Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Mục tiêu cao cả của bậc Cao Tăng đất Việt, ông Thor Halvorssen viết về Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ

Mục tiêu cao cả của bậc Cao Tăng đất Việt, ông Thor Halvorssen viết về Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ

Download PDF


PARIS, ngày 27.4.2010 (PTTPGQT) – Ngày 16.3 vừa qua, ông Thor Halvorssen, Chủ tịch Sáng hội Nhân quyền nổi danh có trụ sở đặt tại thành phố New York, Hoa Kỳ (New York-based Human Rights Foundation), đồng thời cũng là người sáng lập Diễn Đàn Tự do Oslo (The Oslo Freedom Forum) đến Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon vấn an Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, mời Hòa thượng sang dự Hội nghị Diễn Đàn Tự do Oslo tổ chức tại thủ đô Oslo, Vương quốc Na Uy ngày 28.4. Nhưng hiển nhiên trong tình trạng quản chế hiện nay, Hòa thượng không thể rời nước.

Ông Thor Halvorssen
Ông Thor Halvorssen

Do đó, ông đã có dịp hàn huyên với Hòa thượng trong vòng ba tiếng đồng hồ về hiện trạng nhân quyền và đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Cuộc nói chuyện đã biến thành cuộc phỏng vấn có ghi hình.

Thế nhưng vào lúc xế trưa, vừa ra khỏi Thanh Minh Thiền viện, ông Thor Halvorssen liền bị bốn công an mặc thường phục nhảy xô đến, miệng vừa la hét “Tại sao mày vào chùa ? Mày vào chùa làm gì ?” tay vừa thụi vào lưng ông đến bầm tím. Chúng áp giải ông về đồn công an quận Phú Nhuận. Tại đây một sĩ quan vai đeo lon năm sao thẩm vấn suốt 90 phút bằng tiếng Anh, vẫn là những câu hỏi không ngừng : “Tại sao vào chùa… Vào chùa để làm gì ?, v.v…”. Ông Thor Halvorssen giải thích rằng ông là Phật tử, nên thấy chùa là ông vào thăm. Sĩ quan Công an bảo rằng : “Thanh Minh Thiền viện không phải là chùa thật, không được Nhà nước công nhận, tại sao không vào các chùa khác ?” Ông Thor Halvorssen chỉ được trả tự do khi ông nói thẳng với Công an rằng “Không thả tôi ra các ông sẽ gặp khó chứ tôi chẳng bị khó khăn gì đâu”. Qua cuộc điện đàm ông cho Phòng Thông tin Phật giáo Quốc biết là rất đông công an mặc thường phục cũng như sắc phục theo dõi thường trực trước mặt tiền Thanh Minh Thiền Viện.

Sự kiện nói trên đã được ông Võ Văn Ái ghi nhận trong văn bản gửi đến cuộc điều trần của Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos tổ chức tại Quốc hội Hoa Kỳ ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn hôm 23.3.2010 dưới đề tài “Nhân quyền và Tự do tôn giáo tại Việt Nam”, mà ông Ái đã bình luận rằng :

“Sự kiện hôm 16.3 đối với ông Thor Halvorssen cho thấy chính sách tôn giáo hai mặt của Hà Nội đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ bị quản chế không hề được xét xử, chưa có tòa án nào phán xét tội danh ngài. Tại diễn đàn LHQ hay trên các diễn đàn quốc tế, Hà Nội không ngừng khẳng định Hòa thượng không bị giam giữ, quản chế, Hòa thượng “hoàn toàn tự do”. Thế mà nay sự thăm viếng của một người ngoại quốc – ông Thor Halvorssen – bị xem như phạm pháp, bị câu lưu, hăm dọa, hành hung và thẩm vấn ?! Nếu Việt Nam cư xử với một người ngoại quốc như thế, thử hỏi sự hành xử miệt thị của nhà cầm quyền Cộng sản còn bi thiết như thế nào đối với 86 triệu công dân Việt Nam ?”

Cuộc thăm viếng đã được ông Thor Halvorssen viết thành bài “Mục tiêu cao cả của bậc Cao tăng đất Việt” (The Noble Prupose of a Vietnamese Monk) đăng trên tờ The Huffinton Post và cũng là lời dẫn nhập cho cuốn phim phỏng vấn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ sẽ trình chiếu tại Hội nghị Diễn Đàn Tự do Oslo vào ngày 28.4.2010.

Bài viết được Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế Việt dịch sau đây :


Mục tiêu cao cả của bậc Cao Tăng đất Việt

Viết từ Saigon, Việt Nam – Nhắc tới Việt Nam, đa số khách bàng quan chỉ nghĩ đến máy bay trực thăng Mỹ trang bị súng ống lượn vòng trên đồng bằng sông Cửu Long truy kích lính Việt Cộng. Cuộc chiến đó chấm dứt vào cuối tháng Tư năm 1975 khi bộ đội Hồ Chí Minh chiến thắng bước vào Saigon. Mẫu trực thăng Mỹ vẫn còn đó và được chưng trong Viện bảo tàn di sản chiến tranh, cạnh những hình ảnh sưu tập hằn bóng chiến tranh. Buồn thay, vẫn còn ở đây một chính quyền Cộng sản rêu rao giải phóng cho một dân tộc 82 triệu người.

Đã 35 năm hơn cho lời hứa hẹn giải phóng ấy, nhưng Việt Nam vẫn còn bị một đảng thống trị. Không ai được quyền phê phán nhà nước, và những xã hội dân sự chính yếu đều phải hoạt động trong vòng kiểm soát của cơ cấu chính quyền. Báo chí đăng tải những tin tức chính trị xẩy ra bên Thái Lan hay ở Úc châu hơn là những chuyện đang xẩy ra tại Việt Nam. Chẳng thấy đâu công đoàn độc lập, và bất cứ ai kêu gọi cho nhân quyền hay dân chủ đều bị tống giam – thường quy cho tội “xâm phạm an ninh quốc gia”. Hàng trăm nhà bất đồng chính kiến chính trị và tôn giáo bị cầm tù, nơi diễn ra những cuộc tra tấn.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, vị cao tăng Phật giáo 81 tuổi, là một trong những nhà bất đồng chính kiến ấy. Chuyện đời Hòa thượng là một chuỗi đấu tranh ôn hòa cho tự do và dân chủ Việt Nam – mà cũng là sự kiên trì nhẫn nại trước cuộc đàn áp khắc nghiệt của nhà nước như lời đáp-trả bức thông điệp của Hòa thượng.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tổ chức bị chính quyền cấm đoán. Hòa thượng là biểu tượng kết liên của phong trào dân chủ sôi sục dưới đáy tầng đàn áp của chế độ độc tài Việt Nam. Hòa thượng đã trở thành một trong những người bảo vệ chính trực cho dân chủ và nhân quyền, và đang thách thức chính quyền thông qua những kiến nghị gọi kêu cuộc thảo luận trên lĩnh vực cải cách dân chủ và nhân quyền.

Tôi đã gặp Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tại ngôi thiền viện ngài bị chính quyền quản chế. Tôi đến để thu âm lời chứng của ngài cho hội nghị nhân quyền mà ngài không được phép sang tham dự.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, ảnh của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, ảnh của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế

Câu chuyện của đời ngài giàu ấn tượng.

Vào năm 17 tuổi, Hòa thượng chứng kiến bổn sư ngài bị bộ đội Hồ Chí Minh bắt nơi ngôi chùa Linh Quang là ngôi chùa đầu đời của ngài. Một tấm biển treo trên cổ với chữ “Bán nước”, rồi ba phát súng lục bắn vào màng tai sư phụ ngài. Hòa thượng nói với tôi rằng kể từ giây phút ấy, ngài cảm nhận chế độ độc tài cộng sản sẽ không tồn tại lâu dài. Hòa thượng nói “Họ thảm sát, họ ly tán gia đình, họ bóp nghẹt tự do, và xử tội tình yêu… một cách dã man, thì đó không thể là nền tảng xây dựng nên thể chế chính trị. Nhân dân ruồng bỏ sự vô đạo và ác độc”. Hòa thượng đoan quyết rằng, người cộng sản có đề cao mục tiêu phục vụ cao cả nào chăng nữa, ngài chẳng bao giờ chấp nhận bạo lực, thù hận và sự kỳ thị. Hòa thượng bỏ cả đời mình đấu tranh chống lại sự bất bao dung. Hòa thượng giải thích rằng, “Những chi lợi ích cho nhân loại mới có thể tồn tại. Đó là lý do vì sao Phật giáo tồn tại từ hai nghìn năm trên đất nước này. Và vì sao độc tài sẽ chấm dứt một ngày gần đây”.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã phải trả giá đắt cho cuộc hành hoạt của ngài. Tổng cộng 28 năm trong cảnh tù đày – dài hơn những ngày tù của Nelson Mandela ở Nam Phi. Trải hơn chục lần ngài bị đánh đập, tra khảo, và biệt giam. Ngày nay, chính quyền thường rêu rao ngài được tự do, nhưng ngài ví cuộc quản chế ngày nay như “con cá trong chậu – tôi có thể đi đứng quanh liêu phòng của tôi – nhưng hãy liệu hồn nếu tôi muốn nhảy thoát hòng nếm mùi vị tự do bên ngoài”.

Sự dấn thân kiên định của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ cho sự thật, là lý do làm cho thế giới biết đến hoàn cảnh của một triệu người tù gửi vào các Trại Cải tạo Việt Nam, mà chẳng bao giờ được xét xử trước tòa án. Sự phản kháng và lên tiếng của Hòa thượng đã đưa ngài tới chốn lưu đày trong ngôi chùa hoang lạnh lẽo ở miền Bắc. Chính quyền đưa cả bà mẹ già 84 tuổi của ngài cùng ngài đến đấy. Bà đã chết trong cái chết khủng khiếp vì lạnh và đói năm 1985. Hòa thượng cảm thấy trách nhiệm trong sự khổ đau của mẹ mình. Hầu như mọi thành viên của gia đình ngài đều chết trong tay của quyền chính – vì họ chẳng chịu chối từ nguồn đạo Phật họ tôn thờ.

Trong thông điệp bí mật chuyền ra nước ngoài Hòa thượng nói rằng :

“Nhân quyền là quyền của mỗi con người được sống tự do và được tôn trọng như những thành viên của xã hội. Nhưng Việt Nam ngày nay không có tự do. Chúng tôi là những người tù ngay trên quê hương của chúng tôi, ngay trong ngôi chùa, trong mỗi căn nhà của chúng tôi – tù nhân của một chế độ giữ độc quyền cho phép chúng tôi ăn nói hay bắt chúng tôi cầm mồm, ban phát cho chúng tội quyền tự do hay bắt chúng tôi bỏ tù. Tất cả chúng tôi là tù nhân của chế độ từ sau 35 năm chiến tranh chấm dứt, một chế độ tiếp tục cuộc chiến tranh chống lại nhân dân họ, đồng thời cướp giật mọi nhân quyền cơ bản của người công dân. Thiếu dân chủ và đa nguyên, chúng tôi chẳng sao diệt trừ sự nghèo đói và bất công, cũng không sao phát triển thực hữu và đem lại tiến bộ cho dân nước tôi. Thiếu dân chủ và đa nguyên, chúng tôi không thể bảo đảm cho quyền con người, vì nhân quyền không thể bảo đảm khi chưa được những thiết chế dân chủ và pháp quyền bảo vệ”.

Trong quá khứ, những khách ngoại quốc như bà Dân biểu bang California, Loretta Sanchez, bị chận bắt khi vào Thanh Minh Thiền viện. Năm 2006, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ nhận được Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto, một giải nhân quyền ở Vương quốc Na Uy thường dễ trở thành Giải Nobel Hòa bình trong tương lai (như trường hợp đã xẩy ra đối với bà Aung San Suu Kyi ở Miến Điện, ông José Ramos Horta ở Đông Timor, bà Shirin Ebadi ở Iran, ông Kim Dae-jung ở Đại Hàn). Vị Giám đốc Điều hành của Sáng hội Rafto đã bị bắt khi bước vào Thanh Minh Thiền viện để trao giải cho Hòa thượng.

Còn trường hợp của tôi, thì bị bắt khi vừa ra khỏi Thanh Minh Thiền viện. Công an mặc thường phục đứng chờ bên kia đường trước mặt Thiền viện, họ đã bắt tôi đưa về đồn công an. Rốt cuộc tôi cũng được trả tự do – nhưng chỉ sau khi họ thẩm vấn tôi suốt một giờ đồng hồ về sự kiện vì sao tôi đến chùa. May mắn thay, một sự lơ là khiến cho người bạn đồng nghiệp của tôi, người điều khiển máy quay phim, đã kịp trốn thoát qua một cửa cạnh chùa.

Đoạn phim mà chúng tôi ghi được ở Thanh Minh Thiền viện sẽ được trình chiếu ở thủ đô Oslo, Vương quốc Na Uy, vào ngày 28.4, tại Đại hội Diễn Đàn Tự do Oslo. Và cũng sẽ được đưa trực tuyến lên Trang nhà www.oslofreedomforum.com.


Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *