Burning Issue
CHUYỆN NÓNG BỎNG
Bộ Ngoại giao Thái được coi như người thành thạo việc tự bắn vào chân mình khi liên quan tới nhân quyền. Chuyện mới nhất khi Thái Lan cấm các nhà hoạt động nhân quyền có trụ sở ở Paris mở cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc tế của Thái Lan để làm vui lòng Việt Nam – một hành động gây thương tổn tiếng tăm của Thái Lan trên trường quốc tế.
Thái Lan đã nỗ lực rất nhiều để được làm thành viên trong Hội đồng Nhân quyền LHQ năm nay. Cuối cùng Đại sứ Sihasak Phuangketkeow đã đưa Thái lan lên chức Chủ tịch Hội đồng – một vinh dự cho xứ sở của một chính quyền đàn áp gây chết cho gần 100 người trong một cuộc biểu tình chính trị giữa trung tâm thủ đô.
Thái Lan, Chủ tịch một cơ cấu LHQ, được giả định như nhà vô địch bảo vệ và thăng tiến những nhân quyền cơ bản cho công dân Thái Lan và những ai đến viếng hay làm việc trên xứ sở tự do này.
Tiếc thay, ông Thủ tướng và ông Bộ trưởng Ngoại giao vốn được Tây phương đào tạo chỉ đãi bôi trên ý niệm nhân quyền.
Bộ Ngoại giao dùng quyền hành mình để hủy bỏ cuộc họp báo sẽ được tổ chức hôm thứ hai do Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam chủ trì.
Ông Võ Văn Ái và bà Penelope Faulkner, Chủ tịch và Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam bị khước từ chiếu khán nhập cảnh Thái Lan, là nơi họ sẽ công bố bản báo cáo của họ “Từ Viễn mơ đến Thực tế : Nhân quyền Việt Nam dưới quyền chủ tọa của ASEAN”.
Trước ngày lên đường sang Bangkok, ông Ái được Sứ quán Thái Lan điện thoại cho biết dù đã được cấp chiếu khán vào Thái Lan, ông sẽ bị cấm nhập cảnh theo lời yêu cầu của Việt Nam.
Tương tự như vậy, khi đến phi trường Charles De Gaulle ở Paris, bà Faulkner không được lên máy bay vì [hãng hàng không cho biết] bà sẽ bị chận tại phi trường Bangkok.
Thế là cuộc họp báo và bản báo cáo tự động bị hủy bỏ.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Thái gửi một bức thư lố bịch cho Câu lạc bộ Báo chí Quốc tế tại Bangkok, nói rằng “vào lúc mà Chính phủ Vương quốc Thái Lan gắn kết với điều đại quan trọng về những nguyên tắc cho tự do ngôn luận cùng những tư tưởng khác biệt, thì Thái Lan cũng có quan điểm cố hữu không cho phép những tổ chức hay cá nhân sử dụng Thái Lan như đất phát xuất các hành động có hại cho các quốc gia khác”.
Thật có phần đạo đức giả khi nói rằng họ tôn trọng tự do ngôn luận, đồng thời với việc cắm que ngáng họng người ta. Ngoài ra, sự nhận xét của Bộ Ngoại giao trên cái gọi là “có hại” là điều rất đáng ngờ.
Có thể chấp nhận việc Thái Lan không cho bất cứ ai dùng đất nước mình làm hại một nước láng giềng, nhưng một bản báo cáo thu tập những hồ sơ nhân quyền thì không thể được xem như một hành động có hại.
Thực tế, bản báo cáo này sẽ đem lại nhiều hữu ích cho Việt Nam, vì bản báo cáo mang lại nhiều khuyến thỉnh về phương cách cải tiến nhân quyền, lưỡng lợi cho Việt Nam cũng như cho vai trò chủ tịch ASEAN, ông Võ Văn Ái nói như vậy.
Thay vì chận đứng bản báo cáo nhân quyền, lẽ ra Bộ Ngoại giao Thái phải tận dụng tài ngoại giao khôn khéo để giải thích cho Hà Nội biết rằng ASEAN cũng có cơ cấu nhân quyền cho chính ASEAN, đó là Ủy hội Nhân quyền Liên chính phủ ASEAN – và trong vị trí Chủ tịch, Việt Nam phải chiếu cố đến mọi tiếng nói nhân quyền của các tổ chức Phi chính phủ.
Nếu Thái Lan đã làm như thế, mọi phe phái từ Thái Lan, Việt Nam đến ASEAN sẽ ngon lành biết bao.
Con đường thực hiện nhân quyền độc nhất là mở rộng tâm trí cho giới cầm quyền về những điều họ không muốn nghe.