Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Tổng kết hoạt động năm 2008 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong nước, và tổng kết việc cứu tế Dân Oan, Dân nghèo, đồng bào sắc tộc, các cháu thiếu nhi và các nhà dân chủ lâm nạn

Tổng kết hoạt động năm 2008 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong nước, và tổng kết việc cứu tế Dân Oan, Dân nghèo, đồng bào sắc tộc, các cháu thiếu nhi và các nhà dân chủ lâm nạn

Download PDF

PARIS, ngày 22.1.2009 (PTTPGQT) – Viện Hóa Đạo vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế 13 bản Phúc trình hoạt động của các Ban Đại Diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) tại các tỉnh thành miền Trung và miền Nam trong năm 2008. Vì năm âm lịch sắp hết, nên không thể chờ có đủ các bản phúc trình khác. Tạm thời xin căn cứ vào các phúc trình đã nhận làm bản tổng kết sơ bộ Phật sự trong nước năm vừa qua để đồng bào Phật tử và đồng bào các giới theo dõi.

Nhìn chung là nỗi khó khăn, bức hiếp, khủng bố do Nhà nước cộng sản gây ra cho tất cả các Ban Đại diện GHPGVNTN. Mặc dù sau khi thiết lập Giáo hội Phật giáo Nhà nước năm 1981 nhằm tiêu hủy thanh danh và cơ sở GHPGVNTN trong thực tế, nhưng Nhà nước Cộng sản không hề có văn bản chính thức giải thể GHPGVNTN. Thế nhưng việc khó khăn nhất của các Ban Đại diện là sự phủ nhận phi pháp của công an tại các địa phương, khi bị giới chuyên quyền lấn át phát ngôn rằng “GHPGVNTN bất hợp pháp”, các chùa viện cơ sở của GHPGVNTN là “phản động”. Nại cớ này mà công an cấm mọi hoạt động, lễ lượt tại các chùa thuộc GHPGVNTN, cấm tín đồ Phật tử đến chùa. Biện pháp hăm dọa trả thù, là không cấp các giấy tờ hành chính cần thiết, không cho con em đến học đường, hoặc đuổi sở làm những ai không tuân lệnh công an.

Trước các áp lực và khủng bố như thế, phản ứng của chư Tăng Ni đảm trách Ban Đại diện các tỉnh thành cũng như tín đồ Phật giáo là “bất tuân dân sự”. Nghĩa là Phật tử không tuân hành các cấm cản, hăm dọa của công an, các vị lãnh đạo hay thành viên Ban Đại diện thì tiếp tục tiến hành các lễ nghi tôn giáo và không đến trình diện làm việc tại cơ sở công an theo “Giấy mời”.

Vô hình trung hầu hết các bản Phúc trình đều kết thúc bằng chí nguyện sắc son, vô úy : “Hơn ba mươi năm Giáo hội nằm trong vòng bức tử của chế độ độc tài Cộng sản, nhưng GHPGVNTN vẫn tồn tại trong thực tế và sống còn trong lòng dân. Chúng con nguyện một lòng kiên trung, nguyện sống chết với lý tưởng phục hoạt GHPGVNTN, vận động dân chủ, nhân quyền và bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải, để phát huy truyền thống gắn bó của đạo Phật với dân tộc Việt Nam”.

Điểm son của sinh hoạt GHPGVNTN khắp nơi là duy trì sự tu học của đồng bào Phật tử, tổ chức các đại lễ truyền thống để tiếp nối nền văn hóa tâm linh của dân tộc, đào tạo Tăng tài qua các lớp Sơ đẳng, Trung đẳng và Cao đẳng Phật học ở hoàn cảnh mà nhà nước cộng sản âm mưu tiêu diệt mầm mống Tăng bảo, phát triển việc cứu tế Dân oan, các nhà dân chủ, các đồng bào nghèo khó vùng kinh hay vùng thượng, các học sinh nghèo. Đặc biệt nhất là đề án mà Hòa thượng Thích Quảng Độ cho khai mở lần đầu tiên tại Việt Nam “Qũy Xóa Đói Giảm Nghèo” nhằm cho người nghèo vay vốn làm ăn, không lấy lãi. Sau mỗi năm người vay hoàn trả cho Giáo hội để luân lưu cho những người nghèo khác vay. Chương trình này hiện đang phát triển tốt tại một số tỉnh miền Trung và miền cực Nam, gây nhiều hy vọng cho những người nghèo khó thân đơn thế cô.

Tiêu biểu những áp lực, sách nhiễu, khủng bố có thể thấy qua những ví dụ điển hình sau đây mà các bản phúc trình cho biết :

Tại Quảng Trị, trong tháng 4.2008, Công an tỉnh Quảng trị kết hợp các ban ngành đoàn thể Nhà nước đã cướp đất chùa, cướp máy vi tính cùng tám mươi ba triệu đồng VN và 1300 Mỹ kim là tiền Phật tử trong và ngoài nước cúng để trùng tu chùa Phước Huệ, trụ sở của Giáo hội. Mục đích gây sợ hãi để ngăn cản tín đồ đến lễ bái. Trước lễ Phật Đản, hôm 12.4, Công an thị xã Đông hà kết hợp với Ban tôn giáo tỉnh, Ủy ban Nhân dân Phường 5 vào chùa tháo gỡ những biểu ngữ có dòng chữ GHPGVNTN. Ngày 25 tháng 11, Ban đại diện cùng quý Đạo hữu trong chùa dẫn đoàn Từ thiện chùa Từ Hiếu ở Sài gòn ra cứu tế cho những người tàn tật huyện Gio linh. Lợi dụng sự bận rộn việc cứu tế, Công an thị xã Đông hà đến trường học Nguyễn Huệ xúi dục hai chú tiểu đang theo học lớp 9 viết đơn khiếu kiện với nội dung : “Chùa Phước Huệ hành hạ trẻ em”.

Tại Thừa thiên – Huế, phụng hành Thông tư của Viện Hoá Đạo về lễ cầu nguyện Rằm tháng Giêng Mậu Tý cho quốc thái dân an, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, và siêu độ hương linh oan hồn uổng tử trong chinh chiến 60 năm qua. Ban Đại Diện GHPGVNTN Thừa Thiên – Huế đã tổ chức vào ngày 14 tháng giêng Mậu Tý. Nhưng một ngày trước đó, Trưởng công an Phường An Cựu cùng một số nhân viên đến chùa Phước Thành ra lệnh cho Thượng tọa trú trì, Thích Chí Thắng, không được tổ chức lễ cầu nguyện. Sau đó gửi giấy mời Thượng tọa về phường làm việc, nhưng Thượng Toạ cương quyết không đi. Cũng trong ngày này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Mặt trận, Công an đến chùa Báo Quốc gặp Hoà Thượng Chánh Đại Diện, Thích Thiện Hạnh, yêu cầu Hoà Thượng huỷ bỏ lễ cầu nguyện. Nhưng Hoà thượng không chấp hành. Uy hiếp không xong, Công an, Mặt trận phân công nhau đến từng nhà các đạo hữu và các huynh trưởng Gia Đình Phật tử ra lệnh cấm không được tham dự lễ cầu an với lý do : Lễ cầu an do GHPGVNTN tổ chức là bất hợp pháp, ông Chí Thắng là tên phản động. Đặc biệt là GHPGVNTN “Lợi dụng lễ Cầu an để khơi dậy tết Mậu Thân và vấn đề Hoàng Sa ,Trường Sa”.

Nhưng cuộc lễ vẫn tiến hành thành công tốt đẹp nhờ phong thái Bi, Trí, Dũng của chư Tăng Ni và Phật tử, dù Công an cho người đến quây phim, khiêu khích gây hỗn loạn.

Đại lễ Phật Đản 2552 cũng bị ngăn cấm và áp lực tương tự, nhưng Ban Đại diện Thừa thiên – Huế vẫn cử hành trang trọng tại Tổ đình Quốc Ân. Ngoài lễ đài chính còn dựng các tiểu cảnh vườn Lâm Tỳ Ni, Phật nhập Niết Bàn, vườn Lộc uyển, bánh xe Chuyển pháp luân trên quả địa cầu có ghi dòng chữ GHPGVNTN làm cho Phật tử Huế vui mừng, hưng phấn. Ngoài ra, các Lễ đài Phật Đản cũng được dựng và cử hành đồng lúc tại các chùa Phước Thành, Phước Hải, Phật Quang, Phước Nguyên, Long Quang. Lễ đài Chùa Long Quang là Lễ đài của 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền nên tín đồ tập trung về rất đông.

Ban Đại diện cũng đã thành công tổ chức Đại Giới Đàn Phước Huệ trong 2 ngày 8 và 9 tháng 4 âm lịch tại Tổ đình Quốc Ân, để truyền trao giới pháp cho 22 vị tân Tỳ Kheo, là tăng sinh lớp Cao Đẳng Phật Học Thừa Thiên – Huế, 53 giới tử Cư sĩ thọ Thập Thiện, 21 giới tử thọ Bồ Tát tại gia gồm các Cư sĩ và huynh trưởng Gia đình Phật tử. Đại giới đàn đem lại cho Tăng tín đồ Huế niềm tin vững chắc vào GHPGVNTN.

An Cư Kiết Hạ và Lễ Tự Tứ cũng được tổ chức thành công viên mãn tại Chùa Linh Quang gồm có 128 vị Tỳ kheo, 60 vị Sa di tập sự, và do Hoà Thượng Thích Như Đạt làm y chỉ cho mùa An Cư.

Mặc dù các chùa viện bị phong tỏa, điện thoại bị cắt, chư Tăng Ni, Phật tự bị cấm đoán lên đường khi hay tin đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang viên tịch, nhưng ngày mồng 7/7 Ban Đại Diện tổ chức Lễ Thọ Tang tại Tổ Đình Quốc Ân. Tăng tín đồ vân tập về rất đông. Hương án thờ Đức Tăng Thống được duy trì cho đến ngày nhập tháp. Hằng ngày đều có khoá lễ Tụng Kinh cầu nguyện của Chư Tăng. Sang ngày 10/7 Ban Đại Diện tổ chức 8 xe lớn cho Tăng Tín đồ về Bình Định dự Lễ Nhập Tháp đức cố Tăng Thống. Ban Hướng Dẫn cùng các Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật tử Thừa thiên – Huế được Hoà Thượng Chánh Đại Diện chỉ thị thường trực tại Tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Định suốt thời gian tang lễ.

Về công tác từ thiện xã hội, Ban Đại Diện tổ chức tặng quà cho 100 em học sinh lâm hoàn cảnh khó khăn, và 400 phần quà cho bệnh nhân ở 3 khoa Ung bứu, Cấp cứu Hồi ức và Khoa Lao tại Bệnh Viện Trung Ương Huế. Công an ngăn cản các Thượng tọa Thích Chí Thắng, Thích Chơn Niệm, 3 Tăng sinh cùng 15 đạo hữu vào Bệnh Viện Trung Ương Huế trao quà. Nhưng các đạo hữu Cư sĩ đã thay thế liên tục vào phát quà cho bệnh nhân.

Công tác giáo dục đào luyện chư Tăng là nét đặc thù của Phật giáo Huế. Ban Đại Diện Thừa Thiên Huế vẫn duy trì dạy dỗ cho Tăng Sinh ở 3 cấp Sơ Đẳng, Trung Đẳng và Cao Đẳng Phật học. Thời gian các lớp học là : Sơ đẳng 3 năm, Trung đẳng 3 năm, Cao đẳng 5 năm. Trước kia các các lớp học đặt tại chùa Từ Hiếu. Nhưng năm 2005 có sự cố Sư Ông Nhất Hạnh về Huế bó buộc Tăng sinh phải tu học, chấp hành theo giáo phái Làng Mai. Nếu ai không chấp trì thì không được cư ngụ chùa Từ Hiếu, là sở hữu chủ của Sư Ông. Do đó mà trên 50 Tăng sinh quyết tâm tu học theo đường lối truyền thống của Phật giáo Huế bị đuổi khỏi chùa Từ Hiếu, không nơi nương tựa. Ban Đại diện GHPGVNTN phải đưa các Tăng sinh về chùa Thuyền Lâm. Do cơ sở ở đây chật hẹp, phải dời sang chùa Kim Quang. Nhưng được vài tuần thì Công an khủng bố Thượng toạ trụ trì chùa Kim Quang, bắt buộc phải giải tán các lớp học. Công An còn đến các chùa khác của Giáo hội đe dọa, cấm không được tàng trữ Tăng sinh tham gia học tập với ông Thiện Hạnh. Cuối cùng Ban Đại Diện quyết định đem về giảng dạy tại văn phòng Ban Đại Diện ở chùa Phước Thành của Thượng tọa Thích Chí Thắng. Hiện nay 3 lớp Sơ Đẳng, Trung Đẳng và Cao Đẳng tiếp tục tu học tại đây, mỗi lớp có từ 25 đến 40 Tăng sinh.

Tại Quảng Nam – Đà Nẵng, tờ trình cho biết “suốt hơn 30 năm qua chính quyền các cấp thành phố Đà Nẵng đã dùng đủ mọi thủ đoạn tinh vi khủng bố, đàn áp, hăm dọa Ban Đại diện cũng như Tăng tín đồ Phật Giáo thuộc GHPGVNTN. Nhưng nhờ Long Thần Hộ Pháp che chở hộ trì cũng như noi gương Nhị vị lãnh đạo, là đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, để kiên cường vượt qua và tiếp tục phụng sự GHPGVNTN và dân tộc”.

Tờ trình cũng cho biết : Ban Đại diện Quảng Nam – Đà Nẵng “thực hiện tất cả các chủ trương đường hướng mà Viện Hóa Đạo chỉ thị hướng dẫn. Tổ chức đại lễ Phật Đản và Vu Lan 2552 đúng như tinh thần của Viện. Thực hiện các công tác từ thiện do Tổng Vụ Từ Thiện Xã Hội và sự hỗ trợ của chùa Từ Hiếu thành phố Sài Gòn. Thường xuyên thăm viếng người già neo đơn, bịnh tật và các thành viên đau ốm. Hoàn thành đề án chương trình “Cho Vay Xóa Đói Giảm Nghèo” do Hòa thượng Viện Trưởng chỉ đạo (được 48 thành viên trong tỉnh vay vốn). Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật tử tỉnh tổ chức một khóa huấn luyện huynh trưởng cấp 2 Huyền Trang, có 50 Huynh trưởng tham dự và đã kết khóa. Đặc biệt trong suốt thời gian tang lễ Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống, toàn Ban Đại diện cũng như Ban Hướng dẫn và huynh trưởng Gia Đình Phật tử đều về Bình Định tham dự, phục vụ đông đủ”.

Ba sự cố nghiêm trọng nhất trong năm 2008, là Đại lễ Phật Đản và Vu Lan 2552, hai buổi lễ trọng đại diễn ra suốt một tuần lễ từ mùng tám cho đến ngày rằm. Ngay lúc khai kinh công an đã mời Thượng tọa Chánh Đại diện đến làm việc. Công an cáo buộc GHPGVNTN là tổ chức bất hợp pháp nên cấm Tăng Ni Phật Tử đến chùa Giác Minh dự lễ, cấm đọc Thông điệp của Viện Hóa Đạo. Từ mùng 8 đến chiều ngày 14, ngày nào công an cũng canh gác trước cổng chùa, theo dõi chụp hình quay phim những ai vào chùa và hô hoán, hăm dọa. Ngày rằm họ điều động hàng trăm công an chặn tất cả các lối vào chùa, ngăn cản người và xe đi dự lễ, đồn công an trước cổng chùa dùng loa phóng thanh cực mạnh hướng vào chùa, mở hết công suất để lấn át tiếng đọc thông điệp và tiếng tụng kinh.

Lễ Vu Lan ngày rằm tháng 7 công an hành xử quyết liệt hơn. Ngoài việc chặn các lối vào chùa, họ còn kiếm cớ giam giữ xe máy, và tệ hại hơn, công an cấm con cháu chở xe các cụ già yếu đuối, bệnh hoạn đến chùa dự lễ.

Công an đến nhà anh Lưu Năm, thành viên Ban Đại diện, hăm dọa gia đình anh Năm trong lúc anh đi vắng. Sau đó buộc anh đến đồn làm việc và cho biết “theo GHPGVNTN là phạm pháp”. Công an chất vấn anh Năm : “Ai thiết kế quả địa cầu” ?, ai viết dòng chữ “Vì Chúng Sanh Bị Khổ Nhục Áp Bức Bất Công Ta Mới Ra Đời” ? Ai kẻ chữ “GHPGVNTN ? Anh trả lời : “Tôi làm” rồi khẳng định “Tôi không bao giờ từ bỏ GHPGVNTN vì nó đã ăn sâu vào máu thịt của tôi”. Mặc dù công an đến chùa Giác Minh yêu cầu Thượng tọa Thích Thanh Quang chấp hành pháp lịnh của họ, là không được trang trí lễ đài, không treo biểu tượng băng rôn GHPGVNTN, không đọc thông điệp của Viện Hóa Đạo, không cho Phật tử ngoài tỉnh đến cúng dường và hành lễ. Nhưng Thượng tọa Chánh Ban Đại diện đã bất tuân các lịnh nêu trên, an nhiên cử hành các nghi lễ truyền thống.

Sự cố thứ ba, là trong hai ngày 7 và 8 tháng 10, công an Đà Nẵng mời anh Lưu Năm và chị Nguyễn thị Chi, Huynh Trưởng Gia Đình Phật tử và thành viên Ban Đại diện đến đồn làm việc, hăm dọa không được tham gia GHPGVNTN. Nhưng hai anh chị khẳng khái bác bỏ.

Tại Bình Định, việc sách nhiễu, khủng bố, ngăn cản hoạt động tôn giáo của Ban Đại diện y hệt như các tỉnh vừa nói trên. Tuy nhiên sự đóng góp của Ban Đại diện rất lớn lao trong việc hậu thuẫn Hội đồng Lưỡng Viện, GHPGVNTN, tổ chức viên mãn tang lễ Đức cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang.

Tại Phú Yên, do sự khủng bố gắt gao của nhà cầm quyền địa phương, Ban Đại diện không thể thực hiện các Phật sự dự trù. Những ngày lễ lớn hằng năm như Tết Nguyên Đán, Phật Đản, Vu Lan bị công an ngăn cấm, ai đến chùa đều bị bắt về Ủy ban nhân dân xã, hạch hỏi và hăm dọa. Nên chùa trống vắng không ai dám đến so với trước kia có hàng trăm Phật tử thường xuyên tham dự. Riêng các thành viên Ban Đại diện thì không ngớt bị mời đi “làm việc”, hạch hỏi, sách nhiễu.

Tại Lâm Đồng, toàn Ban Đại diện “nhất tâm khâm tuân Giáo Chỉ số 9 của Đức cố Đệ Tứ Tăng Thống nhằm củng cố nhân sự, một lòng trung kiên với Hòa Thượng Viện Trưởng Thích Quảng Độ và Hội Đồng Lưỡng Viện, đấu tranh đòi Nhà nước trao trả quyền Pháp lý cho Giáo Hội. Thế nhưng tình hình Phật sự tại đây rất căng thẳng do phía Nhà nước và Giáo Hội Phật Giáo Nhà nước tạo ra. Đặc biệt khống chế không cho Ban Đại diện tổ chức lễ Phật Đản. Mặt khác còn lộng hành chiếm lấy ngôi chùa Giác Hải ở huyện Đơn Dương do Thượng tọa Thích Trí Khải trú trì và xây cất từ trước năm 1975. Nhà nước dùng vị trí chùa để tổ chức lễ Phật Đản gọi là LHQ, mượn cớ này xóa tên GHPGVNTN.

Nhà nước dùng bạo lực công an truất quyền trú trì của Thượng tọa Thích Trí Khải, cách ly Thượng tọa vào một căn phòng nhỏ, và giao cho Hòa thượng Pháp Chiếu thuộc giáo hội Nhà nước cai quản. Trước hiện trạng bất công này, Thượng tọa Thích Như Tấn, Chánh Ban Đại diện và Hòa thượng Thích Tâm Mãn ở huyện Đức trọng đến can thiệp. Nhưng bị Công an bắt, cưỡng chế đi làm việc suốt mấy tuần lễ. Sau đó hăm dọa cấm không được trở lại huyện Đơn Dương, nếu không họ sẽ “thịt” !

Từ đó đến nay Thượng tọa Thích Trí Khải bị mất tích, không ai biết mệnh hệ Thượng tọa ra sao.

Tại Đồng Nai, tình hình diễn tiến và công tác Phật sự đang lâm tình huống bị nhà cầm quyền cộng sản ra sức ám hại chùa Ba La Mật, là trụ sở của Ban Đại diện. Suốt 2 năm 2007 – 2008, công an ngăn cản không cho phật tử đi lễ Phật và xúi dục một số sư quốc doanh đến lấy cắp cờ Phật Giáo, phá bảng trước cổng chùa, dùng đất đắp mô, và rải mảnh chai trên lối đi. Chùa bị phong tỏa 24 giờ trên 24 giờ thời gian đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang viên tịch cho tới 100 ngày tuần thất, Công an phong tỏa 24 giờ trên 24 giờ, ngăn không cho Hòa thượng Chánh đại diện ra khỏi chùa Ba La Mật đi Bình Định thọ tang.

Ngày 14/10 công an xã Chu Hải tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu áp tải Hòa thượng Thích Nhật Ban, Chánh Đại Diện, từ chùa Phật Quang bắt đi làm việc, đánh đập, hỏi tra, liên quan các vụ việc biên giới, hải đảo, cũng như diễn tiến phục hoạt GHPGVNTN, cùng với cuộc vận động cho nhân quyền, dân chủ của giáo hội.

Liên tục suốt 2 tháng cuối năm 2008, bao nhiêu áp đảo rùng rợn, cho thấy nhà cầm quyền độc đảng ác đức, xúi giục những tên du côn bụi đời có tên Mai Gia Cử và Mai Chí Cường, chận đánh và hành hung thợ quét vôi, rồi cào cấu đập phá hoa kiểng, xông vào chùa đập bể lung tung. Hằng đêm ném đá trên mái chùa, phá loa phóng thanh dùng để tụng kinh.

Đúng vào ngày 10/12 kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, công an Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng PA 38 tỉnh Đồng Nai và một số nhân viên thừa sai đột nhập chùa Ba La Mật gây áp lực và hăm dọa đủ điều.

Kết thúc bản phúc trình, Hòa thượng Chánh Đại diện viết : “Ban Đại Diện tỉnh Đồng Nai chúng con luôn kiên định giữ vững lập trường, trung thành với GHPGVNTN, dù hoàn cảnh nhiễu nhương, khủng bố đến mức độ nào. Chúng con coi như đây là hạnh nguyện Bồ Tát Đạo, Bồ Tát Hạnh trên đà tiến thủ của cuộc đời tu trì”.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban Đại diện cùng các đệ tử Cận sự cố gắng vươn lên khỏi mọi khó khăn, đàn áp, mặc bao việc đi lại bị công an giám sát, cản trở. Nhưng các ngày lễ lớn vẫn được tổ chức cung kính, trang nghiêm, quy tụ đông đảo Phật tử. Như ngày rằm tháng Tư Phật Đản, hơn ba trăm Tăng Ni, Phật tử dự lễ. Ngày rằm tháng Bảy tổ chức Cầu siêu Bạt Độ và Cầu Quốc thái dân an, lại có phát quà tình thương trị giá 20 triệu đồng.

Hàng tháng chùa tổ chức Bát quan trai cho đồng bào Phật tử vào dịp rằm và ba mươi. Ngoài ra, Ban Đại diện đã giúp đồng bào bệnh chết, làm nhà, tri ghe, bất phân tín ngưỡng, phát quà cho con em học sinh nghèo, cứu trợ đồng bào miền Trung ở Gia Lai và Đắc Lắc.

Tại Tiền Giang, tình hình chung bị Nhà nước cộng sản đánh phá sau khi Ban Đại diện Tiền Giang ra đời và nhất là sau ngày đi cứu trợ Dân Oan tại Văn phòng 2 Quốc Hội ở Sài Gòn với Hòa thượng Viện Trưởng Thích Quảng Độ tháng 7.2007. Nhà Nước Cộng Sản tung chiến dịch rầm rộ, thông qua truyền thông, báo, đài, Công an, Mặt trận, đoàn thể trực thuộc các cấp, kể cả Giáo hội Phật giáo Nhà nước để mạ lỵ, lên án Hòa Thượng Viện trưởng cùng các thành viên Ban Đại diện Tiền Giang.

Tại địa phương thì tổ chức mít tinh huy động quần chúng và phật tử chụp mũ, mạ lỵ cá nhân, lên án GHPGVNTN là phản động “bất hợp pháp”. Đồng thời hăm he, hù dọa, cấm Tăng ni, phật tử không được quan hệ với Ban Đại diện, bắt ép các thành viên phải làm cam kết rời bỏ GHPGVNTN. Ai quan hệ sẽ bị xử lý nặng, ai tham gia sẽ bị trục xuất khỏi chùa. Thượng tọa Chánh Đại Diện, Thích Minh Nguyệt, hơn 10 lần bị bắt đi làm việc, nhưng Thượng tọa không chịu khuất phục chính quyền. Trái lại, Kháng thư của Ban Đại diện đã được phổ biến khắp các tầng lớp nhân dân, gây tác động. Nhất là được Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế loan tải và can thiệp hữu hiệu, khiến công an không dám hành xử mạnh hơn. Nhờ vậy, Tăng Ni, Phật Tử lúc đầu có hoang mang, lo lắng, nhưng sau đó đồng bào đã thấy rõ sự gian trá, lừa mị theo sách lược của Nhà Nước Cộng Sản, nên không còn sợ hãi. Tình hình sinh hoạt các chùa dần dà trở lại bình thường.

Ban Đại diện thường xuyên giữ mối liên lạc với các thành viên, thăm viếng, động viên, củng cố tinh thần, phổ biến tin tức, giải thích cho Tăng ni phật tử đề cao cảnh giác trước âm mưu thâm độc, ly gián, cài người vào nội bộ giáo hội. Tuy nhiên vì hoàn cảnh bị bức ép quá, 2 thành viên bị buộc làm đơn cam kết rời bỏ giáo hội.

Về Từ thiện Xã hội, Ban Đại diện đã cứu trợ nạn nhân cơn bão số 5 tại sáu xã ven biển, tổng số 130 triệu đồng, cứu trợ 27 hộ bị gió lốc, tổng số 27 triệu đồng, xây một căn nhà cho một phật tử nghèo 6 triệu đồng, giúp một phế binh và Dân oan 1 chiếc xuồng và 3 triệu đồng, giúp thương phế binh 1 chiếc xe lắc và 3 triệu đồng, giúp 5 học bổng cho các cháu 5 triệu đồng, và trang bị máy vi tính cho văn phòng.

Mặt khác, thực hiện “Chương Trình Xóa Đói Giảm Nghèo” hai đợt 100 triệu đồng theo đề án cho vay không lãi của Hòa thgượng Thích Quảng Độ nhằm phân phối cho người nghèo gặp khó khăn mượn vốn buôn bán kiếm sống từ 5 trăm nghìn đến 1 triệu đồng.

Riêng tại các chùa Hồng Liên, Bửu Thắng, An Tân, Phước Thiện, cũng tự vận động phật tử hảo tâm, mỗi năm ít nhất 3 lần phát quà chẩn tế dân nghèo. Tổng cộng trên 80 triệu đồng. Chùa Hồng Liên đã tặng cho học sinh nghèo trong năm 2008, hai lần gồm 4 trăm phần quà trị giá 5 triệu đồng.

Những khó khăn tồn tại là Nhà nước cộng sản vẫn đeo đuổi kế hoạch đánh phá GHPGVNTN không cho phục hoạt, tận dụng mọi phương tiện, công cụ, nhằm tuyên truyền mạ lị, vu khống, theo dõi, lũng đoạn, mua chuộc để trấn áp. Dùng lực lượng Công an, Mặt Trận, Giáo Hội Quốc Doanh để khống chế từng thành viên, từng cơ sở, hù dọa từng phật tử nhẹ dạ để cô lập các tự viện trong Giáo hội thống nhất, nhất là tạo áp lực về mặt kinh tế, tài chính.

Ngoài ra, ngăn cấm không cho làm từ thiện, không cho xây dựng chánh điện chùa Hồng liên, là nơi trụ trì của Thượng tọa Chánh đại diện Thích Minh Nguyệt . Riêng trong tháng 10, xã ấp cắt điện chùa Hồng Liên trên 15 ngày.

Cụ thể cho thấy nơi nào, thành viên nào cương quyết giữ vững lập trường mạnh mẽ đấu tranh, chấp nhận mọi hù dọa, thì công an chuyển sang thái độ êm dịu, hoặc tìm cách mua chuộc, lôi kéo.

Hoạt động của Tổng vụ Thanh niên và Gia Đình Phật tử Vụ :

Nhận định chung là tổ chức Gia Đình Phật tử Việt Nam (GĐPTVN) đang có hai thuận lợi lớn. Một là được thừa hưởng sự quan tâm trực tiếp của Hội Đồng Lưỡng Viện, Chư Tôn Cố Vấn Giáo Hạnh và Ban Đại Diện Giáo Hội tại các địa phương. Thuận lợi thứ hai là hàng ngũ Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử dần dần được trong sạch hóa, nên trên dưới một lòng, quyết tâm bảo vệ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, Tổ quốc Việt Nam và Dân tộc Việt Nam theo đúng đường hướng Hội Đồng Lưỡng Viện đề ra, và quyết tâm tranh đấu phục hoạt GHPGVNTN.

Về phía nhà cầm quyền Cộng sản, sau các đợt khủng bố, đàn áp cá nhân Huynh trưởng GĐPTVN bất thành, Nhà nước chuyển hướng tấn công vào cha mẹ, vợ con và nhất là công việc làm ăn sinh sống, học hành thi cử của con cái. Đòn thâm độc dùng người thân đánh người thân nầy đã gây khủng hoảng cho nhiều gia đình anh chị em Huynh trưởng, đến nay vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.

Anh chị em vẫn thường xuyên bị đe dọa, khủng bố, bị áp lực từ bỏ GHPGVNTN, mà 2 Huynh trưởng Lưu Năm và Nguyễn Thị Chi thuộc Ban Hướng Dẫn Quảng Nam – Đà Nẵng trong tháng 10 vừa qua là một điển hình. Song song với việc triệt tiêu tổ chức Gia Đình Phật tử Việt Nam Truyền Thống, Nhà nước công khai yểm trợ cho tổ chức Gia Đình Phật tử của 2 anh Nguyễn Châu và Nguyễn Sỹ Thiều phát triển, đồng thời dọa dẫm, rỉ tai để lôi kéo các huynh trưởng về với tổ chức Nhà nước chống phá GHPGVNTN, gây phân hóa trong hàng ngũ Gia Đình Phật tử Truyền thống.

Trong nội bộ Phật giáo, thì một số Tăng ni dung dưỡng, bảo bọc cho tổ chức theo Nhà nước của anh Nguyễn Châu và Nguyễn Sỷ Thiều, tạo cơ sở cho các tổ chức nầy chống phá GHPGVNTN. Cụ thể là việc Hòa thượng Thích Đức Chơn thành lập Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh GĐPTVN tại chùa Già Lam ở Saigon, và Thượng tọa Thích Thái Hòa cùng một số Tăng Ni Cố Vấn cho tổ chức của anh Nguyễn Sỹ Thiều tại Huế.

Một số tỉnh do chưa có Ban Đại Diện GHPGVNTN nên Gia Đình Phật tử chưa có nơi nương tựa như ở Đắc Lắc, Bình Phước. Nên các nơi này mọi sinh hoạt phải liên hệ với Tổng Vụ Thanh Niên và Gia Đình Phật tử Vụ. Trái lại, tại một số tỉnh tuy có Ban Đại Diện nhưng lâm hoàn cảnh nghiệt ngã vì bị khủng bố nên Gia Đình Phật tử cùng chịu chung số phận.

Tuy gặp bao chướng duyên như thế, Gia Đình Phật tử Việt Nam cũng đã hoàn thành những sinh hoạt cụ thể. Thường Vụ Ban Hướng dẫn Trung ương vẫn sinh hoạt đều đặn mỗi tuần một kỳ với Tổng Vụ Thanh Niên tại Văn phòng chùa Giác Minh để phổ cập tin tức, liên hệ với các Ban Hướng dẫn các tỉnh giải quyết những công việc cần thiết. Duy trì 11 Ban Hướng Dẫn tại các tỉnh thành và Đại Diện Ban Hướng dẫn Trung ương tại 5 Miền giáo hội.

Tổ chức 3 lần Lễ Thọ cấp cho Huynh trưởng Gia Đình Phật tử phía Nam tại Chùa Giác Hoa, Saigon, do đích thân Hòa thượng Viện Trưởng chứng Minh, tại chùa Giác Minh, Đà Nẵng, cho các Huynh trưởng Quảng Nam – Đà Nẵng, do Thượng tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng vụ Thanh niên chứng Minh, và tại chùa Phước Thành, Huế, cho các Huynh trưởng Thừa Thiên và Quảng Trị dưới sự chứng Minh của Hòa thượng Chánh Thư Ký Viện Tăng thống kiêm Chánh Đại Diện Thừa thiên – Huế, Thích Thiện Hạnh.

Một Hội nghị Huynh trưởng thu hẹp tổ chức tại Chùa Giác Hoa, Saigon, để giải quyết các công việc trên toàn quốc, đồng thời tu chính Nội Qui Gia Đình Phật tử Việt Nam (GĐPTVN) và Qui Chế Huynh trưởng GĐPTVN. Hội nghị được Hòa thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo chứng minh và ban Đạo Từ.

Khai mạc và Tổng kết các Trại Huấn luyện Huynh trưởng Cấp II Huyền Trang do Ban Hướng Dẫn Quảng Nam – Đà Nẵng và Ban Hướng Dẫn Thừa Thiên tổ chức.

Liên hệ chặt chẽ với Tân Ban Hướng Dẫn GĐPTVN tại Hoa Kỳ để có những sinh hoạt cơ bản theo tinh thần Hiến Chương GHPGVNTN và Nội Qui GĐPTVN để hướng đến sự sinh hoạt thống nhất giữa Quốc nội và các Châu lục.

Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các Ban Hướng Dẫn tỉnh cũng như tại các quận huyện ở hai tỉnh Thừa thiên – Huế và Quảng Nam – Đà Nẵng tương đối ổn định và sinh hoạt nề nếp. Các Ban Hướng Dẫn khác như Quảng Trị, Quảng Đức, đang phát huy sinh hoạt dưới sự bảo bọc của Ban Đại Diện GHPGVNTN địa phương. Các Ban Hướng Dẫn Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng, v.v… đang tùy thuộc vào sinh hoạt các ban Đại Diên Tỉnh Giáo Hội. Riêng Ban Hướng Dẫn Đắc Lắc sinh hoạt trực tiếp với Tổng Vụ Thanh niên và GĐPT Vụ, đã tham dự thọ cấp, và gởi Huynh trưởng đi huấn luyện tại các tỉnh bạn để tăng cường nhân sự.

Tại các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Quảng Đức việc tu học, huấn luyện được thực hiện với quyết tâm của Anh Chị Em Huynh trưởng. Đặc biệt là khóa Huấn Luyện Huynh trưởng Huyền Trang của Quảng Nam – Đà Nẵng với 43 Huynh trưởng tham dự và bế giảng ngày lễ Thành Đạo vừa qua. Đồng thời khóa huấn luyện Huyền trang 2008 do Ban Hướng Dẫn Thừa Thiên tổ chức tại chùa Long Quang có 47 Huynh trưởng trại sinh, trong đó có 3 trại sinh thuộc GĐPT Quảng Trị và 2 trại sinh thuộc GĐPT Đắc Lắc.

Các sinh hoạt truyền thống tại các địa phương, thì GĐPT đã góp phần vào việc thực hiện các buổi Lễ Truyền Thống như Phật Đản, Vu Lan, Thành Đạo, v.v… Đặc biệt năm nay, GĐPT Thừa Thiên đã hiệp lực thực hiện Lễ đài Phật Đản ở Tổ đình Quốc Ân, Huế, với sự tham gia của 1000 huynh trưởng và đoàn viên GĐPT, hoặc dâng hoa cúng dường ngày Tự Tứ của Chư Tăng và phát quà Vu Lan cho các em Oanh Vũ có gia cảnh khó khăn.

Riêng tại Quảng Nam – Đà Nẵng Lễ Vu Lan bị công an phong tỏa chùa Giác Minh, cấm tất cả Phật Tử đến dự lễ, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nhưng anh chị em Huynh trưởng đã tìm cách vào Chùa cùng với Thượng tọa Chánh Đại diện cử hành cho bằng được ngày Hiếu Hạnh của Phật Tử Việt Nam. Tại Thừa Thiên Huế năm nay Ban Hướng Dẫn đã tổ chức được ngày Hạnh (Lễ vía Đức Quán Thế Âm 19.6.âl) với 600 Nữ Huynh trưởng và đoàn sinh Thiếu nữ tham dự tại Chùa Huyền Không Sơn Thượng. Đây là nỗ lực tạo niềm tin cho GĐPT sau những xáo trộn vừa qua.

Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng và Quảng Trị đã hiệp lực cùng các Ban Đại Diện địa phương tổ chức trang trọng Lễ Cầu Nguyện Rằm Tháng Giêng cho Quốc Thái Dân An, Siêu Thoát cho những người đã chết trong các cuộc chiến, nhất là biến cố Mậu Thân và cho sự vẹn toàn Lãnh thổ, Lãnh hải.

Vào dịp Tang lễ Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, trước sự xuyên tạc và tìm cách ngăn chận của nhà cầm quyền cộng sản, anh chị em Huynh trưởng GĐPT vẫn quyết tâm đến Nguyên Thiều phục vụ Tang Lễ Ngài. Mỗi ngày tại Tu viện Nguyên Thiều có 40 Huynh trưởng được Hội Đồng Lưỡng Viện giao phó túc trực tại Linh Đường, bảo vệ Hội đồng Lưỡng Viện, và giữ trật tự tổng quát tại tang lễ. Ngày nhập tháp hơn 200 Huynh trưởng tham dự và nhận trọng trách giữ an ninh, trật tự trên đường di chuyển Kim quang, ngăn không cho các phần tử gây rối lên khu vực Bảo tháp.

Trên phương diện xã hội, GĐPT nhận trọng trách điều phối “Qũy Xóa Đói Giảm Nghèo” theo đề án của Hòa thượng Thích Quảng Độ. Qũy này cho người nghèo vay vốn làm ăn, không lấy lãi. Ban Hướng Dẫn GĐPT các địa phương đã cùng Ban Đại Diện GHPGVNTN tại các tỉnh điều phối cho các đối tượng vay không lãi, đến nay đã tròn 1 năm. Theo huấn thị của Hòa Thượng Viện Trưởng cho gia hạn hoàn trả thêm một năm nữa (tức là đến tháng 12.2009).

Phúc trình Quý 4 của Tổng vụ Từ thiện Xã hội, Viện Hóa Đạo :

Hòa thượng Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội, cho biết quý 4, Tổng vụ đã cứu trợ cho những nhà dân chủ, tu sĩ bị đàn áp, cùng cứu trợ cho Dân Oan người Chăm ở Phan Rang, người Việt ở miền Bắc và Dân Oan tại các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Bình Thuận, Long An, Sóc Trăng, Bến Tre, tất cả là :

– Tháng 10 : Tám mươi lăm triệu tám trăm năm mươi nghìn đồng (85.850.000$VN) ;
– Tháng 11 : Chín mươi tám triệu một trăm nghìn đồng (98.100.000$VN) ;
– Tháng 12 : Một trăm bảy triệu hai trăm hai mươi lăm nghìn đồng (107.225.000$VN).

Tổng cộng cứu trợ qúy 4 là Hai trăm chín mươi mốt triệu một trăm bảy mươi lăm nghìn đồng (291.175.000$VN).

Việc cứu trợ Dân Oan trong bốn qúy năm 2008 là Một tỉ hai trăm bảy mươi lăm triệu bảy mươi lăm nghìn đồng (1.275.075.000$VN).

Cứu trợ đồng bào nghèo trong năm 2008 : Chín mươi hai triệu năm trăm nghìn đồng (92.500.000$VN). Nhân Lễ Phật Đản, cứu trợ bệnh nhân Ung Bướu, Bệnh viện Nhi Đồng trong năm 2008, là : Một trăm năm mươi triệu đồng (150.000.000$VN). Nhân dịp Lễ Vu Lan, cứu trợ đồng bào Sắc tộc nghèo Cao Nguyên trong năm 2008, là Một trăm mười bốn triệu bốn trăm mười nghìn đồng (114.410.000$VN).

Tổng cộng ba nố cứu trợ từ thiện trên đây, là Ba trăm năm mươi sáu triệu chín trăm mười nghìn đồng (356.910.000$VN).

Theo Thượng Tọa Tổng Thủ quỹ Viện Hóa Đạo cho biết, thì quỹ Từ thiện Xã hội hiện còn : Năm trăm Gia kim (500$CA) và Một nghìn năm trăm chín mươi tám Mỹ kim và 4 xu (1,598.04 USD).

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế làm tổng kết hoạt động năm 2008 của GHPGVNTN trong nước dựa vào các bản Phúc trình của các vị Chánh Đại diện GHPGVNTN tại các tỉnh : Quảng Trị, Đại đức Thích Từ Giáo ; Thừa thiên – Huế, Thượng tọa Thích Chí Thắng, thừa ủy nhiệm Hòa thượng Chánh Đại diện ; Quảng Nam – Đà Nẵng, Thượng tọa Thích Thanh Quang ; Bình Định, Hòa thượng Thích Tâm Liên ; Phú Yên, Đại đức Thích Giác Hiếu ; Lâm Đồng, Thượng tọa Thích Như Tấn ; Đồng Nai, Hòa thượng Thích Nhật Ban ; Bà Rịa – Vũng Tàu, Hòa thượng Thích Trừng Thể ; Tiền Giang, Thượng tọa Thích Minh Nguyệt ; Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh Niên, Thượng tọa Thích Thanh Quang ; Tổng thư ký Gia Đình Phật tử Vụ, Tâm Hoành Đoàn Thanh Thông ; Trưởng ban Hướng dẫn Gia Đình Phật tử Thừa thiên – Huế, Nguyên Quang Nguyễn Tất Trực ; và Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội, Hòa thượng Thích Không Tánh.

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *