tham luận hai đề tài tại đại hội. Một là “Vai trò tôn giáo trong công cuộc thăng tiến dân chủ tại Á châu”, và “Xây dựng Mạng lưới dân chủ dưới các thể chế độc đoán”. Trong hai tham luận ông Ái đều mở đầu phân tích sự hiểm nguy cơ bản cho phong trào dân chủ thế giới, đặc biệt tại Á châu “là các quốc gia độc tài hay độc đoán đang liên minh chiến lược rất chặt chẽ để hãm hại mọi manh nha dân chủ. Trong khi ấy, các cường quốc dân chủ lại hy sinh lý tưởng dân chủ trên bàn thờ kinh doanh và quyền lợi”. Đây là thảm hoạ “Quyền lợi quốc gia hy sinh Quyền dân chủ : một bên là các đại khối nhân dân mong chờ dân chủ, tự do và dân quyền ; một bên là các chính phủ, trong số này có nhiều chính phủ dân chủ, bán đổ bán tháo lý tưởng dân chủ cho kinh doanh và quyền lợi”.

Ông Ái nhận định rằng tại Á châu, dân chủ chỉ phổ biến trong tầng lớp có học, chưa là quan điểm của người dân bình thường. Trong khi nhiệm vụ của dân chủ là đem lại đời sống tự do, hạnh phúc, ấm no cho người dân bình thường chứ không cho riêng cho một tầng lớp đặc biệt nào. Cho nên vai trò trung gian để truyền đạt ý tưởng dân chủ đến tầng lớp bình dân là các tôn giáo chủ suý sự bao dung, bình đẳng, bác ái. Trong bài tham luận, ông Ái nhắc đến Phật giáo là tôn giáo ông có nhiều am hiểu. Tại Á châu, người ta đã chứng kiến sự vùng dậy đòi hỏi quyền tự chủ, nhân quyền và dân chủ của giới Tăng Ni và Phật giáo đồ Miến Điện, Tây Tạng và Việt Nam.

Bắc Kinh và Hà Nội thấy rõ tiềm lực Phật giáo tại Á châu, ông Ái nhận xét, nên tháng 4 năm 2006 Bắc Kinh tổ chức lần đầu tiên Đại hội Phật giáo Thế giới với 30 quốc gia tham dự. Tháng 5 tới đây, Hà Nội sẽ tổ chức Đại lễ Phật Đản LHQ. Hai nước theo chủ nghĩa vô thần, phi tôn giáo và chống tôn giáo nhưng lại dùng tôn giáo để tuyên truyền cho chế độ. Ông Ái gọi đây là “một viên đá ném chết hai con chim” : một là tăng cường sự kiểm soát tôn giáo, đồng thời vẽ vời cho bộ mặt “tôn trọng tự do tôn giáo” trong công cuộc tuyên truyền quốc tế.

Ông Ái phản bác sự tuyên truyền dối gạt của Hà Nội khi vu cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất “làm chính trị”. Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ chỉ đòi hỏi những quyền được công nhận và bảo đảm trong Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị của LHQ mà nhà cầm quyền Việt Nam tham gia ký kết. Tự do tôn giáo không giới hạn vào sự cúng kiến, nghi lễ, mà còn là sự tu học giáo nghĩa và thực hành giáo pháp phục vụ lợi ích cho quần chúng. Hai nghìn năm Phật giáo Việt Nam là sự đóng góp cụ thể và tích cực trên mọi lĩnh vực đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Cho tới nay, người Phật tử Việt Nam chỉ đặt vấn đề tôn giáo với chính trị, chứ chưa đặt vấn đề chính trị với chính trị. Cho nên người Phật tử Việt Nam không làm gì khác hơn việc tuân thủ năm giới cấm trong đời sống : không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không rượu chè ma tuý.

Có thể nơi này nơi khác, việc giữ giới hạn chế cho riêng bản thân người giữ giới. Nhưng đạo Phật Việt Nam theo truyền thống Đại thừa nên ngũ giới mang một nội hàm tích cực : Bản thân không sát sinh, nhưng nếu gặp khi nhà nước bức hiếp, đàn áp, giết dân, thì người Phật tử phải có hành động chận đứng sự thảm sát. Bản thân không trộm cắp, nhưng nếu gặp khi nhà nước cướp đất, cướp tài sản, cướp hạnh phúc và tự do của người dân, thì người Phật tử phải có hành động chống cướp bóc. Bản thân không tà dâm, nhưng nếu gặp khi các cơ quan công quyền tổ chức những đường dây bán dâm, bán phụ nữ, thiếu nhi, thì người Phật tử phải có hành động cản chống. Bản thân không nói dối, nhưng nếu gặp khi nhà nước tuyên truyền dối gạt, cấm tự do ngôn luận, báo chí, bắt bỏ tù nhà báo, văn nghệ sĩ, thì người Phật tử phải có hành động bênh vực và đòi hỏi tự do.

Đánh giá Phật giáo Á châu cũng như ở phương Tây, ông Ái xem như một tôn giáo trong chiều hướng phát triển. Ngoại trừ một vài trường họp cá biệt, Phật giáo là đạo hoà bình, bao dung, trí tuệ. Hiện có 100 triệu Phật tử tại Trung quốc, 60 triệu tại Việt Nam, các nước Nhật Bản, Đài Loan, Lào, Cam Bốt, Miến Điện, Mông Cổ, v.v… là những nước có dân số Phật tử đông, 90% quần chúng tại Thái Lan là Phật tử. Ấn Độ là nơi đạo Phật xuất hiện, nhưng chỉ có 8 triệu Phật tử vào năm 2001, nay tăng thành 35 triệu. Một lãnh tụ thuộc đẳng cấp cùng đinh, paria, tên Udit Raj vừa quy y theo đạo Phật và thành lập một đảng chính trị bênh vực cho đẳng cấp cùng đinh Ấn Độ. Châm ngôn của đảng là : “Phật giáo là con đường giải phóng. Người cùng đinh phải tự giải thoát mình khỏi xích xiềng áp bức trong quá khứ”.

Đặc biệt trong lần đại hội này, Phong trào Dân chủ Thế giới công bố bản Phúc trình Bảo vệ Xã hội dân sự. Được sự bảo trợ của những nhân vật quốc tế như Cựu thủ tướng Canada, Kim Campbell, Cựu tổng thống Brasil, Fernando Henrique Cardoso, Đức Dalai Lama, Cựu tổng thống Tiệp, Vaclav Havel, Cựu phó thủ tướng Mã Lai, Anwar Ibrahim, ông Saad Eddin Ibrahim, học giả Ai cập và Đức Tổng giám mục Desmond Tutu, bản Phúc trình là kết quả qua 5 lần hội thảo và góp ý trong năm 2007 tại Casablanca (Ma Rốc), Lima (Peru), Kiev (Ukraine), Bangkok (Thái Lan), và Johannesburg (Nam Phi). Ngoài sự góp ý chung để hoàn thành bản Phúc trình, Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho dân chủ Việt Nam còn đóng góp phần Việt Nam trong bản Phúc trình.

Bản Phúc trình chia làm hai phần, một phần nêu bậc các nguyên tắc pháp lý, các công ước quốc tế bảo vệ các Xã hội dân sự, phần thứ hai đề cập tới sự chà đạp và đàn áp các quyền này trong gần 50 quốc gia trên thế giới. Ai cũng biết rằng thể chế dân chủ chỉ được hình thành nhờ sự hoạt động và đóng góp của các xã hội dân sự. Cho nên bảo vệ các xã hội dân sự là điều kiện tiên quyết để đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá toàn cầu.

Tại Việt Nam, Nghị định số 88 cho phép chính quyền kiểm soát toàn bộ và can thiệp mọi sinh hoạt của các hiệp hội, đoàn thể. Trong tình trạng ấy, các tổ chức phi chính phủ hay các xã hội dân sự không thể nào xuất hiện. Các điều luật về “an ninh quốc gia” trong Bộ luật Hình sự, đặc biệt điều 80 và 88, ngăn cấm mọi hình thức thông tin và tự do ngôn luận và đã cho phép bắt giam hàng nghìn người. Ngoài ra, luật xuất bàn cấm phổ biến sách vở, bài viết không phù hợp với ý thức hệ của nhà nước. Nghị định số 71 ban hành năm 2004 kiểm soát mọi hoạt động Internet, và nghị định 56/2006 phạt vạ bằng những số tiền kếch sù nhằm chận đứng các thông tin nhiều luồng. Đây là những điều phân tích trong bản Phúc trình đối với tình hình đàn áp và mất tự do tại Việt Nam.

Tại cuộc họp báo công bố bản Phúc trình Bảo vệ Xã hội dân sự, ông Saad Eddin Ibrahim, nhân sĩ Ai Cập nổi tiếng, từng ủng hộ Hà Nội trong thời chiến tranh và sau chuyến viếng thăm Việt Nam mấy tháng trước đây, đã phải thán lên rằng : “Tôi yêu thương nước Việt. Nhưng Việt Nam sẽ huy hoàng biết bao nếu nhà cầm quyền chịu mở rộng không gian dân sự, cho phép các xã hội công dân hoạt động độc lập, và chấp nhận đối lập chính trị. Vì điều tối hậu là chỉ có minh bạch dân chủ, thì đất nước mới phát triển và thịnh vượng”.

Lần đại hội thứ tư năm 2006 tổ chức tại thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Phong trào Dân chủ Thế giới đã vinh danh hai Nhà dân chủ dũng cảm Việt Nam là Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ và Giáo sư Hoàng Minh Chính. Đại hội lần 5 kỳ này Giải Dũng cảm được trao cho 3 tổ chức : Cộng đồng Pháp lý Pakistan, Các ký giả nước Somalia, và Tăng đoàn Miến Điện.

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *