PARIS, ngày 24.12.2008 (PTTPGQT) – Phóng viên Ỷ Lan của Đài Á Châu Tự do vừa phỏng vấn Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Marco Pannella, về chuyến đi Việt Nam không thành, mặc dù trước đó ông củng Thượng Nghị sĩ Quốc hội Ý, Marco Perduca, được mời đến Hà Nội gặp gỡ Quốc hội Việt Nam hôm 23.12. Phải chăng vì dự tính của hai nhà ngoại giao Châu Âu ghé Saigon viếng thăm Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) nên bị nhà cầm quyền Hà Nội cấm hai ông nhập cảnh vào phút chót ?
Câu hỏi không lời đáp, ngoại trừ sẽ có sự lên tiếng của nhà cầm quyền Hà Nội.
Nhận thấy cuộc phỏng vấn ông Marco Pannella mang lại nhiều lời giải thích, đặc biệt là sự quan tâm của chính giới Châu Âu đối với Việt Nam vào thời điểm Liên Âu – Việt Nam đang thương thảo để ký lại Hiệp ước Hợp tác song phương, nên chúng tôi chép lại cuộc phỏng vấn ấy công hiến bạn đọc dưới đây. Đài Á châu Tự do đã phát cuộc phỏng vấn này về Việt Nam trong chương trình sáng hôm nay, 24.12.
Sau khi nghe được cuộc phỏng vấn nói trên, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã có thư cảm tạ gửi hai vị Đại biểu Quốc hội gửi sang Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế chuyển đi. Dưới đây là nguyên văn Thư Cảm Tạ :
VIỆN HÓA ĐẠO
Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP. Sàigòn
Phật lịch 2552 |
Số  ; : VHĐ/VT
|
Đồng kính gửi Ông Marco Pannella, Dân biểu Quốc hội Châu Âu, và
Ông Marco Perduca, Thượng Nghị sĩ Quốc hội Ý
Thưa Nhị vị Đại biểu Quốc hội,
Xin chân thành cảm ơn Nhị Vị đã dành tình cảm đặc biệt đối với Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi trong ý định đến thăm tôi tại Thanh Minh Thiền Viện vào lúc 14 giờ ngày 23.12.2008. Nhưng rất tiếc quý vị đã bị ngăn cản vào phút chót và tôi đã không được may mắn tiếp xúc Nhị Vị.
Nhưng sáng nay nghe trả lời phỏng vấn của Dân biểu Marco Pannella trên đài Á châu Tự do, tôi rất cảm kích. Thay mặt Giáo hội Phật giáo Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như tín đồ các tôn giáo bạn đang tranh đấu cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam, tôi xin ngỏ lời tri ân quý vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Quốc hội Ý và Đảng Cấp tiến Bất bạo động, Liên quốc và Liên Đảng, đã không ngừng quan tâm đến tự do, dân chủ trên đất nước chúng tôi, đặc biệt tự do tôn giáo, cơ bản cho mọi thứ tự do được LHQ tuyên dương và bảo đảm.
Năm nay Liên Âu và Việt Nam đang thương thảo để ký lại Hiệp ước Hợp tác song phương. Đây là cơ hội tốt để quý vị đòi hỏi cụ thể cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam thông qua các cơ chế và điều kiện mà Quốc hội Châu Âu đặt ra nhằm kiểm soát và chế tài khi Nhà nước Việt Nam không tuân thủ điều khoản nhân quyền và dân chủ nêu ra qua Hiệp ước mới.
Nhà nước Cộng sản Việt Nam có thói quen hứa hẹn đủ điều, kể cả nhân quyền và dân chủ, nhưng lại bội ước sau đó. Hiệp định chấm dứt chiến tranh và thiết lập hòa bình ký kết tại Paris năm 1973 là một bằng chứng của sự bội ước. Vì vậy, mà dân chúng Việt Nam ngày nay có câu nói xem như chân lý. Đó là : “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”.
Tuy nhiên, chính trị là thương thảo. Xu thế chính trị thế giới ngày nay là trao đổi, đối thoại và cộng tác. Trong tư thế viện trợ và giúp đỡ của Quốc hội Châu Âu và Quốc hội Ý ngày nay đối với Việt Nam, tôi nghĩ rằng thông qua những đối thoại và thương thảo sắp tới với Việt Nam, quý vị có thể giúp đỡ nhân dân Việt Nam đạt được ước vọng tự do, dân chủ và nhân quyền. Xin hãy yêu sách cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các Cộng đồng tôn giáo được phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý, và tự do ngôn luận, mà cụ thể là yêu sách cho một tờ báo tư nhân và độc lập được phát hành tại Việt Nam. Đây là những điều tiên quyết cần thực hiện cho bằng được.
Kính chúc Nhị vị luôn an mạnh và xin gởi lời kính thăm đến toàn thể quí vị Đại biểu Quốc hội Châu Âu, Quốc hội Ý và quý vị điều hành Đảng Cấp tiến Bất Bạo động, Liên quốc và Liên Đảng.
Xử lý Thường Vụ Viện Tăng thống
kiêm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa Môn Thích Quảng Độ
Hai nhà ngoại giao Châu Âu bị chận vào phút cuối không cho vào Việt Nam. Ông Marco Pannella, Dân biểu Quốc hội Châu Âu, và ông Marco Perduca, Thượng Nghị sĩ Quốc hội Ý đã bị cấm vào Việt Nam, dù rằng Sứ quán Việt Nam tại Rome đã cấp chiếu khán cho hai ông hôm 19.12 và chấp thuận lộ trình của hai vị từ Nam Vang đến Saigon lúc 13 giờ trưa 23.12, và từ đây lấy chuyến bay lúc 20 giờ tối cùng ngày từ Saigon ra Hà Nội để gặp gỡ các vị đồng viện Việt Nam tại Quốc hội Việt Nam.
Ông Marco Pannella thuộc Nhóm Liên minh Tự do, Dân chủ Âu châu tại Quốc hội Châu Âu đồng thời là Chủ tịch Đảng Cấp tiến Bất bạo động Liên quốc và Liên Đảng ra đời tại Ý từ năm 1955.
Ý định thăm Việt Nam của hai ông khởi từ lời mời của Phái đoàn Quốc hội Việt Nam đến làm việc tại Quốc hội Châu Âu hôm 18.12 ở trụ sở Strasbourg, trong cuộc gặp gỡ lần thứ 7 giữa hai Quốc hội. Đặc biệt năm nay hai bên đang trong vòng thương thảo để ký lại Hiệp ước hợp tác song phương Liên Âu – Việt Nam. Nhận thấy phát biểu của các vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu trên lĩnh vực nhân quyền và tôn giáo không phù hợp với tình hình Việt Nam, nên Phái đoàn Việt Nam ngỏ ý mời các vị Dân biểu Châu Âu về thăm Việt Nam cho biết sự tình.
Đột nhiên hôm qua, trong khi hai vị Đại biểu đang làm việc với chính giới Kampuchia ở thủ đô Nam Vang, thì được Đại sứ quán Ý tại Hà Nội gọi điện sang thông báo rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố “Do có nhiều thư phản đối, nên Việt Nam không thể bảo vệ an ninh cho hai ông Marco Pannella và Marco Perduca”.
Sáng nay trong khi chuẩn bị ra phi trường đi Saigon, thì hai vị Đại biểu Quốc hội nhận được tờ Fax từ Việt Nam đánh sang, khẳng định rằng hai vị “không được phép đến Việt Nam”.
Theo dự trù, hai ông Marco Pannella và Marco Perduca rời Nam Vang sáng ngày thứ ba, 23.12, ghé Saigon vào buổi trưa để viếng thăm và trao đổi với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tại Thanh Minh Thiền viện, trước khi ra Hà Nội bằng chuyến bay 20 giờ tối cùng ngày.
Chúng tôi đã gọi điện sang Nam Vang phỏng vấn ông Marco Pannella, Dân biểu Quốc hội Châu Âu, để xin ông cho biết thêm chi tiết vì sao chuyến đi Việt Nam bị cấm vào phút chót.
Ỷ Lan : Xin chào Dân biểu Quốc hội Châu Âu Marco Pannella. Theo lẽ ông đã đến viếng thăm Việt Nam ngày hôm nay. Xin ông cho biết chuyện gì đã làm cho ông không đi được ?
Marco Pannella : Tôi tin rằng việc này ngay Hà Nội cũng không biết vì sao. Bởi vì, một mặt Đại sứ quán Ý tại Hà Nội thông báo cho Ngoại trưởng Ý biết rằng, nhà cầm quyền Việt Nam quan tâm tới chuyến đi của chúng tôi và họ chờ gặp chúng tôi tại Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội. Cùng lúc ấy, thì một hãng du lịch gọi là của Nhà nước lại ngăn cấm chúng tôi vào Việt Nam. Thế thì, câu hỏi đặt ra cho tôi, mà cũng có thể là một tin vui, nghĩa là Hà Nội đang có vấn đề. Ngay giữa họ với nhau họ cũng không hiểu nhau. Vậy nên chúng tôi cũng đang cố nài.
Ỷ Lan : Theo ông cho biết thì chuyến đi sẽ đến Saigon trước tiên. Ông tính làm gì ở Saigon, nếu câu hỏi không quá bất tiện ?
Marco Pannella : Hiển nhiên là để gặp Hòa thượng Thích Quảng Độ. Đã biết bao năm tôi muốn gặp ngài. Tổng thư ký của Đảng chúng tôi là ông Olivier Dupuis đã từng đến biểu tình bất bạo động tại Việt Nam hậu thuẫn cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Chúng tôi vẫn tiếp tục hậu thuẫn. Nên chúng tôi quyết định đến Saigon để cám ơn Hòa thượng Thích Quảng Độ về cuộc đấu tranh, về chứng nhân và hùng lực của ngài. Chúng tôi đã từng đề nghị Giải Sakharov của Quốc hội Châu Âu cho Hòa thượng Thích Quảng Độ vì chúng tôi đánh giá ngài rất xứng đáng.
Nhưng Hà Nội đã sợ. Hòa thượng Thích Quảng Độ đầy dũng lực dù rằng tuổi ngài đã cao. Hà Nội không muốn cho ai gặp ngài để cảm nhận ra hùng lực này. Đúng thế, những kẻ quan liêu ở HàNội sợ chúng tôi đến gặp Hòa thượng. Rồi cũng có lúc chúng tôi đến gặp ngài thôi. Đây là điều chắc chắn. Bởi vì cuộc gặp gỡ liên quan đến di sản của nền văn minh Châu Á, và cũng không riêng gì Châu Á. Đây chính là lý do vì sao chúng tôi đã nêu lên tại Quốc hội Châu Âu và Quốc hội Ý vấn đề tự do ở Việt Nam. Tự do cho tất cả mọi người, và tự do tôn giáo, là điều rất quan trọng tại Việt Nam : tự do tôn giáo. Chúng tôi biết rằng hồi tháng 10 có cuộc nổi dậy của tín đồ Công giáo ở Việt Nam, mà người ta rất ít nghe tòa thánh Vatican nhắc nhở. Còn vấn đề của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì tôi hiểu rõ từ nhiều thập niên, qua cuộc đấu tranh của họ và thông qua ông Võ Văn Ái. Phật giáo trên thế giới ngày nay đang đối đầu với các bạo quyền. Ví dụ như ở Trung quốc, với một tỉ ba trăm triệu dân, thế mà Bắc Kinh vẫn sợ Đức Dalai Lama và những Phật tử Tây Tạng. Chứ không phải là mười triệu Phật tử Tây Tạng lại sợ Bắc Kinh.
Tại Việt Nam, chiến thuật của người Cộng sản cũng như mọi nơi, là bịa ra một Giáo hội cho họ. Ở Bắc Kinh người ta bịa ra một Giáo hội Công giáo cho nhà nước, thì ở Việt Nam cũng vậy, người ta đặt ra một Giáo hội Phật giáo cho Nhà nước, Phật giáo trong ngoặc kép. Bằng cách đó họ tạo ra hai thực thể, một mặt nhằm chống đối tất cả mọi tự do, mặt khác thăng tiến sự “tái sinh” các giáo hội, nhưng là những giáo hội ngoan ngoãn tuân lệnh Đảng cộng sản.
Ỷ Lan : Như vậy thì ông vẫn giữ ý định sang Việt Nam, phải không thưa ông ?
Marco Pannella : Bà biết không, vào giờ này Đại sứ quán Ý tại Việt Nam chẳng biết ăn nói làm sao. Như tôi đã nói với bà, hôm qua Đại sứ quán nhận được một thông báo của chính phủ Việt Nam nói rằng, nếu Marco Perduca và tôi sang bên đó sẽ làm dấy lên một cuộc phản đối của quần chúng Việt Nam, của các hội đoàn, của các nhà dân chủ, v.v… bởi vì cái mà họ gọi là “những kẻ thù của Việt Nam” sắp tới. Thế cho nên Việt Nam nói rằng “vì an ninh của quý ông xin quý ông đừng tới Việt Nam”.
Bà thử nghĩ xem, chính phủ Cộng sản với tất cả sự hùng mạnh của họ, thế mà họ lại sợ hai kẻ bất bạo động, hai người đại biểu quốc hội đến Việt Nam thăm viếng biểu tượng nổi danh khắp thế giới của phong trào đối kháng chống bạo quyền, là Hòa thượng Thích Quảng Độ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Mặt khác, họ lại cũng sợ chúng tôi tiếp xúc với giới Công giáo. Họ nói rằng không thể bảo đảm an ninh cho chúng tôi, đời sống của chúng tôi sẽ bị lâm nguy. Thật là một lời tự thú bất lực của một chế độ !
Ỷ Lan : Thật lạ lùng cho sự kiện Việt Nam ngăn cấm cuộc viếng thăm, sau khi Phái đoàn Quốc hội Việt Nam ngỏ lời mời các Dân biểu Quốc hội Châu Âu đến Việt Nam. Tại sao lại như thế, thưa ông ?
Marco Pannella : Tôi có cảm tưởng dù sao đây cũng là một thứ điên cuồng quyền lực. Có cái gì gần như một trò cười. Trong khi các chính quyền ở Tây phương, vốn chỉ nghĩ đến chuyện làm ăn, mà có khi lại làm ăn tồi tệ, nói rằng Việt Nam đang có tiến bộ. Còn Hà Nội thì lại biểu tỏ thứ tâm thần phân liệt.
Tại trụ sở Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg, Phái đoàn Quốc hội Việt Nam kêu gọi chúng tôi : Hãy đến Việt Nam đi các bạn, đến xem một nước Việt Nam hanh thông. Rồi tiếp đó, chính phủ và Quốc hội Việt Nam công khai mời chúng tôi, đáp ứng yêu cầu của chúng tôi sang Việt Nam gặp họ.
Đồng thời, ông Đại sứ Việt Nam tại Rome thông báo cho Bộ Ngoại giao Ý, rằng chuyến đi của chúng tôi đã được tổ chức như dự tính. Thế mà chỉ vài giờ sau, một viên chức có vẻ ngượng nghịu nói với chúng tôi là mọi sự đã thay đổi. Đấy, chuyện như thế đó.
Xin đừng tin rằng cái chính phủ đang ngự trị qua nhiều thập niên sẽ còn tồn tại vĩnh viễn. Người ta có thể tưởng là như thế, hoặc do những mâu thuẫn trong các quốc gia dân chủ mà họ được công nhận nhất thời. Thực tế việc này chỉ nẩy sinh trong sự hỗn độn. Và sự kiện đối với chúng tôi hôm nay là một minh chứng. Cho nên vẫn còn hy vọng.
Sự kiện chúng tôi đang trải qua là một bước tiến để cho mọi người hiểu ra sự thật.
Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Marco Pannella.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được bản Kháng thư của Phật tử Quận Cam (Orange County, Nam California, Hoa Kỳ, nơi được gọi là thủ đô của người Việt Tị nạn) tỏ thái độ với các vị Tăng sĩ ở một số chùa tiếm danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Dù các vị này luôn tuyên bố hậu thuẫn cuộc đấu tranh cho “nhân quyền, dân chủ” và “đòi phục hoạt GHPGVNTN”, nhưng trong thực tế thì các vị bất khâm tuân Giáo chỉ số 9, các Thông bạch, Thông tư của hai Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo trong nước.
Để rộng đường dư luận chúng tôi xin đăng tải nguyên văn Kháng thư ấy dưới đây :
CỦA PHẬT TỬ QUẬN CAM
đối với các Hòa thượng, Thượng tọa đã tiếm danh GHPGVNTN
Chúng tôi, đồng ký dưới đây, các Phật tử tại Quận Cam, quyết liệt phản kháng các Hòa thượng, Thượng tọa trụ trì tại các chùa trong Quận Cam đã có hành động sai trái như sau :
Vào đầu năm nay, các vị này nghe lời xúi giục của các tên tay sai Cộng sản (đã từng lãnh chỉ thị của Ủy ban Tôn giáo Nhà nước Cộng sản) khai hội tại chùa Phổ Đà và chùa Bảo Quang thành lập một tổ chức “Phật giáo Mới”, lấy tên là “CỘNG ĐỒNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ”. Ngoài miệng thì nói là : “Nhất tâm ủng hộ công cuộc vận động phục hoạt GHPGVNTN quốc nội”, nhưng họ đã xuyên tạc Giáo chỉ số 9 là giả mạo và thành lập một tổ chức mới như trên, nói là để “tránh sự mâu thuẫn về danh xưng, cơ cấu với các thành viên thiểu số vừa thành lập GHPGVNTN Hải ngoại Hoa Kỳ tại chùa Bửu Môn tháng 11, 2007”.
Nhưng mới đây, sau cái gọi là “Đại hội Về Nguồn” nhóm tại chùa Bát Nhyã thì họ sửa đổi lại danh xưng một lần nữa, lần này đặt tên là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hoa Kỳ”.
Như vậy là chỉ trong vòng 9 tháng (từ tháng 1 đến tháng 9, 2008) chư Tăng này đã thay tên đổi họ đến 2 lần !
Tại sao trước họ đã quay lưng chống lại GHPGVNTN, đặt một tên khác, nay lại cũng lấy tên Phật giáo Thống nhất, chắc quí vị cũng đã biết vì nguyên nhân nào ?
Qua 9 tháng ly khai, chư Tăng này đã thấm đòn, họ thấy cửa chùa vắng tanh, Phật tử không còn lai vãng tấp nập như trước, thùng Phước sương thì trống rỗng ; tương lai các chùa ắt hẳn sẽ đen tối thì quí Hòa thượng, Thượng tọa sẽ sống như thế nào đây ? !…
Cho nên chi bằng lấy lại tên Phật giáo Thống nhất, để còn hòng đánh lừa dư luận quần chúng, nhất là lấy lại lòng tin tưởng của Phật tử, vốn là lẽ sống còn lâu nay của các chùa. Bộ mặt thật của các chư Tăng này đã bị bóc trần ! Họ đangđược Cộng sản sử dụng để chống lại Hòa thượng Thích Quảng Độ và GHPGVNTN.
Các chư Tăng này đã từng nại cớ rằng họ bị loại khỏi tổ chức GHPGVNTN một cách mất dân chủ, vì sao GHPGVNTN không cho họ biết họ đã có sai lầm gì mà bị loại bỏ và tại sao trước khi ban hành Giáo chỉ, đức cố Tăng thống không hỏi ý kiến họ, (ý kiến của tập thể).
Điều này đã được Hòa thượng Hộ Giác trả lời rõ ràng trong Thông bạch ngày 26 tháng 9 năm 2008 mới đây rằng : “Chư Tăng nào hỏi như thế tức là đã chứng tỏ họ không hiểu biết gì về Hiến chương, về Quy chế của một Giáo hội ; thiếu hiểu biết về luật pháp và thể thức sinh hoạt hội đoàn trong các quốc gia văn minh, dân chủ, mà còn bộc lộ tâm địa, tư tưởng công thần và tính phản loạn”.
Nói rõ hơn, các chư Tăng nào có chân trong GHPGVNTN thì tại sao khi Giáo hội mời quí vị đến họp tại chùa Bửu Môn ngày 10 tháng 11 năm 2007 để cứu nguy Giáo hội thì quí vị đã tẩy chay không đến họp lại còn rêu rao là GHPGVNTN sinh hoạt thiếu dân chủ ! Đúng là miệng lưỡi của kẻ ác tâm phá đạo !
Do vậy, toàn thể Phật tử chúng tôi đồng thanh phản kháng :
1. Tẩy chay các Hòa thượng, Thượng tọa đã phản lại Phật giáo Thống nhất, hòng tiếp tay cho Cộng sản, làm quần chúng hoang mang rằng Phật giáo đang chia rẽ.
2. Triệt để khâm tuân Giáo chỉ của cố Tăng thống Huyền Quang và các Văn thư điều hành của Viện trưởng, Viện phó Viện Hóa Đạo Thích Quảng Độ, Thích Hộ Giác.
3.Nhất quyết hết lòng phục vụ điều thiện, chống điều ác đến cùng để đem lại Tự do Tôn giáo, Dân chủ và Nhân quyền cho xã hội Việt Nam.
Đồng ký tên
Đợt đầu gồm có :
Lưu Trung Khảo, Nguyễn Hữu Thời, Lý Trường Trân, Đoàn Mại, Lê Khắc Lý, Vũ Khôi, Nguyễn Văn Thư, Lê Tường Vân, Nguyễn Tư Mô, Phan Kỳ Nhơn, Trần Sương, Nguyễn Minh, Lưu Ngọc Lan, Lương Vũ, Phan Văn Miên, Lê Thị Hương, Đoàn Nhã, Hồ Học, Nguyễn Thị Anh Thư, Cơ Văn, Dương Chiến, Nguyễn Minh Thuận, Nguyễn Thy Mai, Tống Phước Hiến, Lê Thị Xuân, Tống Phước Xuân Hiền, Tống Phước Xuân Hà, Cao Anh, Nguyễn Đình Thảng, Đào Hữu Hạnh, Tâm Mỹ, Võ Hào, Văn Hùng Đốc, Võ Xuân Hy, Trần Nghĩa Đời, Phạm Huy, Nguyễn Thời, Lưu Phát, Nguyễn Bách, Nguyễn Vinh, Bùi Như Hải, Nguyễn Hoa, Lý Trí Anh, Đặng Ngọc Sinh, Hồ Thị Tân, Nguyễn Thế Lộc, Đỗ Dung, Nguyễn Thị Thanh Lan, Nguyễn Thanh Tước, Trần Cẩm Tâm, Nguyễn Tiến Mão.