PARIS, ngày 1.6.2010 (PTTPGQT) – Hòa thượng Thích Thanh Quang từ Đà Nẵng vừa báo động đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế việc nhà cầm quyền và công an ngăn cấm không cho Phật tử vào chùa Giác Minh dự lễ Phật Đản hôm 28.5.2010.
Hòa thượng Thích Thanh Quang, Chánh Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) Quảng Nam – Đà Nẵng kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên đã báo động hai đợt khủng bố liên tiếp ngày 21.5. và 27.5.2010 của Công An và Mặt Trận tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, cấm đoán sinh hoạt tôn giáo mà chúng tôi đã trình bày qua Thông cáo báo chí phát hành hôm 27.5.
Bản tin khẩn số 3 mà chúng tôi nhận được sáng nay cho thấy rõ chính sách đàn áp Phật giáo xâm phạm đến cả Đại lễ Phật Đản là truyền thống tín ngưỡng có từ nghìn xưa. Tối 14 tháng tư âm lịch (27.5) công an và dân phòng bất thần đến khám xét chùa gọi là kiểm tra hộ khẩu với thái độ hạch xách dữ dằn. Qua ngày 28.5, ngày chính thức cử hành Đại Lễ Phật Đản, từ sáng sớm hàng trăm cán bộ, công an, dân phòng kéo đến bao vây Chùa Giác Minh, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Bằng một hàng rào công an, tất cả các ngã đường đến Chùa Giác Minh bị kiểm soát chặt chẽ. Phật tử các nơi về dự lễ đều bị ngăn chận. Không một đồng bào, Phật tử nào bước được vào chùa. Một số Phật tử liều mạng xông vào thì bị xô đẩy thô bạo tiếp theo những lời chửi bới tục tằn.
Các đoàn xe chở các em Gia Đình Phật Tử từ các huyện Đại Lộc, Núi Thành về dự lễ cũng bị chận tại đường Hoàng Diệu. Hai Huynh trưởng Đoàn Thanh Thông, Hồ Đủ đến gặp đại diện chính quyền hỏi lý do thì bị một số côn đồ xông vào chửi bới, xô đẩy, đòi đánh. Nhận thấy tình hình quá căng thẳng nên anh Thông và anh Đủ cho các em xuống xe ngồi trên lề đường chờ công an giải quyết, không ngờ một số cán bộ, phụ nữ, dân phòng ào tới xua đuổi các em xuống lòng đường. Ở lòng đường lại bị công an áp tới la mắng.
Cho tới 9 giờ sáng, dù không có một Phật Tử nào vào được chùa, Hòa Thượng Thích Thanh Quang quyết định vẫn cử hành Nghi Lễ Khánh Đản như chường trình đã dự định do Chư Tăng bổn tự thực hiện. Từ các hẽm và các đường bao quanh chùa, Phật tử nhất tề đứng lên tay chắp trước ngực hướng về chùa cầu nguyện khi nghe chuông trống bát nhã cất lên. Một số các sư cô trong chùa tìm cách mang nước uống, trái cây và bánh mì ra cho các em đoàn sinh Gia Đình Phật tử bị đói khát ngoài đường, thì bị cán bộ, dân phòng chận lại không cho tiếp tế, và cũng không cho các cô trở vào chùa!
Theo lời Hòa thượng Thích Thanh Quang viết trong Bản tin khẩn số 3, thì “Đây là một hành động man rợ, mất hẳn tính người, khi chúng ta nhìn sang Thái Lan, phe Áo Đỏ quyết chiến đến cùng với chính phủ Thái Lan nhưng chính phủ không hề tuyệt đường lương thực của họ. Thật đáng xấu hổ cho đất nước Việt Nam dưới thời Cộng sản”.
Kết thúc bản tin khẩn, Hòa thượng Thích Thanh Quang gửi lời “kính xin Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế thông tri đến các cơ quan truyền thông, các tổ chức Dân Chủ, Nhân Quyền, cực lực lên án hành vi chà đạp luật pháp, chà đạp đạo lý truyền thống của dân tộc, chà đạp quyền tự do tôn giáo và nhất là Nhà đương quyền cùng Công An là thủ phạm gây rối an ninh trật tự, thủ phạm gây mất ổn định sinh hoạt của dân chúng chứ chẳng ai khác”.
Đồng thời với việc loan báo hôm nay, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã thiết lập hồ sơ đàn áp Phật Đản gửi đến Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève và chính giới Âu, Mỹ, Á.
Văn phòng II Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, tổ chức Đại lễ Phật Đản trang nghiêm, hùng tráng, đạo vị tại chùa Điều Ngự, bang California, Hoa Kỳ
Chủ nhật 23.5, Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2554 do Văn phòng II Viện Hóa Đạo tổ chức tại trụ sở của Giáo hội ở chùa Điều Ngự, thành phố Westminster, bang California, Hoa Kỳ, trong không khí tràn đầy đạo vị, trang nghiêm và hùng tráng trước hơn 5000 Phật tử.
Một khóa tu học Phật pháp cũng được tổ chức ba ngày trước đó với trên 300 học viên từ khắp các tiểu bang Hoa Kỳ về tham dự. Trong số này có 200 học viên phát nguyện thọ Bồ tát giới vào sáng ngày Khánh Đản.
Trước đại lễ một ngày, hôm thứ bảy, một trăm chiếc xe hoa cắm cờ Phật giáo chở hơn 500 chư Tăng Ni, Phật tử chạy qua đường phố Bolsa ở Quận Cam, nơi được mệnh danh là thủ đô của Người Việt Tị nạn, đến Viếng và Cầu Nguyện tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ và Tượng Đài Thuyền Nhân đặt ở thành phố Westmister.
Sáng chủ nhật 23 tháng 5, trên 5000 Phật tử và đồng bào các giới đã tề tựu chật ních sân chùa Điều Ngự để xem triển lãm tranh ảnh, vườn hoa Lâm Tỳ Ni, và tham dự Đại lễ Phật Đản. Đông đảo các quan khách Việt Nam đại diện các tôn giáo, đoàn thể, đảng phái đều hân hoan góp mặt. Phía Hoa Kỳ gồm có 11 vị Thượng nghị sĩ, Dân biểu, và Thị trưởng hai thành phố Westminster và Costa Mesa lên máy vi âm phát biểu tán thán ngày đức Phật ra đời.
Mở đầu chương trình, Thượng tọa Thích Giác Đẳng giới thiệu chư Tôn đức trong Văn phòng II Viện Hóa Đạo và chư Tăng ngoại quốc, tiếp đến Huynh trưởng Minh Quang Lê Văn Thẩm tuyên đọc danh sách 69 phái đoàn Phật giáo tại Hoa Kỳ, là những đơn vị của Giáo hội, và hàng chục đơn vị Gia Đình Phật tử từ khắp các tiểu bang Hoa Kỳ về dự lễ. Tiệp tục sau đó là những giọng giới thiệu chương trình duyên dáng của nhà thơ Thái Tú Hạp, Chị Minh Phượng và chị Ái Cầm.
Thượng tọa Thích Viên Lý, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ, nhấn mạnh trong bài Diễn văn khai mạc rằng:
“Cách đây 2634 năm, vì sự khổ đau của tất cả muôn lòai, đức Từ phụ Bổn sư Thích ca Mâu Ni Thế tôn đã thị hiện Đản sanh. Sự thị hiện Đản sanh của đức Phật đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Từ bi và Trí tuệ. Bằng vào cuộc cách mạng tâm linh không tiền khoáng hậu, đức Phật đã giải phóng mọi nô lệ và giải thoát mọi vô minh cho vô lượng vô số chúng sinh.
“Mục đích của sự có mặt của chúng ta hôm nay ở đây là để cử hành Đại Lễ Khánh Đản đồng thời để biểu tỏ lòng tri ân sâu xa của chúng ta đối với đại nguyện giáo hóa độ sanh sâu dày của đức Phật.
“Đây là ngày trọng đại, ngày đánh dấu sự ra đời của bậc Đại giác trong nỗ lực thể nghiệm chân lý và đã trao truyền cho thế gian bức Thông điệp của hòa bình, từ bi, bao dung mà hiện nay hàng trăm triệu tín đồ thuộc nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tìm thấy sự tác hưởng, cứu độ và tiêu đích cứu cánh trong giáo pháp thậm thâm vi diệu của Ngài.
“Kính thưa chư liệt vị, trong khi chúng ta đang tự do để cử hành đại lễ ở đây thì tại Việt Nam đồng bào thân yêu của chúng ta vẫn đang tranh đấu từng ngày, từng giờ vì bị tước đoạt mọi tự do, nhân quyền và dân chủ.
“Trên 2000 năm qua, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hiện đặt dưới sự lãnh đạo của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ – Xử lý Viện Tăng Thống kiêm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, đã vun trồng hạt giống từ bi, cảm thông, hài hòa và bao dung trong xã hội bằng cách tuyên dương nền hòa bình qua sự thực hành các nguyên lý căn bản của Phật giáo và không ngừng tranh đấu cho quyền làm người đặc biệt là Quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam”.
Sau đó toàn thể hội trường trang nghiêm và xúc động lắng nghe Thông điệp Phật Đản do Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tuyên đọc qua băng thu âm từ Thanh Minh Thiền viện ở Saigon. Tiếp đến Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác kiêm Chủ tịch Văn phòng II Viện Hóa Đạo ban Đạo từ Phật Đản, mà khi kết luận Hòa thượng nhấn mạnh đến vấn đề Pháp nạn hiện nay nơi quê nhà của Giáo hội:
“Đức Phật cho chúng ta vô số những bài học lợi ích cho cuộc sống hằng ngày. Chúng ta khổ không phải vì không có niềm an lạc, mà vì chúng ta hoặc không biết hay không nhớ lời Phật dạy. “Hỡi chư tỳ kheo đây là lời dạy của ta cho các con. Kia là cội cây, là tịnh thất hãy tinh tấn tu tập thành tựu mục đích cao cả để khỏi hối hận về sau.
“Đại lễ nầy cũng nhắc chúng ta thêm một mùa Phật Đản trong pháp nạn. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn chưa phục hoạt được quyền sinh hoạt pháp lý tại Việt Nam. Người Phật tử Việt Nam vẫn chưa thể có được sự lãnh đạo tinh thần mà không bị sự khống chế của nhà cầm quyền. Tất cả những loạn động bên ngoài hay bên trong Giáo Hội vốn bắt nguồn từ một nguyên nhân. Một người bình thường dễ dàng bị bối rối trước những tác động xa gần. Chúng ta phải tỉnh táo nhận định rằng tất cả là hệ quả tất nhiên của pháp nạn. Giáo hội phải trả giá trong nỗ lực cho sự vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Đó là một hành trình trường kỳ và đầy thử thách. Nhưng chúng ta đừng quên rằng một trong những đặc điểm của bồ tát hạnh là sự thể hiện dấn thân vì đại bi tâm và tinh thần trách nhiệm chứ không phải là mong cầu thành quả.
“Nhân mùa Khánh Đản xin tất cả chúng ta đồng nhất tâm cảm niệm ân sâu hóa độ của Đức Phật và cầu nguyện cho giáo hội, cho quê hương, cho nhân loại và pháp giới hữu tình thảy đồng ân triêm lợi lạc”.
Trong thời thuyết pháp về ý nghĩa Ngày Đản sinh của đức Phật, Đại lão Hòa thượng Thích Chánh Lạc, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo, nhấn mạnh đến tinh thần Vô Ngã Vị Tha và cuộc truyền bá bất bạo động không làm đổ một giọt máu của Phật giáo:
“Một khi chưa vượt thoát sanh tử luân hồi, nghĩa là đương còn trong tam giới, thì thay nhau làm cha mẹ chú bác cô dì thân thuộc của nhau. Vì thế đức Phật nói rằng thế giới trong nghĩa trùng trùng duyên khởi, mà đã trùng trùng duyên khởi, thì cái này có cái kia có, cái này diệt thì cái kia cũng không theo. Vì là luôn thay đổi và sinh diệt, thay nhau bởi những dạng nọ dạng kia, cho nên chúng ta không nhìn được thực tế của sự sự vật mà chúng ta nghĩ rằng cái nọ cái kia không liên quan, mà đức Phật thì nói rằng trong trùng trùng duyên khởi tất cả mọi thứ là một. Một là tất cả, tất cả là một.
“Một điều cần hiểu biết trong vô số hiểu biết đó là tinh thần Vô ngã vị tha, quên mình vì người, của đức Phật trong khi Ngài đã trải qua ba vô lượng kiếp tức là ba a tăng kỳ kiếp tu bồ tát hạnh. Và khi thành đạo rồi Ngài nói cho chúng ta biết rằng là Ngài xuống đây như câu kinh này: Đức Phật xuất thế không vì ngự trị thế gian mà chính là để mở ra con đường trí tuệ giải thoát, thân ái cho tất cả muôn loài vạn vật. Đó là câu Vô ngã vị tha, quên mình vì người. Cho nên tinh thần đó đạo Phật có trên quả đất này 2599 năm. Và trên trang sử truyền bá của đạo Phật chưa bao giờ làm đổ một giọt máu nào, sự truyền bá Phật giáo hoàn toàn trong trắng, chưa dính máu của bất cứ một chúng sanh nào trên quả đất nhỏ bé của chúng ta”.
Sau thời thuyết pháp, trước khi giới thiệu hai người khách Hoa Kỳ thuộc Diễn Đàn Tự do Oslo, Giáo sư Võ Văn Ái nói về Ý nghĩa bức Thông điệp Phật Đản năm nay. Theo giáo sư Ái, những bức Thông điệp trước đây đề cập tới dân sinh quan, tức quan niệm về quyền sống và quyền dân của người Phật tử có hai nghìn năm lịch sử dưới thời đại độc tài cộng sản, đồng thời các thông điệp ấy cũng thể hiện tính đặc thù của nền Phật giáo Việt Nam.
Năm nay bức Thông điệp của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đề cập đến thế giới quan Phật giáo, quan niệm thế giới về sự đóng góp của người Phật tử Việt Nam để hóa giải nạn bạo động, khủng bố và độc tài trên thế giới. Điều đã từng được chứng kiến vào năm 325 trước Tây lịch khi Alexandre Đại đế chinh phục Ấn Độ. Nhưng nhờ gặp gỡ triều đại bao dung, hòa bình Phật giáo dưới thời A Dục Vương đại đế, làm thoắt sinh nền văn hóa hòa bình Gandhara suốt vùng Trung Á trong vòng 8 thế kỷ. Chứ không như, theo luận điểm của học giả Samuel Huntington, các cuộc va chạm văn hóa bằng bạo lực chỉ đưa tới sự phá sản tan tành các dân tộc bị trị, mà lịch sử chứng kiến qua các cuộc cướp phá thành La Mã, thập tự chinh, khám phá Châu Mỹ hay cuộc xâm thực Châu Phi.
Giáo sư Ái cũng giới thiệu ví dụ thứ hai của sự va chạm văn hóa không thông qua bạo lực và chiến tranh mà ít ai còn nhớ, đó là nhánh Ky tô giáo phương Đông đi về Á châu theo truyền thống Nestorius, gọi là Giáo hội Nestorian. Nhánh này gặp gỡ Phật giáo, hòa đồng với Phật giáo một cách khoan hòa, mà dấu vết còn lưu nhiều đoạn thánh kinh dịch theo lối Kệ Phật giáo ở động Đôn Hoàng. Hay năm 782, ngài Bát Nhã truyền đạo sang Trung quốc mà công cuộc dịch kinh Phật đã có sự cộng tác của Giám mục Adam ở Tràng An. Danh từ Tổng lãnh thiên thần của Thánh kinh đã được họ dịch thành chư Bồ tát; tại Ấn Độ ngày nay còn nhiều di tích cho thấy cây thánh giá dựng trên tòa sen biểu tượng cho sự đối thoại hòa đồng này. Tiếc thay nhánh Ky tô giáo phương Đông khoan hòa tôn giáo này đã bị nạn Hồi giáo rồi trận đói trên địa cầu vào thế kỷ thứ 12 làm tiêu trầm.
Điều đặc sắc mang nhiều ý nghĩa huynh đệ và quốc tế tại đại lễ năm nay, là sự hiện diện của hai nhà hoạt động Nhân quyền thuộc Sáng hội Nhân quyền (Human Rights Foundation) và Diễn Đàn Tự do Oslo (Oslo Freedom Forum). Đó là bà Sarah Wasserman và ông Kristopher Anderson. Ông Kristopher Anderson đã cùng với ông Thor Halvorssen, Chủ tịch Diễn đàn Tự do Oslo đến Thanh Minh Thiền viện hồi trung tuần tháng 3 năm nay phỏng vấn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Kết quả cuộc gặp gỡ, là ông Thor Halvorssen đã bị công an hành hung, đánh vào đầu và bầm tím lưng khi ông rời khỏi Thiền viện ở Saigon. Nhưng kết quả còn là phim hình phỏng vấn được an toàn chuyển ra nước ngoài gây xúc động thế giới qua hệ thống Youtube, qua cuộc trình chiếu tại Hội nghị Diễn Đàn Tự do Oslo hôm 28.4, tại Quốc hội Hoa Kỳ nhân Ngày Nhân quyền Việt Nam hôm 11.5, và lần này trình chiếu tại Đại lễ Phật Đản do Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế làm phụ đề Việt ngữ. Sự việc này được bà Sarah Wasserman trình bày qua bài phát biểu, và do Nhà văn Ỷ Lan dịch sang tiếng Việt cũng như lời phát biểu của ông Kris Anderson sau đó:
“Câu chuyện của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là một cuộc tranh đấu bất bạo động cho tự do, dân chủ tại Việt Nam. Ngài là Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), một giáo hội bị nhà cầm quyền cấm đoán. Ngài là biểu tượng thống nhất của phong trào dân chủ sôi sục dưới mặt bằng đàn áp của chế độ độc tài Việt Nam. Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là một trong những tiếng nói nổi danh nhất bảo vệ cho dân chủ và nhân quyền khi ngài thách thức nhà cầm quyền thông qua những kiến nghị yêu sách mở cuộc thảo luận cho việc cải cách dân chủ và nhân quyền.
“Ngài đã hiến dâng cả đời Ngài cho cuộc đấu tranh chống lại sự bất bao dung, nên phải chịu cảnh 28 năm tù đày – dài hơn cả những năm tù của Nelson Mandela dưới chế độ Apartheid (phân biệt chủng tộc) ở Nam Phi.
“Các nhà lãnh đạo mang tầm ảnh hưởng và gây cảm hứng mạnh mẽ nhất thế giới đã từng gặp gỡ thường xuyên để trao đổi. Mỗi năm họ thảo luận về sự phát triển tại Viện Clinton Khởi xướng Toàn cầu (Clinton Global Initiative). Họ bàn cãi chuyện tài chính quốc tế tại Diễn Đàn Kinh tế Thế giới. Họ trao đổi về Kỹ thuật, về tiêu khiển, về cách trang trí tại Hội nghị TED (Technology, Entertainment and Design). Nhưng họ chẳng suy tính chi cho nhân quyền và tự do.
Sáng hội Nhân quyền (Human Rights Foundation) vừa thiết lập Diễn Đàn Tự do Oslo (Oslo Freedom Forum) để khỏa lấp sự thiếu sót này, đồng thời đóng vai trò tập hợp toàn cầu cho Nhân quyền. Tiếc thay, không giống như Hội nghị Davos, nơi các nhà tỉ phú đến tham dự bằng máy bay riêng, trong khi đó những tù nhân chính trị, là các nhân chứng đích thực làm trọng tâm cho Diễn Đàn, tự thấy hạnh phúc xiết bao nếu họ có thể đến thủ đô Oslo tham dự. Nếu họ không bị cấm cố, thì những người như Aung San Suu Kyi ở Miến Điện hay Gustaveo Paz ở Peru chẳng có cách gì rời nước tới thủ đô Oslo.
“Chúng tôi tin chắc rằng chính những tiếng nói này cần được lắng nghe, những kẻ đứng ở tuyến đầu đang bị câm nín vì họ không được hắt ra một lời nói cho thế giới bên ngoài. Đây là điều chúng tôi vừa cảm thấu sau chuyến viếng thăm Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ hồi tháng ba vừa qua, một người tù trong một ngôi chùa, người tù đó chưa hề phạm bất cứ tội gì, mà cũng không được tiếp bất cứ ai nơi thế giới bị cấm ấy.
“Sáng hội Nhân quyền tại New York là một tổ chức còn non trẻ, và có thể chúng tôi ngây thơ chăng, khi chúng tôi đến một nơi mà chẳng ai dám tới, chẳng ai muốn tới. Thế nhưng phần nào chúng tôi đã thành công mà chẳng bị tổn thương chi. Chúng tôi đã từng sang Cuba, nơi mà những kẻ bảo vệ nhân quyền bị xem như tội đồ. Chúng tôi đã chuyển vào Cuba những bản phim và sách, là loại quốc cấm, chúng tôi cũng chia sớt những kỹ thuật cho những nhóm người đấu tranh cho dân chủ. Gần đây, chúng tôi cũng lại sang Cuba như chúng tôi đã làm ở Việt Nam, để thu âm tiếng nói của nhân chứng Yoani Sanchez, một Blogger dám ăn dám nói, không được rời khỏi đảo tù, một trường hợp y như Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ.
“Mục đích lần đến Việt Nam của chúng tôi là thu hình cho được tiếng nói của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, làm sao cho việc sản xuất này mang giá trị gọi mời cho người xem vốn ít có liên hệ tới lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, đặc trưng hóa câu chuyện và để cho chuyện kể sáng lên như một ví dụ của kiểu cách trấn áp đang hiện hành tại Việt Nam. Vị chủ tịch của chúng tôi là ông Thor Halvorssen cùng với con người gan dạ đầy sáng kiến phim ảnh, Kris Anderson, người đang có mặt với chúng tôi hôm nay, đi Saigon, quan sát Thanh Minh Thiền viện và đã thấy ra một số công an chìm. Đây là biểu hiện tại các quốc gia mà nhà cầm quyền muốn tránh sự dòm ngó và phê phán của quốc tế bằng cách cô lập và bịt họng các nhà lãnh đạo Phật giáo, thay vì bắt bỏ tù họ. Một chiến lược tinh vi của sự giam hãm mà nhà cầm quyền cộng sản đã thành công khiến cho những quốc gia như Hoa Kỳ chịu rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm.
“Ở hai khách sạn khác nhau, Thor và Kris cùng đến Thanh Minh Thiền viện, nơi công an theo dõi nhưng chưa động tịnh chi. Thor vào trước, dù biết rằng rất có thể bị bắt khi trở ra. Và Thor đã nghĩ đúng. Vừa rời khỏi Thanh Minh Thiền viện, Thor bị công an chìm bám sát. Một tên đánh thụi vào lưng, và xô mạnh, để lại một lớp bầm tím sau lưng. Ba tên khác chạy theo, la ó: “Tại sao mày vào chùa? Mày vô đó làm chi?”. Sau khi lục xét túi xách, chúng dẫn ông Halvorssen tới đồn công an cạnh đó, nơi ông bị câu lưu và bị một sĩ quan cao cấp thẩm vấn. Ông Thor Halvorssen chẳng nói chi khác ngoài chuyện đến thăm vị sư Phật giáo, rồi được thả vài giờ sau. Còn Kris thì đi ra một cửa khác mà Thor không biết. Cả hai người rời Việt Nam ngay hôm đó.
“Chuyện tôi vừa trình bày chỉ là một giai thoại, không phải là lý do đưa chúng tôi đến đây hôm nay. Lý do chúng tôi có mặt hôm nay là vì Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ vẫn còn bị quản chế. Nhà cầm quyền cộng sản thì nói rằng Ngài đang được tự do, nhưng đối với Ngài, Ngài chỉ là con cá vàng trong chậu. Ngài không được rời chùa; ngài không được thuyết pháp cho quần chúng. Ngài không được làm bất cứ gì mà quý vị trong hội trường nay có quyền làm. Như tự do phát biểu, tự do phản kháng, tự do phê phán chính quyền. Cuốn phim mà quý vị sẽ xem vừa được thực hiện gần hai tháng qua. Chúng tôi tin và hy vọng rằng mọi người ở đây đang chờ đợi và sẽ phổ biến rộng rãi. Để cho thế giới được biết thực tại Việt Nam ngày nay như thế nào”.
Sau bà Sarah Wasserman, ông Kristopher Anderson kể chuyện Saigon qua máy vi âm:
“Khi cuộc phỏng vấn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ chấm dứt, Thor rời Thanh Minh Thiền viện trước tôi và như qúy vị đã biết, anh liền bị bắt.
“Đến lúc chia tay, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ dẫn tôi ra một lối khác. Ngài cảm ơn tôi, rồi nắm chặt tay tôi lắc lắc. Tôi ngỏ lời cám ơn Ngài, lúc đó tôi thấy ngài cau mặt, nước mắt lưng tròng tuy vẫn tiếp tục cám ơn tôi dồn dập, rồi bỗng nhiên Ngài ôm tôi vào lòng cho đến khi nghẹn lời. Lúc ấy người làm vườn trầm tĩnh nhưng nhanh lẹ dẫn tôi ra khỏi chùa, nhưng tôi vẫn ngoái nhìn Ngài, tôi thấy tay ngài chắp trên màu áo nâu. Mặt ngài căng thẳng, môi ngài mím chặt. Như có một con voi trĩu nặng trên vừng trán của vị cao tăng 82 tuổi. Ánh nắng phản chiếu trên giọt lệ đeo đẳng trên mắt Hòa thượng chẳng muốn rơi. Ngài nhìn tôi gật đầu lần nữa và tôi hứa sẽ thực hiện một cuốn phim thật hay.
“Những lời Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ nói trong cuộc phỏng vấn này đã được trình chiếu vòng quanh thế giới, tại Hội nghị Diễn Đàn Tự do Oslo, tại Ngày Nhân quyền Việt Nam ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, và bây giờ đây tại Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2554, cũng như chiếu ra khắp thế giới qua hệ thống Youtube.
“Chúng tôi mong mỏi quý vị sẽ xem cuốn phim này chốc nữa, qúy vị có thể phụ tay đưa phim lên Internet phổ biến khắp nơi cho mọi người được biết những điều ít ai biết, những điều người ta muốn quên… Nhưng Hòa thượng vẫn còn đó trong sự đấu tranh, trong sự quản thúc khắc khe.
“Nhưng chúng tôi có thể nói rằng bốn thập niên nỗ lực hết mình của nhà cầm quyền Cộng sản để làm câm nín Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã hoàn toàn thất bại”.
Ông Kris Anderson vừa dứt lời, cả hội trường cùng đứng lên vỗ tay hoan hô rất lâu. Những tiếng thét từ cuối hội trường “I love you!” – Tôi thương ông lắm – “You are great!” – Ông thật cao qúy.
Vì ánh nắng chói chang ban ngày miền California, phim không thể trình chiếu trên phông lớn, cuốn phim phỏng vấn được chiếu qua một số màn ảnh truyền hình thiết lập dọc hội trường gây xúc động cực kỳ cho đồng bào Phật tử cũng như các quan khách. Nhiều người thán lên trong cùng ý nghĩ: “Vậy mà lâu nay có người bảo Hòa thượng bị bao vây, Hòa thượng chẳng biết chi tin tức bên ngoài. Nay mới trực tiếp được nhìn Ngài trả lời linh mẫn trên mọi vấn đề và nói tiếng Anh như gió…”
Đại lễ Phật Đản được chấm dứt bằng nét son tươi với sự giới thiệu Ban Chấp hành Trung ương Liên Đoàn Cựu Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ do Huynh trưởng Như Nhơn Nguyễn Tấn Phúc làm Liên đoàn trưởng sau hai ngày đại hội, và sự ra mắt của 6 Khuôn hội Phật giáo mới hình thành trong đợt hai năm nay, nâng lên thành 12 Khuôn hội ở vùng Nam California. Sáu Khuôn hội ra mắt nhân dịp Phật Đản năm nay gồm có: Khuôn hội Nhật Liên, thành phố Santa Ana, Khuôn hội Tố Liên, thành phố Midway City, Khuôn hội Chân Nguyên, thành phố Fountain Valley, Khuôn hội Thiện Hoa, thành phố Costa Mesa, Khuôn hội Khánh Anh, thành phố Irvine, Khuôn hội Phúc Hộ, thành phố Anaheim.
Sáu Khuôn hội ra mắt năm ngoái vào dịp lễ Tiểu Tường Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, ngày 26.7.2009, là: Khuôn hội Khuông Việt, thành phố Westminster, Khuôn hội Tịnh Khiết, thành phố Garden Grove, Khuôn hội Đức Nhuận, thành phố Huntington Beach, Khuôn hội Đôn Hậu, thành phố South Bay, Khuôn hội Thiện Minh, thành phố Santa Gabriel, và Khuôn hội Quảng Đức, thành phố San Diego.